Chu Văn Lễ, 9/2017

Người ta thường nhắc đến tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Giác khi nghe ca khúc “Ngày Về”. Bài hát ra đời từ cuối năm 1946 khi ông còn là đội viên của đội Tuyên Truyền Xung Phong của Viêt Minh. Nếu chỉ nhìn vào thời gian sáng tác và nội dung của ca khúc thì “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác chính là một ca khúc trong dòng nhạc tiền chiến, như cách mà nhạc sĩ Lê Thương đã phân định. Nó ghi lại cảm xúc dạt dào của môt người con xa quê đang trên đường trở lại quê nhà. Lồng trong khung cảnh lãng mạn của tình tự quê hương mà bài hát mang lại, là một giai điệu nhẹ nhàng, êm ái và mượt mà. Điều này có lẽ giải thích vì sao “Ngày Về” được công chúng yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi bài hát mới ra mắt. Nhưng “Ngày Về” cũng đã mang về cho nhạc sĩ Hoàng Giác và gia đình của ông nhiều hệ lụy.

Tai họa bắt đầu khi “Ngày Về” được chọn làm ca khúc chính cho chương trình Chiêu Hồi vào giữa thập niên 60s của thế kỷ trước. “Chiêu Hồi” là một chương trình tuyên truyền tâm lý binh vận nhằm kêu gọi các binh lính trong hàng ngũ đối phương trở về với chính phủ quốc gia. Chương trình được bắt đầu từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa và sử dụng nhiều phương thức tuyên truyền bao gồm thả truyền đơn và thực hiện các chương trình thông tin đại chúng như phát thanh hay truyền hình. Khi mới bắt đầu năm 1962, chương trình phát thanh “Chiêu Hồi” sử dung ca khúc “Về Đây Anh” do hai nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Nhật Bằng hợp soạn làm nhạc hiệu cho chương trình. Bước sang nền Đệ Nhị Cộng Hòa vào giữa thập niên 60s, ca khúc “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác đã được chọn để thay thế “Về Đây Anh” làm bài hát mở đầu chương trình.

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm

Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm

Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi,

Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh” …

Dường như lời của bài hát này đã trở thành câu hát trên môi của nhiều thế hệ yêu nhạc từ bắc vô nam. Nó ghi lại tâm trạng rất thực và rất đặc trưng của một xã hội thời chinh chiến. Đó là nỗi u hoài của sự chia xa và niềm mong muốn được sum vầy với người thân trong gia đình.

“Ngày Về” không phải là ca khúc duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Giác. Trước “Ngày Về” ông đã có “Mơ Hoa” cũng rất nổi tiếng. Sau “Ngày Về” còn là hàng loạt những bài hát được công chúng yêu thích như Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua .. hay hợp soạn cùng nhạc sĩ Nguyện Thiện Tơ trong các ca khúc Tiếng Hát Biên Thùy, Qua Bến Năm Xưa và Trên Đường Về.

Âm nhạc của Hoàng Giác là tâm hồn lãng mạn của một người nghệ sĩ trong mùa chinh chiến. Cái rung động của ông không thuần túy là tình yêu đôi lứa. Phảng phất trong các ca khúc của Hoàng Giác là nỗi niềm của một chàng trai lớn lên trong mùa loạn lạc nhìn thấy quê hương đổ nát, thấy tuổi trẻ hao mòn trong chinh chiến. Nó luôn ẩn chứa một nỗi niềm u uất của kẻ xa quê, cho dù là xa vì đi theo tiếng gọi của sông hồ hay vì vận nước điêu linh. Ông viết về tình yêu quê hương nhẹ nhàng như cơn gió sau hè và thật gần gũi như bụi tre, hàng dậu. Bóng dáng của chiến tranh, của chia lìa luôn ẩn hiện trong ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Giác. Điều này lại càng tô đậm hơn lòng tha thiết mơ đến một ngày đoàn viên thật sự, khi thanh bình trở lại trên quê hương.

Nhưng khi “Ngày Về” được sử dụng làm ca khúc chính cho chương trình phát thanh “Chiêu Hồi” thì nhạc sĩ Hoàng Giác và gia đình đã phải chịu nhiều điêu đứng.

Mãi cho đến khi chính sách mở cửa bắt đầu thì “Ngày Về” mới tìm được đường hồi sinh. Thoạt đầu ai đó cũng e dè với “Ngày Về” vì cái lý lịch “Chiêu Hồi” của nó. Nhưng “Ngày Về” hồi sinh thật. Người ta tôn vinh giá trị nghệ thuật của “Ngày Về”. Người ta hát “Ngày Về” như là một trong những ca khúc tiệu biểu trong buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam. Nhiều ca sĩ thượng thặng cho ghi âm ca khúc “Ngày Về” trong các tác phẩm âm nhạc của họ khiến giới yêu nhạc thuộc nhiều thế hệ khác nhau lại có dịp làm quen với bài hát. Công chúng trong nước cũng như ở hải ngoại lại bắt đầu ngân nga…

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm

Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm

Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi,

Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh” …

Suốt bao nhiêu năm xa cách, “Ngày Về” trở lại và vẫn gần gũi với người nghe nhạc như thể chưa bao giờ cho chuyên chia ly. Mọi người lại cố quên đi chuyện hôm qua và hát “Ngày Về” bằng một phong cách “hiện đại” hơn, hợp với trào lưu hơn. Nhưng biết làm thế nào được? Lịch sử cận đại của Việt nam là một chuỗi dài chiến tranh, hận thù và chia cắt. “Ngày Về” mãi mãi là tâm tình của một người con xa nhà, nao nức trên đường trở về để sum họp với gia đình.

Được tin nhạc sĩ Hoàng Giác vừa tạ thế tại Hà Nội ngày 14 tháng 9 năm 2017. Xin coi bài viết này thay lời tri ân từ những người yêu mến ông và yêu mến ca khúc “Ngày Về”. “Ngày Về” mãi mãi sẽ gắn bó với tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Giác và ngự trị trong lòng công chúng Việt Nam như một đóa hoa rực rỡ về tình yêu quê hương đất nước. Kính chúc nhạc sĩ Hoàng Giác yên bình trên đường thật sự trở về với đất mẹ Việt Nam.

Chu Văn Lễ


"Để Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Hoàng Giác 1924 - 2017" bao gồm 16 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Giác:

1. Ngày Về - Anh Ngọc và ban Tiếng Tơ Đồng

2. Mơ Hoa – Thái Thanh

3. Lỡ Cung Đàn - Sĩ Phú

4. Anh Sẽ Về - Mộc Lan

5. NGày Vui Qua - Kim Tước

6. Ngày trở LẠi - Mai Hương

7. Tiếng Hát Biên Thùy- Nguyễn Thiện Tơ viết nhạc-Anh Ngọc

8. Khúc Hát Thương BInh - Thanh Lan

9. Bóng NGày Qua - Khánh Ly

10. Qua Bến năm Xưa - Khánh Ly - Nguyễn Thiện Tơ viết nhạc

11. Hương Lúa Đồng Quê - Hà Thanh

12. Quê Hương - Thanh Thúy

13. Trên Đường Về - Lệ Thu- Nguyễn thiện Tơ viết nhạc

14. Ngày Đi - Mai Hương

15. Nhắn Người CHiến Sĩ-Dzoãn Mẫn-không phải Hoàng Giác Thái Thanh

16. Ngày Về - Thái Thanh và ban Tiếng tơ Đồng