Lê Thương, 4-2012

“Anh yêu,

Đêm đã về khuya mà em vẫn còn ngồi bên mâm cơm cúng anh ban chiều giờ nầy đã lạnh ngắt. Anh ơi, đêm khuya vắng lặng và hoang vu vô cùng. Ước gì giờ nầy có anh bên em nhỉ, dù chỉ là một bóng ma để em nhìn lại nụ cười kiêu hãnh trên môi anh cho vơi đi những ngày nhớ thương.

Anh, sau ngày anh chết trong trại tù cải tạo, người ta không cho em biết đích xác ngày chết của anh và người ta cũng không nhớ đã vùi dập thân xác anh nơi nào để chỉ cho em đem về chôn cất nên em chọn ngày 30-4, ngày đau thương của đất nước để làm

“Ngày Giỗ Chồng”.

Anh còn nhớ tấm ảnh anh chụp ngày ra trường không? Bộ quân phục ủi hồ thẳng nếp trông anh thật là oai. Sau ngày anh chết, em chọn tấm ảnh đó lồng khung kính để thờ nhưng chỉ được hai tuần lễ thì công an đến nhà đập nát khung hình và xe tấm ảnh anh ra từng mảnh. Họ còn bắt em lên trình diện trụ sở để nghe họ giáo dục. Theo sự giáo dục của họ thì các anh là những người bán nước, mang nợ máu với đồng bào không xứng đáng được nhân dân thờ phượng. Chắc anh cũng biết em đau đớn đến ngần nào trước những lời sỉ nhục của họ đối với linh hồn anh và các chiến hữu, đồng đội của anh.

Đó chỉ là một trong vô số những điều phi lý mà em và đồng bào Miền Nam phải giả lơ cho qua những ngày đen tối của đất nươc. Vì vậy bàn thờ của anh bây giờ đơn sơ lắm. Chi có một tấm hình nhỏ xíu chụp lúc anh đứng ở khuôn viên Đại Họa Sư Phạm Sài Gòn khi anh đang theo hoc ở đó và một cái lọ đổ đầy cát để cắm nhang. Anh hiện diện trong nhà rất khiêm nhường nhưng hình bóng anh tỏa khắp trong nhà, ngoài ngõ. Em tin tưởng linh hồn anh vẫn quấn quít bên em để an ủi, để vỗ về và để nuôi nấng trong em ngọn lửa ấm áp của tình yêu chúng ta.

Trong bóng đêm dưới ngọn đèn dầu leo lét, em lật từng trang thư ngày cũ... những trang thư phải xé dọc, xé ngang bỏ hết những địa danh anh đã từng tham chiến, bỏ hết những từ ngữ nhà binh để chỉ còn thuần là xấp thư tình của hai kẻ yêu nhau hầu tránh những sự soi mói của những kẻ cầm quyền để mà còn giữ được cho đến bây giờ. Gia tài của em đó! Em hằng gối đầu, nâng niu mở ra đọc mỗi lần thương nhớ anh.

Anh đã không phụ lòng người mẹ hiền gạt nước mắt trao đứa con vừa khôn lớn cho đất nước. Anh cũng không phụ lòng mái trường Võ Bị đã đào tạo anh trở thành người trai thời chiến, anh cũng không phụ lòng những đồng đội, chiến hữu của anh và anh cũng không phụ lòng đồng bào Miền Nam trao cho anh trách nhiệm ngăn chận, chống giữ làn sóng đỏ xâm lăng từ Miền Bắc cho nên cuối cùng chịu chung số phận lao tù cộng sản. Và anh đã chết trong lao tù cộng sản, chết một cách âm thầm, tức tưởi, không mồ mả. Nhưng hề gì, đã có hồn thiêng sông núi ấp ủ ru anh, phải không anh?

Làm sao em quên được những chuyến viếng thăm anh ở quân trường. Gặp anh với cái đầu hớt cao nhẵn bóng, gương mặt sạm nắng, thân hình đen đúa chẳng giống ai. Nhìn anh, vừa hãnh diện vừa thương anh để rồi mỗi cuối tuần em phải xách, phải mang, phải vác đi thăm nuôi và để biết những cơ cực đầu tiên khi có người yêu là lính. Sau đó, anh ra trường và ra đơn vị em lại lần mò đi thăm anh. Từ những địa danh lạ hoắc, xa lắc xa lơ đến những tiền đồn heo hút đều không cản được đôi chân nhỏ bé của em. Tự điển trong tim em đã ghi thêm những từ ngữ nhà binh dễ thương, dễ nhớ. Em đã thuộc địa lý nhiều hơn mỗi khi anh lê bước chân chiến binh đến những địa danh mới và đêm đêm chùn lòng lo sợ cho anh khi những tiếng pháo kích nổ vang rền, hỏa châu sáng rực bầu trời, tiếng đại bác vọng về xa xa. Đời linh dãi dầu sương gió với những bữa cơm ăn không được no, đêm ngủ không trọn vẹn, tình đồng đội gắn bó. Em đã tập quen dần những khổ cực, vui buồn của các anh. Đêm đêm, không chỉ riêng em mà hầu hết những bà mẹ già, những người vợ, người yêu của lính âm thầm khấn vái cho các anh được bình an và cầu nguyện cho lòai quỷ đỏ phương Bắc hồi tâm từ bỏ tham vọng thôn tính Miền Nam để cho đất nước được thanh bình. Chỉ tội nghiệp cho thế hệ của chúng mình sinh ra trong thời chiến, lớn lên chưa vui trọn niềm vui đã phải đối diện với bom đạn, chết chóc

và lòng lúc nào cũng lo lắng không yên.

Em nhớ đến ngày cưới của hai đứa mình, một mình em lo toan mọi thứ từ cái thiệp mời, đến cái áo cưới. Đã thế cận ngày mà chưa thấy anh về, em rất giận anh, nhiều lúc thấy tủi thân. Nhưng kịp nghĩ lại những gian khổ của các anh, đến những giấc ngủ không tròn, đến những bữa ăn vội vã với cơm sấy, mì Quân Tiếp Vụ, thiếu thốn đủ mọi thứ em lại trách em quà ích kỷ, hẹp hòi. Sau đám cưới bốn ngày anh lại vác ba-lô lên đường để lại mình em chiếc bóng. Rồi con ra đời anh vẫn biền biệt, ngày phép càng lúc càng vắng vì chiến cuộc đang leo thang. Em ngày ngày bồng con tựa cửa trông chồng mà lòng héo hắt liên tưởng đến Hòn Vọng Phu và chia xẻ nỗi lòng với người chinh phụ

trong Chinh Phụ Ngâm. Má bảo anh gàn, không chịu để cho má chạy chọt lo lót hầu khỏi phải đi lính hoặc được làm việc ở văn phòng gần nhà mà lại thản nhiên nhận lệnh thuyên chuyển đi xa. Nhưng em hiểu anh lắm, em vẫn biết anh cũng thèm thuồng được ôm ấp đứa con yêu, thèm cái không khí hạnh phúc gia đình bên vợ con và thèm cái thảnh thơi của lính văn phòng, của dân thành phố nhưng anh đã không làm vậy vì đất nước chưa yên.

Chiến tranh vẫn tiếp diễn, em vẫn ôm con mòn mỏi đợi chờ. Cho đến một ngày em ẵm con lên đơn vị thăm anh. Anh sững sờ vài giây, rồi ào tới ôm con mắt rướm lệ sung sướng vì đã được làm cha. Sau giây phút vui mừng đó, em thoáng thấy trong đôi mắt anh vẻ lo âu bởi vì nơi anh đóng quân bất an và em nghe anh cất tiếng thở dài nhè nhẹ. Em không đành lòng chút nào vì nếu số phải chết, em cầu nguyện cho chúng mình cùng chết bên nhau chứ đừng xui khiến cảnh kẻ ở người đi. Ở trại gia binh hàng ngày dù thiếu thốn không yen ổn nhưng mẹ con em vẫn vui hơn khi được gần gũi anh và chia xẻ với anh những khổ cực, lo âu. Nhiều đêm đang ngủ phải giật mình ẵm con chạy vội xuống giao thông hào tránh pháo kích. Trong cái lặng thinh của đêm vắng, tiếng đạn pháo kích xé gió vun vút trên đầu nghe thật hãi hùng, tiếp theo là những tiếng nổ kinh hồn. Đất, cát, sỏi, đá, mảnh vụn rơi lào xào trên mái tôn trai gia binh lẫn với tiếng người la khóc,

ánh lửa chập chờn... Máu đổ, nước mắt rơi, vành khăn trắng trên thân hình tiều tụy, người thiếu phụ lảo đảo ngã quị bên nấm mồ chưa đắp. Ai đó anh? Một đồng đội vừa mới ngã xuống đêm qua đã làm anh nghiến răng đau đớn. Lo sợ, anh lại xua đuổi mẹ con em về thành phố...

Rồi lịch sử đưa đất nước đến ngày bất hạnh 30-4, Miền Nam bi bức tử! Nhìn các anh vất áo, vất súng chạy thoát thân, mắt dáo dác không dám nhìn người chung quanh, em cơ hồ thấy tim mình vỡ tan từng mảnh. Lại còn xót xa hơn khi thấy quân trang, vũ khí của các anh vứt bỏ đầy đường, đầy phố. Em là người vợ lính còn thấy đau đớn như vậy không biết những người lính như các anh chua xót đấn chừng nào. Em bất lực đứng nhìn những người “chiến thắng” trong những bộ đồ rộng thùng thình, thô kệch, nón cối, dép râu chà đạp lên lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ, lá cờ thân yêu của chúng ta mà ngày nào

các anh đã oai hùng cắm trên cổ thành Quảng Trị làm cho những ngươì ở hậu phương rưng rưng xúc động.

Lệnh trình diện học tập cải tạo được ban ra, các anh lại khăn gói lên đường để đi vào cảnh tù tội. Nỗi lòng của kẻ vào tù não nề bao nhiêu thì nỗi lòng của những người mẹ già, người vợ, người con của lính còn ở lại cũng xót xa bấy nhiêu. Sau ngày anh chết trong tù, có lần em đi ngang qua một trại cải tạo gặp một đoàn tù đang bị dẫn đi lao động. Họ tàn tạ, thiểu não, lê thê, lếch thếch đi hết muốn nổi. Thân hình họ ốm yếu, gương mặt họ xanh xao, hốc hác, áo quần tả tơi vì thiếu ăn, thiếu mặc và bị đọa đày nhưng đôi mắt họ sáng long lanh như những vì sao biểu lộ sự can trường, bất khuất của họ. Họ là những đồng đội, chiến hữu của anh, những người hùng ngã ngựa đang bị đọa đày đó. Nhìn họ, em chợt nghĩ đến anh, thương anh. Em như muốn nhào ra ôm chầm lấy họ mà gào thét lớn rằng: “Các anh ơi! Tôi yêu thương tất cả các anh trọn đời như tôi yêu thương chính chồng tôi vậy” Rồi em khóc. Và bây giờ em lại khóc. Khóc cho người đã chết và khóc cho những người đang quằn quại chờ chết!

Đêm đã gần tàn mà em vẫn còn thao thức không sao ngủ được. Giờ nầy trên đất nước điêu linh không chỉ riêng em không ngủ được mà còn hằng triệu triệu người con dân Việt cũng đang thao thức, uất hận, khóc thầm cho số phận của quê hương. Sau ngày 30-4 người dân chỉ biết nhìn nhau qua ánh mắt u buồn, qua nụ cười xót xa, cay đắng. Nụ cười đã tắt hẳn trên môi của người dân, nếu có thì chỉ “Cười là những tiếng khóc khô không lệ”thôi anh ạ.

Nước Việt Nam mình ngày nay, những kẻ cầm quyền thì độc tài, tham nhũng, kềm kẹp, đàn áp, bắt bớ, giam cầm, hà khắc,bất công, bóc lột. Còn người dân thì bầm dập, tả tơi, lầm than, đói khổ, bất mãn, uất hận, căm hờn. Đó là những từ ngữ chính xác nhất để mô tả Việt Nam ta ngày nay, đất nước mà anh và các chiến hữu của anh đã xông pha gìn giữ.

Anh yêu, trời đã gần sáng. Thôi em xin vĩnh biệt anh! Em mãi mãi yêu anh và mãi mãi yêu những đồng đội, chiến hữu của anh, những người lính Việt Nam Cộng Hòa mà sự chiến đấu can trường, anh dũng của họ đã làm nóng cháy từng trang Quân Sử của Miền Nam!”.

 

 

Lê Thương

Quốc Hận 30-4

Richmond - Virginia