*Ký Còm (mục Thiên Hạ Sự của nhật báo Thời Báo số 57__ , phát hành ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật ngày 4, 5 tháng 2 năm 2012 tại San Jose)

Ghi chú: Ký giả Vũ Bình Nghi chủ biên Thời Báo San Jose tiếp tục phần phỏng vấn nhân vật.

Tiếp tục loạt bài hỏi đáp "Vũ Văn Lộc ông là ai?", Ký Còm cũng ghi nhận, sau 2 kỳ báo chúng tôi đã nhận được một vài ý kiến đóng góp từ quí vị độc giả. Một vài vị cho rằng không cần thiết phải tiếp tục loạt bài nếu chỉ nhắm vào mục đích để ông Vũ Văn Lộc làm sáng tỏ những dư luận của một số người vốn giữ chủ tâm chỉ trích cá nhân ông cựu Đại tá, dù ông đã có làm được những việc công ích. Đối với những người này, dù ông Lộc có trình bày sự thật, trình bày thiện chí cách mấy họ vẫn duy trì thái độ cố hữu của họ. Nhưng chúng tôi cũng nhận được ý kiến khác rất thích thú theo dõi loạt bài để biết thêm về ông Lộc và các hoạt động phục vụ cộng đồng trong quá khứ của ông. Thôi thì, nếu ông Lộc còn muốn trả lời thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm sự thật. Cách khác, chúng tôi nhận thấy qua những câu trả lời của ông Lộc tuy vắn gọn, nhưng rất vui vẻ, dí dỏm và lý thú, cũng là một cách tìm hiểu sự thật cùng một lúc với một thoáng giải trí lành mạnh bổ ích. Thưa ông Đại tá, như thế chúng ta có thể tiếp tục được chứ ạ?

Trả lời: Xin cứ tiếp tục. Tôi trả lời đây là trình bày cho anh em thân hữu, không phải chỉ trả lời những dư luận chỉ trích. Người cố tình chống đối thì họ dựng chuyện lên chứ đâu cần bẻ quẹo đi. Chẳng nên quan tâm. Sau này những câu trả lời sẽ đưa vào một cuốn hồi ký, đó là một ý mới vừa nghĩ ra. Xin ông cứ hỏi.

Nếu anh không nói, ai nói? Bây giờ không nói, bao giờ?

Câu hỏi số 18: Sui gia.

Cái vụ sui gia với chóp bu Cộng Sản là Đỗ Mười thì đầu đuôi ra sao?

Trả lời: Đa số anh em ở San Jose đều biết. Hơn mười năm trước con trai tôi lấy vợ bên Việt Nam. Đám hỏi ở Hà Nội và đám cưới ở San Jose. Cũng mời đầy đủ bà con. Cháu tên là Đỗ Bích Liên, cha cháu làm thợ điện, chẳng có chức tước gì cả. Bây giờ thì ông cũng đã mất rồi. Anh chàng nào có được cái thiệp mời thấy tên họ Đỗ. Rồi lại có bà con đăng báo mừng cô dâu họ Đỗ. Bèn tán láo rồi đồn bậy. Dư luận xì xầm trên các mục hỏi đáp báo chí. Nhưng chuyện dần trôi qua vì không có thực nên ai cũng biết là chụp mũ láo.

Mấy tháng trước lại có tin tung chuyện cũ ra và đăng trên Internet nhân dịp tôi giới thiệu cuốn sách thuyền nhân của Carina Hoàng là con trung tá tù cải tạo. Một ông viết bài ký luận đanh thép lên án tôi là giới thiệu tác giả thân Cộng. Và nhắc lại chuyện chúng tôi là sui gia với Đỗ Mười.

Một vị nữ lưu khác tương đối cẩn thận nên liên lạc hỏi tôi trực tiếp. Tôi thẳng thắn trả lời đây là chuyện nhảm. Sau đó ông viết bài đả kích tôi có gửi thư xin lỗi riêng về chuyện sui gia. Thư xin lỗi phổ biến khá rộng rãi. Người hiểu biết thì thông cảm, còn người thù nghịch vô cớ tuy im lặng nhưng vẫn tìm cách khác.

Tôi nghĩ nói thêm một lần nữa là đủ. Không đề cập đến chuyện này nữa. Chẳng có sui gia gì hết.

Câu hỏi 19: Cuốn sách thuyền nhân.

Nhân tiện đề cập đến cuốn sách Boat People mà ông giới thiệu lại bị phản đối. Vậy chuyện này thực hư ra sao?

Trả lời: Tôi được tác giả đem đến cuốn Boat People viết bằng Anh ngữ, tác giả là cô gái Việt hiện sống bên Úc. Xem cuốn sách tôi rất xúc động. Hình ảnh đẹp, nội dung rất khá lại bằng Anh ngữ. Tôi là người xây dựng Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân mà không giới thiệu sách này thì chẳng ra làm sao. Rồi tôi viết bài giới thiệu. Hoàn toàn không biết gì về tác giả. Sau đó, tác giả ra mắt sách tại tòa soạn người Việt và bị đánh phá. Đây thực ra là ân oán hết sức cá nhân từ những phiền phức bên Úc.

Khi giới thiệu tại báo người Việt thì tác giả có mở đầu bằng một số hình ảnh chung về chiến tranh Việt Nam. Bối cảnh đưa đến thảm kịch thuyền nhân. Trong số mấy hình chiến tranh Việt Nam, cô tác giả có đưa ra hình em bé Kim Phúc bị bom. Phe đả kích vốn thù ghét báo Người Việt lại thêm tấm hình phản chiến nên lấy cớ chụp mũ cô là phe thân Cộng. Họ lại tìm thấy tiểu sử tác giả trước đó có về làm cho hãng ngoại quốc tại Việt Nam. Họ cho rằng cô này là Cộng Sản hoặc thân Cộng hoặc là...vân...vân. Rồi họ lại xuyên tạc thêm vào tài liệu của cô này các tấm hình phản chiến khác mà thực sự cô không sử dụng.

Tác giả bị đánh và tôi là người điểm sách bị vạ lây. Sau đó tôi tìm cách liên lạc và mời được cha của cô tại Sacramento là Trung Tá Hoàng Tích Hữu Ái để hỏi chuyện. Tiếp theo tôi viết một bài giãi bầy hoàn cảnh của cha con đều là một gia đình chống Cộng. Nhưng lập luận chống đối lý luận rằng dù cha là nạn nhân Cộng Sản thì con vẫn có thể là tay sai Cộng Sản. Tôi thiển nghĩ rằng nếu phái đoàn Hoa Kỳ cứ lý luận thiển cận như thế thì nhiều vị HO khó lòng mà đem được con cái qua Mỹ.

Cô tác giả Carina Hoàng hiện nay là người hoạt động mạnh mẽ trong cộng đồng Việt tại Úc. Cô vừa được chọn là một trong 100 phụ nữ sắc tộc đóng góp nhiều cho Úc châu thời gian qua.

Trong cộng đồng chúng ta có người chính thức nhận mình là thân Cộng thì lại yên ổn. Còn có người khước từ Cộng Sản, làm vẻ vang cho cộng đồng thì anh em lại hè nhau đẩy qua hàng ngũ bên kia. Chống Cộng kiểu này thì quả thực không hiểu nổi.

Câu hỏi 20: Từ Kháng Chiến đến Việt Tân.

Một trong các vấn nạn của chúng ta là chuyện Kháng Chiến, Việt Tân, Võ Đại Tôn, Trần Văn Bá, Phục Hưng... Trong số các tổ chức này xem chừng Việt Tân bị thù ghét nhất, ông là người bênh vực nên đã bị thù ghét lây. Thật ra, ông có phải kháng chiến ngầm hay là cán bộ Việt Tân trong bóng tối?

Trả lời: Xin trả lời thêm một lần nữa thật rõ ràng. Tôi hết lòng ngưỡng mộ và ủng hộ các phong trào phục quốc. Dù là con đường võ trang ngày xưa hay đấu tranh chính trị hôm nay. Nhưng tôi không phải là đoàn viên của các anh em dưới bất cứ hình thức nào. Trên thực tế tôi chỉ ủng hộ bằng lời nói và chữ viết, chẳng góp công góp của được bao nhiêu.

Hơn mười năm trước tôi đã bị biểu tình chống đối mà lý do rất buồn cười là bị buộc tội chửi bới các vị anh hùng kháng chiến như Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn, v.v...

Lý do điên như thế mà vẫn có người tin để đi biểu tình chống đối. Sự thực là có anh học trò dự thính IRCC vào gặp tôi tâm sự về nguyện vọng phục quốc. Theo đúng tinh thần sách vở của cơ quan thiện nguyện, tôi nói là cháu nên lo học ESL, tìm việc làm rồi sẽ nói kháng chiến phục quốc sau.

Cậu này không hề biết cá nhân tôi đã hết lòng ủng hộ các phong trào phục quốc ra sao. Cậu bèn đi ra ngoài trình bày với một số người chống đối như thế. Rồi chuyện nhỏ xé thành to. Thật vô duyên, chẳng ra làm sao. Đối với phong trào Kháng Chiến tôi có một vài lời tâm sự cần ghi lại như sau:

Thứ nhất: Ngày xưa có người nói khi ủng hộ kháng chiến Hoàng Cơ Minh là tôi bị lừa. Tôi trả lời qua bài viết rằng: “Mỗi ngày tôi đều muốn có người đến lừa tôi về câu chuyện lấy lại non sông.”

Thứ hai: Sau này lúc Việt Tân cũng bị đánh phá. Anh em bảo rằng chúng ta cần sáng suốt, không thể đi theo ủng hộ các phong trào bậy bạ. Đó là tình yêu mù quáng. Tôi cũng trả lời qua bài viết rằng:

Bây giờ tôi đã già rồi không thay đổi được.

Xin đành chịu cảnh mù lòa để giữ lại tình yêu.

Xem ra thì văn chương có vẻ cải lương nhưng đây là tấm lòng thực của tôi. Đối với tôi, Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn và ngay cả các bạn Phục Hưng hiện nay đều là các tay ngon lành cả. Theo tôi nghĩ, phần lớn sự phê phán chống đối bất công đối với các phong trào phục quốc là do tỵ hiềm cá nhân. Xin nói thêm một câu đơn giản thường tình trên cửa miệng mọi người. Mình không làm được thì để người ta làm.

Câu hỏi 21: Con đường tình ái.

Xem ra không khí chính trị có vẻ nặng nề, bây giờ xin hỏi ông về con đường tình ái. Ông có sẵn sàng không?

Trả lời: Xin cứ việc, nhưng thực ra cuộc đời tình ái của tôi không có gì sôi nổi cả. Ông nhà báo có biết cô ca sĩ Mai Hân làm radio không. Một lần cô nói chuyện về đoạn đời đi hát phòng trà. Cô kể chuyện các kép kéo băng đảng đánh nhau vì thần tượng Mai Hân. Cô hỏi tôi là ngày xưa anh có hay đi phòng trà không, có bao giờ ngồi nghe em hát không. Tôi trả lời rằng chẳng hề đi trực phòng trà, vũ trường. Cũng chẳng biết cô là ai.

Mai Hân hạ ngay một câu: Anh này cù lần.

Quả thực trước 75 tôi không quen biết văn nghệ sĩ hay các ca sĩ gì cả. Tất cả chỉ có biết có quân đội. Viết báo thì chỉ liên lạc qua anh chàng tổng thư ký Chính Luận là ký giả Từ Chung.

Ký Còm hỏi tiếp: Nhưng tại San Jose ngày xưa ông bị tố cáo là người tình của Thanh Lan và tuyên bố chúng ta phải có bổn phận lo cho Thanh Lan, vân vân. Chuyện này cần phải được bạch hóa đấy?

Trả lời: Nên lắm. Trước đây tôi chẳng biết cô Thanh Lan và bây giờ cũng chẳng quen. Nhưng tình tiết về vụ này rất đặc biệt. Khi Thanh Lan qua trình diễn tại San Jose thì có dư luận ồn ào chống đối, nói cô này là cán bộ mở đường giao lưu văn nghệ cho Cộng Sản. Ký giả San Jose Mercury là tay chuyên viết về cộng đồng đã hỏi tôi là Thanh Lan có giống như trường hợp ca sĩ Ái Vân không. Tôi trả lời Ái Vân là nghệ sĩ được đào tạo ở miền Bắc rồi qua Đông Đức. Khi tường Bá Linh xập cô qua Tây Đức lập gia đình rồi về định cư ở San Jose. Còn Thanh Lan là ca sĩ miền Nam. Sau 75 chạy không được bị bỏ lại. Báo Mỹ đăng như vậy, những tay xuyên tạc viết rằng tôi bỏ Thanh Lan ở lại, bây giờ ra tay cứu vớt, v.v...

Thêm một anh vẽ chuyện khác lại viết hư cấu rằng ngày 30 tháng 4 tôi bỏ vợ con chở cô ca sĩ tìm đường chạy nhưng không thoát. Tất cả những chuyện láo lếu như thế được loan truyền bậy bạ. Thêm vào đó, đêm cô Thanh Lan trình diễn ở San Jose, ông bạn đạo diễn Hoàng Anh Tuấn làm MC cho bầu Trọn, phần thì cố ý phần thì muốn đùa anh em nên đã có lời kính thưa ông Vũ Văn Lộc. Ông làm như chúng tôi đang ngồi ghế danh dự hàng đầu. Bên ngoài phe ta biểu tình nghe thấy hô đả đảo tôi ầm ĩ. Thật chẳng ra làm sao.

Câu hỏi 22: Thay đổi.

Bây giờ xin hỏi ông về một đề tài rất mới. Sự thay đổi quan niệm chính trị. Có thư của thân hữu viết rằng khi ông đưa thành tích quá khứ ra thì không có gì chứng minh được là tương lai lập trường của ông sẽ không thay đổi?

Trả lời: Quả thực cá nhân tôi vô nghĩa, không phải là nhân vật quan trọng nhưng bị đánh phá thì coi như mình ra phơi nắng nên bị chiếu đèn. Đóng cửa trùm mền thì mới yên. Phải thành thực nói rằng đã có nhiều trường hợp con người thay đổi. Quá khứ thì như vậy, không biết tương lai sẽ làm gì, nghĩ gì. Tuy nhiên nếu không biết tương lai thì phải công bình mà ghi nhận những gì trong quá khứ và hiện tại. Cái lối suy diễn là xây dựng kỳ đài Việt Nam Cộng Hòa để sau này kéo cờ Cộng Sản cho thuận tiện là cái lối suy nghĩ rất trẻ con. Riêng trường hợp của tôi, việc xây dựng Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hòa là một minh chứng cho lập trường tương lai.

Câu hỏi 23: Thi hành chính sách cho Mỹ.

Để bổ túc vào câu hỏi kể trên, có một vị viết rất dài và lý luận có tính cách thuyết phục, phổ biến rộng rãi đã tiên đoán là ông Vũ Văn Lộc chuyển hướng vì làm theo lệnh Mỹ. Ông là giám đốc cơ quan nhận tài trợ của Mỹ, ông đang chuẩn bị thay đổi để có thể làm công tác cho Mỹ giao thiệp với chính quyền Việt Nam vân vân?

Trả lời: Thật sự mà nói, nếu là người có ảo tưởng thì tôi sẽ hân hoan mà chào đón lối suy diễn này. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Cơ quan nhận tài trợ của chính phủ để lo cho di dân tỵ nạn qua các khế ước rất thông thường. Cơ quan IRCC của chúng tôi thực sự thuộc loại hạng bét so với các cơ quan thiện nguyện Hoa Kỳ. IRCC cũng chẳng có sứ mạng chính trị gì cả. Còn riêng tôi, 80 tuổi chỉ còn làm công việc lượm rác để góp lại tái chế thành tác phẩm lịch sử nghệ thuật. Công việc cuối đời là: Đem tro tàn lịch sử, ta xây dựng bảo tàng. Đem quá khứ huy hoàng, gửi tương lai vĩnh cửu. Không thể có chuyện chuẩn bị làm công tác cho Mỹ liên lạc với Hà Nội. Làm gì có chuyện viển vông như vậy. Ông nào suy diễn như thế là đề cao chúng tôi quá.

Xin vui lòng đừng nên bốc nhằng, chúng tôi đã già rồi. Đưa lên cao quá chóng mặt. Giả thuyết gì mà lạ lùng, tôi thay đổi để làm công tác cho Mỹ chuẩn bị nói chuyện với Hà Nội. Cảm ơn cháu nào đã có ý kiến tuyệt vời như thế. Xin vui lòng gửi cho bác chiếc xe lăn có gắn máy phản lực.

XEM TIẾP KỲ SAU: Tiếp tục hỏi thăm sức khỏe: Tướng tá bỏ chạy, tham nhũng trong quân đội, tài cán gì mà làm giám đốc, tác phong khinh người, v.v...

Ký còm


- Quí độc giả có thể tìm đọc những bài viết khác cùng tác giả trong mục Thư Viện > Ký Còm