*Ký Còm (mục Thiên Hạ Sự của nhật báo Thời Báo số 5739 , phát hành ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật ngày 28, 29 tháng 1 năm 2012 tại San Jose)

Ghi chú: Ký giả Vũ Bình Nghi chủ biên Thời Báo San Jose tiếp tục phần phỏng vấn nhân vật.

Phần I đã đưa ra mười câu hỏi. Sau đây là phần II. Ký giả đọc câu hỏi và bình luận. Trả lời: Ông Vũ Văn Lộc nguyên Đại Tá Việt Nam Cộng Hòa tại Bộ Tổng Tham Mưu và hiện là giám đốc cơ quan định cư di dân IRCC tại Bắc California.


Câu hỏi số 11: Liêm sỉ và vô liêm sỉ.

Nhà báo: Xin nhắc lại là chúng tôi sẽ hỏi chuyện tâm tình, dùng các vấn đề và ý kiến của bốn phương để xin ông tùy nghi trả lời.

Mới đây có bà Bác Sĩ Bình, chúng tôi cũng không rõ bà bác sĩ ở đâu,nhưng nghe nói thường có ý kiến rất quyết liệt. Bà gửi email lên trời nói tắt một câu Đại Tá Vũ Văn Lộc là người vô liêm sỉ. Ông nghĩ sao?

Đáp: Tôi cũng chẳng nghĩ sao, còn ông nhà báo, ông nghĩ sao?

Nhà báo nói: Tôi cũng chẳng gặp người liêm sỉ và người vô liêm sỉ bao giờ. Tôi thấy ông đại tá cũng học hành chẳng là bao. Xin đề nghị đăng báo hình của ông ghi là Đại Tá Vô Liêm Sỉ và Thất Học còn đăng hình bà email ghi là Bác Sĩ Trí Thức, Liêm Sỉ.

Ông có đồng ý không?

Trả lời: Tôi không đồng ý, ông nhà báo có ý kiến táo bạo quá. Thách thức với ngôn ngữ như vậy, quá khả năng của tôi. Thôi, xin thua, thông qua đi.

Câu hỏi 12: Học vấn.

Xin trở lại với câu hỏi thông thường về học vấn. Xin ông cho biết thực sự ông học hành đến đâu mà đã có lúc làm giám đốc Trung Tâm Binh Thư Tổng Tham Mưu, rồi giám đốc Pathfinder phối hợp với các chuyên viên của Ngũ Giác Đài?

Trả lời: Tôi làm các chức vụ đó vì hoàn cảnh và cấp bậc. Thực sự may mắn là quân đội không bắt buộc phải có bằng tiến sĩ cho các chức vụ như vậy.

Tôi đã kể lần trước. Sau khi ở Yên Mô về Nam Định tôi học Trường Trung Học Nguyễn Khuyến. Đi thi trung học đệ nhất cấp mới may mắn đậu thi viết. Trượt vấn đáp. Mấy tháng sau thi lại mới đậu vấn đáp. Từ Nam Định lên Hà Nội lang thang bất định cả năm trời. Có bằng trung học dù đậu rất thấp cũng đủ điều kiện bị động viên vào lớp sĩ quan trừ bị nhưng học ở Đà Lạt vì Thủ Đức không đủ chỗ. Khóa chúng tôi giấy khai sinh trừ bị nhưng là con nuôi của Trường Hiện Dịch. Được vào Đà Lạt với tôi là may, bởi vì không đi lính thì cũng chẳng biết làm gì.

Phải hơn mười năm sau tại Sài Gòn có kỳ thi Tú Tài Phổ Thông thay cho cả Tú Tài I và II. Thi theo thể thức ABC khoanh gọi là tú tài IBM 1974. Tôi tự học và thi được hạng thứ, chuẩn bị sau này giải ngũ có thể về dạy học trường làng. Nói thật lòng kiến thức tôi có được phần lớn là nhờ đọc sách. Về bằng cấp thì quả thực không có gì.

Phải chi đủ chữ viết văn bằng Anh ngữ, đoạt giải Nobel Văn Chương thì hy vọng các trường đại học cấp cho bằng hàm tiến sĩ. Đây là giấc mơ trúng số độc đắc.

Câu hỏi 13: Sự nghiệp văn chương.

Nhân dịp nói chuyện văn chương, xin hỏi ông về cuộc đời cầm bút. Có lần thiên hạ chế diễu ông đã tự xưng là nhà văn đã viết 40 năm, như thế là lộng ngôn. Ông có thể nói qua về nghiệp văn của ông không?

Trả lời: Khi còn đi học, tôi rất chịu khó đọc sách báo đủ loại nên các môn khác thì dốt nhưng Việt văn thì rất khá. Ngay từ lúc 17 tuổi tôi đã viết đủ loại truyện ngắn và có một lần gửi vào thi trên báo Sài Gòn được giải nhất của ông Phạm Văn Tươi. Không nhớ là được bao nhiêu tiền với chuyện “Cái Bồng Bênh” nhưng xem chừng cũng đủ sống vài tháng.

Sau khi ra trường Đà Lạt tôi có nhiều dịp đóng đồn ở miền Nam nên viết đủ loại đăng báo. Có cả chuyện dài tựa là Một Ông Sao Sáng. Tên tuổi bút hiệu lung tung. Thời gian sau, về gần Sài Gòn, làm việc tại Quân Khu I. Trên địa bàn miền Đông Nam Phần. Công việc phải đi hầu hết các mặt trận Bình Giả, Chiến khu D, Bà Đen, Xuân Lộc. Từ đó tôi viết cột báo thường xuyên cho Chính Luận tựa đề: Một Tuần Vòng Chân Trời Quân Sự. Ông Từ Chung hết sức tán thưởng và đề nghị tôi lấy bút hiệu là Lính Chiến. Những bài báo này vẫn còn trong hồ sơ phim của Chính Luận tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Qua đến Mỹ tôi viết cho tạp chí Bút Lửa của Lê Tất Điều, rồi có nhiều bài gửi Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi xuất bản được vài tác phẩm: Cõi Tự Do, Chân Trời Dâu Bể và Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Thực hiện bản Tin Biển từ cuối Thập niên 70 đến đầu thập niên 90.

Trung bình mỗi tuần viết một bài báo hay một bản tin. Hiện có trên 2.000 bài có thể chọn lọc để in thành mười cuốn sách.

Trong thời gian gần đây, nhờ anh Phạm Phú Nam phát triển Dân Sinh Media nên các bài viết và bài nói chuyện của tôi bắt đầu được phổ biến rộng rãi, từ đó phóng lên Internet nên nhiều người biết đến.

Xin nói thêm về chuyện phê phán. Năm 1993, sau khi Sô Viết sụp đổ, tổ chức Phục Hưng có mở cuộc hội thảo về nhân quyền Việt Nam ngay tại Mạc Tư Khoa. Các nhà văn Nga lên diễn đàn, ông thì nói là đã viết văn 20 năm, ông thì nói là viết văn 30 năm. Đến lượt tôi lúc đó đã 60 tuổi nên có nói là viết văn 40 năm. Nói như vậy là quá đúng nhưng vì người Á Đông mình trông rất trẻ, nên có người Nga tưởng là diễn giả mới 40 tuổi nên có thể cười thầm là vừa đẻ ra mà viết ngay.

Câu hỏi 14: Mang chuông đi đánh xứ người.

Ông có kỷ niệm gì đặc biệt về chuyến đi Nga 1993 như vừa kể?

Trả lời: Được dịp lên diễn đàn nói đôi lời tại phòng hội nghị Mạc Tư Khoa vốn là thiên đường của Sô Viết cũng là dịp rất đáng kể. Nhất là nói về nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng điều thú vị nhất là riêng tôi có đem theo vài tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa để triển lãm. Sau đó chúng tôi còn đem cờ vàng ra chụp hình tại đài chiến sĩ vô danh của Nga tại ngay Công Trường Đỏ.

Dù là một biểu tượng đơn giản nhưng hình cờ Việt Nam Cộng Hòa tại Nga vào năm 1993 là một bức ảnh rất độc đáo, để lại trong Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hòa.

Trong phái đoàn năm xưa, có các vị của Phục Hưng Việt Nam, các bạn như Võ Đại Tôn, Sơn Tùng, v.v...

Câu hỏi 15: Quốc Kỳ và Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa.

Nhân nói chuyện về lá cờ tại Mạc Tư Khoa 1993 ông còn kỷ niệm nào khác liên quan đến đề tài này?

Trả lời: Câu hỏi này đối với tôi rất thú vị. Ông nhà báo có thể ngờ rằng năm 1983 tôi đã đem cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa đến Thiên An Môn, Bắc Kinh. Đầu đuôi thế này. Thời kỳ đó Trung Cộng dù vẫn còn sắt máu nhưng bắt đầu mở rộng du lịch. Bà vợ Luật Sư Đinh Thành Châu Kobe tổ chức người Việt gốc Hoa về thăm lục địa. Chúng tôi ghi tên đi ké. Một đoàn toàn Việt Nam tỵ nạn mang tên Tàu San Francisco về thăm cố hương. Vợ chồng tôi cùng đi với cả hai cụ Bùi Văn Bảo. Bà Đinh Thành Châu vừa hướng dẫn vừa thông dịch viên. Tôi đem theo lá cờ vàng, một lá 3x5 và vài lá cờ nhỏ cầm tay. Chỉ để chụp hình thôi. Không có đấu tranh gì hết. Đến Thiên An Môn, ngay dưới hình Mao Trạch Đông khi đem cờ lớn ra, anh em ta hoảng hốt phản đối. Tôi phải cầm cờ nhỏ đứng xa các bạn để chụp hình. Một anh Tầu đến gần ra điều hiểu biết phán rằng đây là cờ của bang Cali. Tôi khen ngợi tay này hiểu biết. Khi đến thăm mộ Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương thì lại có cờ vàng để chụp hình.

Còn tại San Jose năm 92 thì anh em Liên Hội Bắc Cali dựng kỳ đài hết sức vĩ đại trên đường Capitol Expwy, tôi là chủ tịch ủy ban.

Có bốn người là Vũ Văn Lộc, Lại Đức Hùng, Hồ Quang Nhựt, Nguyễn Đức Lâm trách nhiệm. Kỳ đài cao 70 bộ, có đèn thắp sáng ngày đêm. Khi khai mạc có 4.000 người tham dự và hiện diện được chín năm. Thời kỳ 90 khác bây giờ. không làm sao xin phép để treo cờ Việt Nam Cộng Hòa. Phải vận động lên bộ ngoại giao Hoa Kỳ.

Rồi chín năm trời bị đánh phá mỗi ngày. Radio, báo chí, thơ rơi, không những bị đánh bằng văn tự lời nói mà bọn chống đối còn đến cắt dây cờ mỗi đêm. Chúng tôi bị gọi là bọn Tứ Nhân Bang. Chúng loan tin là dựng cột cờ Việt Nam Cộng Hòa để chuẩn bị kéo xuống và đưa cờ cộng sản lên. Nói thế mà vẫn có người tin. Sau chín năm thành phố đề nghị đem đi nơi khác để lấy đất làm sân gôn.

Khi thành phố cho người đến cắt cột cờ, chỉ có mình tôi chứng kiến. Bây giờ cột quá dài, gỡ ra làm chín khúc tôi cất dưới hầm Museum. Ngày cắt cột cờ tôi tự thề nguyền sẽ phải dựng lại. Hiện nay tôi đã có hai kỳ đài tại viện bảo tàng. Lần này sẽ vĩnh cửu.

 

Tuy nhiên tôi cũng vui mừng khi đi ngang qua khu vườn văn hóa tương lai hiện do Bác Sĩ Ngãi trách nhiệm đang xây cất. Tôi có thấy ba cây cột cờ được dựng lên. Dãy kỳ đài này cũng sẽ là biểu tượng vĩnh viễn lâu dài. Tôi rất mừng. Tấm lòng của tôi tha thiết với Việt Nam Cộng Hòa qua quốc ca và quốc kỳ nằm ở chỗ đó. Phải thực hiện các hành động cụ thể và phải xây dựng các biểu tượng cụ thể cho hiện tại và cho tương lai. Tôi thách thức các ông bà phản đối hãy đến gặp tôi một lần trực tiếp tại Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi cũng xin thách thức quý vị không đồng ý với tôi trước khi nhân danh công luận lên án hãy đọc những tác phẩm và những bài tôi viết trải qua 30 năm qua. Trong đó có bài sưu tầm nhiều tháng để viết cô đọng. Bài tựa đề: Những Bài Ca Trở Thành Quốc Ca Của Việt Nam.

Câu hỏi 16: Nghiệp văn.

Lại có câu hỏi về nghiệp văn. Những bài ông viết có người cho là tròn trịa, ba phải. Nhiều người khen là ông khéo léo đi giây, đứng giữa mà sao lại còn bị chê trách đánh phá?

Trả lời: Tôi không thích được khen là khéo léo, đi giây vì đó chính là một hình thức của sự hèn nhát. Trong cộng đồng của chúng ta lâu lâu lại có hai phe, hai quan niệm. Đa số đồng hương không theo phe nào nhưng không lên tiếng. Một số người có sinh hoạt chung cần phải lên tiếng. Tôi lên tiếng và dứt khoát cho rằng một bên sai và một bên không đúng. Đó là lý do bị cả hai phía không ưa. Vì vậy đã có dịp lộng ngôn mà nói rằng: Nếu anh không nói, ai nói.

Bây giờ không nói, bao giờ.

Trên phương diện viết lách, tôi viết trên tình cảm và sự hiểu biết trực tiếp. Nhưng cũng bị tai vạ. Viết về niên trưởng Dương Văn Minh không hề bênh vực trên lãnh vực chính trị, bài được phe Phật giáo thân với ông Minh đem ra phổ biến. Lập tức phe đối lập ghét. Viết bài về ông Thiệu với sự thông cảm giữa chiến hữu với niên trưởng liền bị gán cho là nịnh bợ.

Trường hợp mới đây bị lên án là tà lọt của ông Khiêm. Riêng về phần niên trưởng Nguyễn Cao Kỳ, tôi viết khá nhiều bài phê phán nhưng tuyệt đối không có lời lẽ miệt thị xấu xa. Mấy tay thân cận ông Kỳ chia nhau bôi bẩn chúng tôi. Đó chính là hệ lụy văn chương nhưng xem ra vẫn là các loại búa rìu dư luận còn chịu đựng được.

Câu 17: Binh nghiệp.

Bây giờ đến câu hỏi rắc rối nhé. Ông bị lên án là tà lọt của ông Khiêm, ông Viên nên mới lên lon rồi bây giờ bênh vực cho các quan thầy. Có thực vậy không?

Trả lời: Suốt đời lính tôi chưa bao giờ làm việc với Đại Tướng Khiêm. Lần đầu tiên mới được bắt tay ông tại San Jose khi đi đám tang con trai ông tướng Nguyễn Khắc Bình.

Còn Đại Tướng Viên tuy cùng làm ở Tổng Tham Mưu nhưng chưa hề trực tiếp. Tôi còn nhớ thời kỳ Cha Thanh tố ông Thiệu tham nhũng lại có đại hội các cha tuyên úy tại thủ đô. Tôi đại diện Tướng Khuyên lên nói chuyện về ngành tiếp vận. Các cha tuyên úy không hỏi về chuyên môn mà lại hỏi thời sự. Một cha hỏi rằng có tham nhũng ở Bộ Tổng Tham Mưu hay không. Đại Tá Lộc phát ngôn hết sức tự nhiên như sau: Thưa quý cha, ở đâu cũng có tham nhũng, nhưng Tổng Tham Mưu không chủ trương che giấu và quân đội điều tra trừng trị đâu ra đấy. Chúng tôi có tổng thanh tra, có an ninh quân đội và có cảnh sát tư pháp, v.v...

Báo Chính Luận đăng tin trang nhất: Đại Tá Vũ văn Lộc, xác nhận có tham nhũng tại bộ Tổng Tham Mưu. Sáng hôm sau văn phòng Tổng Tham Mưu gọi lên gặp đại tướng. Chờ đợi 3 giờ, sau cùng tay chánh văn phòng đưa cho tờ báo Chính Luận và nói đại tường cho về. Về nhà tưởng là chuẩn bị hành trang thuyên chuyển nhưng sau thấy êm. Tiếp tục làm việc.

Mới đây tôi gặp Đại Tướng Viên lần đầu cũng là lần cuối trước khi ông chết. Đại tướng nói một câu ân tình hết sức xúc động. Sao đại tá ở Tổng Tham Mưu mà tôi không gặp. Sự thực có tôi thấy ông nhưng mà ông không thấy tôi.

Bộ Tổng Tham Mưu có lệ mỗi tuần một đại tá chủ tọa chào cờ. một năm chưa đến phiên tôi, như vậy Tổng Tham Mưu có nhiều hơn 52 đại tá, làm sao ông biết hết.

Gặp ông mấy chục năm sau, tay cầm tay tôi hỏi ông lúc ra đi tháng 4-75 niên trưởng đem theo cái gì. Ông nói. Tôi có cái cặp da. Trong đó có cái gì, tôi hỏi ông để xin di vật cho viện bảo tàng. Đại Tướng Viên nói: Có một cuốn sách viết về Thiền Tông. Tôi ngỏ lời xin ông cuốn sách đó. Mới hôm nay khi viết trang báo này, Đại Tá Dương Công Liêm điện thoại nói rằng, cuốn sách Thiền của đại tướng có người gửi moa đưa cho toa.

Như vậy trong Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hòa, bên hình Đại Tướng Cao Văn Viên sẽ có thêm cuốn sách về đường đi của Phật. Đó là câu chuyện liên quan giữa tôi với các vị đại tướng.

Câu hỏi 18: Cấp bậc.

Xin hỏi thêm một câu hỏi rất khó chịu. Ông bị tố cáo là sĩ quan văn phòng, nhờ chạy chọt luồn lách nên lên lon vù vù. Đặc biệt là rất khéo léo nên không bị tố cáo tham nhũng nhưng sự thực đã tẩu tán bán xăng nên quân đội không còn xăng để cho kế hoạch chế bom xăng đã bị đình chỉ.

Trả lời: Câu hỏi khó chịu thiệt, trả lời thì lại phải khoe ra một vài điều thực sự chẳng đáng gì. Nhưng đành phải đưa ra để biện hộ thôi.

Tôi ra trường cấp bậc thiếu úy làm trung đội trưởng bộ binh của Tiểu Đoàn Biệt Lập 530 đóng quân ở Bình Đông, Chợ Lớn. Đơn vị tôi nổi súng đánh nhau với Bình Xuyên ngay cả trước khi trận đánh chính thức với nhảy dù bắt đầu.

Sau đó tôi về phục vụ tiểu đoàn địa phương tại Rạch Giá, tham dự khu chiến miền Tây, hành quân tự do, chiến dịch Nguyễn Huệ, Thoại Ngọc Hầu, rồi về Quân Khu I. Khi lên thiếu tá tôi mới thực sự về làm tham mưu qua các chức vụ tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận, chỉ huy trưởng trường Tiếp Vận, chánh sở Tổng Cục Tiếp Vận, giám đốc Trung Tâm Binh Thư và chỉ huy cơ quan PathFinder phối hợp với các sĩ quan và chuyên viên Ngũ Giác Đài. Trong công việc PathFinder tôi có dịp đi khắp các đơn vị và các chiến dịch trên toàn thể miền Nam.

Nhân dịp bị chửi bới nên phải ra tòa án công luận của ông chủ báo, xin khoe chuyện ít người biết. Số là nhân dịp tổng cục tiếp vận kỷ niệm 15 thành lập tại Bộ Tổng Tham Mưu, tôi là sĩ quan trung tá duy nhất được đề nghị thăng cấp đại tá đặc cách. Đơn thuần là do khả năng và công việc. Chẳng có chạy chọt gì cả. Niềm hãnh diện này chẳng có gì phải giấu. Còn về chuyện bê bối hay tham nhũng, tôi thách đố quí vị chuyên đánh phá tìm được bất cứ một dấu vết nào trong suốt 21 năm quân ngũ. Chấp. Chuyện tẩu tán bán xăng nên quân đội không còn xăng để cho kế hoạch chế bom xăng đã bị đình chỉ. Tào lao.

Xem tiếp kỳ sau, còn dài dài.

Ký còm


- Quí độc giả có thể tìm đọc những bài viết khác cùng tác giả trong mục Thư Viện > Ký Còm