Bài Viết Về Nước Mỹ của Phan từ Dallas, viết về vụ 6 mạng người bị bắn chết trong một gia đình Việt (25/7/2011)

nhà quàn Moore Funeral Home,tại thành phố Arlington TX 76012

Tác giả là một nhà báo tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên tuần báo Trẻ và phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" cho Ca Dao Magazine.  Phan đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ  2007 và từ 4 năm qua, không ngừng góp bài mới. Với ngòi bút -quên, thực sự là cái keybord- ngày càng tối tân hơn, bài mới của Phan  ngày càng theo sát thời sự hơn.  Bài viết lần này, Phan kể về thảm kịch bạo lực trong một gia đình gốc Việt tại Garand Prairie, 5 người và một thai nhi bị bắn chết.

***

Cả thành phố Dallas xôn xao với tin một người Việt nổ súng giết chết 6 mạng người và 4 người bị thương. Chưa bao giờ tờ báo Mỹ lớn nhất ở địa phương là Dallas Morning News (DMN) đi tin trang nhất về một cộng đồng thiểu số "trang trọng" như thế và DMN đã đi liên tục nhiều bài viết tiếp theo về vụ việc.

Tóm tắt vụ án nói trên là anh Đỗ Tân 35 tuổi, đã xả súng bắn chết vợ là chị Trini Đỗ 29 tuổi, 2 người em gái của chị Trini Đỗ là: Tynn Tạ 16 tuổi; Michelle Tạ 28 tuổi và người em trai của chị Trini Đỗ là Hiên Tạ 21 tuổi; người em dâu của chị Trini Đỗ là Nguyễn Thúy 25 tuổi, (mới từ Việt nam qua được hơn năm và đang có thai). Tính cả em bé trong bụng mẹ là 6 mạng người chết. Anh Đỗ Tân còn bắn bị thương cha mẹ vợ và thêm 2 người bị thương…  trong bữa tiệc sinh nhật của con trai 11 tuổi của vợ chồng anh, được tổ chức tại Forum Roller World tại Grand Prairie, cách thành phố Dallas khoảng 20 dặm về phía tây. Cháu trai 11 tuổi và em gái 3 tuổi được bình an sau thảm kịch bạo lực gia đình.

Riêng tôi là người địa phương ở Dallas nên dĩ nhiên là nghe tin sớm, và bàng hoàng khôn nguôi về một thảm kịch của cộng đồng người Việt tại Dallas. Công việc tiếp theo của người làm báo là theo dõi thông tin từ hai phía Việt-Mỹ để thấy được tầm mức của vụ việc: Phía người Mỹ nhìn vào sự việc xảy ra như thế nào? Phía người Việt phản ứng ra sao?... Tôi đi công việc xuống Houston với mấy nhà báo trong Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas, suốt 10 tiếng lái xe của chuyến đi và về đều nghe anh em đưa ra những quan điểm xung quanh chuyện này. Hôm sau, anh em báo chí trong Hiệp hội chúng tôi lại cùng nhau đi viếng đám tang tại nhà quàn Moore Funeral Home tọa lạc ở 1219 North Davis Drive, thành phố Arlington TX 76012.

Sau khi tôi đậu xe vào parking, những suy tư của anh em báo chí trong mấy ngày qua đi chung xe, ngồi chung bàn đều vô nghĩa. Trước cái tang quá lớn của gia đình ông Tạ Hội, suy nghĩ đầu tiên của tôi là nếu ông không phải là một cựu quân nhân thuộc loại cứng cỏi (nhảy toán) trong quân đội VNCH thì chắc ông không còn đứng nổi khi 4 người con ruột, một con dâu, một con rể, một cháu nội chưa chào đời chết cùng một lúc. Bà Hội bị thương nặng - đang nằm trong bệnh viện. 2 đứa cháu ngoại bỗng phút giây đã mồ côi - ngay trong ngày sinh nhật thứ 11 của cháu trai.

Theo ông cho chúng tôi biết, đã gần một tuần trôi qua, ông vẫn chưa ngủ được, không ăn, chỉ uống nước lạnh cầm hơi. Bắt tay ông mà nước mắt chúng tôi cứ muốn trào ra những thương cảm một đồng hương, người lính già của chúng ta làm sao sống nổi nữa đây! Nhỏ lệ khi nghe ông nhắc đến những lời trăn trối của con gái lớn của ông là chị Trini Đỗ trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nhờ cha chăm sóc cho 2 con của chị.

Và tôi hoàn toàn tê dại hết cảm xúc khi nhìn những bức chân dung của nạn nhân. Họ quá trẻ để đủ sức tiếp nhận những bi kịch xã hội, bạo lực gia đình… nhưng họ thật sự đã không còn cơ hội để hỏi cuộc đời, xã hội, mọi người… "tôi có lỗi gì?"

Tôi cũng không biết nói gì khi một người con trai của ông Tạ Hội đã nói: Gia đình tôi có 8 anh chị em thì nay đã chết hết một nửa, chúng tôi quá đau khổ… Anh còn cho biết, mẹ anh không bao giờ đi đâu chơi hơn vài ngày vì bà luôn gần gũi với các con, đặc biệt là các con gái của bà. Nhưng hiện tại, sau khi ra viện, bà sẽ ra sao?...

Chưa bao giờ trong ống kính tôi lại ghi hình 4 cỗ quan tài chung trong một nhà quàn, 4 người anh em ruột thịt với nhau đang đối diện với tương lai mở sau 17 năm hội nhập với xứ sở này. Tin từ gia đình nạn nhân, bạn bè thân với hung thủ và các nạn nhân cho chúng tôi biết đều là những tin tức mà giới truyền thông Mỹ-Việt săn tìm. Nhưng hầu hết anh em báo chí ở Dallas chúng tôi đã không làm công việc mà chúng tôi thường làm là ghi chép, chụp hình để đưa tin. Mỗi người rụng rời tay nghề trước sự việc quá lớn, quá đau lòng, như chuyện xảy ra trong nhà mình, gia đình mình; người thân của mình đang nằm đó như ngủ, trẻ trung, xinh đẹp, tương lai và ước mơ còn nguyên trên những nắp quan tài - ngày mai sẽ khép lại tất cả - một cách vô lý đến không chấp nhận được.

 Chúng tôi không thể ở lâu hơn trong nhà quàn, chả phải bận rộn công việc gì quan trọng. Chỉ là không chịu nổi đau lòng và những uất ức thay cho nạn nhân. Càng đau lòng nhưng thật thấy thương đồng hương và tin tưởng được một điều là tình người chưa hết - dẫu chuyện đau thương vẫn xảy ra hàng ngày trên đất nước này, trên khắp thế giới… thật nhiều người từ tóc bạc tới trẻ em đã hỏi thăm những người đúng ngoài nhà quàn-chúng tôi: "Có phải trong này là chỗ đang làm đám tang cho những người bị bắn…"; Thật nhiều người Mỹ từ già tới trẻ đã đến viếng tang lễ với lời xin lỗi mở đầu… "Tôi đọc được tin trên báo; tôi xem trên truyền hình… muốn đến viếng những nạn nhân." Nghĩa là một đám tang có nhiều người không quen biết nhất ở Dallas từ trước tới nay.

Tôi nhặt lại được tình người từ những đổ nát đương đại. Đường về lại thành phố Garland, nơi chúng tôi ở, những anh em báo chí đã thôi mang nặng những suy tư đơn lẻ; những quan điểm của mình, của bạn… tiếng nói chung đã phát ra trong cái xe lăn đều trên đường về là: "Chúng ta phải làm một điều gì đó!"

Buổi họp sơ khởi được mở ra khi chúng tôi về đến Garland, Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas sẽ đứng ra tổ chức cuộc quyên góp rộng lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại trên toàn thế giới. Mục tiêu quyên góp là tích cóp một trương mục ngân hàng cho hai cháu bé mồ côi kia có tiền ăn học tới trưởng thành. Vấn đề tiền bạc được đặt ra không nhằm mục đích giải quyết đời sống cho hai cháu bé vì các cháu vẫn còn ông bà nội, ông bà ngoại; các cậu, dì… có thể lo lắng cho hai cháu tới trưởng thành được chứ chả phải không. Nhưng việc làm (nhịp cầu) của chúng tôi - Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas chỉ muốn gởi đến hai cháu bé thông điệp: Tình yêu thương của đồng hương người Việt luôn đứng về phía hai cháu, ủng hộ hai cháu đến trưởng Vâng, thưa bạn. Một đứa bé 11 tuổi, mỗi năm đến ngày sinh nhật - cháu lớn hơn năm ngoái một tuổi đời nên thấm thía hơn về thảm kịch gia đình mình vì khi xảy ra thảm kịch này cháu đã 11 tuổi, trí nhớ sẽ không phai mờ như đứa em gái lên 3. Trong mất mát không gì bù đắp nổi; khổ đau tận cùng của một người vô tội, cháu còn được tình yêu thương, lòng chia sẻ và ủng hộ của đồng hương người Việt trên toàn cầu. Đó là hết những gì chúng ta có thể xoa dịu bớt nỗi đau cho hai cháu bé vô tội nhưng mang vết thương lòng đến hết đời hai cháu cũng không quên.

Về việc phát động cuộc quyên góp (tiền bạc là phụ - chính yếu là tình yêu thương và lòng chia sẻ của mọi người dành cho hai cháu bé) do Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas sẽ được phổ biến rộng rãi trên tất cả những phương tiện truyền thông của người Việt hải ngoại cùng chung ý hướng và tiếp tay vào cuộc quyên góp này. Chúng tôi sẽ có phương cách cụ thể trong số báo tuần này, trên tất cả những tờ báo thuộc Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas. Mong quý độc giả, đồng hương theo dõi và ủng hộ.

(Có tin cho biết, Cộng đồng Việt kiều Mỹ trong vùng đã thành lập một quỹ tín thác cho hai cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Địa chỉ nhận quyên góp là Hội Việt kiều Mỹ hạt Tarrant, hộp thư 183821, Arlington, Texas 76096.)

*

Tôi chẳng biết mình là ai trong lời kêu gọi viết ra từ con tim nặng nề suốt đêm qua, sáng nay ra quán ngồi nghe dư luận. Thảm kịch Grand Prairie không được bàn luận xôn xao, ồn ào với những lời lẽ vô tội; những cái bỉu môi sự đời… trên gương mặt mỗi người khi đưa ra ý kiến về thảm kịch trên đều đượm vẻ buồn sâu xa, nỗi cảm thông vô bờ với hoàn cảnh của hai cháu bé trong tương lai… những tiếng cười trào phúng; những câu ngổ ngáo với tin giật gân, xì-căn-đan trên báo chí đều nhường chỗ cho lời tự đáy lòng những người đồng hương nói ra suy tưởng. Nếu có thể tổng hợp lại những ý kiến từ một quán cà phê thì ta cũng phác hoạ được chân dung thời đại.

Việc bạo lực gia đình không có gì mới lạ vì nó từng, (thường) xảy ra hàng ngày, trên khắp địa cầu chứ cũng không riêng gì nước Mỹ. Cụ thể một vụ bạo lực gia đình dẫn tới án mạng không quan trọng là xảy ra trong cộng đồng người gì, vì nó phổ biến (ngày càng tăng) trong xã hội. Nhưng nhìn về một góc hẹp là cộng đồng người Việt trong xã hội Hợp Chủng Quốc to lớn này, những vụ bạo lực gia đình của người Việt được nhắc lại sơ qua như ông người Việt ném mấy đứa con nhỏ xuống sông - bên Alabama; chồng giết vợ con bên California; ngay tại Dallas cũng có hồ sơ thần chết về vụ chồng đập búa đến chết vợ…

Nghĩa là bạo lực trong một gia đình Việt nam sống trên nước Mỹ không phải không có. Những nguyên nhân tổng hợp được từ một quán cà phê không đại diện cho sự đúng đắn nào, nhưng nó lại là những suy nghĩ rất thực, rất đời thường khiến mỗi người đều suy nghĩ. Có người cho là sự hội nhập của người Việt vào xã hội Mỹ không trọn vẹn - cũng là một nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình. Ý kiến được giải thích khá đơn giản nhưng không phải không có lý! Thí dụ, bậc cha mẹ chấp nhận việc hội nhập là cho con cái vị thành niên đi dự tiệc với bạn bè tới nửa đêm, quá nửa đêm mới về… cha mẹ cho đó là sự hội nhập; nhưng khi cháu gái chưa tới 18 tuổi nhưng có thai với bạn trai. Cha mẹ cô bé không chấp nhận nổi hậu quả của sự cho phép hội nhập của mình; cha mẹ cháu trai kia cũng không vui vẻ gì với cậu con trai của mình. Và người Việt đối phó với hậu quả không dứt khoát như Mỹ, ưa giữ sĩ diện cho cả hai gia đình bằng cách cho chúng làm lễ cưới. Nhưng sau hôn lễ bất đắc dĩ đó thì bên vợ chả coi anh chàng rể nhóc con kia ra gì; bên chồng cũng không coi trọng cô con dâu bất đắc dĩ của mình. Trong khi đôi bạn trẻ có con với nhau từ tình yêu thương, chấp nhận hy sinh tới cùng cho nhau. Nếu hai gia đình đừng can thiệp, để chính phủ lo. Chưa chắc đã thê thảm như khi sĩ diện của cả hai gia đình đã biến họ thành một cặp vợ chồng bất đắc dĩ. Tình yêu tuy bồng bột của họ nhưng tình yêu vẫn là tình yêu xuất phát từ hai trái tim của họ đã bị sĩ diện gia đình bóp chết, biến hoá và thui chột tình yêu ban đầu của họ. Gia đình mới mẻ của họ được tạo ra miễn cưỡng vì sĩ diện của hai gia đình; bơm thổi thiếu trách nhiệm từng ngày vào hai người còn trẻ dại là hôn nhân của họ chỉ là cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, tình yêu của họ là vụng trộm… tự hai gia đình làm cho họ coi thường hạnh phúc của họ, dẫn tới coi thường người phối ngẫu… dẫn tới bạo lực gia đình.

Có ý kiến cho là bạo lực gia đình xuất phát từ sự đối xử thiếu công bằng của hai gia đình nội-ngoại. Con rể bác sĩ được coi trọng hơn con rể thi sĩ; con dâu nha sĩ được coi trọng hơn con dâu làm nail… Cái lỗi nhìn gần thì thật có nhiều bậc cha mẹ đã đối xử như thế với dâu-rể thật, chứ không phải không có. Từ ấm ức nhỏ nhưng tích lũy trong quan hệ lâu dài của một gia đình sẽ thành hận thù và khi lòng hận thù đủ sức biến thành hành động thì kể gì tính người…

Một ý kiến khá thiển cận nhưng nhìn với góc rộng hơn là do người Việt có thói quen quy về một mối. Con cái trưởng thành, đã lập gia đình nhưng cha mẹ vẫn thích họ về sống chung dưới một mái nhà để ông bà vui cháu. Trong đời sống Mỹ của một gia đình có những tự do không thể có cha mẹ già lom lom xoi mói vào đời tư người trẻ. Sự can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái đã trưởng thành là nguyên nhân dẫn tới bất mãn; theo thời gian thành hận thù; dẫn tới bạo lực, án mạng…

Ý kiến bình dân nhưng rất thực này đi đến kết luận khá thú vị: "Vợ chồng chung lo cho con cái là chuyện nước chảy xuôi… nhưng khi chúng đã lập gia đình thì mình cho được gì cho; nói được lời nào vun xới cho con cái thì nói. Bằng không, có nhiêu, còn nhiêu… vợ chồng già liệu cơm gắp mắm mà sống, riêng một góc trời-hai trái tim khô. Sống ở Mỹ thì bắt chước Mỹ, chừng nào con cái, cháu chắt mời ông bà đến dự sinh nhật nó thì hãy đến, Đừng đứng ra tổ chức sinh nhật cho thằng cháu ngoại sinh ở Mỹ bằng nồi bún mắm. Nhìn lại bữa tiệc toàn bạn bè của ông bà xì xụp; mấy đứa bé kia tay bịt mũi tay ăn pizza… Biết đâu con dâu hay con rể để bụng không ưng, lâu ngày, nhiều chuyện… thành chuyện. Qua việc ở Grand Prairie tôi thấy, ở với con trai thì có ngày con dâu cho ăn canh vĩnh biệt; ở với con gái thì có ngày con rể cho ăn kẹo đồng… chỉ tin được bà vợ già là muốn giết mình thì bà ấy đã giết từ khi mình còn trẻ. Nhưng anh đừng nói ra ý nghĩ của tôi trên báo chí vì nhiều người bạn của tôi lại nói tôi xỏ họ…"

Tôi cũng ghi nhận được ý kiến về bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt từ một người trẻ, theo anh ta: (Hay viết lại nguyên văn lời phát biểu để trung thực cái nhìn cho mọi người), "… đàn bà Việt nam qua Mỹ đòi bình đẳng nhưng họ đâu có bình đẳng gì đâu! Anh có thấy bà Việt nam nào đẩy máy cắt cỏ ngoài sân, rửa xe ngoài driveway; nhưng anh thấy… (chính anh không chừng), cũng là người đàn ông Việt nam đứng ở ở chỗ cái bồn rửa chén với một đống chén dĩa thấy ớn. Trong khi vợ chồng Mỹ thì khác, phụ nữ Mỹ làm công việc cắt cỏ, rửa xe… như đàn ông. Nên người chồng Mỹ không thấy ấm ức như người chồng Việt nam rửa xe, cắt cỏ xong thì vô rửa chén. Tinh ra, phụ nữ Việt nam hội nhập một nửa có lợi cho họ thôi; tên chồng thì nhịn tới lúc chịu hết nổi. Bùm."

Một nguyên nhân nữa dẫn đến bạo lực, có thể vô lý với người đã bớt, (hết) nhu cầu, nhưng cũng là vấn đề xã hội khi người vợ dùng chuyện sex như một món quà thưởng cho anh chồng, sau khi anh ta làm vui lòng người vợ về một chuyện chẳng ăn nhập gì đến chuyện phòng the của hai vợ chồng. Từ tâm lý bị ép dẫn tới coi thường vợ, ra ngoài giải quyết sinh lý đâu có bao nhiêu tiền, lại được xem trọng. Hậu quả thì không phân biệt ai lỗi ai phải khi đôi bên cùng không đúng. Hậu quả nhẹ là ly dị, nặng nề khó biết trước…

Những vấn đề được thảo luận công khai, mang tính quần chúng ở quán cà phê; không đại diện cho sự đúng đắn nào nhưng đúng là những lời được nói ra từ quần chúng. Bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt cũng xuất phát từ một yếu tố khá phổ biến khác là người Việt được giáo dục đùm bọc anh chị em ruột theo tinh thần "anh em như thể tay chân" trong Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi. Nhưng khác với người Mỹ là vợ ngồi xuống nói chuyện với chồng về việc giúp đỡ người em cô ta khởi nghiệp bằng tấm check bao nhiêu là bao nhiêu… một lần duy nhất hay có lần sau… quan trọng là vợ chồng cùng biết và đồng ý chung thì không bực bội. Khác với người Việt là anh chồng đi cày mờ mắt; những lúc hé mắt ra được chút thì thấy cậu em, cô em vợ phây phây ăn chơi với nguồn kinh phí được thấm thúi từ vợ mình. Những bực vọc nhỏ đó sẽ lớn dần và dẫn tới bi kịch…

Dù sao ra quán để nghe dư luận về thảm kịch Grand Prairie, tôi không ghi lại nhiều những ý kiến không phải không đáng quan tâm; nhưng không đúng chủ đích bài viết này. Tôi chỉ ghi nhận những khái quát để có cái nhìn rộng hơn về hội nhập, cách giữ gìn phong tục tập quán cần cân nhắc hơn… Riêng vụ việc xảy ra ở Grand Prairie, hầu như ai cũng thuộc lòng câu van xin của cháu trai đã nói với cha là đừng bắn mẹ; câu nói cuối cùng mà người cha máu lạnh được nghe con gái bé bỏng của mình nói là: con thương cha, đừng bắn mẹ con.

Nhưng oan nghiệt đã lấy đi sinh mạng những người mẹ, dì, cậu, mợ từ bàn tay ân đoạn nghĩa tuyệt của người cha máu lạnh. Thảm kịch một gia đình để lại trên đời hai cháu bé không bao giờ còn nghe tiếng nói của mẹ yêu; để lại trong lòng mỗi người chúng ta những băn khoăn tự hỏi về việc mình có mặt trong xã hội này là may hay rủi; Những gì đã xảy ra trong gia đình mình; đang diễn ra trong gia đình mình… tương lai đi về đâu? Hãy nhìn lại để thay đổi khi chưa quá muộn, đừng để điều đáng tiếc xảy ra vì sự cố bất hạnh của một người Việt, một gia đình Việt đều đau lòng cả cộng đồng người Việt. Thật oan trái, thương tâm, tội nghiệp đến cứng họng, hết lời khi nhìn di ảnh của những người bạn trẻ Việt nam bỏ mạng vì những lý lẽ không chấp nhận được. Không có giải thích nào tương xứng hơn sự im lặng sẻ chia đau đớn chung này.

Chỉ có sự thay đổi cách nhìn, cách sống của từng người Việt sao phù hợp để đừng xảy ra thảm cảnh tương tự nữa là chính xác một phần nào an ủi vong linh những đồng hương vô tội của chúng ta.

Phan

https://vvnm.vietbao.com/a174875/tham-kich-o-grand-prairie

Người chồng người cha máu lạnh:

 


Đằng sau thảm kịch gia đình: Chồng đâm, chém chết mẹ vợ và vợ ở Houston (10-09-2017)

Vietnamese family's quest for better life turns to sorrow after roller rink slayings 
  https://www.dallasnews.com/news/grand-prairie/2011/07/25/vietnamese-familys-quest-for-better-life-turns-to-sorrow-after-roller-rink-slayings