"Nói tóm lại tôi không tham nhũng vì chưa có cơ hội thử lửa. Nếu có dịp quả thực chưa biết đá vàng ra sao. Nếu nói rằng vì may mắn nên tay chưa nhúng chàm thì cũng đúng."

Ký Còm, (Mục Thiên Hạ Sự trên nhật báo Thời Báo số 5759 phát hành ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật 25, 26 tháng 2 năm 2012 tại San Jose)

Tóm lược: Chúng tôi đã trải qua bốn kỳ phỏng vấn. Ký Còm đã hỏi thăm sức khỏe ông đại tá qua 26 câu hỏi. Ði từ chuyện nhỏ tí đến chuyện đại sự. Từ chuyện cũ đến chuyện mới. Từ bên ta sang bên Tây. Từ Việt Nam qua Mỹ. Từ quân đội đến cộng đồng. Ðủ cả. Cũng không thiếu chuyện tình duyên gia đạo.

Mới đầu chúng tôi thấy ông Vũ Văn Lộc trả lời ngắn gọn, càng về sau ông đại tá lại càng hăng. Xem ra bao nhiêu cay đắng chồng chất 30 năm tuôn ra một lượt. Vì người trả lời còn sẵn sàng. Người hỏi xin tiếp tục.

Nhân danh Thời Báo, Ký tôi hỏi tiếp như sau.

Câu hỏi 27: Xác định lập trường.

Sau khi đăng bài phỏng vấn, độc giả có hỏi đi hỏi lại hai điều sau đây. Thắc mắc nhiều lắm. Không phải là cố ý bới móc mà là hỏi cho rõ thôi. Ông nói là lúc vào quân đội từ Hà Nội không phải vì lý tưởng quốc gia mà chỉ vì không biết làm gì.

Rồi còn nữa. Ông nói là sẽ có ngày ông về Việt Nam. Nói như vậy có phải bản dạo đầu để sẽ về hợp tác với cộng sản hay về ở luôn. Thân hữu yêu cầu nói cho rõ?

Trả lời: Hết sức cảm ơn. Xin nói cho rõ. Trên thực tế có người vào quân đội vì lý tưởng. Vì thù nhà nợ nước vân vân. Nhưng năm 1954 chúng tôi còn tuổi trẻ, không ở trong hoàn cảnh như thế. Anh em cùng khóa có người bị đi vì động viên. Cá nhân tôi cũng ở tuổi động viên nhưng tình nguyện trình diện. Thực sự vì hai lý do. Thứ nhất mới đỗ trung học. Chưa biết làm gì. Lại không có điều kiện tiếp tục học thêm. Vào võ bị là con đường tốt đẹp nhất. Thêm vào đó, có dịp thấy mấy ông sĩ quan thiếu úy hay trung úy không quân “rước đèn” ở Hà Nội. Không biết đó là ông Vũ Văn Ước hay ông Nguyễn Xuân Vinh.

Khâm phục hết sức. Vì vậy xin xác nhận một lần nữa. Quả nhiên là không có lý tưởng gì hết. Chuyện đó sau này mới đến. Vào quân đội, trải qua nhiều năm tháng mới nhận thức được qua tình chiến hữu, qua sách vở, tin tức. Rồi mới ý thức được vấn đề Quốc-Cộng. Chuyện danh dự, tổ quốc, trách nhiệm phải đội mũ trên đầu vài năm mới ý thức được.

Còn chuyện thứ hai xin xác định, cuộc đời của chúng ta ràng buộc trong hoàn cảnh. Cá nhân tôi có 20 năm miền Bắc, 20 năm miền Nam và hơn 30 năm tại Mỹ. Như vậy có đến ba miền quê hương kỷ niệm. Bây giờ đi xa vẫn nhớ về hometown là San Jose. Làm sao quên được kỷ niệm thơ ấu ở miền Bắc. Làm sao quên được kỷ niệm quân đội một thời ở miền Nam. Nếu có may mắn thì chuyến về Việt Nam của ông già hoàn toàn tìm về kỷ niệm. Chẳng liên quan gì đến chính trị, chính em.

Cá nhân mình không hề có hào quang quá khứ, nói gì đến chuyện hợp tác hay đấu tranh trong cái tuổi già như con tàu đắm.

Như vậy về Việt Nam là tìm về kỷ niệm. Có thể chân bước đi mà đầu óc đã hiện lên những hình ảnh cũ thời kỳ trẻ thơ ở phố cửa Ðông Nam Ðịnh. Từ Trường Tiểu Học Gốc Ngái của thầy Hà Mai Anh cho đến khu vực âm u của trường trong thời trung học. Rồi con đường dài từ Bình Hải vào Yên Mô của trường Nguyễn Khuyến.

Ở miền Hậu Giang, những hình ảnh của nhà thương và ngôi chợ do đơn vị của tôi dựng lên ở miền cực Nam xứ Cà Mâu. Thời đóng đồn Năm Căn, Cái Nước. Những tên tuổi lạ lùng như rừng U Minh và núi Thất Sơn. Những ngày còn là sĩ quan liên lạc khu chiến miền Tây, một thầy một trò một xe Jeep chạy ngang dọc Châu Ðốc, Long Xuyên, Rạch Giá.

Ðó là niềm mong ước chuyến về Việt Nam. Vậy mà bao nhiêu năm thao thức vẫn chỉ là giấc mơ. Trong các bài ca viết về “Ngày trở về” của tuổi cao niên vẫn là bài ca xúc động nhất.

Câu hỏi 28: Về tướng Ðồng văn Khuyên.

Hỏi: Ông ở trong ngành tiếp vận Bộ Tổng Tham Mưu. Có nhiều điện thư tố cáo ông nằm trong ổ tham nhũng. Người ta lấy cả sách của ông Nhâm bên Âu châu trích dẫn tướng Khuyên vừa tham nhũng vừa là Việt Cộng. Họ nói ông Lộc là tay chân của ông Khuyên?

Trả lời: Trong những năm cuối của quân đội, tôi làm việc rất gần gũi với Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên. Xin xác nhân về sự lương thiện, trong sạch và hết sức tận tụy với nhiệm vụ của ông Khuyên. Dù ở bất cứ chức vụ nào và hoàn cảnh nào tướng Khuyên cũng là một người yêu nước. Nếu phải chọn một danh sách các vị tướng qua phẩm cách. khả năng và thành quả, đối với tôi ông Khuyên là người xứng đáng nhất. Tuyệt đối ông không có liên hệ gì với cộng sản. Chỉ duy có sự trùng hợp là phía cộng sản có tướng Ðồng Văn Cống. Ông bị an ninh quân đội bắt rồi chính ông Ngô Ðình Nhu ra lệnh tha sau khi đã điều tra. Tướng Khuyên bản chất nộng dân. Gia đình quê mùa, chân thật. Bà Khuyên không hề mang hình ảnh của một bà tướng dù ở Việt Nam hay qua đất Mỹ.

Tôi không thể nói thay cho tất cả quân đội, tất cả Bộ Tổng Tham Mưu hay cho Tổng Cục Tiếp Vận. Nhưng tôi có thể nói là nếu buộc tội tướng tá Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng là một sự lên án rất tổng quát và rất bất công. Phần lớn sĩ quan các cấp đều sống trong hoàn cảnh thiếu thốn chật vật. Nói gì đến binh sĩ.

Ký Còm: Bao nhiêu năm qua, mọi người vẫn buộc tội tướng tá bất tài tham nhũng. Tôi nghĩ rằng ông nên dành cơ hội để nói thêm về lãnh vực này. Cá nhân tôi chỉ là lính và làm báo nhưng thực sự cũng rất mù mờ?

Trả lời: Chắc chắn tôi không thể trả lời cả đề tài lớn lao này bằng một lần nói chuyện. Không đủ khả năng, không đủ tài liệu. Nhưng xin kể câu chuyện điển hình. Xin phép dùng kinh nghiệm cá nhân.

Trước đây bên Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Chính Huấn có đưa ra đề tài chống tham nhũng trong quân đội. Khối Chiến Tranh Chính Trị tổng tham mưu có chương trình học tập. Ông Khuyên là tham mưu trưởng liên quân kiêm Tổng Cục Tiếp Vận. Dù rất bận nhưng tướng Khuyên cũng đến chủ tọa. Theo tôi biết, chẳng có ông tướng nào muốn chủ tọa cái đề tài này. Rất tế nhị. Tôi là đại tá làm thư ký. Buổi hội thảo rất thú vị. Ông Khuyên nói vắn tắt rồi cho đối thoại. Thảo luận qua chủ đề thế nào là tham nhũng. Hoàn cảnh đưa đẩy ra sao. Tham nhũng ở đâu và làm sao chống.

Ðây là buổi hội thảo gần như duy nhất đụng đến các vấn đề cấm kỵ. Tôi phải nhắc lại các chi tiết đặc biệt còn nhớ đến hôm nay. Chính tôi đưa ý kiến rằng nên can đảm nói thẳng hoàn cảnh của mình. Thưa rằng tôi lấy xăng quân đội cho anh em binh sĩ và bạn bè chạy xe gắn máy. Tôi ở cư xá sĩ quan xin vật liệu về làm chuồng gà phía sau. Như vậy có phải là tham nhũng hay không. Có bị buộc tội hay không.

Ông Khuyên nói rất chân thật rằng chính ông cũng tự tay đóng lấy chuồng trong cư xá Chí Hòa nuôi gà đẻ trứng.

Ông kết luận là quân đội không cho phép nhưng các vi phạm lặt vặt như thế không bị buộc tội. Ông nói là từ trên xuống dưới, những người lương thiện đều khổ cả.

Cũng ngày hôm đó các sĩ quan chiến tranh chính trị trẻ tuổi và hăng hái đã hỏi những câu làm hội trường sững sờ. Tôi còn nhớ đến ngày hôm nay. Một anh hỏi là nhà dột từ nóc không chữa ở trên làm sao giải quyết ở dưới. Tướng Khuyên ngồi thừ người trên bàn chủ tọa nói rằng. Tôi làm sao leo lên sửa trên nóc nhà. Tôi chỉ trừng trị từ chỗ tôi đi xuống. Tôi cũng chả biết hết mọi chuyện. Nhưng tôi cố hết sức. Ông nói chân tình. Ông xưng “moi” bằng tiếng Pháp. Moi cứ sức moi, moi đập. Một anh khác hỏi một câu thắt họng. Anh hỏi rằng, thưa trung tướng. Có thể bề ngoài trung tướng không tham nhũng, nhưng nếu bên trong làm ăn bê bối, nhận tiền bạc và giữ gìn kín đáo không ai biết thì đất nước sẽ ra sao. Tướng Khuyên ngồi thừ một lúc. Hội trường yên lặng. Sau cùng ông nói. Chẳng biết có ai giỏi giấu giếm, nhưng tôi không làm gì hổ thẹn và cũng không giấu giếm. Các anh không tin thì chỉ còn nước tôi ra Lăng Ông Lê Văn Duyệt vặn cổ gà mà thề. Tôi mà có ăn tiền ăn bạc thì cho xe mười bánh ăn tôi đi. Cả hội trường tổng tham mưu hôm đó cười rần. Nhưng trong tiếng cười dường như có máu lệ.

Quả thực cho đến ngày nay, chúng ta đã mất đi một đức tính quý giá nhất. Ðó là tấm lòng tin chân thật.

Chúng ta sẵn sàng nghe những tin tức xấu, những điều bày đặt hết sức vô lý. Nhưng chúng ta không tin vào sự tử tế của con người. Ký Còm ngờ vốn là đặc tính của độc tài, cộng sản, phát xít. Chúng ta không phải là phát xít, cộng sản, độc tài. Tại sao lại không tin vào những điều tốt.

Tôi mà ăn tiền ăn bạc thì cho xe mười bánh ăn tôi đi. Lời nói của ông tướng quê mùa miền sông nước Gò Công, tôi vẫn còn nhớ đến ngày nay. Xe mười bánh ăn tôi đi. Ngôn ngữ chân thành mộc mạc biết chừng nào.

Này ông Ký Còm ơi. Ông có thể là lính ma, lính kiểng nhưng chúng tôi không tham nhũng đâu.

Câu hỏi 29: Tại sao ông không tham nhũng.

Ký Còm: Ông có thể chứng minh là ông không tham nhũng và cho biết lý do nào mà ông lại có thể trong sạch?

Trả lời: Ðó chính là vấn đề lương tâm. Người ta thường nói rằng: Lấy đá thử vàng, lấy vàng thử kim cương, lấy kim cương thử đàn bà, sau cùng lấy đàn bà thử đàn ông. Cuộc đời binh nghiệp của tôi quả thực chưa có dịp thử thách với nhiều vấn đề. Tôi chưa từng có ai đem tiền bạc để mua chuộc nên không biết là mình có bị cám dỗ hay không. Không làm trong các chức vụ liên quan đến dân sự, các nhà thầu, các tay làm ăn. Phần lớn làm việc trong phạm vi thuần túy quân đội. Công việc nặng về lý thuyết cùng với các cố vấn Mỹ. Gần như không có cơ hội để tham nhũng. Nhà tôi suốt từ khi ra trường lập gia đình đều đi làm trong lãnh vực y tế cho đến ngày di tản. Chức vụ cuối cùng của bà xã làm sếp phòng ngoại chẩn của nha thương cảng. Ðó là lý do gia đình đủ sống.

Nói tóm lại tôi không tham nhũng vì chưa có cơ hội thử lửa. Nếu có dịp quả thực chưa biết đá vàng ra sao. Nếu nói rằng vì may mắn nên tay chưa nhúng chàm thì cũng đúng.

Câu 30. Chuyện ông Loan.

Ký Còm: Bây giờ có một chuyện rất đặc biệt. Ở đây và cũng như ở nơi xa, có người nhắc đến chuyện ông đòi bắn Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ðầu đuôi chuyện đó ra sao?

Trả lời: Chỉ nguyên lời buộc tội cũng đã là một chuyện rất ngớ ngẩn. Cá nhân tôi chẳng quen biết và cũng chẳng có gì liên hệ đến ông Loan, nhưng về việc ông bắn tên Việt Cộng thì tôi nghĩ là cần có những nhận xét xâu xa hơn. Trước hết tôi đã đọc tài liệu rất nhiều và biết rõ câu chuyện. Chuyện ông Loan đi thăm khu gia binh nơi có gia đình sĩ quan bị cộng sản sát hại. Rồi sau đó ông Loan đến thăm một chỗ khác. Thủy quân lục chiến của ông Ngô Văn Ðịnh bắt được một tên đặc công đưa ra trình diện. Lính nói tên này là đặc công thủ phạm vụ giết gia đình sĩ quan. Ông Loan cầm súng bắn. Ti vi quay được toàn cảnh và nhiếp ảnh gia Mỹ chụp được bức hình. Bức hình phổ biến trước, ti vi phổ biến sau. Toàn thế giới rung động. Vì tấm hình này ông Loan bị làm khó dễ khi vào Mỹ. Nhiếp ảnh gia được giải thưởng. Về sau anh này hối hận vì tấm ảnh làm khổ gia đình ông Loan. Câu chuyện như thế ai cũng biết.

Báo chí và dư luận thế giới lên án toàn thể chế độ của miền Nam qua hình ảnh tướng Loan. Tấm hình này bây giờ được coi là một trong các tấm hình lịch sự của thế kỷ 20. Và cũng coi là tội ác của Mỹ vì miền Nam là vùng ảnh hưởng của Mỹ. Phía Việt Nam tại hải ngoại có nhiều bài báo giãi bày và bênh vực tướng Loan.

Ngày nay chúng ta ở vào hoàn cảnh nước mất nhà tan. 58 ngàn lính Mỹ hy sinh, hàng triệu sinh linh của cả hai miền đã chết vì chiến tranh. Hàng trăm ngàn chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã thành tử sĩ. Bốn vị tổng thống Việt Nam đã lần lượt qua đời. Các tư lệnh vùng cũng đã ra đi. Tướng Nguyễn Ngọc Loan không còn nữa. Anh phóng viên chụp hình cũng đã chết. Người đỡ đầu cho ông Loan là tướng Kỳ cũng đã chết rồi. Tranh luận về tấm hình ngày nay không phải để tranh hơn thua. Chỉ để suy gẫm về thế sự. Ðể làm bài học cho đời sau.

Ngay khi nội vụ xảy ra năm 68, lúc đó tôi có một người bạn cố vấn rất trí thức, rất yêu nước Mỹ và có cảm tình với Việt Nam. Cầm tờ báo có hình ông Loan xử tử tên Việt Cộng, trung tá Mỹ nói với tôi rằng. Hết thuốc chữa. Bố ông trung tá này là dân biểu. Ông nói rằng chắc còn ông Diệm thì không có ông tướng nào có thể hành động như vậy. Chỉ có thời ông Kỳ thì ông Loan mới làm như thế. Ông Loan hành động như thế chỉ hại cho chính ông, cho cả ông Kỳ, cho tất cả quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cho cả miền Nam và cho cả nước Mỹ. Ðặc biệt là quân nhân Mỹ, chính khách Mỹ ủng hộ miền Nam.

Cộng sản vui mừng biết chừng nào khi đạt được thắng lợi chính trị và ngoại giao qua sự hy sinh rất nhỏ bé như thế. Ông Loan hành động vụng về chính trị và ông Kỳ không hề có thái độ gì. Ngay từ giây phút đó, người Mỹ đã không chọn ông Kỳ cho nhiệm vụ tổng thống sau này.

Ngay từ giây phút đó chứ không phải chờ đến thập niên 70, cả quốc hội Hoa Kỳ đã quay lưng lại Việt Nam.

Tôi và ông bạn cố vấn Mỹ có thảo luận rất nhiều về sự tàn ác của hai bên trong chiến tranh. Trung Tá John nói rằng sự tàn ác của cộng sản, của kẻ thù không bao giờ ảnh hưởng đến lương tâm nước Mỹ. Người Mỹ chấp nhận kẻ thù tàn ác, nhưng người Mỹ không chấp nhận người Mỹ giết người với máu lạnh và người Mỹ cũng không chấp nhận đồng minh của họ tàn ác.

Dù có chứng minh hay than thở kẻ thù tàn ác ngàn lần, người Mỹ cũng không thực sự quan tâm, nhưng nếu đồng minh hay lính Mỹ làm bậy là không được. Ðó là chân lý, dù rằng đôi khi chính người Mỹ cũng đạo đức giả, nhưng thực sự đó là lý tưởng mà nhân dân Mỹ theo đuổi.

Ngày nay chúng ta đã biết rõ, bởi vì chính chúng ta cũng đã trở thành người dân nước Mỹ. Vào cái thời kỳ 68 khi bức hình oan nghiệt đó đưa lên báo chí toàn thế giới, Trung Tá John nói chiến tranh Việt Nam đã đến hồi chung cuộc. Với chuyện xảy ra, người Mỹ không còn lý do ở lại. Ông chết một năm sau, vào nhiệm kỳ thứ hai năm 69 nhưng lời tiên tri của ông vẫn đúng. Miền Nam thua vì không chinh phục được lòng người dân Việt, vì không chinh phục được lòng người dân Mỹ. Ðó là lý do tại sao tôi rất buồn phiền về việc niên trưởng Nguyễn Ngọc Loan trong một giây phút thiếu suy nghĩ đã xử tử tên Việt Cộng bằng máu lạnh. Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước ống kính của truyền thông Mỹ và thách thức công luận thế giới.

Cái công luận chúng ta phải dựa vào để chiến đấu suốt 20 năm để rồi tất tưởi tan hàng. Qua hành động giết người không xét xử, tướng Loan cũng không bị ra tòa. Vì vậy cũng chẳng có ai làm chưởng lý buộc tội và ông cũng chẳng cần luật sư bào chữa. Nhưng 16 ngàn tử sĩ nằm lại nghĩa trang Biên Hòa. Trung Tá John chết trên không phận Chương Thiện. Tất cả đều chịu tội vì những người lãnh đạo cuộc chiến với đầu óc tối tăm như thế.

Không, tôi không dọa bắn tướng Loan như cái tin tức láo lếu loan truyền. Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho ông siêu thoát, cho cả các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh cho cuộc chiến được chỉ huy bởi các nhà lãnh đạo sai lầm.

Và cầu nguyện cho chính tôi sống với sự hiểu biết nhưng bất lực. Người ta thường nói rằng, quân làm sao thì tướng là vậy. Dân làm sao thì quan là thế. Khổ cho thân tôi. Mình đã có thời làm quân làm dân với các quan các tướng như thế.

Ký Còm: Ông đại tá tuyên bố ồn ào như thế không sợ búa rìu dư luận sao?

Trả lời: Tôi luôn luôn có16 ngàn tử sĩ tại nghĩa trang Biên Hòa phù hộ. Mình gần đất xa trời, lúc này mà còn sợ thì quá hèn.

Sẽ còn tiếp...

Ký còm


- Quí độc giả có thể tìm đọc những bài viết khác cùng tác giả trong mục Thư Viện > Ký Còm