Louis Le, 7/3/2022

Hôm nay mình muốn viết cho những cặp trẻ đang có con sắp sửa vào Mẫu giáo (elementary) những kinh nghiệm mình đã lo cho con mình.

Khi con mình được 3 tuổi thì mình cho hai đứa vào pre-school. Thường thường mỗi thành phố đều có những cái trường này và nó không đắt, nhất là có những nhà thờ có luôn cả pre-school. Thiệt ra pre-school là họ tập cho con cái biết nghe lời và làm theo sự chỉ dẫn của cô giáo, ngoài ra nó còn giúp cho con mình chung đụng, làm quen, chơi đùa với những đứa trẻ cùng tuổi khác và nhất là ở Mỹ, sẽ có nhiều chủng tộc khác nhau. Cái này sẽ làm con mình dạn ra khi đi vào Mẫu Giáo. Trong lúc này cũng là lúc mình dạy con mình tự đi bô và lau chùi lấy cái này gọi là potty train. Cái quan trọng là con mình phải biết báo cho cô giáo biết khi bé cần đi bô, đi tiểu và không được sợ, phải dạn. Mình luôn luôn khuyến khích con mình phải bạo dạn vì mọi người đều thương và lo cho bé. Nên bỏ thời giờ và sự thương yêu cho con mình được thành công trong chuyện này.

Tới tuổi đi học mẫu giáo, mình rất kỹ về chuyện này vì theo mình nó là căn bản của học vấn trong tương lai con mình. Những thứ mình phải hy sinh là gì?

  1. Mình bỏ việc kiếm nhiều tiền hơn để có việc có thời giờ tham gia những lần trường cần volunteer cho lớp, như trong lớp và field trips.
  2. Mình và bà xã kiếm khu ở có trường mẫu giáo tốt thay vì mua những chỗ hai vợ chồng thích, vì con mình quan trọng hơn. Mình biết mình muốn ở khu nào, vào greatschools.org coi cái zipcode của mình con phải học trường nào và mình đọc hết tất cả reviews của bố mẹ học sinh ở đó coi họ nói gì. Demographics như thế nào, nhiều chủng tộc tốt hay không, có nhiều bullying hay không và nhà trường làm gì với những sự kiện này? Mình kiếm được trường tốt cho con thì mình mới đi mua nhà ở đó hoặc đi mướn nhà thay vì mua nếu qúa đắt.
  3. Mình không muốn con mình lạc lõng trong một trường học lớn, mình luôn luôn chở bé đi học và đứng chờ cho bé vào lớp, hai đứa con mình rất hãnh diện và vui khi nhìn thấy bố mẹ chăm sóc. Khi tất cả những đứa nhỏ khác nhìn thấy con mình vui, tụi nó cũng muốn làm bạn luôn nên con mình lại có nhiều bạn, đây là psychology 101 cho tất cả mọi chủng tộc, con người.
  4. Trong mỗi lớp, năm nào cũng có open houses cho bố mẹ tới gặp thày cô giáo và nhìn thành tích con mình làm trong lớp, sau giờ đi làm, hai vợ chồng vào coi con mình làm ăn ra sao. Tụi nhỏ rất thích show off những gì bé làm trong lớp, cái này cho bé một tự tin và bé biết bố mẹ chăm sóc và lo cho bé thành công. Bố mẹ rất thương bé.
  5. Đừng underestimate sự có mặt của bố mẹ trong trường, nó giúp con mình rất nhiều. Không có một ngày tổ chức của lớp mà không có một trong hai vợ chồng mình có mặt volunteer để giúp cô, thầy giáo. Hai người thay phiên nhau làm. Con mình rất vui và hãnh diện khi mình chở bé và bạn bé đi field trips, mà thiệt ra mình học được rất nhiều từ những cái field trips này cho chính mình. Nhiều người sợ tiếng Anh không giỏi, mình nhìn Tầu, Ấn Độ mới qua đi volunteer, nói trọ trẹ nhưng họ chỉ cần làm mà không cần nói, chỉ cần giúp đỡ trường mà thôi. Cũng nhờ những cái này, cả hai con mình thiệt ra rất popular trong trường, ai cũng muốn làm bạn hai đứa cả, birthday mình tổ chức, bé gái được mời bạn thân đi chung vui với bé. Mình nhớ ngày bé lên lớp, nhiều em bé khóc vì bố mẹ không tới chung vui với mấy em, mình thấy tội nghiệp quá, đa số dân Á Đông mẹ có mặt, mình thì cả hai vợ chồng.
  6. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và “nồi nào thì ắp vung đó”, khi lên tời Middle school ( lớp 7, và 😎 bé đã có một số bạn thân đều học giỏi và vui đùa với nhau, bé lười học, mẫu giáo chỉ vừa đủ điểm lên lớp, nhưng lên Middle school bắt đầu học straight A vì bạn bè đều học giỏi. Khi sự học và sự tự tin đã có theo một guồng máy tốt, thì lên trung học, cũng dễ dàng. Bé đã biết lo cho Đại Học, tham gia studen bodies, clubs, và trở thành popular hơn mặc dù không được 5 chấm như bạn bè, nhưng 4 chấm có, theo mình là quá đủ rồi, lấy AP nhiều cho khổ vì mình muốn con mình được đi chơi, chơi games với bạn bè cuối tuần. Con mình sau khi đi học về thứ sáu là muốn làm gì thì làm, chơi games, đi sinh nhật cũng như mình hồi trung học. Chưa bao giờ hai đứa phải học thêm cuối tuần.

Fail to plan, plan to fail. Đời sống với con cái rất ngắn ngủi, thời gian trôi rất mau, mình đã bỏ không biết bao nhiêu dịp may để qua hãng lớn, kiếm nhiều tiền hơn, nhưng phải đi công tác nhiều hơn và làm nhiều giờ hơn vì mình muốn có giờ chắm sóc cho con mình thành người phóng khoáng, vui vẻ và lạc quan về tương lai của tụi nó. Luôn luôn tụi nó biết lúc nào cũng có bố mẹ thương yêu và chăm sóc cho hai đứa từng ly từng tí, mà đừng nói tụi nó hư, con mình rất thương yêu nhau, gia đình và bạn bè. Chúc mọi em trẻ lo cho con một cách chu đáo. Mình không đổi việc để làm nhiều tiền hơn, nhưng ông trời vẫn cho mình đủ tiền bạc để lo cho con cái, hay thiệt.

=====================================================================

Có mấy em trẻ muốn mình chia sẻ cách mình nuôi con trong 18 năm khi có đứa con đầu lòng. Hôm nay mình viết lại bài mình lo cho con như thế nào.
Mình để ý gia đình nào bố mẹ lo cho con từ lúc còn trong bụng mẹ tới khi chào đời và lớn lên đều có tính tốt và hiền lành giống bố mẹ nó trừ phi bố mẹ nó dồm. Mình có đọc về psychology của con nít, tính tình và sức khoẻ của đứa bé trong bụng mẹ đều được ảnh hưởng bởi sức khoẻ và tính tình của mẹ trong lúc mang thai. Khi vợ mình mang thai Audie và Brandon, mình làm mọi việc để bà xã được vui vẻ, khoẻ mạnh và nhất là không lo lắng, buồn phiền. Mình cũng mừng vì đã lo lắng đúng, hai đứa con mình đẻ ra đều khoẻ mạnh và tốt lành.
Hôm nay mình muốn chia xẻ một vài kinh nghiệm hồi bắt đầu có đứa con gái đầu lòng. Là một người bố thương con, muốn cho con đủ mọi thứ và huấn luyện con trở thành một người thật tốt, thật giỏi, mình đi đọc đủ mọi bài về cách nuôi con từ khi sinh ra đời. Thiệt ra trong internet, cả tỷ cách nuôi con, huấn luyện con từ bé. Mình đi mua cho con gái đủ thứ đồ chơi, cả những thứ để mở mang trí tuệ, cho nó nghe nhạc Mozart cho baby, không thiếu một thứ gì. Cho tới một ngày, bé mới được 3 tuổi hơn, mình bắt đầu mua computer games cho bé chơi, bé rất thích games của Disney, và đồng thời xen vào những games toán, bé cũng thích, nhưng không thích lắm. Khi bé lớn được gần 3 tuổi, mình lại bầy đặt đi mua computer và games dạy bé học toán, một đêm, bé làm toán không đúng, mình giận và quát tháo, bé buồn, lủi thủi chạy vào phòng và khóc thút thít. “bộp”, có người tát vào đầu tôi “sao mày ác và đạo đức giả thế? Ngày xưa mày có phải học toán hồi ba tuổi không? mày thích chơi hay thích học?” Thì ra ông Trời vừa cảnh cáo mình (mình thích ông Trời vì ông mày tao mà không bắt mình xưng con LOL). Mình thức tỉnh, đi vào phòng, nhìn thấy con bé ngồi thút thít, tôi thương quá, ôm bé và hứa rằng sẽ không bao giờ bắt bé học và quát bé nữa. Từ đó trở đi, mình để bà xã lo chuyện dạy dỗ. Tôi có đọc nhiều tin về bố mẹ bắt con học nhiều từ nhỏ mặc dầu họ không học tới đâu, đời sống trẻ trung, vui đùa của mấy bé bị cướp mất, tới lúc lớn lên, sinh tật và nhiều khi tự tử, mình nghĩ ông Trời không bợp tai những người này vì ổng đang phạt họ và những đứa nhỏ kia vì kiếp trước sống bậy nên kiếp này phải trả. Trời cho tụi con nít là dễ làm lành và dễ vui, bé ôm mình và cười khúc khích ngay. Mình ra ngoài computer, vất mấy cái CD games của học hành vào sọt rác. Con nít được đẻ ra để học sự vui vẻ, sự đùa rỡn, sự yêu thương của bố mẹ, những việc rèn luyện con về sự học ở trường thì tới tuổi nó sẽ được học, việc gì mà mình phải hấp tấp cho nó khổ sở, ngày xưa mình bé, mình nào phải học hành gì, tối ngày ra đường chơi với bạn bè cùng tuổi.
Có một cái mình nghĩ là làm cho đời sống bây giờ nó tốt hơn là từ nhỏ đã cho nó ra đường, ra công viên hằng ngày để hít thở không khí trong lành, và expose với những vi trùng để nó có một sự phản kháng mạnh mẽ và quen thuộc, con mình không bao giờ bị bệnh tật vớ vẩn trong khi anh em họ nó cứ bị khó thở vì bị nhốt trong nhà, không mở cửa sổ vì sợ bị “trúng gió”.
Từ khi biết ngồi và ăn uống, mình cho bé đi Hometown buffet để được ăn đủ loại đồ ăn khác nhau, ngay cả hột vịt lộn. Bây giờ nó lớn lên, nó ăn đủ loại đồ ăn của những chủng tộc khác nhau nên nó dễ hòa đồng với bạn bè khắp mọi chủng tộc.
Ngồi nghĩ lại, đứa con đầu tiên ai cũng lo, và lo quá trớn, nhiều thứ không cần thiết. Đứa bé đẻ ra chỉ cần hai bố mẹ thương nhau và thương nó để cho nó nghe những tiếng cười vang, những tiếng ò ơ, dí dầu, nó đâu cần nhạc Mozart, nó đâu cần những phiếm đàn A,B,C,D. Mình vứt hết PC games mà con bé và thằng nhóc vẫn học A, cái quan trọng là con người hai đứa rất vui, vẫn có tính tốt, caring, good sense of humor, tự tin, và vẫn thông minh như ai, mình không cần nó học nhảy để nó phải học khổ sở.
Có một điều mình biết chắc là mấy đứa bé không cần biết bố mẹ có tiền hay không, có nhà hay không, tụi nó chỉ biết ăn, cười khi vui, khóc khi bị đau hoặc bực mình, và sung sướng khi được bố mẹ ôm ấp và thương yêu nó. Cái rèn luyện hay nhất là trong những bữa ăn tối, mọi người đều có mặt đùa rỡn với nhau. Khi tụi nó lớn lên, vẫn như vậy nhưng nó sẽ nói chuyện trường một cách người lớn hơn, và những sự vui đùa sẽ có sarcasm (móc máy) trong đó LOL. Nhưng cách này, mình sẽ biết con mình tâm trạng như thế nào trong trường với bạn bè và thầy giáo.
Mình rất mừng con lớn sẽ hết trung học năm tới và thằng nhóc sẽ lên lớp 10. Hai đứa bé được sống đời sống của con nít, vui chơi, yêu thương, cười đùa trong sự hồn nhiên (innocence). Sau này khi lên đại học, sự tự tin, con người khỏe mạnh, hiểu biết từ gia đình và tính quan tâm tới người khác sẽ giúp nó thành công trong đường đời.