(VienDongDaily.Com - 18/11/2013)
 Trong thời gian điều tra vụ án là một thế giới vô cùng bí ẩn, vẫn tồn tại những hình thức bức cung, nhục hình còn ghê gớm, tinh vi hơn nhưng không được công bố.
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Coi nghi phạm là tội phạm và là kẻ thù
 
Đầu tiên phải xuất phát từ quan điểm của cơ quan điều tra, của điều tra viên. Khi bắt đầu điều tra một vụ án, các điều tra viên luôn coi các bị can là tội phạm, là kẻ thù và dùng mọi biện pháp có thể để bị can nhận tội.
 
Điều này rõ ràng là sai hoàn toàn, bởi lẽ một người chỉ bị coi là tội phạm khi có bản án của Tòa án, do vậy các điều tra viên chỉ cần làm đúng bổn phận của mình nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, việc xác định sự thật của vụ án phải bảo đảm được tính khách quan, toàn diện và đầy đủ mà không nhất thiết cứ phải buộc bị can nhận tội.
 
Ngay cả trong trường hợp bị can nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không được căn cứ vào duy nhất tình tiết đó để buộc tội bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra và xét xử cho thấy, cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung lại thường “quên” quy định mang tính nguyên tắc này.
 
Trong thời gian điều tra vụ án là một thế giới vô cùng bí ẩn, vẫn tồn tại những hình thức bức cung, nhục hình còn ghê gớm, tinh vi hơn nhưng không được công bố. Chỉ đến khi án oan bị lộ như vụ Nguyễn Thanh Chấn, vụ của mấy anh CA bị tù oan... thì một vài góc khuất của thời gian làm án mới được lật tẩy. Tới lúc ấy, những nạn nhân kia đã nếm đủ đau thương, đắng cay nhất đời người.
 
Phải loại bỏ ngay những hành động mang tính dã man này. Các luật sư phải có quyền có mặt ngay khi khi bị cáo được hỏi cung. Và các điều tra viên cũng nên nhớ rằng thái độ hành động của các anh dù 10 hay 20 năm sau vẫn còn được điều tra lại.
 
Luật sư hoàn toàn lép vế trước tòa
 
Một điều đáng quan tâm nữa đó là, trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới đánh giá cao vị trí, vai trò của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án thì ở VN điều đó lại chưa được như vậy. Mặc dù theo quy định của pháp luật (Điều 58 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự ( BL TTHS) người bào chữa hoàn toàn có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tuy nhiên những quy định này lại không ràng buộc cơ quan điều tra phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với luật sư trong các hoạt động điều tra vụ án.
 
Do vậy, CQĐT thường dùng rất nhiều rào cản để hạn chế sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án, luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.
 
Luật sư thua hoàn toàn
 
Thế nên nhiều vị luật sư biết vụ án còn nhiều nghi vấn, bị cáo có thể bị oan, nhưng đành “chào thua” tòa án, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhìn thân chủ của mình đi vào nhà tù, vụ luật sư Nguyễn Đức Biền bào chữa cho ông Chấn cũng vậy.
 
Để tránh tình trạng “luật rừng” này, pháp luật cần phải có những quy định nhằm bào đảm quyền cho luật sư: sự có mặt của luật sư trong khi hỏi cung là bắt buộc, thậm chí biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chứ ký của luật sư, nếu thiếu chữ kỹ trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không có hiệu lực. Khi đó, hy vọng sẽ không có bất kỳ sự ép cung hay nhục hình nào có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc giảm thiểu được đáng kể những vụ án oan.
 
Đòi bằng chứng ép cung chỉ có trời biết
 
Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Có một thực trạng, tại hồ sơ vụ án, các bị can thường hay nhận tội nhưng khi đến phiên tòa bị cáo lại phản cung và không nhận tội với lý do bị các bị can bị ép cung và dùng nhục hình trong khi bị điều tra. Trường hợp này, Tòa án cũng như Kiểm sát viên thường có câu hỏi, “Bị cáo nói thế thì có gì để chứng minh không?” Khi đó, tất cả bị cáo đều im lặng.... Không im lặng sao được khi trong chốn lao tù chỉ có trời biết, đất biết, điều tra viên biết! Thế nhưng, câu hỏi tàn nhẫn và vô cảm đó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều phiên tòa mà luật sư Trương Anh Tú tham gia cũng như nhiều phiên tòa khác.
 
Danh tính và chức vụ những người đã trực tiếp điều tra ông Chấn
 
Trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn thì rõ ràng cái sai đầu tiên là thuộc về công tác điều tra. Chưa bàn đến chuyện các điều tra viên đã dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết... cũng đã có quá nhiều sai sót. Vậy những ai đã tham gia điều tra vụ án này từ đầu? Đó là các ông:
 
1. Thái Xuân Dũng, khi đó là Phó thủ trưởngcơ quan điều tra, Phó phòng Cảnh sát điều tra (PC16 ngày ấy). Ông Dũng là người ký kết luận điều tra vụ án để chuyển Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Giang truy tố Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Thái Xuân Dũng đã là Đại tá, Chánh thanh tra Công an tỉnh.
 
2. Ông Lê Văn Dũng, ngày ấy là Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dũng là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47).
 
3. Ông Nguyễn Đình Dung là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dung là Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
 
4. Ông Trần Nhật Luật là điều tra viên, nay là Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
5. Ông Đào Văn Biên, điều tra viên, nay là Phó trưởng phòng PC45.
 
6. Ông Nguyễn Trung Thành, điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn. Nay là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng.
 
7. Một điều tra viên tên là Tân, đã mất.
 
Tất cả điều tra viên đều không nhận tội
 
Chiều ngày 7-11-2013, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Minh đã yêu cầu các cán bộ điều tra trực tiếp điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn phải làm bản tường trình báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án này. Tuy nhiên sau đó, ông Minh cho biết các điều tra viên trực tiếp điều tra, xét hỏi ông Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình mà theo đó “không thấy có vấn đề gì.”
 
Tất cả các điều tra viên trong vụ án của ông Chấn trước đây đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.
 
Điều này chẳng có gì lạ, ngay từ trước khi các điều tra viên này viết tường trình, người dân đã có thể tin chắc 100% là không ông nào chịu khai có ép cung, có hành hạ ông Chấn, dại gì mà xưng tội để mất hết những gì đã kiếm được. Và họ tin rằng chẳng có gì làm bằng chứng họ đã ép cung, đã bắt ông Tân phải viết đơn thú tội.
 
Sau khi nghe tin này ông Chấn nói gì?
 
Sau 7 ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, khi biết tin các điều tra viên đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập mình, ông Chấn cho biết, “Tôi không nhất trí đâu. Tôi đề nghị tôi đi tù bao nhiêu năm thì yêu cầu các điều tra viên cũng phải đi tù như tôi bằng nấy năm. Tôi đã nói là Ngô Đình Tân, Trần Nhật Luật và Ngô Đình Dung có đánh tôi rồi cho chuyển từ buồng giam này sang buồng giam khác nhiều lần, ác ý là cho vào buồng để đầu gấu đánh tôi. Họ bắt làm hết cái nọ đến cái kia, rồi vô lý bảo tôi viết đơn xin đầu thú, trực tiếp Ngô Đình Dung bắt tôi viết đơn đầu thú và bắt tôi đọc lại đơn nhiều lần.”
 
Tòa đọc bản án như đọc sớ
 
Theo ông Chấn, khi ra tòa ông Chấn đã kêu oan với Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, phúc thẩm nhưng không được chấp nhận. “Ra tòa tôi cũng nói, nhưng rồi lại không cho tôi nói, bảo phải trả lời theo hồ sơ bản án. Khi đến tòa phúc thẩm tôi cũng trình bày như thế, tòa thì cũng cứ đọc như các cụ đọc sớ. Mà cái phiên tòa trước, tòa cũng chỉ định luật sư và luật sư cũng nói rằng: Sao em không giết người mà em lại nhận như thế. Tôi bảo các điều tra cứ bắt tôi tập tành thành thục, từng động tác bê người bị hại thế này thế nọ...
 
Cụ thể, đó là các điều tra Trần Nhật Duật, Ngô Văn Tân, Ngô Đình Dung và cả kiểm sát viên Đặng Thế V. cũng vào dọa dẫm tôi, bắt tôi ký. Nhiều hôm (họ) bắt tôi làm cả đêm, diễn đi diễn lại cái động tác ấy, lúc thì bên phải, lúc thì bên trái cứ lộn ngược lung tung, sau rồi tôi cũng đành theo ý của họ, luyện tập một cách thành thục, sau đó đến buổi quay thì mượn một nhà dân cũng sang trọng, vôi ve xanh ngoài cổng.”
 
Sau khi ngồi 10 năm tù với án chung thân về tội giết người, vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến đã gửi đơn kêu oan cho chồng, cùng với đó là hành trình truy tìm thủ phạm gần 10 năm để minh oan cho ông Chấn.
 
Ông Chấn buồn bã nói. “Cảm xúc của tôi lúc đó thì, tôi nói rằng rất đau lòng, cả một cơ quan công quyền mà không điều tra được mà phải để vợ tôi mới lớp học hết lớp 3, lớp 4 đi tìm vụ án, rồi mới biết.”
Tôi không thể kể hết những đắng cay, oan khổ mà ông Chấn đã tâm sự trong cái địa ngục này. Không biết những lời lẽ đầy máu và nước mắt đó có ai chịu nghe không hay chỉ có bà con mình nghe với nhau thôi?
 
Văn Quang (15-11-2013) 

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/dieu-gi-con-lai-sau-nhung-vu-an-oan-ky-2-tiep-ky-93GjihkT.html