(VienDongDaily.Com - 12/07/2015) / Bài BĂNG HUYỀN

Xướng ngôn viên truyền thanh, xướng ngôn viên truyền hình và người dẫn chương trình (thường được gọi là MC, chữ tắt từ Master of Ceremonies), là những nghề nghiệp thú vị và nhiều thử thách. Dù đặc thù của ba công việc có đôi chút khác nhau, nhưng tựu trung cả ba nghề nghiệp trên đều đòi hỏi cao về chất giọng, bởi giọng nói chính là sợi dây biểu cảm, kết nối với khán giả, truyền tải đến người nghe những thông tin đa chiều của tác phẩm mà mình thể hiện (tin tức, văn chương, bài giới thiệu về âm nhạc, chân dung nhạc sĩ, nghệ sĩ, v.v.). Người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam với giọng nói đặc trưng từng vùng, miền có những điểm khác nhau cơ bản; nhưng không có giọng nào hay hơn giọng nào, bởi mỗi giọng có âm vực, sắc điệu riêng biệt, làm nên cái đẹp của từng miền.


Nhà văn Bích Huyền (áo xanh đọt chuối) trong chương trình Tâm Tình Với Nhau trên đài Radio Bosla. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Tuy nhiên với các xướng ngôn viên, MC, giọng đọc, giọng nói phải theo chuẩn phổ thông, không sử dụng phương ngữ địa phương, phát âm phải rõ ràng, không được sai chính tả, phải bảo đảm đúng dấu thanh điệu, đúng vần, ngắt giọng, tạo ra nhịp điệu trong giọng nói khi diễn đạt tác phẩm để tạo nên sắc thái riêng. Vì nếu người đảm nhận không hội đủ những kỹ thuật trên, sẽ chỉ đơn thuần là người Việt nói tiếng Việt.
Còn tiêu chuẩn giọng đọc, giọng nói của xướng ngôn viên, MC thì cần phải đặc biệt hơn, vì họ là những truyền tãi tinh thần bản tin, tác phẩm… đến người nghe, góp phần giữ gìn vẻ đẹp, sự trong sáng cho tiếng Việt. Đặc biệt, điều này càng trở nên quan trọng hơn với những người Việt sống tại hải ngoại, bởi ngôn ngữ Việt Nam là di sản của cha ông mà mỗi người Việt ly hương đều muốn lưu giữ cho chính mình và con, cháu sinh ra tại quê người. Hiện tại trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nói chung, tại Quận Cam nói riêng vẫn chưa có trường lớp đào tại bài bản, chính quy cho xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC.

Hầu hết những người làm công việc trên chủ yếu dựa vào năng khiếu, tự học và tự rút kinh nghiệm để có thể gắn bó lâu dài với nghề. Trong quá trình tìm hiểu về nghề nghiệp này để giới thiệu đến độc giả, người viết đã được trò chuyện với một vài xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC, và được nghe những vui, buồn, cơ duyên đến với nghề, cùng những khó khăn và những kinh nghiệm làm nghề để gửi đến độc giả. Mỗi người một câu chuyện, không ai giống ai, nhưng tựu trung tất cả đều rất đam mê với công việc. Chính vì đam mê, yêu nghề, họ mới có thể vượt qua được những khó khăn.

Câu chuyện của nhà văn Bích Huyền

Trong bài viết kỳ này, xin được gửi đến quý độc giả câu chuyện của nhà văn Bích Huyền. Bà là một trong những người đã gắn bó với ngành truyền thanh của cộng đồng người Việt tại quận Cam thuở ban đầu. Nhà văn Bích Huyền tên thật là Phạm Thị Nga, phu quân của bà là trung tá Nguyễn Quang Hưng đã mất trong trại tù cộng sản sau biến cố 1975. Năm 1990, bà đến định cư tại Hoa Kỳ cùng con gái theo chương trình H.O, hiện sống cùng gia đình con gái tại thành phố Irvine.

Kể về cơ duyên đến với nghề truyền thông báo chí tại quận Cam khi sang Mỹ định cư, để rồi từ đó dẫn bà đến một số chương trình được làm công việc của một xướng ngôn viên, nhà văn Bích Huyền tâm sự, “Giữa năm 1990 gia đình tôi sang được định cư ở Mỹ theo diện HO 1. Trong thời gian còn đến thăm các gia đình anh chị em đi trước ở rải rác miền Nam, Bắc California và cũng để dò đường định cư. Thời gian khá rảnh rỗi. Người anh rể của tôi là Lê Đình Điểu, khi đó là chủ bút nhật báo Người Việt có gọi điện nhắc tôi nên dùng thời gian này để viết lại quãng đời vừa trải qua. Anh nói, Với ngòi bút của một Bích Huyền, nhật báo Ngôn Luận ngày xưa tại Saigon, anh tin rằng cô sẽ viết được tất cả quãng đời đen tối của mình sau năm 1975. Nhuận bút sẽ là $20 một bài.

“Thế là những bài viết đầu tiên của tôi với những trang hồi tưởng về quãng thời gian mười lăm năm khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, xuất hiện đầu tiên trên trang báo Người Việt vào mùa hè năm 1990. Tôi ghi lại những gian truân của gia đình “nguỵ quân, nguỵ quyền”, những gia đình có thân nhân bị giam cầm mà hầu hết mọi nhà ở Sài Gòn đều không tránh khỏi. Gia đình nào cũng có người phải đi thăm nuôi. Nào “Đường Ra Vĩnh Phú”, nào “Lối Cũ Chẳng Sao Quên”, nào “Cầu Bao Nhiêu Nhịp.” Độc giả theo dõi, đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, những bài viết này được gom lại in trong cuốn sách “Lối Cũ Chẳng Sao Quên,” xuất bản năm 1992 và năm 2000 là ấn bản có thêm phần Anh ngữ. Cũng kể từ đó tôi bước vào nghề cầm bút.”

Nhắc lại những cột báo mình từng phụ trách thuở ấy, nhà văn Bích Huyền cho biết, “Tôi chuyên viết những bản tin tức, tường thuật sinh hoạt cộng đồng tại Quận Cam và các báo địa phương rải rác ở Mỹ trích đăng. Vì công việc, nên tôi được tiếp xúc nhiều với cộng đồng. Và từ đó tôi được biết đến tên vì độc giả đọc trên báo.”

Viễn Đông (VĐ): Vậy khi đó cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam đã có truyền thanh chưa?

Nhà văn Bích Huyền: Vài năm sau, tôi nhớ không lầm, có lẽ năm 1994, phong trào radio tiếng Việt mới xuất hiện tại Quận Cam. Little Saigon Radio là đài tiếng Việt đầu tiên. Tôi cũng được mời phụ trách chương trình “Phụ Nữ” với thù lao $50 một chương trình, khoảng 20 đến 30 phút. Được hai ba tháng, chập chững dò dẫm đường đi …thì bỗng bị ngưng.

VĐ: Tại sao vậy?

BH: Họ không nói lý do. Chắc là tại chương trình của tôi dở quá! Tôi nhớ có đòi lương cộng tác ba tháng thì được trả lời: “Chi phí đó là trả cho làn sóng mướn tổng đài. Đáng lẽ các bà phải bỏ tiền ra đóng cái khoản đó.” Tôi lắc đầu ngao ngán. Cũng không thèm nhắc lại lời hứa trả tiền cho chương trình phụ nữ là bao nhiêu một tuần khi đến đây nhận việc. Khoảng một tháng sau, đài Văn Nghệ Truyền Thanh của ông Lê Phú Bổn ra đời. Tôi được mời cộng tác. Với thời gian là 45 phút và thù lao $100. Chương trình “Tâm Tình Với Nhau” của tôi và Quỳnh Lưu mỗi thứ Bảy được thính giả yêu mến, đón nghe hàng tuần. Thính giả gọi vào đài chia sẻ không dứt, nói với nhau chưa hết lời hết ý thì đã qua hết một giờ. Bởi thế nên mới có “Lưu luyến chia tay” sau câu chào tạm biệt.

VĐ: Bà còn cộng tác thêm những đài truyền thanh nào khác không?

BH: Những đài truyền thanh tôi đã từng cộng tác, ngoài đài Little Saigon Radio vài ba tháng ngắn ngủi. Còn các đài như Văn Nghệ Truyền Thanh khoảng hai năm. Sau đó sang Radio Bolsa 1999. VOA 17 năm. Chân Trời Mới 15 năm. VOA thì đã nghỉ vì giờ phát thanh của đài bị cắt. Với tuổi đã cao, mấy năm qua tôi đã muốn nghỉ ngơi, nhưng tình cảm yêu thương trong gia đình Radio Bolsa, vì Việt Dzũng- Minh Phượng; với Chân Trời Mới thì vì lý tưởng tranh đấu cho tự do, nên tôi vẫn còn giữ 1, 2 chương trình khoảng 20 phút mỗi tuần.

VĐ: Nhà văn Bích Huyền hãy nói về các công việc trên mỗi đài để giúp độc giả hình dung rõ hơn?

BH: Năm 1994 tôi được mời cộng tác với VOA, ban đầu hàng tuần chỉ phụ trách mục Tin Tức Sinh Hoạt Cộng đồng. Nhưng sau đó thêm hai chương trình nữa: Phỏng vấn Nhân Vật và Sự Kiện, và Thơ Nhạc Một Thoáng Hương Xưa (sau này đồng nghiệp của tôi ở VOA là anh Dương Ngọc Hoán đã đặt cho cái tên là “Câu Chuyện Thơ Nhạc,” vì mỗi tuần tôi biên soạn một chủ đề. Với chương trình này , tôi cũng cộng tác với đài Chân Trời Mới và 59.7 FM Úc châu. Chương trình này mang tính chất văn học nghệ thuật nhưng cũng không ít thấp thoáng nét thời sự trong đó, tôi đã biên soạn qua từng chủ đề lồng vào trong thơ, trong nhạc nên đã được nhiều thính giả yêu thích, lưu trữ và lưu hành trên Net đến tận bây giờ.

Với Văn Nghệ Truyền Thanh và Radio Bolsa, ngoài Văn Học Nghệ Thuật, tôi còn có thêm giờ Tâm Tình Với Nhau, cộng tác có Quỳnh Lưu. Khi Quỳnh Lưu nghỉ vì bận công việc của công ty, Mai Phương thay thế. Cho tới ngày nay vẫn còn tiếp tục. Quỳnh Lưu và Mai Phương đều học cùng trường Trưng Vương Saigon. Trong giờ này, chúng tôi chia sẻ cùng thính giả những nỗi niềm tâm sự, những kinh nghiệm dạy dỗ, chăm sóc các con. Nói chung là những buồn vui xảy ra chung quanh cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một trong những chương trình được thính giả yêu mến, đóng góp. Có lẽ vì chúng tôi tạo được một không khí thân mật, gần gũi với thính giả.

VĐ: Bí quyết để trở thành một xướng ngôn viên là gì? Xin bà chia sẻ để những người muốn làm công việc này hiểu hơn những khó nhọc và những luyện tập và những điều cần thiết phải có để trở thành một xướng ngôn viên thành công?


Nhà văn Bích Huyền tại đài Radio Bosla. (Băng Huyền/Viễn Đông)

BH: Tôi không được gọi là một xướng ngôn viên bao giờ. Nhưng qua 17 năm cộng tác với đài VOA, tôi cũng có được anh Nguyễn Văn (tức nhà văn Nguyễn Hữu Trí) gửi cho nhiều tài liệu hướng dẫn, tham khảo tự học. Cho nên từ những buớc đi dò dẫm, tôi cũng có thể có chút kiến thức và tinh thần tự tin bước vào con đường truyền thanh báo chí.

Chỉ xin phép được chia sẻ những điều tôi ghi nhận được về vai trò của một người xướng ngôn viên: Họ là những người đọc tin trên đài phát thanh, họ cũng có thể là người dẫn dắt, chịu trách nhiệm diễn tiến nhịp nhàng toàn bộ một chương trình. Phải có tinh thần học hỏi, luôn tìm hiểu, chuẩn bị trước những kiến thức liên quan tới chủ đề.

VĐ: Những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình nhà văn Bích Huyền gắn bó với các đài truyền thanh mà nhà văn không thể quên? Có những niềm vui, nỗi buồn nào trong nghề?

BH: Gần hai mươi năm, miệt mài trong nghề, kỷ niệm thì nhiều lắm. Kể sao cho hết vui niềm vui thì nhiều, nỗi buồn cũng có nhưng chỉ thoáng qua. Chỉ biết rằng với nghề đó, cuộc sống tinh thần của tôi giàu có, sinh động hẳn lên.

Ban đêm về ngồi biên soạn chương trình văn học, cảm nhận được biết bao nhiêu vẻ đẹp tinh thần trong từng câu, từng chữ mà các văn nhân thi sĩ, thức giả để lại trong từng trang sách. Nhận được biết bao nhiêu thư thính giả, quà cáp khắp nơi gửi cho. Đi đến đâu cũng có người đón tiếp. Nhớ lần đi Pháp được thính giả ưu ái mời về nhà, xem như người thân trong gia đình. Lập chương trình từng ngày đưa dẫn đi chơi từng nơi thắng cảnh cũng như ngõ ngách thành phố Paris.

VĐ: Ở trong nước có những nơi mở lớp dạy xướng ngôn viên, MC, trong cộng đồng người Việt tại quận Cam nói riêng và Hoa Kỳ nói chung vẫn chưa có nơi đào tạo công việc này? Nếu trong tương lai, cộng đồng chúng ta có lớp học này, và nhà văn Bích Huyền sẽ truyền dạy bí quyết nào cho những bạn trẻ muốn làm xướng ngôn viên?

BH: Vâng, nếu được như thế thì tôi sẵn sàng chia sẻ với lớp học những gì mình đã cố gắng vươn tới trong một cái nghề có thể nói khá là mới mẻ đối với tôi, vì tôi chưa từng được trải qua một thời gian huấn luyện trong quá khứ, mà phải vừa làm vừa học.

Riêng về những bài viết của tôi, những bài tường thuật ban đầu tôi viết trong bỡ ngỡ, xa lạ nhưng vẫn được đón nhận. Sau đó tôi hay đặt vào trong đó một dòng vài cảm nghĩ xen vào những sự kiện. Có lẽ gây được sự gần gũi với người đọc, người nghe. Và nhất là vì ai cũng muốn biết sinh hoạt ở Quận Cam, mệnh danh là Little Saigon ra sao? Cho nên cái tên Bích Huyền được gắn với cộng đồng người Việt và hình như đi đâu cũng được nhắc tới. Niềm vui trong tôi khó tả. Có lẽ những điều đó đã tạo cho tôi hoàn thành tốt đẹp trong con đường nghề nghiệp. Chứ nào tôi có bí quyết gì đâu! Chỉ biết nói rằng: Hãy viết và nói những gì thật, gần gũi trong cuộc sống. Chia sẻ với nhau trên trang giấy, trên làn sóng những gì mình đã trải qua, đọc được. Làm giàu vốn sống cho chính cuộc sống mình, cho đời sống chung quanh.

VĐ: Theo nhà văn Bích Huyền, tiêu chuẩn của một xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC cần có là gì?

BH: Theo thiển ý của tôi, người xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình, và MC trước hết phải là người có giọng nói rõ ràng, lưu loát, truyền cảm, và “ăn micro”. Trình bày ngắn gọn đầy đủ, mạch lạc. Khéo léo bằng kỹ năng. Nói để thu hút lôi cuốn người nghe. Bằng tất cả tấm lòng chứ không phải “làm dáng chữ nghĩa”. Riêng MC và xướng ngôn viên truyền hình cần phải có phong cách chững chạc, duyên dáng, hấp dẫn, khéo léo để có thể lôi cuốn khán thính giả đang theo dõi. Và một ngoại hình tương đối ưa nhìn. Nếu nghệ thuật trình diễn có chức năng là nghệ thuật biểu diễn thì nghệ thuật của một xướng ngôn viên, mc là nghệ thuật về ngôn ngữ và dáng điệu.

VĐ: Nhà văn Bích Huyền có điều gì tâm sự thêm không?

BH: Văn học nghệ thuật là những gì Bích Huyền yêu thích từ thời đi học, cho nên khi được làm một cái nghề để mưu sinh suốt bao năm trường ở Mỹ, Bích Huyền rất hạnh phúc. Những năm tháng qua Bích Huyền đã say mê biên soạn và thực hiện. Mỗi đoạn văn trong cuốn sách, cuốn tạp chí, những bài hát, lời thơ... khi Bích Huyền ngồi trước microphone trình bày, như là những tiếng nói đang thầm thì về một hình bóng đã xa, gợi nhớ nhiều đến ngày tháng cũ. Gần một ngàn những chương trình Thơ Nhạc, Bích Huyền để hết tâm hồn chăm chút mỗi tuần, chính là nơi gửi gấm kỷ niệm thương yêu của chính mình.

Những ký ức thật xa của một thời mộng mơ lãng mạn, một thuở biết yêu được yêu, một thời hạnh phúc và cả một thời đớn đau trong giông bão của lịch sử dân tộc. Từ trên cái nền của những chương trình văn học nghệ thuật ấy, Bích Huyền gửi vào trong đó những tình cảm, về cuộc sống, về con người, về cái sống và cái chết, về người thân, về tình yêu đôi lứa, về quê hương, đồng loại, về lòng nhân ái, về nỗi bao dung, về sự đau khổ, về hạnh phúc, về ý nghĩa của hai chữ "cho" và "nhận"... để hướng lòng mình về nơi chân thiện mỹ, để sống những tháng ngày còn lại sao cho đời sống nhẹ nhàng hơn. Tất cả rồi sẽ trôi qua. Chỉ có kỷ niệm là còn ở lại.

Xin cảm ơn nhật báo Viễn Đông đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Cảm ơn những người đã giúp tôi có được một cách trực tiếp hay gián tiếp, hoàn thành rất trọn vẹn công việc mưu sinh nơi xứ người, - trong đó có các anh chị em tôi, các đồng nghiệp, bạn hữu, các thính giả, độc giả của tôi. Tất cả đã cho tôi có được cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa như ngày nay, êm vui bên con cháu!
(bh)

http://www.viendongdaily.com/nghe-xuong-ngon-vien-truyen-thanh-truyen-hinh-va-mc-trong-cong-dong-nguoi-viet-NOD8yJ33.html