*Ký Còm / Thời Báo San Jose (#5732, ngày 14 & 15-1-2012)

Lời nói đầu của Ký Còm:
Quanh năm viết thiên hạ sự, lần này là bài phỏng vấn về một nhân vật. Ông Vũ văn Lộc. Cuối năm nay trong cộng đồng bé nhỏ xinh xinh của Việt Nam tại San Jose đã xảy ra chuyện các cụ cao niên cãi cọ. Cụ nọ nói là bị cụ kia truất phế. Ông Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC vốn có một liên hệ với hội cao niên từ 30 năm qua, đã lên tiếng can cả đôi bên. Ông gọi chuyện bất đồng ý kiến là trận bão trong tách trà. Ông chủ trương nên tương nhượng. Ông khoe là San Jose có cái công viên cờ trắng. Nên kéo cờ hàng.

Cơn bão nhỏ của Hội Cao Niên tạm yên thì lại đến cơn bão của chính cơ quan thiện nguyện IRCC mà ông Lộc ở giữa tâm bão. Trận bão này xem chừng lớn hơn tách trà có thể to bằng cái tô. Ông bị buộc tội không tôn trọng cờ vàng. Mới vào trận, quân số hai bên chưa dàn xong, theo đúng tôn chỉ cũ, ông đã kéo ngay cờ trắng. Ông cáo lỗi, với tuổi 80 ông nhận chỉ thị của ông đô đốc 90 tuổi, ông cáo lỗi với toàn quân.

Trận đánh chưa bắt đầu đã chấm dứt. Trong hàng ngũ phản đối xem ra có khối kẻ thù thực sự. Cờ đỏ dắt trong người, chen lẫn trong quân đội cờ vàng, luôn luôn hô hào quân ta đánh quân mình. Đám này rất hậm hực,vẫn tiếp tục lai rai bắn sẻ.

Riêng phần ông Lộc, vốn là chỗ thân tình, dù ra khỏi tâm bão trong cái tô, to hơn tách trà, nhưng ông nói rằng tất cả là do quân ta vẫn chưa hiểu nhau.

Bài phỏng vấn rất dài đăng nhiều kỳ sau đây là để phe ta hiểu nhau nhiều hơn.

Trận mạc bắn lộn là thường. Chiến tranh mà bắn nhầm thì chết cả đống. Nhưng ở đây đánh nhau trên In tờ nét. Quanh năm chẳng chết anh nào. Có anh cả đời chẳng làm việc gì ra hồn. Chỉ chửi vung vít. Người có khả năng làm việc thì nghe thiên hạ chửi nhau là đã hoảng sợ, chạy về nhà trùm chăn ngủ kỹ.

Là thuyền nhân đến Mỹ trên hai chục năm, Ký Còm vốn là lính hạng bét. Trước khi đi lính thì gia nhập nhân dân tự vệ. Khi chuyển qua lính thì lại là lính văn phòng. Sống tại San Jose chỉ thấy anh em quân đội đề cao lính tráng và chửi lũ tướng tá. Ký Còm rất thích. Nhờ là lính nên không bị tù đày, qua đến xứ này lại được gọi là chiến sĩ anh hùng, tha hồ chửi thượng cấp, quả là xứ tự do. Sướng thật. Lúc còn ở nhà. Bố bảo. Các quan quất cho mấy củ, cho ra tiền tuyến mà hy sinh.

Hôm nay nhân danh anh lính bét, chưa từng có huy chương, chưa từng có chiến công. Chỉ chạy công văn và quét dọn văn phòng. Tôi xin hỏi thăm sức khỏe ông đại tá nổi tiếng một thời của Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi sẽ lấy toàn các lời buộc tội của thiên hạ trong mấy chục năm qua để đưa ngài đại tá ra trước tòa án công luận.

Dù là chỗ quen biết, nhưng Ký Còm là nhà báo chân chính, là quân nhân đường hoàng nên sẽ không nhân nhượng. Việc quan em cứ phép công em làm.

Loạt bài phỏng vấn theo hình thức điều tra tố khổ này chỉ dành để cho phe ta. Phe cờ vàng. Còn đám cờ đen, cờ đỏ, cờ hồng lẫn vào hàng ngũ thì cấm chỉ không được đọc.

Bây giờ xin hỏi. Vũ Văn Lộc, ông là ai?

Ký Còm hỏi, ông Vũ Văn Lộc trả lời.

Câu hỏi thứ nhất: Trước hết xin hỏi, thân thế ông rất mù mờ. Ông là người Nam hay Bắc. Bắc Kỳ di cư sao lại chơi thân với anh em Nam Kỳ. Ông nói là đã 80 mà sao trông còn trẻ. Ông có khai gian tuổi để lãnh tiền già?

Trả lời: Tôi sinh ngày 4 tháng 5, 1933 đây là thứ khai sinh khai lại khi hồi cư từ vùng quê về Nam Định. Lúc đó tôi còn nhỏ. Có thể sai nhiều ít chừng một năm. Năm nay không 80 thì cũng 79. Trông tôi bên ngoài còn khá, nhưng bên trong cũng tang thương lắm. Nhờ làm việc liên tục nên dù xe cũ vẫn chạy được. Tôi sinh ở Nam Định, nhà tôi người Rạch Giá nên tình Bắc duyên Nam. Bạn bè trong Nam khá nhiều, nhất là suốt 21 năm quân ngũ sống ở miền Nam.

Câu hỏi 2: Gia cảnh của ông ra sao, có phải là gia đình cách mạng hay giòng họ nổi tiếng không?

Trả lời: Rất tầm thường. Ông cụ tôi quê Hải Dương có mở tiệm làm giày bán ở Nam Định. Mẹ tôi quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Thủa nhỏ tôi giúp việc nhà nên cũng làm thợ giày... Khi toàn quốc kháng chiến 46, gia đình chạy về quê ngoại ở làng Bình Hải, huyện Yên Mô. Vì vậy tôi học hết năm lớp nhất tại Bình Hải rồi vào trung học Nguyễn Khuyến tại Yên Mô.

Câu hỏi 3: Như vậy thì việc học hành của ông ra sao?

Trả lời: Cũng rất tầm thường. Năm lớp nhất thì rất xuất sắc. Nhưng về sau thì kém dần. Đó là chuyện sau này. Năm đầu ở vùng kháng chiến, thi cuối năm tôi là thủ khoa của cả liên khu. Được giấy khen của chủ tịch. Được chọn sẽ cho đi Nga đi Tầu gì đó. Nhưng rồi bố tôi chết, mẹ tôi chỉ có hai con, tôi và cô em, nên bà không cho đi.

Bà chỉ cho đi làm đội trưởng thiếu niên tiền phong. Thời đó đã có lúc đứng cột đình làng Bình Hải nghe cô bé Thái Thanh hát bài ca chống nạn mù chữ. Mê lắm.

Rồi ông Phạm Xuân Ninh từ Thanh Hóa ra họp hành gì đó về văn hóa kháng chiến. Phục lắm. Trẻ con mới lớn thấy các anh kháng chiến là thần tượng ngay.

Suốt ngày tôi hát một mùa Thu năm qua, cách mạng tiến ra.

Câu 4: Rồi sau đó ra sao?

Trả lời: Tây nhảy dù Phát Diệm, lập đồn làng Bình Hải. Yên Mô chia làm đôi. Bên đây là đất Tề, bên kia là sông Bút là kháng chiến. Tôi được tuyển vào làm trinh sát cho bộ đội. Không phải đi đâu cả. Chỉ quanh quẩn cửa đồn Tây trông nom chỗ mẹ tôi bán xôi cho lính để quan sát, vẽ bản đồ và báo cáo. Ông có biết vùng Yên Mô không.

Ký Còm: Quê chúng tôi ở Bùi Chu. Mấy năm gần đây có về quê xây nhà thờ. Mỗi năm đi qua Yên Mô vợ chồng tôi đều nói đây là quê ngoại ông Lộc.

Vậy rồi sao ông lại bỏ Yên Mô?

Trả lời: Đầu đuôi như thế này, đêm nào bộ đội cũng đến chỗ mẹ tôi bán xôi phát loa kêu gọi lính quốc gia trở về với tổ quốc. Đồn Bình Hải có chừng một đại đội. Sỹ quan và hạ sĩ quan toàn Pháp. Lính và cai đội là người Việt đã theo Tây chạy sang Tàu nay trở lại sau khi Nhật đầu hàng. Tôi còn nhớ mấy tay cai sếp Việt Nam còn ngâm nga trả lời bộ đội: Tổ quốc cũng như tổ cò, chỉ vì cơm áo phải mò đến đây. Bao giờ Đấy hạ được Tây, Dù Đấy chẳng gọi, thì Đây cũng về.

Một lần cán bộ xã họp bàn là sẽ thanh toán con mẹ bán xôi. Con mẹ bán xôi chính là mẹ tôi. Thế là mẹ con vội vàng xuống Phát Diệm suôi thuyền về Nam Định. Ngôi mộ ông cụ ở lại vĩnh viễn với quê vợ. Cô em tôi cũng ở San Jose mới lo xong việc xây mộ. Chờ ông anh về báo hiếu, xem chừng hơi lâu.
Tôi đi khỏi Yên Mô như vậy là hơn 60 năm rồi. Còn nhớ mãi ngọn núi Cánh Diều.

Câu hỏi 6: Hình như ông chưa về Việt Nam. Có tính về không. Có gì trở ngại không?

Trả lời: Tôi chưa về nhưng trước sau gì, còn sống tôi sẽ về. Có người nói là trở ngại cộng đồng, có người nói là trở ngại cộng sản. Có người nại cớ về vì chuyện gia đình mồ mả. Tôi không cho đấy là điều trở ngại. Nhưng thú thực, riêng chuyến về thăm Việt Nam, đối với mọi người rất đơn giản, đối với tôi hết sức ray rứt và chưa có ý định dứt khoát.

Câu hỏi 7: Nhưng bây giờ ông đã 80 rồi. Nếu không về thì mấy bữa nữa ngồi xe lăn mà về chơi hay sao?

Trà lời: Đây là một đề tài rất đứng đắn. Tôi trở về không phải là về chơi, không phải là những ràng buộc chính trị. Chuyện đó không có vấn đề đối với người tuổi đã cao. Trở về như là một niềm ước mơ. Xa Hà Nội 1954, xa Sài Gòn từ 75. Nên phải trở về.

Nếu vạn nhất không về được thì tôi đã có một di chúc hết sức chân thành và hết sức lãng mạn. Dành một ngôi mộ trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Sau này sẽ cải táng từ nghĩa trang Việt Nam ở Los Gatos đem về đó. Xem ra hơi cải lương nhưng đây là nguyện ước thực sự. “Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi.” Nam Lộc, lính Sư Đoàn 5 đã viết như thế. Nếu không chôn được, cái tháp cao giữa vành khăn tang còn đó. Thằng cháu nội của tôi hay là cháu gái cũng được, sẽ leo lên trên cao thả tro bay khắp nghĩa trang, nơi đã từng có 16 ngàn tử sĩ nằm lại ở nghĩa trang Biên Hòa.

Câu hỏi 8: Nhân nói chuyện trở về Việt Nam. Tôi vừa đọc trên Email có ông bạn của ông là bác Lương Văn Ngọ gửi Email lên án ông Lộc nặng nề vì đã bỏ cờ vàng. Ông nghĩ sao?

Trả lời: Ông Ngọ lên án làm sao?

Ký Còm: Ông Ngọ nhân danh “tư lệnh” tập thể chiến sĩ lên án ông Lộc những tội lỗi sau đây: Thứ nhất: Không tôn trọng cờ vàng, không chào cờ. Thứ hai: Công khai ủng hộ Việt Tân. Thứ ba: Không tham dự chống đối Madison. Thứ tư: Không tham dự biểu tình chống Cộng và không tuyên bố đả đảo cộng sản.

Bác Ngọ nói là vốn rất thân với bác Lộc nhưng vì các lý do kể trên từ nay không còn là bạn bè nữa.

Tôi không đọc nguyên văn nhưng đại khái là như thế.

Thế ông Lộc nghĩ sao?

Trả lời: Ông Lương Văn Ngọ nhắc đến những chuyện như thế nhưng chỉ là phiến diện theo ý bác ấy mà thôi.

Những chuyện thực thấy vậy mà không phải vậy. Tôi hết lòng ngưỡng mộ tướng Hoàng Cơ Minh và anh em kháng chiến. Ông Võ Đại Tôn và anh em Phục Quốc, các bạn và chiến hữu của phong trào phục quốc bên Pháp và ngay cả anh em Phục hưng hiện nay.

Tôi không xuống đường chống đối Madison và tôi cũng không tham dự ủng hộ Madison. Tôi hết sức tôn trọng cờ vàng vì đã làm chủ tịch ủy ban cùng anh em xây dựng và bảo vệ hàng ngày suốt 9 năm. Đã thành lập Viện Bảo Tàng với Kỳ Đài tại San Jose. Đã là trưởng ban tổ chức các cuộc biểu tình chống Cộng trong 10 năm đầu tại Bắc Cali. Bây giờ vẫn không thay đổi, nhưng vai trò lãnh đạo phải để cho người khác chứ.

Bác Ngọ có nhu cầu riêng lên tiếng tôi không có gì bình luận thêm. Chỉ duy có đoạn ông nói là bạn thân nay cắt đứt thì tôi xin cảm ơn. Bấy lâu nay chỉ tưởng là quen biết rất thường, nay mới biết là bạn tri kỷ vừa đoạn tuyệt thật đáng tiếc.

Câu hỏi 9: Trước khi đi vào chi tiết, xin hỏi tắt là sao ông lại bị nhiều người chống đối?

Trả lời: Dù không muốn chụp mũ nhưng sau cùng tôi cũng phải nhìn nhận là những điều tôi làm đều là mục tiêu cộng sản cần triệt hạ. Chúng ta sẽ khai triển sau về việc này. Thật vậy, tất cả các công trình tôi thực hiện đều là các biểu tượng chống lại chủ nghĩa cộng sản không những trong quá khứ lịch sử mà còn tiếp tục chống cộng ngay sau khi chúng ta không còn nữa. Võ khí sau cùng tôi có được là Viện bảo tàng với kỳ đài vĩnh viễn trên đất công. Một thông điệp sống gửi thế hệ tương lai. Một nhịp cầu nối với người Mỹ tại Hoa Kỳ, nhất là các em nhỏ. Một thách thức đối với Việt Cộng và cũng là một thách thức đối với những người chống đối. Xin hãy đến VietMuseum chỉ một lần sẽ thấy mình nhầm lẫn biết bao. Có thể vô tình hay có thể cố ý, tất cả mọi điều bầy đặt chống đối tôi đều là bịa đặt hết sức ngớ ngẩn. Rồi ta sẽ nói thêm sau.

Câu hỏi 10: Ông làm sao vượt qua được những khó khăn như vậy?

Trả lời: Tính tôi trước sau vẫn vui đùa. Như vậy làm sao lại theo cộng sản được. Tính chất của cộng sản là lên án mà không cần cứu xét. Chụp mũ xong là xử, và tuyệt đối không cười. Tôi vượt qua được là nhờ biết cười.

Ký Còm: Tôi hoàn toàn đồng ý. Ra đường thấy anh nào mặt mũi hầm hầm, không giống ai. Nhất định không cười thì dù có cầm cờ vàng, giết chết cũng có cờ đen, cờ đỏ trong người.

Thôi tạm ngưng ở đây. Kỳ tới sẽ hỏi chuyện đại tá. Còn nhiều câu hỏi và lời chửi rủa hay lắm. Tất cả dành cho ông hết.

Xin đón coi chuyện dài sẽ đăng tiếp.

Hỏi thăm sức khỏe nhân vật cộng đồng.

Vũ Văn Lộc, ông là ai?

KÝ CÒM

- Quí độc giả có thể tìm đọc những bài viết khác cùng tác giả trong mục Thư Viện > Ký Còm