Hồng Thuận, Cali ngày 19 tháng 3, 2010

Tựa đề bài viết này khiến nguời đọc dễ lầm tưởng rằng, nhà thơ Hữu Loan và tôi là bạn đồng trang lứa, hoặc có mối giao tình với nhau, hay ít ra là có quen biết nhau,.... Không, hoàn toàn không phải vậy. Nhà thơ Hữu Loan sinh trước tôi gần 3 phần tư thế kỷ.... Thực ra, tôi biết đến tên nhà thơ lớn này vào lúc tôi khoảng 7, 8 tuổi qua bản nhạc được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” của ông. Tóm lại, tôi biết về thơ được phổ nhạc của ông trước khi tôi biết về những dòng thơ hay về con người của ông.

Lần đầu tiên tôi được nghe thơ phổ nhạc của Hữu Loan là qua một dàn máy karaoke ở nhà người hàng xóm, trong xóm nghèo của tôi ở Sài Gòn. Nhà hàng xóm tôi, với một cái tivi cũ kỹ và một dàn máy karaoke lỗi thời, là nơi tụ tập thường xuyên của bà con trong xóm. Ngày nào cũng vậy, dù là đang ngủ trưa hay đang học bài, tôi cũng nghe văng vẳng những bài vẫn bị coi là nhạc “sến”, mà trong đó tôi thích nhất là bài “Những đồi hoa sim”. Nghe riết đến thành thuộc lòng, đi đâu tôi cũng ngân nga “những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt…”. Có lẽ trong một lúc cao hứng nào đó, khi nghe tôi hát, ba tôi lôi cuốn tập sưu tầm các bài thơ ông ưa thích ra, đọc cho tôi nghe vài bài. Với tâm hồn của tuổi thơ lúc ấy, tôi không cảm nhận được gì nhiều. Tuy nhiên, có lẽ vì ảnh hưởng qua bài nhạc phổ thơ nên tôi vẫn thích nhất bài “Màu tím hoa sim” của tác giả Hữu Loan. Vì yêu thích bài hát nên tôi đã học thuộc lòng luôn bài thơ. Nói thuộc vậy thôi chứ lúc đó tôi có hiểu gì đâu về câu chuyện và ý nghĩa sau lưng bài thơ tràn đầy tình cảm đó.

Sau này khi qua Mỹ, tôi hầu như không còn nhớ gì về bài hát yêu thích của mình lúc nhỏ. Tình cờ một hôm, đang lướt web thì tôi đọc được một bài phỏng vấn chính nhà thơ Hữu Loan về bối cảnh ra đời của bài “Màu tím hoa sim”. Câu chuyện thật đau thương và cũng là một biến cố lớn của cuộc đời tác giả, đã làm tôi sụt sùi nước mắt. Nó cũng giải đáp cho tôi rất nhiều những câu hỏi ngây ngô mà hồi nhỏ tôi hay thắc mắc mỗi khi đọc thơ của ông, như là “tình yêu của ông dành cho vợ là tình yêu dành cho em gái, nhưng sao lại cưới cô ấy?”, “tại sao em nhỏ hậu phương lại bị chết?”. Từ đó tôi thấy bắt đầu yêu thích con người Hữu Loan, một con người sống đầy tình cảm....

Cả bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” là những hình ảnh nhẹ nhàng diễm tuyệt, như “gió sớm thu về gờn gợn nước sông” hay “những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt”..., hình ảnh và ý thơ đều toát ra nỗi buồn man mác trong nỗi cô đơn của người lính xa nhà, của người em gái nhỏ đã mất, của bà mẹ già, của các em thơ. Với vốn liếng tiếng Việt không mấy dồi dào của mình, tôi không thể diễn tả được những điều muốn nói về sự yêu thích của tôi đối với bài thơ này. Tuy nhiên, nghe ba tôi nói, hồi thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, sinh viên học sinh ở miền Nam gần như ai cũng biết và thích bài thơ này; và dường như ít có bài thơ nào lại được nhiều nhạc sĩ ở miền nam phổ nhạc đến thế. Cũng theo ba tôi thì tuy bài thơ của Hữu Loan rất thịnh hành ở miền Nam, nhưng lại bị chìm trong bóng tối ở miền bắc, dù rằng Hữu Loan ở miền Bắc. Sự khác biệt “nam – bắc” này đã thúc dục tôi tìm hiểu thêm về tác giả và bối cảnh làm nẩy sinh ra sự khác biệt đó.

Trước những ngày đất nước bị chia đôi, “Màu tím hoa sim” cũng là bài thơ được những người lính trẻ chép lại mang trong ba lô đi hành quân. Nhưng sau khi miền bắc bị cộng sản cai trị, thì những thơ văn đầy tình người như bài “Màu Tím Hoa Sim” bị coi là “uỷ mị”, là sản phẩm của “giới tiểu tư sản”, nên phải bị cấm đoán. Đồng thời, những sự áp chế tư tưởng và thực trạng xã hội của miền bắc cộng sản, đã làm bùng lên một phong trào văn nghệ sĩ đối kháng, với sự xuất hiện của Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) để đòi hỏi tự do sáng tác và chống lại chính sách độc tài của nhà nước. Đọc về NVGP và văn thơ trước đó hay cùng thời ở miền bắc, tôi biết thêm nhiều bài văn, bài thơ tuyệt vời khác cũng bị chìm trong bóng tối. Thật không gì sâu sắc hơn lối diễn tả của Quang Dũng với “Vách đá cheo leo súng ngửi trời” (Bài Thơ Tây Tiến); hay cay đắng, thảm sầu hơn ý thơ của Trần Dần: “Tôi bước ra không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, (Nhất Định Thắng). 

Với tâm hồn “rất người” của mình, nhà thơ Hữu Loan cũng tham gia vào phong trào NVGP và tiếp tục làm các bài thơ lên án những tiêu cực của cán bộ hay các văn nghệ sĩ thích nịnh hót Đảng. Những văn nghệ sĩ trong phong trào NVGP dĩ nhiên đều bị đảng cộng sản trù dập bằng cách này hay cách khác. Trong hoàn cảnh đó, chính sự khẳng khái không luồn cúi của Hữu Loan đã làm tôi quý trọng con người của ông hơn là tài năng của ông. Vào thời bấy giờ, chỉ vì một chút lợi lộc, nhiều người đã bỏ rơi nhân cách, dùng tài năng của mình để tung hô Đảng. Nhưng Hữu Loan thì cứ khăng khăng làm thơ đề cao tình yêu, tình người, tình yêu quê hương. Sau khi phong trào NVGP bi dập tắt, ông bị bắt đi tù “cải tạo” vài năm, rồi trở về quê lao động nặng nhọc, sống một cuộc đời khá vất vả. Cũng có một số người trong NVGP quay lại để qui phục Đảng vì miếng cơm manh áo, nhưng Hữu Loan thì nhất định không. Có lẽ ông là người có thái độ dứt khoát nhất, quyết không bao giờ chịu khuất phục cường quyền. Tôi khâm phục thái độ dứt khoát này của ông. Cho đến ngày ông qua đời sự dứt khoát đó vẫn không hề thay đổi.

Từ bỏ tất cả để về quê sống một cuộc đời khổ cực, đi cày ruộng, thồ đá,... nhưng tôi tin chắc rằng ông sống rất vui vẻ trong tâm hồn, để rồi ra đi trong sự thanh thản. Tấm gương bất khuất của ông cũng sẽ luôn soi sáng cho những thế hệ sau ông đang sống trong sự kìm kẹp và đàn áp. Cuộc đời và sự ra đi của ông đã nói cho cả thế giới biết rằng, một chế độ độc tài không bao giờ có thể làm con người ngưng đi quyền được suy nghĩ và bày tỏ nhũng suy nghĩ này, cho dù phải sống trong đày ải.

Hồng Thuận

Cali ngày 19 tháng 3, 2010