Trần Nhật Phong / Việt Weekly, 8/12/2011

Đó là niềm mơ ước của tất cả người Việt Nam dù đang sinh sống trong và ngoài nước. Tuy nhiên mơ ước là một chuyện, thực tế sẽ là một chuyện khác. Câu hỏi lớn mà nhiều người Việt hải ngoại sẽ đặt ra với chính bản thân là, nếu Việt Nam trở thành một cường quốc dưới thể chế cai trị của người Cộng Sản, liệu họ có chấp nhận hay không? Nếu không chấp nhận điều này, với thể chế dân chủ theo kiểu của tây phương, con đường trở thành cường quốc sẽ kéo dài thêm bao nhiêu năm nữa? Câu hỏi sẽ là một thử thách lớn cho mọi người khi bàn luận, mổ xẻ và đào xới vấn đề. Bài viết này chỉ là ý kiến chủ quan và chỉ nói lên một phần nhỏ nào trong đề tài tuy đơn giản nhưng lại rộng lớn mang tầm ảnh hưởng đến nhiều góc cạnh của các quan điểm đối nghịch nhau.

TỪ DẤU MỐC CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH

Cuối thập niên 80, là giai đoạn thoái trào của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản đã kéo dài từ thời chấm dứt Đệ nhị thế chiến. Đầu thập niên 90, tình hình thế giới đã thay đổi và mở rộng, sự sụp đổ của các quốc gia thuộc khối Cộng Sản ở khu vực Đông Âu dẫn đến chủ thuyết toàn cầu hóa về kinh tế. Kể từ dấu mốc này, các quốc gia trên thế giới lao vào cuộc chiến về kinh tế và phát triển nhiều hơn, thay vì chạy đua về quân sự hay khác biệt chính trị.

Ngoại trừ bốn quốc gia vẫn giữ nguyên hiện trạng độc đảng lãnh đạo là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, đa phần các quốc gia từng thoát ra khỏi chủ thuyết Cộng Sản đều thực thi nền dân chủ, bầu cử và hệ thống cai trị theo kiểu tây phương. Các quốc gia này đa phần là Đông Âu, sau thời gian "tuần trăng mật" tự do đã bắt đầu phải đối diện với nhiều vấn đề mà họ không tưởng tượng nổi có thể xảy ra.

Trước đây, đời sống của người dân của các quốc gia này bị trói buộc rất nhiều thứ, kể cả những quyền căn bản nhất của con người như quyền tự do phát biểu, quyền tự do đi lại, quyền tự do hoạt động chính trị, nhưng ở mặt khác họ lại không lo lắng gì về cuộc sống hàng ngày. Đói kém là tình trạng chung của các quốc gia thuộc khối Cộng Sản, y tế, chỗ ở đều phó mặc cho chính quyền lo. Họ bị hướng dẫn theo đời sống của một nền kinh tế tập trung, tức là chỉ tập trung sản xuất, còn phân phối quyền lợi do chính quyền chủ động.

Kể từ sau khi khối Cộng Sản sụp đổ dây chuyền tại Đông Âu, người dân tại các quốc gia này mới có dịp được thở, được hưởng thụ ý nghĩa thật sự của xã hội tự do. Họ muốn làm gì thì làm, không còn e ngại và sợ hãi dưới sự cai trị sắt máu trước đây. Nhưng đồng thời họ cũng bắt đầu đối diện với những tiềm năng nguy hiểm khác mà hệ quả vẫn còn đeo đẳng đến ngày hôm nay. Hầu hết các quốc gia đều lâm vào bất ổn xã hội liên tục, đời sống của người dân trở nên bấp bênh hơn vì họ phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của họ không còn phó thác cho chính quyền như thời người Cộng Sản cai trị.

Nhiều quốc gia lâm vào cảnh loạn lạc chiến tranh như liên bang Nam Tư, các quốc gia tự trị như Georgia thuộc khối liên bang Sô Viết cũ. Người dân vẫn hàng ngày đối diện với bạo động ngay tại Nga cũng không thoát khỏi tình trạng chiến tranh, khủng bố, bạo động vì khác biệt tôn giáo diễn ra liên tục và vẫn chưa hề chấm dứt.

Các quốc gia còn lại như Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumania tuy không bị họa chiến tranh vì khác biệt chính trị lẫn tôn giáo, nhưng xã hội luôn bất ổn vì nghèo đói, thiếu hẳn kế hoạch phát triển kinh tế. Hệ thống cai trị theo kiểu tây phương vẫn chưa được kiện toàn nên chính sách thúc đẩy kinh tế rất èo uột, không có phương hướng. Đời sống người dân luôn ở mức thấp nhất tại Âu châu dù rằng đến nay họ đã thoát khỏi sự cai trị độc quyền của người Cộng Sản 20 năm, ngoại trừ nền tự do mà người dân có được.

Tóm lại các quốc gia thoát thai khỏi chủ nghĩa Cộng Sản cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào thoát khỏi sự lạc hậu, nghèo đói hay có được nền kinh tế ổn định cho người dân.

CHO ĐẾN CÁC QUỐC GIA CÓ NỀN DÂN CHỦ KIỂU TÂY PHƯƠNG TẠI Á CHÂU

Kể từ sau Đệ nhị thế chiến, ngoại trừ những vùng lãnh thỗ thuộc quyền cai trị của tây phương như Hong Kong, Ma Cau điều hành bởi những hệ thống có sẵn của Anh và Bồ Đào Nha, do đó những người dân thuộc vùng lãnh thổ này đã có trình độ dân trí rất cao tương đương với khối tây phương.

Nhật Bản là cường quốc trên thế giới chỉ đứng sau Hoa Kỳ, cho đến nay vẫn là niềm tự hào lớn nhất của người Á châu. Kể từ sau Đệ nhị thế chiến, quốc gia này dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nhưng lại có hệ thống điều hành đất nước theo kiểu mẫu của Anh. Nhật Bản là nước duy nhất tại Á châu có nền dân chủ ổn định theo kiểu mẫu tây phương, xã hội có đời sống cao và dân trí đứng đầu thế giới.

Đảo quốc Đài Loan và Singapore cũng là hai nơi thực thi nền dân chủ theo kiểu tây phương, tuy nhiên hai khu vực này cũng trải qua thời gian khá dài của sự cai trị độc tài và độc đảng. Đài Loan suốt nhiều năm đều nằm dưới sự cai trị của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, mãi đến gần cuối thập niên 90 đảng Dân Chủ mới ló dạng và có cơ hội tranh quyền cai trị. Singapore kể từ khi tách khỏi Malaysia, cả đảo quốc nằm dưới sự cai trị độc đảng của đảng Lao Động và sự độc tài của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu.

Nam Hàn là nửa quốc gia được điều hành dưới chế độ quân phiệt, kéo dài đến thời ông Kim Đại Trọng được bầu làm tổng thống mới bắt đầu chuyển sang nền cai trị dân chủ ở thập niên 90. Đến nay, bán đảo này đã đi vào ổn định và đang chinh phục thế giới bằng tinh thần dân tộc của họ, dù rằng ở nhiều góc cạnh, bán đảo này vẫn nằm dưới sự bảo hộ an toàn của Hoa Kỳ.

Chạy dọc xuống khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, đa phần các quốc gia đều cố gắng thực thi nền cai trị dân chủ theo kiểu tây phương, trừ Brunei. Các quốc gia này dưới thời chiến tranh lạnh được xem là những quốc gia có đời sống an bình và ổn định hơn. Tuy nhiên khi đối diện với nền toàn cầu hóa, xã hội đang sống của họ đã bắt đầu giao động và đi vào bất ổn liên tục, từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Phi Luât Tân, Cam Bốt và kể cả Singapore thời gian sau thập niên 90, sự xung đột về quyền lợi các đảng phái, phe nhóm và tôn giáo hiện đang là mối họa lớn tại các quốc gia này.

VIỆT NAM VỚI MÔ HÌNH ĐỘC ĐẢNG

Sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh, là một trong bốn quốc gia còn giữ lại thể chế cai trị dưới tên đảng Cộng Sản, Việt Nam bắt đầu lần mò để tìm phương hướng. Sự cai trị theo kiểu kinh tế tập trung của khối Cộng Sản quốc tế sau hơn 10 năm thống nhất đã đưa đất nước đến kiệt quệ và bên bờ phá sản. Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã cố gắng sửa chữa các sai lầm để tiếp tục nắm giữ quyền cai trị. Họ mở cửa và thay đổi mô hình kinh tế từ tập trung sang kinh tế thị trường. Sự thay đổi cục diện của thế giới trong xu thế toàn cầu hóa đã khiến họ bị phân vân trong thời gian đầu và họ đã chọn mô hình cai trị đất nước theo kiểu Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia rộng lớn tập trung nhiều sắc dân khác nhau, sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ chế độ phong kiến đã lâm vào cảnh phân hóa của chế độ quân phiệt, trước khi đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh bật Quốc Dân Đảng ra khỏi Trung Quốc và tuyên bố thống nhất năm 1949. Trong thời gian chiến tranh lạnh, mặc dù cai trị khá sắt máu và mô hình kinh tế tập trung như các quốc gia Cộng Sản khác, nhưng Trung Quốc lại chọn hướng đi không giống Nga Sô lãnh đạo khối Cộng Sản Đông Âu. Đến thời cai trị của Đặng Tiểu Bình kéo dài sang thời đại của Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã định hình được sự cai trị, độc đảng nhưng không độc tài, tức là vẫn chỉ một đảng cai trị đất nước, nhưng thành phần lãnh đạo thay đổi theo định kỳ. Chính sách kinh tế mở rộng theo chiều hướng tự do, và đến nay, mô hình cai trị này đã thành công. Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói lạc hậu dười thời Đặng Tiểu Bình nay trở thành cường quốc trên thế giới về kinh tế lẫn quân sự, còn là ông chủ nợ của siêu cường như Hoa Kỳ. Trung Quốc đã chính thức trở thành đối thủ duy nhất của Hoa Kỳ trên thế giới.

Mô hình này đã được giới lãnh đạo Cộng Sản tại Việt Nam đi theo. Với cái nhìn từ bên ngoài, mô hình này mang tính vẫn độc tài không cho phép có đối lập, ngăn chặn quyền tự do phát biểu chính kiến, hay chưa tôn trọng thật sự quyền làm người theo định nghĩa của khối tây phương. Tuy nhiên, nếu nhìn từ bên trong, Việt Nam chọn giải pháp này là khôn ngoan nhất vì nó tránh cho Việt Nam lâm vào bất ổn xã hội tương tự như các quốc gia Đông Âu hay các quốc gia láng giềng của Việt Nam hiện nay như Thái Lan hay Phi Luật Tân, và vẫn phát triển kinh tế theo thị trường tự do. Đồng thời không đưa Việt Nam vào tình trạng bị cô lập như Bắc Hàn và Cuba, khi hai quốc gia này vừa độc đảng vừa độc tài (Gia đình trị, con cái nắm quyền lãnh đạo thế cho cha).

Chọn mô hình cai trị như Trung Quốc cho đến những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu thành công. Dân chúng trong nước đã có đời sống khả quan hơn những thập niên trước, nền chính trị vẫn được ổn định và càng lúc Việt Nam càng có nhiều quốc gia hợp tác trên nhiều lãnh vực từ kinh tế, chính trị, quân sự cho đến văn hóa.

Nếu phải so sánh với các quốc gia thuộc khối Cộng Sản cũ, Việt Nam và Trung Quốc chính là mô hình thành công khi mở cửa về kinh tế nhưng vẫn xiết chặt chính trị. Các quốc gia thuộc khối này cho đến nay tuy có tự do về chính trị nhưng đời sống của người dân vẫn bấp bênh và nền kinh tế rất èo uột.

TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM

Với hồ sơ tranh cãi về các quyền lợi trên biển đông hiện nay và sự tranh chấp về chủ quyền đang gây chú ý cho cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang trở thành một vị trí quan trọng để thương thảo với các siêu cường về quyền lợi. Nếu đánh giá thực lực trong 10 quốc gia thuộc khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất có khả năng đại diện để đòi hỏi quyền lợi chung cho các quốc gia trong khu vực với Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Xét về khả năng quân sự, Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm chiến tranh hơn hẳn các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Phi Luật Tân. Xét về chính trị, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định hơn, trong khi các quốc gia khác lâm vào bất ổn chính trị, xã hội hay tôn giáo. Xét về địa thế, Việt Nam đang có đường biên giới trực tiếp với Trung Quốc và có đường hải giới tại biển đông dài nhất so với các quốc gia này, quyền lợi đương nhiên phải nhiều hơn.

Với mô hình cai trị hiện nay, tuy độc đảng cai trị nhưng lãnh đạo phải thay đổi liên tục mỗi định kỳ, tránh được sự cai trị độc tài của một cá nhân hay gia đình kéo dài xuyên suốt như Ai Cập, hay Lybia, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có nền chính trị ổn định, dù rằng nhiều người Việt hải ngoại không đồng ý mô hình này. Về kinh tế, mặc dù có biến động nguy hiểm trong thời gian qua vì tình hình chung của toàn cầu nhưng mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn nằm ở mức khá tốt, tương lai của Việt Nam có thể sẽ trở thành một cường quốc trong khu vực trên mọi lãnh vực khác nhau.

Đứng ở góc nhìn khác từ hải ngoại, vẫn còn khá nhiều người không chấp nhận sự cai trị hiện nay của người Cộng Sản, họ mong muốn lật đổ sự cai trị này để đưa ra một mô hình cai trị khác không phải Cộng Sản. Câu hỏi đặt ra sẽ là một thử thách lớn đối với họ.

1. Với nền móng hiện này do người Cộng Sản xây dựng kể từ khi thay đổi và mở cửa, liệu người dân trong nước có hoàn toàn đồng ý lật đổ thể chế cai trị của người Cộng Sản hay không? Nhất là hiện có đến hơn 65% dân số là thành phần trẻ dưới 30 tuổi, họ chưa chắc biết rõ về cuộc nội chiến chấm dứt năm 1975, và họ được đào tạo dưới sự dẫn dắt của người Cộng Sản.

2. Nếu thật sự lật đổ được thể chế cai trị hiện nay, lực lượng nào sẽ thay thế được người Cộng Sản để cai trị đất nước?

3. Khi thể chế Cộng Sản sụp đổ, xã hội sẽ lâm vào bất ổn một khoảng thời gian, như vậy sẽ kéo dài bao lâu? Khối Cộng Sản Đông Âu đã sụp đổ 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn còn bất ổn liên tục về chính trị hay xã hội và vẫn còn loay hoay chưa sẵn sàng để phát triển kinh tế.

4. Sự lật đổ chế độ cai trị của người Cộng Sản có thể sẽ trì hoãn việc phát triển đất nước theo kịp xu thế hiện nay của thế giới, Việt Nam có thể đánh mất đi cơ hội trở thành một cường quốc như hiện đang có hay không?

KẾT LUẬN

Về phía Việt Nam, người Cộng Sản đã phát triển đất nước tốt hơn những thập niên trước, nhưng không có nghĩa là họ phát triển hoàn hảo như họ mong muốn nếu không giải quyết những hồ sơ tiêu cực bấy lâu nay vẫn còn tồn đọng như hồ sơ nhân quyền hay những việc làm trong quá khứ. Đây sẽ là vết thương mãi mãi không lành. Đại đoàn kết dân tộc sẽ không xảy ra khi một bộ phận của dân tộc vẫn chưa được đối xử đúng với xu thế hiện nay của thời đại và sự mất mát trong quá khứ chiến tranh vẫn chưa được giải quyết công bằng.

Về phía người Việt hải ngoại, đây sẽ là giai đoạn thử thách lớn cho chính họ. Vượt qua những quá khứ đau buồn, chủ động đối thoại với người Cộng Sản để tìm cách giải quyết những quá khứ tồn đọng, rồi cùng xây dựng đất nước đẩy Việt Nam trở thành cường quốc nhanh chóng hơn với cơ hội đang có hiện nay, hay sẽ tiếp tục tìm cách lật đổ sự cai trị của người Cộng Sản, rồi xóa bàn làm lại từ đầu. Như vậy dân tộc và đất nước sẽ phải mất bao nhiêu năm nữa mới đạt được vị thế đang có hiện nay trên chính trường quốc tế.