Sơn Tùng, 3-2007

Dịp Tết Đinh Hợi vừa qua, ông Bùi Tín đã phổ biến một bài viết gọi là “vài lời đáp lễ” ông Nguyễn Văn Chức về một bài đăng trên tờ Góp Gió. Cho đến nay chưa thấy ông Nguyễn Văn Chức “đáp lễ” lại, nhưng vài người đã lên tiếng trả lời ông Bùi Tín, khá gay gắt.

Bài này không nhằm “đánh hội đồng” ông Bùi Tín, nhưng bài viết của ông đã đặt ra một số vấn đề nghiêm chỉnh, dù lời lẽ không mấy nghiêm chỉnh, mà tôi nghĩ rằng bất cứ người Việt Nam nào quan tâm đến quê hương đất nước cũng có thể nói lên quan điểm của mình. Hơn nữa, đây là một trường hợp rất điển hình. Một phóng ảnh của nhiều bộ mặt thời đại.

Thật vậy, bỏ qua những thậm từ có tính cách lăng mạ cá nhân, bài viết của ông Bùi Tín đã nói tới vai trò của ông Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam cận đại, tới cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trong nước, tới chỗ đứng của những đảng viên hay cựu đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Về công và tội của Hồ Chí Minh, ông Bùi Tín viết:

Tôi vốn là người từng tôn sùng ông Hồ Chí Minh đến mù quáng. Tôi từng là nạn nhân của sự tô vẽ, phóng đại về công lao, đức độ của ông, tôi từng bị nhồi sọ rằng dù cho có nói quá đi chút ít về công lao, giảm bớt chút ít về sai lầm của ông thì cũng chỉ vì lợi ích của đảng cộng sản, của đất nước và nhân dân, không có gì phải băn khoăn; tôi đã tự mình sám hối về thái độ này; sau đó, từ năm 1992, 93, tôi trở nên hoài nghi ngày càng dữ dội, để đi dần đến chỗ coi ông là nhân vật tiêu cực hơn là tích cực trong lịch sử đất nước.

Nhận thức của mỗi người đối với một vấn đề nào đó, đối với một nhân vật nào đó thường trải qua một quá trình nhận thức, tìm hiểu, suy nghĩ, phán đoán và thẩm định, do đó ở mỗi thời điểm lại có những mức độ nông sâu, màu sắc nhạt đậm khác nhau, ít ai có thể tức thời nhận ra toàn bộ chân lý tuyệt đối hoàn hảo.

Cái sai lầm lớn của ông Chức là lấy ra 1, 2 câu trong chính kiến của tôi về ông Hồ vào năm 1993 để đánh giá về tôi vào năm nay, không chịu thấy sự thay đổi trong tôi đã diễn ra sâu sắc và mạnh mẽ ra sao trong vấn đề này; làm vậy là ăn gian trong đối thoại, là bất lương trong trao đổi. Trong suốt 14 năm trời, gần như cứ 2 hay 3 năm tôi lại có bài luận văn về ông Hồ, một nhân vật trung tâm của lịch sử Việt nam thời cận đại. Tôi đã vĩnh biệt với cái tệ lười suy xét, nói theo đuôi người khác và tập dượt suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình (xin mời các bạn và ông Chức đọc chính kiến mới nhất của tôi về ông Hồ Chí Minh trong cuốn sách nhỏ ‘Tâm tình với tuổi trẻ Việt nam’ mới ra mắt giữa năm 2006, từ trang 73 đến trang 89, nghĩa là 17 trang liền chỉ nói về Hồ Chí Minh; tất nhiên tôi sẽ còn nói đến nhân vật này, nhìn ra đến đâu thì nói đến đấy, nói cho bạn trẻ trong nứơc có thể nghe ra, không nói theo ai, để vừa lòng ai cả).

Và đây là nhận xét của ông Bùi Tín về Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Văn Chức trích dẫn: “Người có lòng nhân ái sâu đậm... Người chủ trương đại ân xá, xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc vì đại nghĩa... rước hết và sau cùng, Người là con người yêu nước ...”

Trong cuốn “Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam” (2006), ông Bùi Tín viết về Hồ Chính Minh từ trang 73 đến trang 89. Để tỏ ra khách quan trong nhận xét, ông Bùi Tín viết về Hồ Chí Minh dựa trên tiền đề: “Ông là nhân vật Việt nam được nhận định và đánh giá trái ngược nhau nhất, bởi nhân dân trong nước cũng như bởi cộng đồng người Việt ở ngoài nước hiện nay. Một bên, ông được coi là lãnh tụ vĩ đại nhất của nhân dân và của đảng CS, là anh hùng dân tộc vô song, có đạo đức cao đẹp, có bản lĩnh lãnh đạo tuyệt vời, thông minh tài trí, hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc và giai cấp cần lao. Ông được ca ngợi là nhà cách mạng mẫu mực, nhà chiến lược nhìn xa trông rộng, nhà chính khách từng trải, nhà ngoại giao linh hoạt, nhà quân sự tài năng, nhà hiền triết thâm thúy, nhà thơ đặc sắc, nhà báo lão luyện, nhà văn hóa lớn... Ngược lại, bên tố cáo, lên án, kết tội ông Hồ Chí Minh bằng những danh từ xấu xa nhất: trùm cộng sản khát máu, tội đồ của dân tộc, tay sai CS Liên Xô, tay sai Trung Cộng, bán nước hại dân, với tính khí xảo trá, lật lọng, lừa dối, đạo đức giả, hoang dâm.”

Ngay ở tiền đề này, ông Bùi Tín đã muốn người đọc tin rằng “nhân dân trong nước” tôn sùng Hồ Chí Minh, chỉ có “cộng đồng người Việt ở ngoài nước” lăng mạ ông ta. Phải là người ngây thơ hay “lười suy xét” lắm mới có thể dẫn chứng vài hiện tượng “sùng bái” Hồ Chí Minh một cách mù quáng, bệnh hoạn để kết luận rằng “nhân dân trong nước” đều suy nghĩ như vậy. Chắc ông Bùi Tín biết hơn ai hết rằng trong một chế độ độc tài, lãnh tụ không những được “tô vẽ, phóng đại” mà còn được thần thánh hóa và dân chúng bị bắt buộc phải tôn sùng. Ai chỉ vô tình nói khác cũng là trọng tội và bị trừng phạt. Có lẽ cũng cần nhắc trí nhớ cho ông Bùi Tín trường hợp của Mai Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chỉ vì đăng tài liệu lịch sử về việc HCM có vợ mà đã bị mất chức và không ai biết còn bị trừng phạt ra sao. Dưới sự đàn áp như vậy, ai có thể biết người dân thực sự nghĩ gì? Ngoài ông Bùi Tín!

Sau khi võ đoán rằng “nhân dân trong nước” tôn sùng HCM, bằng một bút pháp hỗn độn, ông Bùi Tín dẫn ra một số sự kiện và quan điểm của vài người ở trong nước được xem như khách quan mà không nói rõ quan điểm của chính mình.

Khi ở trong hàng ngũ cộng sản, ông Bùi Tín tôn sùng lãnh tụ của ông không phải là điều lạ vì cũng bị nhồi sọ và bưng bít sự thật như mọi người khác. Nhưng tiến trình thức tỉnh của ông quá dài. Những hơn 15 năm sau khi rời khỏi hàng ngũ cộng sản, sống trong xã hội tự do, mà tiến trình ấy vẫn chưa kết thúc, và chưa nhìn rõ mặt thật của Hồ Chí Minh, trong khi nhiều người khác không có điều kiện để biết nhiều, thấy nhiều như ông, nhưng đã nhận rõ tội ác của kẻ đã áp đặt chủ nghĩa Mác Lê vào Việt Nam, nguyên nhân của bao đau thương, tàn phá trên đất nước Việt Nam từ giữa Thế kỷ 20 kéo dài cho đến ngày nay. Lúc còn chiến tranh, hàng chục ngàn cán binh cộng sản đã bỏ hàng ngũ để “hồi chánh” trong khi bị xua vào “giải phóng” miền Nam. Họ tỉnh ngộ nhanh hơn ông Bùi Tín rất nhiều.

Ông Bùi Tín tự bào chữa bằng “cái tệ lười suy xét, nói theo đuôi người khác”. Phải chăng nhờ cái “tệ” ấy mà ông ta đã leo lên tới cấp đại tá và được làm phó tổng biên tập tờ báo đảng “Quân Đôi Nhân Dân” và “Nhân Dân”?

Ông Bùi Tín không dứt khoát tư tưởng, không phân biệt chính tà, khi ông chọn ở lại nước Pháp nhân một dịp Đảng cho đi công tác nước ngoài vào năm 1990, và tiếp tục tôn sùng Hồ Chí Minh, tiếp tục đề cao thành tích “giải phóng” đất nước của Đảng CSVN, tiếp tục coi chính quyền Miền Nam VN chỉ là bù nhìn của ngoại bang.

Đây là điều hết sức mâu thuẫn và nghịch lý mà người ta chỉ có thể hiểu được khi coi Bùi Tín là một con người thời cơ, suy tính rất nhiều (chứ không phải “lười suy xét” như ông ta tự kết tội). Ông Bùi Tín không muốn mất gì cả và lại muốn được thêm nữa khi có thay đổi tại Việt Nam. Ông không muốn mất cái “quá khứ hiển hách” 37 năm trong quân đội nhân dân và 44 tuổi đảng, từng đánh thắng thực dân Pháp, đuổi đế quốc Mỹ, vào “tiếp thu Dinh Độc Lập”(?). Ông không muốn thú nhận quá khứ của ông là sai lầm, là tội lỗi. Và nay, ông Bùi Tín lại muốn đóng vai trò “chiến sĩ tự do”, một lãnh tụ dân chủ ở hải ngoại, người “cầm bó hoa hồng trên tay đi hòa giải nhân loại” (như ông ta viết trong cuốn “Từ thù đến bạn”) và mơ một ngày nào đó có “dân chủ đa nguyên” ở Việt Nam sẽ lại được các cựu đồng chí trải thảm đỏ đón về như một “anh hùng dân tộc”!

Nhất định Bùi Tín không phải là người “lười suy xét”. Ông ta chỉ thiếu dõng dạc, không khí phách. Ông ta khác hẳn Xuân Vũ, và cũng không bằng Dương Thu Hương.

Nhìn rõ sự thật trong những năm tháng tập kết ra Bắc, Xuân Vũ đã dứt khoát bỏ hàng ngũ khi được đưa vào đánh phá miền Nam và viết sách phơi bày tội ác của đảng. Dương Thu Hương đã “khóc như cha chết” trên đường phố Sài Gòn khi biết bị đảng lừa. Bùi Tín khác hẳn, trong “Thư đầu năm 2006” gửi “các bạn đảng viên cộng sản nhân Đại hội X” còn mở đầu quanh co như sau:

“Tôi không còn là đảng viên cộng sản từ hơn 15 năm nay. Ngay từ 30 năm trước, sau ngày 30-4-1975, khi chứng kiến các trại cải tạo sỹ quan viên chức miền Nam, thấy thảm cảnh dân đô thị bị cưỡng bức đi kinh tế mới, trước sự kiện bi đát hàng chục vạn đến hàng triệu thuyền nhân, rồi việc chiếm đóng lâu dài Cambốt và gây nên vụ Siêm Riệp, cùng với việc giải thể một cách khinh bạc Mặt trận dân tộc giải phóng, việc lặng lẽ chấm dứt sự tồn tại của hai đảng Dân chủ và Xã hội từng hỗ trợ đảng Cộng sản trong chiến tranh quyết liệt..., tôi bắt đầu cảm thấy nhóm lãnh đạo đảng CS đã trở nên kiêu ngạo, biến chất, không còn có quan hệ gắn bó với nhân dân. Họ đi ngược lại điều họ không ngớt rao giảng: ‘đoàn kết, đại đoàn kết’, đảng viên CS luôn ‘hết lòng phục vụ nhân dân’, ‘khó khăn thì đảng viên đi trước, hưởng thụ thì đảng viên đi sau’.”

Đọc đoạn trên đây, người ta bắt buộc phải nghĩ rằng theo Bùi Tín thì trước ngày 30/4/1975, đảng của ông ta là tốt và có chính nghĩa, chỉ mới “biến chất” sau khi chiếm được miền Nam, trong khi cả thế giới đều biết chủ nghĩa cộng sản là tai ương lớn nhất của nhân loại trong Thế kỷ 20, tệ hại gấp trăm lần Phát-xít Đức, đã cướp đi sự sống của hơn 100 triệu sinh linh, trong đó có khoảng một triệu người Việt Nam.

Đó là lý do khiến Liên Sô sụp đổ và khối CS Đông Âu đã tan biến, và Cộng sản VN đã phải “đổi mới”, mở cửa rước “đế quốc Mỹ” trở lại.

Bùi Tín đã ngoảnh mặt trước sự thật lịch sử chẳng qua chỉ vì không muốn mất “hào quang” của quá khứ. Cũng với tâm lý ấy, ông Bùi Tín vẫn còn tự hào và khoe khoang về dòng dõi “con quan” của mình.

Đây là một sự kiện cũng rất nghịch lý, vì nếu là một đảng viên cộng sản đã giác ngộ giai cấp, ông Bùi Tín phải hổ thẹn vì đã có một người cha làm quan lại ngoan ngoãn phục vụ triều đình quân chủ, làm tay sai đắc lực trong guồng máy cai trị của chính quyền thuộc địa, và đã bị dư luận phỉ nhổ với giai thoại “quan thông ngôn” Bùi Bằng Đoàn gọi Cụ Phan Bội Châu là “mày” trong một phiên tòa của thực dân Pháp xử nhà cách mạng được toàn dân kính phục.

Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói thêm một chút về giai thoại này vì thiển nghĩ cũng không ra khỏi đề tài. Trong cuốn Hoa Xuyên Tuyết, ông Bùi Tín viết về thân phụ mình như sau: “Cha tôi đỗ cử nhân Hán học lúc mới 17 tuổi, ngay sau đó phải khai thêm 3 tuổi để vào trường hậu bổ học 3 năm tiếng Pháp. Cha tôi đỗ đầu thi tốt nghiệp. Sau khi làm chánh án tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, rồi tỉnh Ninh Bình, đầu năm 1933, cha tôi được chọn vào Huế làm Thượng thư bộ Tư Pháp mới 44 tuổi. Mười hai năm ở kinh đô, trông nom việc xử kiện của tất cả các tỉnh Trung kỳ, cha tôi giữ một đức tính liêm khiết đến mức tuyệt đối.”

Một con người thông minh, học rộng và liêm khiết như thế không thể không biết cụ Phan Bội Châu là một nhà cách mạng yêu nước đã bị thực dân Pháp bắt (sau này được biết do Hồ Chí Minh chỉ điểm) đem ra xét xử, và dư luận cả nước đang xôn xao phản đối bằng cách đình công, bãi khóa... Nếu là một người có lòng yêu nước, biết trọng kẻ sĩ, ông Bùi Bằng Đoàn cũng phải kính nể cụ Phan, và khi được cử làm thông ngôn trong phiên tòa phải giữ thái độ tề chỉnh, khiêm cung. Không thể hống hách, ngạo mạn, coi một anh hùng dân tộc như một can phạm móc túi hay giết người, để dịch câu tiếng Pháp (Votre nom?) của viên chánh án thành “mày tên gì?”.

Giai thoại này là một vết nhơ không thể rửa sạch gắn vào tên Bùi Bằng Đoàn, mà con cháu nếu có liêm sỉ phải thấy hổ thẹn. Ngược lại, ông Bùi Tín chẳng những hãnh diện về cha mình mà còn dùng phẩm trật quan lại của cha mình để làm gươm giáo đánh kẻ thù trong một cuộc bút chiến, mà lại là nhắm vào một người đàn bà vô can vì cha người ấy có phẩm trật nhỏ hơn cha mình.

Nhiều người coi đây là một hành động tiểu nhân. Tôi nghĩ nó chỉ bộc lộ bản chất thật của một con người dưới lớp áo “con quan”, đại tá quân đội nhân dân VN, đảng viên đảng CSVN, nhà báo bất đồng chính kiến, chiến sĩ tự do dân chủ, vân vân.

Với đòn bẩn này, ông “con quan” Bùi Tín cũng sẽ “lưu danh hậu thế” như ông quan Bùi Bằng Đoàn với giai thoại gọi anh hùng dân tộc Phan Bội Châu là “mày”.

Việc ông Bùi Tín, một cựu đảng viên cộng sản, khoe khoang về dòng dõi “con quan” của mình và ngầm miệt thị giai cấp lao động, chỉ làm người ta thấy rõ bản chất gian trá của những người tự nhận là “cách mạng vô sản” và thương hại họ, vì nó trái ngược với những người làm chính trị tại các nước tư bản lại thường tự hào khoe bố mình làm thợ mỏ, thợ sơn, hay lái xe vận tải, vân vân. Trong huyết quản cựu đảng viên cộng sản Bùi Tín vẫn mang dòng máu của “cậu ấm” con quan thời Pháp thuộc, dù đã trải qua bao biến thiên của thời đại.

Dòng máu thời cơ ấy đã dẫn dắt Bùi Tín qua những cơn biến động do cộng sản gây ra từ năm ông 17 tuổi cho tới ngày nay, luôn luôn biết nương theo chiều gió và nắm thời cơ. Bùi Tín gia nhập hàng ngũ cộng sản và tích cực trong mọi công tác, kể cả giết người (như bị tố cáo), và đã bỏ đảng khi đang ở Pháp trong lúc hàng loạt các nước Cộng sản đàn anh theo nhau sụp đổ, và trở thành “nhà báo bất đồng chính kiến” lưu vong, “nhà dân chủ” và hòa hợp hòa giải tị nạn chính trị. Đúng lúc!

Ông Bùi Tín được một số người ở hải ngoại ôm chân nịnh hót. Trong đó có những người cùng dòng dõi “con quan” như ông và từng ôm chân “đế quốc Mỹ” ở miền Nam, trong khi ông tôn thờ Mác Lê ở miền Bắc. Đám “con quan” thời cơ ở hai chiến tuyến đối nghịch cùng nhau hòa hợp hòa giải để lột xác thành những “nhà dân chủ đa nguyên” ở hải ngoại được ông Bùi Tín gọi là “những người mà bộ máy công an cũng như bộ máy tư tưởng/ văn hóa của đảng cộng sản vừa căm thù vừa lo sợ đến hoảng hốt”.

Ghép tên mấy người này vào những người đang can đảm đứng dậy ở trong nước là một việc làm không lương thiện, là sỉ nhục những con người đáng khâm phục đang đứng trước đầu sóng ngọn gió ở quê nhà, và để lộ bản chất thời cơ, ăn có của những kẻ muốn “tuần chay nào cũng có nước mắt”.

Cộng sản sợ những người dám coi thường ngục tù và cái chết để chống lại chúng chứ không ngán bọn cơ hội chủ nghĩa, phản bội, đón gió trở cờ ở nơi an toàn cách xa chúng mấy đại dương.

Những người tranh đấu ở trong nước cần sự yểm trợ từ bên ngoài, nhưng khinh bỉ ghê sợ bọn đầu cơ chính trị, dấy máu ăn phần ở bên Tây, bên Mỹ chực chờ để trở về chia ghế khi có đa đảng đa nguyên.

Người ở trong nước, giữa vô vàn hiểm nguy đe dọa, cần phải thận trọng trong mọi hành động và đắn đo từng lời từng chữ, nhưng người làm công việc đấu tranh (tư tưởng) ở hải ngoại cần minh định lập trường rõ ràng, phân biệt chính tà và chọn chỗ đứng dứt khoát. Không thể lý luận quanh co, lẫn lộn chính tà, và chân đứng ngả nghiêng.

Đọc những bài viết, nghe những lời nói của ông Bùi Tín trong 15 năm qua, không ai hiểu ông ta thực sự nghĩ gì và chỗ đứng ở đâu. Chúng mâu thuẫn, mập mờ. Ai cũng có thể coi là bạn, và ai cũng có thể coi là thù!

Bùi Tín kết tội những người chống cộng dứt khoát là “cực đoan”. Nhưng trên mặt đất này, còn có loại người nào cực đoan hơn người cộng sản? Người cộng sản không chỉ cực đoan với người không cộng sản, mà còn cực đoan cả với chính các “đồng chí” của họ. Từ Nga, sang Tàu, Cam-bốt, Việt Nam... phải hàng ngàn trang giấy cũng chưa kể hết những vụ thanh trừng, thủ tiêu, sát hại lẫn nhau trong hàng ngũ cộng sản. 

Từ năm 1945, Cộng sản VN đã bao lần dùng khẩu hiệu “đại đoàn kết”, “hòa hợp dân tộc” để lừa bịp và tiêu diệt người quốc gia? Màn lừa bịp mới nhất là trò hề trao “giải thưởng văn học” cho bốn người trong Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tại Việt Nam sau khi họ bị kết án, bị đày ải, trù dập trong 50 năm. Việc phát giải chẳng khác nào một hành động bố thí vô nghĩa hay xoa đầu trẻ nhỏ vì bản án của họ vẫn còn nguyên, không bị hủy bỏ. Họ vẫn là những kẻ có tội. Cái “tội” đã dám viết ra sự thật.

Người có chút chất xám trong đầu, không ai không biết đây chỉ là một trò bịp nhằm đối phó với phong rào dân chủ đang dâng cao trong nước, và cố xoa dịu giới cầm bút đang bị lôi cuốn vào hàng ngũ đấu tranh.

Thay vì lột trần âm mưu ấy, ông Bùi Tín đã nói như sau với tờ Ngày Nay ở Houston, Texas (số 591, 01-03-2007):

“Việc trao giải thưởng Nhà Nước cho bốn vị Nhân Văn Giai Phẩm là biểu hiện tốt, đáng hoan nghênh về phía đảng và nhà nước.

Nguyên nhân là vì có đòi hỏi của dư luận xã hội, của anh chị em văn nghệ sĩ. Cũng vì dịp này là 50 năm tròn vụ Nhân Văn Giai Phẩm bị xét xử, lên án, năm 1956-57, sau khi có Đại hội 20 Liên Xô chống sùng bái cá nhân Staline, Nghị quyết Trung Ương 10 sửa sai Cải Cách Ruộng Đất.

Vừa qua báo chí, các mạng văn học nói khá nhiều đến CCRĐ và vụ NVGP, yêu cầu là dịp để giải tỏa ẩn ức kéo dài bất công và phi lý. Cũng là dấu hiệu mới tiến lên phía trước sau khi ta vào WTO...”

“Ta” đây là ai? Chắc chắn không phải là những người đang bị đàn áp, tù tội vì tranh đấu cho dân chủ tự do ở trong nước. Người rộng lượng có thể coi chữ “ta” của Bùi Tín là đất nước Việt Nam, nhưng cái lối cột chung đảng và nhà nước cộng sản vào với tổ quốc là một trò bất lương. Nếu Việt Nam có một chế độ dân chủ thì việc vào WTO chỉ là chuyện bình thường đã xong từ lâu như các nước lân bang, không gian nan, trầy trật như đã xảy ra với bạo quyền cộng sản trong thời gian vừa qua? Chế độ ấy “đáng được hoan nghênh” hay đáng bị lên án?

Những lời lẽ ôn hòa dễ thương “lười suy xét” trên đây khác hẳn với những gì ông Bùi Tín đã viết trong bài “đáp lễ” ông Nguyễn Văn Chức chỉ trước đó ba tuần lễ, khi ông ta kết tội Mác Lê là “một học thuyết cực kỳ tệ hại, dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn, đất nước tan nát, chính trị và kinh tế lạc hậu thảm hại, nay đã đến lúc phải dứt bỏ con đường và học thuyết ấy để thực hiện dân chủ đa nguyên đa đảng, hòa nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ.”

Lời bình luận của ông Bùi Tín về việc nhà nước CSVN phát giải văn học cho bốn nhà văn trong Nhóm NVGP nếu không phải là con dao đâm vào sau lưng những người đấu tranh ở trong nước thì cũng là cái gậy thọc vào bánh chiếc xe dân chủ, như lời chính ông ta đã buộc tội ông Nguyễn Văn Chức là “tiếp sức cho đảng cộng sản lúc thoái trào bằng cái kiểu phá đám, chọc gậy bánh xe”.

Có lẽ cũng cảm thấy như vậy nên ngày 20-3 vừa qua, ông Bùi Tín lại phổ biến một bài mang tựa đề “Bộ mặt thật của chế độ: Tận cùng hèn hạ, vô đạo, bất nhân” để lên án chiến dịch đàn áp, bắt bớ ồ ạt những chiến sĩ dân chủ đang diễn ra trong nước, và kết luận rằng: “Chế độ độc đảng đã thua to trong cuộc ra quân không cân sức này. Nó đang cần và muốn trưng ra bộ mặt sạch sẽ, lương thiện, trọng pháp luật để được làm ăn, được đầu tư nhiều hơn thì lại phơi bầy bộ mặt nhơ bẩn, độc ác, hèn hạ, chà đạp luật pháp và đạo lý. Nó sẽ phải chuốc lấy mọi hậu quả bi đát nhất, đặc biệt là sự khinh thị của công luận trong ngoài nước, luôn trọng nghĩa khí và đạo đức, lên án bạo quyền vô luân.”

Ông Bùi Tín càng viết càng nói càng tạo ra nhiều “mây mù” khiến không ai biết “mặt thật” của ông ta là gì - đúng như tên hai cuốn sách của ông (*). Ông đã cố đóng nhiều vai trò cùng một lúc, nhưng vai trò nào cũng vượt quá tầm vóc của ông.

Hát xiệc, đi dây, thay đổi màu da tùy ngoại cảnh... là hành động của những kẻ đánh bài gian lận và sẽ bị loại trừ trong cuộc đấu tranh vì đại nghĩa. Những người từng ở trong hàng ngũ cộng sản vì hoàn cảnh lịch sử có thể đóng góp trong cuộc đấu tranh này, nhưng sự thành thật hối cải và dứt bỏ quá khứ là điều kiện tiên quyết.

Những người như ông Bùi Tín đã thiếu điều kiện tiên quyết ấy.

Sơn Tùng

(*) Mặt Thật (1994), Mây Mù Thế Kỷ (2000) của Bùi Tín.

(Trích Tạp chí Thế Giới Ngày Nay số 197, tháng 3. 2007)