Viện Dưỡng Lão Mekong
Trịnh Hội/VOA, 25/3/2013
Viện dưỡng lão. Nursing home. Có thể nói đây là hai từ mà chúng ta sau này rất thường nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hay nói chính xác hơn là trong các mục tấu hài của Quang Minh/Hồng Đào hoặc Lê Tín/Kiều Oanh mà phần lớn đều nhắc đến những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống của những người lớn tuổi ở hải ngoại. Nursing home đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng cho sự cô đơn, lạc lõng của các bậc cha mẹ nay đã già và không còn ai trong gia đình sẵn lòng chăm sóc. Để cuối cùng đành phải vào nursing home sống nốt cuộc đời còn lại trong buồn tủi.
Hôm tôi vào thăm khu Viện dưỡng lão Mekong ở Melbourne, có thể nói phảng phất quanh tôi và trên một phương diện nào đó, nó cũng làm cho tôi có suy nghĩ này. Nhất là khi tôi phải chạm mặt với thực tế, thấy hàng chục cụ già, người ngồi ngủ gật trên xe lăn, ông đăm chiêu suy nghĩ, bà không còn biết tự ăn, tự uống cho mình. Nó thật sự là một bức tranh ảm đạm về sự sống và cái chết. Về tuổi già và những hệ lụy mà ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Có khác chăng chỉ ở mức độ, hoặc sớm hay muộn. Chứ chẳng ai sẽ thoát khỏi cảnh “sinh, lão, bệnh, tử”.
Ít khi tôi vào nhà thương. Và cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm một khu viện dưỡng lão. Thế nhưng không lần nào nó không làm cho tôi suy nghĩ về sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này. Và tự hỏi trong tương lai, chính tôi có sẵn sàng vui vẻ vào đây để sống nốt cuộc đời còn lại hay không?
Không như những khu viện dưỡng lão khác ở Mỹ mà tôi đã từng có dịp ghé qua, Viện dưỡng lão Mekong là nursing home đầu tiên và duy nhất ở Úc (và nghe đâu cũng là duy nhất trên toàn thế giới) dành cho người Việt và được điều hành bởi chính người Việt. Hôm sáng tôi vào thăm, ngoài các nhân viên văn phòng, y tá đều là người Việt, tôi còn được cho thấy những menu ăn sáng, trưa, tối đều có các món ăn Việt nam chính cống.
Chỉ riêng menu breakfast của ngày 4 tháng 3 hôm tôi vào thăm đã có đến 5 món đó là: bánh mì chả trứng, oats hoặc xôi, cháo, hủ tiếu và mì hoặc miến. Nước uống thì có thêm sữa, hoặc sữa đậu nành, hoặc cà phê sữa. Thú thật chưa chắc là ở nhà có con cháu đầy đàn mà các cụ sẽ được chăm sóc kỹ đến độ này. Đấy là tôi chưa nói đến những kỹ năng chuyên môn cần thiết hay các phương tiện chăm sóc y tế hiện đại sẵn sàng 24 tiếng mỗi ngày dành cho các cụ hiện không còn thể tự chăm sóc cho mình mà ở nhà không bao giờ có được. Nhất là đối với những người nay đã bị tật nguyền, tàn phế, hoặc có thể dễ dàng bị té, bị thương.
Thế thì tại sao tôi lại có thể nghĩ vẫn nghĩ vơ, nghĩ một cách tiêu cực về nursing home và quãng đời còn lại của những người già mà không sớm thì muộn tôi cũng sẽ trở thành một thành viên bất đắc dĩ?
Tôi nghĩ thứ nhất đơn giản bởi vì nó liên quan đến tuổi già. Mà đã nói đến tuổi già là phải nhắc đến bệnh tật. Không chỉ ở nursing home, tôi nghĩ ít có ai vào nhà thương mà không cảm thấy chạnh lòng cho người thân của mình, cho những bệnh nhân đang nằm bên cạnh. Họ rên khi bị đau. Mỗi hơi thở đều nặng nhọc. Tất cả đem lại cho chúng ta một cảm giác không thoải mái và thể như chúng ta không còn một sự lựa chọn nào khác ngoại trừ phải chấp nhận thực tế trước mắt.
Thứ hai, tôi nghĩ đó là vì chúng ta thấy cùng một lúc nhiều cụ già khác nhau với biết bao bệnh tật, đau đớn của mỗi người. Khác với ở Việt Nam nơi phần lớn người già chung sống với con cháu nên ít khi chúng ta thấy được cảnh người nào cũng cần giúp đở, ai cũng có bệnh. Nếu có thống kê về tình trạng chăm sóc người già ở Việt Nam, tôi e rằng chưa chắc mức độ chịu đựng hay “suffering” của các cụ sẽ ít hơn ở Úc. Hay ở các nước Âu, Mỹ.
Nhưng thứ ba và tôi nghĩ đây cũng là điều quan trọng nhất đó là: tâm lý. Và đã nói đến tâm lý thì cho dù bạn có hàng trăm, hàng ngàn dữ kiện chứng minh là cuộc sống ở nursing home sẽ tốt hơn, hơn hẳn ở nhà với con cháu thì nó cũng sẽ không thể nào làm vơi đi cảm giác tủi thân của các cụ. Không như văn hóa và tư tưởng tự lập, tự cường từ lúc còn nhỏ của những người lớn lên ở các nước Tây phương, tôi nhận thấy ít có người Việt lớn tuổi nào thích sống riêng biệt, tự lo cho mình và hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn, hãnh diện là mình được sống tự do, thoải mái trong đơn độc.
Và đó cũng là lý do tại sao cho đến bây giờ tâm lý của chính tôi vẫn còn dùng dằng, lấn cấn. Chính tôi cũng chẳng biết nếu được hỏi, tôi sẽ vui lòng tự vào viện dưỡng lão, hay hoàn toàn thỏa mãn cho người thân của mình vào hay không.
Thế còn bạn thì sao?
http://www.voatiengviet.com/content/vien-duong-lao-mekong/1628384.html
Bài liên quan:
- Vài nét về cuộc viếng thăm Viện dưỡng lão Mekong (Blog Dáng Thơ)
- Người cao niên ở Úc: Kỳ 1 - Viện dưỡng lão: điểm đến của tuổi xế chiều
- Người cao niên ở Úc: Kỳ 2 - Tình Nguyện Viên Phục Vụ Người Lớn Tuổi
- Người cao niên ở Úc: Kỳ 3 - Viện dưỡng lão: thú vui tuổi xế chiều
- Người cao niên ở Úc: Kỳ 4 - Viện dưỡng lão: Người gốc Việt vào VDL hay về quê hương
- Cha Mẹ già và Viện dưỡng lão
Góp ý 1:
Giá để vào sống trong Nursing Home ở Miền Nam California bẹc cà rem cũng phải ở cái giá 5000 đô la/1 tháng. Bằng không, bạn phải có Medi-Cal và Medicare (Medi-Medi). Mà để hưởng Medi-Medi, bạn phải là dân vô sản chăm phần chăm trên giăng, dưới dế.
Bạn có chút tài sản, nhà cửa ư? Toà sẽ bán nhà cửa tài sản của bạn lấy tiền trả cho Nursing Home hàng tháng.
Người già ở Hoa Kỳ là gì? Tới thời các bạn dân chủ già, đàn bà phải trên 65 tuổi, đàn ông phải trên 67 tuổi hoặc hơn nữa mới hưởng các phúc lợi hưu trí và người già. Dưới số tuổi này, các bạn vẫn phải còng lưng đi làm đóng thuế.
Mà người Việt thì vốn có thể trạng ốm yếu hơn người Tây phương, trên 55 tuổi là đủ chứng đủ bệnh bộc lộ ra, đầu óc mụ mẫm, không Alzheimer's disease thì cũng Dementia bắt đầu lộ diện. Rồi Anxiety và Depression, nguồn gộ́c của bệnh khùng. Không khùng, uống thuốc théc cũng phát khùng. Điều này càng dễ dàng bộc lộ với các bác dân chủ từng vô trại, vào ấp.
Y học tiến bộ chưa chắc mang lại hạnh phúc cho tuổi già. Hạnh phúc gì khi người ta nằm trên giường với giây nhợ, ống này ống kia chằng chịt? Ống sữa GT, Ống thở O2, Ống đái FC, giây IV, giây trói restraint... vân vân là những giây, những ống cơ bản của tuổi già, nó tròng chụp lên người già bất cứ lúc ào. Khổ lắm!
Khi người ta chưa già, cứ nghĩ già chỉ là sự nhiều tuổi, sức khoẻ yếu đi một chút. Người ta không nghĩ già sinh ra bệnh tật, nhất là những bệnh tâm thần rất phổ biến trong đời sống Tây phương. Cô đơn, buồn tủi, rồi bất lực vì bị giới hạn thể lực sinh ra quẩn trí, rồi những cơn đau, những cơn khùng v.v.
Luật pháp bảo vệ người già ở Hoa Kỳ rất nghiêm. Nhưng đọc báo thì những chuyện ngược đãi người già thì vẫn thường xuyên xẫy ra. Đủ thứ hình thức ngược đãi người già trên đất nước Tây phương. Ngược đãi thể xác (physical abuse), ngược đãi tình cảm (emotional abuse), ngược đãi tình dục (sexual abuse), ngược đãi tài chánh (financial abuse). Ôi thôi đủ thứ ngược đãi. Cha mẹ già, không đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, cố giữ cha mẹ ở nhà để ăn tiền trợ cấp xã hội của chính phủ cho người già là sự ngược đãi tài chánh (financial abuse), trường hợp này cộng đồng người Việt rất nhiều tai tiếng.
Sinh lão bệnh tử. Sinh ra là khổ, người sinh cũng như người được sinh ra. Mới sinh ra thì đà khóc óe. Đời có vui sao chẳng cười khì? Lão, Bệnh, Tử là ba thứ luôn luôn đồng hành với nhau, cái này đến là mấy cái kia đến liền liền theo sau. Chạy trời không khỏi nắng. Sinh lão bệnh tử là bốn núi vây quanh Có phép thần thông cách gì đi chăng nữa, tiền rừng bạc núi thì vẫn bị bốn núi Sinh Lão Bệnh Tử bủa vây, từ từ bức tử ém lại.
Mà các bạn dân chủ cũng lạ. Đời có bao lăm, sống nay chết mai mà sao cứ vẫn mãi mộng mị chống Cộng đến khùng?
Góp ý 2:
Một giải pháp khác mà người già có thể ứng dụng để khỏi phải vào nursing home sớm là cư ngụ trong "granny flat". Ở Úc giải pháp này khá thông dụng. Granny flat là một mobile home được dựng lên ở vườn sau của căn nhà. Gia đình của người con ở căn nhà phía trước còn cha mẹ già thì ở căn mobile home phía sau.
Việc dọn dẹp vệ sinh, chở đi chợ, bác sĩ, v.v... sẽ được nhân viên của bộ xã hội làm hàng tuần (những người này ăn lương của bộ Xã Hội). Như vậy cha mẹ già vẫn ở gần con cháu nhưng vẫn sống độc lập và không làm phiền chúng.
Điều khó khăn của giải pháp này là phải có căn nhà với vườn phía sau rộng đủ để dựng căn mobile home. Tuy nhiên đối với những người Việt đã định cư (ở Úc, Mỹ, v.v..) khá lâu thì giải pháp này không phải là điều khó thực hiện. Một sồ bạn bè tôi đã dùng giải pháp này cho cha mẹ già. Họ sống rất vui vẻ, vừa độc lập vừa gần con cháu. Chỉ đến khi nào cha mẹ già quá yếu thì mới đưa vào nursing home.
(Ở Mỹ gọi là “grandny unit” hay “second home).
Góp ý 3:
Tùy từng quốc gia, như tại Germany bạn đi làm trả tiền thuế xã hội, tiền bảo hiểm sức khỏe và khi đến lúc già thì bạn cần sự chăm sóc bằng chính số tiền mà bạn đã trả ra trong lúc còn đang đi làm.
Nhưng chính phủ lại không trả tiền bảo hiểm lúc bạn còn đi làm đã đóng của bạn cho con cái của bạn để con cái của bạn nuôi dưỡng bạn, mà chính bạn phải tự gánh chịu bằng số tiền hưu của bạn.
Từ chính vấn đề này nên con cái phải đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lảo và dùng thì giờ chăm sóc đó để đi làm để sau này có số tiền hưu nhiều, thay vì dùng thời gian đó để chăm sóc cha mẹ già mà lại không được tiền lương, rồi lúc hết tuổi làm việc thì lại không có tiền hưu dồi dào thì lại sống chật vật.
Chính sách của chính phủ chính là vấn đề khiến con cái phải đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, nếu chính phủ công nhận sự săn sóc cha mẹ già là một việc làm và dùng số tiền thuế của cha mẹ đã đóng mà trả lương cho con cái là người chăm sóc, thì con cái sẽ ở nhà chăm sóc như là một công việc được trả lương và đóng thuế lại cho chính phủ.
Đó là một cái vòng tròn không có lối ra tại các quốc gia tây phương, hiện nay tại Germany giới chính trị gia cũng đang thảo luận là có nên công nhân sự chăm sóc cha mẹ tại gia là một công việc được trả lương như những công việc khác hay không. Đảng Dân chủ-tự do của ông bộ trưởng khinh tế gốc Việt Philipp Rösler thì ủng hộ cho mô hình này và đề ra một mức lương tối thiểu giữa 9 đến 10 đôla/h, nhưng gặp lại sự chống đối từ các lobbyist của các tập đoàn bảo hiểm sức khoẻ quốc gia.
Trong tâm lý thì các cụ thường sợ khi nghe đến danh từ viện dưỡng lảo, các cụ sẽ nghĩ ra trong đầu là một cái viện với mấy trăm người già ở một nơi cô lập! Nhưng không phải là như vậy nếu mình thay đổi hình thức dưỡng lão theo đúng pháp luật quốc gia và các tập đoàn bảo hiểm sức khoẻ phải trả tiền.
Trong trường hợp này các cụ cũng nên cùng tổ chức thành lập một NHÀ dưỡng lão cho khoảng 10 người gắn nối internet với gia đình. Mô hình này cũng đang bắt đầu trở nên thịnh hành tại Germany và tại nhiều thành phố cũng bắt đầu xây những loại NHÀ dưỡng lão như thế, giới tư nhân cũng đang bắt đầu đầu tư xây những loại NHÀ dưỡng lão loại mini như vậy.
Còn tôi và chồng tôi lúc già về hưu sẽ rũ những đứa bạn đã từng học cùng trường thành lập một NHÀ dưỡng lão cho khoảng 10 người sống chung với nhau như là một gia đình, như cái thời sinh viên 6 đến 7 người chen chúc trong một phòng ở ký túc xá vào dịp Giáng sinh, Tết ta…
Góp ý 4:
Cám ơn Trịnh Hội khi đề cập đến vấn đề tương đối nhạy cảm và gay cấn ở lớp người già Việt Nam, nhất là người già thành thị.
Vào Viện dưỡng lão, sống phần đời còn lại, hầu hết tâm lí các cụ đều không thích, trừ trường hợp bị khuất phục bởi nhiều lí do...
Bạn đã rất có lí khi nhận xét:
Không như văn hóa và tư tưởng tự lập, tự cường từ lúc còn nhỏ của những người lớn lên ở các nước Tây phương, tôi nhận thấy ít có người Việt lớn tuổi nào thích sống riêng biệt, tự lo cho mình và hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn, hãnh diện là mình được sống tự do, thoải mái trong đơn độc.
Chúng ta nên phân biệt giữa người già hết tuổi lao động, sức khoẻ và ý chí còn dồi dào, tuy có yếu đau, bệnh tật sơ sơ và một Cụ già ý chí bị tê liệt, sống hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của người khác, nhất là chăm sóc về y tế.
Trường hợp đầu, các cụ hoàn toàn cần thiết ở với con cháu, các cụ vẫn giữ vai trò không thể thiếu để kết nối các các thành viên trong một gia đình.
Tuy nhiên do nhiệt tâm thái quá, các cụ dễ sa vào những cái vụn vặt gây cảm giác thừa. Nhu cầu giao lưu, chuyện trò của các cụ đặc biệt tăng vọt, chuyện trên trời, dưới biển, chuyện xa xưa luôn là những đề tài hấp dẫn. Con cháu không phải lúc nào cũng có thời gian hầu chuyện hoặc "biết rồi nói mãi"...Cuộc sống thành thị vốn khẩn trương, sôi động và không dễ có nhiều thời gian bên các cụ. Việc các cụ sinh hoạt trong các hội nọ kia là một giải pháp hay ở VN.
Nếu giai đoạn này rước các cụ vào viện dưỡng lão là một sự trốn tránh, rất không nên.
Giai đoạn sau thì lại khác, nhu cầu tinh thần của các cụ gần như không còn, sự chăm sóc chuyên nghiệp là rất cần thiết, con cháu an tâm hơn. Không có Viện dưỡng lão hoặc hoàn cảnh không cho phép thì đành phải chăm sóc tại gia, rất tốn kém thời gian, tiền bạc mà hiệu quả không cao ...Ở Việt Nam nếu có Viện chăm sóc chuyên nghiệp kiểu này thì tốt quá...
BSN đã chăm sóc người cha 3 năm ốm đau. Khi chưa ngã bệnh, cụ là trung tâm của gia đình dù đã ở tuổi trên 80. Khi đột quỵ, sự chăm sóc thật gian nan, thậm chí phản khoa học ( giờ thông tin nhiều trên mạng mới biết)...Cũng ân hận vì nếu biết nhiều hơn, chắc cụ vẫn thọ thêm dăm năm nữa.
Giờ cụ bà đã 92 tuổi.Trí nhớ vẫn tốt, tự chăm sóc bản thân, khâu vá và mất kim suốt ngày. Phải cái nói chuyện ngày xưa quá nhiều, từ cụ Chánh, ông Lý đến ông tây Cu lít đuổi chợ, rồi cách thức nấu ăn, dù cụ đã dạy các con thuộc làu từ đời tám hoánh.
Đành phải "nhờ" một người chỉ nghe cụ kể chuyện và khen cụ giỏi, khéo tay. Cũng còn hơn là thỉnh thoảng cụ lại gõ cửa phòng ngủ và hỏi con trai: giờ là gần sáng hay mới chập tối ?