Trangđài Glasssey-TrầnNguyễn, Việt Báo 21/8/2013

CHỦ ĐỀ: YÊU NƯỚC, GIỮ NƯỚC

Khoá Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 25 (xin gọi tắt là Khoá TNSP 25) do Ban Đại Diện (BĐD) các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California tổ chức đã diễn ra trong ba ngày 16 đến 18 tháng Tám, 2013 tại Trung Tâm Le-Jao Center, Coastline Community College, thuộc thành phố Westminster, California. Năm nay, Thầy Vũ Hoàng lại tiếp tục đảm trách vai trò trưởng Ban Tổ Chức (BTC).

200 khoá sinh từ nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ và các nước Nhật và Canada đã đến dự. Đặc biệt, cô Natsuki Kitayama là người Nhật đang dạy tiếng Việt cho trẻ em Nhật gốc Việt đã đến tham dự và thuyết trình về công việc của mình. Đề tài của Khoá là “Sứ Mệnh của Thầy Cô trong Công Cuộc Chống Ngoại Xâm.” Chiều thứ Sáu, quý Thầy Cô làm thủ tục nhập khoá và cùng vui sinh hoạt với nhau trước khi cung kính tham dự Nghi thức Khai mạc với các nghi thức chào cờ, mặc niệm, và dâng hương trước bàn thờ tổ quốc.

Nói về chủ đề của Khoá TNSP 25, Thầy Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch BĐD chia sẻ, “Chủ đề của khoá Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 25, cũng của năm thứ 25 này là Sứ Mệnh Của Thầy Cô Trong Công Cuộc Chống Ngoại Xâm, mang mục đích cụ thể rõ ràng: Chúng ta muốn thế hệ con em sau này biết về nguồn cội Việt Nam, biết là đất nước cha ông của chúng ta đang bị quốc gia phương Bắc xâm chiếm. Thân thể bị chém đi từng chút, từng chút, liệu chúng ta có chịu được sự đau đớn như thế mãi không?! Lòng yêu nước là một đặc tính cốt lõi quan trọng nhất, thể hiện bản sắc của một văn hoá và nói lên sức sống của một dân tộc. Điều đáng chê bai, khinh chê hơn bất cứ điều sai phạm nào khác của một con người, đứng về phương diện đất nước, là phần tử cõng rắn cắn gà nhà, là bọn bán nước cầu vinh. Các em học sinh học Tiếng Việt phải học và biết rõ về điều này.”

tiengvietgiuathegioi
Hình ảnh Khóa Huấn Luyên và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 25.

Sáng thứ bảy, Gs Lưu Trung Khảo và Nhà văn Trần Phong Vũ đã mở đầu chương trình học với bài nói chủ đề. Gs Khảo nhấn mạnh ba điểm chính, “Thứ nhất, Dân tộc Việt Nam là Dân tộc duy nhất sau hơn mười thế kỷ bị người Tàu đô hộ, mà không bị đồng hoá, vẫn giữ được ngôn ngữ, phong tục tập quán, bản sắc dân tộc để giành lại độc lập tự chủ. Tiếng Việt chính là quốc bảo của Dân tộc ta. Thứ hai, từ đầu thế kỷ XX, văn hào Nguyễn văn Vĩnh đã có câu danh ngôn: Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng là nhờ ở chữ quốc ngữ. Từ đó đến nay, chữ quốc ngữ và tiếng Việt đã vượt biên giới mà lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Nơi nào có Cộng đồng Việt Nam cư ngụ là nơi đó có chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Thứ ba, trên bàn thờ Tổ quốc tại Khoá TNSP này có bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt, tạm dịch:

Non sông Nam quốc sẵn vua rồi
Đã định rành rành ở sách trời
Tầu khựa cớ sao xâm phạm tới
Rồi đây bay sẽ bị tơi bời.”

Liên tưởng đến một dòng sử yêu nước từ xưa đến nay, Gs Lưu Trung Khảo nói, “TẦU KHỰA là chữ của người sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên đã dùng máu của chính mình viết nên biểu ngữ Tầu Khựa Cút Khỏi Biển Đông. Hào khí của tuổi trẻ Việt Nam đang bừng bừng bốc dậy, giúp họ từ bỏ thái độ vô cảm, vượt được nỗi sợ hãi đứng lên cứu nguy đất nước.”

Nhà văn Trần Phong Vũ đã bộc bạch, “Chủ đề của khóa TNSP quá rộng cho một buổi hội thảo chỉ có một tiếng đồng hồ với hai thuyết trình viên.” Tuy biết trước sẽ chẳng nói được hết về chủ đề, nhưng Nv Trần Phong Vũ vốn là một học giả có tài hùng biện, ứng khẩu thành văn. Từ phần nói chuyện của GS Khảo, ông đã dẫn vào phần ứng dụng chủ đề này đối vối các Thầy Cô Giáo ở hải ngoại.

Nv Trần Phong Vũ đã nêu lên trường hợp hai nhân vật đều là nhà giáo, “Đó là cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, chỉ vì khuyên học sinh của mình theo dõi Internet để tìm thêm dữ kiện cụ thể trong khi làm bài nên đã bị đuổi việc phải về nhà làm ruộng. Trường hợp thứ hai là cô Đỗ Thị Thoan, bút danh Nhã Thuyên, Giảng Viên ĐH Sư Phạm Hà Nội, người đã được chấm điểm 10 cho Luận án tốt nghiệp Thạc sĩ vời đề tài Vị trí của Kẻ Bên Lề: Thực hành thơ của Nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa từ năm 2010 vừa bị hệ thống truyền thông của chế độ mạt sát, lên án đến nỗi nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã so sánh vụ này với vụ Nhân Văn Giai Phẩm hơn nửa thế kỷ trước....”

Nv Trần Phong Vũ đã ôn lại hai sự kiện điển hình này song song với vụ án phúc thẩm hai em Phương Uyên và Nguyên Kha mới đây, để dẫn vào chủ điểm mà ông muốn đặt vấn đề cho quý Thầy Cô: “Những nhà giáo và những người trẻ trong nước can đảm đương đầu với chế độ Công an trị, dám cất lên tiếng nói lương tâm của mình bất chấp những đòn thù của Đảng và nhà nước Cộng Sản thì chúng ta, những người làm giáo dục trên một đất nước tự do như Hoa Kỳ, chúng ta nghĩ gì và phải làm gì trước hiểm hỏa xâm lược của Trung Cộng hiện nay?” Câu hỏi này chính là một suy tư cần thiết để quý Thầy Cô tự đề ra cho mình một cách giảng dạy thích hợp.

tiengvietgiuathegioi2
Hình ảnh Khóa Huấn Luyên và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 25.

SỐNG CHẾT VỚI TIẾNG VIỆT

Lần đầu tiên tôi được vinh dự theo học Khoá TNSP do BĐD tổ chức là vào hai thập niên trước. Hai mươi năm sau, giáo trình và chủ đề có thay đổi để đáp ứng những nhu cầu giáo dục mới, nhưng rường mối của Khoá TNSP vẫn vậy: nhiệt huyết của quý Thầy Cô khoá sinh, sự phục vụ hết mình của BTC, tất cả một lòng vì tiếng Việt và văn hoá dân tộc.

Gs Trần Huy Bích, một học giả lỗi lạc uyên bác, đã giới thiệu với Thầy Cô về Văn hoá Việt Nam đại cương. Thầy khiêm nhu nói, “Học viên dự các lớp TNSP là những thầy cô giáo đã hi sinh thời giờ, tâm lực... dạy các em nhỏ để giữ gìn tiếng Việt. Tôi rất quý trọng anh chị em, coi tất cả là những người bạn trẻ tuổi của mình. Tôi tới để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm... chứ không muốn dùng từ dạy."

Bài học quan trọng nhất về văn hoá Việt Nam, là chúng ta có một nền văn hoá đặc sắc và độc lập, khác với văn hoá Trung Quốc. Gs Trần Huy Bích nhấn mạnh, “Một hiểu lầm quan trọng qua nhiều thế hệ là văn hoá Việt Nam đến từ Trung Hoa. Gần đây, nhiều học giả trên thế giới đã tìm ra nguồn gốc của Văn hóa Việt Nam, thuộc nền văn hoá Đông Nam Á, vốn là một nền văn hoá lớn và lâu đời trên thế giới.” Có nhiều giả thuyết cho rằng, đây là cái nôi của nền văn hoá nhân loại.

Cùng tư tưởng với Gs Trần Huy Bích, Thầy Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch BĐD nói, “Trong quá khứ và ngay cả bây giờ, chúng ta được ai đó cho Việt Nam là một nước nhược tiểu bên cạnh một đất nước vĩ đại là Trung Hoa, nên hãy chấp nhận sự thấp kém ấy đi! Ý nghĩ tiêu cực này hoàn toàn không đúng, 100% không đúng. Hãy nhìn các quốc gia lân bang còn nhỏ bé hơn chúng ta về dân số, về diện tích đất đai, về tài nguyên thiên nhiên mà họ có nói họ là nhuợc tiểu đâu. Họ đâu có chấp nhận là đàn em của ai và họ có thua kém gì ai đâu! Trong lịch sử, đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Đức cũng đâu cần đến một tỷ người để trở thành một cường quốc. Cái ý tưởng hèn kém, nhược tiểu từ đâu đó đưa vào hoặc có lẽ từ giặc nội xâm đưa ra, đều mang dã tâm đưa đất nước Việt Nam vào vòng lệ thuộc. Khi niềm tự hào dân tộc không còn, khi ý chí kiên cường quật khởi của con dân Việt Nam không còn, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Các em học sinh học Tiếng Việt phải học và biết rõ về điều này.”

Do đó, cũng theo lời Thầy Nguyễn Văn Khoa, “Qua khoá học năm nay, ngoài việc các thầy cô trau dồi về chuyên môn, chúng tôi còn mong đợi ở các thầy cô hai điều quan trọng: một là nung đúc lòng yêu nước và hai là nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc. Đó là hành trang rất cần cho chính thầy cô và cho học sinh của họ.”

tiengvietgiuathegioi3
Hình ảnh Khóa Huấn Luyên và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 25.

Bên cạnh những trách nhiệm quan trọng trong việc hun đúc lòng yêu nước qua bài giảng, các Thầy Cô cũng đối diện với nhiều thử thách mới trong việc giảng dạy Việt ngữ hiện nay. Trong giờ “Phương pháp dạy lớp Đặc Biệt,” các Thầy Cô đã đặt ra câu hỏi về việc hướng dẫn các học sinh tự kỷ. Nhiều Thầy Cô có kinh nghiệm dạy học sinh tự kỷ tại các trường công đã đưa ra một số nhận xét và gợi ý.

Thầy Lê Kim Hạng, Hiệu Trưởng của Trường Việt Ngữ Văn Lang ở Portland, Oregon, nói, “Với trung bình 650 học sinh thì có khoảng hai ba em có bệnh tự kỷ. Khi các em có phản ứng trong lớp, thầy cô tách em học sinh đó với những em học sinh khác trong lớp và tạm dành cho em đó khoảng không riêng cho đến khi em trở lại bình thường. Đôi khi có em cần sự quan tâm đặc biệt và tức khắc. Giáo viên nên cố gắng dành thời gian tìm hiểu cá tính từng học sinh để biết cách ứng phó trong những trường hợp như vầy. Phần phụ huynh, đừng ngần ngại chia sẻ bệnh trạng của con em mình với giáo viên trực tiếp đứng lớp và cung cấp chi tiết cách ứng phó khi con em họ có bệnh ứng.”

Nhưng cho dù khó khăn đến đâu, thì sự chung thuỷ đối với tiếng Việt và văn hoá mẹ vẫn đầy tràn trong quý Thầy Cô. Thầy Vũ Hoàng, Trưởng BTC, xúc động kể lại sự lo lắng của mình khi 3 tuần trước Khoá, mà BTC chỉ nhận được có 88 đơn ghi danh. Làm sao để tổ chức một khoá thứ 25 thành công khi không có khoá sinh? Nhưng, Thầy Hoàng nói, “Trời thương! Một tuần trước Khoá, chúng tôi nhận được 228 đơn. Không có gì hạnh phúc hơn cho người tổ chức là các Thầy Cô ghi danh tham dự. Chúng tôi tổ chức Khoá mà không có Thầy Cô tham gia thì cũng vô nghĩa. Nếu tôi còn ở đây năm tới, tôi sẽ tiếp tục tổ chức Khoá.”

Đáp lại sự tha thiết của BTC, nhất là vị trưởng ban tuy cao tuổi nhưng nhiệt huyết còn tràn đầy như của một thanh niên, rất nhiều quý Thầy Cô đã phát biểu và quyết tâm, “Em sẽ trở lại năm sau. Và rất mong được gặp mọi người như hôm nay.”

BTC cũng dày công thực hiện Đặc san kỷ niệm lần thứ 25 tổ chức Khoá TNSP. Quý độc giả có thể liên lạc BĐD để có được tác phẩm giá trị này: 714 799 0321, hay This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

tiengvietgiuathegioi4
Hình ảnh Khóa Huấn Luyên và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 25.

TƯƠNG LAI CỦA TIẾNG VIỆT

Phát biểu trong lễ bế mạc Khoá TNSP 25, Ts George Dutton, Giáo sư và Giám đốc Trung Tâm Đông Nam Á Học tại Đại học UC Los Angeles, đã nói, “Ở đầu thế kỷ 20, các học giả đặt vấn đề liệu tiếng Việt sẽ tồn tại, hay người ta sẽ dùng tiếng Pháp tại Việt Nam. Lúc đó, tương lai tiếng Việt còn chưa chắc chắn. Nhưng ở thế kỷ 21, chúng ta biết rõ, tương lai tiếng Việt còn rất xa!”

Tại hải ngoại, giữ gìn tiếng Việt là căn cước của việc tu thân, là mẫu số chung cho tất cả những dấn thân cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Nếu mỗi bậc cha mẹ Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều đặt việc nuôi dưỡng lòng yêu nước làm đầu, thì chúng ta không bao giờ sợ mất nước. Chính tư tưởng bảo vệ đất nước sẽ là bàn đạp, đưa những người con Việt về chống nạn ngoại xâm, hay đứng ra vận động với thế giới cho sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương mình ở bất cứ nơi nào. Nếu chúng ta lấy văn hiến làm cờ, lấy lịch sử kiên cường làm vũ khí, lấy chính nghĩa làm chiến lược, lấy sự đồng lòng làm thế tấn công, thì sẽ đẩy lùi được bất cứ một quân đội đồ sộ nào. Trận Lĩnh Nam, trận Bạch Đằng, trận Ngọc Hồi, và bao nhiêu trận khác trong thanh sử đã chứng tỏ sự chiến thắng của lòng quyết tâm và đồng tâm.

Tiếng Việt chính là trung tâm và linh hồn của quá trình tu thân và nuôi dưỡng lòng yêu nước trong khung cảnh hải ngoại ở thế kỷ thứ 21. Thai giáo là thời điểm tốt nhất để bắt đầu gieo hạt mầm yêu nước, và môi trường gia đình cộng đồng là miền đất trù phú nhất để vun trồng những tâm hồn vì nước. Mỗi người dân Việt đóng một vai trò thiết yếu trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu mỗi người dân Việt ở mọi nơi trở nên một Thầy Cô giáo Việt ngữ, cùng lên tiếng nói chống lại sự xâm lược của Trung Cộng, thì chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông chắc chắn sẽ được bảo tồn. Và lẽ phải, công lý, và hòa bình sẽ đến trên quê hương, dân tộc, và mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầm đuốc với người trẻ, chuyển cho họ vai trò lãnh đạo và đấu tranh, và tiếp tục cùng họ sánh bước. Con em chúng ta học tiếng Việt để giữ nước Việt. Chúng ta cùng dạy tiếng Việt để vững nước Việt với các em.

Chính Quý Thầy Cô là những trang sách thơm tho, đẹp đẽ, và thú vị nhất đối với các em. Chính lòng yêu nước của quý Thầy Cô là niềm cảm hứng trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất để đưa các em về gần hơn với mảnh đất quê hương thiêng liêng. Sự hy sinh thời gian cuối tuần của Thầy Cô, công sức dạy dỗ của Thầy Cô, là những món quà văn hoá đẹp nhất. Xin cám ơn Quý Thầy Cô vẫn luôn miệt mài với sứ mạng giao truyền di sản văn hoá, ngôn ngữ của quê hương lại cho các thế hệ sau. Nhiệt tình của quý Thầy Cô là yếu tố quan trọng nhất cho những thành quả của việc giảng dạy Việt Ngữ trong suốt 40 năm qua tại hải ngoại. Xin trân trọng cám ơn các Thầy Cô đã đảm đang trách nhiệm này với hết tấm lòng. Niềm đam mê giữ gìn và phát huy ngôn ngữ văn hoá Việt Nam nay không chỉ là sứ mạng của riêng cộng đồng chúng ta, mà của cả nền giáo dục Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới.

Kính chúc Ban Đại Diện, Ban Tổ Chức, quý vị giảng viên và thuyết trình viên, và quý Thầy Cô nhiều sức khoẻ để tiếp tục gánh vác trọng trách gìn giữ tiếng nói, văn hoá Việt Nam tại hải ngoại, như một ý thức và hành động yêu nước – giữ nước.