Tài Liệu Cũ - Bạn Có Biết Điều Này Chưa?

Ai Là Người Giúp Các Cựu Quân Nhân Đến Mỹ Trong Chương Trình HO Đợt 2 (Tức HR)

Chúng ta ai cũng biết có chương trình HO (tuy sai nhưng vì mọi người đã quen nên cứ dùng vậy) nhưng quý bạn biết gì về HO đợt 2 tức HR?

Dưới đây là bài phỏng vấn của Hoàng Lan Chi (trong vai trò Chủ bút Nguyệt San Mạch Sống của BPSOS) với ông Nguyễn Quốc Khải, nhân viên phụ trách CT HR của BPSOS, vào 2008.

BPOS đã tự gây quỹ /dùng quỹ dự phòng để trả lương cho ông Khải và các chi phí cho CT HR. Ông không hề là nhân viên của BPOS nhận lương từ các chương trình đang hoạt động của BPSOS như Hoàng Lan Chi và các nhân viên khác.

Vì tình đồng đội, nhiều người đã đóng góp.

Xin xem bài phỏng vấn cũ này để thấy đây LÀ MỘT TRONG VIỆC LÀM PHỤC VỤ CỰU QUÂN NHÂN VNCH CỦA BPSOS:

KẾT QUẢ LÀ 400 GIA ĐÌNH ĐÃ ĐẾN MỸ TRONG CHƯƠNG TRÌNH HR CỦA BPSOS.

QUÝ BẠN CÒN ĐÒI HỎI GÌ Ở BPSOS?

Hoàng Lan Chi

**********

Về Chương Trình HR

Hoàng Lan Chi, 2008 (phỏng vấn Nguyễn Quốc Khải)

LC: Chương trình HR chính thức bắt đầu vào ngày 25-06-2006, xin vui lòng cho biết Ông phụ trách yểm trợ chương trình này từ bao giờ?

NQK: Chương trình HR là chương trình Định Cư Nhân Đạo của chính phủ Hoa Kỳ. Chương trình này được chính thức công bố vào ngày 28-11-2005 và bắt đầu nhận đơn vào ngày 28-06-2006. Công việc yểm trợ của UBCNVB đối với chương trình HR bắt đầu 6 tháng sau, vào ngày 8-01-2007.

LC: Công việc chính gồm những gì thưa ông?

NQK: Công việc yểm trợ chương trình HR của UBCNVB gồm có:

- Tiếp tay với Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ để phổ biến chương trình HR. Khi chương trình HO chấm dứt việc ghi danh vào tháng 10 năm 1994, nhiều người ở trong nước vẫn chưa kịp ghi danh theo chương trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program – ODP). Do đó, với sự vận động của UBCNVB, và sự trợ giúp của DB Chris Smith, Đại Sứ Joseph Rees, Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao Kelly Ryan, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Armitage, chương trình HR đã ra đời để giúp cho những người không kịp tham gia chương trình ODP có cơ hội thứ hai để xin định cư tại Hoa-Kỳ.

- Hướng dẫn cách thức làm đơn.

- Giải thích các tiêu chuẩn của chương trình ODP và HR.

- Hướng dẫn làm đơn xin tái xét khi bị bác.

- Vận động với Bộ Ngoại Giao và những nhà lập pháp Hoa-Kỳ để giải quyết những trường hợp phức tạp.

Đồng hương đã yêu cầu UBCNVB giúp một số việc sau đây, nhưng chúng tôi không thể làm được vì phương tiện giới hạn hoặc ngoài phạm vi hoạt động của UBCNVB:

- Tìm thân nhân mất tích.

- Nhờ UBCNVB bảo lãnh.

- Tìm địa chỉ bạn bè ở Mỹ.

- Tìm kiếm bằng chứng đã tu nghiệp tại Hoa-Kỳ.

- Viết hoặc dịch đơn từ sang tiếng Anh (chúng tôi có giúp một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt).

- Xin trợ giúp tài chánh.

LC: Trước khi chương trình chương trình hỗ trợ và can thiệp hồ sơ HR hoạt động hoạt đông tại UBCNVB, chương trình này đã được phổ biến ở các phương tiện truyền thông như báo, truyền thanh, truyền hình và internet. Như vậy, chắc hẳn, ông có thân chủ ngay? Số thân chủ hẳn càng ngày càng gia tăng và quy ước của ông để phục vụ thân chủ như thế nào hầu tránh tình trạng một vị choán quá nhiều thì giờ của ông?

NQK: Tôi dành ưu tiên cho những người liên lạc với tôi qua điện thư. Tiếp đến là giải quyết bằng điện thoại. Tôi muốn chủ động trong những cuộc tiếp xúc như thế này. Tôi đặt câu hỏi và yêu cầu người đối thoại trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Có rất nhiều trường hợp, người đối thoại cung cấp nhiều thông tin mà tôi không cần tới.

Vì nhu cầu, tôi đã phải làm một số đơn từ mẫu để tránh đánh máy lại một số câu hỏi giống nhau. Ngoài ra, tôi phải sắp xếp hồ sơ theo một thứ tự rõ ràng để tiết kiệm thì giờ. Danh sách hồ sơ được điện toán hóa giúp chúng tôi tìm kiếm tên tuổi của những người tham dự chương trình HR được nhanh chóng.

LC: Vui lòng cho biết những khó khăn mà ông phải đương đầu và cách thức tháo gỡ?

NQK: Trong phần trên chúng tôi đã trình bầy một số khó khăn. Vấn đề chính là nhu cầu thì nhiều nhưng phương tiện thì giới hạn. Trong UBCNVB, chỉ có TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành, và tôi là phụ trách chương trình Định Cư Nhân Đạo.

TS Thắng đã làm việc những ngày cuối tuần từ lâu rồi. Mới đây, tôi cũng vào sở thường xuyên vào thứ Bẩy và Chủ Nhật. Phần thưởng xứng đáng là giúp được người khác đang gặp khó khăn. Mướn thêm người là cần thiết, nhưng ngân sách không cho phép ngay để duy trì mức độ can thiệp hiện nay, chúng tôi đang phải gây quỹ. Chúng tôi nhận định rằng chúng tôi sẽ không thể nào giúp hết tất cả mọi người đã gửi đơn đến UBCNVB được. Đây là hậu quả không thể tránh được.

Trên đây là những khó khăn về phía UBCNVB. Có những khó khăn lớn lao về phía chính phủ Hoa-Kỳ. Sau đây là một vài trường hợp điển hình:

- Sở Quốc Tịch và Di Trú Hoa-Kỳ không đồng ý mở lại những hồ sơ ODP.

- Đặt những tiêu chuẩn khắt khe không thể thỏa mãn được đối với những người nộp đơn.

- Không cứu xét các đương đơn theo Tu Chánh Án Lautenberg.

- Tự tiện đặt ra luật lệ mới.

- Thời gian giải quyết một hồ sơ có thể từ 6 tháng đến một năm.

Mới đây UBCNVB can thiệp cho một trường hợp khó khăn đặc biệt. Bộ Ngoại Giao đồng ý với chúng tôi hoàn toàn ngay tại phiên họp đầu tiên, thế mà vẫn phải mất 10 tháng mới đưa được gia đình này qua Mỹ.

Về phía chính quyền Việt-Nam, chúng tôi gặp trở ngại nào cả vì trước khi chương trình HR được thực hiện TS Thắng đã làm việc chặt chẽ với BNG để thiết định các thể thức phòng ngừa khó khăn từ phía Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ xem ra hợp tác trong lãnh vực nhân đạo này. Tuy nhiên, ở cấp địa phương vẫn có những khó khăn. Đồng bào muốn xin giấy tờ vẫn phải chi tiền ra. Ở Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa-Kỳ ở Sài Gòn chúng tôi ghi nhận, không có sự phàn về nạn hối lộ như trong chương trình ODP. Lý do là công an CSVN không còn hiện diện trong các cuộc phỏng vấn hay canh gác cơ quan di dân của Tòa TLS-HK nữa. Trong một trường hợp, chúng tôi phải bỏ tiền túi giúp riêng người trong nước có tiền mua giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, và hộ chiếu trong vòng một tuần với giá là $500. Nếu không gia đình này không thể làm thủ tục xin định cư được.

LC: Tổng kết đến nay, bao nhiêu hồ sơ được giúp đỡ? Bao nhiêu người đã đến Hoa Kỳ, bao nhiêu đơn đang chờ phỏng vấn, thưa ông?

NQK: Trong một năm qua, UBCNVB đã chính thức thiết lập và giúp đỡ trên 600 hồ sơ. Hiện nay còn trên 200 hồ sơ ứ đọng chưa thể giúp đến. Hiện còn hàng ngàn hồ sơ vẫn cần được giúp đỡ. Theo lời một số đồng bào ở trong nước viết cho chúng tôi, nếu không có sự giúp đỡ của UBCNVB, họ không biết trông nhờ ai. Nếu có thắc mắc gì không biết hỏi ai. Một số người trong nước gửi hồ sơ của họ cho cơ quan hay hội đoàn khác nhưng rồi cuối cùng chúng tôi vẫn phải gánh hết.

Những hồ sơ gửi đến UBCNVB bằng ba cách khác nhau:

- Đính kèm vào email. Cách này nhanh nhất và không sợ mất.

- Gửi qua bưu điện từ Việt-Nam.

- Gửi qua thân nhân đang sinh sống tại Mỹ.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được rất nhiều yêu cầu của đồng bào muốn được giúp đỡ qua điện thoại. Tính đến nay đã có trên 1,000 trường hợp như vậy. Mấy tháng sau này UBCNVB có vấn đề về việc liên lạc qua điện thoại. Lý do là chúng tôi không thể vừa giải quyết thư từ gửi đến qua emails, bưu điện, và trả lời điện thoại cùng một lúc. Do đó nhiều khi đồng bào cần phải để lại lời nhắn trong điện thoại gặp khó khăn. Họ trông đợi có người trả lời điện thoại ngay, không chịu để lại lời nhắn, hoặc quên không để lại tên và số điện thoại, hoặc hoảng sợ khi nghe thấy tiếng Mỹ. Thỉnh thoảng tôi bận một hai ngày là hộp thư trong điện thoại đã đầy, không nhận thêm lời nhắn được.

Theo con số cuối cùng ghi nhận được, đến nay đã có trên 400 gia đình đến Hoa Kỳ theo chương trình HR.

LC: UBCNVB không hề được chính phủ tài trợ cho chương trình này nhưng xuất phát từ lòng biết ơn đối với những người đã bảo vệ chính nghĩa quốc gia, Ts. Nguyễn Đình Thắng đã trích quỹ dự phòng để yểm trợ chương trình HR. Các văn phòng chi nhánh của UBCNVB ở nhiều nơi đang chuẩn bị gây quỹ để duy trì sự trợ giúp cho các hồ sơ HR. Riêng ở Virginia thì UBCNVB sẽ tổ chức một dạ tiệc gây quỹ sẽ vào tháng 6 tới đây. Xin Ông giới thiệu sơ về buổi này.

NQK: Chúng tôi sẽ tổ chức một Ngày Văn Hóa Á Đông gồm các màn vũ, họat cảnh, và ca nhạc. Chương Trình Văn Hóa sẽ do Hội Nghệ Thuật Văn Hóa Á châu và Thái Bình Dương phụ trách. Cộng thêm một vài ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại như Diễm Liên, Trần Thái Hòa và Nguyên Khang.

Địa điểm tổ chức sẽ là Trung Tâm Nghệ Thuật của Đại Học George Mason, tại Fairfax, Virginia. Ngày tổ chức: Thứ Bẩy, 07-06-2008. Trường George Mason University sẽ bảo trợ cho chương trình đặc sắc này. Gíá vé sẽ là $100 (VIP), $50 (hạng nhất), $30 (đại chúng) và $25 (các vị cao niên và sinh viên/học sinh).

Đến đầu tháng Ba, chúng tôi sẽ chính thức thông báo về chương trình Ngày Văn Hóa Á Đông với chủ đề là Bốn Mùa. Mục tiêu của chúng tôi phải vận động để có tối thiểu 1,000 người tham dự để đạt mục tiêu gây quỹ là 20 ngàn Mỹ kim sau khi trừ phí tổn.

LC: Một câu hỏi riêng tư trước khi tạm biệt, Ông là chuyên gia kinh tế, nguyên do nào Ông nhận lời phụ trách chương trình HR cho UBCNVB? Và phải nói, Ông đã giúp được rất nhiều cho quý vị cựu "tù cải tạo" đến được vùng đất hứa, cũng như một số hồ sơ dạng V11 và U11 tức nhân viên sở Mỹ?

NQK: Tôi đã về hưu tại Ngân Hàng Thế Giới. Sau đó tôi làm nhiều việc khác nhau như viết sách về kinh tế chung với nhiều tác giả khác (4 cuốn tiếng Việt và 2 cuốn bằng tiếng Anh), dạy học tại School of Advanced International Studies của Johns Hopkins University. Hiện nay tôi vẫn ở trong ban giảng huấn của trường này. Tôi hiện làm tham vấn kinh tế cho Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do. Ngoài ra như nhiều người đã biết tôi là chủ nhiệm và chủ bút của tờ báo trên liên mạng www.VietnamReview.com trong ba năm vừa qua.

Hồi còn là sinh viên, tôi thường xuyên phục vụ cho hai viện mồ cồi Gò Vấp và An Lac. Bản chất của tôi là hoạt động xã hội. Tôi đã tham gia vào việc trợ giúp người Việt tị nạn tại Florida vào năm 1975-1977 khi tôi còn là một sinh viên tại University of Florida.

Tôi biết Ts. Nguyễn Đình Thắng từ trên 10 năm trước. Những việc làm của Ts. Thắng là những việc cụ thể. Chúng tôi hợp nhau về lãnh vực này. Chúng tôi đã từng làm việc với nhau ngoài đời.

LC: Trân trọng cảm ơn ông. Xin thay mặt cho những người đã, đang và sẽ được UBCNVB giúp đỡ, xin gửi đến ông lời chúc sức khoẻ để có thể giúp đỡ đồng bào nhiều hơn.

Và cũng xin chúc buổi tiệc gây quỹ sẽ thành công để UBCNVB có thể tiếp tục chương trình nhân đạo này.

Xin chào ông.


Mộng Tuyền Phỏng Vấn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng (Trích Nguyệt San Bút Tre - Arizona - số ra tháng 10/2007)