Nguyễn Phương Hùng, 5-5-2010
Sáng thứ Sáu người viết ra khu Asian Village Mall đối diện trước Phước Lộc Thọ để dự lễ chào Quốc Kỳ VNCH hàng năm đúng ngày 30 tháng Tư để tưởng niệm Hồn Thiêng Sông Núi. Năm nào cũng vậy cộng đồng người Việt nam California làm một buổi lễ đúng 12 giờ trưa với sự hỗ trợ của đài Little Sàigon Radio. Nghi thức giản dị chào Quốc Kỳ, Mặc Niệm, VIP và BTC đọc diễn văn, HĐLT cầu nguyện tan hàng chờ năm sau làm tiếp và bà con ghé ngang thắp một nén nhang tưởng niệm những nạn nhân của thời điểm 30/4/1975.
Trước ngày 30 tháng Tư một tuần lễ, Ban Đại Diện Cộng Đồng thường xin phép treo Quốc Kỳ 1 tuần lễ trước và kéo dài sau ngày Quốc Hận một tuần sau đó (BĐD của 2 ông bà Vinh - Nguyệt thì chưa bao giờ dám chuyện treo cờ VNCH vì nhiều lý do.) Năm 1995 người viết là người đầu tiên xin thủ tục treo quốc kỳ VNCH trên đường Bolsa và kéo dài đến nay. Năm 2001, nhân đại hội truyền thông quốc kỳ VNCH treo 1 tháng liên tục trong tháng Tư.
Ngày 30 tháng Tư năm 2010 không có diễn văn từ chức của Dương Văn Minh, nhưng có một ông “chuẩn tướng hụt” dồn nỗ lực làm long tong cho GSV Janet Nguyễn đọc vài ba lời rao xếp hàng lãnh thực phẩm “cứu trợ” free hotdog, free T-shirt và free CD nhạc. Với tất cả những nỗ lực kêu gọi quảng cáo “free, free, free” liên tục trên đài VNCR nhưng buồn ơi vẫn là buồn.
Những quảng cáo là rất đông dân cử sẽ đến tham dự đã không diễn ra theo ý muốn. Phía tôn giáo chỉ có 2 thượng toạ Thích Quảng Thanh và Thích Viên Lý. Một buổi lễ khởi đi từ đơn xin của “người Việt gốc Mỹ” Matthew Harper vào tháng 2/2009, sau lưng là GSV Janet Nguyễn, sau đó là ông Lê Công Tâm lên trả tiền quảng cáo trên các đài phát thanh. Cá nhân ông cũng “thượng đài” gọi BTC ông Phan Tấn Ngưu là “ăn cướp,” bị người viết hỏi giấy và Việt Weekly đăng thông báo KALI 106.3 FM, bị knock-out trở thành “luật sư” tắt tiếng. Cái đau khổ của các ông luật sư là “không được nói.” Có những nghề ngậm miệng ăn tiền, nghề luật sư mà ngậm miệng thì chết đói phải đi làm tà lọt hay cố vấn dzởm.
Cuối cùng vì tranh chấp giữa 2 nhóm tổ chức GSV Janet Nguyễn và BTC cộng đồng Việt Nam nam California. GSV Janet Nguyễn phải trưng dụng một ông Đại tá “Hạ Sĩ Nhất” và ông Đại tá “Chuẩn tướng hụt” nhưng vẫn thiếu người đứng làm hầu kỳ nên phải tăng cường 3 cảnh sát viên quận Cam đứng trong toán hầu Quốc Quân Kỳ. Đúng là một ngày 30/4 made in Giám Sát Viên quận Cam Mỹ lai. Thứ Sáu là ngày làm việc, cảnh sát viên quận Cam được trưng dụng không biết lãnh lương bằng thuế của dân hay bằng tiền túi của BTC? Rắc rối nữa à.
Bà Bùi Bích Hà gáy: “GSV Janet Nguyễn, Last name là Nguyễn cũng là người Việt Nam, và cũng là “người tàu” (boat people = thuyền nhân), do đó cô đứng ra tổ chức no star where.” Không sao thiệt vì không phải tất cả mọi người đều nghe VNCR, những thính giả nghe VNCR cũng chưa chắc đã tin những gì Bùi Bích Hà nói one-way mà không U-turn. Nhất là người đã “nổi tiếng” vì có tác phẩm chữ Việt trùng hợp với tiểu thuyết Mỹ, cho nên số người đói ăn cũng không có nhiều. Mại dô hotdog, gâu gâu hotdog, xếp hàng hotdog. Vậy mà vẫn không đông. Tình cảnh xếp hàng dưới trời trưa nắng sao giống cảnh xếp hàng trong camp Pendelton cách đây 35 năm trong giờ ăn sáng, trưa chiều? Hotdog thì Home Depot chỉ có 99 xu. Đi dự lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận có phải chết đói đâu mà on-sale free trên đài phát thanh?
GSV Janet Nguyễn tuyên bà bảo hôm nay bà hiện diện nơi đây với tư cách là một thuyền nhân tị nạn (chắc bà Bùi Bích Hà cố vấn?) Nhưng khổ nỗi trên bục nói chuyện thì cái logo GSV to tướng chình ình (xem Việt Herald.) Đúng là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nếu là thuyền nhân thì đâu cần có logo GSV làm gì nhỉ? Thuyền nnhân mà sai được mấy ông cảnh sát viên quận Cam làm hầu kỳ thì chắc người viết cũng xin được làm “người tàu”. “Hãy cứ làm thuyền nhân, đừng làm Giám Sát Viên.” Thứ Sáu là ngày làm việc không biết GSV, phụ tá (vợ chồng Andrew Đỗ, Lê Công Tâm) đều là những nhân viên GSV có lấy phép nghỉ hay vẫn lãnh lương bằng tiền thuế đi làm chuyện tư không nhỉ?
Cái vô dziên nhất là các bà đăng đoàn lễ tế quan mặc áo vàng (hoàng bào,) veston đen. Một bàn chế biến củ kiệu hết sức made in GSV. Mỹ không ra Mỹ, Việt không ra Việt. Người viết chưa từng thấy đoàn tế nữ quan nào trước năm 1975 mặc veston?
Lại còn màn thắp nến ban ngày. Trời nắng chang chang mà thắp nến. Mục đích biểu diễn nên trời tối hay sáng no star where, đốt từ trong lòng đốt ra để che mắt mọi người âm mưu không có ý đồ chính trị. Do đó nắng mưa chiều tối là chuyện của ông trời, chuyện thắp nến là chuyện GSV tưởng niệm cho dzui dzẻ hết giờ.
Chris Prevatt là ai?
Một đài phát thanh có 3 thợ nói, nhưng cả 3 thợ nói không bao giờ ra ngoài tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng. Họ lại là 3 người thích bàn chuyện cộng đồng “không giống ai” nhất. Vớ được bài báo của anh chàng nhà báo lá cải viết trên mạng diễn đàn internet và đăng lại trên báo Việt Herald. Cả 3 thao thao bất tuyệt Brown Act, Brown Sugar loạn xì ngầu và sẽ đưa vào OC Register và LA Times. Chờ mãi chẳng thấy ai đăng ngoài lời “rao giảng tin mừng” của VNCR và Việt Herald.
Họ nói ngọt như đường mà thực tế họ chẳng biết đang nói gì, nói theo đơn đặt hàng và nói theo kiến thức trong căn phòng vi âm nhỏ bé 4 feet ngang và 5 feet dài. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà bịa chuyện biết đời nào khôn?
Trước ngày 30/4/2010 họ “rao giảng tin mừng” và hô hào đi ăn uống và tham dự văn nghệ thay vì đi tưởng niệm. Có thức ăn, áo thun, CD nhạc và văn nghệ hấp dẫn với những ca sĩ “thượng thặng” của nền âm nhạc “ăn cướp.” Cái gì cũng free, mang tiền của dân đi làm chuyện tư, lấy tiền công quỹ lên đài bi bô vu cáo “ăn cướp”, con chó cắn càn cũng free tuốt luột. Ngày tưởng niệm là thứ Sáu, ngày làm việc lấy cảnh sát sát viên đi làm hầu kỳ cho “thuyền nhân” tử nạn cũng free luôn.
Ngày thứ Hai 3/5/2010, “sướng” ngôn viên Hoàng Trọng Thụy bị đau, “sướng” ngôn viên Vũ Chung bận công tác LA (Los Angeles Times?), một mình bà Bùi Bích Hà cố thủ sau trận chiến giặc miệng. Nếu ngày 30/4/2010 buổi trưa đông ngang ngửa như buổi tối hoặc buổi tối ít “khác” hơn buổi trưa thì chắc 2 ông “sướng” kia sẽ không đau và không bận công tác. May quá, nhà đại gia báo chí Vũ Ánh không thích dùng chữ “chiến thắng”, nhưng tôi vẫn viết thua từ cả phẩm lẫn lượng nên đỡ mệt mắt và đỡ bị nhức lỗ tai. Bữa nào huổn chắc người viết sẽ tranh luận 2 chữ “chiến thắng.” Tranh chấp nào cũng phải có thắng bại. Chuyện ai gây ra chiến tranh mới là lý do cần phải viết, đúng không đại ca Vũ Ánh?
Theo lời cố vấn của thày dùi, bà GSV Janet Nguyễn mở lời: “hôm nay tôi hiện diện nơi đây với tư cách là một thuyền nhân,” (Lưu Sơn - Việt Herald tường thuật) nhưng trên bục nói chuyện thì một cái logo GSV Orange County tròn quay như mặt trăng to tổ bố. Thuyền nhân nào có quyền treo logo GSV, người tàu nào có quyền “đi chui” xin giấy phép và boat people nào có quyền xử dụng cảnh sát quận cho việc riêng tư?
Chuyện đổ bể bèn mang 2 ông đại tá ra làm cây cảnh trang trí sân khấu để che đậy một hậu trường thối nát bên trong. Ông Đại tá nhường cho ông Thiếu tá (ông “luật sư” nói như vậy,) nhường cái gì? Nhường như ngày còn trong lao tù cộng sản để mang lon “Hạ Sĩ” (Nhất?) Cái gì cũng nhất, trật tự thi đua cũng free luôn? Câu chuyện Bolsa Thiên Hạ Sự kỳ này tạm ngưng nơi đây. Kỳ sau sẽ viết tiếp về anh Chris Prevatt, thần tượng của 3 “vị” sướng ngôn viên. Thư yêu cầu VNCR của người viết vẫn không thấy trả lời (Sao chưa thấy hồi âm, với tiếng hát Hoàng Oanh,) nhưng dù sao ông “luật sư” Lê Công Tâm, sau đó cũng hết dám lên đài. Thì ra thiên hạ vẫn còn biết nể nang, không múa gậy vườn hoang trong “bãi” chiến dịch “Thành Công 2.”
Chuyện Protocol
Thủ tục là một hình thức sơ đảng cần lưu ý. Nhưng đôi khi vì quá “hăng say” và “nhiệt tình” người ta rất dễ “xem thường” kiến thức của đồng hương. Trưa thứ Sáu ngày 30 tháng 4 năm 2010 là ngày đánh dấu 35 năm (chưa ai giải thích cái con số 35 này kỳ diệu ra sao?) tại khu Asian Village Mall sau lễ chào quốc VNCH – Hoa Kỳ và Niệm Hương là phần phát biểu của các quan khách. Dân biểu tiểu bang Loretta Sanchez sau đó là Thượng Nghị Sĩ Lou Correa chuyện không có gì phàn nàn. Nhưng bất ngờ MC đã giới thiệu ông Võ Đại Tôn, một người khách từ Úc sang dự lại được mời phát biểu trước cả hai Nghị viên Dina Nguyễn và Tạ Đức Trí.
Nếu nói về nguyên tắc, thì Nghị viên Tạ Đức Trí phải là người được phát biểu đầu tiên (chủ nhà, Westminster) sau đó lần lượt các dân cử khác theo Protocol. Bà thị trưởng Margie Rice đã nói đúng khi tuyên bố: “Dù cho Tổng thống Obama đến đây vẫn phải tôn trọng quyết định của thành phố Westminster.” Hà huống chi ông Võ Đại Tôn, đáng lẽ ông này chỉ được phát biểu sau tân chủ tịch cộng đồng Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa. Người viết không biết tư cách gì BTC mời ông Võ Đại Tôn phát biểu mà lại phát biểu trước nhiều Protocol. Có người nói ông là chủ tịch Liên Minh Quang Phục Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của Mặt Trận/Việt Tân? Thông cảm cho phe nhà. Thấy sao ghi vậy, mong anh em BTC đừng bảo người viết sao lắm lời. Làm sai nói là sai, làm đúng thì khen là đúng.
Năm nay BTC hết người nên dùng một ông MC có giọng gà mái. Gió thổi thuận chiều nên âm thanh hơi khó nghe. MC Trần Sơn Hà đâu? Quả thật nhân tài cộng đồng hiếm hơn lá rụng mùa Thu.
Vinh dự hay tủi nhục?
Sáng 30/4/2010 thấy người viết có mặt tại khu Phước Lộc Thọ, bà con thăm hỏi “nhà báo không đi USS Midway săn tin à? Người viết nửa đùa nửa thật: “Không! tôi không đi “Midway”, tôi chỉ đi “Always” thôi.”
Tại sao mình phải đóng tiền đi xem một khối sắt khổng lồ vô dụng? Ngày 30/4 ngồi nhà tưởng niệm trong lòng đau đớn, tủi nhục cũng đủ cần gì phải áo quần xum xoe thăm dân cho biết sự tình. Cũng thượng kỳ, văn nghệ, ăn uống và tan hàng cố gắng thôi có gì lạ.
Cuộc đời luôn luôn là nghịch cảnh trùng hợp trớ trêu. Hoa Kỳ nhảy vào Việt Nam giết một tổng thống chỉ vì ông không chủ trương dùng quân ngoại quốc tham chiến vì sợ mất chính nghĩa “lính đánh thuê.” Hơn 11 năm sau, Hoa Kỳ “Midway” (nửa đường) rút khỏi Việt Nam, chút xíu nữa không kịp cuốn lá đại kỳ cờ Hoa trong Tòa Đại Sứ. Đồng bào ngày 30/4 cũng hốt hoảng “Always” tuôn ra biển lớn tìm tự do.
Người bất hạnh rơi vào tay hải tặc Thái Lan, làm mồi cho cá mập. Người may mắn lại chui vào Hàng Không mẫu hạm “định mệnh” mang tên “Midway.” Nếu Tổng thống Lyndon B. Johnson tiếp tục dội bom thêm 3 ngày (theo tài liệu CSVN?) và HKMH Midway cùng Đệ Thất Hạm Đội nã đại pháo yểm trợ cho các đơn vị thiện chiến Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân nhảy vào đầu Bắc Bộ Phủ lúc đó thì chúng ta có cần phải đi thăm Midway 35 năm sau không? Người Mỹ dùng chiến tranh Việt Nam để làm món quà trả giá cho hòa bình Trung Đông. Nếu thật tâm thanh toán chiến tranh Việt Nam thì sức người nào chịu nổi những đợt trải thảm của B-52? Con đường mang tên “Bác” là con đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ một cái tên HCM trên con đường xuyên sơn Lào, Cam Bốt và Việt Nam đã phải đổi lấy hàng triệu sinh linh của cả 2 miền Nam Bắc, dân lẫn quân.
Không ảnh chụp những đoàn quân xa chuyển bom đạn lương thực chạy trên lưng “Bác” sao không quân Hoa Kỳ ngoảnh mặt làm ngơ? Quy luật chiến tranh phụ thuộc vào nguồn tiếp liệu và hậu phương. Nếu những chuyến phi vụ B-52 “chịu khó” cày nát con đường “bác đi” là con đường sẽ trở thành “bi đát”, thì CSVN có thôn tính được miền Nam hay không? Con đường “mòn” Hồ Chí Minh sẽ trở thành con đường bế tắc xã hội chủ nghĩa. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, quân Bắc Việt bị thất bại nặng nề. Tại sao không thừa thắng xông lên? Đó là chủ trương “Midway.”
Năm 1973, Hoa Kỳ rút quân tham chiến, con đường mòn trở thành một xa lộ thênh thang xe chạy liên tục 2 chiều: một chiều chiến thắng cho Bắc Bộ Phủ và một chiều chiến bại cho quân dân miền Nam. Câu kết luận, nếu người Mỹ đừng “midway” thì ta đâu có 35 năm trường đau khóc hận? Thăm làm gì cái “nửa đường” mà 35 năm trước cờ VNCH, những bộ quân phục, phi cơ VNCH bị cởi bỏ hoặc vứt xuống biển. Nhục hay vinh? Nhiều người xúc động khi nhìn thấy lá cờ VNCH được ngạo nghễ tung bay trên hang không mẫu hạm. Nếu được tung bay 365 ngày không mượn tạm vài giờ thì người viết sẽ đi thăm ngay “biến cố lịch sử.”
Người ta mượn cớ 35 năm để làm thương mại, để thu tiền vào cửa 20 mỹ kim một người, 10 ngàn người thu được 1/5 triệu mỹ kim ngon ơ. 200 ngàn mỹ kim trong thời buổi kinh tế đâu dễ. Chỉ cần làm buổi lễ, hát vài bản trường ca Việt Nam Quang Minh Trời Đông …v…v… còn ngon lành hơn đại nhạc hội. Lại còn DVD sắp phát hành nữa. Tha hồ hốt bạc, Việt Nam 35 hờn đau uất hận. Người viết về với đồng hương của mình nơi tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ có ý nghĩa hơn. “Các bạn tôi ơi, biết bao giờ trở lại”, cám ơn nhạc sĩ Nam Lộc và cám ơn những người đã hát những nhạc phẩm 30 tháng 4.