Hát tuồng hay hát bội

Phan Phụng

Hình ảnh của Hát tuồng hay hát bội

Vấn đề này đã làm hao tốn bao nhiêu giấy mực và thời gian của các nhà nghiên cứu về loại hình sâu khấu cổ truyền này.

 

Từ trước năm 1945 và liên tiếp về sau đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu để xác định danh xưng cho bộ môn sân khấu này. Một số người ở miền Bắc thì gọi là hát tuồng còn một số người ở miền Nam thì nhất quyết gọi là hát bội, vì trải qua trên trăm năm lịch sử của miền Nam, người ta chỉ nghe gọi loại hình sân khấu này là “hát bội” và “tuồng” đối với họ thì chỉ có nghĩa là một vở diễn mà thôi.

Tiếng “bội” là do tiếng “bài” đọc trại ra, nhưng lập luận này không được nhiều người chấp nhận. Sau năm 1945, có một thời người ta gọi là hát bộ. Theo họ giải thích thì loại hình sân khấu này có lối diễn xuất chủ yếu là vũ bộ, tay chân phải múa máy theo tiếng kèn nhịp trống. Lối giải thích này có vẻ khiên cưỡng quá nên cũng chỉ sau một thời gian ngắn, hát bộcũng vẫn được gọi là hát bội.

Trong những cuộc hội thảo gần đây, người ta đã nhất trí gọi bộ môn sân khấu này là hát tuồng. Vậy hát tuồng đã xuất hiện ở nước ta từ bao giờ?

Nguyên là vào thế kỷ 13 dưới đời nhà Trần, từ năm 1284 đến 1287, vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đã hai lần sai con là Thái tử Thoát Hoan đem quân sang xâm chiếm nước ta. Quân dân ta đã đoàn kết một lòng quyết tâm chiến đấu dưới quyền thống lĩnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên cả hai phen quân Nguyên Mông đều bị đánh tan tành phải rút chạy về Tàu. Trong đám tù binh Mông Cổ bị quân ta bắt được có một người tên là Lý Nguyên Cát.

Lý Nguyên Cát vốn gốc người Hán, chuyên biểu diễn để giúp vui cho quân sĩ. Sau khi bị bắt, Lý Nguyên Cát đã được các thân vương nhà Trần lưu lại trong cung phủ để truyền dạy nghệ thuật hát tuồng cho các vương tôn công tử và đám gia nhân tì nữ.

Sau khi chiến thắng được quân Mông Cổ, nước nhà được sống trong cảnh thanh bình, vua tôi nhà Trần bắt đầu sống trong cảnh xa hoa hưởng lạc. Ở nơi phủ đệ của các vương hầu đều có các ban hát tuồng để thi nhau biểu diễn quanh năm suốt tháng. Buổi ban đầu, hát tuồng chỉ gồm có các thể điệu phương Bắc, ngôn từ toàn dùng chữ Hán, nên các vương thân phải sáng tác thêm những thể điệu của phương Nam, soạn thêm nhiều vở diễn để làm cho bộ môn sân khấu này ngày thêm hoàn thiện.

pic
Vở diễn Kha Tiệm Ly

Đến đời vua Trần Dụ Tông (1341-1368) thì việc ăn chơi hát xướng đã trở thành một tệ nạn làm cho chốn cung đình trở nên hủ bại đồi trụy đến nơi đã xảy ra một biến cố quan trọng suýt làm cho dòng họ nhà Trần phải bị diệt vong vì Dương Nhật Lễ. Dương Nhật Lễ là con của Dương Khương, một kép hát tài danh đương thời. Trần Thị cũng là con nhà Tôn Thất, vì quá mê hát tuồng nên đã bỏ nhà theo Dương Khương và chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một đào nương xuất sắc.

Một lần vợ chồng Dương Khương đến biểu diễn ở phủ Cung Túc Vương Trần Dục, đoàn tuồng diễn vở Quả đào tiên, Trần Thị đóng vai Tây Vương Mẫu, điểm phấn tô son trông rất yêu kiều diễm lệ làm cho Cung Túc Vương mê mẩn nên đã cưỡng đoạt, bắt Trần Thị phải làm thê thiếp cho mình. Lúc này Trần Thị đã có thai với Dương Khương gần hai tháng. Đến khi Trần Thị sinh được một đứa con trai, Vương yêu quý lắm và đặt tên cho là Trần Nhật Lễ vì cứ tưởng đấy là con ruột của mình.

Đến năm Kỷ Dậu (1368) vua Trần Dụ Tông băng hà, không có con nối dõi. (Phải chăng vì tệ hôn nhân cùng huyết thống nên các thế hệ con cháu nhà Trần về sau thường bị vô sinh và ngu muội). Triều đình muốn lập Cung Định Vương Trần Phủ lên làm vua nhưng bị bà Huệ từ Thái Hậu cực lực phản đối và nhất định lập Nhật Lễ lên làm vua vì cứ nghĩ đó là đứa cháu yêu quý của mình.

Nhật Lễ lên làm vua mới được hai năm đã có ý định lấy lại họ Dương, bắt đầu sát hại các thân vương Tôn thất nhà Trần, giết cả bà Thái Hậu và  Cung Định Vương Trác. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, các Vương hầu Tôn thất nhà Trần đã phải bỏ chạy ra khỏi kinh thành rồi kêu gọi quân sĩ các nơi kéo về trừ khử được Dương Nhật Lễ và đưa Cung Định Vương lên làm vua tức là vua Trần Nghệ Tông. Mẹ Dương Nhật Lễ trốn chạy sang Chiêm Thành, cầu xin vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân sang báo thù cho con mình, làm cho vua tôi nhà Trần phải bao phen khốn đốn.

Biến cố lịch sử này được người đương thời gọi là “Vua Phường Tuồng”. Điều này chứng tỏ là ngay từ buổi ban đầu, loại hình sân khấu này đã được gọi là hát tuồng.

Vì hát tuồng là một loại hình sân khấu cung đình chỉ biểu diễn nơi cung vua phủ chúa chứ ít được phổ biến trong dân gian như hát chèo nên đến khi ở Bắc Hà không còn vua chúa nữa thì loại hình sân khấu này cũng theo với thời gian mà mai một.

Nhưng ở xứ Đàng Trong, hát tuồng đã trở thành một loại hình sân khấu rất được dân chúng hâm mộ với một tên gọi mới, đó là hát bội.

Vì sao hát tuồng được gọi là hát bội? Và hát bội đã được khai sinh  từ bao giờ?

Vào thời kỳ Nam Bắc phân tranh, ở xứ Đàng Trong xuất hiện một nhân vật đặc biệt đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử với nhiều di sản còn để lại.  Nhân vật đặc biệt này là Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ sinh năm 1572 là con trai của Đào Tá Hán, một kép hát tài danh, người làng Hoa Trai thuộc huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đào Duy Từ thông minh  đĩnh ngộ lại ham học hỏi nên ngay từ thuở thiếu thời đã nổi tiếng là bậc kỳ tài. Ông không những làu thông kinh sử mà còn am tường thiên văn địa lý, đủ tài kinh bang tế thế.

Theo luật lệ phong kiến ở Bắc Hà lúc bấy giờ thì những người con nhà kép hát, sư sãi và thằng mõ đều bị cấm không cho  thi cử. Đào Duy Từ phải đổi họ để đi thi và đã đỗ hương cống, nhưng vì có kẻ tố giác nên đã bị tước bỏ học vị và cấm không cho đi thi nữa. Phẫn chí, ông bèn lìa bỏ quê hương lên đường vào  Nam để tìm cách tiến thân. Lúc này Nguyễn Hoàng đã vào trấn thủ hai xứ Thuận Quảng và đến đời con là Nguyễn Phúc Nguyên thì thế lực của chúa Nguyễn đã trở nên cường thịnh.

pic
Một cảnh trong vở Nữ tướng Đào Tam Xuân

Buổi đầu vào đây, ông đã phải vào làm gia nhân cho một nhà giàu có ở làng Tùng Châu thuộc phủ Hoài Nhơn (Bình Định). Tại đây có mở một văn đàn để các văn nhân thi sĩ hội họp nhau ngâm vịnh thơ phú và luận bàn kim cổ. Một lần, đi ngang qua chỗ các vị này đang đàm luận, ông xin phép được lạm bàn và những ý kiến ông đưa ra đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên thán phục, không ngờ một kẻ quần nâu áo vải mà lại có được một tài học uyên bác như vậy.

Ông chủ nhà giới thiệu Đào Duy Từ với quan khám lý phủ Hoài Nhơn là Trần Đức Hòa, một thân thần của chúa Sãi. Quan khám lý thấy ông là bậc kỳ tài nên đem về cho làm gia sư và gả con gái cho. Mãi đến năm 1626, Trần Đức Hòa mới có dịp tiến cử ông với chúa Sãi và dâng lên cho chúa xem bài Ngọa Long Cương Vãn. Trong bài này Đào Duy Từ có ý ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng lúc còn ẩn dật ở Ngọa Long Cương để chờ minh chúa đến cầu hiền.

Chúa Sãi xem bài này thấy rất hợp ý mình liền triệu mời Đào Duy Từ đến diện kiến. Chúa thấy đây là một bậc hiền tài nên đã trọng dụng ngay, ban cho ông Tước Lộc Khê Hầu, giữ chức nha úy nội tán trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính.

Lúc này chúa Sãi đang có ý đồ lập riêng một cõi giang sơn chứ không chịu phục tùng chúa Trịnh nữa. Đào Duy Từ đã dâng chúa nhiều kế sách trong việc tổ chức bộ máy chính quyền, mở mang kinh tế, tuyển dụng và tập luyện quân sĩ. Để chống lại quân hùng tướng mạnh của chúa Trịnh, ông đã đề xuất kế hoạch và đích thân trông coi việc xây dựng các lũy Tường Dục và Đồng Hới để ngăn chặn những nơi hiểm yếu làm cho quân chúa Trịnh bao lần tiến đánh đều phải chịu nhiều tổn thất và phải lui về. thể nói Đào Duy Từ là bậc đệ nhất công thần trong buổi đầu xây dựng cơ đồ của chúa Nguyễn.

pic
Một trích đoạn trong vở tuồng cổ Phụng Nghi Đình

Lúc Đào Duy Từ ra phò tá chúa Nguyễn ông đã 55 tuổi. Trong những năm tháng còn ở đất Bình Định, ông đã truyền dạy cho con em và dân chúng ở đây nghệ thuật hát tuồng. Ông đã soạn thêm nhiều vở diễn, đưa thêm vào nhiều thể điệu dân gian và lập thành những đoàn hát để đi biểu diễn phục vụ cho các lễ hội cúng đình, cúng miếu ở các làng xã trong vùng.

Ngày xưa, ở mỗi làng xã đều có một ngôi đình. Đình là nơi làm việc của Lý Hương, là nơi hội họp của dân làng và cũng là nơi thờ Thần Thành hoàng, các tiền hiền hậu hiền của làng xã. Mỗi năm đều có những cuộc tế lễ để cúng thần và lễ kỳ yên để cầu cho quốc thái dân an. Trong chương trình tế lễ thường có các tiết mục như:

- Lễ Thỉnh sinh, Thỉnh sắc

- Lễ Yết tế

- Lễ Dâng hương v.v…

- Lễ  Hoàn mãn.

Đến tiết mục Lễ Hoàn mãn thì phần tế lễ có thể coi như đã kết thúc, nhưng muốn cho lễ hội được thêm linh đình và cũng để giúp vui cho dân chúng, ban quý tế thường thêm vào một tiết mục gọi là tiểu bội hoặc đại bội. Chữ “bội” ở đây có nghĩa là nhiều thêm, thêm vào như bội thu, bội phần. Nếu là ngày nay thì tiết mục này có thể là một đêm hát cải lương Hồ Quảng hoặc ca Huế v.v…, nhưng ngày xưa ở miền Nam chỉ có một loại hình sân khấu duy nhất, đó là hát tuồng.

Các đoàn tuồng đi biểu diễn ở các lễ hội, nếu là tiểu bội thì chỉ diễn một lớp tuồng ngắn với thời gian chừng nửa giờ như:Phước Lộc ThọĐịnh Đô… Và nếu là đại bội thì phải diễn trọn một vở tuồng như: Phụng Nghi ĐìnhNgũ Hổ Bình Liêu… Có khi đoàn tuồng phải biểu diễn liên tục suốt ba đêm với các vở tuồng như: Sơn HậuLý Phụng Đình

Với khuynh hướng rút gọn trong tiếng Việt về sau(*), những cụm từ “đi hát tiểu bội” hay “đi hát đại bội” được nói gọn là“đi hát bội”. Và đoàn tuồng đã đi “hát bội” thì dân chúng cũng kéo nhau đi xem “hát bội”.

Đến đây thì hai tiếng hát bội đã mặc nhiên thay thế cho hát tuồng và cùng với sự thay đổi này tiếng “tuồng” cũng đã bị biến đổi theo. Nếu trước đây người ta nói: Đêm nay diễn vở tuồng Sơn Hậu, thì lúc này người ta chỉ còn nói: Đêm nay diễn tuồng Sơn Hậu. Tuồng là một loại hình sân khấu đã trở thành một danh từ có nghĩa là vở diễn.

Cũng vì nạn Nam Bắc phân tranh đã chia cắt đất nước ta làm hai miền suốt 200 năm nên trong ngôn từ của hai miền Nam Bắc đã có những điều dị biệt. Người miền Bắc gọi loại hình sân khấu cổ truyền này là hát tuồng và người miền Nam gọi nó là hát bội.
_______

(*) Khuynh hướng rút gọn này chúng ta có thể nhận thấy, ví dụ như ngày xưa người ta gọi con bươm bướm, con chim se sẻ thì ngày nay chỉ còn gọi là con bướm, con chim sẻ. Làng Bần Yên Nhân thì chỉ gọi là làng Bần, Thuận Hóa vì kiêng kỵ phải gọi là Thuận Huế thì chỉ còn gọi là Huế v.v…

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3884-hat-tuong-hay-hat-boi.aspx


Bài liên quan:

Tản Mạn Về Hát Bội Bình Định