- Bài viết của GS Trần Thành Minh (2010)

Những người bạn đồng môn và đồng nghiệp cùng thời với tôi tại trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký cũng nhiều, như bạn Lê Văn Đặng ở Seattle, Nguyễn Thanh Liêm ở California, Cam Duy Lễ, Nguyễn Minh Dân và Ngô Thanh Nhàn ở Việt Nam. Ở đây tôi xin ghi lại một số kỷ niệm với anh Nguyễn Thanh Liêm nhân dịp các em cựu học sinh Petrus Ký tại Nam Cali muốn ra mắt cuốn nội san viết về Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, người học trò, người Thầy và người Hiệu Trưởng trẻ nhất của trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Tôi biết anh Liêm từ năm học 1955-1956 tại trường Petrus Ký, anh học lớp Philo (Tú Tài 2 ban Triết), tôi học lớp Mathelem (Tú Tài 2 ban Toán). Hai lớp học này ở gần nhau trên lầu của trường, dãy phía phòng giáo sư, mỗi lớp đều có vài bạn nữ của trường Gia Long qua học chung vì thời đó trường Gia Long chưa có lớp Terminales (lớp 12 bây giờ),các nữ sinh khi đậu Tú Tài 1 phải qua học Petrus Ký hoặc Chasseloup Laubat (trường của Pháp). Tôi còn nhớ bên lớp Philo, anh Liêm làm trưởng lớp và chị Huệ Chi làm phó trưởng lớp (chị Huệ Chi sau làm Hiệu Trưởng trường Sương Nguyệt Ánh và hiện nay định cư tại Pháp), ngoài anh Nguyễn Thanh Liêm còn có anh Lâm Thanh Liêm sau này dạy Đại học Văn Khoa Saigon và anh Liêm thứ ba có tật cánh tay sau là giáo sư Triết học của trường Đại học Hawaii. Hai lớp chúng tôi học chung các Thầy Nguyễn Bá Cường dạy Philo (Triết) đệ nhất lục cá nguyệt và Thầy Quillet dạy đệ nhị lục cá nguyệt (Thầy là người Pháp,thạc sĩ Triết học, cựu sinh viên trường Ecole Normale Supérieure de Paris mới qua), thầy Dufeil dạy Sử Địa (thầy là thạc sĩ có dạy Đại học Văn khoa Saigon), Cô Mai Trần Ngọc Tiếng dạy Sciences Naturelles (Vạn Vật), cô dạy Đại học Khoa học kế bên và qua dạy giờ tại trường Petrus Ký, thầy Trần Văn Quế dạy Vietnamien, thầy là một chức sắc đạo Cao Đài, hiền lành bậc nhất và thường hay mặc quốc phục trắng đi dạy. Cuối năm học này anh Liêm và tôi đậu Bac II (Tú Tài 2 chương trình Pháp) và chúng tôi cùng trúng tuyển vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon (lúc bấy giờ chưa có trường Đại học Sư Phạm), anh Liêm học ban Việt Hán và tôi ban Toán. Sau hai năm học chúng tôi tốt nghiệp với thứ hạng cao nên được bổ nhiệm về trường Petrus Ký.

Năm học đầu tiên chúng tôi dạy tại trường Petrus Ký là năm học 1958-1959, lúc đó Hiệu Trưởng là Thầy Nguyễn Văn Trương, Giám học là thầy Trương Văn Cao và Tổng Giám thị là thầy Trần Hữu Văng.Năm học này anh Liêm được phân dạy môn Quốc Văn một số lớp Đệ tam (lớp 10) và một số lớp đệ thất (lớp 6) và tôi được phân công dạy Toán hai lớp Đệ tam B và dạy Vạn Vật bảy lớp đệ thất cho đủ số giờ qui định nên anh Liêm và tôi cùng dạy chung một vài lớp đệ thất (tình cờ năm 2004 chúng tôi gặp nhau tại nhà một cựu học sinh Petrus Ký tại Munich bên Đức là Huỳnh Hiêu Thảo, em này kể lại chuyện xưa học với hai chúng tôi lớp đệ thất của trường Petrus Ký). Cuối năm học 1959-1960 anh Liêm được cử đọc diễn văn thường lệ trong lễ phát thưởng của trường Petrus Ký (theo truyền thống của trường thì những giáo sư Triết và Văn mới về trường được phân công đọc diễn văn thường lệ trong buổi lễ phát thưởng cuối năm,năm học 1958-1959 thầy Phạm Mạnh Cương đọc diễn văn thường lệ ). Trong khi dạy tại Petrus Ký hai chúng tôi học tiếp đại học để lấy bằng cử nhân, anh Liêm học Đại học Văn Khoa Saigon với bằng cử nhân Giáo khoa Việt Hán,còn có thêm chứng chỉ Lịch sử Triết học Đông phương và Tây Phương, về phần tôi học Đại học Khoa học Saigon lấy bằng cử nhân Toán để chuyển ngạch sang giáo sư đệ nhị cấp.

Lúc bấy giờ anh Liêm đẹp trai, học giỏi, ăn nói hoạt bát nên được cảm tình của hai chị em cô Đào Kim Phụng và Đào Kim Liên từng là hoa khôi của trường Gia Long. Tôi còn nhớ có một buổi tối anh Liêm rủ tôi đến nhà cô Phụng tại lầu hai chung cư Duy Tân để ra mắt thân phụ của cô Phụng là bác Đào Ngọc Đồng. Năm 1961 tôi được dự đám cưới giữa anh Nguyễn Thanh Liêm và chị Đào Kim Phụng, sau đám cưới tôi lái chiếc xe Peugeot 203 cũ chở anh chi đi hưởng tuần trăng mật tại Dalat.

Năm 1962 anh Liêm được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Trung học Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương, lúc chia tay chúng tôi thấy anh buồn vì xa trường và xa ban bè. Năm học 1963 – 1964 anh trở lại trường Petrus Ký với chức vụ Hiệu Trưởng trẻ nhất so với các vị Hiệu trưởng trước đây (lúc đó anh mới 30 tuổi). Trong năm học anh làm Hiệu trưởng thì anh Lê Đình Hạnh làm Giám học, anh Phạm xuân Ái làm Phụ tá Giám Học, thầy Tăng Văn Chương làm Tổng giám thị và tôi được hội đồng giáo sư bầu làm thư ký hội đồng giáo sư. Anh Liêm là hiệu trường trẻ của trường Petrus Ký tuy có rộng rãi, cởi mở hơn những ông Hiệu trưởng lớn tuổi trước nhưng vẫn cố gắng giữ truyền thống tốt đẹp của trường là trật tự,kỷ luật hàng đầu, học sinh học giỏi đậu nhiều, đậu cao và đào tạo người giỏi cho non sông tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn.

Kể từ năm 1964 anh rời trường Petrus Ký và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành Giáo Dục Việt Nam trước 1975 như: Chánh thanh tra trưởng ban soạn đề thi, chuyên viên văn hóa giáo dục của văn phòng Phủ Tổng Thống VNCH, Phụ tá đăc biệt ngang hàng Thứ Trưởng đặc trách Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo Dục của Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh niên VNCH. Mặc dầu không làm việc tại trường Petrus Ký nữa nhưng lúc nào anh Liêm cũng quan tâm tới trường, giữ mối liên hệ thường xuyên với bạn bè Petrus Ký như phần đông thanh tra soạn đề thi đều là giáo sư Petrus Ký.Các kỳ lễ lớn của trường anh đều đến dự.

Cuối tháng tư năm 1975 tình hình đất nước rối ren, tôi biết lòng anh ngổn ngang trăm mối nên các buổi chiều anh thường qua nhà anh Phạm Ngọc Đảnh đường Nguyễn Hoàng (kể từ năm 1965 anh ở nhà 3C đường Nguyễn Hoàng gần nhà anh Đảnh) để tâm sự với anh Đảnh và tôi, với chức vụ của anh không thể ở lại Saigon mà ra đi thì như thế nào ? Vì còn cha mẹ già,sau cùng anh quyết định ra đi và gởi gắm hai ông bà thân sinh cho anh Đảnh.

Năm 2004 sau 29 năm xa cách tôi mới gặp lại anh Liêm trong Đại hội lần thứ 10 của Hội Ái Hữu Petrus Ký Châu Âu tại Ronneburg CHLB Đức. Trong Đại hội lần này có anh Nguyễn Thanh Liêm và vợ chồng anh Trang Ngọc Nhơn đến từ Mỹ, vợ chồng anh Phạm Xuân Ái đến từ Paris và tôi đến từ Việt Nam, ngoài ra tại CHLB Đức có vợ chồng anh Phạm Ngọc Đảnh (linh hồn của Hội),vợ chồng anh Trần Kim Quế và anh Hồ Văn Thái. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống gia đình với nhau. Sau đại hội vợ chồng em Huỳnh Văn Ngày và vợ chồng em Phạm Văn Hòa cựu học sinh Petrus Ký có tổ chức cho anh Liêm và tôi đi du lịch tại nước Áo và nước Hungary, đây là dịp mà tôi và anh Liêm có nhiều thời gian tâm sự.

Anh Nguyễn Thanh Liêm, người bạn đồng môn và người bạn đồng nghiệp cùng thời với tôi từ năm 1955 tại trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, là người bạn tốt có thủy, có chung và là người Thầy cao quí, gương mẫu, đạo đức, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục và văn hóa kể cả khi anh định cư tại Mỹ.

Saigon tháng 6 năm 2010

tranthanhminh

Trần Thành Minh

http://cothommagazine.com/GSTSNguyenThanhLiem/GSNguyenThanhLiemNguoiBanDongMon-GSTranThanhMinh.pdf


Bài liên quan:

- Trang sưu tầm những bài viết về Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm