Ngy Thanh (“©NgyThanh, Thời Báo USA”) 

Ông Nguyễn Tiến Hưng
Cựu Tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển VNCH
Tác giả cuốn ‘Tâm Tư Tổng Thống Thiệu

Thưa ông:

Được sự đồng ý của ông, tôi xin phép trình bày một số câu hỏi thô thiễn của một người chỉ mới được nhìn thấy tổng thống Thiệu một lần duy nhất, từ khoảng cách xa vài mét, trong cuộc họp báo chớp nhoáng ở phi trường Phú Bài năm 1972.

Là một người hậu sinh, những băn khoăn và tò mò của tôi không ít sau bấy nhiêu năm thao thức, nhưng chỉ xin gom gọn trong 12 cụm, như sau:

1.- Về đề tựa cuốn sách: ngay đầu trang bìa 2, ông viết (hay nhà xuất bản Hứa Chấn Minh viết và tự xưng là ‘chúng tôi’), “Ông là người rất khép kín trong việc biểu lộ các suy tư của mình…” và “… ít ai biết đến khía cạnh ‘con người’ và những suy nghĩ thầm kín trong tâm trí ông”. Xin ông cho biết cuốn TTTTT (In the mind of President Thieu) có thể được coi là một sử liệu và là một hồ sơ phân tích tâm lý của cá nhân ông Nguyễn Văn Thiệu, hay chỉ là những suy diễn chủ quan của ông về tâm lý cố tổng thống, do đó, đề tựa có thể sửa thành ‘Tâm Tư Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng’? 

2.- Về quyết định rút khỏi Pleiku, sách TTTTT của ông ghi:

“Chúng tôi đã hỏi thẳng tại sao ông ra lệnh rút Pleiku, TT Thiệu giải thích: Thứ nhất, nếu lấy lại Ban Mê Thuột, thì việc tái chiếm Pleiku và Kontum sẽ dễ dàng. BMT như là một nút chặn đường quân đội BV đổ xuống miền bờ biển và Sàigòn. BMT là điểm then chốt nối liền con đường ngắn nhất từ biên giới Lào tới vùng bờ biển VN.” (trang 56 và 57)

Đây là một đoạn văn làm tối và làm rối hơn câu chuyện lịch sử, thay vì làm sáng tỏ vấn đề. Xin ông xác nhận là TT Thiệu nói “nếu lấy lại BMT” hay “nếu lấy lại được Ban Mê Thuột”, vì hai việc đó hoàn toàn khác nhau, một bên là giả thiết, giá trị chỉ ngang với kế “điệu hổ ly sơn” trong “tam thập lục kế”, một bên là điều kiện tất yếu về mặt quân sự.

Về mặt địa lý, khoảng cách từ BMT tới Ninh Hòa trên QL1 (33 km phía bắc Nha Trang và 27 km phía nam Vạn Giã) là 162 km, trong khi khoảng cách từ Pleiku tới ngã ba Phú Tài trên QL1 (6 km bắc Qui Nhơn) là 170 km. Nếu binh sĩ tái chiếm được không vận, ông thừa biết khoảng cách khác biệt 8 km không là bao nhiêu so với tốc độ máy bay. “BMT như là một nút chặn đường quân đội BV đổ xuống miền bờ biển và Sàigòn”: đã mất BMT, rồi tái chiếm (nếu được) BMT, vậy sao còn phải chặn đường quân BV đổ xuống miền biển? Lực lượng Cộng sản sau khi chiếm được Phước Long vẫn còn đó, nếu muốn đổ xuống Sài Gòn, không lý gì họ phải vòng về BMT, đổ xuống Ninh Hòa, rồi… đi ngược vào Long Khánh? Nếu ông diễn tả suy nghĩ của TT Thiệu là tái chiếm BMT để lực lượng ở đó không đánh xuống Ninh Hòa, Nha Trang để tiến về Sài Gòn, thì càng khó hiểu hơn cho người đọc. Khi phải lấy bộ đội từ BMT để đánh Sài Gòn, không riêng gì trung tướng Hoàng Minh Thảo, tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên hay đại tá Đặng Vũ Hiệp, chính ủy chiến dịch, mà bất cứ anh lơ xe đò nào ở Việt Nam cũng biết từ BMT theo Quốc lộ 14 qua Dak Mil, Núi Lửa đổ xuống Gia Nghĩa, Kiến Đức ráp với QL 13 ở Chơn Thành, là đường ngắn nhất để tới Sài Gòn.

Tương quan quân số của chiến trường Tây Nguyên trong tháng 3-1975:

Phía VNCH, theo tác giả Hà Mai Việt, chúng ta có 9 tiểu đoàn bộ binh thuộc SĐ23BB của chuẩn tướng Lê Trung Tường, 21 tiểu đoàn BĐQ do đại tá Phạm Duy Tất chỉ huy, SĐ 6 Không Quân tại Cù Hanh và Phù Cát, SĐ2KQ tại Nha Trang và Phan Rang, cộng với Lữ đoàn 2 Kỵ Binh của đại tá Nguyễn Văn Đồng, và SĐ22BB của chuẩn tướng Phan Đình Niệm có nhiệm vụ bảo vệ và khai thông QL 19 từ Pleiku xuống ngã ba Phú Tài nhưng bị địch cầm chân ở Bình Khê (Thép và Máu, trang 170, 171).

Phía đối phương, họ cho biết: “Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3), bốn trung đoàn bộ binh (95A, 95B, 25, 271), hai trung đoàn pháo binh (40 và 675), ba trung đoàn pháo cao xạ (232, 234, 593), trung đoàn xe tăng thiết giáp 273, trung đoàn 198 và hai tiểu đoàn đặc công (14, 27), hai trung đoàn công binh (7 và 575), trung đoàn thông tin 29 và các đơn vị hậu cần, vận tải”. (’55 năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam’, nhà xuất bản QĐND Hà Nội 1999, trang 360). Tất cả 5 sư đoàn ghi trên đều được đại tá Hà Mai Việt xác nhận trong Thép và Máu, trang 171.

Ở trang 57, ông viết, “Ông (Thiệu) cho rằng phải tiết kiệm số quân của các sư đoàn tinh nhuệ, nòng cốt bằng cách rút những sư đoàn nầy ra khỏi vùng hiểm trở ở Cao nguyên… Tập trung lại để tái chiếm BMT xong rồi, tùy tình hình ngoài Vùng I, ta có thể quyết định: một là lấy lại Pleiku, Kontum; hai là tăng viện cho tướng Trưởng”. Diễn dịch ra, sau khi mất BMT, ta rút quân ra khỏi và bỏ ngõ Pleiku, bằng tuyệt lộ 7B, để vòng lại tái chiếm BMT; lấy lại BMT xong, ta sẽ tái chiếm luôn Pleiku, Kontum, hoặc nếu không tái chiếm được, thì thẩy ra Vùng I cho tướng Trưởng. Những người cần tra cứu lịch sử sau nầy sẽ bị lạc lối, và nghĩ rằng ông tư lệnh quân đội Nguyễn Văn Thiệu đã điều binh, cho di tản chiến thuật từ chợ Bến Thành qua chợ Bà Chiểu để tái chiếm chợ An Đông, nếu không “ăn”, sẽ tùy tình hình ngoài Huế, để gởi ra tăng viện cho chợ Đông Ba. Thưa ông, để khỏi tẩu hỏa nhập ma khi đọc cuốn TTTTT, xin ông thứ lỗi và cho phép tôi đọc như đọc một truyện giả tưởng, bởi vì, chừng như lời khuyên của TT Thiệu dành riêng cho ông đã mất hiệu ứng theo thời gian, sau khi ông đã viết xong những hai cuốn sách liên quan tới lịch sử. Dù sao cũng xin cảm ơn ông đã nói thật: “Anh phải cẩn thận từ cái chấm cái phẩy.”(‘TTTTT’ , trang 370)

Về trách nhiệm, sách TTTTT nhắc câu nói của TT Thiệu, nhưng không trưng dẫn bằng chứng, về cuộc họp Cam Ranh: “Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm BMT; và thứ hai, BTTT theo dõi và giám sát cuộc triệt thoái nầy”. Đọc đi đọc lại hơn một lần, tôi vẫn thấy khi quân rút khỏi Pleiku hà tất không cần bị ra lệnh, Bộ Tổng Tham Mưu cũng phải ‘suivre et surveiller’, vậy trước sau vẫn chỉ một lệnh. Ngay giả thiết TT Thiệu có nói với ông “Tôi ra chỉ một lệnh, chứ không phải là hai”, thì độc giả vẫn thấy đó là chuyện khẩu thuyết vô bằng.

Về chuyện chọn tuyệt lộ 7B, sách TTTTT gắn tội lỗi cho tướng Phú ở trang 52: “Tướng Phú chọn tỉnh lộ 7B làm đường rút quân vì ông đặt nặng yếu tố bất ngờ đối với quân đội BV”. Nhưng chỉ qua tới trang 59, ông lại viết: “TT Thiệu nói là ông vẫn còn thắc mắc tại sao Công binh đã không làm xong cái cầu nổi nầy trong vài ngày như đã nói với ông?” Như thế, chính ông đã giải oan cho tướng Phú trước lời bán cái trách nhiệm cho ông tướng từ miệng tổng thống. Bên cạnh đó, vào thời điểm giữa tháng 3-1975, ai cũng biết hai quốc lộ 19 và 21 từ Pleiku và BMT xuống đồng bằng đã bị Việt cộng kiểm soát, và con đường còn lại duy nhất, là liên tỉnh lộ 7B để thoát khỏi Pleiku, dù sống hay chết dọc đường, dù qua được hay không được đầu nguồn sông Đà Rằng (hay Ea Rarang theo tiếng Champa, mà ông gọi là sông Ea Pha). Như thế, TT Thiệu thừa biết, hay đã phê chuẩn kế hoạch làm chết quân và dân khi dùng ‘tỉnh lộ 7B’ – một địa danh quân sự và lịch sử nhuộm máu rất quan trọng mà các tác giả ngoại quốc còn nhớ để ghi ở phần index cuối sách – trừ sách của ông – để giúp những ai cần tra cứu về đại lộ kinh hoàng và nhuộm máu nầy.

Xin chép lại tặng ông và linh hồn tổng thống một đoạn trong bài phóng sự của Nguyễn Tú, phóng viên báo Chính Luận, người đã lội bộ theo đoàn người từ Pleiku về Tuy Hòa và tường thuật tại chỗ bằng điện thoại:

“Dân chúng nghèo cũng ra đi bằng phương tiện thiên nhiên, trời đã phú cho họ là đôi chân của chính họ. Họ đây là gồm cả già, trẻ, lớn, bé, con nít còn bồng trên tay, đàn bà đang mang bầu, tay xách, nách mang một vài manh chiếu, một vài bọc quần áo, buồn tủi, lo âu, gia đình nọ nối tiếp gia đình kia đi hàng một sát bên lề đường để tránh đoàn xe. Đèn pha của đoàn xe lần lượt chiếu các bóng lưng còng xuống của người lớn, những bóng nhỏ hơn của các trẻ em tay níu vạt áo hoặc ống quần của người bố hay người mẹ. Họ lặng lẻ thất thểu bước nọ trước bước kia trong đêm tối của tâm hồn.”

Trong cuốn ‘Nixon, Ford và việc bỏ rơi Nam Việt Nam’, hai tác giả J. Edward Lee và H.C. Haynsworth viết ở trang 91:

“Cuộc họp hôm thứ Sáu ấy chỉ có năm người tham dự: TT Thiệu, tướng Phú, tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, thủ tướng Trần Thiện Khiêm và trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn tổng thống về an ninh. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, bốn quyết định cơ bản đã hình thành: (1) quân đội chính quy của VNCH ở Pleiku và Kontum triệt thoái khỏi cao nguyên; (2) Địa phương quân, Nghĩa quân, gồm tuyệt đại đa số là người Thượng thiểu số cùng với thân nhân họ, cũng như thường dân và các viên chức chính quyền tại Pleiku và Kontum sẽ không được biết về cuộc di tản và cũng không được triệt thoái; (3) việc tái phối trí sẽ tiến hành trong vòng bí mật vài ngày sau; và (4) con đường rút quân sẽ là tỉnh lộ 7B hoang phế từ lâu.

Khi tướng Phú thông báo quyết định di tản cho ban tham mưu của ông, tất cả mọi người có mặt đã sững sờ. Đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng Quân Đoàn II chịu trách nhiệm kế hoạch, đã hồi tưởng lại những câu trao đổi trong lần đó: ‘Không ai còn tin vào tai mình. Tất cả mọi người chúng tôi đều hỏi lại, chúng ta bỏ Pleiku và Kontum thực sao? Vâng, quyết định nầy đã xong. Chúng ta không được phép bình luận. Tôi hỏi ông ấy di tản bằng cách nào? Ông ấy bảo một số sẽ bằng máy bay, một số bằng đường bộ. Tôi hỏi ông đường nào? Ông trả lời Tỉnh lộ 7B xuống Phú Bổn. Điều nầy đã quyết rồi, không bàn tán nữa. Đó là quyết định của tổng thống’.

Nói về quyết định dùng Tỉnh lộ 7B, đại tá Lý cãi rằng Quốc Lộ 19 vẫn hơn: ‘đường 7b cần có nhiều lính công binh mở đường, vì mìn bẫy: mìn của địch gài, mìn của bạn gài, mìn của Lực Lượng Đặc Biệt để lại. Cầu cống trên đường đã đổ nát và con đường nầy từ lâu nay không còn dùng tới. Như thế chúng ta phải làm cầu lại, và sẽ tốn thời gian và vật liệu. Đồ quân cụ. Chúng ta có đủ không? Chúng ta có di chuyển được không? Nếu lính Mỹ có ở đây, họ có thể dùng cần cẩu lớn để lắp ráp cầu. Như thế dễ hơn. Nhưng bây giờ, QLVNCH còn một mình, liệu chúng ta có đủ phương tiện để vận chuyển trang thiết bị nặng tới các vị trí ta cần? Đó là vấn đề. Bất ngờ là yếu tố tốt. Tôi đồng ý. Vâng, bất ngờ. Muốn tới đấy để đánh ta, địch sẽ mất thì giờ. Nhưng chúng ta cần phải làm cầu, làm đường, thật quá dễ để chúng xé xác chúng ta. Địch quân sẽ có đủ thì giờ để hoàn hồn sau cú bất ngờ. Nhưng ông ấy không nghe lời tôi. Ông nói Tổng thống đã ban hành quyết định’…

Khoảng 400 ngàn thường dân, 60 ngàn lính chính quy, và 7 ngàn lính Biệt động quân bắt đầu tìm đường xuống biển. Tới trưa ngày 16-3, một đoàn người khổng lồ gồm lính tráng, thân nhân của họ, dân thường, và lính đào ngũ bị nghẽn lại trên con đường cũ. Khi nhóm người cuối cùng vừa đàn ông đàn bà vừa con trẻ thất thểu tiến vào thị trấn Tuy Hòa, con số người mất tích không bao giờ còn tìm ra gồm 300 ngàn thường dân, 40 ngàn lính chính quy, và 6 ngàn 3 trăm lính Biệt động quân.”

(http://faculty.winthrop.edu/haynsworthh/Invasion%20of%20South%20Vietnam.htm)

Lướt nhanh qua cuốn sách, người đọc sẽ khám phá ra một điều khả tín khi ông nhận xét về ông Thiệu: đa nghi như Tào Tháo. Ông không tin nhân dân. Ông không tin quân đội, và luôn lo sợ mình bị quân đội giết như ông Diệm. Ông không tin người Mỹ. Ông không tin vợ con, không tin cả người thân cận nhất là ông Nguyễn Văn Ngân – chỉ một mình ông, để ký thác tất cả tâm tư, nguyện vọng. Bản chất đa nghi ấy đã tự tố cáo tổng thống là người ra lệnh cho tướng Phú rút bỏ Pleiku, mặc dù khi họp ở Cam Ranh ngày 14-3 có mặt tướng Quang và tướng Viên, nhưng thời điểm thi hành triệt thoái, tướng Quang và tướng Viên vẫn bị ông Thiệu cho trễ tàu chẳng khác gì tướng Việt cộng Văn Tiến Dũng.

Chi tiết đa nghi và giữ kín chuyện rút quân khỏi Pleiku bằng đường 7B ấy, ngay cả Mỹ cũng ngớ ra:

"Thứ Bảy, ngày 15-3-1975, 10 giờ sáng: Polgar đang ngồi ở văn phòng của ông ở Sứ Quán Mỹ. Một nhân viên tình báo gọi về từ Pleiku: ‘Quân đoàn II đang rút.’

Xưa nay, trùm CIA vẫn tự hào là biết trước mọi cuộc động binh của Nam Việt Nam. Sững sờ, ông gởi ngay một phụ tá qua Dinh Độc Lập, và một người nữa tới Bộ Tổng Tham Mưu.

Ở Dinh Độc Lập, tướng Quang thẳng thừng, ‘Không có gì xảy ra ở Pleiku cả’. (‘Cruel April’ của Olivier Todd, trang 154)

Tại Sài Gòn thủ tướng chủ tọa buổi họp nội các. Một vị tổng trưởng nói xa xa gần gần đến tình hình Cao nguyên, bằng giọng khó chịu: ‘Tôi có nghe bản tin của ngoại quốc, đài BBC và đài VOA.’

Ngồi bên cạnh thủ tướng, bác sĩ Nguyễn Lưu Viên nghe ông Khiêm thì thào: ‘Tôi cũng thế’.

‘Cái gì? Ông mà cũng thế?’ ‘Thật mà,’ ông Khiêm thở ra. ‘Tôi không được cho hay’.

‘Rồi, vậy thì ai là người có những quyết định nầy?’

‘Họ làm quyết định dưới kia kìa,’ ông Khiêm trỏ một ngón tay về phía Dinh Độc Lập. ‘Có ba người biết chuyện nầy.’

‘Những ai?’

‘Ông tổng thống, tướng Viên và tướng Phú.’” (‘Cruel April’ của Olivier Todd, trang 155)

Với bản chất đa nghi và độc đoán của TT Thiệu như thế, làm sao ông bói được tâm tư hay mưu kế chính trị của nguyên thủ quốc gia?

3.- Về quyết định rút khỏi Huế qua cửa Tư Hiền, ông viết “Nếu như tướng Phú đã cho rằng con đường 7B là lối duy nhất để rút về Tuy Hòa thì tướng Trưởng cũng chỉ còn một đường bộ qua cửa Tư Hiền để dùng phương tiện Hải quân rút về Đà Nẵng” (trang 95).

Cửa Tư Hiền là cửa biển nằm giữa phần đất xã Vinh Hiền của quận Vinh Lộc nhìn qua mũi núi Vĩnh Phong của xã Lộc Thủy, quận Phú Lộc. Khi Huế thất thủ, binh sĩ các binh chủng và phần lớn TQLC còn lại được lệnh rút ra ‘đảo’ Vinh Lộc – nằm giữa Thái Bình Dương và đầm Cầu Hai, với hai đầu là hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền – là một quyết định vừa đúng vừa duy nhất, sau khi quốc lộ 1 đã bị cắt ở Truồi, ở đèo Hải Vân và đèo Phú Gia. Tuy nhiên, rút qua ‘đảo’ Vinh Lộc chỉ đúng về chiến thuật, như một đầu cầu, để sau đó thoát ra biển bằng tàu hải quân vào Đà Nẵng. Những cửa biển trong điều kiện chiến tranh VN, vừa là nơi không có đường sá lưu thông, không phải là nơi để bắt “một cái cầu nữa” như ông viết. Cho dù vượt qua được cửa Tư Hiền, từ núi Vĩnh Phong không có đường lộ để xuôi nam, trừ phi kéo nhau đi dọc bờ biển để làm mồi cho súng đạn địch, rồi còn phải qua một cửa sông ở mũi Chân Mây (xã Lộc Tụ) và lội một cửa đầm Lang Cô ở xã Lộc Hải, trước khi bị núi Hải Vân với đường đèo dài 21 km chắn ngang, đã bị cộng sản cắt đứt. Nếu quân lính có vượt được cửa Tư Hiền sang bờ phía nam, trong trường hợp bị đánh, cánh đồng cát trống rỗng khoảng 100 cây số vuông giữa đèo Phước Tượng và đèo Phú Gia là nơi bất quá có thể dàn mỏng quân để tránh tổn thất thay vì bị nhốt cứng trên ‘đảo’ Vinh Lộc quanh núi Túy Vân, nhưng vẫn còn cách Đà Nẵng tới một khoảng cách 60 km với hai đèo Phú Gia và Hải Vân. Do đó, mục đích rút quân xuống dãi cát Vinh Lộc là để lập đầu cầu, chờ các dương vận hạm ủi bãi, bốc ra biển. Nói rút quân về ‘cửa Tư Hiền để dùng phương tiện Hải quân rút về Đà nẵng’ là đúng, nhưng coi cửa Tư Hiền như một trở ngại vì không có cầu để xuôi nam, để đổ lỗi cho tướng Trưởng và tướng Thoại thì không. Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại viết:

“Ngày 26-3-1975, hai ponton (cầu nổi) do BTL Vùng I Duyên Hải chỉ thị kéo ra và một pontoon do BCH Chuyển Vận (tôi nghĩ là tác giả muốn nói BCH1Tiếp Vận đóng ở căn cứ do XXIV Corps của TQLC Mỹ bàn giao lại, đối diện với Tòa Thị Chính Đà Nẵng, cách con sông Hàn) đưa tới Cửa Tư Hiền, nhưng vì sóng gió ngầm gần bờ mạnh nên cả 3 ponton nầy không thể kéo tới gần cửa và phải cho thả trôi từ xa vào nên không nằm đúng chỗ cửa biển.

Tại phía Bắc cửa Tư Hiền, cách khoảng 2 cây số, trong buổi sáng đã có 6 LCU (giang vận hạm) và 18 LCM (hải vận hạm) sẵn sàng ủi bãi. Nhưng trong suốt ngày 26-3, không một chiến đỉnh nào của Quân vận có thể ủi bãi vì sóng ngầm gần bờ quá mạnh.

Sáng hôm đó đại tá Nguyễn Hữu Duệ, tỉnh trưởng Thừa Thiên đã có mặt tại BTLQĐ1 tại Đà Nẵng, trung tướng Ngô Quang trưởng gọi điện thoại cho tôi từ BTLQĐ1 nói là hiện có đại tá Duệ trong văn phòng, và hỏi tôi vì sao các đơn vị bộ binh không băng ngang Cửa Tư Hiền được. Tôi cho biết là vì biển động nên việc sử dụng ponton không thể thực hiện được.

Liền sau đó tôi lên ngay trực thăng và bay thẳng ra Cửa Tư Hiền và Đầm Cầu Hai. Khi đến nơi tôi thấy tất cả chiến thuyền của Duyên Đoàn 13 đều ở ngoài khơi cửa Tư Hiền gồm 7 Yabuta và 6 PBR. Trên đường ra biển, đoàn chiến thuyền nầy đã bị VC phục kích suốt 5 cây số dọc núi Vĩnh Phong, khiến một nhân viên chết.

Tôi gọi máy từ trực thăng xuống đoàn chiến thuyền của Duyên Đoàn 13, hỏi thiếu tá Phương vì sao không giúp đỡ các đơn vị bộ binh băng ngang Cửa Tư Hiền. Thiếu tá Phương cho biết là khi sáng sớm, một sĩ quan thuộc Trung Đoàn 54 SĐ1 vào căn cứ Duyên Đoàn đã túm áo và chỉa súng lục vào người thiếu tá Phương và dùng lời lẽ hăm dọa, do đó thiếu tá Phương quyết định rút hết các chiến thuyền ra khơi.

Lúc 12 giờ 30, tôi nhận thấy tình hình rất khó khăn nên quyết định dùng biện pháp bất khả kháng. Tôi chỉ thị cho thiếu tá Phương mang 3 chiến thuyền đến sát bờ, nhận chìm để có thể thay thế cầu tàu cho các đơn vị bộ binh lên các chiến hạm đổ bộ.

Duyên đoàn 13 cho chiến thuyền đến cách bờ khoảng 300 thước nhưng vì sóng quá mạnh nên công tác trên không thực hiện được.” (‘Can Trường Trong Chiến Bại’, trang 209, 210)

Ngoài ra, trong chỗ trao đổi riêng tư gần đây, tác giả Hồ Văn Kỳ Thoại cho tôi hay rằng “Cho dù có đưa quân sang được bên kia Cửa Tư Hiền nhưng nếu TQLC chưa chiếm được núi Vĩnh Phong thì coi như đem quân nạp mạng cho địch. Biết trước tai họa như thế, tướng Lân và tôi đề nghị tướng Trưởng cho vừa đánh vừa rút về hướng QL1, hoặc đánh bọc hậu phía tây núi Hải Vân nhưng không được tướng Trưởng chấp thuận.”

Xin được dùng phần trình bày trên đây thay câu trả lời cho ông: “bây giờ trên đường triệt thoái từ Huế (ngày 25-3) về Đà Nẵng thì lại một cái cầu nổi khác gây thảm họa. Đó là cái cầu nổi giữa cửa Tư Hiền và đường bộ.” Thưa ông, Vinh Lộc là nơi mai táng mẹ tôi và là nguyên quán của bố tôi. Nếu ông cho phép một cuộc diện kiến trong dịp ông ra mắt sách tại Houston vào cuối tuần nầy, tôi sẽ mang theo bản đồ quân sự của toàn khu vực nầy, để giải thích sự khác biệt giữa việc có hay không có chiếc cầu nổi mà ông mô tả là tội ác tương đương với tội ác làm chết hàng trăm ngàn sinh linh trên tỉnh lộ 7B.

Phần trả lời của Phó Đề Đốc Thoại cũng xin dùng làm câu trả lời cho lời cáo buộc của tướng Lâm Quang Thi trong thư trả lời y sĩ TQLC Phạm Vũ Bằng, đăng trên mạng:

“Kế hoạch triệt thoái của tôi là SĐ1 sẽ di chuyển qua ngả Tư Hiền và LĐ147 sẽ được lực lượng đặc nhiệm HQ – do Sài Gòn gởi ra tăng cường QĐI và gồm nhiều chiếc LST (Landing Ship, Tank) bốc lên ở phía nam Thuận An. Tôi nhấn mạnh với Tướng Trưởng rằng sự triệt thoái SĐ1 chỉ có thể thực hiện với hai điều kiện: (1) một cây cầu nổi phải được bắt ngang Đầm Cửa Tư Hiền và (2) Núi Vĩnh Phong, cao điểm phía nam cửa Tư Hiền, phải do một đơn vị TQLC chiếm đóng. Tướng Trưởng hỏi ý kiến của BTM của ông và họ cho là hai điều kiện này có thể thoả mãn được. Chiều ngày 23, Tướng Trưởng họp với Tướng Lân, TL/SĐTQLC, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TL/HQVICT, và trung tá chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 10 Công Binh. Ông Thoại bảo đảm với Tướng Trưởng rằng ông sẽ cho đánh chìm một chiếc tàu HQ ở giữa Cửa Tư Hiền để cho SĐ1 đi qua và Tướng Lân cũng bảo đảm rằng ông sẽ cho chiếm đóng các cao điểm phía nam cửa Tư Hiền. Nhưng cuối cùng hai nhiệm vụ này cũng không được thực hiện, và điều này đã gây nhiều tổn thất cho các đơn vị rút quân qua ngả Tư Hiền.” [http://nguoithathoc1959.multiply.com/journal/item/13860] 

*Xin xem thêm hình chụp dãi cát Vinh Lộc, đầm Cầu Hai, cửa Thuận An và Cửa Tư Hiền từ vệ tinh, đính kèm

4.- Theo ông, tất cả sự thất thủ của miền Nam Việt Nam là tội lỗi của người Mỹ. Xin được đặt câu hỏi ngược lại: nếu tổng thống từ chức, nhưng trung tướng Thiệu không đào ngũ, ở lại chiến đấu với quân dân miền Nam, hay cuối cùng sẽ tuẫn tiết như các tướng và các sĩ quan khác (như tấm hình chụp ở chân tượng TQLC trước Quốc Hội, đính kèm), tình hình miền Nam và lòng người miền Nam có khác hơn so với hôm nay? Từ ngày trốn thoát khỏi Việt Nam 25-4-1975 đến ngày 29-9-2009, quân nhân Nguyễn Văn Thiệu đã nói gì với ông về Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ?

Là người biết được tâm tư của TT Thiệu, xin ông cho biết trước khi chết, tổng thống của chúng ta có biết tướng Phạm Văn Phú nói gì về ông ấy không? Hai tuần sau khi bị ‘lột chức’ tư lệnh Quân Đoàn II tại đồi "Lầu Ông Hoàng", tướng Phú vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ngày 15-4-1975, đại tá Phạm Văn Chung, cựu Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369/TQLC đã vào thăm tướng Trưởng và tướng Phú đang dưỡng bệnh và đã nghe tướng Phú trăn trối. Ông Chung kể:

“Rời phòng Trung Tướng Trưởng, tôi (đại tá Chung) qua phòng kế bên cạnh là phòng của Thiếu Tướng Phú, cũng đang nằm dưỡng bệnh kế đó. Bước vào phòng tôi thấy Thiếu Tướng Phú đứng dậy ngay và bắt tay tôi bằng một giọng hằn học, tức tối:

‘Anh Chung, anh từng hành quân với tôi đã lâu...’

Nói đến đây Thiếu Tướng Phú ôm tôi và khóc tiếp với giọng nghẹn ngào, tức tối:

‘...mà đêm qua, TT Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút... có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục’.

Ông đã làm thật. Tại căn nhà riêng trên đường Gia Long, trong khi vợ và các con vắng nhà để đi tìm phương tiện di tản, tướng Phú đã uống một liều thuốc cực mạnh để tự kết liễu đời mình, một ngày trước khi xe tăng cộng sản húc cổng sắt Dinh Độc Lập để nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh.

5.- Lịch sử vẫn nhắc đi nhắc lại cụm từ “gia đình trị” của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong khi cầm quyền, ông Thiệu bổ nhiệm ông anh Nguyễn Văn Hiếu làm đại sứ ở Ý, và ông anh Nguyễn Văn Kiểu làm đại sứ ở Đài Loan, cộng thêm người anh em bà con cô cậu là Hoàng Đức Nhã làm Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Dân Vận. Ông nghĩ sao nếu người khác cũng gọi tổng thống Thiệu “gia đình trị”? Khi ghi lại suy diễn của ông về não trạng của người khác nhằm biện hộ cho người ấy, ông có tự nhận mình là một Lê Lai ra tay dù muộn để cứu chúa, hay chỉ viết vì sự thôi thúc của tài năng thiên phú về chuyên đề “làm kinh tế” mà trời ban cho tiến sĩ?

6.- Vào ngày 8-8-2004, thông tấn xã AP đánh đi một bản tin ngắn tiết lộ một cuộc đối thoại giữa Nixon và Kissinger hôm 3-8-1972, xin được trích lại nguyên văn như sau:

CHRIS KAHN, Associated Press Writer
AP Worldstream
08-08-2004

Dateline: ROANOKE, Virginia

Three months before the 1972 presidential election, President Richard Nixon and Henry Kissinger huddled together in the Oval Office to discuss when and how to get out of Vietnam.

Despite a massive bombing campaign during the spring and summer in the north of that country, the Republican president had concluded that U.S.-backed "South Vietnam probably can never even survive anyway." (Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào).

"We also have to realize, Henry, that winning an election is terribly important," Nixon told his national security adviser. "It's terribly important this year, but can we have a viable foreign policy if a year from now or two years from now, North Vietnam gobbles up South Vietnam? That's the real question." (Nixon bảo người cố vấn an ninh quốc gia của mình: “Henry, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thắng cử là điều tối quan trọng. Nó vô cùng quan trọng trong năm nay, nhưng liệu chúng ta vẫn có thể có một chính sách ngoại giao sống còn không nếu một năm hay hai năm nữa, Bắc Việt nuốt chững Nam Việt Nam? Đó mới là vấn đề.”)

The conversation, recorded by Nixon's taping system, was transcribed by the University of Virginia Miller Center of Public Affairs to be released today, the 30th anniversary of Nixon's resignation.

Some historians, including biographer Jeffrey Kimball, consider it evidence that Nixon sacrificed American forces in his quest for a second term, keeping them engaged to ensure that the South Vietnamese government wouldn't collapse before the election.

"It became increasingly apparent to them by 1972, if not before, that they couldn't win the war and they'd have to end it," said Kimball.

Kissinger, now a foreign-policy consultant, said in an interview with The Associated Press that Kimball and other historians are focusing too much on an informal conversation that he said did not reflect Nixon's policies.

"Every once in a while he got discouraged and said, 'Chuck the whole thing,' but that was never his policy," Kissinger said.

Historians said the conversation reflected Nixon's "decent interval" exit strategy in Vietnam.

By propping up Saigon, the theory goes, the government could survive at least a few years on its own, and Nixon would be able to distance himself from any political fallout when it collapsed.

The Aug. 3, 1972, conversation, which was released in December by the National Archives, shows that Nixon worried about how his administration would be viewed if South Vietnam fell.

Kissinger, who would share the Nobel Peace Prize the following year with North Vietnam's Le Duc Tho for brokering a peace agreement, advised the president that they could avoid being seen as failures as long as South Vietnam held on for a few years.

"If a year or two years from now, North Vietnam gobbles up South Vietnam, we can have a viable foreign policy if it looks as if it's the result of South Vietnamese incompetence, “Kissinger said. (Kissinger nói: “Nếu tới một hay hai năm nữa, Bắc Việt nuốt chững Nam Việt Nam, chúng ta vẫn có thể có một chính sách ngoại giao sống còn, nếu như tình hình được coi là bởi sự bất tài của người Nam Việt Nam”).

[ http://mtracy9.tripod.com/nixon-vietnam.htm]

Mẩu đối thoại trên xảy ra ngày 3-8-1972, được tác giả Rick Perlstein lặp lại ở trang 708 cuốn ‘Nixonland’, đính kèm. Vào ngày 31-10-1972 cả thành phố Sài Gòn bừng bừng nghẹt thở, về tin Hiệp Định Ba Lê mà chính quyền Việt Nam bị Mỹ ép buộc phải ký ngay hôm ấy. Cuối cùng, ông Trần văn Lắm ngồi sẵn ở Paris nhưng tránh khỏi chưa phải ký, và ông Thiệu đã trì trệ được 3 tháng. Xin ông cho biết suy nghĩ của tổng thống Thiệu về người Mỹ vào thời điểm 31-10-1972 và vào ngày ngưng bắn 28-1-1973. Tại sao dạo ấy TT Thiệu nói công khai “Một tên Việt Cộng giao liên địa phương còn biết nhiều về những chi tiết thương lượng ở Ba Lê hơn tôi”, mà vẫn ký?

Ngoài ra, Hiệp Định Ba Lê mang chữ ký Ngoại trưởng William P. Rogers là một thỏa thuận giữa chính phủ đương quyền Hoa Kỳ (Richard Nixon), Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam; hiệp định ấy chưa bao giờ được quốc hội Hoa Kỳ phể chuẩn, nên giá trị pháp lý chỉ ràng buộc riêng tổng thống Nixon. Sau khi Nixon từ chức ngày 9-8-1974, ràng buộc ấy chấm dứt. Như thế, tại sao nỗ lực của ông qua 3 cuốn sách luôn nhắm vào 2 việc: đổ tội thất bại tại Việt Nam cho chính quyền Mỹ (hành pháp, tư pháp và lập pháp) và bào chữa cho tổng thống Thiệu, thay vì đặt vấn đề một vị nguyên thủ quốc gia mà lại cả tin vào cá nhân một ông tổng thống khác. Để mang lại tính chất thuyết phục cho cung cách cải quản quốc gia của tổng thống Thiệu, xin được hỏi, nếu giao cho ông tiến sĩ kinh tế làm tổng thống VNCH, và giao trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển, ông sẽ làm khác hơn, hay lặp lại vết xe lịch sử của tổng thống Thiệu? 

Bên cạnh đó, có người cho rằng chuyện Nixon mưu đồ với Kissinger để bỏ rơi Nam Việt Nam đã được giải mã năm 2004, nhưng cuốn sách thứ nhì của ông đặt tựa và vẫn gọi hành động bỏ rơi Việt Nam vào ba năm sau của Mỹ là ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy’, nghe có vẻ như có sự lẫn lộn giữa một chiến lược hay một chính sách với một chiến thuật. Phần khác, có nhiều người ở Việt Nam cho rằng cuốn thứ nhì của ông rất ăn khách, là nhờ tựa đề ấy tựa vào tựa đề ‘Cuộc Tháo Chạy Tán Loạn’ mà dịch giả Ngô Dư và Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng để cay cú đặt cho bản tiếng Việt cuốn ‘Decent Interval’ của Frank Snepp. Vì ông nhắc lại nhắc đi rất nhiều lần rằng ông không phải là nhà viết sử, vậy khi cho cuốn sách thứ nhì chào đời, ông có nghĩ rằng mình đang đóng góp rất tích cực cho bộ máy tuyên truyền của cộng sản trong việc bôi lọ quân dân miền Nam, những kẻ mà họ miệt thị là ‘liếm gót giày của Mỹ’?

7.- Sau đây là một câu hỏi của đài BBC năm 1973, và câu trả lời của tổng thống Thiệu:

BBC: ‘Thưa ông giá tỷ như ông thắng cuộc bầu cử này, mà tôi tin chắc là thế nào ông cũng cho rằng ông thắng lớn, thì ông có nghĩ rằng ông nhận được đầy đủ sự ủy nhiệm của dân chúng để dẹp bằng võ lực tất cả các lực lượng cộng sản ra khỏi Miền Nam Việt Nam hay không?’

Nguyễn Văn Thiệu: ‘Tôi không biết là sẽ có bầu cử theo kiểu nào tại miền Nam Việt Nam, nhưng có bầu cử theo kiểu gì đi chăng nữa, thì tôi tin chắc rằng dân chúng ở miền nam sẽ vẫn tôn trọng luật lệ xuất phát từ ý nguyện của dân chúng. Nếu như cộng sản thắng, thì chúng tôi chấp nhận sống dưới sự cai trị của họ ngược lại nếu chúng tôi thắng, thì họ cũng phải chấp nhận sống dưới một thể chế dân chủ. Dân chúng quyết định tương lai.’

[ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050422_nguyenvanthieu_transcripts.shtml]

Thưa ông, trong tâm tư của tổng thống mà ông nắm vững được, đó chỉ là một câu trả lời dối trá đầy thủ đoạn và kịch tính, hay của một TT Thiệu quân tử đã chuẩn bị để chấp nhận sống dưới sự cai trị của Cộng sản? Như vậy, tại sao đêm 25 tháng 4 năm 1975, tổng thống của chúng ta phải lén lút rời Việt Nam với tư cách là đặc sứ của VNCH đến Đài Bắc để phúng điếu tổng thống Tưởng Giới Thạch?

8.- Sau khi ban hành lệnh thiết quân luật vào ngày 11-5-1972 vào thời điểm quyền lực của tổng thống Thiệu được củng cố mạnh mẽ nhất, tổng thống ban hành tiếp sắc luật 007/72 để thanh toán quyền tự do ngôn luận ở Nam Việt Nam, buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (thời giá lúc ấy bằng 47.000 đô), còn báo định kỳ phải đóng 10 triệu – để nếu tờ báo nào vi phạm luật do ông Nhã sáng chế ra, thì tiền ký quỹ bị sai áp. Báo nào không nạp đủ số tiền đó liền bị rút giấy phép. Đây là sáng kiến góp phần tiêu diệt làng báo miền Nam một cách có hiệu quả của Hoàng Đức Nhã, được chuẩn thuận của tổng thống Thiệu. Kết quả, trừ những tờ quốc doanh như nhật báo Dân Chủ của ông Nhã, hầu hết làng báo miền Nam vào ngõ cụt, không còn sinh kế, và không còn phương tiện đấu tranh cho tự do. Họ cùng đường, nên, trừ các ký giả giả mạo, ký giả chỉ điểm, ký giả ăn lương CIA – đã tổ chức cuộc xuống đường lớn nhất và được quần chúng công khai ủng hộ đông nhất, mang tên “Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày”. Vào ngày 10-10-1974, lịch sử báo chí thế giới ghi nhận ký giả miền Nam Việt Nam của tổng thống Thiệu đội nón lá rách, cổ đeo bị đệm của người ăn xin và tay chống một cây gậy, thực sự ăn mày quyền tự do mà TT Thiệu thường đem ra khoe với thế giới.

Dưới con mắt một chuyên gia về kinh tế, xin ông cho biết tổng thống đã nói gì với ông cháu Hoàng Đức Nhã, và ông ấy đã nghĩ gì về việc anh em ông ấy đã gây ra cho làng văn làng báo miền Nam Việt Nam?

9.- Người ta thường bảo ‘Thầy thuốc sai lầm làm chết một bệnh nhân, phi công sai lầm làm chết một làng, chính trị gia sai lầm làm chết một nước’. Nếu chúng tôi kết luận rằng việc mất miền Nam Việt Nam là do sự phản trắc của người Mỹ, do sự hiếu chiến của miền Bắc Việt Nam và do sự bạc nhược của tất cả quân dân cán chính miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975 – riêng TT Thiệu không có lỗi gì cả, thì TT Thiệu nơi chín suối có đồng ý không? Bên cạnh sự cưỡng bức của người Mỹ buộc tổng thống Thiệu phải rời Việt Nam như ông đang biện hộ, ông có nghĩ rằng bất cứ cử tri nào đã bỏ phiếu bầu ông Thiệu vào chức vụ tổng thống – dù là một cuộc bầu bán độc diễn và gian lận – cũng đều phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về lá phiếu của mình dành cho TT Thiệu? Viết thêm cuốn sách thứ ba để cho rằng TT Thiệu phải đào ngũ trốn khỏi Việt Nam là do thúc ép của Mỹ, vậy cáo buộc mà phía Cộng sản gọi QLVNCH trong đó có TT Thiệu nhưng không có ông tiến sĩ kinh tế – là lính đánh thuê của Mỹ vừa là chính quyền bù nhìn của Mỹ – là đúng?

10.- Ở trang 262 của cuốn ‘Những Ngày Cuối của VNCH’ mà ông có nhìn nhận đã trích dẫn cả 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt (TTTTT, trang 699), cố đại tướng Cao Văn Viên viết:

“Năm 1973-1975. Khi Hiệp định Ba Lê được ký kết và quốc sách ‘Bốn không’ ra đời… Ông Thiệu ra lệnh thẳng cho các tư lệnh quân đoàn, Không quân và Hải quân, và liên lạc thẳng với Tham Mưu Trưởng liên quân BTTM.”

Điều nầy được tác giả Nguyễn Kỳ Phong chi tiết hóa trong phần nhận định sau:

“…Từ năm 1969 trở đi, TTT vấp phải một lỗi lầm về liên hệ trong hệ thống quân giai, về chiến lược và chiến thuật, khiến các sĩ quan tuớng lãnh không còn kính trọng ông như là một thủ lãnh. Để củng cố thế lực, năm 1968 TTT triệu hồi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm về nước, bổ nhiệm làm phó thủ tướng kiêm tổng trưởng nội vụ, rồi thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng sau khi Thủ Tướng Trần Văn Hương từ chức. Cùng năm, ông đưa tướng Đỗ Cao Trí về làm Tư Lệnh Vùng III. Tháng 7-1970 ông ban hành một sắc lệnh, thay đổi cơ cấu quân sự trong tương quan giữa Bộ Tổng Tham Mưu và Quân Đoàn/Quân Khu. Nói một cách khác, đến cuối năm 1970, các tướng lãnh đã “vào hàng” theo lệnh TTT. Nhưng để bảo vệ quyền lực và phòng hờ những biến động có thể xảy ra, TTT tập trung quyền lực trong tay – về hành chánh cũng như về quân sự – hành động này đã gây những phẫn nộ ngấm ngầm trong giới quân đội. Sự lo sợ đảo chánh khiến cho TTT giữ lại một số tướng lãnh lẽ ra ông phải cho họ giải ngũ từ lâu. Cũng vì sợ đảo chánh, ông có những liên hệ với một số tướng lãnh mà qua sự quan sát bên ngoài, không hợp với quân phong, quân kỷ. Rất nhiều thí dụ cho thấy TTT bất cần hệ thống quân giai và chỉ huy quân đội thẳng từ Dinh Độc Lập: Trong cao điểm của cuộc hành quân Lam Sơn 719, Trung Tướng Lãm xin được từ chức vì ông không đủ quyền lực và sự ủng hộ của TTT để ra lệnh cho hai tướng Dư Quốc Đống và Lê Nguyên Khang. Cũng trong buổi họp đó, tướng Viên một lần nữa xin từ chức.”

Ông bình luận thế nào về sự độc tài và lạm quyền của TT Thiệu mà hai người nói trên ghi nhận? Sự độc tài và lạm quyền ấy có lợi hay hại trong vấn đề bảo vệ miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng Sản?

11.- Khi được cựu trung tá Nguyễn Đạt Thịnh hỏi trên đài phát thanh vào ngày 27-5-2010, “ngồi đối diện với thiếu tướng Phú trên bàn hội nghị Cam Ranh là hai vị trung tướng, và hai vị đại tướng, mà không vị nào thấy việc không tăng viện cho thiếu tướng Phú là chấp nhận mất Ban Mê Thuột, và bỏ trống Cao Nguyên cho địch hay sao?”, ông đã tự thú, “địa bàn quân sự không phải là sở trường của tôi.” Câu hỏi tiếp theo, “tiến sĩ có nghĩ như tôi nghĩ là câu ‘nếu lấy lại Ban Mê Thuột thì việc tái chiếm Pleiku và Kontum sẽ dễ dàng…’ giống như một điều ao ước hơn là một kế hoạch chiến lược không?”, ông lại khẳng định lần nữa, “Tôi đã nói là tôi không biết nhiều về những vấn đề quân sự.”

Trong phần cuối của cuốn ‘Những Ngày Cuối của VNCH’, cố đại tướng Cao Văn Viên dùng nhiều cụm từ và câu không bọc đường như: ‘Tác giả Nguyễn Tấn Hưng, trong sách của ông, nói BTTM không biết việc nầy, là hoàn toàn sai.’ (trang 263), ‘Cho nên khi có người viết là một viên chức nào đó gọi điện thoại vào BTTM lúc 4 giờ rưỡi chiều mà không có ai trả lời, là hoàn toàn bịa đặt.’ (trang 263), ‘Dựa vào những sự kiện đã nói trên, ta thấy tác giả Nguyễn Tiến Hưng trong tác phẩm The Palace File, đã xuyên tạc là BTTM không làm tròn nhiệm vụ, và tác giả (đại tướng Viên) chỉ là một tướng tầm thường, thiếu khả năng và sáng kiến… Những lý do ông Hưng nêu ra có khi mâu thuẫn với nhau, nhỏ mọn, toàn là khẳng định không có chứng minh, hay chỉ dựa theo lý thuyết nên không thực tế.’ (trang 264), ‘Trong các buổi họp quân sự với tổng thống Thiệu, tác giả (đại tướng Viên) không thấy ông Hưng. Chỉ sau nầy, khi phái đoàn tướng Weyand đến Saigon và họp trong Dinh Độc Lập mới thấy ông ta tham dự. Nhưng trong sách, khi nào có nói đến các buổi họp, ông ta đều chỉ trích.’ (trang 265), ‘Ngoài ra, ông Hưng lầm lẫn giữa thiết kế và phản ứng.’ (trang 265), ‘Ông Hưng nói các sĩ quan VNCH chỉ biết sử dụng trực thăng hay gọi pháo binh và không quân yểm trợ khi đi hành quân với quân đội Mỹ là sai.’ (trang 267), ‘Có thể tin được những gì ông Hưng viết và nhớ trong sách hay không? Do một sự tình cờ, một nguồn tin cho hay ông Hưng không có tuyên thệ nhập đảng Dân Chủ. Như vậy ông Hưng đã không nói sự thật về một vấn đề liên quan mật thiết với ông ta.’ (trang 268), ‘Tóm lại, một vài phần trong cuốn The Palace File – ở những phần viết về Quân Lực VNCH; Bộ Tổng Tham Mưu; và về cá nhân tác giả (đại tướng Viên) – chỉ là những tiểu thuyết có luận đề, và chỉ có giá trị như những tiểu thuyết không hơn không kém.’ (trang 268).

Đại tướng Viên đã chết, nên ông đại tướng thua ông ở chỗ ông còn sống, và còn tiếp tục in thêm sách. Nhưng trung tá Thịnh cũng còn sống. Ông ấy nói rất nhẹ nhàng, lễ phép với người mà đại tướng Viên gọi bằng chữ ‘bịa đặt’: “Tôi không tin ông Hưng có thể thành công trong nỗ lực vinh danh ông Thiệu bằng cách hạ nhục những vị anh hùng tiết tháo, sống chết theo sự mất hay còn của đất nước.” Xin ông lên tiếng về hành động “hạ nhục” mà ông Thịnh nhận xét.

12.- Nhìn nhận với nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh rằng “địa bàn quân sự không phải là sở trường của tôi” và “tôi đã nói là tôi không biết nhiều về những vấn đề quân sự”, mà ông lại viết về vấn đề tái chiếm BMT và ‘di tản chiến thuật’ (chữ của TT Thiệu mỗi khi bị thất trận), lại viết sách lịch sử bằng những câu khuất lấp như thượng dẫn, ông có nghĩ là ông đã giải oan thành công cho linh hồn của TT Thiệu cần nghỉ yên ở nơi nào đó bên ngoài cửa thiên đàng? Nếu giờ nầy tổng thống Thiệu còn sống, ông ấy sẽ nghĩ gì khi cầm cuốn ‘Tâm Tư TT Thiệu’ trên tay do người khác viết về suy nghĩ của mình?

*** 

Xin cảm ơn tiến sĩ đã nhẫn nại đọc tới cuối bức thư lẩm cẩm và u tối của một người trong chiến tranh, tuy cầm súng, nhưng chỉ chiến đấu ở cương vị một binh nhất. Tôi tin phần trả lời của ông sẽ soi rọi cho những phần tăm tối mà một kẻ thấp cổ bé miệng như tôi, nếu chiến tranh còn tiếp diễn, sẽ không bao giờ dám thất lễ đặt vấn đề đúng sai với một vị tổng trưởng trong nội các chính phủ, về trách nhiệm của một vị tư lệnh quân đội.

Kính,

NgyThanh
Cựu quân nhân, Số quân 72/208.269
Tiểu đoàn 10 CTCT, KBC 3463

Nhân tiện, xin giới thiệu cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu với những ai có nhu cầu cần tìm hiểu: sách dày 711 trang, bìa cứng, trang bìa láng in hình tổng thống Thiệu châm ngọn lửa vào dầu hỏa lấy từ mỏ ngoài khơi Việt Nam, với hàng chữ “Sắp hết lệ thuộc: thùng dầu đầu tiên từ ngoài khơi đem về phúng viếng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”. Sách có thể đặt mua trên trang mạng http://tamtutongthongthieu.com/ , giá sách ghi trên bìa $28.00, nhưng khi mua, bạn đọc phải gửi chi phiếu $35.00 để trả thêm $7.00 cước phí bưu điện và lệ phí bỏ sách vào phong bì. 

  • Đôi dòng về người viết (Ngy Thanh)

Trước năm 1975, NgyThanh là “lính cậu” chịu trách nhiệm phòng tối đơn vị ở Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 10 CTCT đóng ở Đà Nẵng. Được trời đất đãi ngộ, nằm ở hậu phương, và ngồi phòng tối để được trắng da dài tóc không chịu, lại xin đi làm phóng viên chiến trường.

Từ giữa năm 1972, NgyThanh một tay làm phóng viên tiền tuyến cho đơn vị, tay kia cầm máy ảnh cho nhật báo Sóng Thần, và là cộng tác viên của thông tấn xã Associated Press của Mỹ. Một lần vào đầu năm 1973, để tuyên truyền, Việt Cộng cho phép các phóng viên của hảng ngoại quốc, mỗi hảng một người, vào thăm “vùng giải phóng”. Đề nghị của đối phương đưa ra bất ngờ, đúng hôm hảng AP không còn ai đang hiện diện tại mặt trận Quảng Trị, thế là NgyThanh được đi. Trở về, chàng “lính cậu” bị an ninh quân đội “hốt xác” để điều tra. Sau đó bị giam lỏng tại đơn vị gốc ở Đà Nẵng, nhưng những khi đi phép, anh chàng vẫn trốn thành phố chạy tới các mặt trận như Vĩnh Điện, Thường Đức… 

Đầu tháng 3-1975, NgyThanh đang đi công tác ở Cục Tâm Lý Chiến tại Sài Gòn, vào đúng thời điểm mà Huế, Ban Mê Thuột đã thất thủ, và Đà Nẵng đang bị vây khốn, chiếc Boeing 727 còn lại duy nhất của Air Vietnam không đủ chỗ cho hàng triệu người muốn tìm sự sống. Nổi máu nghề nghiệp, anh chàng ra phi trường Tân Sơn Nhất quá giang C-130 về. Đúng một tuần sau, Đà Nẵng mất, anh nhà báo “ngụy” không bị đi học tập cải tạo vì cấp bậc quá nhỏ, nhưng bị đấu tố ở tòa án nhân dân địa phương, và được lên danh sách đi gỡ mìn ở phi trường Đà Nẵng, rồi kẹt lại 15 năm rưỡi, trước khi được tổng giám đốc AP gởi thỉnh nguyện thư cho phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, xin đích danh cho đi định cư. Qua Mỹ, anh chàng bẻ bút trùm chăn thêm 17 năm nữa. Hai năm gần đây, NgyThanh tình cờ gặp anh Nguyễn Đạt Thịnh, Chủ Bút ấn bản Houston của Thời Báo, bèn ngứa ngáy tay chân, mang lại nghiệp vào thân. Hiện NgyThanh là cộng tác viên thường trực của hệ thống Thời Báo, có tòa soạn ở Toronto, Canada.