Hồi ký của anh Lâm Mạnh Di về Giấc mơ hòa bình. Ông Sum...

Những ngày tháng 2 năm 1969 lạnh cóng người. Tôi ở Hán Thành (Seoul) đã hơn 6 tháng mà vẫn không chịu đựng được cái lạnh như cắt vào da vào thịt. Hôm ấy bên ngoài xuống âm khoảng dưới cả 20 độ C, ông bà Sum có nhắn tôi đến nhà dùng bữa tối.

Ông Sum, to lớn nhưng gọn gàng, đeo kính cận nhìn rất trí thức. Cả tòa đại sứ, có lẽ chỉ trừ ông đại sứ Phạm Xuân Chiểu, chẳng ai biết ông Sum có chức vụ thế nào rõ ràng. Nhưng mọi người, ngay cả ông đại sứ, đều rất nể nang ông. Mỗi khi ông nói chuyện, giọng nói rất mạch lạc, khúc chiết.

Trong tòa đại sứ, phòng làm việc của ông luôn khép kín, vì cũng ít khi ông lưu lại Hán Thành lâu. Người ta đồn ông như một đại sứ lưu động, còn là cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Thiệu. Paris, Washington, Seoul, dinh Độc Lập là những chạm thường xuyên đi và đến của ông.

Sau này tôi mới biết, ông là người cố vấn TT Thiệu trong nhiều chương trình quan trọng như Người Cày Có Ruộng. Ông còn là cố vấn cho phái đoàn VNCH trong hội đàm Paris.

Hiệp định Paris tuy được ký kết năm 1973, nhưng trước đó đã được sửa soạn từ năm 1968. Lúc đó cả 4 bên VNCH, VNDCCH, MTGPMN và Mỹ rất căng thẳng về vấn đề thủ tục, danh xưng như thế nào khi vào bàn hội nghị, được mở công khai trước hàng ngàn ống kính của ký giả khắp thế giới.

Để cả 4 bên chấp nhận CÁI BÀN TRÒN là bàn làm việc, tranh cãi chi ly cũng mất cả năm trời. Tất cả tranh cãi rất rườm rà về thủ tục chỉ vì lấy kinh nghiệm HĐ Geneve, một câu, một chữ, một dấu chấm phẩy mà không đúng chỗ cũng có thể mang tai họa cho VNCH. Và ông Sum cứ phải bay bay về về là vì vậy, đấu tranh chính trị với CS là rất gay go, căng thẳng ..

Sẽ có bạn hỏi tôi, một người quan trọng như vậy, tại sao lại mời tôi, một cậu sinh viên 20 tuổi chân ướt chân ráo đến Hán Thành, dùng bữa tối?

Tình thật, vài lần gặp ông hàn huyên, có chút gì ông Sum cũng mến tôi. Nhưng lý do chính không phải như vậy. Lý do chính là hai đứa con trai và gái của ông, Tuấn Anh và Lan Anh. Hai em này thì mến tôi lắm, những ngày vắng bố, thì tôi là người bạn duy nhất đến chơi với 2 em ở Hán Thành lạnh lẽo, cô đơn vắng bóng đồng hương.

Biệt thự gia đình ông Sum cũng không xa mấy dinh thự của đại sứ Chiểu. Nằm trên ngọn đồi thoai thoải, rất đẹp về mùa Hè, và là nơi trượt tuyết của 3 anh em chúng tôi vào mùa đông

Những hôm trời đổ tuyết là nhất định gọi tài xế đến đón, mời "anh" Di đến trượt tuyệt cho bằng được. Và đó cũng là lý do, hôm nay tôi được ông bà Sum mời đến dùng cơm tối. Bên ngoài đổ tuyết rất nặng... Ba anh em vật nhau trên tuyết, trượt xuống đồi được vài tiếng thì người ướt sũng và mệt nhoài..

Còn khoảng 1 tiếng nữa thì đến giờ cơm tối, hai em đều ngồi vào bàn học sửa soạn bài vở cho ngày mai đến trường ...

Ông Sum kéo tôi vào phòng làm việc của ông ...

- Anh Di này, sao không đi đâu du học, mà đến cái xứ "nghèo tiệt" này làm gì ??

Tôi mỉm cười và cho ông biết lý do. Gia đình tôi thì không nghèo, nhưng cũng khó khăn cho con cái đi du học tự túc. Thuở ấy, tuy chiến tranh với bọn VC đã khốc liệt, nhưng VNCH vẫn dành mọi sự dễ dãi cho học sinh sau tú tài hai đi du học. VNCH luôn lo xa cho tương lai, một mai hết chiến tranh phải có nhân tài về xây dựng.

Du học thì có hai loại, du học tự túc hay với học bổng quốc gia. Lúc bấy giờ điểm đậu tú tài hai được xếp theo thứ tự: thứ (vừa đủ đậu), bình thứ, bình, ưu và tối ưu (giỏi kiệt xuất). Trong khoảng đời của tôi, tôi chỉ biết có 3 người đậu tối ưu, Nguyễn Hữu Minh Chí (nhà bác học từng được đề nghị được giải Nobel Y Khoa ở Mỹ , tôi sẽ viết trong một hồi ký khác), Phạm Văn Hai, và .... ông anh Lâm Thế Huân của tôi..

Sau khi có điểm kỳ thi tú tài hai, Bộ Giáo Dục đã cử người đến tận nhà, để làm thủ tục cho anh tôi được đi với học bổng quốc gia. Và anh tôi đã chọn đi Tây Đức học y khoa năm 1962. Lúc bấy giờ sinh viên thích chọn Mỹ, Đức, Anh, Pháp để đi du học, Úc thì chê (như Ban Mê Thuột) không nhiều người thích qua. Ngay cả cái xứ Bỉ là cái xứ nhỏ xíu, mà nhiều sinh viên còn chọn đi du học tự túc thay vì qua xứ sở của Kanguru..

Còn tôi, đậu tú tài hai với "bình thứ" thì vô vọng nhận được học bổng. Học bổng quốc gia lúc bấy giờ gồm150 USD (hàng tháng) cho tiền sinh sống, và những tru cấp quần áo, sách vở hàng năm. Vào thời bấy giờ 150 USD cũng tương đối khá, đủ sống. Đa số sinh viên mùa Hè nghỉ học, tìm việc làm thêm để kiếm tiền mua vé máy bay về thăm nhà.

Biết mình không đủ điều kiện xin học bổng quốc gia (phải đậu bình trở lên), tôi đã có ý định lên Đà Lạt học quản trị kinh tế. Nhưng số mệnh an bài thế nào tôi lang thang trên đường Nguyễn Du.

Tòa Đại Sứ Đại Hàn nằm trên đường Nguyễn Du cũng gần nhà tôi, tòa đại sứ vắng hoe, tôi đi ngang qua cũng tò mò ghé xem thê nào. Tôi ngạc nhiên khi đọc thông báo, đại học Yonsei cấp 10 học bổng cho sinh viên VN có tú tài hai mà không cần điều kiện nào hết. Mà học bổng này còn "oai" hơn học bổng quốc gia, được đến 200 USD/ hàng tháng.

Thế là khăn gói, từ giã bố mẹ, từ giã bạn bè, từ giã người yêu, đóng vali lên đường bay qua Hán Thành.

- Thế anh Di dự định tương lai thế nào ?? - Dạ, cháu đang học y khoa ở Yonsei, cháu tính sau 3 năm xong bước đầu, cháu sẽ qua Tây Đức học tiếp. Anh cháu hiện thời là Giao Sư (Prof.) Viện trưởng Y Khoa ở đó ...

Ông Sum gật gật đầu rồi bỗng hỏi tôi.

- Tôi đố anh, miền Nam mình giầu nhất ở đâu ??

Tôi suy nghĩ một chút .. - Có phải vựa lúa miền Tây với cò bay thẳng cánh ??

Ông cười xòa và nói .. - Đúng một nửa thôi, miền Nam mình giàu nhất là ở thềm lục địa ..

Ông đứng lên, kéo tay tôi đến trước tấm bản đồ miền Nam to tướng treo trên tường. Ông chỉ những thềm lục địa, những hải phận của tổ quốc, mà dưới sâu đó chứa những túi dầu khổng lồ. Thú thật lúc bấy giờ, những khái niệm về HS hay TS tôi chẳng có trong đầu...

-Sau chiến tranh, có hòa bình, đất nước mình chẳng cần làm gì, cứ thế mà nằm ăn ...

Ông vừa cười vừa nói, mơ đến ngày miền Nam không còn bóng cộng.

Rồi ông chỉ về miền Trung, kể:

-Anh Di xem này, đất nước mình từa tựa giống Chile, dài hoẳng mấy ngàn km mà lại ốm teo, có nơi chiều ngang chỉ hơn 5, 60 km.

Tôi lớ mớ chỉ nghe theo chứ biết gì mà bàn theo .. Ông lại quay ra hỏi tôi..

-Thế anh có nghe nói về "giấc mộng hòa bình" của Tổng Thống mình chưa ??

Trời hỡi, sao mà ông Sum lại hỏi tôi những câu hỏi "tế thế an bang" như vậy, ông quên tôi chỉ là 1 sinh viên chưa ngoài 20 tuổi rồi sao??

-Đất nước mình triền miên chiến tranh, nhưng ông Thiệu vẫn có những giấc mơ, chúng tôi hay gọi là "giấc mơ hòa bình". Những giấc mơ xây dựng miền Nam sau khi không còn bóng giặc..

Ông Sum đưa cho tôi xem những bức hình làm việc của TT Thiệu trong dinh Độc Lập, vài ba tấm hình cũng thấy có ông trong đó..

Miền Trung là nơi nghèo, nóng nhất nước, và năm nào cũng lụt lội .. Ông đưa cho tôi bức hình TT Thiệu đang chăm chú vào những dự thảo của "giấc mơ hòa bình".

Trong giấc mơ này TT Thiệu cùng sự nghiên cứu và làm việc với những kỹ sư Hòa Lan, dự định sẽ làm 2 đến 3 con kênh đào ở miền Trung, nối liền Mekong của Lào chạy ra biển đông.

TT Thiệu chọn kỹ sư Hòa Lan cho dự án vì đất nước này cũng đặc biệt lắm. Hòa Lan nằm dưới mực nước biển nhưng nhờ những biện pháp khoa học, điều tiết được mực nước nên chẳng bao giờ bị lụt lội ..

Dự án này nếu được hoàn thành sẽ như giọt nước mát cho miền Trung, ngoài làm giảm được cái nóng khủng khiếp, mà lại như cái nôi điều tiết được dung lượng nước mưa to lớn khi bão tố hoành hành.

Và quan trọng hơn nũa là ta đã giúp được cho Lào tiếp xúc với bên ngoài qua biển đông. Miền Trung sẽ có nguồn thâu to lớn từ thủy vận qua những kênh đào đó ..

Tôi há hốc mồm mà thán phục tầm nhìn xa của TT Thiệu. Nhưng, các bạn ơi đất nước bị ma ám thế nào để những giấc mơ hòa bình ấy không bao giờ thành hiện thực..

Ông cười quay qua nói với tôi ..

-Tôi mà như anh Di, tôi không học y khoa mà tôi sẽ học ..."đào mỏ".

Tôi phì cười, vì biết ông đùa. Tôi biết ý của ông là khuyên tôi bỏ y khoa mà học ngành địa chất học .. cho một giấc mơ hòa bình.

Năm nay miền Trung lại mưa bão, người miền Trung lại chịu bao nhiêu thảm họa đến từ thiên nhiên và sự ngu dốt không thể tưởng tượng nổi bởi lũ VC..

Nhìn những hình ảnh miền Trung vài năm qua đắm chìm trong nước, dân miền Trung cực khổ trăm chiều làm tôi lại nhớ đến câu chuyện Giấc Mơ Hòa Bình của TT Thiệu..

Hồi ký phần một này của tôi xin được xem như một nén nhang tưởng niệm ngày 29-9, ngày ông qua đời. Ông Sum cũng đã trở về với cát bụi...

Còn lại tôi ngồi đây với những hồi ký viết dở dang.

Vào Thu 2017 - LMD

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1502614159832911&set=a.269882983106041.64370.100002530235916&type=3&theater