Nguyễn Phương Hùng, 12-7-2010

Sau một cuộc chiến, những người thua thiệt không phải là những người đã chết mà là những người còn đang sống với những thân xác không còn lành lặn như trước khi bước chân vào cuộc đời quân ngũ. Chúng tôi muốn nói đến những người Thương phế Binh QLVNCH.

Vâng những người đã vĩnh viễn giã từ cuộc đời bắng tấm huy chương “Vị Quốc Vong Thân” có lẽ đã an phận bên kia thế giới sau khi để lại cho người thân yêu một sự đớn đau cùng cực của cuộc đời. Nhưng rồi thời gian cũng làm vơi dịu dần vết đau khoảng khắc này. Tuy nhiên, với những người Thương Phế Binh thì hoàn cảnh càng ngày càng nghiệt ngã khi thời gian chồng chất theo tuổi già. Một cái chết sẽ giải quyết tất cả nhưng mấy ai can đảm dám hi sinh kết liễu cuộc đời.

Ngày Chủ Nhật 11/7/2010, chị Hạnh Nhơn với số tuổi đời 82 vẫn phải bương chải lo cho cuộc sống của các anh em Thương Phế Binh. Vì danh xưng của Hội, vì tình Huynh Đệ Chi Binh, vì tình cảm của người con gái miền Sông Hương Núi Ngự để họp những phiên họp cuối cùng chuẩn bị cho ngày Đại Nhạc Hội Thương Binh sắp đến. Chúng tôi biết chị từ những ngày đầu tiên trong một garage của một căn nhà tại Santa Ana cho đến ngày hôm nay. Từ những bao gạo 5lbs, 10lbs, 25 lbs và những phẩm vật linh tinh để cứu trợ cho những người cựu Tù Nhân Chính Trị và gia đình vừa định cư cho đến ngày hôm nay hơn 20 ngàn hồ sơ Thương Phế Binh tồn đọng trong tay. Khởi đi từ ĐNH kỳ 1 đến kỳ 3 số hồ sơ càng ngày càng tồn đọng; một phần các hội đoàn không đủ khả năng cứu trợ chuyển qua; phần các Thương Phế Binh trong nước 1 đồn 10, 10 đồn 100, 100 đồn 1000…. Một triệu mỹ kim nghe to lớn, nhưng với con số 10000 TPB và số tiền 100 mỹ kim cho mỗi người thì 1 triệu bay tiêu ngay sau những đợt gửi tiền. 

Mỗi độ tháng sáu, ngày Quân Lực, anh em cựu quân còn sống tại hải ngoại nơi có đông người Việt tị nạn cộng sản cư ngụ đã tổ chức vinh danh Quân Lực và tiếc thương những người Vị Quốc Vong Thân; nhưng Thương Phế Binh thì sao, có ai nghĩ đến họ không? Những người bạn từng sát cánh chúng ta bên nhau gánh vác chung chuyện đời quân ngũ, nhưng lại chịu bất hạnh rủi ro riêng cho cá nhân, có ai nghĩ đến họ? Viên đạn oan nghiệt, những quả đạn pháo kích, những trái mìn vô tư gài đặt trên đường hành quân đã nhẫn tâm cắt đứt từng phần thân thể của những người bất hạnh. Họ ngày nay đang luân lưu trên những nẻo đường của đất nuớc bằng những tấm thân tàn tạ. Có ai nghĩ đến và xót thương cho họ không? Họ là những đứa con thân yêu của đất nước, đứng lên đáp lời sông núi, lên đường vì tiếng gọi của non sông “Đáp lời sông núi, anh em ơi đáp lời sông núi - Tổ Quốc lâm nguy, (ta) quyết một lòng hi sinh …” (Đáp Lời Sông Núi – Trúc Hồ). 

Vâng, họ đã vì Mẹ Việt Nam dấn thân vào bãi chiến trường sôi máu, bất chấp hiểm nguy của thân xác để ngăn chặn làn sóng đỏ nhấp cảng từ đế quốc Liên Sô, Trung Cộng. Những người anh em máu đỏ da vàng đã nô lệ thân xác dưới màu cờ búa liềm xâm nhập miền Nam. Màu đỏ của nhiệt huyết Lạc Hồng đã đột nhiên biến nhuộm bằng mầu cuả hận thù sát máu. Tình thương dân tộc được thể hiện bằng những viên đạn bay đi từ nòng súng AK. Dân chúng miền Nam có tôi tình gì, thù oán gì “nhân dân” miền Bắc? Chủ nghĩa ngoại lai Đệ Tam, Đệ Tứ cộng sản đã nướng hàng triệu thanh thiếu niên miền Bắc vào lò sát sinh dục vọng của đầy tớ cộng sản quốc tế bởi “Bác”. Kết quả “10 năm trồng cây, 100 năm trồng người” của “Bác” đã để lại “gia tài của Mẹ” là những đau khổ triền miên sau ngày “ngưng tiếng súng”. Súng đã ngưng nhưng tiếng rên xiết đau khổ đã ngưng nghỉ hay chưa? Chắc là chưa, tiếng rên rỉ đau thương của những người TPB và hơn 80 triệu dân chúng như những tiếng côn trùng rả rich trên rặng Trường Sơn, ào ào như nước sông Hồng, nghiến răng chịu đựng bình lặng như nước sông Hương, cuồng nộ uất ức như Tiền Giang Hậu Giang oan trái. Không lẽ những người Thương Phế Binh VNCH vẫn còn phải “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, “Ái ân” lạt lẽo của mọi người?” 35 năm trôi qua, người thương binh trẻ tuổi nhất có lẽ cũng đã 53, họ chắc không còn phải kéo lê cuộc sống còn lại bao lâu nữa vì tuổi đời và vì thiếu dinh dưỡng và y khoa. Chúng ta, cộng đồng Việt Nam hải ngoại hãy làm một nghĩa cử cao đẹp cho những năm tháng cuối cùng của cuộc đời họ. Hãy thắp cho họ những niềm tin lung linh như ánh nến trong đêm dài tăm tối. Hãy nói lên những lời nói tình thương bằng hành động cho nước mắt Mẹ Việt Nam vơi sầu khi nhìn bầy con bị loài sói sát sanh.

Ngày 11 tháng 6 năm 2010, Liên Hội Cựu SVSQ Thủ Đức gồm 12 khu hội điạ phương đã gặp gỡ Quốc Hội Hoa Kỳ. Tất cả mọi thành viên của 12 khu hội đều bỏ tiền túi cho những phương tiện di chuyển, ăn uống và cư ngụ. Nếu ngày xưa “Từng bước chân anh đi, trên đồi hoang đồi hoang vắng” thì ngày nay “Từng bước chân anh đi, anh đi vì các anh em TPB, Nghĩa Trang Quân Đội, thân xác người tù đang gửi thân âm thầm lạnh lẽo nơi nào tại Hoàng Liên Sơn, Bùi Gia Mập, Z-30D, Hàm Tân, Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, Hà Nam, …v…v… vì phục hồi Danh Dự QLVNCH và vì Hoàng Sa Trường Sa sắp đổi chủ.” Vâng với sự hướng dẫn của Liên Hội Trưởng cựu SVSQ Thủ Đức Hoa Kỳ, Huỳnh Hồng Quân, 12 đại diện gồm 40 người đã “Đông và Bắc tiến” điện Capital. Hội Orange County và Vùng Phụ Cận đã có 4 người tình nguyện tham dự: Hội Trưởng Nguyễn Trọng Thu, Phó Ngoại Vụ Nguyễn Phương Hùng, TTK Vũ Đình Trung và Ủy Viên Văn Nghệ Đào Anh Tuấn cùng phu nhân (tất cả 5 người.)

Điểm danh dự cho hội nhà Orange County là đơn vị đầu tiên được thuyết trình về đề tài Thương Phế Binh. SVSQ Nguyễn Phương Hùng đã thuyết trình duy nhất bằng Anh Ngữ ứng khẩu trong 5 phái đoàn mà không cần thông dịch viên, ngoài bài diễn văn mở đầu bằng song ngữ của SVSQ Huỳnh Hồng Quân. Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh cùng đại diện của các dân biểu Ed Royce, Chris Smith, Mike Honda đã nhận và nghe 5 thỉnh nguyện của Liên Hội: “1-TPB, 2-Những nơi chôn cất của người tù, 3-Nghĩa Trang Quân Đội,4-Danh Dự QLVNCH và 5-Hoàng Sa Trường Sa.” Liên Hội đặt vấn đề lương tâm và trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ khi muốn hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam trong điều kiện bang giao. Căn bản nhân đạo, nhân quyền và những quyền tự do tối thiểu của người dân Việt Nam cần phải lưu tâm. Một trong những nguyện vọng là cần có một chính sách thiết thực cấp chính quyền để cứu trợ thương phế binh VNCH như là một sự phục hồi đời sống và nhân phẩm người lính VNCH, những quân nhân không hề đánh thuê như cộng sản tuyên truyền. Cuộc chiến đã gây ra bởi người cộng sản miền Bắc nhưng lại được đóng lại bởi người Hoa Kỳ mà phần thua thiệt đã chứng minh. Trang sử đã khép lại nhưng niềm đau vẫn có đó.

Trong khi chuyện đề nghị cần chờ thời gian vận động và cứu xét thì Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ và chị Hạnh Nhơn vẫn lại phải đứng ra cáng đáng trong tuổi già sức yếu. Lẽ dĩ nhiên với sự hỗ trợ của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, cùng các hội đoàn cựu quân nhân không thuộc Liên Hội như Hội Cựu SVSQ Thủ Đức Orange County và Vùng Phụ Cận, Tổng Hội Sinh Viên Nam California, các tổ chức Hướng Đạo, các đoàn thanh thiếu niên Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể, đài truyền hình SBTN và các ca nhạc nghệ sĩ Việt Nam tiếp tay …v…v... nói chung là đa số cộng đồng đều đã góp một bàn tay để sắp tới đây Chủ Nhật ngày 1 tháng 8 năm 2010 là ngày tổ chức trình diễn Đại Nhạc Hội Cứu Trợ TPB Kỳ 4. Chương trình sẽ bắt đầu đúng 12 giờ trưa đến chiều tối, thời gian tuỳ theo con số ca nhạc sĩ ghi danh và sức khỏe của Ban Tổ Chức, như mọi năm. Lẽ dĩ nhiên, đồng bào có thể vào trước giờ khai mạc từ 9, 10 giờ sáng để được chỗ ngồi thích hợp. Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 7, 2010 các tình nguyện viên có mặt để thiết lập sân khấu, xếp ghế …v…v… độc giả và đồng bào muốn góp phần xin có mặt vào buổi chiều nếu muốn.

Những kinh nghiệm năm trước, cộng thêm những tiếp tay của thêm nhiều thiện nguyện chắc chắn chương trình mỗi năm một tiến bộ, một hấp dẫn và tiện nghi. Ít nhất khởi đi từ năm 2007, chương trình ĐNH gây quỹ yểm trợ Tượng Đài Công Lý, trưởng ban tổ chức ông Nguyễn Phương Hùng đã có sáng kiến thiếp lập những mái lều che nắng cho khán giả. Trời nắng lẽ dĩ nhiên giảm bớt sức nắng mặt trời, nhưng nếu trời âm u khi điều kiện thời tiết xấu, chiều xuống gió lạnh về thì mái lều cũng giúp cho đồng hương bớt hơi lạnh toả xuống. Nếu trời mưa thì khỏi nói, mái lều che sẽ là một nơi tránh nước mưa tuyệt diệu. Nhưng chưa năm nào trời mưa, nhất là mưa vào mùa hè California cũng khó mà xảy ra. Nhưng dù sao sáng kiến những mái lều đã là một an tâm tạo thoải mái cho đồng hương đến góp tay từ thiện.

Kinh nghiệm tổ chức với một số tiền 10 mỹ kim vào cửa và 10 ngàn khán giả cũng chỉ là một con số khiêm nhường về tiền thu. Những khán giả bình dân, mộc mạc lại là những người chuyên chở tình thương về cho TPB nhiều nhất. Giới trí thức và nhà giàu thì phải ngồi “thưởng thức” trong rạp có tiện nghi của máy điều hoà không khí, ăn uống tiêu chuẩn của rạp hát. Không xô bồ như trong sân vận động, ghế ngồi thô sơ làm tê mông mỏi lưng, thậm chí có thể ngôì ngoài trời hoặc trên sân cỏ và ăn uống kiểu cắm trại. Nhưng chính những người khán giả bình dân “mì ăn liền” lại là những người mang lại sự thành công cho chương trình cứu trợ TPB. Tác giả bài viết đã từng chứng kiến cảnh những gia đình, nhóm bạn ngồi quây quần vừa picnic vừa thưởng thức văn nghệ. Những hình ảnh quý giá khó mà tìm được bất cứ nơi đâu ngoài Đại Nhạc Hội ngoài trời.

Số tiền không phải chỉ là con số trăm ngàn mỹ kim thu từ những tấm vé bán mà còn từ những tấm lòng “Móc hết tình này, trả nợ cho người. Trả hết trả hết …” từng tờ giấy 1 mỹ kim đến 5, 10, 20 trải dài tình thương cho những người bất hạnh của khán giả hoặc những chi phiếu, Visa, Master Card của những tình thương trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và những thành phố Gia Nã Đại. “Từ bao năm chiến đấu, vui buồn có bên nhau…” vui chắc không nhiều, nhưng đau thương thì triền miên sau ngày ngưng tiếng súng. Có những người lành lặn nhưng đã trở thành thương phế binh sau ngày 30 tháng Tư vì tai nạn trong trại tù. Trong một nhà tù nhỏ ra đến nhà tù lớn, người lành lặn thuộc giòng dõi họ “Nguỵ” (Chắc là anh hùng Nguỵ Văn Thà?) “Nguỵ quân, Nguỵ quyền” đã khó lòng tìm kế sinh nhai. Nhiều người sau những năm tù trở về đã phải làm những nghề lao động “bất đắc dĩ” từ lượm rác đến sửa xe đạp …v…v… nhưng họ cũng vẫn cần có tay chân lành lặn, hà huống chi những người bị mù loà, thiếu chân, thiếu tay? Gánh nặng xã hội thì đã bị chính quyền bỏ quên, gánh nặng gia đình thì biết nhờ cậy vào “cột trụ” nào đây?  Khi chính những cột trụ này bản thân cũng đã trở thành một gánh nặng cho chính mình. Dù khó khăn nhưng có lẽ đời sống của chúng ta tại hải ngoại không thể nào khó khắn hơn những khuyết nhân trong xã hội chủ nghĩa.

Dù “cực đoan” không chấp nhận tiếp tay để nối “khúc ruột ngàn dặm”, nhưng chúng ta cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những người đã vì chúng ta, vì “đất nước khổ đau” một thời làm công việc “bảo quốc an dân”. Dù rằng thiên chức bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa quốc gia không hoàn thành, không phải vì QLVNCH thiếu khả năng mà vì bàn cờ quốc tế và người đánh cờ là các cường quốc thuộc hai khối Cộng Sản và Tự Do. Nhưng vì trong một đại dương bao la, cá lớn nuốt cá bé, chúng ta phải đau đớn, nghiệt ngã khuất phục trước áp lực ngoại bang. Nhưng không vì vậy, mà dân chúng bất cứ thế hệ nào, sinh trưởng và lớn lên tại quốc nội hay hải ngoại cũng không thể đành tâm buông xuôi trước những thân xác từ từ rơi rụng theo thời gian và chìm dần trong khốn khổ vì hoàn cảnh và thân xác phũ phàng vì cuộc chiến.

Sinh hoạt cộng đồng tuần này Việt Star muốn viết đến Đại Nhạc Hội kỳ 4 sẽ tổ chức vào ngày 1 tháng 8, 2010 tới đây để kêu gọi mỗi người một bàn tay, hợp quần gây sức mạnh giúp cho những người bất hạnh của chiến tranh băng tạm vết thương thể xác lẫn tinh thần dù chỉ là một tạm bợ cho qua một hay tháng lất lây. Của ít nhưng tình thương được trải rộng bao la. Người nhận như nắng hạn gặp mưa rào và người cho cũng cảm thấy lương tâm bình an với trời đất, Thiên Chúa sáng danh, Đức Phật chí tôn. Việt Star kêu gọi độc giả dành dành tất cả cho ngày Chủ Nhật 1 tháng 8 năm 2010, ngày của tình thương và nhân ái. Cơ hội được gặp gỡ từng ca nghệ sĩ sau hậu trường. Đề nghị Ban Tổ Chức năm nay nên có một lều chụp hình in liền tại chỗ để khán giả có thể chụp hình kỷ niệm với ca sĩ và thu thêm tiền cứu trợ.