Lữ Giang (Một Góc Trời)
Điều 392 của Bộ Giáo Luật nói rằng vì “Giám Mục có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế phải thối thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo Hội.”
Do đó, các Giám Mục phải lãnh đạo giáo phận chứ không để cho các phần tử quá khích lãnh đạo Giám Mục hay Giám Mục chạy theo quần chúng.
ooOoo
Vụ án Thánh Giá mà Tối Cao Pháp Viện Mỹ vừa đưa ra phán quyết hôm 28.4.2010 có thể giúp cho người Việt hiểu hơn về một nguyên tắc quan trọng đang được các quốc gia văn minh trên thế giới tôn trọng, đó là nguyên tắc tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền. Nguyên tắc này cũng sẽ giúp chúng ta nhìn lại một cách chính xác hơn vụ nhà cầm quyền Việt Nam triệt hạ tượng Đức Mẹ ở Bầu Quyền, Quảng Bình, và tượng Thánh Giá ở Đồng Chiêm, Hà Nội, và các phương thức có thể áp dụng để đem lại những kết quả tốt đẹp hơn.
PHÁN QUYẾT CỦA TÒA
Trong vụ kiện đòi đưa cây Thánh Giá ra khỏi Đài Tưởng Niệm trong sa mạc Mojave ở California, Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết ngày 28.4.2010. Phán quyết dày 71 trang với phần trang cãi và dẫn lý rất phức tạp, chỉ xin ghi tóm tắt. TCPV cho rằng:
(1) Toà án tiểu bang California đã không chú ý đúng mức đến thông tư của chính phủ về quyết định đã chuyển giao mảnh đất này từ Liên bang lại cho quyền sở hữu tư nhân, và
(2) Tòa án điạ phương đã đi quá xa thẩm quyền qua việc ra án lệnh tháo dỡ và di chuyển một Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh đã được Quốc Hội chấp thuận và chuẩn y.
Cuối cùng Toà đã phán quyết với tỷ lệ 4/5 như sau:
Toà Án Liên Bang tại Tiểu Bang California đã dẫm chân lên thẩm quyền lãnh thổ pháp lý trong việc ra án lệnh bắt dời chuyển Cây Thánh Giá vốn từ lâu rồi đã được dựng thành Đài Tưởng Niệm trong sa mạc Mojave của Tiểu Bang California. và;
Cây Thánh Giá màu trắng cao tới 7 foot (2.1 mét) - đã được Hiệp Hội Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ xây dựng nên như một Đài Tưởng Niệm các Chiến Sĩ đã tham gia trong các cuộc chiến trên toàn thế giới cách đây 75 năm - trong khu vực bảo tồn quốc gia Mojave - được chấp thuận ở nguyên vị trí cũ.
Như vậy, lý do khiến đa số các thẩm phán TCPV quyết định như trên là vì khu đất đài tưởng niệm đã được chính phủ giao cho tư nhân và tòa án ở California đã vượt quá thẩm quyền của mình khi đụng đến một đài tưởng niệm đã được Quốc Hội liên bang chấp thuận.
ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN
Cây Thánh Giá cao 7 foot là một trong những thành phần của Đài Tưởng Niệm Thế Chiến II được Hội Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Ngoại Quốc (Veterans of Foreign Wars) dựng lên năm 1934 tại sa mạc Mojave ở nam California để tưởng nhớ các chiến sĩ đã nằm xuống và hiện nay đã trở thành một phần của khu bảo tồn liên bang.
Năm 1999, Phật Giáo định dựng một cái đền gần cây Thánh Giá, nhưng Sở Bảo Tồn Công Viên Quốc Gia đã ngăn cản. Sau đó sở này tuyên bố có ý định dời cây Thánh Giá đi. Cũng trong năm 1999, sở này đưa ra quyết định nói rằng cây Thánh Giá không đủ tiêu chuẩn đối với những nơi lịch sử của quốc gia vì cây Thánh Giá được xử dụng vì mục tiêu tôn giáo và đã được thay thế nhiều lần trong tiến trình lịch sử.
Một vụ kiện đã được tiến hành để loại cây Thánh Giá ra khỏi Khu Bảo Tồn Quốc Gia Mojave. Người đứng đơn kiện là Frank Buono, một cựu nhân viên của Sở Bảo Tồn Công Viên Quốc Gia. Lý do kiện là việc sử dụng một biểu tượng tôn giáo như là một đài tưởng niệm chiến tranh của quốc gia là xúc phạm (offensive) và vi phạm sự tách biệt giữa giáo hội và quốc gia.
Tòa Quận Hạt Liên Bang ở California đã đưa ra phán quyết phải đời cây Thánh Giá ra khỏi Khu Bảo Tồn Quốc Gia Mojave. Tuy nhiên, khi có kháng cáo, tòa đã ra án lệnh bọc cây Thánh Giá lại bằng ván cứng trong khi chờ đợi phán quyết của tòa trên. Năm 1997, Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Khu Vực IX đã y án của Tòa Quận Hạt. Nội vụ liền được kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện.
Quốc Hội đã phải vận dụng pháp lý để bảo tồn cây Thánh Giá, khởi đầu là năm 2000 Quốc Hội làm luật cấm xử dụng ngân qũy quốc gia để dời cây Thánh Giá đi và đến năm 2002 Quốc Hội đã công nhận cây Thánh Giá là một đài tưởng niệm quốc gia. Năm 2003 Quốc Hội đã ra lệnh cho Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ (Department of the Interior) phải chuyển giao một mẫu tây đất trong đó có Cây Thánh Giá cho Hội Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Ngoại Quốc.
Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) một tổ chức bảo vệ quyền tự do của các công nhân tại Hoa Kỳ, đã nhảy vào biện hộ cho nguyên đơn.
Luật sư của ACLU lý luận rằng việc chuyển nhượng đất không trả lời được điều mà họ nêu lên là sự vi phạm Điều Khoản Ngăn Cấm việc thành lập quốc giáo (Establisment Clause), một phần của Tu Chính Án Thứ Nhất (của Hiến Pháp Hoa Kỳ) bảo đảm sự tách biệt giữa giáo hội và quốc gia. Các luật sư này cho rằng các biện pháp chính phủ đưa ra trong hiện tại chỉ nhắm bênh vực riêng một tôn giáo hơn là các tôn giáo khác.
Cuộc tranh luận chống lại ACLU cũng rất gay cấn. Chẳng hạn như tổ chức Liberty Council cho rằng sự chưng bày cây Thánh Giá “phù hợp với lịch sử” và “không nhắm mục tiêu ép buộc góp phần vào một hoạt động hay thực hành tôn giáo”. Còn ông Jay Sekulow, người cầm đầu tổ chức American Center for Law and Justice nói “sự chưng bày này không những thích hợp mà còn hợp hiến vì thế chúng tôi hy vọng Tối Cao Pháp Viện sẽ đi tới quyết định đó.”
Kết quả, ngày 28.4.2010, Tối Cao Pháp Viện đã đưa ra phán quyết như đã nói trên.
NHỮNG BÀN LUẬN XUNG QUANH
Thẩm Phán TCPV Paul Stevens là 1 trong 4 vị bỏ phiếu chống Đài Tưởng Niệm Mojave đã tuyên bố với thông tấn xã AP của Hoa Kỳ trong ngày 28/4 rằng mặc dù ông ta tin rằng các chiến sĩ đã hy sinh thì rất xứng đáng có một Đài Tưởng Niệm cho họ, nhưng theo ý kiến cá nhân của ông thì Chính Phủ Liên Bang "không thể thực hiện công việc đó cho hoàn toàn đúng luật bởi việc tiếp tục chuẩn nhận và ủng hộ một thông điệp hoàn toàn có tính chất phe đảng bè phái như thế."
Thẩm Phán TCPV Anthony Kennedy là 1 trong 5 vị bỏ phiếu ủng hộ Đài Tưởng Niệm Mojave, chống lại Thẩm phán đồng nghiệp Stevens, đã tuyên bố rằng phán quyết này cũng "gợi nhớ đến biết bao nhiêu ngàn cây Thánh Giá nhỏ hơn đã được dựng lên trên những cánh đồng mênh mông tại các nước khác để ghi dấu đó là nấm mộ cuả biết bao nhiêu công dân Hoa Kỳ đã hy sinh trong các trận chiến, và những cuộc chiến ấy sẽ là những bi kịch bội phần nếu những người ngã xuống đã bị lãng quên."
Ông Eric Rassbach, Giám Đốc Đặc Trách Tố Tụng của hội “Becket Fund ủng hộ cho tự do tôn giáo" nói:
“Một Cây Thánh Gía dựng trên tài sản hay đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân không thể hiện đó là Quốc Giáo cũng không xây dựng nên Tôn Giáo của Quốc gia."
NHÌN LẠI VỤ BÀU SEN VÀ ĐỒNG CHIÊM
1.- Vụ tượng Đức Mẹ Bàu Sen
Theo Linh Mục Nguyễn Văn Hữu, quản xứ Chày kể lại, ngày 4.3.2008 giáo dân Chày, trong đó có giáo họ Bàu Sen, có dựng một tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh núi trước cửa nhà thờ. Đây là một hòn đá cao gần 40 mét, nó nằm đối diện với nhà thờ, giữa một cái khoảng trống rất đẹp, bên phải của hòn đá là nghĩa trang. Giáo dân muốn đặt tượng Đức Mẹ ở đó để cầu nguyện cho những người đã qua đời cũng như ban ơn lành cho những người còn sống. Nhưng mà đến buổi chiều, khi đã đặt xong rồi thì chính quyền huyện Bố Trạch lên và yêu cầu dừng lại.
Linh mục cho rằng tuy các nghĩa trang là chung của dân chứ không phải là của người Công Giáo, nhưng mà bởi vì cái vùng đất đó là giáo dân của chúng tôi ở đây là toàn phần Công Giáo, một trăm phần trăm Công Giáo, cho nên cũng coi đương nhiên cái nghĩa trang thì nghĩa trang Công Giáo.
Chính quyền cho rằng việc dựng tượng đó không xin phép chính quyền địa phương, đã vi phạm rất nhiều vấn đề: Thứ nhất là vi phạm Luật Đất Đai, thứ hai là vi phạm Luật Di Sản Văn Hoá, thứ ba là nó nằm vào trong vườn di sản thiên nhiên thế giới quốc gia Phong Nha, nó hoàn toàn nằm ngoài cơ sở thờ tự và không thuốc đất của tôn giáo, cho nên việc dựng tượng đó mà không xin phép thì hết sức sai lầm.
Ngày 19.9.2009, Tòa Giám Mục Vinh đã có một công văn gửi cho UBND huyện đề nghị tìm những giải pháp thân thiện hơn, ôn hoà hơn, hữu ích hơn, nhưng lời của Toà Giám Mục không được chính quyền chấp nhận.
Ngày 21.9.2009 Chủ Tịch UBND huyện Bố Trạch ký quyết định bắt trong 5 ngày phải hạ tượng Đức Mẹ xuống, sau 5 ngày nếu không hạ thì chính quyền sẽ dùng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, mọi chi phí thì do giáo xứ phải chịu.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 5.11.2009 có khoảng 600 cảnh sát cơ động và các lực lượng khác đến bao vây khu vực giáo xứ Bầu Sen và toàn bộ xã Phúc Trạch, thị trấn Troóc, huyện Bố Trạch. Lúc 5 giờ sáng hệ thống điện trong khu vực bị cúp toàn diện, Linh mục Nguyễn Văn Hữu bị bắt đưa đến Hang Tám Cô. Khoảng 11 giờ trưa, tượng Đức Mẹ La Vang đã bị cưa và đưa vào “rọ”, bất chấp sự phản đối của giáo dân.
Ngày 11.1.2010, UBND Huyện Bố Trạch đã gởi công văn số 08 CV/UBND cho Linh mục Nguyễn Văn Hữu báo cho biết số tiền chi cho việc phá tượng lên đến 1,2 tỷ đồng, nhưng Ủy Ban chỉ đòi trả Linh mục phải trả 1/5 số chi phí, cụ thể là số tiền 276 triệu đồng.
2.- Vụ Thánh Giá ở Đồng Chiêm
Theo báo Hà Nội Mới của Nhà Nước ngày 7.1.2010, từ ngày 1 đến 4.3.2009, ông Nguyễn Văn Hữu, linh mục chính xứ Đồng Chiêm và linh mục Nguyễn Văn Liên, phó xứ đã chỉ đạo Ban Hành Giáo mua nguyên vật liệu, xây dựng trái phép cây thánh giá bằng bê tông, cốt thép trên đỉnh núi Chẽ. Hành vi xây dựng cây thánh giá trên đất công do UBND xã An Phú quản lý đã vi phạm Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Ngày 11.3.2009, UBND xã An Phú đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Ban Hành giáo và một số giáo dân thôn Đồng Chiêm.
Ngày 27.11.2009, UBND huyện Mỹ Đức ra Thông báo số 143 gửi linh mục Nguyễn Văn Hữu, Ban Hành giáo xứ Đồng Chiêm, yêu cầu phải tự tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 4.12.2009, sau đó gia hạn đến ngày 7.12.2009. Tuy nhiên, linh mục Hữu và Ban Hành giáo xứ Đồng Chiêm không thi hành.
Sáu giờ sáng ngày 6.1.2010, chính quyền xã An Phú và thôn Đồng Chiêm đã huy động công nhân đến phá bỏ cây Thánh Giá nói trên.
Theo thông cáo ngày 7.1.2010 của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Núi Thờ còn gọi là Núi Chẽ nằm cạnh nhà thờ Đồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Đồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay. Đây là nơi giáo xứ chôn cất các trẻ em sơ sinh và những người vô gia cư trong những năm 1945-1946. Ngày nay giáo xứ vẫn cho một số người thuê đất canh tác ở núi này.
Thông cáo cho biết thêm: Vào lúc 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 2010, các lực lượng vũ trang chính quyền vào khoảng 600 cho đến 1.000 người gồm dân quân tự vệ, công an, và cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay đã phong tỏa các giáo xứ Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm, chặn lại tất cả các lối đi và khu vực Núi Thờ. Họ bắt đầu triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên núi này.
Thông cáo ngày 20.1.2010 của Tòa TGM Hà Nội cho biết: “Sau khi đã triệt hạ và đập phá Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ rạng sáng ngày 6/1/2010, chính quyền địa phương tiếp tục khủng bố tinh thần giáo dân Đồng Chiêm bằng cách dùng loa phóng thanh công suất lớn liên tục phát đi những bài lên án, lăng mạ và vu khống cha xứ, cha phó và giáo dân Đồng Chiêm, đồng thời huy động hàng trăm cảnh sát cơ động, lực lượng vũ trang và công an chìm phong tỏa và ngăn chặn mọi lối vào giáo xứ Đồng Chiêm”.
TỪ MỸ ĐẾN VIỆT NAM
Cây Thánh Giá ở Mỹ được Hội Cựu Chiến Binh Ngoại Quốc Mỹ dựng lên trong Khu Bảo Tồn Quốc Gia Mojave ở California năm 1934, tức dựng lên trên công sản quốc gia. Áp dụng điều khoản “Establissment Clause” trong Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ, một Tòa Án Liên Bang Quận Hạt tại California đã ra lệnh dời cây Thánh Giá khỏi khu công viên nói trên.
Đi tìm giải pháp bảo vệ cây Thánh Giá, trong thời gian kháng cáo, năm 2002 Quốc Hội đã công nhận cây Thánh Giá là một đài tưởng niệm quốc gia, và năm 2003 Quốc Hội đã ra lệnh cho Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ (Department of the Interior) phải chuyển giao một mẫu tây đất trong đó có Cây Thánh Giá cho Hội Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Ngoại Quốc. Như vậy, cây Thánh Giá không còn bị coi là ở trên đất công nữa.
Dưới thời VNCH, năm 1972 chính phủ đã cấp phần đầt tại mũi Nghinh Phong (Ô Quắn) dưới chân núi Nhỏ (núi Tao Phùng) ở Vũng Tàu cho Công Giáo xây dựng một tượng đài Chúa Kitô Vua. Nhưng năm 1973, việc xây dựng này đã bị ngưng lại vì có sự phản kháng của Phật Giáo, cho rằng khu đất đó đã thuộc về họ từ lâu. Chính phủ lại phải dàn xết và áp dụng một giải pháp dung hoà. Một bản thỏa hiệp được ký kết và ngày 16.2.1974, quy định rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ xây dựng các công trình tôn giáo trên ngọn núi Tao Phùng với diện tích là 10 mẫu và để lại mũi Nghinh Phong cho Giáo Hội Phật Giáo. Công trình xây cất tượng đài Chúa Kitô Vua đến 30.4.1975 thì bị gián đoạn. Sau nhiều cuộc vận động, đến năm 1992 chính quyền mới cho phép sửa chửa và hoàn tất công trình xây dựng tượng đài và đến ngày 1.12.1994 công trình mới được hoàn thành.
Đường đi lên tượng đài dài trên 500m, rộng từ 5-10m với gần 800 bậc thang tính từ đường Hạ Long lên đến chân tượng. Chiều cao của Tượng là 32m, hai tay giang dài 18,40m, mỗi bàn tay dài 2,20m, ngón giữa dài 1,10m, trong lòng tượng có 133 bậc thang và có thể chứa khoảng 100 du khách. Hiện nay, tượng đài Chúa Kitô Vua ở núi Tao Phùng được xem là một trong những tượng đài về Chúa Kitô lớn nhất thế giới.
Hai trường hợp nói trên cho chúng ta thấy khi có tranh chấp giữa tôn giáo và chính quyền, có thể vận dụng pháp lý hay thương lượng để giải quyết.
Khi các cuộc thương lượng không còn giải quyết được, phải giao cho cơ quan tư pháp xét xử. Tòa sẽ nghe hai bên trình bày mới đưa ra quyết định. Cơ quan công lực chỉ thi hành quyết định của toà. Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan công quyền vừa tự quyết định vừa thi hành quyết định của mình.
Nhưng nhiều người cho rằng ở Việt Nam có kiện cũng vô ích và thêm tốn tiền. Tòa án xét theo quyết định của Tỉnh Ủy, Thành Ủy hay Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, nên có kiện cũng sẽ thua.
TÌM MỘT GIẢI PHÁP
Các biến cố xẩy ra ở Bàu Quyên và Đồng Chiêm đã không được tiến hành và giải quyết một cách tốt đẹp vì thiếu sự lãnh đạo.
Điều 375 Bộ Giáo Luật quy định:
“Các Giám Mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông Đồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị.”
Nhưng kể từ ngày xẩy ra vụ Thái Hà, một số giáo sĩ và giáo dân đấu tranh muốn “chính trị hóa” và “trần thế hóa” Giáo Hội, đã thúc buộc các Giám Mục và HĐGMVN phải “tham chiến” để phục vụ cho những mục tiêu phiêu lưu của họ. Trong khi đó ĐGH Benedict XVI khẳng định: “Giáo Hội chỉ sử dụng những phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (GS 76). Khi HĐGM và Tòa Thánh Vatican không chấp nhận con đường phiêu lưu mà họ đang theo đuổi, những thành phần này đã bắt chước mô thức của Công An CSVN, thành lập “Đoàn Quân Du Đảng Truyền Thông” và dùng phương thức “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” của Karl Mark để đánh phá, bất chấp đạo lý. Tòa Thánh đã có biện pháp để ổn định tình hình.
Tuy nhiên, muốn đem lại kết quả tốt đẹp như trường hợp vụ Thánh Giá ở Khu Bảo Tồn Quốc Gia Mojave, California, và vụ tượng Đức Kitô Vua ở Vũng Tàu, cần hành động có phương pháp. Mỗi giáo phận nên thành lập Hội Đồng Tư Vấn để hướng dẫn trong những trường hợp xẩy ra các vụ tranh chấp giữa các tổ chức của Giáo Hội và chính quyền. Hội Đồng này nên bao gồm giáo sĩ, nhân sĩ và luật sư. Khi xẩy ra một vụ tranh chấp, tổ chức liên hệ phải tham khảo ý kiến của Hội Đồng trước khi hành động. Hội Đồng sẽ xét nguyên nhân đưa tới tranh chấp, khía cạnh pháp lý, đường lối của Giáo Hội, phương pháp hành động, v.v., trước khi đưa ra khuyến cáo.
Chúng tôi hy vọng phương thức này có thể đem lại những kết quả tốt đẹp hơn, tránh được các tổ chức trong Giáo Hội tự động gây chiến và khi không thắng được đối phương lại đòi buộc các Giám Mục, HĐGM và Tòa Thánh phải “tham chiến”, làm phát sinh ra những rối loạn trong Giáo Hội.
Quan trọng hơn cả, Giám Mục giáo phận phải điều khiển giáo phận theo Giáo Luật.
Điều 391 của Bộ Giáo Luật quy định rằng các Giám Mục cai quản Giáo Hội địa phương đã được ủy thác với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc luật định.
Điều 392 của Bộ Giáo Luật nói rằng vì “Giám Mục có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Giáo Hội phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và vì thế phải thối thúc việc tuân hành tất cả mọi luật lệ của Giáo Hội.”
Do đó, các Giám Mục phải lãnh đạo giáo phận chứ không để cho các phần tử quá khích lãnh đạo Giám Mục hay Giám Mục chạy theo quần chúng.