Hồng Thuận, 14-02-2012

Lễ Tình Nhân và "Hôn Nhân Chi Ngoại"

Lễ Tình Nhân hàng năm đến như một điệp khúc thánh thót trong một bản tình ca lãng mạn. Tình yêu như được thánh hóa với muôn vàn ca từ đẹp đẽ nhất. Ánh sáng tình yêu lung linh nương nhờ vào sự thiêng liêng long trọng của thời khắc này mà càng được tôn vinh và thờ phượng.

Có một thực tế, tình yêu vẫn là một trạng thái tâm lý không thể nào kiểm soát được. Những mối tình được kỷ niệm, những nghi thức được công nhận, những cảm xúc được thốt lên bằng lời trở thành một quy ước theo mô hình và khuôn mẫu. Buổi tối lãng mạn, lễ vật ngọt ngào, thiên thần chắp cánh tất cả đều lan tỏa trăm lời ngàn ý rằng đây chính là động lực ái tình chân chính.

Thế nhưng, có những cảm tình mê luyến không thể nào kỷ niệm, không có nghi thức, không thể công khai, mặc dù tâm trạng khi yêu vẫn rất mãnh liệt, và hai người trong cuộc tình này phải đối diện với muôn vàn thử thách.

Tâm trạng khi yêu bao giờ cũng là một tình tự cao quý. Tình yêu muôn đời là khát vọng thiêng liêng. Cho dù cảm tình lứa đôi có lúc đi ngược dòng với luân lý thông thường nhưng chính nó có khi lại là sự đắm say nhiệt tình và mãnh liệt nhất.

Qua nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ở Nhật Bản, người ta hầu như không vội kết tội "hôn nhân chi ngoại" một cách quyết liệt bằng những đạo lý thông thường như phụ tình, gian dối,... mà đối diện nó qua một ca khúc nổi tiếng tên là Aijin (Ái Nhân).

Ca khúc Aijin ra đời đã đánh trúng tâm lý tình bất tự cấm của bao nhiêu người trong cuộc. Ca khúc này đến với thính giả Trung Quốc vào năm 1985 qua giọng hát Đặng Lệ Quân đã làm thay đổi luôn ý nghĩa của hai chữ "Ái Nhân" trong tiếng Hoa ở Trung Quốc. Ý nghĩa của "người yêu, người tình" (chỉ quan hệ vợ chồng) trở thành "tình nhân" ở bên ngoài. Ái nhân giờ đây có nghĩa mới: "quan hệ chi ngoại". Ý này cũng có nghĩa là người tình mang chân dung Nhật Bản, có đường nét phong lưu dễ dẫn lòng người đi đến tinh thần khoan dung - cảm thông lãng mạn.

Xã hội Nhật Bản không vì vậy mà đề cao sự ngoại tình mà họ chỉ tìm cách thi vị, lãng mạn hóa nó như tìm kiếm giải pháp để thấu hiểu một khát khao sâu thẳm của tình yêu. Văn học, nghệ thuật Nhật Bản nhận thức rõ ràng đặc tính mê luyến cấm kỵ này và sản xuất không biết bao nhiêu phim ảnh và tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người.

Xã hội nhân văn của Nhật Bản thừa nhận "hôn nhân chi ngoại" chính là một trạng thái mê luyến của tình cảm con người, không thể nào đè nén và phủ nhận. Và cũng kể từ đó, con người ta trở nên lý trí, thẳng thắn và nhân ái hơn khi nhìn sâu vào sự vương vấn ở bên ngoài.

"Shall We Dance" là một bộ phim tình cảm xã hội đề cập tới cảm tình ngoài hôn nhân một cách tinh tế và mỹ miều nhất đã được khán giả Hoa Kỳ đón nhận để rồi có những nhận xét thâm sâu vào tính cách điển nhã của góc cạnh này của văn hóa Nhật Bản.

Nhưng ở mức độ trữ tình và ướt át hơn, ca khúc Aijin lại xoáy sâu vào nỗi đớn đau than khóc về thân phận bé nhỏ của người thứ ba trong tâm trạng triền miên không thấy bến bờ.

Bởi vì yêu anh
Em cảm thấy quá đầy đủ
Chỉ là không thể cùng anh
Vui bước trên những con đường
Chỉ cần trong trong thời khắc nào anh trở về lại căn nhà nhỏ này
Em cam tâm tình nguyện làm người chờ đợi
Tim đau đớn, lệ tuôn tràn…
Vị ngọt chân chính của tình yêu
Thời gian không làm chúng ta chia lìa
Chia lìa rồi, dứt bỏ thì không thể
Lại muốn gặp mặt lần nữa
Để mãi sống trong lòng anh
Tình cờ gặp nhau
Chần chừ chi thêm nữa…
Không nói nên lời cũng là điều dễ hiểu
Chỉ mong lòng anh còn gì lưu lại
Em cam tâm tình nguyện làm người ra đi
Tim đớn đau, lệ tuôn tràn…
Vị ngọt chân chính của tình yêu
Ngày mai đây chúng ta sẽ không còn tan vỡ
Chia lìa rồi, dứt bỏ thì không thể
Lại muốn gặp nhau thêm một lần nữa
Mong sao đi vào giấc ngủ trong cõi lòng anh
(Lời bài hát được một người bạn dịch sang từ tiếng Nhật)

Nhiều người Việt lầm tưởng nó là nhạc Hoa nhưng đây là một bài tình ca Nhật Bản rất nổi tiếng. Ca từ dịch sang tiếng Hoa dù không diễn tả hết nội dung nhưng cũng có phần gợi ý về một góc sân nhỏ bé. Tuy nhiên lời tiếng Việt (Tan Tác) của bài này không có nội dung như nguyên bản và sai biệt về ý nghĩa quá lớn cho nên không dẫn đến một nhận thức mới mẻ ngoài yếu tố trữ tình bâng quơ. 

Bất luận quan hệ tình cảm này có dấu hiệu nằm ngoài hôn nhân nhưng thân phận tình yêu được chôn dấu là chân thật. Nghe ca từ "Ái Nhân", dù nguyên tắc cuộc sống và quan niệm tình yêu của bạn có nghiêm khắc bao nhiêu cũng không thể nào phủ nhận đây là giọt lệ của con tim trước danh dự và thể diện.

Lễ Tình Nhân nguyên thuỷ chính là sự tưởng niệm cho nỗi đau của hạnh phúc không trọn vẹn. Ý nghĩa dần dần biến đổi theo thời gian từ đau thương biến thành hạnh phúc, từ cấm kỵ sang tự do, từ tâm linh sang trần thế. Những người được kỷ niệm Lễ Tình Nhân trong sự tung tăng như muôn cánh bướm cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn biết bao. Nhưng ở một căn phòng nhỏ bé, một lối về khuya sẽ có những người tình nhân xót xa không thân phận.

Hôn nhân chi ngoại, tình ngoài hôn nhân mà tiếng Việt gọi là ngoại tình cũng là một thế giới muôn màu. Với nhiều hoàn cảnh mà bạn phải đi bước ngược trong quãng đường nhân sinh để làm góc sân nhỏ. Nhưng nếu có ai phải nói rằng chính những đối tượng yêu đương trong mối quan hệ này mới xứng đáng được gọi là "Tình Nhân" một cách chính đáng nhất, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì có bao giờ nghĩ nỗi khổ tâm này được công khai thừa nhận.

Có lẽ "tình nhân" không phải dành cho quan hệ phối ngẫu và những yêu đương thông thường. Quan hệ tình nhân phải có gì gian nan, trắc trở, cấm kỵ, khổ đau mới đáp án đúng đắn cho định nghĩa này.

Lễ Tình Nhân như bị những hương vị ái tình phổ thông lấy đi ý nghĩa bi kịch để tạo bầu không khí lãng mạn.

Nếu chúng ta hiểu được lý lẽ chân chính của động lực ái tình, xin hãy nhường một phần ngày lễ Tình Yêu cho những cuộc tình phiêu lãng. Có một nghịch lý rằng, về phương diện trần thế, có nhiều người tìm thấy được hương vị ái tình nở hoa chỉ xảy ra trong điều kiện "hôn nhân chi ngoại". Tại sao?

Lễ Tình Nhân chúng ta cần nhìn vào nhịp đập con tim xao động phải trái bằng một sự cảm thông. Cuộc sống xung quanh vốn bao bọc với những cảm xúc yêu thương hờn ghét. Người thứ ba, luôn luôn là đối tượng bị người đời nguyền rủa nhưng có khi nào chúng ta phải thừa nhận đó là một nhân tố luôn tồn tại và phải đối diện bi kịch này một cách văn minh nhất.

Chúng ta có khi nào nhìn thấy người thứ ba qua ca khúc AiJin?