Ngô Kỷ, 3-2-2022 (Nhâm Dần)

Các bạn mến,

Tết là dịp có nhiều kỷ niệm, trong đó có mục mặc áo quần mới và được Ba Má lì xì. Tết này tôi ôn lại kỷ niệm, trong đó có chuyện tôi bị Ba “đánh” trong dịp Tết.

Nay thì hết rồi, Ba Má đã qua đời, chỉ còn lại luyến tiếc, nhớ nhung thôi. 

(Tang Lễ tiễn biệt Ba)

Phải chờ tới 10 năm, hôm nay tôi mới tạm coi là có đủ can đảm và bình tỉnh để có thể ngồi trước bàn phím hồi tưởng và viết ra “một phần hồi ký  nhớ về Ba,” gom góp vài ba kỷ niệm giữa cha với con, như một đóa hoa dâng tặng Ba nhân dịp Xuân Nhâm Dần đến, và nhân dịp này cũng để chia sẻ tâm tình của tôi đến những thân hữu xa gần. Bài viết này có tính cách “rất riêng tư,” dành để “riêng tặng” những ai đang “thương tôi” mà thôi. Ai không thích xin đừng đọc và xin miễn chấp

Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ trở thành kỷ niệm đẹp để nhớ, để thương, thế thì giữa cha con tôi có cả một đời bên nhau thì chắc phải có cả một bầu trời kỷ niệm. Kỷ niệm giữa Ba và tôi trong thời thơ ấu thì nhiều vô số kể, mà nếu nói theo kiểu “tiểu thuyết” thì nhìn lên trời có mấy vì sao thì cha con tôi có bấy nhiêu kỷ niệm. Bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào chắc khó mà định được, cho nên nhớ tới đâu tôi xin kể ra lúc đó.

Ba Má tôi có 9 người con, 7 trai 2 gái, dù là con thứ Năm, không phải cả mà chẳng phải út, thế mà tôi lại là đứa con giống Ba nhất và được Ba cưng nhất nhà. Nhưng oái ăm là chính vì cái “nhất” đó mà tôi bị lãnh một trận đòn “thập tử nhất sinh” lúc 8 tuổi.

Nguyên là vào dịp Tết, vì là con trai “cưng” nên Ba sắm cho tôi môt đôi giày mới toanh, trong khi các người anh, em trong nhà thì phải đánh “xi ra” giày cũ mệt nghĩ. Vì tinh thần “hòa đồng, đoàn kết” cao, nên tôi xách đôi giày mới ra cũng “xi ra, xi vô” khiến đôi giày mới bị lem nhem, luốc nhuốc, chẳng còn giống con giáp nào nữa. Khi Ba phát giác ra thì ông “nóng” lên chẳng khác chi Trương Phi quát tháo trên cầu Trường Bản khiến Tào Tháo hoảng sợ mà phải lui quân, thế là tôi đâm đầu chạy thoát thân suốt cả đoạn đường dài khoảng 300 thước từ nhà cho tới rạp hát An Thành Lạc Viện, nhưng chạy sao cho thoát, thế là vừa giận cho cái “ngu” của tôi, vừa tức vì phải rượt bắt tôi khiến máu Ba lên cao, thế là Ba tôi “dập” cho tôi một trận tơi bời hoa lá, không còn biết trời đất là gì nữa.

Với cái thân nhóc tì làm sao tôi chịu thấu cái “bát xà mâu” của Ba được, khiến tôi bất tỉnh. Bà Nội và Má khóc bù lu bù loa, liên tục vắt cam vào miệng tôi, nhờ chất xúc tác của cam, tôi từ từ tỉnh lại, nhờ Ba đánh mà được ăn mấy trái cam. Bây giờ mỗi lần đi chợ mà thấy những quày cam làm tôi nhớ đến Ba tôi. Một sự ngẫu nhiên là từ lúc qua Mỹ tôi sống tại Orange County, tức Quận Cam, do đó hễ mỗi khi nhìn thấy lá cờ Quận Cam với cái logo hình trái cam là tôi bồi hồi nhớ đến Ba tôi.

Lớn lên, với cái kiếp sống lang bạt kỳ hồ, đầu đường xó chợ, hầu như tửu lầu nào, nhà hàng nào, tiệm quán nào mà tôi không vào ăn cho biết, thế mà đối với tôi thì các món cao lương mỹ vị, thịt bò Kobe, lobster, vi cá, bào ngư, cua biển v.v…cũng chẳng có món nào ngon lành bằng món “canh trứng” nấu bằng nước sôi, cọng với mấy cộng hành lá và chút tiêu hột do Ba nấu cho hai cha con vừa húp vừa ăn, thế mà tuyệt vời, bây giờ hết rồi.

Như trên đã giới thiệu, tính tôi giống Ba lắm, do đó mỗi lần Ba đi “ăn chè” là Ba dẫn tôi đi để qua mắt Má. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy thương cho Má và có tội với Má vô cùng. Má tôi đã “giao trứng cho ác,” “nuôi ong tay áo” mà không biết, trong khi tôi làm gián điệp “nhị trùng” thì Má tôi lại tin tưởng tôi tuyệt đối, chính vì vậy mà tôi “báo cáo” như thế nào là Má tôi tin rơm rớp. Nhớ lại vào khoảng năm 65, 66 gì đó, Ba tôi bịa cớ với Má là đi lên Tòa Hành Chánh Tỉnh để giải quyết vụ môn bài bán gạo, để cho Má tin, Ba chở tôi theo, thay vì đi thẳng lên đường Phan Chu Trinh ra ngoài bến xe mới thì Ba lại rẽ qua đường Trần Cao Vân để lên khu đường rầy xe lửa. Với sự tính toán “siêu việt,” Ba đưa tôi vào một tiệm kem ngồi ăn chờ Ba đi xong “mission” thì Ba tới đón về. Một giờ, hai giờ, ba giờ vẫn “bặt âm vô tín,” chẳng thấy Ba tới đón, tôi đành lội bộ về nhà dù khá xa.

Về đến nhà thi tôi báo cáo Má là Ba quá bận nói chuyện do đó ông thiếu úy ở tỉnh đưa về trước, cho đến lúc này Má vẫn tin tôi và coi như là tình hình “miền Tây vẫn yên tĩnh.” Nhưng, chữ “nhưng” lúc nào cũng là “oan khiên và phủ phàng” cả, bổng dưng có một bà sồn sồn ở đâu hổn hển chạy tới báo tin cho Má biết là Ba tôi chở “nhân tình” bị bà già gánh giỏ rau vô tình móc vào cái bảng số xe Vespa làm cả hai té lăng đùng. Trời ơi ngó xuống mà coi, đang khi mọi chuyện đang yên ổn thì lại có một cái báo cáo “long trời lỡ đất” như vậy thì hỏi làm sao Má tôi không nổi máu “Hoạn Thư” lên cho được, thế là người tội nhân đầu tiên mà Má tôi đưa lên “đoạn đầu đài” chính là tôi chớ còn oan ức gì nữa mà than với thở. Kể từ cái ngày “định mệnh” hắc ám đó, tôi mất tín nhiệm nơi Má, từ điểm A bị rớt xuống F.

Có ai chê tôi sống thiếu vệ sinh và quê mùa thì tôi chịu, chứ sự thật là hồi nhỏ sao mà tôi “ghiền” cái khăn lau mặt của Ba, đi đâu về tôi cũng lấy khăn Ba lau một cái thì mới thấy khoái. Bây giờ cứ mỗi lần lễ lộc, thiên hạ tặng cho tôi đủ loại nước hoa, đặc biệt có cô bạn ở Pháp quen nhau trên diễn đàn thì thường xuyên gởi tặng nước hoa vì hình như bên Pháp họ hay dùng nước hoa hơn xứ Mỹ này. Đặc biệt phần tôi thì thuộc loại chuyên viên biểu tình “dãi nắng dầm sương” ngoài đường ngoài sá thì làm gì có nhiều cơ hội ăn diện, tiệc tùng mà dùng hoa với bông.

Dù mùi nước hoa “Le Temps D’aimer Alain Delon” của ông tài tử Tây đẹp trai có thơm, có quý phái, có mắc tiền đến mấy chăng nữa thì cũng không sánh bằng mùi mồ hôi của Ba tôi. Bây giời sống tại một nước văn minh, khăn đủ màu, đủ kiểu, dày, mỏng, size lớn, size nhỏ, size vuông, size tròn…, chưa bẩn là đã thay rồi, thế mà sao tôi vẫn thấy thiếu thốn cái gì gần gũi.

Hiện đang sống tại một đất nước văn minh, khoa học cho rằng dùng chung đồ vệ sinh cá nhân là một điều không nên vì dễ gây bịnh truyền nhiễm, thế mà trong suốt thời niên thiếu, tôi luôn xử dụng chung cái khăn lau mặt của Ba, có lẽ tôi “ghiền” cái mùi hồ hôi của Ba thì phải?!. “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được,” điều này chắc đã ứng dụng vào trường hợp tình cha con chúng tôi. Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm dược một lời giải thích thỏa đáng nào để chứng minh lý do nào mà tôi “can đảm” lau tới lau lui cái khăn của Ba từ năm này qua năm khác, trong khi hiện tại thì chỉ mới xài qua vài ba lần là thay khăn nờm nợp, hết khăn giấy tới khăn lông, thật là khó hiểu quá đi thôi! Ca dao có câu “thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi,” mà tôi thì cô đơn, không vợ nên tôi quen cái “hơi” của Ba.

Tôi biết lái xe khá sớm, mới 15, 16 tuổi tức mới đệ tứ, đệ tam là tôi đã lái xe “long trời lỡ đất” rồi, và cái ngày khởi đầu “sự nghiệp” lái xe làm tôi nhớ suốt đời. Như đã trình bày, Ba thương tôi lắm, nên Ba đi đâu hay làm gì đều có mặt tôi. Trong mấy tuần Ba tập lái xe Jeep trong sân vận động Tam Kỳ thì lúc nào cũng có tôi làm “quan sát viên,” nên tôi học lóm được đôi ba điều.

Vào một buổi sáng Chúa Nhật đẹp trời, tôi biến thành một tên “đạo chích,” trong khi Ba đang an giấc nồng thì tôi lặng lẽ vào phòng lấy trộm chìa khóa xe để lái đi nhà thờ. Thời Việt Nam đậu xe trong nhà chứ ít có garage hay parking ngoài sân như ở ngoại quốc. Leo lên xe, đút chìa khóa vào, “đề” máy, và…bánh xe bất ngờ dọt tới tông ngã cái tủ kính chứa đầy thuốc cao đơn, hoàn tán, vì nhà tôi “bán sĩ và lẽ” mà. Té ra là xe Jeep thuộc loại “số tay,” được Ba gài số khi đậu để xe khỏi lăn bánh, điều này tôi không “nắm vững” khiến lạng quạng, bất ngờ.

Nghe tiếng động lớn quá, Ba tỉnh thức và “nhè nhẹ” lắc đầu, chừng đó thôi cũng làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Cái dại này làm tôi luôn cảnh giác “cao độ” mỗi khi làm cái gì, vì mọi thứ đều có thể xảy ra ngoài dự liệu.

Theo vận nước nổi trôi, tôi qua Mỹ tháng 4 năm 1975, và mãi tới năm 1991 tôi mới bảo lãnh Ba và anh em đoàn tụ. Là người sinh hoạt cộng đồng nên tôi có cơ hội tiếp xúc với các người mới từ Việt Nam qua Mỹ. Từ đó tôi nhận thức rằng họ rất “nhạy cảm,” dễ bị dị ứng và dễ tủi thân, mặc cảm. Chỉ nghe một câu nói đùa hay một lời nói “quá thẳng thắn” là họ có thể buồn tủi và tự ái. Mà tính tôi thì lại “thẳng như ruột ngựa, và sống thật nên tôi lo rằng Ba sẽ thất vọng hoặc bỡ ngỡ khi tiếp cận với tôi.

Cùng lúc nộp đơn xin đoàn tụ, là tôi cũng đã viết thư kể cho Ba biết thật về đời sống thê thảm hiện tại của tôi. Tôi muốn Ba nắm bắt trước một số thông tin cần thiết về con minh để Ba chuẩn bị tư tưởng hội nhập, dù dự phòng như vậy nhưng cái gì đến rồi cũng phải đến. Từ phi trường đón Ba về nhà, Ba ngỡ ngàng, choáng váng khi bước vào căn phòng nhỏ xíu và thiếu tiện nghi của tôi, bởi lẽ là tôi chỉ đủ tiền mướn một căn phòng nhỏ vừa để làm việc “vác ngà voi’ mà cũng vừa để có chỗ trú cái thân tàn ma dại này.

Vì ở khu business nên không có phòng tắm, nên tôi phải tắm theo lối “dã chiến” trong một cái thùng rác lớn, bằng cách múc nước từ cái sink xối lên đầu, và khi xong rồi thì thì đổ nước bẩn vào toilet. Tôi thấy như vậy tiện lợi và cũng sạch thôi, hơn nữa cứ tưởng tượng đây cũng là cơ hội “sống với kỷ niệm” thời thơ ấu tắm trong lu. Nhưng đối với Ba thì chỉ nội cái việc xỏ đôi chân vào thùng rác thôi là coi như danh dự đã bị xúc phạm và tổn thương rồi. Vì thương con nên Ba chẳng than thở hay phản đối gì, tuy nhiên linh tính tôi thấy không ổn, và lương tâm đang bắt đầu muốn lên tiếng. Nhưng “lực bất tòng tâm,” “cái khó nó bó cái khôn” nên tôi chưa biết nên giải quyết ra sao và cũng chưa tìm ra được kế sách.

Vào một ngày xui xẻo, Ba vừa bước chân vào thùng rác để tắm thì bị trợt vì bị cái thành thùng rác quá cao, Ba bị té tím người. Sức chịu đựng cũng như sự nhẫn nhục có giới hạn, Ba lặng lẽ thu xếp quần áo về sống với em tôi ở trên Long Beach. Tôi bối rối, tôi hối hận, tôi xấu hỗ, và tôi bất lực. Quyết định Ba bỏ nhà ra đi là một quyết định đúng và hợp tình hợp lý. Tim tôi thì muốn kéo Ba lại, nhưng lý trí thì bảo hãy để Ba đi. Tôi bị dằn vặt giữa con tim và khối óc. Ba đi rồi căn phòng trở nên hoang lạnh, tôi khóc suốt mấy đêm không ngũ được, tôi tự trách mình sao lắm vô tình khi đối xữ tệ bạc với Ba như thế. Tôi bắt đầu mua vé số, tôi chỉ mong trúng lô nhỏ thôi, chỉ cần vừa đủ tiền sắm cho Ba cái phòng tắm đàng hoàng. Vé số thì chưa trúng, nhưng Ba thì bây giờ đã miên viễn ra đi, và kể từ đó tôi chẳng còn háo hức mua vé số nữa.

Trước thời 1975, gia đình tôi có tiệm buôn khá lớn ở Tam Kỳ, Quảng Tín, miền Trung, nên khi tôi vài Sài Gòn học Luật thì Ba chuyển tiền vào trương mục Saigon Ngân Hàng ở Bến Chương Dương để tôi đứng tên, nhằm tôi có thể rút tiền mua hàng hóa gởi về quê cho Ba bán. Từ nhỏ tôi đã có cái khiếu thích thương mại, nên tôi thường theo Ba đi mua hàng hóa, chính vì vậy mà khi học lên năm thứ 3, thứ 4 cử nhân Luật Khoa thì tôi chọn Ban Kinh Tế thay vì Tư Pháp hay Công Pháp. Ba tin tưởng tôi tuyệt đối, đặc biệt vấn đề tiền bạc thì tôi “tự tung tự tác” mà Ba chẳng hề bận tâm, tôi tiêu xài khá nhiều tiền nhưng cũng làm ra bộn bạc cho Ba. Dù lúc đó còn trẻ, chỉ mới hơn hai mươi tuổi, tôi có những quyết định táo bạo khiến cho Ba tôi “lùng bùng” cả lỗ tai, nhưng vì quá thương con nên Ba đành chấp nhận “ngậm bồ hòn” cho xong, ai bảo sinh tôi ra mà làm chi?!

Nhớ lại chuyện đầu năm 1974, tôi thấy tình hình đất nước xáo trộn và miền Trung có thể mất, nên tôi “tự động” rút chừng 15 triệu đồng để mua và nối dài căn nhà đúc 4 tầng ở 336 B.Trần Quý Cáp, Sài Gòn, gần cơm tấm đường rầy xe lửa, mà nay đổi thành tên đường Võ Văn Tần. Với bản tính thích hoạt động, tôi mở quán cơm, cà phê dành riêng cho sinh viên, học sinh, nhưng khi tôi nộp đơn xin phép thì bị nhân viên Tòa Đô Chánh từ chối vì họ đòi phải chi 70 chục ngàn đồng tiền “trà nước,” và sau đó tôi cũng giải quyết xong.

Sau khi Ba Má tôi phát giác ra chuyện tôi mua nhà thì Ba Má rất “rầu,” vì số tiền đó là để buôn bán chứ đâu phải để mua nhà, nhưng sự việc đã “lỡ rồi” nên Ba Má chỉ biết than với thở mà thôi. Dù vậy “trong cái rủi lại có cái may,” nhờ tôi táo bạo quyết định mua cái nhà đó, mà sau 1975 Ba Má tôi di tản từ ngoài Trung vào Sài Gòn có chỗ trú ngụ, sinh sống.

Đã nói là tôi luôn có những quyết định “táo bạo” và “chẳng giống ai hết.” Khi tôi muốn làm gì thì tôi làm mà chẳng bao giờ “care’ đến lời ong tiếng ve, bàn ra tán vào của thiên hạ. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tình hình miền Nam xao động, thiên hạ thi nhau bán tháo bán đổ đồ đạc, xe cộ, nhà cửa để tính chuyện di tản, thế mà tôi lại “can đảm” đi mua chiếc xe hơi Honda.

Vào ngày 16 tháng 4 năm 1975, tôi mua chiếc xe hơi Honda số Z00464 của ông Trần Hữu Niết, tài xế của một viên chức Mỹ làm trong tòa đại sứ bỏ về Mỹ, và ông Niết cũng muốn bán để mà di tản luôn. Lúc tôi mua xe, hầu như ai ai cũng chửi tôi là thằng ngu, thằng khùng, thằng ngông, thằng “đủ thứ”…, nhưng Trời lại thương kẻ “khù khờ” như tôi, và vì chính nhờ “cái ngu” mua chiếc xe có bản số “Z” của tòa đại sứ Mỹ đó, nên khi tôi lái xe vào phi trường Tân Sơn Nhất thì được Quân Cảnh “M.P” Mỹ mở cổng cho tôi lái xe vào tỉnh bơ mà chẳng soát giấy tờ “manifest” gì cả, mà còn chào tôi một cách trịnh trọng nữa, vì ngỡ lầm tôi là CIA hay viên chức cở bự của tòa đại sứ Mỹ, oai quá sá! Và nhờ chiếc xe bản số “Z” mua vào giờ thứ 25 này mà tôi được vào phi trường lên máy bay C130 qua Mỹ, thoát khỏi bọn quỷ đỏ cộng sản vô thần, hú hồn!

Ông Niết chủ xe số “Z” này mà có đọc bài viết này, thì xin liên lạc với tôi để tôi có thể trả nốt số tiền “nợ” ông vì tôi chỉ mới đặt cọc 50 chục ngàn đồng, mà ông đã di tản mất rồi.

Qua cái kinh nghiệm trên, tôi mới chiêm nghiệm ra là trên đời cái “may rũi” khó lường, như câu chuyện “Tái ông mất ngựa,” và ai khôn, ai dại khó mà nói được, khiến tôi nhớ lại bài thơ “Dại Khôn” như sau:

“Làm người có dại mới nên khôn

Chớ dại ngu si chớ quá khôn

Khôn được ích mình đừng rẻ dại

Dại thì giữ phận chớ tranh khôn

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

Chớ cậy mình khôn mà mình dại

Gặp thời dại cũng hóa nên khôn.” (ngưng trích)

Nhớ ngày 27 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn như ong vỡ tổ, thiên hạ nối đuôi rút tiền, tôi cũng đến Saigon Ngân Hàng rút tiền mà chạy giặc. Cầm cái check ký sẵn để rút hơn 32 triệu đồng còn trong trương mục ngân hàng quả là một chuyện “impossible” vì Bến Chương Dương tràn ngập người và người. Tôi có hứa “biếu” 5 triệu cho người nhân viên ngân hàng để họ giúp tôi rút tiền, dù ông ta đã cố gằng hết sức nhưng không thể nào làm thủ tục rút tiền được, vì lúc đó ngân hàng như cái chợ, không còn trật tự, mạnh ai nấy nói, lệnh lạc lung tung, chửi bới loạn cào cào. Vì thấy chuyện rút tiền bất khả thi, không xong, nên tôi đành bỏ cuộc để tính chuyện lên gấp phi trường, và ôm cái check về “lộng kiếng” giữ kỷ niệm cho tới ngày hôm nay. Của cải thật phù du, có đó mất đó, tất cả chỉ là vô thường mà thôi.

Tôi biết rất nhiều người giàu lắm, nhưng với số tiền hơn 32 triệu đồng vào thời 1975 cũng là số tiền khá lớn chứ không nhỏ, vì lương công chức thời đó chỉ từ 20 ngàn đến 30 chục ngàn đồng một tháng mà thôi. Ước gì tôi tiên đoán được tình hình, lúc đó rút tiền sớm để mua vàng, thì bây giờ tôi đâu phải bị thiên hạ khinh khi, dè bĩu là đồ “homeless,” hu hu!!!

Câu thành ngữ “thương nhau lắm cắn nhau đau” quả thật không sai chút nào trong trường hợp cha con tôi. Khi vui vẻ với nhau thì hết mình, nhưng khi “đụng nhau” thì cũng “tới bến,” Ba là Trương Phi “Senior” thì tôi lại là Trương Phi “Junior,” ông nóng tám lượng thì tôi cũng nóng tới nửa cân, nên “mặt trận miền Tây” không phải lúc nào cũng yên tĩnh. Vốn dĩ là con của ông “Lý Trưởng” nên Ba ảnh hưởng ít nhiều văn hóa Tây phương, tỏ ra phóng khoáng, cởi mở, văn minh nên Ba không dựa vào câu “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” để mà áp chế tôi, nghĩa là tôi được hoàn toàn tự do “oanh tạc,” và Ba sẵn sàng phản công. Có lẽ thấm nhuần câu “cha mẹ sinh con Trời sinh tính” nên Ba không cảm thấy khó chịu hay bất mãn khi phải đối phó lúc tôi trân gân cổ “cãi” tới chiều, trái lại Ba còn khuyến khích tôi cứ thẳng thắn tranh luận bất cứ đề tài gì, Ba muốn tôi là “bạn” của Ba mà. Nếu mà ngồi đây kể lại hết những trận “thư hùng” giữa cha con tôi thì sẽ “liên tu bất tận” vì nó nhiều lắm, đụng đâu “cãi” đó, vì hồi trẻ tôi chọn “cãi” là một niềm hạnh phúc, nên tôi phải kiếm Ba mà cãi, vì tôi “ỷ lại” Ba đâu có giận hờn, trách móc gì tôi vì tôi là con Ba mà, có gì chăng nữa thì Ba chặt đầu sống chứ đâu nở xuống tay chặt đầu lưỡi mà sợ.

Những trận cha con “cãi cọ” là chuyện “nhỏ như con thỏ,” nhưng một kỷ niệm “cãi dữ dội” mà lẽ ra sống để bụng chết mang theo, thì nay tôi lại “bật mí” ra đó trận “cãi” vì chuyện “chính chị chính em.” Nguyên là vào thời 1999, tôi hết biểu tình Việt gian Trần Trường Hi-Tek, thì kéo qua Nghị viên Tony Lâm, rồi tiến đến chợ Little Sagon của ông Trần Dũ, tôi trở thành kẻ thù và là cái gai của một số người, chính vì vậy mà bọn chúng muốn chận đường “tiến quân” của tôi.

Sau những màn “dụ dỗ, đe dọa, khủng bố” tôi không xong, bọn Việt gian cầu cứu đến những “ông già” Quảng Nam bạn bè, đồng hương của Ba. Mấy “ông già” này xử dụng chiêu bài đánh tâm lý bèn cách gọi phone đến nhà Ba để thăm hỏi, kể lễ, tâm sự, chứng tỏ như là lo lắng, quan tâm đến Ba lắm lắm. Đến khi Ba “mũi lòng” trúng vào mê hồn trận họ rồi, thì mấy “ông già” này mới tung chiêu “khích tướng,” nào là con cái họ mới qua Mỹ mà đã có xe hơi, nhà lầu, vợ đẹp con khôn, công danh sự nghiệp, còn Ngô Kỷ con ông qua Mỹ từ 1975 thì lại là homeless, đầu đường xó chợ, bị nhục mạ, bỉ thử tùm lum tùm la, vân vân và vân vân.

Thế là Ba bị lọt vào ổ phục kích của bọn Việt gian, Ba bắt đầu cảm thấy buồn tủi, nhục nhả, mặc cảm, xấu hổ, thất vọng, chán chường vì tôi, và Ba bắt đầu lên tiếng. Thế là một trận chiến “ngôn ngữ” xảy ra, Ba làm công tố viên buộc tội tôi, và tôi dựa theo quyền tự do ngôn luận của “Đệ Nhất Tu Chính Án” để mà “cãi” lại.

Ba tuổi già sức yếu làm sao “cãi” lại tôi vì tôi cứ biện hộ lẽ phải về mình, “chuyện biểu tình là quyền hiến định, còn chuyện nhà cửa, vợ con, công danh, sự nghiệp không phải là thứ “hạnh phúc” mà tôi theo đuổi.” Thế là áp huyết Ba lên cao cực kỳ, thấy không “chiêu hồi” được tôi, Ba mới “thấu cáy” một câu xanh dờn: “Mầy ỷ quen với Tổng Thống Reagan, Tổng Thống Bush nên mầy không còn coi cha mầy ra thể thống gì nữa!” Trời ơi! tôi lùng bùng cả lỗ tai, tôi hoàn toàn bất ngờ vì tôi không thể tưởng tượng nỗi Ba tôi nở lòng nào “phán” một câu “kinh thiên động địa” như vậy.

Những tiếng chửi rủa “mất dạy, du côn, du thủ du thực, ma cô” thì tôi nghe thiên hạ chửi hà rầm, thường xuyên nên tôi quen tai rồi, nhưng cái câu mà Ba vừa “phun châu nhả ngọc” như vậy làm tôi điếng chết cả người. Dù tôi có thuộc vào loại gì trong tự điển chăng nữa thì tôi cũng không thể thuộc loại đứa con “vọng ngoại” đến mức tệ bạc như vậy, và tôi cảm thấy danh dự và nhân phẩm tôi bị xúc phạm trầm trọng, cho dù lời nói đó xuất phát từ cha mình chăng nữa, thế là tôi quyết định “bỏ xứ” ra đi.

Tôi có thưa với Ba là tôi sẽ lên Sở Di Trú để đổi họ, nghĩa là không còn lấy họ Ngô nữa để khỏi làm xấu hổ gia tộc, và tôi chở Ba đến tòa soạn báo để Ba viết một bản tin từ con để Ba khỏi còn chịu trách nhiệm hay xấu hổ gì về tôi nữa cả. Ba không trả lời trả vốn gì cả mà Ba lại lên tiếng muốn về lại Việt Nam. Trời ơi, mới lo cho Ba qua đoàn tụ có mới mấy tháng mà Ba đòi về thì sao mà chấp nhận cho được, có thể Ba giận tôi chứ còn các anh chị em khác của tôi vô tội và họ cần có Ba bên cạnh mà, tiến thối lưỡng nan vì thấy Ba quyết liệt quá, nên tôi đồng ý chìu theo ý Ba đòi hỏi.

Thế là tôi ra tiệm bán vé máy bay và nhờ cô Tâm in cho một cái vé máy bay “giả,” cũng có tên họ, ngày giờ đầy đủ, đàng hoàng, và sau đó tôi trao cho Ba. Coi như bổn phận xong, tôi không muốn “chạm trán” với Ba nữa vì trận đụng độ này quá nặng, tình hình khá trầm trọng khó cứu vãn, Ba có cái lý của Ba vì là cha nên Ba quan tâm và lo lắng cho tôi, trong khi về phần tôi thì tôi muốn có được cái quyền tư do chọn lựa cái quan niệm sống theo lý tưởng của tôi, thế là tôi “mang quả mướp” lên San Jose lánh nạn. Sẵn dịp có một nhiếp ảnh gia Mỹ tên là Thomas triển lãm 35 tấm hình Hồ Chí Minh tại bảo tàng viện Oakland nên tôi lấy cớ “di tản chiến thuật” lên trên đó để tha hồ “biểu tình” mà khỏi bị Ba “cản mũi kỳ đà.”

À, cái vụ vé máy bay của Ba thì trước khi tôi đi Bắc Cali thì tôi có nhờ Chú Tân, một người chú kết nghĩa đến “hòa hợp hòa giải” với Ba cho Ba xuống cơn thịnh nộ, và thời gian đó Ba không còn thấy tôi lờn vờn trước mặt nữa nên có lẽ Ba nguôi ngoi sự giận dữ, hay cũng có thể là Ba “nhớ” tôi, tôi hy vọng thôi vì không chắc, rồi cái chuyện Ba muốn về Việt Nam cũng lãng quên theo thời gian.

Lên San Jose thì sinh hoạt với Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali cũng khá vui và bận rộn, thời đó San Jose rất phồn thịnh và khí thế đoàn kết chống cộng rất cao, được mệnh danh là thủ phủ chống cộng và là “thung lũng hoa vàng” vì cả một rừng hoa vàng. Từ khoảng năm 2000 tới 2004 tôi tình nguyện cộng tác không lương với đài phát thanh Quê Hương để phỏng vấn hầu hết các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền trong quốc nội để phát thanh ngược về Việt Nam mỗi ngày một tiếng đồng hồ và tạo liên kết tiếng nói hỗ trợ từ hải ngoại vào trong nước.

Sau đó thì được tin Ba bị bệnh khá nặng, nên “lá rụng về cội,” tôi rời San Jose để về sống gần gũi với Ba, dù trong quá khứ tôi có đúng hay sai thì tôi vẫn là con của Ba, và tôi như “tung cánh chim tìm về tổ ấm” trong bản nhạc của Bộ Chiêu Hồi từng phát trên đài trước 1975.

Rút kinh nghiệm nên về sau này tôi cẩn thận và dè dặt hơn khi “cãi.” Tôi “hên” là Ba nghĩ tình cha con nên xí xóa, chứ thiên hạ ngoài đời đâu có “dây mơ rễ má” gì, chắc chắn họ không khoan dung, độ lượng như Ba, mà có lẽ họ chỉ chờ chực “ăn tươi nuốt sống” nếu tôi lỡ lời, nói năng sơ hở chút gì thì sẽ biến thành một đề tài “khủng khiếp” để mà bỉ thử, làm nhục tôi, ngay cả kiện cáo như tôi từng vác chiếu ra tòa nhiều lần trong quá khứ. Chính vì có cái tật thích “cãi” nên tôi hay lưu ý đến những gì liên quan đến “cãi,” mà trong đó có câu chuyện cổ Ấn Độ nói về con khỉ và con két tranh luận, cãi lộn, rồi giết nhau chỉ vì chuyện con đom đóm có lửa. Chuyện này cũng thấy xảy ra nhan nhản trong cộng đồng chúng ta. Câu chuyện đáng suy nghiệm như sau:

“Mùa Đông, trong cánh rừng già, giá buốt. Thấy đom đóm phát sáng, tưởng có lửa. Khỉ bắt con đom đóm để vào giữa một đống lá khô; hì hục thổi, nhóm lửa sưởi ấm. Nhờ ra sức thổi, cơ thể sinh nhiệt; Khỉ cảm thấy bớt lạnh. Càng tin vào “lửa” của con đom đóm, có thể sưởi ấm mình, Khỉ càng thổi mạnh hơn nữa.

Từ một tàn cây; nghe tiếng thổi ầm ỉ của Khỉ, tỉnh ngũ, Két nói vọng xuống: “Bác Khỉ ơi là bác Khỉ, tội nghiêp lắm; con đom đóm chỉ chiếu sáng thôi. Nó làm gì lửa mà bác phải mất công thổi…cho đến lòi đuôi như thế!”

Khỉ trả lời ngay: “Bác Két ạ, bác chỉ nói dông nói dài, mà không biết gì cả. Có lửa chứ sao không! Tôi đã thấy ấm hơn rồi đây.”

Két nằng nặc: “Đom đóm chỉ chiếu sáng, không có lửa. Khỉ ơi là khỉ.”

Khỉ quát lớn: “Đom đóm có lửa! Đồ có mỏ mà không có mắt!”

Không chịu bỏ qua; Két bay xà xuống, kề bên tai Khỉ, trịnh trọng: “Xưa nay, đom đóm chỉ chiếu sáng, đom đóm không có lửa bao giờ!” Nổi nóng, Khỉ tóm đầu Két, quăng mạnh vào một gốc cây. Tan xác! Như trong cơn ngây, Khỉ tiếp tục cong lưng, lòi đuôi, thổi lửa … tìm hơi ấm từ con đom đóm!”

Tôi rất thích câu chuyện ngụ ngôn đơn sơ nhưng chứa nhiều triết lý này. Dù con Két có hiểu biết và khôn nhưng lại thiếu “ngoan” nên mới bị chết banh xác, còn con Khỉ thì lại ngu đần, nhiều cố chấp, đầy ngộ nhận mà lại tàn ác nữa nên phải sống trong cánh rừng già giá buốt kia để mà thổi “lửa” con đom đóm, rồi cũng chết theo cái lạnh vì cái ngu của Khỉ mà thôi.

Ngoài đường ngoài sá dù tôi có bị thiên hạ bỉ thử ra sao chăng nữa, nhưng đối với Ba Má suốt đời tôi vẫn là đứa con thật bé nhỏ và một mực thương yêu Ba Má. Chính vì vậy mà tôi rất thích bài thơ “Tình Cha Nghĩa Mẹ”:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”

Kể từ khi Ba thay đổi cách xưng hô với tôi thì tôi vô cùng lúng túng và bối rối, tôi nghĩ đây không phải là một sự tình cờ hay ngẫu nhiên nhưng lại là một quyết định có suy nghĩ chín chắn và cân nhắc cẩn thận. Ngay ngày đầu tiên Ba vào viện dưỡng lão, có lẽ trong thâm tâm Ba ý thức được là sức khỏe và tinh thần Ba đang bước vào thời kỳ suy sụp, không còn đủ minh mẫn để có thể khuyên răn hay chỉ giáo cho tôi một cách sáng suốt như lúc Ba còn khỏe mạnh được, chính vì thế mà Ba chuyển đổi cách xưng hô như muốn gởi một tín hiệu rằng Ba nhìn nhận tôi là “người lớn” rồi.

Nghe Ba gọi “anh Kỷ” làm tôi ngạc nhiên vô cùng, tôi không hề chuẩn bị để nhận tiếng gọi “trịnh trọng” như vậy, tôi vẫn luôn thích được nghe Ba gọi là “mầy,” là “con” như Ba từng gọi tôi suốt 60 năm qua. Dù không giải thích lý do, nhưng tôi biết Ba muốn nhắn nhủ tôi “đừng nên trông cậy gì nhiều nơi Ba nữa, mà hãy tự lo lấy thân và phải trở nên con người có trách nhiệm.” Trời ơi, tôi đang sống một cuộc sống bừa bãi, bạt mạng và vô trách nhiệm lâu nay, hễ có gì khó khăn phiền phức là tôi chạy đến Ba cầu cứu, Ba như cuốn tự điển mà tôi xử dụng suốt hơn nửa thế kỷ nay mỗi lần tôi lộng cộng “spelling,” thế mà bây giờ quyển tự điển bị gấp lại thì hỏi làm sao mà tôi không bị bối rối lo âu cho được.

Một kỷ niệm khắc sâu trong tôi là cái ngày đầu tiên Ba rời nhà để vào viện dưỡng lão, Ba rút trong ngón tay ra chiếc nhẫn cưới Ba Má mà Ba đã đeo suốt hơn 65 năm trời và trao cho tôi giữ, đón nhận chiếc nhẫn mà tim tôi đau nhói, tôi đã khóc thật nhiều trong khi Ba thì lặng lẽ như một người đã thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn “hỉ nộ ái ố” của cuộc đời. Tôi đã từng nói, tôi là “đại vô sản,” nghĩa là đời tôi không có cái gì hết, tôi chì là một con số 0 to tướng, tôi không có gì để mà lưu luyến giữ gìn, bảo vệ, thế mà bây giờ Ba lại giao chiếc nhẫn cho tôi giữ làm thay đổi cả một quan niệm sống “bất cần đời” lâu nay của tôi, bây giờ tôi trở thành một con người có trách nhiệm, Ba đã trao cho tôi giữ cả một bầu trời thương yêu của Ba Má.

Là lãng tử, giang hồ nên tôi chẳng coi cái gì trên đời này là quan trọng cả, do đó có lúc túng tiền tôi nghĩ đến chuyện đem bán chiếc nhẫn cưới của Ba Má để kiếm chút tiền xoay xở, nhưng không biết động lực nào đã khiến tôi rụt rè, ái ngại mà không thực hiện ý định đó được, tôi không ngờ trong tôi cũng còn lại một chút “lương tâm,” và tôi vẫn còn giữ chiếc nhẫn cưới Ba Má cho đến ngày hôm nay. Trước kia vì không phải là người trong cuộc nên tôi không hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu “làm đĩ chín phương chừa một phương lấy chồng,” nhưng nay tôi đang rơi vào cái hoàn cảnh này nên tôi mới hiểu rằng dù tôi có hư hỏng bê bối ra sao nữa, thì tôi cũng không thể coi nhẹ cái tình thương cao cả và thiêng liêng mà Ba Má đã dành cho tôi.

Cuộc đời êm đềm trôi, dù rằng Ba bị những chứng bịnh của tuổi già nhưng sức khỏe tương đối ổ định nhờ có đủ thuốc men và viện dưỡng lão chăm sóc chu đáo. Mỗi lần vào thăm Ba là tôi chuẩn bị tinh thần để nghe Ba huyên thuyên ‘tâm sự,” chuyện trên trời dưới đất, chuyện theo Việt Minh chống Pháp, chuyện gia phả họ hàng, chuyện gái trai bồ bịch, chuyện đánh bạc với ông tỉnh trưởng, chuyện thế thái nhân tình, nói chung là Ba coi tôi là cái máy cassette thâu âm hồi ký của Ba, có lẽ Ba nghĩ rằng đó cũng sẽ là những lời cuối cùng trong đời mà ba muốn gởi gắm lại cho tôi mà không còn cơ hội nào khác nữa. Chình vì nghĩ vậy nên dù tôi nhức cả đầu bởi những tiếng thị phi, dè bũi, bỉ thử, sỉ vả của đám Việt gian ngoài ngoài đường, nhưng tôi cũng cố gắng chú tâm lắng nghe lời Ba kể, chẳng những vậy mà thỉnh thoảng tôi còn hỏi lại thêm vài chi tiết làm ra vẻ là mình có quan tâm, và mỗi lần như vậy thì tôi thấy nét mặt Ba tươi tắn lên, thích thú và hạnh phúc vô cùng, lý do là Ba cảm thấy an ủi và hãnh diện vì thấy mình cũng vẫn còn có “giá,” và với tôi thì quả thật Ba lúc nào cũng có “giá” vì có trên thế gian này có “giá” hơn Ba.

Nếu mà đem so sánh, thì tôi chưa xứng xách dép cho Ba vì thời trai trẻ Ba “oanh liệt” và khôn ngoan, giỏi dắn lắm. Ba cao ráo, đẹp trai nên “tình nhân” thì vô số kể. Riêng cái mục này thì tôi cực lực “phản đối” Ba vì Ba đã “dzớt” hết duyên của tôi, Ba “ăn mặn” khiến tôi bây giờ bị “khát nước,” hu hu!!!

Gia đình tôi sống ở “nhà quê,” nhưng thời đó Ba đã biết đánh máy mười ngón rồi khiến tôi hãnh diện về cha mình quá chừng, cả xóm chỉ có nhà tôi là có cái máy hát dĩa, có cây kim, quay bằng tay, cứ tối đến là hàng xóm tụ họp lại để Ba mở nghe vọng cổ “Tình anh bán chiếu” do Út Trà Ôn ca, hay hề Văn Hường hát “Tư ếch đi Sài Gòn” v.v…Đến thời có truyền hình, tôi cứ theo Ba leo lên sân thượng để quay cây “ăng tên” cho đúng hướng, rồi Ba mua xe Lambretta, mua xe Honda 90cc, mua xe hơi khiến tôi “nể” Ba quá sá. Cứ trong tỉnh có tiệc tùng là họ cho xe tới mời Ba đi dự vì Ba là “đại thương gia,” nghĩ tới đây thì tôi tủi thân hết sức, vì với thân phận “homeless” của tôi bây giờ thì đâu có ai điên khùng gì mà mời với mọc, hu hu!!

Một hôm dọn cái kho Storage chứa đồ cho gọn lại, luôn tiện kiếm cho Ba vài món đồ Ba cần, bổng dưng nước mắt từ đâu trào ra khi tình cờ mở nắp thùng đựng những bộ đồ cũ của Ba, mà trước khi vào bệnh viện dưỡng lão Ba đã gởi lại cho tôi cất giữ, vì Ba biết chẳng còn cơ hội để mặc. Thích sống với kỷ niệm nên tôi dễ bị xúc động khi gặp lại hay nghe kể lại những chuyện quá khứ, chính vì vậy mà khi ôm những bộ quần áo Bà vào lòng, tâm trạng tôi trở nên xao xuyến lạ lùng, ngập tràn hạnh phúc mà cũng lại vô vàn xót xa, vì nó nhắc nhở tôi bao kỷ niệm đẹp của cha con trong quá khứ.

Mới ngày nào Ba o bế từng cái li quần, vuốt ve từng cái gút thắt cà vạt vì Ba thuộc loại “điệu” mà, thế mà nay Ba chỉ còn mặc quanh đi quẩn lại máy bộ đồ xanh bệnh viện rộng thùng thình để tiện lợi cho việc chích thuốc, đo mạch, bơm thức ăn, vệ sinh v.v…Gặp hoàn cảnh này tôi mới hiểu được lý do người Mỹ hay dời nhà, thích bán “garage sale,” thường tặng đồ cho Goodwill, là vì họ không muốn nhìn lại những kỷ niệm của người thân yêu, và quả thật tôi bị “sốc” khi nhìn thấy lại những đồ vật xưa cũ của Ba.

Dành cả buổi “đọc lén” từng trang hồi ký Ba viết, mới phát giác chiều sâu của Ba lúc về già, và cảm kích tình Cha sao mà vĩ đại quá. Tôi lại khóc thút thít nhiều hơn nữa khi thấy Ba dành hơn nửa quyển hồi ký ghi chú về đề tài “Ngô Kỷ.” Có những chuyện lặt vặt tôi không hề để ý đến, thế mà Ba lại quan tâm, tôi cho Ba món gì, đưa Ba đi ăn ở đâu, giới thiệu Ba cô bạn gái tên gì v.v…đều được Ba ghi chú lại cẩn thận, đầy đủ. Mỗi hành động và từng bước chân tôi đi đều được Ba lưu tâm đến, thế mà tôi nào có hay! Một điều rất đặc biệt mà tôi nghĩ không riêng gì Ba tôi mà bất cứ người cha nào trên quả đất này cũng vậy, đó là trong các đoạn ghi lại những trận”cãi vả” giữa cha con với nhau, thì câu kết lúc nào Ba cũng tự nhận lỗi về mình, phải chăng lúc nào Ba cũng muốn lãnh phần thua thiệt để cho tôi có được cơ hội “hơn” Ba. Thế mà lâu nay tôi đâu có biết, khi “cãi” mà thấy Ba làm thinh thì cứ tưởng là Ba “thua” rồi nên tự mãn vô cùng, bây giờ đọc được những trang hồi ký này thì mới biết là lúc mà mình đang “vênh vênh tự đắc” thì cũng là lúc Ba đang âm thầm nuốt những giọt lệ đắng cay vì có một thằng con ngỗ nghịch như tôi. Bây giờ muốn “thua” Ba thì Ba đã trở thành con người “vô vi” rồi, hơn thua không còn là nhu cầu trong những ngày cuối đời Ba nữa.

Cầm chai dầu gió xanh của Ba từ kho về nhà, tôi rảy tùm lum tùm la trong xe để có dịp ngữi lại cái mùi dầu xưa cũ, nhằm tìm lại cảm giác như là đang có Ba ngồi bên cạnh. Lúc còn khỏe Ba “ghiền” dầu gió xanh lắm, xức từ đầu tới chân thơm phưng phức, thiếu là không được, tôi phải đến tiệm thuốc bắc trong thương xá Phước Lộc Thọ để mua cả tá mỗi lần cho Ba dự trữ, nhưng kể từ ngày Ba vào viện dưỡng lão rồi thì không còn thấy Ba xức dầu gió xanh nữa, có lẽ quy luật không cho phép, chắc là Ba nhớ nó lắm, tội nghiệp Ba quá chừng!

Rồi một ngày “khủng khiếp” tới, vào ngày 27 tháng 1 năm 2011, tức trước Tết Tân Mão một tuần đúng vào ngày “Ông Táo Về Trời” thì viện dưỡng lão gọi phone báo tin đưa Ba vào bệnh viện Emergency, lúc đó tôi mới sực nhớ ra là đã hơn một tuần rồi tôi không vào thăm Ba. Tâm hồn tôi trở nên rối loạn, vừa lo lắng cho tính mạng Ba mà cũng vừa ân hận, xấu hỗ về cái tội lơ đảng của mình. Tôi cố đưa ra nhiều lý do để tự bào chữa, biện bạch cho cái tội tắt trách và bất hiếu của mình nhưng lương tâm cứ mãi cắn rứt và dày vò, tôi bắt đầu lo sợ và nghĩ quẩn, nước mắt tôi cứ trào ra trong cảm giác ăn năn, hối hận.

Sau khi nghe người y tá Phi Luật Tân báo rằng bịnh Ba khá nặng vì viêm phổi, linh tính tôi thấy tình hình trầm trọng vì người già mà bị viêm phổi thì nguy kịch rồi. Vẫn biết rằng “thất thập cổ lai hy,” thế mà lần này tôi lo sợ hơn tất cả những lần đưa Ba vào bệnh viện trước kia, tôi tự trách mình nếu mà mấy hôm trước tôi thường xuyên ghé thăm Ba thì có thể tôi đã phát giác ra bệnh, và đưa Ba đi bệnh viện sớm rồi.

Đầu óc tôi nghĩ ngợi mông lung, nào là “hạnh phúc trong tầm tay không biết giữ, đến khi mất rồi thì hụt hẫng tiếc nhớ khôn nguôi,” nào là “lúc sống thì không đối xử tốt với ông bà cha mẹ để rồi khi ông bà cha mẹ chết đi rồi mới mâm cao cỗ đầy thì còn ý nghĩa gì đâu,” và kể từ lần đó tôi tự hứa với lòng mình là cho dù có Việt gian đang ngông nghên cầm cờ đỏ sao vàng đi ngoài Bolsa, hay cô đào nhí có bảo rằng “100% anh ơi chiều nay 100% ” chăng nữa, thì tôi cũng phải đặt ưu tiên hàng đầu rồi mới nói đến chuyện thương cộng đồng, lo đất nước, yêu bồ bịch, hay quan tâm nhân loại được.

Cấp tốc chạy đến bệnh viện thì Ba được đưa vào phòng cấp cứu ICU, bị cách ly nên tôi hết lời năn nĩ :cá sống vì nước” với cô ý tá, chắc hình ảnh thằng Ngô Kỷ “bợm trợn” mà thiê hạ gán ép cho tôi lúc đó biến đâu mất rồi, mà chỉ còn lại “con nai vàng ngơ ngác” sợ mất cha. Động lòng trắc ẩn, cô y tá bấm cửa cho tôi với điều kiện mặc áo gown, mang bao tay và khẩu trang để tránh lây bệnh. Ba đang thở bằng ống dưỡng khí, tay trái thì găm đầy kim chích để chuyền thuốc và thử nghiệm máu, tay phải thì kẹp máu đo áp suất, còn ngực thì dán đầy dây nhợ nối vào monitor để theo dõi nhịp tim và oxygen, nhìn Ba như một người hành tinh ngoài vũ trụ xuống thăm quả đất.

Ngoài những lúc “đả đảo, hoan hô” ngoài đường, ngoài sá thì không kể, chứ bình thường tôi vẫn luôn thích yên tĩnh để tâm tư lắng đọng, nhưng trong hoàn cảnh này, trong không gian này, trong lúc này thì tôi muốn nghe tiếng “bíp, bíp” liên tục kêu của máy monitor, vì nếu nó chỉ ngừng vài giây thì tôi trở thành đứa con “mồ côi cha” ngay lập tức. Đứng trước sự sắp ra đi của người thân yêu mới cảm nhận trọn cái hạnh phúc vĩ đại mà mình đang có, và mới nhận thức được cái mất mát khủng khiếp nếu vào cảnh biệt ly.

Bác sĩ lắc đầu và nói chuyện “riêng,” mắt tôi trở nên tối sầm lại, trời đất quay cuồng, không gian đảo lộn, tai tôi lùng bùng, tôi không đủ bình tĩnh để đón hận hung tin. Bác sĩ choàng vai, tai nghe văng vẳng nào là “Anh biết không trong năm này nước Mỹ có đến hơn bốn mươi ngàn cụ chết vì viêm phổi…Ba anh trên 85 tuổi rồi như vậy cũng thuộc loại thọ lắm đấy, theo thống kê thì đàn ông Mỹ thọ 72 tuổi, đàn bà thọ 75” vân vân và vân vân…,thử hỏi lúc đó làm sao tôi có đủ tâm trí mà nghe gì nữa, vì tôi cũng biết đó chỉ là những lời an ủi trong giờ tuyệt vọng, cái điều mà tôi chỉ muốn nghe là ba tôi có thể cứu sống được không mà thôi. Đến lúc bác sĩ ai trong gia đình được quyền quyết định gắn ống dưỡng khí nhân tạo nếu Ba đi vào “coma,” đến lúc đó thì không còn nghi ngờ gì nữa, bao nhiêu hy vọng mong manh của tôi như sụp đổ hoàn toàn, tôi cầm phone gọi người anh cả đang làm trên Los Angeles.

Liên lạc được thì người anh cả cũng cho biết là anh đã được bệnh viện gọi báo hung tin, và thời gian sẽ không quá hai giờ đồng hồ nữa. Bản chất tôi rất yếu đuối trong vấn đề tình cảm, do đó tôi không bao giờ muốn quyết định, tôi thà chịu “tình phụ chứ không muốn phụ tình” do đó trong trường hợp này cũng vậy, nếu Ba “phụ tình” tôi mà ra đi thì ba cứ đi, chứ tôi không bao giờ quyết định để Ba ra đi cả, chính vì thế mà tôi muốn người anh cả tôi đảm nhận cái quyết định quan trọng này. Cả năm trời anh chị em tôi mới có dịp gặp mặt đầy đủ, vì tôi thì thuộc sống “đầu đường xó chợ” nên ít có cơ hội gặp gỡ ai cả, thầy bói nói cung “nô bộc” của tôi xấu lắm nên tôi không có nhiều bạn thân, ít chiến hữu, và cũng không sống gần gũi với gia đình, tôi được coi là “maverick” tức “kẻ độc hành.”

Anh chị em ôm nhau mà khóc, lâu nay chính Ba là chất xúc tác, là cái chất keo để làm trung gian nối dính tình cảm giữa anh chị em tôi lại, vì 4 người kia đều có gia đìnhnên bận bịu với con cái, công ăn việc làm, nhà cửa, còn tôi thì cứ ra đường “chọc cho thiên hạ chửi,” nên tôi không muốn gia đình bị liên lụy, chính vì vậy mà Ba hay cố tạo dịp để cho chúng tôi gặp nhau trong những ngày giỗ kỵ. Bà chị và ông anh rễ thuộc loại ngoan đạo nên xướng kinh cầu nguyện.

Thấy tình thế tuyệt vọng, tôi cầm phone gọi một bác sĩ “ẩn danh” rất thân đang hành nghề ở xa, để may ra vị bác sĩ này có thể ra tay “cứu độ,” và may mắn là vị bác sĩ này nhận lời cầu khẩn của tôi. Với uy tìn và chỗ đứng nghề nghiệp, vị bác sĩ “ẩn danh” này đã gọi phone yêu cầu vị bác sĩ đang trực tại bệnh viện, hãy dùng hết khả năng và phương tiện tối đa để cứu Ba dù phải tốn kém y phí lớn lao đến mức nào, thế là “đèn xanh” đã được bật, và vị bác sĩ đang phụ trách chữa bệnh cho Ba tôi bèn chích cho Ba tôi những liều thuốc antibiotics cực mạnh, và tận lực bơm oxygen cực mạnh vào phổi, nhưng Ba vẫn không thở được, óc không đủ dưỡng khí. Bác sĩ bèn chuyển Ba qua phòng khác để chuẩn bị gắn máy thở nhân tạo khi Ba đi vào “coma.” Hầu hết chữ “nhưng” là xấu, nhưng cái “nhưng” lần này thì quá tuyệt vời và hạnh phúc nhất đời tôi.

Ba bổng dưng cựa quậy chút đỉnh và có triệu chứng thở được, tôi nhanh chân chạy báo tin và bác sĩ đưa Ba trở ngược lại phòng ICU, lúc này thì chính tim tôi muốn ngừng thở chứ không phải là Ba ngừng thở. Bây giờ mới biết là những người trúng số mừng qua cũng bị “đứng tim.” Đang buồn thúi ruột, thì “ô kìa đời bổng dưng vui,” có lẽ nhạc sĩ Hoàng thi Thơ làm bản hạc này để chúc tụng tình yêu trai gái, nhưng tôi ế vợ nên tôi vui với Ba tôi. Lúc đó tự nhiên tôi cảm thấy mình hiền lành ra và hài hòa hơn, tôi thấy đời đáng yêu và đáng yêu hơn, bầu trời đang tối u tối mò bổng sáng rực lên.

Trong Thánh Kinh có dạy: “Một sợi tóc trên đầu còn do Thánh ý Chúa,” do đó cái mạng sống của Ba to tát như vậy thì chắc hẳn cũng phải do Chúa gìn giữ. Nhạc sĩ đa tài Trầm Tử Thiêng, người Quảng Nam cùng xứ với tôi, “thấy sang bắt quàng làm họ” một tí mà, ông đã sáng tác bản nhạc “Co1 tin vui giữa giờ tuyệt vọng” để ca ngợi và khích lệ tình thương dành cho thuyền nhân khốn khổ biển Đông, nhưng lại thích hợp phần nào vào hoàn cảnh và tâm trạng của tôi, nên tôi nhớ phần cuối bản nhạc nhằm tạ ơn Chúa, tạ ơn bác sĩ ân nhân “ẩn danh,” các bác sĩ và y tá bệnh viện Garden Grove Hospital, cùng những liều thuốc antibiotics cự mạnh đã tiêu diệt vi trùng đang hoành hành trong phổi Ba, nhờ vậy mà Ba mới có thể nhúc nhích được và thoát khỏi tử thần. “….Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Lời cầu kinh vừa có nghe tin. Trái tim ơi, đất trời lộng lộng. Chờ đêm đêm biển hát tình ca. Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Bao sinh linh nhận phép giải oan. Xiết tay nhau cuối đầu gạt lệ. Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người.”

Nghe tin Ba nằm bệnh viện, ông bạn “trời đánh thánh đâm” Etcetera của tôi lên “phương án” lập phái đoàn đi thăm Ba. Bình thường tì tôi không thích rườm rà, màu mè trong việc xã giao, nhưng đứng trước tấm lòng chaa6n thành của Etcetera tôi không thể nói lời từ chối, thế là ngày hôm sau một ê kíp gồm Etcetera của Việt Weekly, Vũ Hoàng Lân của mạng Phố Bolsa TV, Dr. Yêu nhân vật “cõi trên,” và Hồng Phúc, người bạn trẻ nhưng thỉnh thoảng cũng xát “xà bông” nhau khá kỹ, thế là kéo nhau xuống bệnh viện.

Ba vẫn còn nằm trong phòng ICU tức còn trầm trọng, nhưng mấy ông ký giả này chẳng coi trời đất này ra chi cả, người thì máy hình, kẻ thì máy phim làm như đi quay phim Hollywood không bằng, cứ thế mà tông cửa vào chẳng xin phép xin tắc gì cả, chẳng những vậy la5ingang nhiên làm một cuộc phòng vấn “Live” ngay giừng bệnh dù bệnh viện “kỵ” vấn đề thâu phim ảnh này.

Thấy anh em xả láng, thì tôi cũng thí mạng cùi, phỏng vấn thì phỏng vấn, miệng mũi Ba thì vẫn còn mang ống dưỡng khí, thế mà vì “yêu nghề nghiệp” nên Etcetera dặn Ba chỉ cần ra dấu hiệu bằng mắt và gục đầu, về nhà nhớ lại mấy cảnh nà sao mà nó giống như các loại phim trinh thám “Hitchcock” của Anh quốc quá chừng. Còn phần tôi thì sao mà “xấu hỗ” tệ, như trái mít ướt, hỏi tới đâu khóc tới đó, khi được hỏi lý do tại sao cho đến đến giờ này, đầu hai thứ tóc rồi mà tôi vẫn “chăn đơn gối chiếc,” tôi trả lời vắn tắt là không muốn có vợ, có con rồi Ba mãn nguyện khi thấy tôi yên bề gia thất thì Ba lại bỏ tôi ra đi mà không còn bận tâm chuyện vợ con cho tôi nữa. Cuộc phỏng vấn và trả lời được ghi nhận trong cái video phái đoàn thăm viếng Ba tại

Phần 1: https://youtu.be/-n_f7lkh74M

phần 2: https://youtu.be/SSGdhy8Lm70

Nhớ có lần đưa Ba đi Bác sĩ Tăng Q. Khôi để tái khám định kỳ “tiết niệu, urology,” số Ba thật hên, gặp bác sĩ nào cũng giỏi và lịch sự. Lẽ ra viện dưỡng lão cho xe Van có trang bị phương tiện thuận tiện chở người “handicap,” nhưng tôi thường yêu cầu được trực tiếp chở Ba đi dù rằng hơi bất tiện vụ “xe lăn,” lý do thật đơn giản là vì tôi muốn tạo cơ hội gần gũi Ba nhiều chừng nào hay chừng đó vì một ngày kia có muốn cũng không được. Đối với những người may mắn còn cha mẹ mạnh khỏe, khi thấy tôi chia sẻ những điều này cũng khó mà cảm thông trọn vẹn nỗi niềm lo lắng và hồi hợp của tâm trạng một đứa con có cha đang ở những ngày sau cuối của cuộc đời như tôi, chính vì vậy ông bà mình có nói “thức đêm mới biết đêm dài, đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”

Thành ngữ có câu “già hóa con nít” thật là thích hợp với hoàn cảnh Ba tôi, Ba nói chuyện và suy nghĩ như trẻ thơ, những lời dỗ dành hay khen tặng mà Ba từng dành cho tôi lúc tấm bé thì bây giờ tôi lại áp dụng cho Ba giúp Ba vui, hài lòng và hạnh phúc lắm. Cứ khen Ba đi “giỏi quá” là Ba sẽ cố gắng bước thêm vài bước nữa như đứa trẻ được dụ cho cục kẹo, nhiều khi tôi phải quay mặt để nén đi những giọt nước mắt.

Ngoài đường ngoài sá tôi bị liệt vào loại “trời đánh thánh đâm,” nhưng đối với Ba, tôi thương Ba lắm nên tôi rất yếu đuối và “mê tín dị đoan” hết cỡ, hễ cái gì mà “có thể” ảnh hưởng đến sự sống của Ba là tôi tránh tối đa, từ chuyện Ba nói giỡn giỡn thiệt thiệt: “Con lấy vợ để Ba thấy mặt cháu nội rồi Ba yên tâm nhắm mắt,” nghe chừng đó thôi cũng làm tôi ám ảnh mà ngại chuyện vợ con vì tôi sợ Ba thỏa nguyện rồi Ba chết bỏ tôi. Ba còn mấy trăm đồng trong account ngân hàng, nhiều lúc “kẹt” quá, tôi muốn cash ra xoay xở nhưng rồi lại không dám, các áo quần, nồi niêu son chảo của Ba chứa gần nửa cái kho, nhưng tôi không dám bỏ đi vì không muốn mang tiếng đi “trù ẻo” Ba v.v..

Hôm đưa Ba đi bác sĩ Khôi này, tôi phải chạy thật lẹ khỏi parking để Ba không nhìn thấy cái quán ăn Saigon Deli Restaurant, nơi mà Ba lúc khỏe vẫn thường thích thú ăn bún “Huế” tại đây, tôi sợ Ba sẽ tủi thân và thèm thuồng vì suốt một năm qua Ba không còn ăn bình thường bằng miệng được nữa mà phải bơm thức ăn trực tiếp vào bao tử. Mỗi lần có thân hữu ghé thăm Ba làm tôi vui lắm nhưng cũng phải ứng chiến 100% để sẵn sàng “đánh trống lảng” vì họ hay hỏi Ba những câu xã giao “nhạy cảm” như: “anh ăn có ngon lành không?,” “bao giờ anh trở về nhà?,” hay “anh có thường gọi phone với bà con ở Việt Nam không?” vân vân và vân vân.

Cũng tại phòng mạch bác sĩ Khôi này, tôi “chạm trán” với một ông bệnh nhân, ông ta nhìn tôi từ trên xuống dưới, từ đầu xuống chân, ông coi tôi như “ma” vậy vì ông không tin cái người đang đẩy xe cho một cụ ông lại là Ngô Kỷ. Sau khi chào xã giao, ông ta hỏi tôi có phải là Ngô Kỷ hay không và đẩy xe lăn cho ai vậy, tôi trả lời lại một cách bình thường. Ông lại “phang” một câu xanh dờn, “tôi tưởng là ông Ngô Kỷ chỉ biết đi biểu tình đả đảo, chửi bới thiên hạ ở ngoài đường thôi chứ đâu biết Ngô Kỷ cũng có cái ‘mặt’ khác nữa,” tôi chỉ biết cười thôi chứ “biết nói gì đây.” Thấy ông nhìn chăm băm muốn chờ phản ứng của tôi thì tôi buộc miệng nói “tôi như thế nào ngoài đường không quan trọng, nhưng tôi thương cha tôi vì nếu không thương cha mình thì đừng nói chi đến những chuyện khác.” May là nói vừa xong thì cô y tá kêu đẩy Ba vào phòng gặp bác sĩ nên tránh được “vấn đề” có thể xảy ra “tốt, xấu” không biết chừng được.

Còn nhiều chuyện, còn nhiều kỷ niệm giữa cha con tôi, nhưng viết tới đây tôi hết viết được nữa rồi vì tôi bắt đầu xúc động vì nhớ Ba. Mới đó mà 5 năm rồi, Ba tôi qua đời vào đúng ngày Memorial Day – Lễ Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ, 26 tháng 5 năm 2012, và anh chị em tôi cũng vừa làm giỗ lần thứ 7 tưởng nhớ Ba.

Có một điều khiến tôi khó quên là trước một tuần Ba từ giã cõi trần, Ba yêu cầu tôi đẩy xe lăn cho Ba ra ngoài parking để Ba chụp chung tấm hình với tôi và chiếc xe Vàng Ba Sọc Đỏ để kỷ niệm, và đó là tấm hình cuối cùng của cha con tôi bên nhau trên thế gian này. Bây giờ Ba đã ra đi, tôi tin là Ba chấp nhận và hài lòng để tôi theo đuổi con đường lý tưởng mà tôi đã chọn. Có lần nhóm “chiến hữu” của tôi vào thăm Ba, và hỏi Ba biết tôi là ai không, thì Ba trả lời tôi là “nhà tranh đấu”.

Chỉ cần Ba công nhận ngắn ngũi vậy thôi cũng làm cho tôi cảm thấy an ủi và vững tâm tiến bước trên con đường đấu tranh đầy chông gai và khó khăn mà tôi đã chọn, và đó chính là tâm tư và nguyện vọng mà Ba ủy thác nơi tôi. Ba đồng ý là tôi chẳng có cần suy tính gì nữa.

Con chẳng quan tâm đến lời khen tiếng chê của thiên hạ, mà con chỉ quan tâm đến Ba thân yêu của con mà thôi. Vâng, con khấn hứa là không bao giờ phụ lòng Ba, và con mãi mãi là “nhà tranh đấu” để ba hãnh diện vì con là con của Ba, con thương Ba.

Ngô Kỷ viết nhân mùa Tết Nhâm Dần 2022

Kèm theo một số hình để mình họa bài viết

Phụ Đính: Mời nghe đọc hai bài viết cũ:

- "Viết về cha" - Ngô Kỷ https://youtu.be/zPl8xs7b9gQ

- "Nỗi lòng đứa con mồ côi mẹ lẫn cha" - Ngô Kỷ https://youtu.be/b8X16G1Wo7M