SÀI GÒN (NV) .- Tòa án huyện Bình Chánh ở Sài Gòn vừa tuyên bố cần một tuần để xem lại vụ truy tố hai người nhậu xong, đi tiểu rồi bị cáo buộc là cướp.


 

Trần Văn Uống (trái) và Khưu Khánh Sỹ (phải) tại phiên sơ thẩm hôm 19 tháng 11-2013 ở tòa án huyện Bình Chánh. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Đây là điều hiếm thấy: Hội đồng Xét xử không dễ dàng chấp nhận kết luận của công an và cáo buộc của Viện Kiểm sát. Dường như sự phẫn nộ của công chúng đối với hệ thống tư pháp đã tạo ra một vài tác động nhất định 

Cuối năm ngoái, Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị công an xã Lê Minh Xuân “bắt quả tang” vì cướp tài sản của ông Phan Thanh Quyền. Cả Công an lẫn Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh cùng xác định rằng, Uống và Sĩ đã cùng hai người khác đi nhậu. Nhậu xong, cả bốn bàn với nhau chặn xe để cướp, bán lấy tiền xài.

Cáo trạng nói Uống, Đen, Sệt dung mỗi người một cây tầm vông dài khoảng 50 cm cùng Sỹ đi bộ ra đường Trần Đại Nghĩa, chia làm hai nhóm đứng đợi hai bên đường. Sau đó thì một người đàn ông tên là Phan Thanh Quyền đi tới.

Thấy cả bốn chờ sẵn như thế, ông Quyền quay xe bỏ chạy. Đen cầm cây đánh ông Quyền nhưng không trúng. Cả nhóm đuổi theo và ném các cây tầm vông về phía ông Quyền nhằm làm ông Quyền ngã xe nhưng ông Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin. Do Đen và Sệt đã bỏ trốn nên Công an Bình Chánh chỉ khởi tố Uống và Sĩ. Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh truy tố Uống và Sĩ “cướp tài sản”...  

Tại tòa, Uống và Sỹ một mực kêu oan. Dù bị cách ly (không cho trao đổi hay nghe lời khai của nhau) nhưng cả Uống và Sỹ đều khai giống nhau. Theo đó, cả hai cùng là công nhân của một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Tối 5 tháng 12 năm 2012, cả hai đi nhậu cùng một số đồng nghiệp. Nhậu xong, trên đường về, cả nhóm dừng lại tiểu ở ven đường thì thấy một đám đông đổ đến đòi bắt. Cả nhóm bỏ chạy rồi Uống và Sỹ bị bắt, bị cáo buộc là cướp.

Tờ tường trình đầu tiên do “nạn nhân” của vụ cướp này viết ngay sau khi Uống và Sỹ bị bắt, kể rằng, khi còn cách nhóm thanh niên khoảng 30 mét thì ông thấy hai thanh niên cầm cây, đứng hai bên vệ đường nên ông “đoán là cướp” rồi quay đầu xe, báo cho dân phòng. 

Đến biên bản lấy lời khai được lập vào ngày hôm sau, “nạn nhân” khai thêm chi tiết, “hai thanh niên này xông về phía tôi, tôi quay đầu xe thì bị ném cây theo”.

Uống và Sỹ bị bắt từ đêm 5 tháng 12 năm 2012 nhưng trong hồ sơ của Công an có một biên bản “bắt quả tang” được lập sau đó một ngày. Tuy “bắt quả tang” nhưng công an không thu được “ba cây tầm vông” được xác định là “hung khí nguy hiểm” – một tình tiết mà cả công an lẫn Viện Kiểm sát đề nghị “tăng hình phạt” đối với Uống và Sỹ.

Trong phiên xử sơ thẩm hôm 19 tháng 11, luật sư của Uống và Sỹ đề nghị Tòa triệu tập “nạn nhân” để đối chất nhưng Tòa cho biết “nạn nhân” đã xin phép vắng mặt vì sợ bị trả thù.       

Khi bị Hội đồng Xét xử chất vấn, tại sao đã nhận tội lại còn kêu oan, Uống và Sỹ khai rằng, họ bị công an đánh đau quá nên phải viết tờ tự khai theo ý của điều tra viên và ký tên vào các biên bản đã được soạn sẵn.

Nhiều người lắc đầu khi Hội đồng Xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đòi Uống và Sỹ kể tên những người đã đánh họ. Dù bị cách ly nhưng cả hai cùng kể giống nhau, đó là những người mặc thường phục, không đeo bảng tên, cấp bậc nên họ không thể biết tên. Không chỉ đánh, những kẻ đó còn treo họ lên để gây đau đớn cực độ.

Người dự khán phì cười khi Hội đồng Xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đòi trưng bằng chứng về chuyện bị đánh. Khưu Khánh Sỹ bảo rằng chuyện tra tấn diễn ra đã cả năm, trên cơ thể không còn dấu tích, làm sao trưng được chứng cứ.

Luật sư bào chữa cho hai Uống và Sỹ nói thêm rằng, công an và Viện Kiểm sát chỉ dựa vào trình báo của người được cho là bị hại và lời nhận tội của hai bị cáo tại cơ quan điều tra là chưa thỏa đáng.

Giữa tuần tới, Tòa án huyện Bình Chánh mới đưa ra phán quyết về vụ án này. Sau khi oan án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn được phơi bày, trong vài tuần qua, báo chí Việt Nam đã lật lại cả chục vụ án oan hoặc bị nghi là oan án. Sự phẫn nộ của công chúng đối với hệ thống tư pháp Việt Nam đang dâng cao.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm, dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam không thèm ngó ngàng tới.

Ông Chấn bị phạt chung thân và ở tù suốt mười năm qua, mãi tới gần đây, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú, ông Chấn được trả tự do, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=177705