Đại-Dương, 11/2017

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là hai diễn giả chính tại Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương 2017 (APEC). Dĩ nhiên, nguyên thủ của 21 nền kinh tế trong vành đai Châu Á-Thái Bình Dương phải chú tâm lắng nghe để có thể hoạch định chính sách quốc gia thích đáng hầu tránh bị thiệt hại trong tương lai.

Trump xuất hiện trên diễn đàn với tư thế tự tin khi chào cử toạ và tiến thẳng vào bục thuyết trình như phong thái của một diễn giả quen nói trước công chúng.

Cử toạ không thấy bị áp lực và rất ngạc nhiên khi diễn giả 71 tuổi này chẳng rút mục kỉnh đeo lên, nhướng mắt để kiểm soát tập tài liệu xem người phụ tá đã đặt đúng chỗ chưa. Họ chỉ thấy Tổng thống Donald Trump nhìn thẳng vào cử toạ và bắt đầu ứng khẩu thao thao với nhịp tay lên xuống phù hợp với ý nghĩa muốn diễn đạt buộc hội trường phải chú ý theo dõi bài phát biểu 4,800 chữ.

Ngược lại, Tập xuất hiện trên diễn đàn sau khi ra dấu chào cử toạ đã ngồi xuống chiếc ghế bành mới kê giữa sân khấu cứ như một vị Hoàng đế Trung Hoa nhìn xuống đám con dân, vừa nhấm nháp chén trà để chờ xướng ngôn viên giới thiệu.

Chủ tịch Tập Cận Bình khệnh khạng tới bục thuyết trình để cúi nhìn tập tài liệu và đọc chăm chú với một giọng đều đều cho hết 1,800 chữ.

Đầu tiên, Trump gửi lời chia sẻ tới những người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey và cho biết người Mỹ cầu nguyện cho Việt Nam sớm khôi phục.

Phần trình bày của Tổng thống Donald Trump gồm có ba vấn đề chính:

Thứ nhất, Trump minh định vị trí Hoa Kỳ trong vành đai Châu Á-TBD bắt đầu từ chiếc thương thuyền của quốc gia mới độc lập đến Trung Hoa vào năm 1764. Tuần tự, sự giao dịch của Hoa Kỳ trong khu vực này gia tăng theo thời gian như một cường quốc có trách nhiệm, đặc biệt khi bị mối đe doạ của các đế quốc nhằm duy trì nền an ninh và thịnh vượng chung.

Nhờ thế mà một loạt quốc gia trong vùng Châu Á đã chuyển mình ngoạn mục dựa vào nền kinh tế mở khi con người làm chủ tương lai của họ. Trump nhấn mạnh “Họ theo đuổi một tương lai công bằng, trách nhiệm, khuyến khích tư hữu tài sản và tuân thủ pháp luật, đi theo chế độ coi trọng lao động chăm chỉ và doanh nghiệp cá nhân”.

Trump xác nhận và cam kết với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở “Chúng ta đã là bạn, là đối tác và đồng minh ở trong suốt một thời gian dài, và chúng ta sẽ là bạn, là đối tác và là đồng minh trong thời gian dài sắp tới … Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn … chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị và chẳng mơ đến sự thống trị”.

Thứ hai, hô hào các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-TBD hãy giành độc lập như Hai Bà Trưng đã làm vào năm 40-43 sau Công nguyên vì có “độc lập vĩnh viễn mới toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc. Hãy chọn thịnh vượng và tự do chứ không phải nghèo đói và sự tôi tớ!”.

Thứ ba, về mối quan hệ kinh tế được Trump xác định “Hoa Kỳ không tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay và ảnh hưởng tới chủ quyền … mà tìm kiếm những mối quan hệ thương mại mạnh mẽ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và có qua có lại”.

Tiếc thay, giấc mơ tốt đẹp về toàn-cầu-hoá để mọi dân tộc đều hưởng lợi sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 đã vỡ vụn vì một số quốc gia không tuân thủ luật chơi do cộng đồng quốc tế soạn thảo thông qua các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO).

Nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại vì bị các nước khác lợi dụng. Hoa Kỳ đã mở cửa cho hàng hoá ngoại quốc tự do vào thị trường Mỹ trong các nước khác kín cửa hoặc chỉ mở he hé. Thậm chí không tuân theo các quy định do WTO ban hành mà họ là thành viên.

Trump cho biết khi tới Bắc Kinh đã nói thẳng với Tập “về các hành vi bất-bình-đẳng thương mại của Trung Quốc làm cho Hoa Kỳ bị thâm hụt 270 tỉ USD trong năm 2017”.

Tổng thống Mỹ thứ 45 tuyên bố dứt khoát “Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác đã lợi dụng nước Mỹ trong vấn đề thương mại mà các chính phủ tiền nhiệm của tôi đã không làm gì, nhưng, tôi sẽ hành động”.

Trump nói rõ ràng “Những nước tuân thủ luật chơi sẽ trở thành đối tác kinh tế gần gũi nhất của Mỹ. Chúng tôi sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ cho những hành động vi phạm, lừa gạt hay xâm lược kinh tế. Những ngày đó đã qua rồi”. “Chúng tôi tìm kiếm đối tác mạnh, không phải yếu; láng giềng mạnh, không phải hàng xóm yếu”.

Giờ đây quả banh đã nằm trên sân nhà của 20 quốc gia APEC. Nhặt hay không cũng chẳng do Tổng thống Donald Trump!

Trong bài phát biểu dài 1,800 chữ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra các khái niệm mơ hồ, hoàn toàn lý thuyết, không có những số liệu minh chứng cho lập luận.

Tập mượn lời một hiền giả Trung Hoa “chúng ta cần nhìn về tương lai, chứ không nhìn vào quá khứ” để che đậy những lỗi lầm chết người trong quá khứ.

Có ai dám chắc sẽ không lập lại những sai lầm trong quá khứ như các công ty Trung Quốc phải trúng thầu hoặc được chỉ định thầu trong các dự án quan trọng tại quốc gia khác. Các khu đất mà Bắc Kinh thuê dài hạn ở nước khác đều ở trong tình trạng “ngoại bất nhập”. Khu Phố Tàu mọc lên như nấm. Hàng hoá tiểu ngạch phá hoại nền kinh tế láng giềng. Công ty Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối hoàn toàn nền kinh tế.

Tập nói “Quản trị toàn cầu đang thay đổi, môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi đòi hỏi hệ thống quản trị toàn cầu cũng phải thay đổi tương ứng. Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người. Tôi tin rằng đây là điều cần phải làm”.

Hàm ý Trung Quốc sẽ thay đổi hệ thống quản trị toàn cầu bằng “thượng tôn chủ nghĩa đa phương”, đồng nghĩa với luật rừng chỉ thể hiện Chủ nghĩa Tư bản Man dại, cá lớn nuốt cá bé.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos (Thụy Sĩ) 2017, thiếu các nguyên thủ Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Nhật nên Tập Cận Bình làm diễn giả chính.

Khi Tập bày tỏ ý kiến sẽ lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu bị các chuyên gia quốc tế nghi ngờ về khả năng chưa đủ.

Tập nói “Để thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những thách thức khác mang tính toàn cầu, đây là điểm đồng thuận chung của cộng đồng”.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về lượng khí thải toàn cầu, gấp đôi Hoa Kỳ, nhưng, được quyền sử dụng than đá cho đến năm 2030 mà chưa đóng đồng nào cho Thoả ước Khí hậu Paris (PCA) trong khi Hoa Kỳ bị cấm khai thác dầu cát, dầu đá mà Tổng thống Barack Obama đã góp 1 tỉ USD so với lời hứa 3 tỉ.

Từ năm 1970, các công ty Mỹ đã ráo riết giảm ô nhiễm trong mọi hoạt động và tới nay không một thán khí (CO2) nào từ các nhà máy điện chạy than của Mỹ thoát ra ngoài môi trường.

PCA không có tính cách ràng buộc mà cho phép từng quốc gia tự quyết định phải làm gì nên dễ bị các nước lợi dụng triệt để và sẽ không thể hoàn thành mục tiêu.

Dù có PCA hay không thì các công ty Mỹ vẫn tiến trên con đường Kinh tế Xanh (Green Economy) do tinh thần cạnh tranh. Trái lại, Trung Quốc và một số quốc gia khác sẽ tận dụng thời gian trước 2030 để khai thác mọi loại tài nguyên ô nhiễm trên địa cầu.

Tóm lại, Tổng thống Donald Trump rất minh bạch khi đánh giá môi trường kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy khu vực này thành một cộng đồng thương mại công bằng và có đi có lại.

Chủ tịch Tập Cận Bình bám vào chủ trương tôn trọng đa phương nhằm phát huy sức mạnh của Chủ nghĩa Tư bản Man dại mà khống chế nền kinh tế toàn cầu bất chấp luật pháp quốc tế.

Đại-Dương