Ký Còm, đăng trong mục Thiên Hạ Sự của nhật báo Thời Báo số 5769, phát hành ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật 10, 11 tháng 3 năm 2012 tại San Jose.

Ký Còm, Mục Thiên Hạ sư hôm nay xin đăng tải một bài phỏng vấn có liên quan đến chuyện người, ngợm tại xã ta, một phần cũng là để lấp vào chỗ trống của bài phỏng vấn “Ông Lộc Là Ai?”, vì có vài câu hỏi cần có tí thì giờ để cho ông suy nghĩ kỹ. Vậy thì mời quí độc giả xem tạm bài Phỏng Vấn: Nhà văn Nhật Tiến: “60 Năm Cầm Bút, Vui Ít, Buồn Nhiều...” by Đinh Thái

March 8, 2012 Nhật Tiến là một tên tuổi lớn trong làng văn. Ông cầm bút từ lúc còn là một học sinh trung học ở Hà Nội, tiếp tục viết khi vào Nam sau 1954, và vẫn in tác phẩm khi ra hải ngoại. Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch, viết cho tuổi thơ và đã xuất bản trên 20 tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Chim Hót Trong Lồng, Giấc Ngủ Chập Chờn... Một số truyện ngắn của ông cũng đã được dịch ra Anh hay Pháp ngữ. Ở vào tuổi ngoài 70, ông vẫn tiếp tục nghiệp chữ nghĩa và lại vừa hoàn tất hai cuốn Hành Trình Chữ Nghĩa và Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác Dưới Mái Nhà Trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhân dịp này, ông dành Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt cuộc trò chuyện văn học sau đây.

- Người Việt: Nhìn lại những bến bờ chữ nghĩa trên nửa thế kỷ cầm bút, ông cảm nhận như thế nào?

- Nhật Tiến: Cũng chẳng khác chi “vạn nẻo đời thường,” những “bến bờ chữ nghĩa” trong tâm khảm của tôi cũng ghi nhiều dấu ấn lắm lúc chẳng hay ho gì: vui ít, buồn nhiều, ngọt ngào cũng có, nhưng cay đắng thì luôn ngự trị trong đầu. Rồi tham vọng thì lớn, mà thực hiện thì chẳng được bao nhiêu. Ấy vậy mà sau một chặng đường dài dễ có đến 60 năm, tôi lại cũng vẫn không muốn thoát ra để rồi vẫn cứ còn bị vướng mắc bởi những dằn vặt của chữ nghĩa.

- Người Việt: Từ lúc còn là học trò, ông đã có bài đăng trên báo chí ở Hà Nội, bước đầu viết văn của ông ra sao?

- Nhật Tiến: Từ hồi còn học lớp Nhất ở trường Hàng Vôi Hà Nội, tôi đã có lòng yêu mến văn chương chữ nghĩa. Có thể nói, ngay từ hồi đó tôi đã đọc rất nhiều đặc biệt là những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến như Lê Văn Trương, Khái Hưng, Nhất Linh, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trương Tửu, v.v... Có lẽ rồi từ đó đã khiến cho tôi nẩy ra cái ý thích viết văn và bắt đầu sinh hoạt trong các bút nhóm học trò. Một thời gian sau thì tôi có truyện ngắn đầu tiên được in năm 1952 trên tờ Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình xuất bản ở Hà Nội.

- Người Việt: Những bạn văn cùng thủa thiếu thời của ông, còn bao nhiêu người tiếp tục cầm bút?

- Nhật Tiến: Sau 1954, bọn học sinh chúng tôi nhiều người cũng di cư vào Nam và phải nói rằng chính ở miền Nam sau này mới là nơi khiến cho những tinh hoa văn nghệ tiềm ẩn từ thuở còn cắp sách ở trong họ được đơm hoa kết trái. Tôi có thể kể: Thế Phong, Huy Sơn, Nguyễn Ðình Toàn, Dương Vy Long, Song Hồ, Vũ Mai Anh, Hùng Phong Nguyễn Ðức Cầu...- Người Việt: Riêng cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn, ông cho thấy thân phận bèo bọt của người dân trong chiến tranh, trong khi chế độ Hà Nội lên án cuốn này là “cực kỳ phản động”; xin nghe ý kiến của ông?- Nhật Tiến: Cuốn này tôi viết về đời sống của dân chúng tại một vùng xôi đậu, tức là một vùng không do quốc gia hay Việt cộng kiểm soát hoàn toàn. Vì thế, nhiều hoạt cảnh ở phía sau cuộc chiến được phơi bầy mà qua đó nêu lên được đời sống khắc nghiệt và thân phận đớn đau của dân chúng miền quê ở những vùng đang chìm trong khói lửa. Chính điều này đã làm lộ rõ cái chiêu bài bịp bợm, giả trá về “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là do quần chúng miền Nam nổi dậy chống ách xâm lược Mỹ” mà Bắc Việt vẫn rêu rao trên chính trường quốc tế. Và đây là lý do đã khiến cho cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn bị phê phán rất nặng sau khi cộng sản tiến chiếm Sài Gòn.

- Người Việt: Khi ông còn trong nước sau năm 75 thì hải ngoại có vài bài viết nói rằng nhà văn Nhật Tiến “đeo băng đỏ, dẫn công an đi bắt những người cầm bút miền Nam”; sự thật của vấn đề này là thế nào, thưa ông?

- Nhật Tiến: Ðây là một sự bịa đặt trắng trợn của một ngòi bút tự nhận mình là nhà văn, mang bút hiệu Nguyễn Thiếu Nhẫn và tôi rất lấy làm tiếc là nó lại được đăng trên một tờ báo của một nhà thơ rất có uy tín và vốn cũng là chỗ tôi được hân hạnh quen biết cả hai vợ chồng. Ðó là tờ Saigon Times xuất bản ở Los Angeles của nhà thơ Thái Tú Hạp. Vào thời điểm 1995 khi chuyện bịa đặt ấy xảy ra, nhiều văn nghệ sĩ còn đang nằm trong tù, tôi làm sao mà cãi được? Nhưng đến nay, 2012 tức hơn 20 năm qua rồi, các nhà văn, nhà thơ đi tù đã được thả hết và nhiều người đã ra sinh sống ở hải ngoại. Từ bấy đến nay có ai lên tiếng tố cáo là tôi “đeo băng đỏ, dẫn công an nhân dân đi bắt văn nghệ sĩ” đâu! Ngoài ra nếu cần thì ai cũng có thể gọi phone đến hỏi từng người đã ra tù để tìm hiểu, tuy sẽ chẳng có ai xác nhận điều đó đâu. Lý do dễ hiểu là chuyện đó đã hoàn toàn được bịa đặt bởi một người mà tôi nghĩ là chưa có đủ tư cách để cầm bút.

- Người Việt: Sau khi ông vượt thoái khỏi Việt Nam rồi đến Mỹ định cư, một bài báo Việt ngữ viết rằng, ông quay về Việt Nam mang theo cả chục ngàn đô-la để hợp tác xuất bản sách trong nước, nhưng rốt cuộc sách không có, tiền thì mất tăm; xin nghe ý kiến của ông về bài báo này?

- Nhật Tiến: Ðây là lý do mà khi trả lời câu hỏi ở trên tôi đã nói rằng khi nhìn những “bến bờ chữ nghĩa” trong tâm khảm của tôi cũng ghi nhiều dấu ấn lắm lúc chẳng hay ho gì. Ở hải ngoại, tự do tuy là quý nhưng nó đã bị lạm dụng đến độ quái gở. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tờ Làng Văn ở Canada đã loan tin rằng tôi quyên góp 18.000 đô-la của văn nghệ sĩ ở hải ngoại, đem về nộp cho ông Hoàng Lại Giang của nhà xuất bản Văn Học ở Sài Gòn để xin in một tuyển tập văn chương hải ngoại mà bài vở của tuyển tập này, tôi cũng đem cắt xén, kiểm duyệt bớt để làm vừa lòng chính quyền cộng sản. Rồi cũng vẫn theo Nguyễn Hữu Nghĩa thì tuyển tập đã không ra mắt, mà tiền cũng mất tăm luôn! Sự thực là: Việc thực hiện tuyển tập này do họa sĩ Khánh Trường chủ trương. Ông thu thập bài vở của 35 văn nghệ sĩ ở hải ngoại để sẽ in một tuyển tập văn chương (với điều kiện là chính tác giả tự lựa chọn bài của mình và nhà xuất bản không được sửa một chữ nào khi in). Ấn phí là 2.000 đô-la quyên góp được của bạn bè, thân hữu, gửi về Việt Nam chờ khi in thì mới xuất ngân. Nhưng về sau, vì đám bảo thủ trong nước cấm cản sao đó, sách không ra được, nên tiền lại đã gửi ra cho họa sĩ Khánh Trường để ông hoàn trả các nơi đã quyên góp. Nhà văn Hoàng Lại Giang, giám đốc nhà xuất bản Văn Học ở phía Nam trong thực tế chưa cầm một xu teng nào, trái hẳn với câu chuyện dựng đứng của Nguyễn Hữu Nghĩa.

- Người Việt: Ông có nghĩ văn chương là một cái “nghiệp” hay không?

- Nhật Tiến: Dĩ nhiên rồi. Sau nhiều hệ lụy với văn chương, chữ nghĩa, tôi thán phục thi hào Nguyễn Du khi ông viết: Ðã mang lấy nghiệp vào than Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa...

- Người Việt: Ông có tâm sự nào muốn nói thêm với độc giả Người Việt?

- Nhật Tiến: Trong số bạn đọc nhật báo Người Việt, tôi đoán là cũng có một số vị từng là độc giả của tôi. Tôi chỉ xin gửi gắm vài lời rằng, trong 60 năm cầm bút, tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về những gì mình đã viết ra và tôi sẽ vẫn tiếp tục không làm phụ lòng những độc giả đã yêu mến, đã theo dõi hay đã âm thầm cảm thông với tôi trong nhiều vấn đề liên quan tới đất nước.

- Người Việt: Cám ơn nhà văn Nhật Tiến dành thì giờ cho chúng tôi.***

Ký Còm chỉ xin bàn tí chi tiết của về vài câu trả lời của nhà văn Nhật Tiến, trong đó có nhắc đến tên nhà văn nổi tiếng lâu năm tại xã ta là ông Nguyễn Thiếu Nhẫn. Sau khi xem qua nội dung bài phỏng vấn của Ðinh Thái được đăng trên báo Người Việt dưới Nam Cali, ông Nhẫn có viết một bài dài lòng thòng gọi là “Trả Lời Nhà Văn Nhật Tiến.”

Câu hỏi của báo Người Việt: Khi ông còn trong nước sau năm 1975 thì hải ngoại có bài viết nói rằng nhà văn Nhật Tiến “đeo băng đỏ, dẫn công an đi bắt những người cầm bút miền Nam”; sự thật của vấn đề này là thế nào thưa ông?”

Nhà văn Nhật Tiến, như bạn đọc đã đọc qua phần trên, có nhắc đến bài báo của nhà văn Nhẫn và cho rằng “...chuyện đó đã hoàn toàn được bịa đặt bởi một người mà tôi nghĩ chưa có đủ tư cách để cầm bút.”

Trong bài “Trả Lời Nhà Văn Nhật Tiến,” Ký Còm và, chắc cả bạn đọc cũng phải nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn sẽ trả lời dứt khoát rằng chuyện ông viết về ông Nhật Tiến là có thật một chăm phần chăm, hoặc cũng có thể nhà văn Nhẫn cũng nêu ra được nhân chứng sống hoặc đã ngỏm củ tỏi nói với ông ta, nhưng sau ba bốn hồi quanh co, lòng vòng, lúc cương lúc nhu rồi nhà văn Nhẫn mới cường điệu tung ra sự thật, đại khái:

“...Theo tin tức báo chí được viết ra từ nước ngoài thì, sau 30 tháng Tư năm 1975, nhà văn này đã đeo băng đỏ, hướng dẫn ‘công an nhân dân’ đi bắt văn nghệ sĩ... phản động để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng. Rốt cuộc chẳng được trả công. Buồn tình bèn dẫn vợ con vượt biển Ðông”... (Ký Còm xin cắt đi một phần tiết lột sự thật của nhà văn Nhẫn để lấy hên). Trả lời như thế thì trả lời làm gì?

Vấn đề là, nếu đã “hoàn toàn được bịa đặt,” nay - sự thật đích thị là không phải như thế, “người có đủ tư cách,” (nếu lúc “bịa đặt” chưa đủ thì bây giờ là lúc cố mà làm cho nó đủ), ông nhà văn Nhẫn chỉ cần nhỏ nhẹ nói với ông Nhật Tiến một lời xin lỗi! Lại còn có quyền văng tục “Bố tiên sư cái nhà thằng ‘Báo chí từ nước ngoài’ nó bịa đặt chuyện giữa lúc bố đăng hăng hái chống cộng, vớ được là bố phang ngay! Ðang bất xứng, biết lỗi và xin, chẳng còn ai cố chấp, khinh thường, ta lại trở thành... xứng đáng mấy hồi!”

Tuy nhiên, theo suy nghĩ riêng của Ký Còm thôi nhá. Nhà văn Nhật Tiến cũng chẳng nên bận tâm nhiều về chuyện bịa đặt của nhà văn Nhẫn làm gì. Chuyện đã xảy ra đến mấy chịch niên, cho đến nay danh thơm của Nhật Tiến vẫn xứng đáng, anh em nhà văn nhà báo vẫn giữ thái độ tương kính anh. Chấp nhất với ông nhà văn kia làm gì! Ở xã chúng tôi, không biết ông nhà văn nổi tiếng lâu năm này đã bịa đặt chuyện gì khiến cho một vị nữ chủ báo ở đây đã mô tả về cung cách viết lách của ông ta rất ư là kỳ cục! Không kỳ cục mà theo mô tả bóng gió, vị nữ chủ báo này đã cho biết là trước khi viết lách, ông nhà văn của chúng ta thường khéo tay... bôi đồ dơ vào ngòi bút rồi mới ngoáy!

Nói thế cho vui, bởi vì người ta thường nói về những tay viết lách “hoàn toàn bịa đặt” như là “bẻ cong ngòi bút, bôi bẩn vào ngòi bút”... Nhưng Ký Còm rất ngây thơ, bẻ cong với lị bôi bẩn thì còn viết thế chó gì được? Bút cong, bút bẩn hoặc giả như ki bo vòng vẹo, gập ghềnh cũng chẳng thể nào.... hoàn toàn bịa đặt một cách vừa tài tình mà còn thể hiện tinh thần chống cộng chết bỏ như nhà văn quá nhiều tư cách như nhà văn Nhẫn của xã chúng tôi!

KÝ CÒM


 

Thư hỏi thăm ông Nguyễn Thiếu Nhẫn của Thanh Nguyen (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

Friday, March 9, 2012 6:41 AM

Chào ông Nguyễn Thiếu Nhẫn,

Bao nhiêu năm nay cứ thĩnh thoãng tôi lại thấy bài của ông được đưa lên mạng chỉ trích nhà văn Nhật Tiến, nay ông Nhật Tiến đã chính thức lên tiếng thì hình như ông lại quanh co lấy cớ như sau:

1/ Về vấn đề nhà văn Nhật Tiến đeo băng đỏ đi hướng dẫn CA đi bắt Văn Nghệ Sĩ, ông viết: "theo tin tức báo chí được viết ra ở nước ngoài", vì đây là danh dự của một con người, cái hành vi trở cờ đi theo Cách Mạng sau ngày 30-4 nó quá đê hèn, nên ông không thễ viết khơi khơi như thế rồi trùm lên đầu người ta được...vây tôi xin phép hỏi ông, ông đọc được vụ này từ tờ báo nào được viết ra ở nước ngoài vậy, xin ông dẫn chứng cho rõ?

2/ Đây là nguyên văn của ông: sau 30 tháng Tư năm 1975, nhà văn này đã đeo băng đỏ, hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt văn nghệ sĩ… phản động để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng. Rốt cuộc chẳng được trả công. Buồn tình bèn dẫn vợ con vượt biển Đông. Tàu bị cướp Thái Lan. Chuyện tàu bị cướp Thái Lan thì thân phận của những đàn bà, con gái trên tàu ra sao mọi người đã rõ.

Đọc xong đoạn này người đọc sẻ hiễu: úi chà cái cha Nhật Tiến này ác ôn thiệt, sau ngày 30-4 đi theo chầu chực VC cóc được khĩ khô gì, bèn đem vợ con xuống tàu vượt biên,tàu bị cướp Thái Lan,vợ con ổng bị hải tặc đáng đời chứ còn gì nửa.... nhưng nay ông lại chối quanh, viện lý do là vì :Chính vì lòng thương xót đối với những nỗi khổ đau tột cùng của những phụ nữ Việt Nam trên đường vượt biển mà tôi buộc lòng tên tiếng...." ông mới đem những nạn nhân này vào cuộc.....

Ông quả là bậc thầy về viết lách của tuần báo Tiếng Dân, tiếng đồn vang dội thật không sai.

3/ Hôm nay ông lại viết nhà văn Nhật Tiến có tham gia Hội Nhà Văn Yêu Nước của thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng”? Thưa ông, tôi là học trò của thầy Nhật Tiến từ thập niên 60, tôi phải chờ đến gần 20 năm nay mới được thấy thầy lên tiếng về những bài viết đầy ác ý của ông, tôi không muốn chờ nửa, vì thế tôi mới đích thân nhờ ông dẫn chứng cho rõ, hoặc ông đã nghe từ đài nào hay báo nào, về những câu ông viết như sau:

a/ Ông Nhật Tiến có tham gia Hội Nhà Văn Yêu Nước của thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng”?

b/ báo Thanh Niên ở trong nước phỏng vấn để tuyên bố những lời nặng mùi hôn đít bạo quyền là “quê hương đã có nhiều thay đổi, nhất là về kinh tế và chính sách ngoại giao”;

c/ “Vì chính sách đổi mới của nhà nước và nền kinh tế thị trường là phép lạ đưa Việt Nam tiến lên hàng quốc gia cường thịnh trong vòng 10-15 năm.

Đã là nhà văn, chủ nhiệm chủ bút như ông, khi viết ra những gì thì mình phải chịu trách nhiệm mới thật sự xứng đáng là người cầm bút, chứ không thể viết khơi khơi rồi kiếm cách quanh co như: nghe theo tin tức báo chí được viết ra ở nước ngoài thì kỳ quá thưa ông.

Kính,

Thành Công Nguyễn


- Quí độc giả có thể tìm đọc những bài viết khác cùng tác giả trong mục Thư Viện > Ký Còm