Thư Sinh

"Chỉ nhớ là lũ chúng tôi đi đâu cũng có nhau, từ chơi bời, ăn, ngủ cho tới những sinh hoạt nổi, chìm. Tấn lúc nào cũng sát cánh và là một tay phụ trợ đắc lực cho quán Văn về sau . Tấn cũng là một hiền nhân khác hay đứng mũi chịu sào ghi sổ nợ cơm hàng cháo chợ cho những ngày lang thang đói rách cho toàn thể phe ta” (trang 70).

Cali Today News - Bạn tôi, nhà báo Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn, qua đời vào lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 22 tháng 12 năm 2013. Tin này không làm tôi bàng hoàng sửng sốt cho lắm. Bởi vì, cũng như một số bạn thân của anh, tôi cũng ước chừng được khoảng thời gian anh sẽ ra đi.

Chỉ tiếc rằng, nếu anh chịu khó nán lại vài giờ thôi, thì Ban Tổ chức Đại nhạc hội cứu trợ nạn nhân bão Haiyan Phi Luật Tân và miền Trung Việt Nam đã có cơ hội đem đến tận nhà anh, để trao cho anh tầm bảng ghi công, trong việc chung mà anh đã đóng góp công sức rất nhiều trong việc vận động tài chánh.

Thực ra, bạn tôi vốn là một người không mảy may quan tâm tới hình thức hay lễ bộ rườm rà. Mà anh chú trọng tới Tấm Lòng. Anh đến với bạn bằng tấm lòng nhiệt thành. Và các bạn đáp lại, y chang như thế, là đủ. Bởi thế, bạn tôi có rất nhiều bạn. Để rồi, điều này sẽ được chứng minh qua đám tang của anh.

Riêng đối với những bạn, chưa hiểu rõ bạn tôi nhiều, thì những lời trình bày sau đây của tôi, hy vọng, sẽ làm các bạn cảm thấy “gần gũi” với anh nhiều hơn.

Nếu vậy, thời gian sẽ phải được kéo trở về mấy chục năm trước, thuở mà anh em chúng tôi trong thời gian theo học ở các trường Đại Học Sài Gòn, đã cùng hoạt động trong một đoàn thể mang tên là “Hàng Ngũ Sinh Viên Quốc Gia Chống Cộng”. Hội đoàn này ra đời vào khoảng giữa thập niên 1960, nhằm chống lại bọn sinh viên phản chiến và nằm vùng Việt Cộng, vào lúc đó, đang thao túng khắp các phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Bởi vì kẻ viết bài này cũng là một thành phần chủ lực trong đoàn thể, nên không thể tự khoe mình theo kiểu “mèo khen mèo dài đuôi”. Nhưng ít ra, anh em chúng tôi, cũng đã làm anh em sinh viên quốc gia thời đó lên tinh thần, và làm cho bọn sinh viên nằm vùng, thiên Cộng cảm thấy như bị kỳ đà cản mũi. Và chúng, đã phản ứng bằng bản án tử hình khoảng gần hai chục anh em chúng tôi như: Phạm Quân Khanh (Chủ tịch - hiện đang sinh sống tại Canada), Phạm Phúc Hưng (đã qua đời hơn 10 năm qua tại San Jose), Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn), Bùi Hồng Sĩ, Ngô Vương Toại, Hồng Nguyên Sĩ, Phạm Quốc Bảo.

Người đầu tiên lãnh đạn là sinh viên Ngô Vương Toại xảy ra vào khoảng 9 giờ đêm 20 tháng 12 năm 1967 tại giảng đường lớn nhất của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sinh viên Văn khoa Ngô Vương Toại lúc đó ra ứng cử chức vụ Phó Chủ Tịch Nội vụ trong một liên danh gồm những sinh viên quốc gia chống lại liên danh thân Cộng. Ngô Vương Toại tổ chức đêm văn nghệ này với sự tham dự của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Giờ giải lao, một đôi nam nữ ăn mặc như sinh viên thuộc đội ám sát Biệt Động Thành Cộng Sản, nữ mặc áo dài, mắt mang kiếng, tay ôm một chiếc cặp lớn căng phồng, bước lên sân khấu cầm máy vi âm lớn tiếng công bố bản án tử hình Ngô Vương Toại. Xong kéo khoá mở cặp, rút súng bắn vào bụng Ngô Vương Toại. Toại chỉ bị thương nặng và thoát chết, chính là nhờ bạn chúng tôi, Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn vì lanh trí, phản ứng kịp thời, cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn liền bị tay nam đặc công bắn vào chân ngã quỵ. Bạn tôi chỉ bị thương nhẹ. Bạn tôi đã cứu được một người bạn.

Sau đó, anh hầu như xông xáo khắp các phân khoa, phản ứng và đối phó nhiều trường hợp nguy hiểm ngặt nghèo và cứu được nhiều bạn bè khác như trường hợp sinh viên Trần Lam Giang bị nhóm sinh viên Việt Cộng đánh vào sau ót trong phòng họp tại buổi hội thảo của sinh viên tại Đại Học Dược Khoa năm 1964.

Trong tất cả các trường hợp nêu trên, không phải bạn tôi võ nghệ cao cường gì cả. Mà anh làm nhiệm vụ của một nhân viên thuộc Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình báo, đặc trách sinh viên học sinh Sài Gòn thuở đó. Nên với vị thế vừa là nhân viên an ninh của chính quyền, vừa là bạn học, vừa là bạn đồng chí hướng chống Cộng- bạn tôi đã chứng tỏ được một tinh thần quốc gia cao độ, mà đồng thời cũng đối xử vẹn tình vẹn nghĩa với bạn bè. Cái mối ân tình này kéo dài tận đến bây giờ.

Nên các bạn đọc sẽ không lấy gì làm lạ, khi thấy tôi và bạn Phạm Bằng Tường lúc nào cũng kè kè bên bạn Cao Sơn trong những lúc cà phê cà pháo, trà dư tửu hậu.

Kết bạn như thế, tưởng có thể xưng hô với nhau theo kiểu mày tao chi tớ, nhưng lúc nào bạn tôi cũng kêu tôi bằng anh, mặc dù bạn chỉ kém tôi 3 tuổi. Ngay cả Phạm Bằng Tường, chỉ già hơn Cao Sơn có một tuổi đời. Đó cũng là một đặc tính hiếm có từ nơi một người bạn vốn nổi tiếng hơn bọn tôi rất nhiều.

Ngược lại với tính biết trên biết dưới, thì bạn tôi cũng có nhiều tật xấu. Mà cái tật xấu nhất là tính tình nóng nảy. Lúc nóng nảy, Cao Sơn không trừ một ai, kể cả Trần Thị Thu, người vợ hiền lành chung thủy. Và cũng chỉ vì nóng nảy, bạn tôi đã vô tình tạo ra những rào cản lãng nhách cho sự phát triển của tờ Tuần báo Tin Việt News, đến độ tờ báo đã trở thành mỏng le mỏng lét như bây giờ. Dù rằng, bạn tôi có thể đổ lỗi vì nguyên do khách quan, là tình trạng đang tuột dốc của nền kinh tế trong cộng đồng người Việt. Bạn tôi có ba đầu sáu tay, thì cũng không tài nào vực tờ báo trở lại thời huy hoàng muời năm về trước.

Nhưng nếu kiểm điểm lại giùm bạn, thì tôi thấy trong chừng mực nào đó, thì tờ Tin Việt News cũng có giá trị, là đã đóng góp rất nhiều trong những sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, những phóng sự bằng hình, được đánh giá cao so với những tờ báo khác tại vùng Bắc Cali này. Bạn tôi tâm sự, làm loại phóng sự bằng hình này, tốn rất nhiều công sức. Nhưng kết quả thu về rất khiêm tốn. Điệp khúc than thở bất mãn này, tôi và Phạm Bằng Tường được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Tới độ, nhiều lúc, chúng tôi tưởng như tờ Tin Việt News sắp … sập tiệm. Ấy vậy, mà tờ báo vẫn sống lây lất, do tài xoay sở của bạn tôi. Bí quyết? Khỏi phải dài dòng, đã biết xoay sở, thì cơn nóng bắt buộc phải hạ hoả. Nếu bạn tôi lúc nào cũng biết hạ hoả, thì tờ báo đã là một tờ báo lớn cả chục năm về trước rồi. Vì anh là một nhà báo có thực tài và có kinh nghiệm làm báo từ trước 1975. Về tuổi đời làm báo ở trong làng báo Bắc Cali này, có lẽ, bạn tôi chỉ thua kém hai bậc đàn anh là Thanh Thương Hoàng và Ký Còm Vũ Bình Nghi.

Riêng tôi, nhiều bạn cứ tưởng rằng tôi “trên cơ” Cao Sơn. Nhưng thực sự, không phải như vậy. Trong lúc bạn tôi cộng tác với nhiều tờ báo lớn trước 1975, thì tôi chỉ là một anh nhà báo tài tử, không vượt khỏi khuôn viên trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

Và tuy kiếm được nhiều tiền trước năm 1975, vì vừa lãnh lương của Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình báo, vừa viết báo lãnh tiền nhuận bút, sau này lại là Tùy Viên Báo Chí cho Tướng Ngô Dzu (Quân Đoàn 2), nhưng túi vẫn thường xuyên rỗng, vì tính bạn tôi rất hào phóng với bạn bè. Điều này đã được một người bạn thân khác của chúng tôi, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn ghi lại trong quyển sách “Cũng cần có nhau” mới xuất bản và sẽ ra mắt vào ngày 19/1/2014 tại Quận Cam. Nguyên văn như sau:

“Chỉ nhớ là lũ chúng tôi đi đâu cũng có nhau, từ chơi bời, ăn, ngủ cho tới những sinh hoạt nổi, chìm. Tấn lúc nào cũng sát cánh và là một tay phụ trợ đắc lực cho quán Văn về sau. Tấn cũng là một hiền nhân khác hay đứng mũi chịu sào ghi sổ nợ cơm hàng cháo chợ cho những ngày lang thang đói rách cho toàn thể phe ta” (trang 70).

Cái tật ấy, vẫn không chừa, khi bạn tôi làm báo ở bên Mỹ. Vào những dịp có giải bóng đá, không thể thiếu mặt anh trong quán cà phê quen thuộc, bạn tôi lao vào những màn cá cược. Khi thắng cuộc, thì những món tiền đó đều tuôn ra hết, qua bia rượu với bạn bè.

Người ta bảo, rượu là một trong những nguyên do gây ra bệnh ung thư gan. Đã thế, bạn tôi còn phì phèo thêm mỗi ngày một gói ba con số 5 nữa. Nên có lẽ hai thứ ấy đã rút ngắn đời bạn tôi. Nhưng bù lại, anh có rất nhiều bạn bè. Mà đã là bạn nhậu, thì không có bạn “xấu”.

Phải chăng, đó là luật bù trừ của tạo hoá dành cho một con người như Cao Sơn chăng? Nhưng tôi biết chắc một điều, tất cả các bạn ấy đều rất thương tiếc cho sự ra đi của Cao Sơn, một người bạn chân tình, biết chơi xả láng với mọi người.

Trong canh bạc đời, Cao Sơn cũng có những màn xả láng, nên không nhiều thì ít, đã gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình. Hậu quả là một số “nón cối” đã chụp lên đầu bạn tôi. Nhưng với thời gian, mọi tin đồn ác ý về bạn tôi đã được giải tỏa. Đúng như câu nói bất hủ, cái gì của Cezar, sẽ phải trả lại cho Cezar.

Một người chị bạn, vốn ở trong phong trào bãi nhiệm, Little Saigon, khi nghe bạn tôi bị ung thư gan thời kỳ cuối, đã nhờ tôi chuyển tới anh cuốn sách mang tựa đề là “Niệm Phật- Chuyển hóa tế bào ung thư” - với hy vọng bạn tôi sẽ hết bệnh khi đọc xong cuốn sách này. Nhưng tôi chưa chuyển kịp, thì bạn tôi đã ra đi.

Tôi biết, bạn tôi ra đi, rất bình yên. Vì mọi việc liên quan đến hậu sự, bạn tôi đã để lại di chúc cho vợ con. Và xin tiễn bạn bằng bài thơ mới nhất của Hoàng Xuân Sơn viết từ Montreal (Canada):

“Rồi Cao Sơn với cao sơn
Ở làn da thịt âm gờn gợn tan
Hai con mắt nhíu hoang đàng
Nhìn chương phổ lục còn mang dấu cười
Mượn hình phía lũ cơ ngơi
Mấy phiên hàm dưỡng Tần phơ Tấn chiều
Còn. Vẫn còn đấy nguyên tiêu
Lắng nghe sáo dục ngân thiều bội phương

Thư Sinh

Nguồn: baocalitoday.com