Sơn Điền NguyễnViết Khánh, 8-2-2012

Tuần này Israel (Do Thái) có vẻ đã làm dư luận thế giới quan tâm khi lên tiếng hăm dọa Iran (Ba Tư) sẽ tấn công chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.Nhưng người ta vẫn chưa rõ vụ Israel hăm dùng vũ lực đánh Iran chỉ là để đánh trống thổi kèn cho vang dậy rồi dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế bắt chẹt Iran, chớ không có ý định dùng các biện pháp quân sự? Nhưng cũng có thể đây cũng là một cách chuẩn bị để quốc tế áp dụng các biện pháp cứng rắn về kinh tế, coi như khó tránh được một thế đối đầu quyết liệt với Iran. Và đây cũng là một cách chuẩn bị dư luận quốc tế, về mặt chính trị cũng như tâm lý trước khả năng có thể có việc Iran trả miếng từ mùa hè sắp tới.

Một số người đã tỏ ý ca ngợi sự cứng rắn của Israel đưa đến việc Liên hiệp Âu Châu mới đây ra quyết định cấm nhập cảng dầu thô của Iran vào Âu châu. Nhưng cũng có người cảnh giác các biện pháp của Israel và Âu Châu có thể đưa đến các biện pháp trả đũa của Iran. Ngược lại cũng có những kẻ hoài nghi nói nếu Israel thật sự đang chuẩn bị đánh Iran bằng vũ lực, Israel không khờ dại mà công khai nói ra quyết định dùng vũ lực. Israel không có lệ nói trước một vụ tấn công quân sự. Người ta đã thấy các thí dụ về các vụ này, chẳng hạn như vụ Israel dội bom xuống các kho chứa nhiên liệu hạt nhân ở Iraq hồi năm 1981 và ở Syria năm 2007.

Những sự tiên liệu về một sự tấn công quân sự vào Iran không hề được công khai bàn thảo bao giờ. Vậy mà Shahram Chubin, một chuyên gia gốc Iran chuyên về ngăn chặn mọi sự lan tràn của của võ khí nguyên tử trong Ban Chủ trương ngăn chặn võ khí hạt nhân, thuộc Đại học Carnegie ở Geneva, nói: “Israel đã tự bắn vào chân mình khi thổi phồng mối hăm dọa của Iran".

Chubin còn nói việc Israel và Mỹ nêu ra hiểm họa tấn công của Iran đã làm hư hại đến khả năng loại trừ hiểm họa hạt nhân của cả hai nước. Nó làm mọi sự lựa chọn của cả hai nước trở thành nhàm chán vô vị, thay vì phải có những chuẩn bị hữu hiệu, la làng cho thật lớn nhưng lại quên các biện pháp phòng ngừa .

Dù vậy các nhà quan sát trung thực không đứng về phe nào đều nhấn mạnh Israel rất nghiêm chỉnh trong ý định tấn công Iran. Israel đã thấy một thực tế rất nguy hiểm là nếu một nước Hồi giáo có vũ khí hạt nhân như bom nguyên tử chẳng hạn, điều đó còn nguy hiểm hơn trong tương lai thay vì chỉ có chỉ có bom nguyên tử tàn phá một lần.

Trong khi một số nguời ca tụng Israel đã có những lý luận cứng rắn phụ họa việc Liên hiệp Âu châu mới đây quyết định cấm nhập cảng dầu thô của Iran, nhưng có một số khác cảnh giác chiến lược đó có mối họa là làm Iran có phản ứng trả đũa và cũng làm cho Israel khó mà quay ngược trở lại.

Reuven Pedatzur, Giám đốc viện Cao học tại Trung Tâm nghị luận chiến lược Netanya nói: “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từng sống với những suy tư như vậy. Không phải chỉ có ông Netanyahu suy nghĩ như thế mà thật ra đây là nền tảng cho sự an toàn của Israel”.

Người ta thấy tình hình Trung Đông biến chuyển như ngày nay với mối họa Iran không phải nhỏ. Lập trường của Israel cò vẻ thiếu rõ rệt khiến một số nguời cho là đó là lập trường “mập mờ đánh lận con đen”. Chúng tôi nghĩ cái mập mờ đó là cố ý, nhằm làm cho các kẻ thù của Israel phải vò đầu bứt tai mà đoán không ra được.

Tình hình Trung Đông vào sáng thứ Ba tuần này đã có chuyện nổi bật đáng chú ý là có tin một tướng lãnh Mỹ sẽ đến Pakistan nội trong tháng này để giải tỏa nạn đông lạnh trong chiến lược quân sự giữa hai nước từ hơn 2 tháng qua. Tướng Mỹ James Mattis sẽ hội kiến với với tướng Ashfag Kayani, Tổng Tham Mưu trưởng quân đội Pakistan để thảo luận về cuộc điều tra liên quan đến vụ nổ súng ở biên giới Afghanistan làm chết 24 lính Pakistan. Các giới.chức Pakistan nói họ sẽ mở lại con đường tiếp tế cho quân NATO chạy xuyên qua lãnh thổ Pakistan.

Trở lại vấn đề Iran, ở Mỹ Tổng Thống Obama nói ông không nghĩ Israel đã có quyết định tấn công Iran. Ông nói tiếp:”Tôi nghĩ họ cũng như chúng tôi tin rằng Iran phải hủy bỏ kế hoạch làm bom hạt nhân”. Ông còn cho biết có sư tham vấn chặt chẽ giữa Mỹ và Israel. Ông tuyên bố: “Israel và Mỹ làm việc bằng những bước đi gắn chặt với nhau và sẽ nỗ lực, hy vọng giải quyết vấn đề theo đuờng lối ngoại giao".

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.