Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA, 2016-05-27

Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa qua về Việt Nam bị an ninh bắt đi mất tích 6 ngày.


Nancy Nguyễn kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam với phóng viên Gia Minh Đài Á Châu Tự Do.

Khi ra khỏi Việt Nam, cô dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam. Trước hết cô cho biết:

Nancy Nguyễn: Sự việc cũng chóng vánh lắm. Tôi nghĩ những người về Việt Nam và những người đứng ra kêu gọi biểu tình không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi sự truy lùng của an ninh Việt Nam đâu. Cho nên ai nghĩ mình không bị bắt, mình có thể trốn thì tôi nghĩ đó sẽ là chuyện sẽ không xảy ra.

Tuy nhiên thời điểm tôi về có chút nhạy cảm vì chỉ ngày hôm trước, hôm sau thì đến ngày bầu cử, và tổng thống Mỹ đến thăm.

Vắn tắt sự việc thì ngày 19 tôi còn ở trong khách sạn; họ lên đập cửa phòng và kiểm tra hành chính. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Khi kiểm tra hành chính thì họ câu lưu luôn, theo lời của họ là ‘câu lưu  kiểm tra hành chính’ để làm rõ vấn đề ‘sử dụng giấy tờ giả’ mặc dù tất nhiên chuyện đó không có. Chứ nếu dùng giấy tờ giả thì tôi không được ngồi nói chuyện ở đây đâu, vẫn còn bị giữ trong đó.

Tất nhiên họ không có bằng chứng hay cơ sở nào để giữ người hết nên họ phải thả.

Gia Minh: Đó là cái cớ để giữ người nhưng khi làm việc họ có làm việc gì về vấn đề giấy tờ giả hay không, và cô Nancy phản bác về cáo buộc đó thế nào?

Nancy Nguyễn: Khi họ đưa tôi về đồn gọi là câu lưu hành chính thì họ câu lưu từ 11 giờ khuya và họ thẩm vấn mãi cho đến 5 giờ chiều ngày hôm sau. Trong thời gian thẩm vấn như vậy phần lớn họ chỉ xoay quanh hoạt động của mình mà họ cho là chống đối chính quyền. Còn vấn đề sử dụng giấy tờ giả thì hầu như họ không nhắc tới.

Họ nói tôi làm những việc mà có cáo buộc liên quan đến hoạt động dân sự, về dân chủ.

Gia Minh: Khi họ cáo buộc như vậy thì cô có phản bác những điều đó ra sao?

Nancy Nguyễn: Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời. Họ hỏi tên, ở đâu, làm gì thì tôi nói cần gặp luật sư của mình chứ tôi không có nhu cầu trả lời những câu hỏi này.

Khi họ thấy không thể nào sử dụng biện pháp dân sự để yêu cầu mình khai được thì họ nhốt tôi vào trong một phòng khách sạn, có an ninh ngày đêm canh thẳng trong phòng. Rồi qua một đêm đến chiều hôm sau nữa họ kéo tôi trở lại về đồn và đọc lệnh bắt khẩn cấp luôn. Từ khách sạn họ đưa về đồn công an phường 10, quận 5.

Sau khi họ bắt khẩn cấp, lúc đó mình đã là bị can rồi nên họ đưa lên xe chuyên dụng chở về Trại tạm giam B34.

Gia Minh: Và trong trại tạm giam thì họ làm việc thế nào, giam ra làm sao?

Nancy Nguyễn: Khi bắt về Trại tạm giam cũng làm những thủ tục nhập trại như lăn tay, làm căn cước, lấy lời khai… Ở trong đó với tư cách là bị can rồi thành ra… Cũng tức cười lắm khi nhập trại họ nói với tư cách người bị tạm giữ, cô có những quyền như thế này: tự biện hộ, nhờ người biện hộ hoặc có luật sư. Nhưng tôi yêu cầu cần có người biện hộ thì họ nói không có. Ở Trại tạm giam họ giữ tôi từ 6 giờ chiều cho tới khuya và nhập vào ‘jail’ tức nơi ‘tạm giữ’.

Tất cả những câu hỏi liên tục của họ cho đến lúc đó thì tôi nói theo như những điều mà các anh vừa mới nói với tôi thì tôi có quyền có luật sư và người biện hộ nên tôi yêu cầu có luật sư và người biện hộ. Họ nói nếu như vậy thì làm đơn, và tôi cũng làm đơn nhưng họ cũng coi như tờ giấy lộn thôi.

Gia Minh: Khi ra khỏi Việt Nam họ có nói gì để có chuyện đó?

Nancy Nguyễn: An ninh họ làm công việc của họ và họ có một gửi gắm là nếu thấy không bị đánh đập, không bị nhục hình, không làm gì tôi thì cũng nên lên tiếng để ‘giải oan’ cho người ta vì tại sao vẫn có dư luận về đánh đập.

Tôi không biết lý do họ không đánh tôi vì tôi là người nước ngoài hay họ không có đánh đập. Họ có hỏi bởi vì cô là người nước ngoài nên chúng tôi không đánh hay là ai tôi cũng không đánh; tại sao cô không hỏi? Tôi nghĩ nếu có hỏi đi chăng nữa thì câu trả lời cũng quá rõ ràng rồi. Trước đó mình đã có nhiều bằng chứng rồi.

nancynguyen
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa bị an ninh Việt Nam bắt mất tích 6 ngày. RFA PHOTO

Những người làm việc trực tiếp với tôi họ không xâm phạm về mặt thể chất; nhưng tôi nghĩ có những đe dọa về tinh thần. Chẳng hạn như khi tôi nhất quyết không chịu hợp tác, họ không nói sẽ đánh nhưng họ nói bây giờ còn ngồi ở đó vì hành chính chứ mai mốt đưa vào ‘trong kia’ rồi thì nói thật không chịu nổi ba ngày đâu. Họ không đánh mình nhưng nói ‘cứng cỡ nào’ cũng không chịu nổi ba ngày.

Rồi khi đưa vào trại tạm giam thì họ nói cô đừng bao giờ nghĩ có sự can thiệp từ bên ngoài. Tôi biết mình là người nước ngoài và không có làm gì phạm pháp thì không có căn cứ, không có cơ sở để giữ tôi. Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần. Cô có thể ở đây 3 ngày, 3 tháng, 3 năm hoặc 30 năm tùy vào thái độ của cô chứ không có bên ngoài nào có thể giúp được hết. Đó là những điều mà tôi nghĩ là một trong những đe dọa về tinh thần.

Họ không xâm phạm thể chất, không đánh đập, không đe dọa nhưng đối với một số người khi bị bắt cóc, mất tích và giam giữ như vậy và trong một thời gian dài (từ ngày 19 đến 25 tháng 5) đó không được quyền gặp gỡ bất cứ ai. Đối với một vài tiêu chuẩn thì đó cũng coi là tra tấn.

Gia Minh: Số người làm việc trong thời gian đó thế nào?

Nancy Nguyễn: Họ thay nhau khoảng chừng 30-40 người canh; nhưng trực tiếp thẩm vấn khoảng chừng 10 người, trong đó có 4 người chính chịu trách nhiệm hồ sơ của tôi. Tất cả đều là nam.

Gia Minh: Lúc này nếu dùng một vài tính từ để nói lại thời gian đó, thì cô dùng những từ nào?

Nancy Nguyễn: Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì tôi không thể biết ở trong đó cảm thấy đến mức như thế nào; vì mình biết trước họ không thể có khả năng giữ mình. Những việc mình làm dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức. Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố.

Ở trong đó tôi nghĩ, mình là một người nước ngoài, hiểu chuyện đó thành ra phần nào yên tâm. Khi mà mình một phần nào có thể yên tâm mà họ còn có thể đe dọa đến mức như vậy thì thử hỏi những người trong nước họ lấy gì để bám víu vào, lấy gì để nuôi hy vọng!

Cảm giác của tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình vì không có vấn đề gì; nhưng tôi nghĩ nhiều đến những anh chị em đã bị bắt trước và những anh chị em có thể sẽ bị bắt sau tôi. Cảm giác của họ như thế nào khi mà họ không có một ‘cái phao’, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ họ một cách hữu hiệu trước pháp luật!

Gia Minh: Được biết trước đây cô cũng từng đến những nơi như Hong Kong lúc tuổi trẻ, sinh viên đấu tranh và trước ngày 19 bị bắt cô cũng có gặp một số nhà hoạt động tại Việt Nam; như cô vừa chia sẻ bản thân có cái thế mà họ không thể làm quá mức, đồng thời rất ‘chia sẻ’ với những người dám công khai đấu tranh ở trong nước, cô có nhận định gì?

Nancy Nguyễn: Ở Hong Kong ít nhất họ có luật biểu tình, đó là hợp pháp và họ được pháp luật bảo vệ. Nếu chính phủ Hong Kong có những đàn áp, bắt bớ họ thì chính phủ sai, chứ còn người Hong Kong không sai.

Còn những bạn trẻ ở Việt Nam mà hoạt động không nhất thiết phải biểu tình, không nhất thiết phải xuống đường mà mới chỉ thể hiện ý chí phản kháng thôi thì đã là phạm pháp rồi như tôi vừa nói vấn đề ‘cấu thành hình thức’ chứ không phải ‘cấu thành hành vi’.

Tôi thấy giữa những bạn trẻ Hong Kong và những bạn trẻ Việt Nam thì những bạn trẻ Việt Nam ở vào tư thế rất nguy hiểm. Tôi rất phục tinh thần của họ.

Gia Minh: Dù vẫn còn quá sớm và còn những ‘ấn tượng’ khi ở Việt Nam, nhưng qua trải nghiệm vừa rồi có xuất phát những ý tưởng gì cho thời gian tới?

Nancy Nguyễn: Đó cũng là một phần lý do mà tôi muốn thử, gặp gỡ với các anh em an ninh. Ở Việt Nam để xác minh lại một số nghi vấn trước đây của tôi và hy vọng sẽ có được những cái nhìn thống nhất hơn trong tương lai. Hy vọng trong tương lai những gì tôi đã trải qua và các anh chị đã trải qua thì có thể đúc kết lại thành một kinh nghiệm nào đó cho những người đi sau.

Gia Minh: Cô Nancy còn có những chia sẻ gì nữa không?

Nancy Nguyễn: B34, Trại tạm giam và cũng có thể bị khởi tố - tôi là người nước ngoài nên không bị tra tấn, bị nhục hình; không biết các bạn có bị hay không, tôi không biết; nhưng đó là nơi mà tôi không muốn bất cứ ai tới trừ phi các bạn có nhu cầu đến đó tìm hiểu một vấn đề gì đó. Vì B34, Trại tạm giam là những nơi mà mình có thể có được rất nhiều thông tin mà mình làm sáng tỏ được nếu như mình hiểu mình đi đâu, mình làm gì. Tuy nhiên nếu như các bạn không có chủ đích đến đó để tìm hiểu một vấn đề nào đó thì tốt nhất là nên tránh. Vì đó là những nơi mà tôi không muốn bất cứ ai trong chúng ta bị đem tới.

Gia Minh: Thay mặt quí thính giả của Đài Á Châu Tự do cám ơn cô Nancy và chúc cô đạt được những điều mong muốn đạt đến.


Tin liên quan:

Thông Báo Về Vấn Đề Bảo Vệ An Toàn cho Công Dân Hoa Kỳ khi ở Việt Nam

Đảng viên Việt Tân, TS Nguyễn Quốc Quân bị trục xuất về Mỹ (30-01-2013)

Mai Hữu Bảo Và Tinh Thần Đấu Tranh Của Thế Hệ Hậu Duệ

Lá thư của Nancy Nguyễn gửi Cha Mẹ trong việc kêu gọi “xuống đường” để bảo vệ môi trường và chống đối với họa diệt vong

Công dân Mỹ gốc Việt mất tích trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam


Nancy Nguyễn: 'Họ không đánh đập nhưng tra tấn tinh thần'

Friday, May 27, 2016 5:28:22 PM

*Phỏng vấn Nancy Nguyễn từ Thái Lan, sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV) - “Em khỏe. Em ổn rồi. Em đang ở Thái Lan.”

Nancy Nguyễn, một người trẻ được biết đến nhiều bởi những hành động liên quan đến việc lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền trong nước, mở đầu như thế trong cuộc trò chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại vào tối Thứ Năm, 26 Tháng Năm, sau khi bị an ninh trục xuất khỏi Việt Nam.

Mất tích vì “bị câu lưu do sử dụng giấy tờ giả”

Như tin đã đưa, Nancy Nguyễn, một cư dân của Quận Cam, đến Sài Gòn từ ngày 17 Tháng Năm, với lý do, như cô viết trên trang Facebook của mình gửi cho bố mẹ, “Con là một trong số những đứa đứng ra phát động xuống đường, con không thể chỉ ngồi chốn an toàn mà xúi người khác xung phong. Con cảm ơn ba mẹ đã cảm thông mà cho phép con về đứng bên cạnh các bạn con. Chúng con cần nhau trong những tháng ngày này.”


Nancy Nguyễn, "Khi đối diện với ánh đèn trong phòng hỏi cung, khi đối diện với cửa nhà giam, mọi chuyện trở nên khác lắm." (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Tuy nhiên, từ tối ngày 19 Tháng Năm, thì tất cả người thân, bạn bè đều không thể liên lạc được với cô.

Thông tin “Nancy Nguyễn mất tích” được gửi ra khắp nơi. Nhiều đại diện chính quyền tại Mỹ cũng lên tiếng về điều này.

Cho đến hôm nay, sau khi đặt chân đến Thái Lan, Nancy mới cho biết, “Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 19 Tháng Năm, khi tôi đang ở trong khách sạn, có người đập cửa yêu cầu kiểm tra an ninh. Và sau đó là họ 'câu lưu' tôi theo điều 266, tức là sử dụng giấy tờ giả.”

“Thế Nancy có sử dụng giấy tờ giả không?” - “Nếu tôi sử dụng giấy tờ giả thì chắc họ không thả tôi ra rồi. Tôi vô Việt Nam một cách hợp pháp bằng passport và visa thật,” Nancy trả lời.

Tuy nhiên, như Nancy nói, “Đó chỉ là cái cớ để họ tạm giam tôi tại trại tạm giam B34 trong 6 ngày trước khi trục xuất tôi khỏi Việt Nam vào tối ngày Thứ Tư, 25 Tháng Năm.”

Mục đích bắt giữ: 'Muốn khai ra những người khác'

“Vậy mục đích cuối cùng họ bắt giữ Nancy là họ muốn gì?” phóng viên Người Việt nêu thắc mắc.

“Tất nhiên là họ muốn thông qua mình để điều tra những người khác, muốn tôi khai ra những người khác,” Nancy cho biết.

Cô nói, “Một danh sách dài lắm được họ nêu ra xem tôi có mối quan hệ như thế nào. Những người ở hải ngoại thì hầu như đều là những người mình biết ở mặt nổi, như Trịnh Hội, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Gia Kiểng, Lê Minh Nguyên. Trong nước thì Huỳnh Ngọc Chênh, mấy người hoạt động nói chung thuộc về mặt nổi.”

“Chỉ nói là có quen biết với những người đó,” là câu trả lời của Nancy với những người hỏi cung cô.

Không chỉ vậy, Nancy cho rằng họ còn “chụp” cho cô nhiều “chiếc mũ” khác, như, “Họ chụp cho tôi là thành viên Việt Tân.”

“Tôi nói tôi không phải. Họ nói họ có bằng chứng tôi vừa được kết nạp. Tôi nói tôi cần coi bằng chứng. Rồi họ nói tôi đi về đây là có chỉ đạo từ bên ngoài. Họ nói nhiều lắm. Nhưng tất cả mình đều biết là không phải, thành ra họ có nói gì chăng nữa thì mình cũng chỉ thấy buồn cười thôi. Khi họ nói tôi về có chỉ đạo, có nhiệm vụ, tôi chỉ nói ok, mấy anh muốn nói gì mấy anh nói,” Nancy kể.

Nancy cho biết cô được giam chung phòng với một phụ nữ bị án kinh tế.

Không đánh đập nhưng tra tấn tinh thần

Theo Nancy, có khoảng 30-40 người canh cô, khoảng 10 người trong số đó trực tiếp thẩm vấn cô. Và “mỗi ngày tôi bị hỏi cung 3 lần, mỗi lần khoảng 3 tiếng.”

“Thực ra, họ không đánh đập, không bức cung, không nhục hình, nhưng tôi nghĩ khi mình thực sự trải nghiệm thì mình mới biết chuyện đánh đập nhiều khi lại không cần. Không cần phải đánh đập, thì người ta vẫn có cách để đe dọa tinh thần mình,” Nancy nhận xét

Cô nói thêm, “Mình biết là ở ngoài có vận động cho mình. Mình biết là họ không thể nào bắt mình về những việc mình làm. Vậy đó, mà việc không thể liên lạc được với bên ngoài vẫn là một áp lực tâm lý rất lớn.”

Nancy cho rằng những người hỏi cung, thẩm vấn cô tỏ ra “lịch sự” nhưng “trong cách họ nói đã mang đầy sự đe dọa, họ nói có thể giữ tôi ở lại vài ngày, vài tháng hay có thể bị đưa ra xét xử để ở vài năm hoặc chục năm.”

Cũng theo Nancy, “Họ không đánh đập, không làm gì hết, nhưng mà sự biệt giam, tức là giam cách ly, đã là một hình thức tra tấn.

Họ không cho tôi liên lạc với người nhà, không cho liên lạc với người ngoài, không cho liên lạc với lãnh sự, không cho liên lạc với bất cứ ai hết,” Nancy nhớ lại.

Trả lời cho câu hỏi “Những điều có có khiến Nancy bị căng thẳng không?”, cô cho rằng “Không.”

“Tại vì chuyện gì mình làm thì mình làm, chuyện gì mình không làm thì mình không làm, mình biết mọi chuyện mình làm đều trong khuôn khổ pháp luật hết. Với lại tôi không bị 'stress' phần lớn vì tôi biết tôi là người nước ngoài,” cô giải thích.

“Như vậy cái quốc tịch nước ngoài cho mình niềm tin là mình sẽ không bị gì quá nguy hiểm, phải không?” Tôi hỏi lại.

“Tôi biết chắc như vậy,” Nancy khẳng định. “Nhưng mà họ vẫn đe dọa. Họ vẫn nói là đừng có hy vọng vào bất cứ một sự can thiệp nào đó từ bên ngoài.”

Từ bản thân, nghĩ đến những nhà tranh đấu

“Trước khi đặt chân về Việt Nam, hay khi viết những dòng tâm huyết nóng bỏng trên Facbook của mình, Nancy đã có sự chuẩn bị cho những gì xảy ra không?” Tôi hỏi.

“Có, tôi có nghĩ tới. Nhưng khi đối diện với ánh đèn trong phòng hỏi cung, khi đối diện với cửa nhà giam, mọi chuyện trở nên khác lắm,” Nancy nói.

Cô chia sẻ, “Ở trong đó, tôi luôn hiểu được tâm thế của mình là họ không có làm gì được tôi. Thế mà ngay cả khi đã biết như vậy rồi, biết đó là một niềm an ủi lớn của mình rồi, mà mình vẫn cảm nhận được một áp lực rất nặng về vấn đề tâm lý. Thành ra lúc nào tôi cũng nghĩ, giả sử tôi không phải là người Mỹ thì còn chuyện gì xảy đến với tôi nữa.”

“Tôi không có chửi bới, không có đòi lật đổ chính quyền, không có chửi Đảng, không chửi nhà nước, mà còn như vầy, thì cứ tưởng tượng những người không nắm hộ chiếu Mỹ, mà lại lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn, thì thử hỏi khi vào trong đó họ sẽ phải chịu như thế nào nữa,” cô băn khoăn.

Khi được hỏi, “Điều gì thôi thúc Nancy quyết định về Việt Nam và Nancy suy nghĩ về chuyện đó trong bao lâu trước khi thực hiện?”, cô cho rằng, “Không có gì thôi thúc hết, mọi chuyện đều phải có tính toán và đến lúc cần làm thì làm thôi.”

“Sau 6 ngày bị giam giữ, cảm giác của Nancy là gì khi bước ra khỏi trại tạm giam?” - “Tôi cũng không biết nữa... Không biết. Tôi cũng đoán trước được ngày tôi được thả, nói chung là nhiều thứ mình đoán được lắm, thành ra mọi sự cũng còn nằm trong suy nghĩ của tôi,” Nancy trả lời sau một thoáng ngập ngừng.

Nancy cho biết cô sẽ trở lại Mỹ vào ngày 1 Tháng Sáu.

----

Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.