Huy Phương, Người Việt, 17/10/2011

Huỳnh Văn Chỉnh mồ côi cha lúc còn là một cậu học sinh 7 tuổi trường Cầu Bắc, Mỹ Tho. Gia đình ông rất nghèo, mẹ phải buôn bán tảo tần, chật vật lắm mới nuôi đủ cho ba đứa con ăn học, nên thời niên thiếu ngồi trên ghế nhà trường, chưa bao giờ ông mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ, hay tiếng tăm hơn là một ca sĩ. Tuy vậy năm 1964 sau khi xong bậc trung học tại trường Nguyễn Ðình Chiểu, ông lên Saigon thi đỗ vào năm dự bị y khoa. Thay vì lo chăm chỉ học hành, ông còn chút nợ áo cơm còn phải chạy lên xuống Mỹ Tho để đi dạy thêm ở các trường tư lấy tiền giúp mẹ, cho nên phải hai năm ông mới hoàn tất xong chương trình học.

 

 

 

Một chuyến đi giúp vui tiền đồn. Ngồi: Trung Chỉnh và Billy Trung, đứng từ trái: Ngọc Minh (thứ tư), Khánh Ly (thứ sáu). (Ảnh do ca sĩ Trung Chỉnh cung cấp)

Năm 1965, Huỳnh Văn Chỉnh vào khóa 18 Quân Y, nhưng cũng chưa yên. Trong thời gian theo học để trở thành một quân y sĩ, ông thích ra ngoài đi ca hát hơn là chăm chỉ ghi chép tài liệu hay đến bệnh viện, do đó khi lên năm thứ tư, ông có lệnh bị nhà trường kỷ luật đuổi khỏi trường quân y, gởi ông lên thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ Ðức. Nhờ có thời gian đi hát trong những chương trình văn nghệ Hoa Tình Thương ở các quân y viện, Huỳnh Văn Chỉnh được can thiệp cho tiếp tục ở lại trường, nhưng phải chịu lệnh phạt 50 ngày trọng cấm. Như vậy là Trung Chỉnh mê đi hát hơn là Huỳnh Văn Chỉnh cặm cụi học hành để trở thành bác sĩ, và lần này thì Trung Chỉnh cứu được Huỳnh Văn Chỉnh khỏi về Thủ Ðức.

Cuối năm 1972, Huỳnh Văn Chỉnh tốt nghiệp quân y sĩ và về phục vụ tại Tiểu Ðoàn 6 TQLC trong thời gian sư đoàn TQLC nhận nhiệm vụ tái chiếm cổ thành Quảng Trị, và ba năm binh nghiệp đầu tiên của người quân y sĩ như mỗi ngày kề sát với máu lửa. Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ba tháng trước khi Saigon thất thủ, Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh được thuyên chuyển về bệnh viện Tiểu Khu Long Khánh.

Huỳnh Văn Chỉnh đã nếm mùi “cải tạo” qua các trại tập trung Trảng Lớn, Hốc Môn. Sau hơn một năm, vì nhu cầu chuyên viên y tế rất thiếu vì hầu hết bác sĩ đã nhanh chân di tản, ông được đưa về làm việc tại bệnh viện Phước Kiến, Chợ Lớn. Ðất nước dưới chế độ cộng sản lúc bấy giờ đang ở trong tình trạng “đưa thành thị xuống bằng nông thôn, đưa Saigon xuống ngang Hà Nội,” cuộc sống của dân chúng, công nhân đang ở trong “chế độ tem phiếu” của miền Bắc mấy chục năm về trước, bạn bè, chiến hữu thời chiến đấu còn “trầm luân” trong các trại “cải tạo” chưa về, Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh sau ba năm tại Phước Kiến, bỗng một ngày biến mất như những con chim sổ lồng khác.

Vợ chồng Bác Sĩ Chỉnh và bốn con nhỏ đến được Mã Lai nhưng đây chưa phải là kết thúc cuộc hành trình gian khổ trên biển. Mã Lai tuyên bố sẽ cho tàu đưa đến trại tị nạn Bi Ðông, đồng bào lên tàu hớn hở, hai ngày đầu trên tàu còn phí phạm dùng nước đánh răng súc miệng, phấn khởi chờ ngày cập bến. Sau ba ngày hai đêm, Mã Lai cho cắt dây kéo sà lan, để tàu trôi dạt lênh đênh trên biển, bị hải tặc Thái Lan cướp bóc vơ vét 4 lần. Sau 7 ngày không còn lương thực và nước uống đã có 9 người chết. Ngày thứ 13, sà lan được một tàu buôn Anh Quốc kéo tàu bỏ vào một đảo nhỏ, xa xôi, nghèo nàn ở Nam Dương, con số thuyền nhân chết mỗi ngày mỗi nhiều nên cơ quan tị nạn quốc tế phải chuyển số người này đến Galang.

Thankgiving năm 1979, giữa trời giá lạnh, áo quần phong phanh, chân mang dép, gia đình Bác Sĩ Chỉnh đến phi trường Denver, Colorado nhưng người bảo trợ không ra đón, suýt ngủ ở phi trường nếu không có đồng hương tốt bụng đưa về tá túc trong gia đình. Từ đây, để làm lại cuộc đời, chị Huỳnh Văn Chỉnh phải lo quán xuyến gia đình cho chồng luyện thi để lấy lại bằng bác sĩ y khoa ở Mỹ. Sau 18 năm hành nghề ở Oklahoma, đã đến lúc Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh về ở gần gũi với đồng bào và chiến hữu trong vùng nắng ấm Cali và tiếng hát y sĩ tiền tuyến ngày nào lại có cơ hội cất cao hát những bài hát của một thời chinh chiến.

Một 'Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa Hải Ngoại' 

Mấy năm gần đây, ý tưởng xây dựng một nghĩa trang cuối đời cho những người lính VNCH tại hải ngoại được một số anh em cựu quân nhân nêu ra và bắt đầu vận động để thực hiện. Ðây là một dự án có ý nghĩa nhưng quá lớn lao, trong khi tài nguyên, vật lực đều khởi đi bằng con số không. Người quân y sĩ TQLC ngày xưa, Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh cũng là ca sĩ Trung Chỉnh đã nhận lãnh trách nhiệm cùng với một số nhỏ anh em chiến hữu, với tinh thần lạc quan, làm việc hết mình để có thể hoàn thành một nơi mà những chiến hữu một thời đã từng mơ ước: “cho tôi xin một mộ phần bên ngàn chiến hữu của tôi.”(Nam Lộc).

Hiện nay một lô đất 55 mẫu giá $300,000 ở thành phố Adelanto (gần thiền viện Chân Nguyên) đang chờ ban vận động có đủ tiền mua để xây dựng nghĩa trang. Khi nghĩa trang bắt đầu thành hình thì những vận động về phía chính phủ Mỹ xin thành lập làng Việt Nam, Viện Bảo Tàng VNCH sẽ trở nên dễ dàng. Hiện nay không những các cựu quân nhân tại Nam Cali, mà ở nhiều nơi trên nước Mỹ, xa xôi như Minnesota, Georgia, Florida... anh em cũng đã ghi danh hội viên để đặt chỗ. Tuy chậm vì ngân khoản, nhưng công việc vẫn tiến hành nhờ quyết tâm của ban tổ chức và tấm lòng của các vị hảo tâm. Trước đây ủy ban vận động đã tổ chức hai lần gây quỹ và lần này vào ngày Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011 tại nhà hàng Grand Garden, Westminster, chính ca sĩ Trung Chỉnh cũng là chủ tịch Ủy Ban Vận Ðộng Xây Dựng Nghĩa Trang sẽ dùng ngày kỷ niệm cuộc đời y sĩ và ca hát của mình để gây quỹ cho nghĩa trang, với điện thoại liên lạc: (714) 839-2896, (714) 345-7133.

Dự án thì quá lớn mà sức người thì quá hạn chế, không những về ngân khoản mà còn thiếu người tiếp tay để điều hành công việc. Ủy Ban Vận Ðộng Xây Dựng Nghĩa Trang xin kêu gọi các đoàn thể cựu quân nhân, các hội đồng hương xin tiếp tay với ủy ban trong việc chung có ý nghĩa này. Câu hỏi của ca sĩ Trung Chỉnh dành cho chúng tôi khi hỏi về động lực dấn thân này, ông cho biết: “Tựu trung thì chúng ta là những người may mắn, qua bao nhiêu quãng đời của một đất nước chiến tranh, loạn lạc, chia lìa. Vì tình chiến hữu, chúng tôi mong muốn làm được một điều gì cho anh em. Ở đây không hề có danh vọng, lợi lạc, mà chỉ có mỗi tấm lòng đối với nhau.”


Tin liên quan: Website của UB VD XD NT QCC VNCH


SMCĐ: Mời thưởng thức Những Đóm Mắt Hỏa Châu của Trung Chỉnh / Hoàng Oanh