Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử

Thư Thứ Hai Viết Cho Nhà Văn Nữ Trần Thị Bông Giấy

Bằng Phong Đặng Văn Âu

Thành phố Westminster, California,

Ngày 3 tháng 8 năm 2017.

Em Trần Thị Bông Giấy thân mến,

Đến hôm nay, vừa xong chuyện thù tiếp bạn bè từ phương xa về thăm Quận Cam, anh mới có thì giờ ngồi viết tiếp bức thư tâm tình để gửi cho em.

Nhớ lần em ghé nhà anh ở Quận Cam, em nói “mình phải có bổn phận ghi lại những gì mình biết trong thời đại của mình để  lưu lại cho thế hệ mai sau; nếu không, mình sẽ có tội”. Anh hoàn toàn đồng ý, vì đó là điều anh cũng nghĩ như em, nên anh đã tiếp nối công trình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn từ nhiều năm nay và hy vọng còn có người sau tiếp nối công việc của mình. Có lẽ vì một lý do tế nhị nào đó, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn chỉ tâm tình với nhân vật Nguyễn Kiên Trung, cũng chính là tác giả. Còn anh, anh tâm tình với nhiều người khác nhau, trong đó có em – một nhà văn viết rất thẳng thắn.

Tuy đây không phải là chính sử hay biên niên sử, nhưng cũng không phải là dã sử hay tiểu thuyết sử, mà là những suy nghĩ của một người chiến sĩ không ngừng chiến đấu vì lý tưởng tự do, dựa trên những sự kiện lịch sử xác thực mà viết những gì đã xảy ra.

Để xứng đáng với thế hệ em út, con cháu, anh sẽ giữ cho ngòi bút của mình hết sức vô tư, không bị vẩn đục vì tinh thần bè phái.

Ngoài ra, anh viết với dụng ý nhắn gửi những nhà hoạt động trong tương lai nếu dấn thân vào trường tranh đấu cho dân, cho nước thì trước hết phải học bài học lịch sử và chân thành tâm niệm đừng đi vào con đường bá đạo để mưu cầu lợi ích cho bản thân, cho dòng họ của riêng mình, dẫu rằng đạt được mục đích, nhưng rồi cuối cùng dòng họ sẽ ô danh và đất nước, dân tộc sẽ tiêu vong.”

Bài học lịch sử gần nhất hãy còn đó.

Hồ Chí Minh ngạo mạn tự sánh mình với Thánh Trần Hưng Đạo, đề thơ trước đền thờ Ngài ở Kiếp Bạc có câu:

Bác đưa một nước qua nô lệ,

Tôi dắt năm châu đến đại đồng”.

Suốt đời hắn dùng mọi thủ đoạn để được bọn tay chân bộ hạ xu nịnh tôn vinh là vị Cha Già giải phóng Dân Tộc, nhưng cuối cùng hắn vẫn lộ nguyên hình là một con ác quỷ khát máu, dâm ô, đạo đức giả, thành lập một đảng cướp, giết hại các nhà ái quốc, biến xã hội thành một trại súc vật khổng lồ.

Người nhạc sĩ trẻ Việt Khang thét lên câu hỏi “Anh Là Ai?”, nhà giáo trẻ Trần thị Lam nghẹn ngào với bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?”.

Âm vang của lời nhạc, lời thơ ấy giống như những ngọn roi quất vào mình anh, làm cho anh trằn trọc thâu đêm, tự nhủ lòng mình phải tìm cho ra câu trả lời.

Anh thiết nghĩ rằng bất cứ ai trong chúng ta còn quan tâm đến sự tồn vong của nòi giống đều phải có bổn phận và trách nhiệm giải đáp hai câu hỏi nêu trên của các bạn trẻ trong nước. Nếu sự giải đáp của anh chưa đầy đủ thì xin em hay bất cứ bậc thức giả nào còn quan tâm hãy bổ khuyết giúp anh, nhằm giải cứu Đất Nước đang do Việt Cộng gieo rắc tai họa hàng ngày.

Nguyễn Huệ là nhà quân sự đại tài, từng chinh Nam phạt Bắc, bách chiến bách thắng. Sau khi đánh bại 20 vạn quân Thanh ở Bắc Hà, thống nhất xứ sở, lên ngôi Hoàng Đế, Ngài viết thư đòi Càn Long phải hủy bỏ lệ triều cống hình tượng Liễu Thăng bằng vàng dưới triều Lê và yêu cầu Càn Long  phải trả lại Quảng Đông, Quảng Tây cho Việt Nam. Ngài còn bàn với danh sĩ Nguyễn Thiếp dùng chữ Nôm làm quốc ngữ để không lệ thuộc tinh thần bọn Hán luôn luôn nuôi tham vọng đồng hóa dân ta.

Chúa Nguyễn Phúc Ánh vì mưu cầu giành lại quyền lực cho dòng họ của mình, đã cầu viện quân Xiêm La (Thái Lan), xin súng đạn của quân Pháp để đánh đổ nhà Tây Sơn.

Nếu Hoàng Đế Quang Trung không qua đời sớm, giấc mộng phục hồi quyền lực của Chúa Nguyễn chắc chắn sẽ không thành và Nguyễn Phúc Ánh sẽ bị lịch sử ghi lại về cái tội giống Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, mãi quốc cầu vinh mà thôi.

Năm 1802, Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Gia Long.

Hành động trả thù của vua Gia Long quá sức ti tiện, không xứng đáng với bậc quân vương, xuyên qua các hành động “đào mả Hoàng Đế Quang Trung, lấy hộp sọ đầu kẻ thù làm vật dụng để đi tiểu vào ngày- đêm”; “đốt xương cốt kẻ thù thành tro rồi trộn vào thuốc súng để bắn đi”; hoặc man rợ quá sức là “dùng voi dày ngựa xé để hành hình nữ tướng Bùi Thị Xuân – người từng tha mạng mình – khi ấy đang mang thai.”

Vua Gia Long xây cung điện hoàng thành rập khuôn theo mô hình Tử Cấm Thành của Tàu, dùng luật pháp của Nhà Thanh để cai trị dân mình và chỉ lo xây khiêm lăng hùng vĩ, hơn là chăm lo đời sống nghèo khổ của thần dân vừa trải qua cuộc nội chiến dai dẳng và vừa dứt họa xâm lăng của quân Thanh.

Ngoài ra, vua Gia Long còn giết hại công thần như trường hợp Nguyễn Văn Thành, một trong những vị tướng đã góp sức xây nên Đế nghiệp cho Nhà Nguyễn.

Công thần Lê văn Duyệt cũng bị vua Minh Mạng hãm hại.

Các hành động đó của hai đời vua Nhà Nguyễn đã nói lên rõ cái tâm PHẢN BỘI đối với những con người đã giúp mình tạo nên sự nghiệp!

Công lao mở mang bờ cõi của các đời Chúa Nguyễn trước, lịch sử ghi ơn. Nhưng tới đời Chúa Nguyễn Phúc Ánh, Nhà Lê và Chúa Trịnh đã bị Quang Trung truất phế, nhờ thế mà Gia Long được lên ngôi vua toàn cõi Việt Nam, lập nên Nhà Nguyễn kéo dài 143 năm (1802 – 1945).

Riêng Gia Long thật không xứng đáng là bậc quân vương với cái tiểu tâm ti tiện và hành động man rợ.

Chẳng hay bên Tàu có nạn “phạm húy” hay không?

Còn bên ta, trong thi cử mà sĩ tử vô tình, không né tránh tên của một ông Hoàng bà Chúa nào trong dòng họ Nhà Nguyễn thì dù bài văn có hay đến mấy cũng bị đánh rớt.

Do bởi vua chỉ lo bảo vệ quyền lợi, uy danh dòng họ, nên kẻ nào thông minh, có đầu óc cách mạng, tinh thần phản biện hay phê bình xây dựng nhằm đưa dân tộc tiến bộ đều bị khép tội “khi quân” (khinh vua), đều có thể bị chém đầu hay tru di tam tộc.

Đường lối cai trị như Nhà Nguyễn thì chỉ sản xuất ra nhiều nịnh thần hơn là công thần có khí phách như Chu Văn An.

Nước ta không có chế độ phong kiến, nhưng đường lối cai trị mang tính chất phong kiến như Tàu thì dân ta khó lòng… “thoát Trung” để có nền tự chủ và độc lập!

Đó là lý do tại sao bản điều trần đầy tâm huyết của Nguyễn Trường Tộ bị ném vào sọt rác!

Cho nên trong bài nhạc “Gia Tài Của Mẹ”, Trịnh Công Sơn đã viết:

“Gia tài của Mẹ để lại cho con (là) một lũ lai căng, một lũ bội tình” là thế.

Em Trần thị Bông Giấy,

Người Tàu phát minh bàn tính (abacus), la bàn, thuốc súng, pháo thăng thiên (rocket), giấy… trước tiên, nhưng nền văn minh của Tàu chỉ dừng ngang đó, có thể tại vì họ đã tôn ông Khổng Tử là “vạn thế sư biểu” (một người Thầy của hàng vạn thế hệ).

Gần đây, trong chế độ độc tài chuyên chính của Trung Cộng có một vị Trung tướng đang tại chức, tên Lưu Á Châu, đã táo bạo viết mấy bài tham luận nhận định về nước Tàu.

Dưới đây, anh trích một đoạn văn ông Lưu Á Châu đã viết:

-Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học.” Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Nhà tư tưởng tôi nói là những người như Hegel, Socrates, Plato, những nhà tư tưởng ấy có cống hiến to lớn đối với tiến trình văn minh nhân loại.

Lão Đam (tức Lão Tử - ND), bạn nói ông ấy là nhà tư tưởng phải không?

Chỉ dựa vào “Đạo Đức Kinh” 5000 chữ mà có thể làm nhà tư tưởng ư? Đấy là chưa nói “Đạo Đức Kinh" của ông có vấn đề.

Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực.

Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là một tôn giáo rởm; nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm; nếu là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá. Xét trên ý nghĩa này thì Nho học có tội với người Trung Quốc.

Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là xã hội binh pháp, dân tộc ta chỉ tôn sùng nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng chẳng mấy thành công về sự nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng đạt, cách dùng người cũng chưa thích hợp. Có tư liệu cho thấy ông ta còn là kẻ lộng quyền. Nhưng chính con người như thế lại được nâng lên tầm cao phát sợ.

Đây cũng là một phác họa tâm hồn dân tộc ta. Dưới hình thái xã hội như thế có ba loại hành vi thịnh hành ở Trung Quốc…”

 

Sau thời gian hiện đại hóa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, nước Tàu có lịch sử lâu đời hơn nước ta, nhưng dân nước Tàu vẫn còn là dân tộc chưa chịu lớn, mặc dầu họ đã có những thiết bị quân sự tối tân, hàng hóa sang trọng, nhưng vẫn là hàng “nhái”, ăn cắp mẫu mã của nước người.

Còn về cách ứng xử của một dân tộc thì khi đi du lịch nước ngoài, người Tàu cộng sản vẫn chưa bỏ được thói khạc nhổ nơi công cộng và thói chôm chĩa những vật dụng dành cho khách trong khách sạn, trong hiệu ăn.

Người Tàu bị đạo Khổng, đạo Lão, rồi tới đạo Karl Marx – Engels do bọn cầm quyền nhồi sọ, áp đặt, nên Trung Cộng vẫn còn bị thế giới xem là phần tử vô lại, bất hảo.

Các tiên đế nhà Nguyễn rập khuôn theo cách thống trị phong kiến của vua Tàu, rồi đến Hồ Chí Minh và băng đảng cưỡng bức dân phải chấp nhận sự thống trị của Trung Cộng, hễ bất cứ ai mở miệng nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” hoặc lên tiếng đòi hỏi tự do dân chủ, công bằng xã hội là tức khắc bị nhục hình, tù tội ngay.

Em Trần thị Bông Giấy thân mến, 

Thư đã khá dài, anh tạm dừng ngang đây. Anh sẽ viết cho em những giai đoạn kế tiếp của nước mình để trả lời những tiếng vọng từ đáy vực của nhạc sĩ Việt Khang và cô giáo Trần thị Lam.

Cầu chúc em dồi dào sức khỏe.

Thân ái,

Bằng Phong Đặng văn Âu

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 

Tel: (714) 276-5600

 

 


- BP Đặng Văn Âu gởi nhà văn Trần Thị Bông Giấy, thứ số 1

- BP Đặng Văn Âu gởi nhà văn Trần Thị Bông Giấy, thứ số 3

- BP Đặng Văn Âu gởi nhà văn Trần Thị Bông Giấy, thứ số 4