The Star-Spangled Banner - Quốc ca Hoa Kỳ
Fort McHenry National Monument - Đồn Tưởng Niệm Quốc Gia McHenry

[SMCĐ đang gặp trở ngại trong việc đưa hình vào bài viết, phải đưa vào "one-by-one", chứ không thể "copy-&-paste" nên cần nhiều thời gian. Bài này tác giả "chơi luôn" một cuộn phim 36 poses... nhờ vậy mới "phê". Bài viết quá hay (và tiếu), muốn chia sẻ liền, không thể chần chờ...]

Mời độc giả SMCĐ đọc trực tiếp tại trang website này. Sau này có thể tìm đọc những bài viết khác của tác giả NTN ở mục Thư Viện > Nguyễn Tài Ngọc

Nguyễn Tài Ngọc, 13-1-2012
 
Ngày xưa đi học tôi ghét môn Sử Ký Việt Nam, sách học giấy in chữ trắng đen như đọc báo, không có ảnh chụp hình mầu, học sinh chẳng có dịp đi chỗ này chỗ kia xem kỷ niệm những chỗ đánh nhau, năm này qua năm khác cứ học đi học lại mà vẫn không biết ông Ngô Quyền đóng cọc trên sông Bạch Đằng ở khúc nào, Thủ Thiêm hay Bến Nghé?, không hiểu tại sao ông Trần Hưng Đạo có liên hệ gì đến chợ búa mà con đường mang tên ông dẫn  đến chợ Bến Thành?, ông Cao Thắng ngày xưa chỉ chế súng ống bắn nhau với người Pháp, làm gì có kỹ thuật xây rạp hát ở đầu con đường mang tên ông ta ngay góc Võ Văn Tần?,  hay vua Minh Mạng  thích ăn hàng lắm hay sao mà ở đoạn Ngã Sáu con đường mang tên ông lại dừng ở chỗ ăn nghêu luộc?

 

 
Fort McHenry chụp từ trên không, nhìn về hướng đất liền (ảnh Internet)
 
 
Quốc ca của một quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong sự nung đốt dân tộc tính của công dân một nước. Do đó phần lớn các quốc ca trên thế giới diễn tả sự hào hùng, lòng hy sinh của dân chúng, và giống như quốc ca Pháp La Marseillaise được viết ra trong bối cảnh của cuộc cách mạng Pháp chống bạo quyền chuyên chế, bảo vệ tự do (Allons enfants de la Patrie, Le jour de gloire est arrivé… .), lời nhạc của bài quốc ca Hoa Kỳ đã được viết trong lúc đồn Fort McHenry bị quân đội Anh vây hãm suốt 25 giờ đồng hồ ở Baltimore.
 
Cổng vào duy nhất của Fort McHenry
 


 
 
 
Đây là câu chuyện của The Star-Spangled Banner, quốc ca Hoa Kỳ, xẩy ra 200 năm về trước, khi tôi còn là một cậu trai trẻ-nhưng-không-đẹp, tóc chưa ngã mầu bạc trắng:
 
Năm 1786, sau 11 năm đánh nhau với Anh Quốc, Mỹ tuyên bố độc lập. Quốc gia hưởng thái bình cho đến 26 năm sau, năm 1812, Mỹ tuyên chuyến với Anh vì bốn lý do chính yếu:
 
1.     Hải quân Hoàng gia Anh ngăn chận và leo lên tầu buôn hoặc tầu chiến Mỹ tìm bắt thủy thủ Anh trốn quân dịch (làm việc cho Mỹ). Chuyện náo động dư luận Mỹ nhất xẩy ra ở Norfolk, Virginia, khi chiến hạm HMS Leopard của Anh bắn hư chiến hạm USS Chesapeake của Mỹ, bắt bốn thủy thủ đoàn người Anh và xử tử một người ngay trên tầu. 
 
2.     Mỹ muốn đánh chiếm Canada để bành trướng… tiệm Costco và bán xe Ford (Mỹ bị Anh và Canada đánh thất bại) (tôi viết nhiều lúc giỡn cợt quá hiển nhiên, thế mà có độc giả viết thư hỏi chuyện đó có thật hay không. Để độc giả khỏi viết email hỏi về vấn đề này: chuyện đánh Canada là chuyện có thật, nhưng chuyện bán xe Ford và mở tiệm Costco thì không).
 
3.     Mỹ muốn chiếm Florida: Florida lúc bấy giờ thuộc về người mọi da đỏ. Biết rằng người mọi da đỏ căm thù người Mỹ chiếm đất đai của mình, người Anh tiếp liệu súng ống cho người da đỏ thỉnh thoảng đánh du kích Mỹ. Vì thế, người Mỹ muốn nhân dịp này, tuyên chiến để dẹp loạn Florida.
 
4.     Pháp và Anh trong thời gian này, từ năm 1793 đến 1815, đang đánh nhau vì Anh không cho Pháp mở Louis Vuitton ở London, và Pháp không cho Anh mở Burburry ở Paris. Do đó, cả hai quốc gia, phần đông là Anh, giam giữ tầu buôn dân sự Mỹ bán hàng hóa cho nước đối phương.
  
Trong vòng hai năm từ ngày tuyên chiến, quân đội Mỹ chỉ gây bực mình mà không gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Anh. Anh quốc bận rộn đánh nhau với Pháp nên bỏ màng Mỹ, không phản công mãnh liệt. Cho đến tháng Tư năm 1814 khi Napoleon thua trận thì nước Anh quyết định “dậy cho Mỹ một bài học”. Thiếu Tướng Robert Ross và Đề Đốc Alexander Cochrane đem 5000 quân đi tầu từ Anh quốc vào vịnh Chesapeake, phá hủy thành phố Bladensburg (8 miles-12 cây số phía Bắc Washington, D.C.)  và đốt cháy tất cả building hành chính ở Washington, D.C., kể cả tòa Bạch Cung. Xong đâu đó, họ tiến quân về Baltimore. Thế nhưng thành phố Baltimore nằm trong một con vịnh, được đồn Fort McHenry ở đầu vịnh bảo vệ, và Baltimore đã sẵn sàng đối phó ngoại xâm chứ không lơ đễnh không chuẩn bị như Washington, D.C., dân chúng tối ngày lười biếng chỉ xem Paris By Night.
 
Dưới sự chỉ huy của Thiếu Tướng Samuel Smith, một Thượng Nghĩ Sĩ và Cựu quân nhân của cuộc cách mạng chống Anh quốc, Baltimore cho lính phòng thủ con đường bộ dẫn đến Baltimore, và 1000 quân phòng thủ đồn Fort McHenry, chận đứng tầu ngoại xâm vào Baltimore theo lối sông.
 
Chiến hạm Anh đến đậu ngoài khơi Baltimore và một tuần trước cuộc chiến, đồng ý tiếp nhận một tầu Mỹ đến điều đình về việc trao giải tù binh, người tù binh quan trọng nhất là Bác Sĩ William Beanes. Hai người cầm đầu phái đoàn điều đình Mỹ là Đặc Ủy Viên Tù Binh, Đại Tá John S. Skinner, và một luật sư trẻ, Francis Scott Key. Bác sĩ Beanes là bạn của Key. Thiếu Tướng Anh Robert Ross ban đầu không đồng ý thả bác sĩ Beanes, thế nhưng sau khi đọc thư của tù binh Anh viết khen tặng bác sĩ Beanes là người nhân từ, ông đổi ý.
 
Đồng ý thả tù binh thế nhưng quân Anh không cho phép tầu Mỹ được đi về vì trong lúc trên tầu, Francis Key và John Skinner tình cờ khám phá chương trình thảo luận của quân Anh tấn công đồn Fort McHenry. Không muốn bí mật bị tiết lộ, Tướng Robert Ross bắt tầu Mỹ của Francis Key bỏ neo đậu sau đoàn chiến hạm Anh.
 
Tầu của Francis Key đậu chỗ khoảng cây cầu ở xa xa bên tay phải   
 

 
Bao vây Baltimore bằng hai mặt, ngày 12-9-1814, Tướng Ross dẫn bộ binh Anh đổ bộ vào đất liền ở North Point, tấn công theo đường bộ. Thế nhưng cuộc tấn công thất bại vì Tướng Ross bị quân đội Mỹ giết tại đây.
 
Thành phố Baltimore ở góc trên cùng bên trái. Fort McHenry là điểm tôi khoanh tròn.
A : Đoàn chiến hạm Anh đậu ở đây pháo kích vào đồn trong 25 tiếng đồng hồ.
B : Tầu của Francis Key bị tầu Anh giữ ở đây.
C : Nơi Thiếu Tướng Anh Robert Ross đổ bộ.
D : Nơi Ross tử thương
 

 
Hừng đông ngày hôm sau, 13-9, chiến hạm Anh dàn hàng trước đồn và bắt đầu bắn đạn cà-nông và pháo kích hỏa tiễn vào  Fort McHenry trong suốt 25 giờ đồng hồ. Tầm đạm cà-nông của Fort McHenry tuy không đi xa bằng cà-nông của chiến hạm Anh, 1-1/2 mile so với 1-3/4 và 2 miles, nhưng đủ để giữ chiến hạm Anh ở ngoài khơi không dám tiến gần. 
 
Hình vẽ này cho thấy tầm bắn cà-nông của Fort McHenry, bên trái, không đụng đến tầu Anh được, trong khi hỏa tiễn và đạn/bom cà-nông của chiến hạm  Anh bắn đến Fort McHenry. Tuy thế, dàn cà-nông này rất hữu hiệu trong việc ngăn chận tầu Anh tiến gần vào đồn 
 
 
Cà-nông có tầm bắn giới hạn của Fort McHenry

 


 
Trung Tá George Armistead, Chỉ Huy Trưởng đồn McHenry, ước lượng quân Anh bắn khoảng từ 1,500 đến 1,800 hỏa tiễn/đạn cà-nông trong suốt thời gian đồn bị bao vây, nhưng may mắn là phần đông đạn bắn không chính xác nên không gây nhiều thiệt hại, tàn phá kinh khiếp cho đồn. Tuy là không bị thương trong khi thành bị vây hãm, Armistead vài tháng sau chết sớm khi  mới có 39 tuổi, hậu quả thần kinh căng thẳng và vì sức yếu chuẩn bị phòng vệ đồn mấy tháng trước đó.
 
Trung Tá George Armistead
 
 
Một quả bom bắn từ tầu Anh rớt vào đồn nhưng không nổ
 

 
Hình vẽ này tôi chụp lại từ tài liệu phân phát ở Fort Henry, cho thấy cảnh tầu Anh công hãm Fort McHenry. Để ý những người lính (chấm trắng) ở trong “mương” phần dưới của hình vẽ. Đây là lính Mỹ phòng thủ chu vi của đồn, trong trường hợp quân Anh vượt qua dàn súng cà-nông ở phần trên bức hình, ngay mép sông :
 

 
Đạn bắn không ngừng cả đêm cho đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Không hạ được đồn, đoàn chiến hạm Anh rút lui trở ngược theo sông ra biển.
 
Từ boong tầu Mỹ, Francis Key, Đại Tá Skinner và Bác Sĩ Beanes mục kích quân Anh bắn đạn  cà-nông khói bay mịt mù từ sáng đến chiều và rồi qua đêm. Sau này Francis Key nói cảm nghĩ của mình khi hừng đông ngày hôm sau vẫn thấy lá cờ Mỹ tung bay trong đồn: “Trong khói bụi mịt mù của đạn súng ống, những ngôi sao của lá cờ chợt sáng ngời trong mắt tôi, và tôi thấy tầu của quân chiến bại Anh bị đẩy lui một cách xấu hổ. Trong giờ phút vui sướng hãnh diện  đó, con tim tôi tự nói với mình là  quốc gia này và những người đã hy sinh bảo vệ nó đáng được vinh quang bằng một bài hát”.
 
Francis Scott Key
 

 
Francis Scott Key lấy giấy bút ra sáng hôm đó viết lại ý nghĩ của mình trong một bài thơ có bốn đoạn, đặt tên là “Defence of Fort McHenry”. Bài thơ đó sau này được đổi tựa là “The Star-Spangled Banner”,  và trở thành Quốc ca Hoa Kỳ, nhưng chỉ có đoạn thứ nhất là được dùng.
 
Đây là lời của bài quốc ca Hoa Kỳ và tôi xin mạn phép dịch sang tiếng Việt:
 
Oh, say can you see by the dawn's early light,
What so proudly we hailed at the twilight's last gleaming?
Whose broad stripes and bright stars through the perilous fight,
O'er the ramparts we watched, were so gallantly streaming?
 
          Qua ánh sáng yếu ớt của bình minh, anh có thấy
          cái cờ mà mình đã ngưỡng mộ vào ánh nắng cuối cùng của hoàng hôn chiều hôm qua?
          Cái cờ có nhiều sọc to cùng nhiều sao sáng, và trong suốt cuộc chiến hiểm nghèo,
          chúng ta thấy nó vẫn hùng dũng phất phới tung bay trên thành lũy?
 

And the rockets' red glare, the bombs bursting in air,
Gave proof through the night that our flag was still there;
Oh say does that star-spangled banner yet wave,
O'er the land of the free and the home of the brave?
 
          Ánh lửa đỏ nhấp nhoáng của hỏa tiễn, của bom nổ tung ra mảnh vụn trên không,
          cho thấy bằng chứng trong suốt đêm qua là ngọn cờ của chúng ta vẫn còn đó.
          Anh nói đi, có phải là lá cờ nhiều sao  vẫn còn tung bay
          trên đất của những người tự do, trên nhà của những người bất khuất?
 
Vì quốc ca Hoa Kỳ chỉ dùng đoạn thứ nhất của bài thơ của Francis Key, chúng ta chỉ thấy câu hỏi mà chưa có câu trả lời. Đoạn thứ nhất này diễn tả Francis Key viết sáng ngày hôm sau: Hôm qua dù rằng bị pháo kích tơi bời nhưng trước khi trời tối ông vẫn còn thấy cờ Mỹ ở đồn Fort McHenry tung bay. Ngay cả trong tối đêm, thỉnh thoảng ánh lửa của hỏa tiễn, của cà-nông lóe lên đủ ánh sáng để  cho thấy là lá cờ Mỹ vẫn còn đứng vững. Sáng sớm nay sau khi ngủ một đêm, ông ta ra xem lại thì trong làn khói mịt mù ông ta lo sợ không biết cờ quốc gia nào được giương lên: nếu quân Anh thắng thì họ sẽ kéo cờ Anh, nếu quân Mỹ thành công bảo vệ đồn thì sẽ thấy lá cờ Mỹ.
 
Tôi xin chép lại hai câu cuối trong đoạn thơ thứ hai để cho thấy là trong đoạn này, ông biết là quân Anh đã thất bại vì cờ Mỹ vẫn tung bay trong đồn:
 
…………………………………………………………….
…………………………………………………………….
       'Tis the star-spangled banner! Oh long may it wave,
       O'er the land of the free and the home of the brave!
          …………………………………………………………………..
          Đúng là cờ nhiều sao rồi! Mừng cho nó được tung bay mãi mãi,
          trên đất của những người tự do, trên nhà của những người bất khuất!

 


Lá cờ nguyên thủy kéo lên sáng ngày hôm sau trận vây hãm. Đây là lá cờ Francis Key thấy trong đoạn thơ thứ hai khiến ông cảm hứng viết bài quốc ca. Lá cờ ông thấy trong khi thành bị vây hãm trong bài quốc ca ngày hôm trước là lá cờ khác, nhỏ hơn. (Ảnh Internet). Lá cờ này hiện đang ở Smithsonian Museum

 

 
Đi bộ dọc trên bờ tường của thành lũy Fort McHenry, ngắm con sông với mặt nước êm đềm thỉnh thoảng có một con tầu chạy ngang qua, khắp nơi bãi cỏ xanh mướt với chim bay tung lượn, đó đây nhiều du khách ngắm nghía và chụp hình, một khung cảnh thật thanh bình mà nếu không có những bảng chỉ dẫn, không có những câu chuyện còn ghi chép lại, không có những chứng tích lịch sử như cà-nông, gươm giáo, nhà cửa, thuốc súng, đồn trại, quần áo của binh sĩ vẫn còn gìn giữ, thì khó ai có thể biết đây là nơi đã chứng kiến một trận chiến gian nguy cho người bảo vệ đồn, đây là nơi đã tạo ra nguồn cảm hứng cho Francis Scott Key viết bài quốc ca Mỹ.

 

 

 

 


 
Sự thất bại của quân Anh ở Fort McHenry cho thấy là nhân loại không phải là ai cũng hiền từ. Tuy rằng phần đông chúng ta sống đời hiền hậu không tham muốn cái gì của người khác, nhưng có những người có thể vì ăn hột vịt lộn mà một vài dây thần kinh không bình thường, chỉ muốn dùng võ lực ăn tươi nuốt sống người khác, chiếm đoạt sở hữu của họ, vật chất, tinh thần, lẫn tự do.
 
Washington, D.C. võ trang kém cỏi nên đã bị người Anh đốt cháy thành bình địa. Trái lại, Fort McHenry, Baltimore đã chuẩn bị sẵn sàng với quân đội và súng ống. Kết quả là họ đã đánh bật đối phương tuy rằng thành lũy bị công hãm suốt 25 giờ đồng hồ.

 

 
Chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh thức, võ trang cho chính chúng ta để đề phòng xâm lược ngoại xâm có thể đến từ bất cứ lãnh vực nào, cá nhân, quốc gia, hay quốc tế.
 
Còn nếu chúng ta là những người có lòng tham lam muốn tước đoạt của cải, tự do của người khác thì nên bốc thuốc nhiệm mầu của Thầy Dỏm-Y-Thần-Đạo: ăn gấp năm lần số hột vịt lộn lúc trước (ngày xưa ăn hai thì bây giờ ăn mười trứng). Nó sẽ hóa giải thần kinh mát dây, để chúng ta sẽ trở thành người nhân từ bình thường như bao người khác.
 
Nguyễn Tài Ngọc
http://www.saigonocean.com/
January 2012
 
Phòng chiếu phim diễn tiến cuộc chiến ở Fort McHenry National Musem

 


 

 

Những súng cà-nông này là dàn bảo vệ đồn thứ nhì (dàn thứ nhất ngay mép sông), ở năm góc hình thoi của đồn
 
 

 

 

 

 

 
Những khẩu cà-nông này có thể quay bắn 360 độ vì có bánh xe quay vòng tròn
 

 
Có bốn building như thế này
 


 
 
 
 
Kho chứa đạn
 

 
 

 
Hầm trú bom
 

 
Hầm trú bom và kho chứa đạn
 

 
Quân phục 1812

 


 

 
Giường ngủ
 

 
Tủ và vật dụng thời đó
 

 
Thức ăn tiêu biểu của Sĩ quan
 

 

 

 http://www.saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/trangNTN.htm


Tài liệu tham khảo:
 
-Tài liệu phân phát ở Fort McHenry, và
  http://en.wikipedia.org/wiki/The_Star-Spangled_Banner
  http://www.infoplease.com/ipa/A0194015.html
  http://starspangled200.org/History/Pages/beanes.aspx