ÐẶNG QUÍ ÐỊCH, Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955

Hát bội là một bộ môn nghệ thuật trình diễn đã có từ lâu đời, mà cũng từ lâu đời người làm nghề này bị xem là "xướng ca vô loại". Từ đời Lê đã có lệ cấm con em nhà hát xướng đi thi nên Ðào Duy Từ mới bỏ đất Bắc Hà vào huyện Hoài Nhơn rồi trở thành ông tổ nghề hát tỉnh ta. Người làm nghề này thì được gọi chung một từ là "Lê viên tử đệ = con em vườn Lê", hoặc theo vai họ sắm trên sân khấu mà gọi là "kép, lão" cho đàn ông, "đào, mụ" cho đàn bà. Lắm khi họ không ngần ngại mà gọi bằng thằng bằng con. Nguyễn Khuyến trong một bài thơ dịch đã viết: "Thú vui con hát lực chiều cầm xoang". Nhưng miệt thị độc địa nhất phải kể đến hai bài thơ "Vịnh phường hát Bội" của hai thi sĩ trong Nam sống nửa sau thế kỷ XIX.

BÀI MỘT
Nhỏ mà chẳng học, lớn nghinh ngang!
Trống gióng ba hồi đủ bá quan.
Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu,
Vào buồng đứng dưới mấy ông làng.
Mượn màu son phấn: ông kia nọ,
Cởi lớp cân đai: lũ điếm đàng!
Tuy vậy nhưng mà coi cũng thú:
Ðã từng trợn mắt lại phùng mang!

BÀI HAI
Ðứa ghẻ lào, đứa lác voi!
Bao nhiêu khăn áo cũng trơ mòi!
Phường trung mắt trắng đôi tròng bạc,
Ðứa nịnh râu hoe mất sợi còi!
Trên rạp có tranh còn lợp lọng,
Bước chân không ngựa lại giơ roi
Hèn chi chúng nói bội là bạc
Bôi mặt đá nhau, đấm lại thoi!

Nhưng đọc lại hai bài thơ, tôi thấy tác giả bài trước chỉ biết thích thú khi xem đào kép "trợn mắt phùng mang" thì trình độ thưởng ngoạn còn thấp thỏi quá, chưa đáng để bàn đến nghệ thuật hát bội, còn bài sau vốn dĩ là một bài thơ họa thơ "Từ Thứ qui Tào" của Tôn Thọ Tường - Dường như tác giả mượn chuyện hát bội để mắng Tôn Thọ Tường và bè lũ đã theo gió phất cờ còn hục hặc nhau "đấm lại thoi" vì tranh danh đoạt lợi. Cho nên đối với tác giả bài trước thì ta không cần chấp, còn tác giả bài sau thì nên tỏ ra thông cảm vì vị tất đã có dụng ý miệt thị giới xướng ca.

Ở Bình Định không ai gọi đào kép hát bằng con bằng thằng, họa hoằn mới có người gọi trống bằng tên, còn hầu hết từ Nho sĩ đến giới bình dân chẳng biết từ bao giờ họ đã gọi người chủ gánh hát là bầu (do từ bậu biến âm mà ra), gọi đào kép hát là bạn. Người làm nghề xướng ca là bậu là bạn của người thưởng ngoạn, thất không có từ nào vừa lịch sự vừa thân mật hơn!

Ở Bình định cũng không có ai làm văn làm thơ chế nhạo nghề hát, trái lại có nhiều bậc sĩ phu đã soạn tuồng hát, đặt điệu hát, tập hát, dạy hát, lập gánh hát... Người soạn tuồng hát đầu tiên ở tỉnh này có phải Ðào Duy Từ hay không? "San Hậu" có phải bổn tuồng đầu tiên tại tỉnh ta do ông soạn hay không? Không ai dám cả quyết. Ta chỉ biết ông còn để lại hai bài "văn" khá dài là "Ngọa long cương vãn" và "Tư Dung vãn". Vãn là một loại văn vần (vận văn) dùng để ngâm xướng tức là để hát chứ không chỉ để xem. Còn giữa "vãn" với cái làn điệu nói lối, hát nam có liên quan gì không thì tôi chưa tra cứu được. Tương truyền ông đã mang hát Bội từ Bắc vào Trung mà phổ biến nó. Ông còn đặt lời và sáng chế các vũ khúc "Tam tinh chúc thọ", "Ðấu chiến thắng Phật", "Tứ linh", "Vũ phiến" v.v... mà trước năm 1945 Hoà Thanh thự vẫn còn trình diễn trong cung vua.

Ðến giữa thế kỷ XIX thì có nhiều sĩ phu soạn tuồng hát mà ngày nay tác phẩm vẫn còn lưu hành. Trong số ta phải kể đến cụ tú Nguyễn Diêu ở Nhơn Ân với hai bổn "Ngũ hổ bình Tây" và "Liệu đố", cụ Ðào Tấn ở Vinh Thạnh với các bổn "Hộ sanh đàn", "Trầm hương các", "Cổ thành", "Diễn võ đình", "Tân dã đồn", "Hoàng Phi Hổ quá quan" v.v..., cụ cử Nguyễn Trọng Trì ở Vân Sơn với bổn "Phụng Hoàng Anh", cụ Tú Thám ở Lương bình với bổn "Phụng Nghi Ðình" v.v... Không nói tất ai cũng biết tất cả các cụ soạn tuồng hát bội đều thành thạo các làn điệu hát bội, hơn thế nữa còn tự mình đật ra nhiều làn điệu khác, đơn cử như các điệu lý trong "Hộ sanh đàn" thì trước cụ Ðào Tấn chưa hề có mà hiện giờ cũng không nghe sắc dân nào ở vùng núi hát như thế hoặc na ná như thế.
Cụ Ðào Tấn còn tiến xa hơn một bước nữa: dạy hát. Lúc cụ làm Tổng đốc Nghệ An, cụ đã lập Học bộ đình, dắt con em từ Bình Định ra mà dạy cho họ hát rồi sau đó trình diễn cho dân địa phương xem. Khi cụ về hưu thì dời Học bộ đình về Vinh Thạnh, biến Vinh Thạnh thành cái nôi của hát bội cả tỉnh. Chẳng bao lâu những làng chung quanh Vinh Thạnh thuộc huyện Tuy Phước, những huyện gần Tuy Phước như An Nhơn, Bình Khê, Phù Cát gánh hát mọc lên như nấm. Thuở còn làm Tổng đốc ở Nghệ An cụ đã đưa học trò vào biên chế lính tỉnh nên nhiều người có phẩm hàm hoặc cấp bậc trong quân đội như Bát Phàm, Cửu Khi, Cửu Ở, Cửu Hai, Ðội Hiệp, Ðội Xuân, Ðội Lý, Ðội Hoà, Cai Tư, Cai Giảng, Cai Tám, Thập Dung, Thập Xáng, Thập Tám, Thập Ân v.v... Rồi sau đó, tỉnh thần Bình Định có thể sẽ nghe theo đề nghị của cụ mà ban bằng Quản ca, Phó Quản ca, Chánh ca, Phó chánh ca cho các nghệ sĩ nổi tiếng kèm theo đặc ân miễn xâu bơi tạp dịch.

Bởi cụ dạy hát nên các con cụ dù đã đỗ Cử nhân như các ông Bá Quát, Thoại Thạch, Như Tuyền, dù là con gái như các bà Trúc Tiên, Chi Tiên đều biết hát mà hát hay nữa là khác. Có người kể khi cụ về hưu, nhân một năm vào ngày giỗ cha lại gặp lúc mất mùa nên lễ vật có phần đạm bạc, bố con cụ đã hóa trang rồi ra trước bàn thờ hát một lớp tuồng để hầu vong linh cụ cố. Việc học hát từ trong gia đình cụ Ðào Vinh Thạnh lan ra khắp nơi khiến nhiều nhà khoa hoạn cũng bắt chước. Cụ Phó bảng Biểu xuyên Ðào Phan Duân cũng biết hát. Trong một câu đối điếu sống bạn là cụ cử Nguyễn Trọng Trì, cụ Biểu Xuyên viết: "Vân sơn kỳ thọ cựu chi, lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử..." (Vân sơn cất giọng ngư tiều, tôi bác hát ngao đà lắm lúc). Ngư Tiều là hai nhân vật trong bổn tuồng Phụng Hoàng Anh của cụ cử Nguyễn. "Tụng Ngư Tiều" tức là hát những lời của hai nhân vật ấy có sẵn trong bổn tuồng. Các con cụ cũng biết hát, đặc biệt có người con gái, sau lấy chồng làm Thông phán nên thường gọi là bà Phán, đóng đào thương rất hay.

Trong hàng khoa mục ở ba huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát có các ông Cử Phùng, Tú Giải, Tú Dư, Hàn Thuyên, Hàn Phụng, Hàn Sở, Nghị Hối, Ðốc Tố, Ấm Ðức, Ấm Thứ, Tổng Khiết, Tổng Ðôn, Thầy Năm Du v.v... cũng biết hát. Các ông này còn đi xa hơn cụ Ðào Tấn một bước nữa: lên sân khấu trình diễn như bạn hát chuyên nghiệp. Họ đã hát trong lễ mừng thọ cụ Biểu Xuyên lên 70 tuổi và hát nhiều lần nhiều nơi trong tỉnh để lấy tiền gởi tặng nạn nhân bị bão lụt ở các tỉnh bắc Trung kỳ.

Số là vào năm 1933, cụ Biểu Xuyên tròn 70 tuổi ta, con cháu, thân quyến và môn sinh cụ xin phép cụ làm lễ mừng thọ được cụ chấp thuận. Lễ mừng thọ cụ có đông đảo quan khách đến dự, các quan đầu tỉnh, các quan bảy phủ huyện trong tỉnh, văn thân hàng tỉnh và hào lý trong huyện Tuy Phước. Văn thân hàng tỉnh có xin phép cụ để anh em hát một thứ tuồng chúc thọ cụ nên sau khi gia đình và quan khách chúc thọ cụ được cụ chiêu đãi bằng bữa tiệc thịnh soạn, rồi thì đêm tới là đến phần của văn thân. Bấy giờ văn thân bầu vị hưu quan là Quang Lộc tự Thiếu Khanh Ðào Chuẩn làm giám sát trông coi trật tự trong rạp hát, Tú tài Trần Trọng Giải làm Quản ca tổ chức biểu diễn trên sân khấu và điều lý mọi việc trong hậu trường, ông Ðốc Ngô Lê Tố làm Phó quản ca phụ trách việc tổ chức cho gánh Bầu Thôm hát tại sân đình làng Biểu Chánh để đồng bào xem cùng một thời điểm với văn thân hát chúc thọ cụ.

Trưa hôm ấy, ông Tú Giải trình lên cụ một danh sách gồm ba bổn tuồng là "Hoàng Phi Hổ Quá Giới Bài Quan", "Phụng Nghi Ðình" và "Diễn Võ Ðình", cụ chấm vở thứ ba. Ông họp anh em lại rồi phân vai: Ấm Ðức đóng vai Triệu Khánh Sanh, bà Phán đóng Ðào, Hàn Hiếu đóng Vương Quí, Hàn Thuyên đóng Triệu phu nhân, Cử Phùng và Tổng Ðôn thay nhau đóng Bàng Hồng, Tú Giải đóng Bao Công, Tú Dư và Nghị Hối làm lính.
Ông Tú Dư vừa ốm khỏi, đã lớn tuổi lại thường hay ho, nay phân ông làm lính khiêng kiệu và chạy quợ, ông không tiện từ chối nhưng cũng sợ sau đêm hát rồi khản tiếng thì cũng khổ cái thân già. Ông đang lo lắng thì may quá lại bắt gặp anh Trần Bùi Thao đang lảng vảng sau cánh gà, ông kéo anh Thao lại nói nhỏ: "Nầy cháu, bác và ông Nghị Hối được ông già cháu phân làm lính khiêng kiệu và chạy quợ. Cái mục khiêng kiệu thì bác không lo nhưng chạy quợ thì... khổ quá, bác vừa ốm khỏi, không quợ nổi. Vậy cháu hãy ngồi đây quợ giúp bác, bác sẽ bảo người nhà cụ Biểu Xuyên cuốn bánh chả đem ra cho cháu ăn, cháu tha hồ ăn nhưng nhớ quợ, đừng quên mà khổ bác nhé!" Anh Thao nhận lời giúp ông Tú, vừa ngồi sau cánh gà ăn bánh cuốn, vừa quợ, vừa nhìn xuống khán giả. Nhờ đó mà anh đã chứng kiến hai việc không kém phần ngộ nghĩnh đã xảy ra, tôi sẽ kể sau.

Về phần khán giả thì theo sự sắp xếp của ông Quang Lộc. Ngồi giữa hàng ghế đầu là cụ Biểu Xuyên, hai bên là các quan đầu tỉnh rồi đến tri phủ tri huyện. Giữa hàng ghế thứ hai là ông con trai trưởng của cụ, hai bên là các hưu quan. Từ hàng ghế thứ ba trở xuống ngồi theo thứ tự khoa, chức sắc, tổng, lý. Khi quan khách đã ngồi kín các hàng ghế, cụ Biểu Xuyên mặc áo the thâm, đầu chít khăn nhiễu, ngực đính bài ngà hàm Hiệp biện Ðại học sĩ, từ trong nhà ra rạp, mọi người đều đứng lên chào cụ, cụ gật đầu đáp lễ rồi đến ngồi nơi chiếc ghế dành sẵn. Khi mọi người đã an tọa thì một văn thân đệ lên cụ chiếc roi chầu sơn đỏ, cụ cầm lấy rồi thong thả gióng lên ba hồi trống chầu. Sau cánh gà, tiếng ba hồi trống lịnh gióng tiếp theo, màn mở. Ông Quản ca xúng xính trong chiếc áo thụng xanh tiến ra giữa sân khấu, huớng về phía cụ kính cẩn vái ba vái rồi nói ít lời chúc mừng cụ, chào quan khách, xin phép cụ bắt đầu đêm hát. cụ gióng tiếp ba tiếng trống, ông Quản ca vái ba vái rồi đi giật lùi vào buồng. Ðêm hát bắt đầu.

Các ông văn thân đêm ấy đã thi nhau trổ tài mà diễn rất hay, mặc dù tuồng đã từng được ban hát chuyên nghiệp hát hoài nhưng từ cụ Biểu Xuyên đến anh lý ngồi ở cuối rạp, ai cũng say sưa theo dõi như mới được xem lần đầu. Ðến lúc Bàng Hồng tới dinh Vương Quí tìm bắt Triệu Khánh Sanh thì Bao công được Vương Quí cấp báo đã kịp thời đến nơi đuổi Bàng Hồng mà cứu Triệu Khánh Sanh. Bao công nói với Khánh Sanh:

Nhìn mặt cháu dòng châu lã chã!
(Phải chi) chậm chân già (thì vóc vạc... ủa mà) vóc ngọc (đã) tồi tàn!

Nghe tới ấy, cụ Biểu Xuyên vứt roi chầu, chụp lấy chiếc khăn trên đầu mình ném tung lên sân khấu. Bao công đang hát vội vàng đưa hai tay hứng chiếc khăn rồi gỡ một bên khẩu râu, hai tay bưng chiếc khăn từ từ xuống sân khấu, đến trước mặt cụ, dâng khăn trả cụ. Cụ đội khăn lên đầu, cầm roi chầu thúc trống. Bao công vái chào cụ rồi mang râu vào, bước lên sân khấu tiếp tục hát.

Từ lúc cụ ném khăn, âm nhạc ngừng bặt, mọi người im thin thít, đến lúc Bao công trả khăn, cụ thúc trống, âm nhạc mới nổi lên, mọi người thở phào vì biết hành động vừa qua của cụ bày tỏ dấu hiệu cụ nhiệt liệt khen ngợi người sắm vai Bao công, có điều cách thưởng đặc biệt ấy trước cụ chưa có ông quan lớn nào làm nên khiến cho mọi người ngỡ ngàng. Từ ấy đến lúc vãn hát, người ta vừa xem vừa ngẫm nghĩ cụ Biểu Xuyên khen người sắm vai Bao công ở chỗ nào. Thì ra cụ khen ở chỗ này. Ðộc giả đọc lại hai câu nói lối sẽ thấy. Nguyên trong tuồng cụ Ðào Tấn chỉ viết những chữ mà tôi đã viết nghiêng. Còn những chữ viết đứng trong các ngoặc đơn là của người hát thêm vào. Cụ Biểu Xuyên rất nghiêm khắc trước hiện tượng hát cương, nhất là hát cương tuồng cụ Ðào Tấn. Cụ Ðào soạn tuồng rất cẩn thận, ngay cả những lời hường tán cụ cũng viết rất rành rẽ, bạn hát chỉ theo đấy mà hát, cần gì phải thêm bớt nữa? Thế nhưng ở đây người hát đã thêm vào, mà thêm hay nên được cụ Biểu Xuyên khen. Vậy hay ở chỗ nào? xin thưa: ở hai chữ "vóc vạc".

Số là Triệu Khánh Sanh là một tráng sĩ, vì tránh kẻ thù quyền thế là Bàng Hồng mà đành phải giả gái đến sống chung với con gái Vương Quí. Bấy giờ trước mắt Bao công Triệu Khánh Sanh tuy trong trang phục tiểu thư mà vóc vạc là nam nhi. Bao công trầm giọng nói nhỏ ngụ ý vừa đủ cho Khánh Sanh nghe "vóc vạc... ủa mà" là biết chuyện Khánh Sanh giả gái rồi chứ không phải đợi tới lúc Vương Quí cấp báo mới biết. Ðiều đó càng chứng tỏ Bao công quyết ý từ trước để cứu con kẻ tôi trung bị gian thần hãm hại, càng làm nổi bật tư cách của Bao công.

Ðó là một trong hai sự cố anh Thao đã kể cho tôi nghe, còn sự cố thứ hai cũng không kém phần ngộ nghĩnh, đã xảy ra do bởi sự cố trước. Số là, khi thấy ở hàng ghế đầu xảy ra việc ném khăn, trả khăn, một anh lý còn trẻ ngồi ở hàng ghế gần cuối rạp, quay sang hỏi người ngồi ở bên cạnh:

- "Thầy có biết ai đóng Bao công không?"
Người được hỏi đã già, mắt có vẻ kém nên mới đứng dậy chồm về phía trước mà nhìn cho rõ, rồi buột miệng trả lời:

- "A! Lão Tú Giải ở Cảnh vân!"
Người ấy nói chưa dứt lời thì "trót! trót!" tiếng ngọn roi quất lên lưng, tiếp theo là tiếng người ấy:

- "Úy chui cha! Ðau quá! Nhưng mà không sao, hề hề..."
Người đánh là ông Quang Lộc. Ông đánh xong không hề nhìn lại mà đi thẳng lên trước sân khấu rồi mới quay xuống nhìn người vừa bị đòn thì... ông bỗng giật mình khi nhận ra rằng ông vừa đánh một ông Tú đã già, người Phù Mỹ! Ông vội quay lại bảo anh người nhà đứng đợi lệnh sau lưng ông. Anh người nhà xuống chỗ ông Tú ngồi nói với ông Tú một lát rồi lên thưa lại với ông Quang Lộc:

- "Bẩm quan, thầy Tú nói để thầy ngồi chung với hào lý cũng được bởi thầy thích thế. Thầy nhờ con bẩm lại với quan là thầy đã biết phận rồi, khỏi phải làm phiền tới ngọn roi của quan nữa!"

Ông Quang Lộc đưa mắt ái ngại nhìn xuống ông Tú nhưng khi bắt gặp ánh mắt hóm hỉnh của ông Tú nhìn lại mình thì ông vội lập nghiêm "mặt sắt đen sì" như mặt Bao công trên sân khấu. Từ ấy đến vãn hát, người ta thấy ông đứng tại chỗ ấy, không xuống xuống lên lên như trước nữa, còn cái roi thì ông đã chuyển cho anh người nhà vác tự bao giờ!

Sau đêm hát chúc thọ cụ Biểu Xuyên, các ông văn thân còn tham gia nhiều đêm hát cứu tế. Số là vào năm 1934, các tỉnh bắc Trung kỳ bị bão lụt tàn phá, đồn điền mất mùa, nhân dân lâm cảnh cơ cực. Chính phủ Nam triều bấy giờ kêu gọi các tỉnh nam Trung kỳ quyên góp tiền bạc thóc gạo để cứu tế. Tỉnh thần Bình Định nảy ý nhờ cụ Biểu Xuyên đứng thành lập một đoàn hát cứu tế. Cụ họp văn thân lại. Mọi người đều cử ông Tú Giải làm trưởng ban. Ông Tú bấy giờ đang làm Trưởng ban Tu Tạo Vân chỉ tỉnh và Hiển Trung từ nhưng thấy từ cụ Biểu Xuyên đến các văn thân đều tín nhiệm mình nên không tiện từ chối. Ông xin cho Mạc Như Tòng phụ giúp ông. Một đoàn hát được thành lập gồm có các văn thân và nhiều đào kép chuyên nghiệp lừng danh trong tỉnh như Bầu Thôm, cô Ðức, Như Gà, Thập Thi, Bầu Xuân, Thập Quang, Tư Ðán, Nhưn Lược v.v... Ðoàn biểu diễn tại mỗi phủ lỵ huyện hai đêm. Ðêm đầu văn thân diễn một vài lớp chừng vài tiếng đồng hồ, phần thời gian còn lại của đêm đầu và đêm thứ hai do bạn hát chuyên nghiệp đảm trách. Ðoàn đã lưu diễn tại các phủ huyện Tuy Phước, An Nhơn, Bình Khê, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đến Hoài Ân thì chấm dứt. Bấy giờ tri huyện Hoài Ân là ông cử Tân, bào đệ ông Tú Giải. Ðoàn đến đây diễn đúng vào ngày lễ Pâques (Phục sinh). Ông Tú nảy ý muốn diễn trên sân khấu lộ thiên như ông đã từng cho diễn tuồng "Ðoạt Ðò" trên hồ nước trước đình Cảnh vân. Ông chọn diễn tuồng"Tân Dã Ðồn", ông huyện em giúp ông cho dân lập đồn Tân Dã trên bãi cát sông Kim sơn, cho Lưu - Tào hai bên giáp trận trên bãi cát, cho Trương Phi rượt Tào Nhân chạy trên bờ sông Kim sơn rồi Tào Nhơn đoạt đò vượt sông Kim sơn lên hướng bắc mà chạy về... Phàn thành!

Sau buổi biểu diễn ban ngày, trên bờ sông Kim Sơn, với lối diễn xuất mới mẻ đầy hào hứng và hấp dẫn này, đoàn đưa nhau về Tuy Phước. Ban tổ chức tổng kết tiền nong đã thu được, sau khi trang trải mọi chi phí (trong đó có phần thù lao cho ban hát chuyên nghiệp), bao nhiêu tiền còn lại đều mang nộp cho tỉnh để gởi ra Bắc cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Xong, đoàn giải tán. Sau đó tỉnh đề nghị thưởng ông Tú Giải hàm Hàn lâm tu soạn, làm tri huyện Tân An nhưng ông từ chối và xin nhường cho người phụ tá. Phụ tá ông là Mạc Như Tòng nhờ đó được thưởng hàm Hàn lâm viện Biên tu phẩm chánh thất (7-1).

Ðọc tới đây hẳn độc giả đã thấy rõ, so với các tỉnh khác trong nước ta thì sĩ phu Bình Định đã vượt ao thành kiến sai lầm và hẹp hòi về nghề xướng ca mà đến với hát bội từ rất sớm. Họ đến không phải làm kẻ bàng quan mà tới với tư thế nhập cuộc hoặc hỗ trợ. Những gì họ đã làm cho hát bội, xét cho kỹ thì không chệch khỏi con đường giáo hóa của đạo Nho. Cùng với việc dùng văn để chở đạo, họ đã dùng lời ca tiếng hát mà dắt dẫn quần chúng biết đạo làm người, phương tiện có khác mà mục đích không thay đổi. Xét đọc bài lịch sử phát triển hát bội thì cái ảnh hưởng "Dĩ ca tải đạo" mức độ sâu, rộng và bền nếu không hơn cũng chẳng kém cái ảnh hưởng "Dĩ văn tải đạo". Ðó là động cơ chính đã thúc đẩy cả làng Nho Bình Định đến với nghề hát bội. Những cống hiến to tát của họ đã đưa hát bội tới thời cực thịnh mà di phong đẹp đẽ còn truyền tới ngày nay.

ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955