BBC 18/6/2007

Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng để đối thoại cần có bình đẳng

Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã bắt đầu chuyến thăm sáu ngày đến Hoa Kỳ, nơi tập trung nhiều người Việt ở hải ngoại nhất.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân, chủ tịch Hội đồng giáo dục học khu Garden Grove ở bang California, nói với BBC rằng đã đến lúc người Việt ở Hoa Kỳ và chính phủ Hà Nội nên ngồi xuống nói chuyện với nhau để tận dụng khả năng, tài nguyên, phương tiện của khối người Việt tại Hoa Kỳ nhằm xây dựng đất nước phú cường.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân tin rằng một cuộc nói chuyện bình đẳng, công khai giữa hai phía sẽ giúp ích cho quá trình làm việc và giải quyết các bất đồng về sau này.

Ông giải thích cho Phạm Khiêm của ban Việt ngữ biết tại sao nói chuyện giữa khối người trong và ngoài nước là việc làm cần thiết:

Nguyễn Quốc Lân: Theo tôi, muốn phát triển đất nước, kinh tế hay muốn sử dụng nguồn nhân lực là người Việt ở nước ngoài, thì cả hai bên cần bỏ qua mọi chuyện quá khứ, dị biệt để nhìn đến quyền lợi chung của đất nước.

BBC: Anh không sợ như thế có người nói là anh “đi theo Hà Nội”, “nhẹ dạ”?

Nói chuyện với cộng sản, với chính quyền không phải là điều xấu. Nói chuyện mà làm theo ý của người cộng sản mới là điều xấu. Chứ bản chất của việc nói chuyện, về Việt Nam thăm đất nước, không phải là vấn đề xấu.

BBC: Hình như cũng có sự thay đổi nào đó trong tâm lý của cộng đồng người Việt hải ngoại, tức là xem bình thường những chuyện như gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam, thông báo cho họ về tình hình và đề đạt nguyện vọng?

Tôi nghĩ, nói như thế là sự hiểu lầm. Có một việc là nhiều thành phần trong cộng đồng người Việt chưa biết cách diễn bày ý tưởng của mình để làm rõ điều họ muốn.

Trên thực tế, họ không chống việc bang giao với Việt Nam. Họ chỉ muốn qua cơ hội bang giao, thì cần có tiếp tục đàm thoại để có tự do dân chủ cho Việt Nam. Họ không chống đối chính sách bang giao, và cả chuyện làm ăn. Nhưng họ muốn dùng những điều ấy để đặt điều kiện với Việt Nam, để nói rằng nếu anh muốn mở rộng giao thương, anh phải cởi mở với công dân, có sự đối xử công bằng với nhà đầu tư, có hệ thống luật pháp độc lập.

BBC: Thế còn quan điểm của các hội đoàn của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa?

Tôi vẫn nghĩ là họ không biết cách diễn đạt ý tưởng của họ cho chính xác. Họ nói không có giao thương, không nói chuyện, hội đàm. Đó là vì kinh nghiệm đau thương của họ ngay từ giai đoạn ký Hiệp định Paris cam kết miền Bắc không xâm chiếm miền Nam. Rồi thì kinh nghiệm đi học tập cải tạo, tưởng chỉ đi hai, tháng mà có người đi cả năm, bảy năm. Họ được hứa hẹn về chính sách hòa giải, nhưng hóa ra những ai có liên hệ với chính quyền ngày xưa đều bị trù dập.

Họ thấy những chuyện như vậy, thành ra đến lúc này, họ nói một nửa câu thôi. Họ nói mệt quá rồi, không nói chuyện, không nên tin nữa. Nhưng tôi nghĩ ý thực sự của họ là: Muốn nói chuyện, hai bên phải có sự bình đẳng và tôn trọng nhau. Tôi không muốn cái kiểu khúm núm, quỵ lụy, muốn về là phải theo lệnh của anh. Anh là chính phủ Việt Nam, tôi là cộng đồng hải ngoại. Chúng ta ngồi xuống nói chuyện với nhau với tư cách bình đẳng. Tôi nghĩ ý muốn của cộng đồng ở hải ngoại là như vậy.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070618_nguyenquoclan_iv.shtml