Dốc Thượng/Việt Weekly (Nhận qua email - Không phải là copy & paste của KBCHN đâu nhe anh NPH)

Năm 2011 là năm không có bầu cử, cho nên bình thường có thể không có nhiều biến động, nhất là sau khi phe cánh chính trị của Trần Thái Văn đã bị thất cử, vắng mặt, mất đi sự lãnh đạo giựt  dây sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng, năm 2011 đã đi vào lịch sử cộng đồng Bolsa như một năm bản lề với những chuyển biến thay da đổi thịt ngoạn mục. Và nhân vật đứng ở tâm bão của năm 2011 không ai khác hơn là ông Nguyễn Phương Hùng.

Nguyễn Phương Hùng sinh hoạt trên bề nổi của cộng đồng Bolsa từ nhiều năm. Xuất thân là một cựu sĩ quan Biệt Động Quân của miền Nam, bị thương, giải ngũ. Năm 1975, ông di tản sang Mỹ, làm việc trong lãnh vực công nghệ thông tin. Ông là người năng nổ, tháo vát, sẵn sàng tình nguyện xung phong đi trước trong những việc chung, cho nên có chân trong nhiều hội đoàn của cựu chiến sĩ, ban đại diện cộng đồng, hội báo chí, hay ban tổ chức diễn hành Tết. Ông không phải là một người có óc lý thuyết hay lãnh đạo, mà là người trực tính, dùng sự cảm nhận để định hướng cho những hoạt động. Sự tháo vát, nhanh nhẹn của ông là một hỗ trợ đắc lực trong những sinh hoạt cho những thế lực chính trị kinh tế trong cộng đồng.

Nổi bật nhất là việc ông là một trong những nhân sự nồng cốt trong cuộc biểu tình Việt Weekly và phát tán những thông tin tuyên truyền triệt hạ Việt Weekly năm 2007-2008. Sau cuộc biểu tình Việt Weekly, ông cũng đứng trong hàng ngũ những người khởi động biểu tình tờ Người Việt. Có thể nói ông là một “Triệu Tử Long” của phe chống cộng cực đoan.

Chính vì thế, sự chuyển đổi quan điểm của ông từ “phía bên này” sang “phía bên kia” là một cú sốc cho nhiều người, nhất là đối với những người đã từng gọi nhau là “đồng đội.” Những quan tâm và bức xúc về Nguyễn Phương Hùng đã nổ thành sự kiện báo chí của năm 2011.

Câu hỏi lớn nhất là, Nguyễn Phương Hùng có thực sự tin vào những điều mình đang nói và làm, hay chỉ là một người “đón gió trở cờ?”

Quá trình chuyển đổi của ông từ quan điểm “chống cộng cực đoan” trở thành bảo vệ “tự do báo chí” bắt nguồn từ kinh nghiệm biểu tình Việt Weekly năm 2007, đây là lần đầu tiên một cuộc đụng độ giữa thế lực chính trị và báo chí mà tư tưởng “tự do ngôn luận và tự do báo chí” được đưa ra như là cơ sở cho những tranh luận. Cuộc tranh luận phát thanh trực tiếp trên đài VNCR giữa Nguyễn Chí Thiện, thủ lĩnh phe biểu tình, và Lê Vũ, chủ nhiệm Việt Weekly, giúp đặt nền tảng cho cuộc tranh luận. Tiếp theo đó, hành động đơn độc và can đảm của James Du đứng ra phản biểu tình, bảo vệ Việt Weekly cũng đánh động dư luận, và đặt phe chống cộng cực đoan vào thế thụ động trong cuộc tranh luận. Cuối cùng, khi phe biểu tình quay sang quyết định biểu tình đồng minh báo chí của mình là tờ Người Việt vào năm 2008 liên quan đến vụ “Cờ vàng trong chậu rửa chân,” họ mới cảm nhận được hết giá trị của tự do báo chí mà Việt Weekly đang đề xướng. Bởi vì khi họ cần lên tiếng, các thế lực báo chí khác trong cộng đồng không cho họ phát biểu, trừ Việt Weekly, tờ báo trước sau như một với tuyên bố “sẵn sàng bảo vệ mọi tiếng nói” cho dù khác biệt quan điểm.

Phát hiện này đã thuyết phục phe chống cộng cực đoan về sự cần thiết của “tự do báo chí” và sự hiện diện của Việt Weekly trong đời sống của cộng đồng. Không riêng ông Nguyễn Phương Hùng, mà nhiều nhân vật khác đã từng biểu tình Việt Weekly đều thường xuyên xuất hiện trên Việt Weekly để phát biểu quan điểm như Ngô Kỷ, Ngô Doãn Tiên, Đoàn Trọng, Vi Anh Bùi Văn Nhân, Phan Kỳ Nhơn, Trần Thanh Hiền, Nguyễn Xuân Tùng. Ngô Kỷ viết để cổ võ đấu tranh và ra sức bảo vệ quan điểm “tự do báo chí” của Việt Weekly. Đoàn Trọng đã trở thành phóng viên cho Việt Weekly trong một thời gian. Riêng Nguyễn Phương Hùng trở thành cây viết trào phúng dí dỏm về chuyện thâm cung bí sử trong cộng đồng gây nhiều nhức nhối cho nhiều người mà ông đã từng sinh hoạt chung.

Việc biểu tình Việt Weekly lần thứ hai vào tháng 10 năm 2011, lèo tèo với gần 60 người tham gia, thực ra chỉ là một cái cớ để những người có “ân oán giang hồ” như Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Xuân Nghĩa có dịp triệt hạ Nguyễn Phương Hùng, bằng cách khai thác những cử chỉ, hành vi mà họ cho là xu nịnh trở cờ khi phỏng vấn tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng, và những tiếp xúc với giới chức chính quyền trong chuyến đi Việt Nam. Sau chuyến đi Việt Nam, ông Hùng mạnh dạn hơn trong việc đi giữa hai lằn đạn, nổi bật nhất là việc treo cờ đỏ cùng với cờ vàng trên website kbchn.net của ông.

Việc kết hợp hai lá cờ, họa sĩ Huỳnh Thủy Châu là người tiên phong với tác phẩm triển lãm ở Bắc Cali. Và James Du là người đã ôm tác phẩm hai lá cờ đó để bày tỏ một thái độ trước một cuộc biểu tình ở Nam Cali. Nhưng việc ông Nguyễn Phương Hùng treo hai lá cờ trên website đã để lại một sự hiện diện thường trực và tạo ra một hệ quả tác động to lớn hơn.

Ông Nguyễn Phương Hùng có tin vào những điều mình đang nói và làm hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là động tác treo hai lá cờ của ông đã để lại một sự nhức nhối to lớn không cách nào hóa giải, cho đến khi người đọc đi đến một cảm nhận, hay lý giải có thể chấp nhận được cho chính mình. Huỳnh Thủy Châu và James Du qua tác phẩm hai lá cờ hàm ý đưa ra một đề nghị giải pháp kết hợp hình tượng cụ thể. Trong khi ông Nguyễn Phương Hùng treo hai lá cờ song song với nhau chưa đưa ra một giải pháp dung hòa nào cả. Ông chỉ đưa ra một bài toán cần được phải giải quyết.

Sự phản ứng của nhiều người đối với Nguyễn Phương Hùng, so với Huỳnh Thủy Châu và James Du, cho thấy cách đặt vấn đề của ông đánh đúng vào thời điểm, bối cảnh, tâm trạng, và sự trăn trở của mọi người, nhất là vào thời điểm phải đối phó với sự đe dọa xâm lăng của Trung quốc.

Năm 2011 qua đi, Nguyễn Phương Hùng và những tác nhân đang tung hoành ngang dọc trên sân khấu cộng đồng Bolsa của năm 2011 cũng sẽ qua đi, nhưng động thái hai lá cờ của Nguyễn Phương Hùng sẽ mãi mãi để lại một chấn động trong tâm thức của người Việt tại hải ngoại. Chấn động đó sẽ dẫn tới những kết cục nào chưa biết được, nhưng chắc chắn cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã đi qua một khúc quanh bất khả vãn hồi và sẽ không giống như những năm trước 2011.

 
                   Anh NPH khóc lóc trong ngày 30/4. Tôi làm tôi mất nước?

Tin liên quan:
Tòa Án đã xử Nguyễn Phương Hùng thua cựu Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc
Họp Báo Về Phiên Tòa 21-12 Tại Santa Ana, N.P.Hùng Thua Kiện
Frank Trần: N. P. Hùng chỉ là con bài thí
- Tại sao tôi đặt 2 lá cờ?