Ký Còm đăng trong mục Thiên Hạ sự của nhật báo Thời Báo số 5750, phát hành ngày Thứ Bảy, Chủ nhật 11, 12 tháng 2 năm 2012 tại San Jose

Chúng tôi xin tiếp tục hầu chuyện ông Vũ Văn Lộc. Kỳ này có ba câu hỏi có vẻ khúc khuỷu, lắt léo một tí, dù có khó chịu đến đâu xin ông cũng cố gắng mà trả lời... một lần cho rõ rồi... thôi!

Đại khái là: - "Ông có tài cán gì mà làm giám đốc muôn năm? -"Đứng đầu cơ quan mà vô trách nhiệm với chiến hữu?" - "Và, sau cùng già rồi sao ông không về nghỉ đi cho được việc cộng đồng?"

Nhưng trước hết xin báo cho ông một tin vui. Có người gửi thư liên quan đến một câu chuyện cũng rất đáng làm cho nhiều người thắc mắc đến một bản "kiến nghị" mà ông và tổ chức Liên Hội có liên can, xin tóm lược trong câu hỏi đại ý như sau:

Câu hỏi 24 - "Nam Hà Kiến nghị Thư.” Nội dung bức thư như sau đây:

Thưa bác Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, cháu ở San Francisco từ hơn 30 năm nhưng thường theo dõi cộng đồng San Jose. Ngay từ lúc nhỏ đã có dịp đi dự cuộc biểu tình chống Cộng tại Berkeley. Kỳ đó chờ Việt Cộng Hà Văn Lâu lâu thiệt là lâu. Khi biểu tình bác đưa sáng kiến đi hai bên đường, bên nọ ngó bên kia hô khẩu hiệu thật tưng bừng, còn nhớ Đại Tá Vũ Văn Lộc một bên và Đại Tá Mã Sanh Nhơn đi một bên.

Nói thực tình thời đó biểu tình có không khí vui vẻ chứ không tranh chấp như sau này.

Rồi đến kỳ biểu tình ờ San Francisco. Cháu vào cả trong Hotel nghe họp báo rồi lại ra ngoài hô đả đảo. Khi phái đoàn phó thủ tướng Việt Cộng họp báo xong đi ra thì phe ta có phát tài liệu. Cháu nghe có người nói kiến nghị, kiến nghị nhưng ông phó thủ tướng khoác tay đi thẳng. Có một người trong đoàn Việt cộng nhận tài liệu. Cháu có được anh Hùng cho một bản. Đó là bản sao Nam Hà kiến nghị thư, có tên mấy vị ở tù Việt Cộng trại Nam Hà. Nghe nói 5 hay 6 người ký nhưng chắc bản này không đến tay cấp trên Hà Nội nên phe ta in và gửi cho các đại sứ và sứ quán cộng sản. Vậy mà có tờ báo ở San Jose lại nói là mấy bác chui vào gặp Việt Cộng dâng kiến nghị. Cháu nghĩ nếu muốn liên lạc với Việt Cộng thì gửi thư ngay vào tòa lãnh sự hay vào thẳng mà tiếp xúc chứ cần gì phải đưa lúc đồng bào biểu tình.

Cháu không biết mấy người đó tâm địa ra sao mà bày đặt chụp mũ khốn nạn như vậy.

Cháu có gửi cả Tel theo Email. Khi nào thuận tiện sẽ xuống gặp bác và thăm Museum. Nguyễn Đôn, San Francisco.

Ký Còm: Ông này nhắc lại chuyện 15 năm trước ông Lộc còn nhớ không?

Trả lời : Xin cảm ơn anh Nguyễn Đôn SF. Nhắc lại chuyện xưa tôi lại nhớ thời kỳ ở đây có ba sỹ quan cấp đại tá cùng hoạt động. Bác Trần Văn Trọng làm ở học khu. Bác Mã Sanh Nhơn và tôi làm phụ giáo cho trường trung học San Jose.

Tuy lớn tuổi so với anh em nhưng chúng tôi vẫn còn trẻ so với bây giờ. Anh em thường rủ nhau đi biểu tình, mỗi lần như vậy đều lấy quân số là các em học sinh và bà con ta tại San Jose. Bây giờ cả hai bác đều đã ra đi. Ngày nay anh em cũ cùng lớp tuổi, cùng hoạt động chỉ còn mình tôi.

Còn cái vụ Nam Hà kiến nghị thư thì tôi nhớ là trong bản ký tên có Lý Tống, Trần Mạnh Quỳnh và có ông Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt hiện ở miền Đông. Có nhiều người không biết tin tức về cái bản kiến nghị lịch sử đó nên khi anh em Liên Hội vào phát tài liệu trong Hotel có phái đoàn cộng sản cư ngụ và họp báo thì cứ nghe nói kiến nghị là nghĩ ngay là giao lưu với Việt Cộng. Ai ngu gì mà liên lạc với cộng sản vào lúc đó. Chuyện này sau đó ai cũng biết, tiếc thay cho đến nay mới có người lên tiếng làm nhân chứng.

Câu hỏi 25: Sinh hoạt với cựu tù chính trị.

Tiếp theo bây giờ xin có câu hỏi khác. Vấn đề nêu lên là cơ quan có trách nhiệm lo cho cựu tù chính trị nhưng thực tế là các hội tù phải tự lo lấy. IRCC, USCC, VIVO chẳng làm gì cả. Xin ông cho biết ý kiến?

Trả lời: Đây là một vấn đề rất tế nhị. Chẳng ai muốn nói ra. Xin nói thẳng là không thể kể hết ra được, vì chỉ thêm phiền phức.

Thực sự khi ở bên Việt Nam chiến hữu đi tập trung cải tạo là mối bận tâm của người đi năm 75. Trước hết là các gia đình lo cho thân nhân, rồi đến chiến hữu lo cho anh em, và các đoàn thể hết sức lưu ý. Chúng tôi đã theo dõi, quan tâm và tranh đấu từ cuối thập niên 80. Cá nhân tôi, anh Diễm bên VIVO, các tổ chức Nam Cali, và các cựu tù vượt biên đã cùng về DC họp nhiều lần. Có cộng tác với bà Khúc Minh Thơ và các anh em trên DC. Cũng thảo luận đấu tranh, kiến nghị, gặp dân biểu. Rất nhiều mặt. Rồi đến khi chuyến bay đầu tiên đến SF tôi tổ chức đi đón hết sức cảm động.

Vì là cơ quan định cư nên khi County dành ngân khoản định cư, thì cơ quan IRCC được giao trách nhiệm nhận ngân khoản lo dạy Anh ngữ và tìm việc làm. Số tiền cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Trên thực tế thì các gia đình HO đều được hưởng trợ cấp, food stamp, nên rất yên tâm. Việc học Anh văn, tìm việc làm cũng tương đối giản dị. Khi nhận công tác này, biết đây là vấn đề rất tế nhị nên tôi thành lập một trung tâm hoàn toàn riêng biệt tách rời và tuyển người công khai. Ngân sách riêng biệt. Thành lập hội đồng tuyển chọn toàn người Mỹ và đại diện County. Kết quả ông Trung Tá Vũ Đức Nghiêm được nhận là trung tâm trưởng. Trung Tá Lê Đình Vọng làm phó và kiêm công tác kiếm việc làm. Các vị này đều là HO, biết Anh ngữ, lái xe và hăng hái. Ngân khoản chỉ còn tiền thuê một cô thư ký và thuê văn phòng. Ngay việc tuyển người đã bắt đầu không hợp ý anh em hội tù chính trị, có người anh em đề nghị lại không được chọn, nhưng rồi cũng xong.

Tôi tổ chức một đại hội cho anh em HO đầu tiên tại San Jose, có ông Funseth thứ trưởng nội vụ về nói chuyện.

Trong các buổi nói chuyện, tôi có dịp tiếp xúc với các anh em thì nhận thấy nếu gặp các chiến hữu đã quen biết nhau từ trước thì thông cảm. Còn các bạn chiến binh không quen biết thì sự giao thiệp giữa người chạy trước và người ở lại có phần xa cách.

Một lần tôi nghe ông HO là hội trưởng trong buổi thuyết trình nói rằng: Chỉ có các anh em cựu tù mới thương anh em cựu tù chính trị. Hội trường vỗ tay vang dậy. Tôi bắt đầu cảnh giác và chuẩn bị để quý vị dần dần thay thế.

Sau đó có một lần tờ báo San Jose Mercury News ngỏ ý giúp tôi tổ chức cây mùa xuân cho gia đình HO. Vừa loan tin thì hội tù nhân lên tiếng phản đối. Anh em cho biết là không cho phép ai lợi dụng. Tôi rất thông cảm với tinh thần đó, bèn thông báo dẹp ngay vụ này.

Nói tóm lại, đối với sinh hoạt của các hội tù chính trị từ tổng hội cho đến các chi hội, tôi quan niệm là đã làm hết bổn phận vào những bước đầu là được rồi, không nên tạo thêm sự hiểu lầm. Vì vậy, sau này mọi sự giúp đỡ yểm trợ cho các gia đình HO đều tiếp tục nhưng vẫn giữ theo đúng hình thức của di dân tỵ nạn. Tuyệt đối không gây hiểu lầm. Các anh em đến với IRCC dần dần thông cảm ngoại trừ đôi khi có những hiểu lầm quá sức thì mới có sự chống đối mạnh mẽ. Thí dụ cụ thể là ông Thiếu Tá Trảng hội trưởng đã ra đi. Ông vốn rất hiền lành. Khi nhân danh hội tù phản đối tôi, ông đã có nói rằng. Mặc dù trước đây làm việc với tôi ở bộ tổng tham mưu. Rồi khi đến Mỹ được cơ quan IRCC và tôi giúp đỡ, tuy nhiên đó là việc riêng còn vấn đề tranh đấu là vì chính nghĩa quốc gia. Lại thêm một anh bạn nữa là ông Đoàn Thi, cũng là cựu tù chính trị là bạn cùng khóa, biết nhau quá nhiều. Nhưng anh Đoàn Thi cũng nhân danh tổng thư ký cựu quân nhân lên án Vũ văn Lộc. Ông cũng nói bạn bè là chuyện riêng, còn vì chính nghĩa quốc gia thì phải lên án. Rồi mới đây ông Ngọ cũng vì chính nghĩa quốc gia, đóng vai quan tòa lên án.

Chả mấy khi đổi đời, các vị đều vì lý tưởng đóng vai chưởng lý lên án chúng tôi, sau đó lại tuyên bố tha. Kẻ thì vài năm mới xét lại bản án. Có người thì chỉ có một hai tuần là đã tuyên bố tha.

Ký Còm: Gần 10 năm trước ông cũng đã bị hội đoàn trên nước Mỹ lên án. Tôi còn nhớ có một lá thư cũng nhân danh bạn thân lên án. Ông còn nhớ chuyện đó không?

Trả lời: Đó là Trung Tá Q, bạn cũ từ hồi còn cấp úy. Anh Q có viết cho tôi một lá thư đại ý như sau.

Thân gửi Lộc. Anh em bên đó yêu cầu tao ký tên lên án mày định hòa giải với cộng sản và có tội tham nhũng trong cơ quan.Tao ở bên này cũng không rõ đầu đuôi. Bạn Lộc trước 75 thì tao biết không bao giờ xấu xa và đầu hàng nhưng bây giờ thực sự ra sao thì không rõ. Có nhiều phần mày bị tao ký tên lên án oan uổng. Nhưng mày chạy trước, tụi tao ở lại oan uổng cả mười năm. Mày có bị oan tý chút cho gọi là chia sẻ với anh em. Tao với mày ở cùng địa phương nhưng bao năm không cùng một giường, huynh đệ chi binh chỉ gọi là cho có tiếng. Còn tao với bạn tù sống chết bên nhau năm này qua năm khác. Đói khát có nhau. Vì vậy tụi nó kêu ký tên là tao ký. Huynh đệ chi binh không thể so sánh với bạn tù. Vì vậy tao ký tên lên án mày. Sau này chuyện gì cũng qua đi, nhưng ngay bây giờ tao phải cho mày biết. Rồi vài năm sau thì mày có thể nói thẳng cho các bạn biết. Không cần đúng hay sai, mày chạy thoát, tao chạy không kịp, tao phá mày một chút nhằm nhò gì.

Ký Còm: Bây giờ ông Trảng làm với ông ở TTM đã ra đi rồi. Còn ông Đoàn Thi ở đâu? Đoàn Thi ở Sacramento. Còn ông Trung Tá Q. này ra sao?

Ông này là bạn tôi từ Hà Nội, đi lính sau tôi hai năm bị kẹt tù cộng sản trên mười năm, thơ viết cũng lâu rồi. Và bây giờ tôi mới được tin chết ở bên miền Đông. Xem như vậy, giữa anh em quen biết, sự lên án đúng hay sai, có khi cũng vô nghĩa.

Anh em tù chính trị chịu đói khát, hành hạ nhục nhã đủ điều, lại còn trải qua các oan khiên sống chết. Còn mình mà bị kết án oan uổng ở xứ này, thực sự chẳng đáng gì để mà than thở.

Ký Còm: Tôi thì không có kinh nghiệm tù cải tạo, chỉ có kinh nghiệm tù vượt biên. Kỳ vượt biên bị bắt có gặp mấy anh chị Tàu Chợ Lớn.

Nó nói bố nó chẳng có tội gì mà phải ra Bắc. Vốn là lính kiểng Việt gốc Hoa. Giấy tờ khai là giám đốc vũ trường. Bọn cộng sản xếp ngay vào cấp sư trưởng tức là giám đốc công trường. Cho giải ra Bắc. Oan như thế mới là oan. Cán bộ thắc mắc là sao thằng này còn trẻ mà làm đến giám đốc vũ trường, ngang sư trưởng.

Câu hỏi 26: Hãy từ chức đi.

Ký Còm: Có một người đưa câu hỏi khá bất lịch sự.

Ông có khả năng bao nhiêu mà làm giám đốc cơ quan IRCC đến mấy chục năm. Đã đến lúc phải về đi cho người khác thay thế. Yêu cầu từ chức. Ông có muốn trả lời không?

Trả lời: Vấn đề đã đưa ra, không muốn trả lời cũng không được. Xin kể lại từ đầu như sau. Khi mới đến San Jose tôi với ông Mã Sanh Nhơn làm cố vấn cho trường San Jose High. Tuy gọi là cố vấn cho lịch sự, nhưng ăn lương phụ giáo và có 4 giờ một ngày.

Sau tôi vào làm cho chương trình tỵ nạn của Social Planning Council cũng là một cơ quan bất vụ lợi. Bắt đầu làm xếp phần vụ văn hóa giáo dục. Chức vụ thì kêu nhưng cũng là lương worker hạng chót. Khi cơ quan này giải tán. Phe Việt Nam thành lập IRCC được một năm thì anh em rơi rụng dần. Cá nhân tôi cũng gần như bỏ cuộc xin vào làm worker cho county. Đến đây chuyện vui bắt đầu. Tôi gặp ông Mỹ đang làm xếp chương trình tỵ nạn của Santa Clara, chuyện trò vui vẽ. Tay này nói thẳng với tôi là khả năng Anh ngữ và tuổi tác của tôi nếu thi vào worker không chắc ăn. Hỏi rằng vậy tôi làm gì. Ông ta nói là nên về làm giám đốc IRCC. County sẽ cho ít tiền để gầy dựng lại.

5 năm sau bên quận hạt Santa Clara cho một lời bình luận về IRCC rất đáng hãnh diện. Họ nói là chúng tôi đã một mình dựng lại bảng IRCC từ đống tro tàn. Trên thực tế thì mình ở vào hoàn cảnh không đủ khả năng làm nhân viên thì đành làm giám đốc. Thứ giám đốc bao nhiêu năm khiêng bàn dọn dẹp, treo cờ dán giấy chẳng thua ai. Cơ quan khi lên khi xuống. Lúc có nhân viên vài chục người đủ các sắc tộc. Lúc thì chỉ còn vài người, đa số tình nguyện bán thời gian. Tuy nhiên vì làm lâu năm nên tôi là người có cơ hội khai phá nhiều lãnh vực. Thành tích ghi lại cũng khá dài. Đó là chuyện cuộc đời làm giám đốc hơn 30 năm.

Đa số cộng tác viên là các anh em có nhu cầu riêng nên khi hết chương trình là họ phải đi làm việc chỗ khác.

Kể từ hơn 10 năm nay cơ quan chuyển hướng qua việc xây dựng viện bảo tàng, phát triển Dân Sinh Media và các lãnh vực hết sức mới mẻ. Cá nhân tôi phải làm việc gấp đôi và cắt lương xuống một nửa.Và số lương một nửa này lại dành để tặng cho cơ quan trong các chương trình xây dựng mới hoàn toàn không có tài trợ của chính phủ. Đó là tất cả sự thật trong hoàn cảnh hiện nay. Nếu giám đốc mà từ chức là cơ quan tan hàng. Đành rằng không có chức vụ nào mà không thể thay thế được, nhưng trên thực tế vẫn có đấy. Đó là công việc làm không có quyền lợi, cá nhân đã bán nhà dọn vào mobilehome để xây viện bảo tàng. Càng làm càng bị chửi. Museum đã thành hình là một báu vật lịch sử rất có giá nhưng đây là tài sản mua không ai bán và bán không ai mua.

Trong hoàn cảnh như thế, còn một số ngày giờ trong tuổi hoàng hôn, của cuộc đời làm sao tôi lại vì lời phê phán vô trách nhiệm của các bạn mà bỏ đi cho được. Chúng tôi làm việc không phải vì quyền lợi, không phải vì danh vọng. Sau 21 năm quân ngũ và 35 sinh hoạt cộng đồng, có lúc tưởng mình chỉ làm việc vì đam mê công việc. Nhưng ngày nay mới biết thật muộn màng. Mình đã làm vì lý tưởng. Vào dịp cuối đời, xin cho phép được tự mình khoác lấy những chữ nghĩa đầy hào quang của con người. Tôi làm vì lý tưởng, làm sao tôi bỏ được.

Các cậu đừng có thách đố vớ vẩn!

(XEM TIẾP KỲ SAU)