Bài THANH PHONG, 7/5/2020

LTS: Vào ngày Mothers Day năm 2019, tạp chí Việt Lifestyles tại Arizona đã tổ chức cuộc thi Viết Về Mẹ với ba giải thưởng dành cho ba truyện xuất sắc nhất. Nhiều tác giả ở khắp nơi đã gửi bài dự thi. Kết quả, Ban Giám Khảo đã chấm Giải Nhất “Như Có Mùa Xuân” của Thủy Tiên; Giải Nhì “Mẹ Tôi-Một Người Mẹ VN Suốt Đời Vất Vả Vì Con” của Thanh Phong. và Giải Ba “Như Có Mùa Xuân” của Sỏi Ngọc Hân, và đã gửi phần thưởng đến các tác giả trúng giải. Nhân Ngày Mothers Day 2020, Viễn Đông xin gửi đến qúy độc giả bài viết thật cảm động của Thanh Phong, phóng viên bổn báo.

“Sau khi phải rời xa mẹ đi định cư tại Mỹ, mẹ tôi phải ở lại với người con gái cả của mẹ và mất trong căn nhà lá nghèo nàn tại Vũng Tàu. Sau đó, chị cả của tôi cũng qua đời tại căn nhà này.”

Cũng như tất cả mọi người trên trái đất này, ai cũng có Mẹ. Mẹ tôi đã sinh ra tôi sau khi sinh ra ba người chị trước tôi, và sau đó mẹ tôi sinh cho tôi hai đứa em, một trai, một gái nữa; nhưng khi em trai tôi chập chững biết đi thì đột nhiên qua đời, tôi trở thành đứa con trai duy nhất của cha mẹ tôi. Ngày em tôi qua đời, lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi khóc, không phải khóc một lúc rồi thôi mà liên tục nhiều ngày sau, ngày nào tôi cũng thấy mẹ khóc, đêm cũng khóc! Đó là nỗi đau khổ của Mẹ tôi mà tôi thấy lần đầu tiên.

Mẹ tôi không may mắn như nhiều bà mẹ được sinh ra trong gia đình khá giả mà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở vùng quê tỉnh Thái Bình. Đến nay tôi cũng không biết tại sao mẹ tôi ở Thái Bình mà lại gặp và lập gia đình với ba tôi ở một làng quê thuộc Huyện Ninh Giang, Hải Phòng. Ba tôi cũng là một nông dân nhưng lúc nhỏ được đi học chữ Nho, chữ Nôm còn mẹ tôi, thật tội nghiệp không được một ngày cắp sách đến trường, nên khi tôi đến tuổi đi học, bố mẹ tôi dù rất nghèo cũng cố gắng cho tôi đến trường để sau này không phải mù chữ như mẹ tôi.
 


“Những ngày cuối đời, mẹ luôn miệng gọi tên tôi, đến nỗi người em con ông chú ruột tôi phải đến giả tiếng tôi nói với mẹ tôi.”

Làng tôi cách Ninh Giang chừng 6, 7 cây số. Ninh Giang là một thị xã nhỏ nổi tiếng với món Bánh Gai. Khi quân Pháp đổ bộ vào Ninh Giang, làng tôi bắt đầu tản cư. Mẹ tôi dẫn ba chị em tôi đi đò sang bên kia sông thuộc tỉnh Thái Bình là quê ngoại để tránh Pháp. Người chị thứ hai của tôi bệnh nặng nên bố tôi phải ở lại nhà để lo thuốc thang cho chị tôi. Mẹ và chị tôi thay phiên nhau cõng tôi trên vai đi bộ qua nhiều làng mạc, nhiều cánh đồng để đi về làng Giáo Thiện; nơi đó mẹ tôi có nhiều bà con, họ hàng để tá túc.

Rồi Giáo Thiện cũng không yên, mẹ tôi lại cõng tôi đi rất xa về tận Cao Mại, Bồ Ngọc. Thức ăn đi đường là những nắm cơm nhỏ ăn với muối vừng (mè) mà mẹ tôi chuẩn bị khi còn ở làng. Khát thì vào những nhà trên đường đi xin nước uống. Lúc đó còn quá nhỏ, tâm hồn thơ ngây, tôi không cảm nhận được nỗi khổ của mẹ tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi biết chắc lúc đó mẹ tôi rất đau khổ, phần vì lo cho chị tôi đang đau nặng, lo cho bố tôi, liệu Pháp có để yên cho không, phần mệt nhọc vì phải cõng tôi đi bộ quá nhiều ngày.

Khoảng hai tháng sau, bố tôi nhắn mẹ tôi trở về làng vì làng đã là “Làng Tề” do Pháp hoàn toàn kiểm soát. Mẹ và chị tôi lại thay phiên nhau cõng tôi trên lưng trở về làng. Từ đó đến năm 1954, tôi được đi học ở trường làng, có lúc lấy lá chuối khô thay giấy, lấy hột mùng tơi chín làm mực để viết bài vì không có giấy mực. Còn bố mẹ tôi đầu tắt mặt tối ở ngoài đồng, mỗi sáng, mẹ tôi dậy rất sớm nấu cơm, nấu nước rồi cả nhà cùng ăn sáng, sau đó bố tôi vác cày, chị tôi dắt con trâu, mẹ tôi quẩy gánh cơm ra đồng làm việc, mãi chiều tối mới trở về. Trừ việc cày, bừa do bố tôi làm còn nhổ mạ, cấy lúa, gặt và gánh lúa về nhà cũng như đập lúa và sàng xẩy mẹ tôi đều làm được tất. Tuy vất vả, khổ cực như thế nhưng mẹ tôi không hề than vãn, và mẹ rất thương yêu chị em chúng tôi. Mỗi khi chị em tôi, nhất là tôi làm điều gì sai trái, bố tôi quở phạt bằng roi thì mẹ tôi lại năn nỉ bố tha cho tôi.

Làng tôi, phân nửa làng theo đạo Công Giáo, phân nửa làng theo Phật Giáo. Phân nửa làng theo Công Giáo được gọi là “Họ Lẻ,” không có linh mục trực tiếp coi sóc và làm lễ. Vì thế, cứ mỗi chiều thứ Bảy bố mẹ tôi dẫn cả nhà đi bộ lên nhà xứ Đồng Bình, cách làng tôi chừng năm, sáu cây số; ở đó chúng tôi có một số bà con, trong đó có bác tôi là bác xã Tuyển, (hai bác đã mất cách nay vài chục năm ở Gò Vấp) rất thương quý gia đình tôi nên cả nhà được bác lo cơm nước, ngủ lại nhà bác để sáng Chủ Nhật ra nhà thờ dự lễ. Lễ xong, bác lại bắt về nhà bác ăn cơm rồi mới cho về.

Vào buổi chiều của một ngày vào năm 1954, mẹ tôi nấu một nồi cơm nếp, buổi tối cả nhà quây quần ăn cơm. Ăn xong mẹ tôi dặn, “Bây giờ mấy đứa đi ngủ sớm, khi nào mẹ gọi phải dậy ngay.”

Chị em chúng tôi ngơ ngác không hiểu dậy làm gì sớm. Khoảng nửa đêm, chị em chúng tôi được mẹ gọi thức dậy đi rửa mặt, sau đó gia đình tôi phải chia thành ba nhóm, ba tôi dẫn tôi, mẹ tôi bế em tôi đi với người chị kế tôi còn chị cả và chị thứ hai đi với nhau. Trừ ba má tôi, hai chị tôi, mỗi người gánh một gánh bắp hột, giả vờ gánh đi chợ Huyện bán nhưng thật ra là đi di cư vào Nam. Vì lúc đó Việt Cộng đã kiểm soát làng, không cho ai đi di cư nên bố mẹ tôi phải chia ra như thế để qua mắt theo dõi của các tên du kích xã. Ba nhóm của gia đình tôi đi men theo bờ sông để tránh các trạm kiểm soát của Việt Minh.
 


Trang bìa tạp chí Viet Lifestyles với chủ đề về ngày Mothers Day và kết quả Giải Thưởng Viết Về Mẹ.

May mắn đến được Ninh Giang an toàn; lúc đó Ninh Giang còn đang do Pháp kiểm soát. Gia đình tôi leo lên chiếc xe đò từ Ninh Giang đi Hải Phòng. Người trên xe đông như nêm cối, tôi không biết xe chạy ì ạch bao nhiêu tiếng đồng hồ mới đến Hải Phòng, nhưng cuối cùng gia đình tôi cũng đến nơi và trú ngụ ở một ngôi làng, tôi chẳng biết tên nhưng nhớ là làng này nằm ở dưới ngọn núi không cao lắm, hàng ngày chúng tôi leo lên sườn núi hái trái na chín ăn, và ở đó khoảng hai tuần lễ thì được lệnh ra “Vườn Hoa Con Cóc” để xuống “tầu há mồm” xuôi Nam.

Vào đến Saigon gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác tạm trú ở các lều trong trường đua ngựa Phú Thọ. Sau đó xe chính phủ đến chở về Hố Nai. Ở Hố Nai vài tháng, một vị linh mục đến kêu gọi ai muốn về miền tây làm ruộng thì ghi tên. Bố mẹ tôi là nhà nông nên nghe được đi làm ruộng thì ghi tên ngay, vì chẳng biết nghề gì khác. Thế rồi xe của chính phủ lại đến chở chúng tôi xuống Phụng Hiệp, gọi là Ngã Bảy, một quận trù phú của tỉnh Cần Thơ. Chúng tôi được chính phủ cho tiền cất nhà tại kênh Phó Đường.

Tôi bắt đầu được mẹ ra chợ Phụng Hiệp mua cho bộ quần áo mới để đi học. Tôi là đứa học sinh Bắc Kỳ đầu tiên vào ngôi trường này. Suốt mấy ngày đầu, học sinh toàn trường kéo lại lớp tôi xem mặt “thằng Bắc Kỳ” ra làm sao mà nó ăn được “Cá Rô Cây”? Chúng cứ đứng ở ngoài cửa lớp hô to “Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ông trời quả báo hàm răng đen xì.” Mẹ tôi lại lo lắng sợ con bị chúng bắt nạt. Gia đình tôi đang ở yên ổn thì một đêm Việt Cộng về gõ cửa, giao cho bố tôi một cuộn truyền đơn lớn, bắt phải đi rải từ nhà tôi ra đến bờ sông Phụng Hiệp. Ngay ngày hôm sau, bố mẹ tôi bỏ hết nhà cửa dắt nhau xuống Cống Đôi, trên đường từ Cần Thơ đi Sóc Trăng. Đây là khu định cư của các người Công Giáo di cư từ Bắc vào nên sống rất yên ổn.

Bố mẹ tội lại bắt đầu công việc đồng áng như khi còn ở ngoài Bắc. Hết tiểu học, tôi thi đậu vào trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Chúng tôi, mấy thằng học sinh nghèo rủ nhau thuê một căn nhà lá trong khu lao động để đi học. Mỗi tuần hay hai tuần chúng tôi về nhà xin tiền, xin gạo mang lên nấu cơm ăn chung. Mỗi lần thấy con về, Mẹ tôi mừng rỡ lắm, hỏi han đủ điều nhưng khi sắp trở lại trường thì nét mặt Mẹ tôi âu sầu thấy rõ, vì không có tiền cho tôi đem lên mua thức ăn, chỉ có dúm gạo. Bố mẹ tôi lại thầm thì với nhau, bố bảo mẹ đi mượn, mẹ ngại bảo bố đi mượn; nhưng lần nào cuối cùng cũng mẹ tôi phải đi vay mượn cho tôi tiền để tôi đi. Cũng may, trong xóm tôi nhiều người thương bố mẹ tôi nên sẵn lòng cho mượn.

Sau khi tôi lập gia đình, mẹ tôi vẫn ở chung với vợ chồng tôi. Những năm sau 1975, tôi phải đi tù “cải tạo,” mẹ tôi vẫn ở chung với vợ con tôi, bữa đói bữa no. Theo lời vợ tôi kể lại, nhiều bữa không có gì ăn, mẹ tôi phải lội xuống ao hay vào mấy cái hồ trong đồi Chí Linh mò ốc về luộc cho các cháu ăn cho đỡ đói. Mẹ tôi coi vợ tôi như con gái của bà và vô cùng thương các cháu nên dù có hai, ba con gái, mẹ tôi vẫn ở với vợ chồng tôi. Bố tôi đã qua đời từ năm 1965.

Ngày tôi bị giam trong trại tù, ngày nào Mẹ tôi cũng sáng đi lễ, chiều đến nhà thờ cầu nguyện cho tôi sớm được trở về với gia đình. Lời cầu xin của mẹ tôi, vợ con tôi được Chúa nhận lời, tôi trở về bình an sau 7 năm tù ngục, mấy lần tưởng chết.

Mấy mẹ con tôi sống dưới chế độ Cộng Sản từ 1975 đến năm 1990, bao nhiêu lần tôi bị công an gọi ra đồn làm việc vì chúng nghi ngờ đủ thứ, nhất là mỗi khi có một linh mục ghé nhà thăm tôi hay nhờ tôi làm cho việc gì là y như tôi phải ra đồn trả lời. Khoảng đầu tháng Tư năm 1990 sau khi có lệnh cho nộp hồ sơ đi Mỹ theo diện H.O, tôi may mắn được hai phóng viên tờ Los Angeles từ Mỹ về tận nhà phỏng vấn và đích thân đưa cả gia đình tôi lên Saigon làm thủ tục đi Mỹ. Sở Ngoại Vụ ở Saigon đã cấp giấy hộ chiếu cho mọi người trong gia đình, trong đó có mẹ tôi. Mẹ tôi rất vui mừng, hy vọng có ngày được đi Mỹ.

Đến ngày phỏng vấn, khi phái đoàn Mỹ hỏi Mẹ tôi có người con nào còn ở Việt Nam không? Mẹ tôi thật thà trả lời, bà còn hai người con gái. Họ trả lời, “Rất tiếc bà không được đi, vì theo lệnh chung của chính phủ Mỹ, nếu cha mẹ còn người con ở Việt Nam thì phải ở lại không được đi theo diện H.O.” Trước tin đau đớn này, tôi nói với hai phóng viên Mỹ có mặt xin giúp đỡ cho Mẹ tôi được đi với tôi, vì từ trước đến nay Mẹ tôi chỉ sống với gia đình tôi, không ở với con gái. Cả hai phóng viên Mỹ vào gặp phái đoàn, một lúc sau họ ra nói với chúng tôi, “Phái đoàn cho biết, họ không giúp được, vì đây là chính sách chung của chính phủ Hoa Kỳ. Bà cụ sẽ ở lại, và gia đình ông sang Mỹ một thời gian rồi bảo lãnh cụ qua sau.”

Ngày chúng tôi rời xa Mẹ, Mẹ tôi khóc hết nước mắt, chúng tôi cũng cố nén nỗi đau buồn từ giã Mẹ, không dám khóc, vì nghe nói khi lên phi cơ thấy mắt đỏ họ không cho lên máy bay. Mọi người thân quen lên phi trường Tân Sơn Nhất đưa tiễn gia đình tôi, riêng Mẹ tôi mấy chị tôi không cho Mẹ tôi đi vì sợ bà ngất xỉu khi nhìn thấy con, cháu lần cuối, vì thời gian đó không ai nghĩ ra đi có ngày trở về.

Trước khi đi Mỹ, chúng tôi sắp xếp để Mẹ tôi ở với gia đình người chị cả. Xa con, xa cháu, mẹ tôi buồn khổ rồi lâm bệnh. Những ngày cuối đời, nghe chị em tôi nói lại, bà luôn miệng gọi tên tôi, đến nỗi người em con ông chú ruột tôi phải đến giả tiếng tôi nói với mẹ tôi, “Con đây, con về thăm Mẹ đây.” Nhưng sinh ra tôi, nuôi nấng dạy dỗ tôi bao nhiêu năm, làm sao Mẹ tôi có thể quên tiếng nói của đứa con trai duy nhất của mình được!

Suốt mấy chục năm lo cho con, những ngày con đau ốm, mẹ lo thuốc thang chạy chữa. Đến khi mẹ đau ốm, con không được ở bên mẹ một ngày để săn sóc mẹ, rót cho mẹ ly nước. Người ta qua Mỹ hết quà lớn, quà nhỏ gửi về gia đình, con chưa gửi về cho Mẹ món quà gì đáng giá. Ngày mẹ từ giã cõi đời, con không về để được nhìn thấy Mẹ lần cuối. Mẹ ơi! Con hối hận. Con là đứa con bất hiếu với Mẹ, con xin Mẹ tha thứ cho con. Nước mắt con đã giàn giụa, con không thể viết được lời nào nữa với Mẹ. Mẹ ơi! Con thương nhớ Mẹ vô cùng!

http://viendongdaily.com/me-toi-mot-ba-me-viet-nam-suot-doi-vat-va-vi-con-nyPTKL2f.html