Chân Quê (Viet Herald)

Tôi là con út trong một gia đình có 6 người toàn con gái. Mẹ tôi tần tảo lo cho chồng con từ những ngày ở Hà Nội. Hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam thành 2 miền Bắc Nam bằng vĩ tuyến 17 ngay dòng sông Bến Hải, bắc ngang cầu Hiền Lương (giữa Quảng Trị và Quảng Bình). Gia đình mẹ không chấp nhận Cộng Sản; chọn chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa nên đã khăn gói quả mướp cùng chồng và 2 con lên “tàu há mồm” di cư vào Nam năm 1954.

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở Saigon, thành phố lúc bấy giờ còn có tên gọi là: “Hòn ngọc viễn đông.” Tôi được lớn lên trong cái nôi êm ấm của nghĩa mẹ, tình cha, những ngôi trường giáo dục tôi vẫn còn ở thành phố ấy hôm nay: Mẫu giáo & tiểu học Hòa Bình (do các soeur từ Vương Cung Thánh Ðường bên cạnh sang giảng dạy). Rồi đến trường Nữ Trung Học Trưng Vương và trường Sư Phạm (trên đường Thành Thái, Chợ Lớn). Bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.

Nhưng hình ảnh đậm nét nhất trong tôi vẫn là những màu áo trận Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thuở ấy, vì mẹ tôi có các bạn cùng thời di cư, gia đình họ có những người con trai khoác chiến bào để bảo vệ cho sự tự do của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Các anh ở trong Hải Lục Không Quân được mẹ tôi thương nhận làm con nuôi và gia đình chúng tôi vô cùng yêu quý họ.

Có những buổi, cả một tiểu đoàn (trong đó có anh Bùi Ngọc Tước, anh Trần Kim Trang...) kéo đến nhà tôi sau một trận chiến, giầy “bốt đồ xô” còn dính đầy bùn lầy, áo lính bạc màu sương gió. Mẹ và các chị nấu cơm cho các anh ăn rồi xúm xuýt trò chuyện về những chiến thắng oai hùng.

Vì còn quá bé, nên sau bữa ăn mẹ bắt tôi phải lên gác học bài. Tôi thường thập thò để chiêm ngưỡng các anh một cách say mê; tôi ước ao mình lớn nhanh để thết đãi tiệc cho các anh, để được góp chuyện trong lúc uống trà, ăn bánh cùng bố mẹ. Tôi tương tư hình ảnh oai hùng của các anh trong giấc ngủ, trong chiêm bao.

Rồi những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất; khi Việt Cộng pháo kích vào ngay thành phố Saigon Tết Mậu Thân 1968. Còn nhớ một buổi sáng, bố đưa tôi đi học trường mẫu giáo Hòa Bình, dưới chân tượng Ðức Mẹ của nhà thờ Ðức Bà là một hố bom to gấp trăm lần vòng chảo nấu bếp. Tôi thấy bố ứa nước mắt vì tượng Mẹ Maria không hề hấn gì. Còn tôi thì sợ quá co dúm cả người lại.

Ðến Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, sau thời gian dài cố thủ Cổ Thành và nhà thờ La Vang, trận chiến năm đó, tôi nghe kể lại là xác người chất thành núi và bao nhiêu mồ chôn tập thể cho người dân đất Việt. Một số các anh Thủy Quân Lục Chiến đến nhà tôi vui mừng kể lại niềm vui chiến thắng khi ngọn cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị. Nước mắt gia đình tôi chan hòa cùng tâm sự của anh, khi nghe nói về các đồng đội (trong đó có người đã từng đến nhà tôi) đã banh thây vì bom đạn nơi trận mạc, chỉ còn tấm thẻ bài mang về cho gia đình, thân nhân làm kỷ vật mà thôi! Tôi đã vùi mặt vào gối mà khóc nức nở, mà tiếc, mà thương.

Còn nhiều kỷ niệm nữa, khi chị lớn của tôi là người yêu của một thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến, chị nhớ anh quá nên có lần lái xe hơi chở chúng tôi lên đến “căn cứ Cọp Ðen” ở Nha Trang, gần suối nước nóng, vào tận trong rừng, mang thức ăn cho anh và các bạn khi họ đang tập trận thao trường đổ mồ hôi.

Tôi không bao giờ quên được những màu áo lính ấy, vai vác ba lô có phủ lá rừng che kín, y như trong những phim ảnh của truyền hình tôi thấy. Lúc bấy giờ, tôi chỉ muốn chạy đến dùng khăn lau mồ hôi cho các anh, ôm đàn guitar hát cho các anh nghe... mà tôi nào có dám; chỉ ngồi co rút người trong xe với tâm lòng đầy ngưỡng phục, với khao khát được làm một điều gì đó rất nhỏ để bù lại sự gian khổ của các anh.

Rồi 30, tháng Tư đen, các anh bị đẩy đi tù từ Bắc đến Nam, bị đọa đày, bỏ đói, đánh đập, giết chết một cách dã man bởi những người cùng màu da, cùng chủng tộc, nhưng hoàn toàn khác chủ nghĩa. Bao nhiêu là hoàn cảnh đoạn trường không bút tích nào có thể kể hết được.

Sáu năm sau ngày mất nước 1975, tôi lênh đênh đến Melbourne (Úc Châu), việc đầu tiên là tôi làm “nhịp cầu nối” cho các anh cựu quân nhân Quân Lực VNCH ở Pulau Bidong (Mã Lai Á) với các cựu quân nhân đã định cư tại Úc, bằng cách chuyển thư từ từ đảo sang cho các anh. Tôi bắt đầu dấn thân vào các công tác từ thiện; phần vì muốn đáp trả người ngoại quốc đã cưu mang, nhưng điều chính yếu trong thâm tâm là để tạ ơn những chiến sĩ vô danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh “chết” cho tôi được “sống” và đến bến bờ tự do.

Bao nhiêu ngày kỷ niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 đã trôi qua trên xứ người. Cũng là thời gian người Hoa Kỳ mừng lễ Father's Day. Năm nay là năm thứ tư, “Chân Quê” tôi được may mắn có cơ hội tổ chức tiệc mừng “Vinh danh bố” tại Little Saigon, miền Nam California.

Tiệc tổ chức xong trưa Chủ Nhật ngày 13 tháng 6, 2010 với sự hoàn hảo trong nghĩa cử vinh danh các ông bố Việt Nam, đặc biệt là những cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và các cựu chiến binh đồng minh Hoa Kỳ.

Chúng tôi cũng đã có cơ hội để vinh danh những người chiến sĩ vô danh, những anh hùng bất tử của tôi. Tạ ơn anh vô vàn, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Chân Quê (California: Thứ Hai, 14, tháng 6, năm 2010)