Việt Báo Thứ Sáu, 8/20/2010

Đài RFI hôm Thứ Năm 19-8-2010 loan tin rằng Ngô Bảo Châu đã được trao giải thưởng Fields Medal, một giải còn gọi là "Nobel toán học".

Bản tin RFI nói rằng hôm Thứ Năm 19-8-2010, tại thành phố Hyderabad (miền Nam Ấn Độ), giải thưởng Fields, còn gọi là «Nobel toán học», đã được trao tặng cho bốn nhà toán học vào ngày khai mạc của Đại hội Toán học Quốc tế (CIM), với sự tham gia của hơn 3000 nhà toán học trên toàn thế giới. Những người được nhận giải là ông Cédric Villani, người Pháp, ông Ngô Bảo Châu, người mang hai quốc Việt-Pháp, ông Elon Lindenstrauss người Israel và ông Stanislav Smirnov, song tịch Nga-Thụy Điển.

Giải thưởng cao quý này do nhà toán học John Charles Fields lập ra từ năm 1936, và được Liên hiệp Toán học Quốc tế trao tặng bốn năm một lần, mỗi lần cho không quá 4 người dưới 40 tuổi.

Thành quả của nhà toán học Cédric Villani, 36 tuổi, liên quan đến «lý thuyết Landau» và phương trình Boltzmann. Còn công trình của Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, là đã chứng minh được Bổ đề cơ bản của Langlands...

...Trong khi đó, với việc Ngô Bảo Châu được giải thưởng, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai, sau Nhật Bản, có nhà toán học đoạt giải thưởng cao quý này.

Bản tin RFI ghi lời nhà toán học Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, «có thể ví công trình của Ngô Bảo Châu như việc lấp đầy một thung lũng giữa hai quả núi, để Toán học ( và cả vật lý lý thuyết ) có thể vượt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia và tiếp tục tiến lên. Cũng có thể xem Ngô Bảo Châu như người hoàn thành việc lắp một cây cầu nối liền hai bờ sông, để một hàng dài các "phương tiện vận tải chở những thành tựu toán học" tiếp tục tiến lên phía trước. (…) Công trình chứng minh Bổ đề Cơ bản của Ngô Bảo Châu là cột mốc quan trọng trên chặng đường dài của khoa học đi tìm sự thống nhất giữa các ngành toán học khác nhau (đại số, hình học, giải tích) và, hơn nữa, sự thống nhất giữa toán học và vật lý».

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Bố anh là nhà cơ học Ngô Huy Cẩn. Mẹ anh là nhà hóa học Trần Lưu Vân Hiền. Nhà toán học trẻ đã giành được hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, nhờ đó, năm 1990, anh đã nhận được học bổng để theo học tại Pháp, đặc biệt là tại Đại học Sư phạm (École Normale Supérieure). Năm 2004, Ngô Bảo Châu cùng thầy hướng dẫn là giáo sư Gérard Laumon, người Pháp, được trao tặng giải thưởng của Viện Toán học Clay. Từ năm 2005, Ngô Bảo Châu là giáo sư tại trường Đại học Paris-Sud.

Năm 2008, Ngô Bảo Châu công bố lời giải Bổ đề cơ bản Langlands, và được tạp chí The Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học quan trọng nhất trên thế giới năm 2009. Kể từ tháng 9 năm nay, Ngô Bảo Châu sẽ giảng dạy tại trường đại học Chicago (Hoa Kỳ).

Đặc biệt, báo Diễn Đàn (www.diendan.org) từ Paris ghi nhận khía cạnh khác:

Làm việc và giảng dạy ở Pháp và Mỹ, Ngô Bảo Châu vẫn thường xuyên về nước, hướng dẫn sinh viên chuẩn bị luận án tiến sĩ. Mặt khác, mỗi khi cần thiết (thí dụ như trong vụ khai thác mỏ bô-xít ở Tây Nguyên), anh đã ký kiến nghị và lên tiếng phản đối (xem Thư gửi Quốc hội).

Giải Fields cho Ngô Bảo Châu là niềm tự hào lớn cho mọi người Việt Nam. Chúng tôi tin rằng nó sẽ khơi dậy trong tuổi trẻ Việt Nam niềm say mê khoa học và ý thức công dân, hai yếu tố hết sức cần thiết để xây dựng đất nước, trong lúc nền giáo dục Việt Nam đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tiếc rằng những người trách nhiệm trong chính quyền, trước hết là ông Nguyễn Thiện Nhân (phó thủ tướng, nguyên bộ trưởng bộ giáo dục) hoàn toàn không có ý thức được sự nghiêm trọng ấy, mà chỉ quanh quẩn mấy trò ma giáo trẻ con (đến thăm nhà Ngô Bảo Châu, đặt tay lên đầu gối một cách suồng sã, rồi trơ trẽn hơn nữa: lấy bút máy quen dùng của mình ra tặng, và tặng luôn cả cái nhà, hay đúng hơn, làm người đưa thư cho một đại gia chúa đảo Tuần Châu)...”