Giao Chỉ, San Jose.

Chủ nhật 14 tháng 1-2018 tác phẩm của sinh viên trường Võ bị Đà Lạt sẽ ra mắt 10 giờ sáng tại Trung tâm cộng đồng Việt Mỹ SJ.

Theo Giòng Lịch Sử

Sơ lược tác phẩm:

Tác phẩm khổ lớn 810 trang giá bán $50 US chưa phát hành đã có trên 1 ngàn độc giả đặt mua.

Nếu được hỏi ai là tác giả. Câu trả lời không đơn giản. Trong hai năm đầu tiên từ 2014 đến 2016 ban biên tập gồm có 9 người. Qua năm 2017 ban biên tập gồm có 10 người. Sách hoàn tất trong năm qua và ra mắt đầu năm 2018. Đây là một công phu sưu tầm, liên lạc với hàng trăm người trên khắp năm châu bốn bể và trên internet để tập hợp lịch sử của một quân trường trên 35 khóa cả chính lẫn phụ. Tổng cộng bao gồm danh tính và lịch sử của trên 6 ngàn khóa sinh với biết bao nhiêu là hình ảnh. Ngôi trường võ bị Đà Lạt một thời nổi danh Đông Nam Á sinh ra từ năm 1948 tại Huế, chính thức trở thành trường Đà Lạt từ năm 1955 và di tản về Long Thành 1975. Dòng sinh mệnh của ngôi trường danh tiếng chỉ có được 37 năm, nhưng đến nay sau 43 năm đã trở thành dấu ấn của những ngày vinh quang và đau thương trong dòng lịch sử của dân tộc. Tác phẩm của anh em võ bị ghi lại đầy đủ và rất công phu các chi tiết từ ngày thành lập đến ngày tan hàng. Trường Võ Bị phôi thai tại Huế thực sự chỉ là những khóa học đào tạo cấp chỉ huy trung đội thuộc hàng ngũ quân đội quốc gia mới hình thành trong vòng tay binh đoàn Liên Hiệp Pháp.

Giấc mộng tương lai.

Nhưng ngay từ thời gian đó tương lai của quân đội quốc gia đã có những mong ước sẽ hình thành một hàn lâm viện quân sự như trường West Point của Mỹ hay Saint-Cyr của Pháp. West Point Army Hoa Kỳ thành lập 1801 và hai năm sau 1803 Saint-Cyr của Pháp ra đời. Cả hai đều trở thành niềm hãnh diện của chân trời binh nghiệp Âu Mỹ. Những danh tướng Eisenhower, MacArthur, Patton và Haig đều là cựu sinh viên của Point. Bên Âu Châu cả hai danh nhân đối nghịch là Petain và De Gaulle cùng tốt nghiệp Saint-Cyr. Tại Việt Nam, dù sinh ra sau các trường Âu Mỹ hơn cả trăm năm nhưng Võ bị đã đào tạo ra hàng trăm tướng tá bao gồm cả tổng thống đệ nhị cộng hòa.

 

Nội dung tác phẩm.

Xem qua Mục Lục của tác phẩm, độc giả sẽ ghi nhận được công việc soạn thảo rất đầy đủ từ danh xưng, tổ chức, chương trình huấn luyện gồm cả văn hóa và quân sự.Chúng ta cũng tìm thấy trong tác phẩm bàng bạc những tâm tư và hoàn cảnh sinh hoạt của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam từ thập niên 50 cho đến thập niên 70. Hoàn cảnh vào trườngcủa những chiến binh trong quân đội Pháp và cả giáo phái được tuyển chọn cho các khóa đầu tiên cho đến sự tuyển chọn thanh niên tình nguyện thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Khi chương trình huấn luyện được nâng cấp từ 1 năm lên đến 4 năm thì các chàng trai Võ Bị đã thực sự trở thành lớp người lý tưởng của quốc gia. Phần huấn luyện thể chất và quân sự đã đành là căn bản, nhưng riêng phần văn hóa các sinh viên võ bị vào trường với bằng tú tài và ra trường với bằng cử nhân. Trong giai đoạn sơ khai, các nhân viên tuyển mộ là người Pháp và các vị chỉ huy trưởng cùng các huấn luyện viên trong quân đội Pháp cũng đã nỗ lực dựa theo chương trình và tiêu chuẩn của Saint-Cyr. Tuy nhiên thời gian đó Pháp Quốc không có nhiều phương tiện và cũng đang tìm đường rút khỏi Việt Nam nên không có sự hỗ trợ đáng kể. Kể từ khi thành lập trường võ bị liên quân Đà Lạt cho đến khi chính thức thành trường Võ Bị được Hoa Kỳ trực tiếp yểm trợ không riêng về tiếp vận mà cả về việc xây dựng lý tưởng cho chàng trai thời đại theo mẫu mực West Point.

Độc giả và tác phẩm.

Cổng trường Võ Bị

Cá nhân chúng tôi trải qua hơn 20 năm quân vụ sau khi tốt nghiệp khóa Cương Quyết trừ bị tại trường liên quân Đà Lạt 1954. Trở thành độc giả có nhiều mối liên hệ với tác phẩm. Đọc suốt cuốn sách từng trang, nhớ lại cả cuộc đời. Nhiều chuyện đã biết nhưng cần đọc lại. Nhiều chuyện đã biết nhưng không còn nhớ, và nhiều chuyện không biết. Mỗi một danh tính đều là những nhân vật quen biết hoặc là đã từng nghe nói đến. Cả chân trời kỷ niệm mở ra. Xin ghi lại những điều đáng lưu ý. Cuốn sách dành nhiều sự trang trọng cho tổng thống Ngô Đình Diệm về sự lưu tâm của ông đến trường Võ Bị. Nhắc đến một đoạn tổng thống nói: Sinh viên không nên học ở đây chỉ để trở thành các sĩ quan cấp tá già nua về hưu. Tốt nghiệp ở đây để trở thành tổng thống, các nhân vật lãnh đạo chính phủ hay tướng lãnh. Cũng ghi nhận thêm là khóa 1 gồm có 64 sỹ quan tốt nghiệp, sau này có 9 vị lên cấp tướng trong đó có trung tướng Nguyễn văn Thiệu làm tổng thống và trung tướng Nguyễn hữu Có làm tổng trưởng quốc phòng. Sau năm tốt nghiệp có 20 sỹ quan khóa 1 được theo học trường võ bị Saint Cyr. Tất cả các vị khóa 1 đều xuất thân từ quân đội Pháp được tuyển chọn trong hàng ngũ hạ sĩ quan ưu tú và rất thông thạo tiếng Pháp. Họ là những quân nhân xuất sắc nhất của thời đó trong binh đoàn Liên Hiệp Pháp. Sau này chúng ta có dịp nghe tổng thống Thiệu nói chuyện trôi chảy với các phóng viên Âu châu.

 

Sinh viên Saint Cyr diễn hành

Hơn 10 năm sau cũng đã có những khóa võ bị được gửi đi du học Hoa Kỳ cả khóa và trở thành các sỹ quan thông thạo Anh ngữ để giao thiệp với cố vấn trên chiến trường hay tại các đơn vị kỹ thuật. Chương trình dành cho các sinh viên 4 năm theo mẫu West Point nên gồm cả các môn kiếm thuật, kỵ mã, khiêu vũ, nhảy dù, huấn nhục, mưu sinh thoát hiểm, và lãnh đạo chỉ huy.  Sinh viên ra trường sẽ là mẫu người văn võ toàn tài, hào hoa phong nhã. Các nhà bình luận thời sự đã ghi nhận rằng nếu các niên trưởng giữ được miền Nam thêm 5 năm cho đến 1980 thì lớp Võ Bị sau này có cơ hội thay thế trong guồng máy lãnh đạo quân đội và chính quyền, dòng lịch sử Việt Nam có triển vọng sang trang mới.

Nữ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp West Point

 

Giới thiệu những trang sách.

Nếu phải giới thiệu cho bằng hữu nên đọc đoạn văn nào. Tôi xin các bạn mở trang147 để đọc về chuyện trường di tản từ Đà lạt về Long thành. Tháng tư 75 tổng cộng 4 khóa võ bị cuối cùng gồm 1000 người bỏ ngôi trường thân yêu để di tản. Chỉ huy trưởng và các sĩ quan cán bộ đều xuất thân Đà Lạt. Những ngày tháng cuối cùng ngôi trường mẹ và những đứa con thân yêu vẫn tiếp tục sống trong kỷ luật nhưng đã phải dồn nén đau thương với những tin chiến sự khắp các vùng chiến thuật. Rồi đến ngày bỏ trường trên con đường di tản về Sài Gòn nhưng không phải là con đường sẽ đi những bước diễn hành với nhạc quân hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Chỉ thấy hoang mang và tủi nhục. Hai khóa đàn anh 28 và 29 làm lễ mãn khóa ra trường tại Long Thành. Hôm đó là ngày 21 tháng tư 1975. Ai nghĩ rằng chỉ hơn một tuần sau là nước mất, nhà tan. Không có quốc trưởng, tổng thống chủ toạ. Không có màn bắn cung đi bốn phương trời. Nhà hàng Phước Hùng vội vã đem đến những lá cờ may gấp. Các sinh viên tự gắn lon cho nhau. Trung tướng Nguyễn bảo Trị lúc đó là tổng cục trưởng tổng cục quân huấn chủ toạ lễ mãn khóa. Tướng Trị nguyên là sinh viên khóa 1 Nam Định chưa từng bao giờ chủ tọa lễ mãn khóa cho các sinh viên Thủ Đức hay Đà Lạt. Thời gian đó cũng chẳng còn ai chỉ định ông phải lên Long Thành để hoàn tất một ngày cuối cùng hết sức đau thương của 1000 khoá sinh võ bị. Không thể ngờ lúc vào trường với đầy hy vọng tương lai mà kết cuộc bi thảm như thế. Không ai nhớ ông Bảo Trị đã nói gì vào ngày cuối cùng của sinh viên Võ Bị tập trung ở Long Thành. Sau đó 2 khóa đàn anh ra đi về những đơn vị co cụm chung quanh thủ đô. Chính gia đình họ còn biệt tin khắp 4 vùng chiến thuật. Hai khóa đàn em 30 và 31 về trường Thủ Đức. Lần đầu tiên Thủ Đức và Đà Lạt gặp nhau chia xẻ những viên đạn cuối cùng. Ký giả Pháp gặp những sinh viên mới trở thành sỹ quan chiến đấu trận cuối cùng trên vành đai xa lộ Biên Hòa. Vấn đáp được ghi lại trên báo Paris Macth. Giờ này anh còn chiến đấu cho cái gì. Còn gì nữa đâu. Đáp rằng cũng chỉ còn những hàng chữ Tổ quốc, Danh dự và trách nhiệm như các sinh viên Saint Cyr và West Point trong đệ nhị thế chiến.

Tự thắng để chỉ huy.

Năm 1955 về nhận chức chỉ huy Đà Lạt đại tá Nguyễn văn Thiệu đặt ra hàng chữ Tự thắng để chị huy gắn trên mũ lễ phục sinh viên. Mấy năm sau, đại tá Trần ngọc Huyến là người có công sức đưa tinh thần võ bị lên đỉnh cao. Sinh viên được huấn luyện để có thể tự hào về phẩm chất xuất sắc của người trai thời binh lửa nhưng đồng thời không quên bài học Tự Thắng từ thời ông Thiệu. Có lẽ ngày nay, sau 43 năm dâu bể, người sinh viên trẻ nhất cũng đã ngoài 60. Dù trải qua tan hàng, tù đầy hay vượt biên, tất cả đều tồn tại và ổn định nơi hải ngoại. Chúng ta cùng có 1 câu hỏi phải trả lời. Thiếu tướng Nam, tư lệnh quân đoàn IV, trước khi tuẫn tiết đã hỏi người ra đi: Đi để làm gì? Xin tự hỏi, chúng ta trong những năm qua thực sự đã làm gì cho dân sinh tại hải ngoai và dân quyền tại quê hương. Năm nay 2018 là năm tổng hội võ bị Đà Lạt phân chia đôi ngả. Duyên cớ vì đâu? Không biết thì thắc mắc. Biết lại thêm buồn. Phe tổng hội ví như hành pháp đang giữ ngọn cờ chủ tịch ở Nam CA. Phe đại diện khóa như quốc hội lập pháp trở thành đối lập ở miền Bắc CA. Tháng 5-2018 San Jose sẽ tổ chức đại hội toàn thế giới. Tháng 6-2018 quận Cam cũng có đại hội toàn cầu. Cùng trường võ bị với tinh thần chiến hữu qua 30 năm binh lửa, 40 năm lưu vong. Làm thế sao đành? Tác phẩm Võ Bị theo dòng lịch sử vốn là một phần của lý do tranh cãi hai nẻo Bắc Nam, có thể sẽ còn phải thêm những trang đen tối sau cùng ở hải ngoại. Rồi mai đây, ai là người thực sự thi hành châm ngôn Tự Thắng để Chỉ Huy.


Thư gởi Giao Chỉ Vũ Văn Lộc về cuốn sách "Theo Dòng Lịch Sử" - Nguyễn Văn Nam K20