SMCĐ: Nhà báo Thư Sinh tên thật là Phạm Tài Tấn, cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa Saigon (trước năm 1975) hiện đang định cư tại San Jose thường xuyên viết bài tản mạn và đăng trên các báo tại San Jose. Bài viết do thân hữu PBT gởi đến với lời nhắn "... bài chưa có báo nào đăng hoặc trên Internet của nhà báo Thư Sinh viết tản mạn về con Rồng Nhâm Thìn, với một văn phong nhẹ nhàng, dí dỏm theo tôi  nhận xét rất thích hợp với những ngày đầu năm Nhâm Thìn 2012." Thật đúng như vậy, chúng tôi đã đọc qua theo đúng tôn chỉ "đọc mới đăng"; rất tiếc, thiếu các hán tự kèm theo để hiểu rõ hơn về chữ "Rồng". Cảm ơn thân hữu PBT và nhà báo Thư Sinh.


Thư Sinh, 23-1-2012

Trong tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc, Cụ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều đã viết:

"Có Âm Dương có vợ chồng
Dẫu từ Thiên Địa, cũng vòng phu thê
"

Câu thơ đầu, rất dễ hiểu. Vì loài người đã thực hành lý thuyết Âm Dương từ lâu lắm rồi. Thời mà Thượng Đế rút ra một cái xương sườn của Ông ADam , để tạo ra  một người Nữ mang tên Eva.

Còn câu thơ thứ hai, tuy ngồ ngộ, nhưng chúng ta cũng có thể giải thích được, qua Âm lịch. Vì Âm lịch cũng được tạo ra, qua trò chơi âm dương giữa Trời và Đất.

Trời thuộc về Dương, gồm Thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Đất thuộc về Âm, gồm Thập Nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Cứ một Can của Trời xáp lại với một Chi của Đất, sẽ … đẻ ra một năm Âm lịch.

Năm nay là năm Nhâm Thìn (2012)

Rồng đến với người, cũng chẳng khác nào "Rồng đến nhà tôm". Con Rồng đã hách xì xằng lắm rồi. Huống chi, nó còn đèo bồng thêm chữ Nhâm nữa. Nên, nếu đúng như quan niệm “Nam Nhâm, Nữ Quý" trong khoa tử vi đấu số, quí ông sanh vào năm Nhâm Thìn (1952 ), chắc đã hưởng một cuộc đời hanh thông ngon lành hết biết. Ở vào lứa tuổi ”vận niên lục giáp“ này, ông thày bói Thiên Cơ Phạm Đình Mai đã phán:

Nam Nhâm, nữ Quý số trời
Trai tài lãnh đạo hợp thời chỉ huy
Tinh thần trách nhiệm đáng ghi
Giàu sang phú quý, nam nhi hưởng đời

Vì con rồng Thìn hách xì xằng, nên nó tỏ ra khác hẳn những con vật khác trong Thập Nhị Chi. Nó rất kén cá chọn canh khi lựa một tấm chồng trong đám Thập Can. Nó chỉ gá nghĩa với các Can: Giáp, Ất, Mậu, Canh và Nhâm. Nó chê các Can: Ất, Đinh, Kỷ, Tân và Quý.

Hơn nữa, theo định nghĩa từ một cuốn tự điển tiéng Việt, thì “Rồng  là một động vật tưởng tượng, chỉ có trong truyền thuyết cao qúy nhất trong các loài vật”.

Định nghĩa trên nêu ra hai chữ “truyền thuyết". Nên, lý lịch  loài rồng rất mơ hồ. Người ta cho rằng, Rồng là hậu thân của loài cá gáy (lý ngư). Hàng năm cứ vào độ tháng 3 âm lịch, loài cá này lội dòng nước ngược để tìm về nguồn, và nếu vượt được ba bờ đá cao (vũ môn tam cấp), chúng sẽ hoá thành Rồng. Ngoài ra, còn có con Giao Long, cũng sẽ biến thành Rồng, khi nó đạt được một ngàn  năm tuổi thọ.

Bởi Rồng chỉ có trong huyền thoại, nên người ta tha hồ “vẽ Rồng, vẽ Rắn“ về nó.

Theo các sấm ngôn trong sách  Khải Huyền, thì Thánh Gio An đã thấy một con Rồng màu đỏ, có tới 7 cái đầu. Nó chính là con Rắn thuở xưa đã dụ dỗ Bà Eva ăn trái táo cấm. Sau này, bị đuổi khỏi Thiên đường, Rắn biến thành Rồng đỏ 7 đầu, còn dám cả gan cầm đầu lũ Âm binh nơi hỏa ngục, đánh nhau với quân binh Thiên quốc. Kết quả trận đánh: chính nghĩa thắng tà đạo. Và Chúa đã xử dụng con Rồng đỏ như một cái roi, để trừng phạt nhân loại tội lỗi. Trừng phạt những kẻ tội lỗi xong, chính Chúa sẽ hủy diệt con Rồng đỏ (Theo sách con Rồng đỏ, tác giả Trương Tiến Đạt).

Còn ở nước Việt mình, người duy nhất nhìn thấy Rồng xuất hiện trên bầu trời thành Đại La, là Ông Lý Công Uẩn. Nên khi dời đô từ Hoa Lư về đây, vị vua khai sáng ra triều đại nhà Lý, đã đổi tên kinh đô mới, thành Thăng Long.

Thăng Long. Rồng lên! Một điềm lành cho vua. Hèn chi, nhà Lý đã tồn tại tới 215 năm (1010-1225) - một triều đại dài nhất trong các vương triều thời quân chủ phong kiến tại Việt nam. Vả lại, từ thuở xa xưa, Rồng đã được coi như là một biểu tượng cho vương quyền. Nên  những thứ gì dính dáng tới vua, thế nào cũng có Rồng đi kèm.

Áo vua mặc, phải được gọi là Long Bào hay Long Cổn. Giường vua nằm, là Long Sàng. Xe vua đi, là Long Xa. Sân các quan chầu vua, là Long Đình. Mặt vua, là Long Nhan. Thân thể vua, là Long Thể. Khi vua bịnh, là … Long thể bất an.

Thế còn Long nhãn, có phải là mắt vua hay không? Chỉ biết, theo tự điển , đó là  một loài công có dược tính rất cao. Hoặc Long não, chưa chắc đã là não Vua (óc Vua). Loại cây Long não, có chất tinh dầu, mà các Cụ ta xưa thường đóng thành từng cục tròn bỏ vào tủ quần áo, để tránh quần áo bị dán cắn.

Những  lấn cấn về Long nhãn mí lị Long não này, do bởi tiếng Việt đã vay mượn Hán tự quá nhiều. Vào thế kỷ thứ 13, Vua tôi nhà Trần đã cố gắng chế ra chữ Nôm, để thay cho chữ Hán. Nhưng…"nôm na bằng cha mách qué". Chữ Nôm cũng rắc rối không kém chữ Hán. Vì cách cấu trúc, cũng vẫn dựa vào hai phương pháp “Tượng Hình“ và “Hội Ý" của Thương Hiệt, người phát minh ra chữ Hán.

Ở đây, ta hãy lấy chữ Rồng làm thí dụ.

Chữ Rồng, thuộc chữ Nôm. Trong cuốn tập khảo văn hoá ”Việt Nam Gấm Hoa", học giả Thái văn Kiểm đã giải thích về chữ Rồng như sau:

“Chữ Long khi chuyển sang chữ Rồng, thì gồm bộ Trùng (bò sát) kèm với chữ Long (Thịnh vượng). Nhìn kỹ chữ Long là Rồng, ta sẽ thấy hình dáng con Rồng có sừng, đầu, thân, bốn chân và đuôi; còn bên trái thì là Lập (đứng), phía bên dưới là Nguyệt (mặt trăng)”

Phải chi, được văn hay chữ tốt như ông đồ già của nhà thơ Vũ Đình Liên - thì tôi đã trổ tài vẽ chữ đẹp như ... “Rồng bay phượng muá", để bạn đỡ nhức đầu, khi phải tưởng tượng ra một con Rồng, qua cấu trúc đầy rối rắm trong từ ngữ Hán Nôm.

Nhưng ít ra, nhờ Cụ Thái Văn Kiểm, chúng ta mới biết con Rồng thuộc loài bò sát. Ấy là, bởi chữ Trùng.

Nếu vậy, tôi đâm ra thắc mắc về ông Lạc Long Quân, vị thủy tổ người Việt chúng ta. Liệu, ngài có thuộc loài bò sát hay không?

Có thể lắm chớ!

Vì ngài Lạc Long Quân gốc Rồng. Còn bà Âu Cơ, theo học giả Phạm Trần Anh, trong cuốn sách “Quốc Tổ Hùng Vương", thuộc về một chi thờ chim của Việt tộc. Môn vạn vật học mà chúng ta từng học ở bậc trung học, cho biết: Những loài bò sát (Rồng, Rắn, Rùa) hoặc loài không có vú (vịt, chim, gà), thường chỉ đẻ ra trứng, rồi trứng mới nở thành con.

Thế nên, chuyện cha Rồng lấy mẹ Tiên, đẻ ra một bọc trăm  trứng- là một hiện tượng hợp lý. Cả trăm quả trứng ấy, nở đủ thành trăm con. Đấy là ý nghĩa của hai chữ “Bách Việt“, của tình “đồng bào“, và niềm hãnh diện cho đám hậu duệ ngàn đời mang danh xưng “Con rồng Cháu Tiên“.

Và đó cũng là lý do, tại sao dân tộc Việt Nam chọn con Rồng làm vật tổ. Vì mang tính chất vật tổ đầy linh thiêng, nên Rồng luôn luôn  được đặt ở những vị trí trang trọng. Như trên mái đình hoặc Chùa, với hình ảnh hai con Rồng trong tư thế “Lưỡng Long tranh Châu“, hoặc “Lưỡng Long vọng Nguyệt“. Hoặc như trên sân khấu trong các đám cưới, thế nào cũng có hình ảnh Rồng và Phượng, với ý nghĩa thật tốt lành cho cô dâu chú rể: "Long Phụng Hòa Minh, Sắt Cầm Hảo Hiệp".

Ngay đến dinh Độc lập thời đệ nhị Cộng hoà, cũng được gọi là Phủ Đầu Rồng. Cái tên này, chắc chắn dính dáng đến khoa phong thủy địa lý. Chẳng biết Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nghe các vị bốc sư bàn ra tán vào thế nào, nên tin rằng dinh Độc lập đang … đè lên đầu  môt con Rồng. Bị cả triệu tấn đất đá xi măng cốt sắt đè lên, đầu con Rồng không cục cựa được. Nhưng còn cái đuôi của nó, nằm ở cuối đường Duy Tân, thì phải xây công trường con Rùa với ba cây trục cắm vào. Nhờ vậy, Rồng hết đường cục cựa, “Long mạch mới không bị đứt". Và Vị Tổng Thống thời đệ nhị Cộng Hoà của chúng ta đã được yên ổn trong gần suốt hai nhiệm kỳ, mà chẳng bị đảo chánh chỉnh lý chi ráo!

Về sau Ông Thiệu kết thông gia với Ông Tổng Giám Đốc hãng Hàng Không Việt Nam (Air Việt Nam). Air Việt  Nam cũng lấy con Rồng làm huy hiệu. Chẳng biết cái huy hiệu con Rồng này được vẽ ra làm sao, để đến nỗi, đã bị báo giới tại Sài Gòn thời đó, gọi hãng Air Việt nam, là hãng Air Con Rồng Lộn!

Cái sự đặt tên đầy ác ý này, đã khiến các cô “Hốt Tét Đờ Le" của hãng Air con Rồng lộn mắc cỡ quá cỡ thợ mộc. Tôi  nhắc lại cho vui vậy thôi. Xin bạn đừng dở trò “nói  lái" hai chữ “Rồng Lộn", kỳ lắm!

Không những kỳ cục, mà bạn còn phạm thượng. Vì bạn đã đụng chạm đến Tản Viên Sơn Thần, một vị Thần gốc Rồng. Ngài đã có công rất lớn trong việc bảo vệ giải giang sơn gấm vóc, khỏi sự trấn yểm của Cao Biền. Gã thái thú gian ác này thường cỡi một con diều lớn , bay lòng vòng trên bầu trời Thành Đại La, tìm những thế đất, long mạch quí - để triệt phá.

Thiên bất dung gian, Cao Biền gặp Thần Tản Viên. Ngài đánh cho hắn một trận long trời lở đất. Đến độ, hắn đã phải … "lẩy bẩy như Cao Biền trẩy non". Được tha tội chết, kể từ đó, Cao Biền không dám dòm ngó đến địa lý nước ta nữa.

Còn Vị Thần núi Tản, nhờ nhanh chân lẹ tay, đã lấy được công chúa Mỵ Nương, khiến kẻ đến sau Thủy Long Quân nổi giận. Hàng năm, hai ông Rồng núi và Rồng nước đánh nhau, gây lụt lội khắp vùng châu thổ Bắc Việt.

Cuộc chiến tranh nêu trên, là do giành gái. Chớ nếu ông bà via tôi ép tôi phải lấy một cô gái, như trong mấy câu ca dao sau đây, thì tôi đành cam tội bất hiếu mà thôi:

Lỗ mũi em tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo, râu rồng trời cho
Đêm nằm, thì ngáy kho kho
Chồng yêu chồng bảo, ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yên chồng bảo ăn quà đỡ cơm.

Không phải tôi kỳ thị với cô gái ấy. Hổng chừng, với mớ râu rồng trời cho, cô có quí tướng, tạo ra cảnh “vượng phu ích tử". Chuyện ăn quà vặt, cũng không thành vấn đề. Vì ăn quà vặt, là nghề của quí cô, quý bà, xem ra, còn đỡ tai hại hơn trò “chán cơm, mê phở" của cánh liền ông chúng mình.

Nhưng sự cố “ngáy cho vui nhà", thì tôi đành chào thua. Vì tôi vốn mất ngủ thường xuyên, dù đã thực hành đủ mẹo vặt. Đã thế, ông nhà văn Tràm Cà Mau còn tặng cho tôi một tập truyện ngắn. Trong đó, ổng khuyên độc giả nên dỗ giấc ngủ, bằng cách… đếm số nhân tình đã trải qua cuộc đời mình!

Đếm thì đếm! Nhưng ngộ nhỡ trong khi ngủ, ta lỡ gọi tên người tình trong mơ? kết quả còn thảm hại hơn cả chuyện mất ngủ. Vì ta đã đụng tới… con khủng long đang nằm bên cạnh!

Thế mới biết, không ai dễ ngủ như ông Khổng Minh Gia cát Lượng. Ông ta có thú ngủ ngày và dậy trễ, và đã gây vất vả cho ba anh em Lưu Bị Quan Công Trưong Phi – khi họ “tam cố thảo lư" tìm gặp ông quân sư quạt mo này.

Ở lần cuối cùng, ba anh em Lưu Quan Trương đã phải đợi đúng một giờ ba mươi phút, đến lúc Khổng Minh ngủ dậy, mới được tiếp.

Trong truyện Tam Quốc Chí, Kim Thánh Thán đã tả mặt mũi hình dạng kẻ dễ ngủ ấy như sau:

“Huyền Đức (Lưu Bị) thấy Khổng Minh mình cao thước tám, mặt đẹp như bạch ngọc, mắt sáng tựa sao ngời, đầu đội khăn xếp cuộn (luân cân), mình khoác áo lông hoa, phiêu nhiên đường vệ, mà có phong thái thần tiên".

Con người đẹp trai quí tướng đến thế đấy, mà lại ở lầu tranh vách đất nơi miền thôn dã, bên một ngọn đồi có tên là Ngọa Long Cương. Nên, Khổng Minh còn có một biệt hiệu khác nữa: Ngọa Long tiên sinh.

Con Rồng nằm dễ ngủ đó, khi vươn vai thức dậy, đã vạch ra thế chân vạc Tam quốc, giúp cho Lưu Bị một thế đứng vững chắc, bên cạnh hai kẻ địch Tào Tháo và Tôn Quyền.

Còn ở nước Việt Nam ta, cũng có một người tự ví mình như con Rồng nằm ngủ đợi thời. Đó là Ông Đào Duy Từ: bố vốn làm nghề hát tuồng, nên ông không được đi thi. Gia đình phải cạy cục hối lộ, đổi tên ông thành Vũ Duy Từ. Nhờ đó, ông thi đậu Á Nguyên vào năm Quý Tỵ 1593. Nhưng vì có kẻ tố cáo, nên Đào Duy Từ bị tước mất bằng.

Thấy đàng ngoài không phải là đất để thi thố tài năng mình, nên Đào Duy từ vào đàng trong, rồi làm ra bài “Ngọa Long Cương Ngâm bài ngâm con Rồng nằm trên đồi", chờ thời như Ngọa Long Tiên sinh ở bên Tàu thuở xưa.

Bài “Ngoạ Long Cương Ngâm"đồn đến tai Chúa Sãi. Nhờ đó, Đào Duy Từ mới được Chúa trọng dụng, giữ chức quân sư quạt mo.

Hai kẻ tự ví mình như con Rồng, đã nổi đình nổi đám đến thế. Huống chi, những bạn mang tuổi con Rồng.

Năm nay, trời đất lại đẻ thêm một năm Nhâm Thìn nữa. Vây những cặp vợ chồng trẻ, còn chần chờ gì nữa, mà không canh me cho ra đời một thằng cu Tí.

Vì trong tương lai, cậu ta sẽ trở thành … quí tử. Đúng như quan niệm “Nam Nhâm Nữ quý", mà tôi đã nêu ra trong phần đầu bài tản mạn.

Chúc các bạn một năm Nhâm Thìn, phất lên như… Rồng gặp hội phong vân.

Thư Sinh