SMCĐ hân hạnh giới thiệu tác phẩm Đi Mỹ, của nhà văn Trần Yên Hòa:

- Bấm vào icon "Giới Thiệu Sách Mới" để vào trang Tủ Sách SMCĐ
- Bấm vào hình bìa sách bên dưới để xem hình lớn hơn

 

 

  di-my-ftKhổ sách: 5.5"x8.5", bìa thường, 250 trang, 2011
  
Giá ủng hộ: $20
  
Liên lạc: Nhà văn Trần Yên Hòa
                 ĐT: 714-360-7356

 (Xin vui lòng nói với tác giả/NXB là quí độc giả biết về cuốn sách từ trang website SucManhCongDong.Net)

 


  

 

 


Nhà xuất bản Văn Mới vừa ấn hành tác phẩm “truyện dài Đi Mỹ” của nhà văn Trần Yên Hòa.

Đây là tác phẩm thứ 8 của Trần Yên Hòa đã xuất bản và là truyện dài thứ 2 sau Mẫu Hệ (Thế Kỷ, 2004)

Vào đầu sách, trong lời “Mở”, Trần Yên Hòa đã viết:

Ngày ấy với hôm nay đã lâu lắm rồi. Ngày ấy là những ngày, những tháng, những năm, của thế kỷ trước. Nói thì lâu lắc lắm vậy, nhưng thật ra, cũng chỉ mười chín, hai mươi năm thôi. Hôm Nay, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi vẫn thấy lòng mình có một nỗi chua xót, đắng cay, bàng hoàng, xúc động.

Nhà văn Nguyên Huy trong nhật báo Người Việt, khi giới thiệu truyện dài Đi Mỹ, đã viết:

Ði Mỹ” với nhà văn Trần Yên Hòa là một số góc cạnh của những cựu tù cải tạo trong biến cố này. Gần 300 trang sách, tác giả nhũn nhặn gửi độc giả trước khi vào chuyện: “Chuyện dài đi Mỹ thì có cả trăm hình vạn trạng. Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Ở đây tôi chỉ ghi lại một vài chuyện nhỏ trong muôn hình vạn trạng kia thôi.”

Ði Mỹ” trước hết là đổi đời cho người cựu tù, kế đến là vợ con họ, là thân quyến họ, là những người yêu, hôn phu, hôn thê của lớp con cái, là những cán bộ từ khóm phường qua quận huyện lên đến thành phố sang Nguyễn Du (nơi tập trung đơn xin đi Mỹ để chuyển lên Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội) và song song là Nguyễn Trãi (nơi các cán bộ ngoại vụ làm dịch vụ, tức làm tiền cho xuất cảnh), là những người môi giới nhà cửa đất đai, v.v...

Hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH sau 30 Tháng Tư, 1975 bị nhà cầm quyền cộng sản lùa vào tù hết, từ gian manh lập lờ qua hai cái Thông Cáo Học Tập Cải Tạo cho đến bắt bớ vô tội vạ những người có ít nhiều dính đến chế độ cũ...

Quý bạn đọc muốn có sách truyện dài “Ði Mỹ”, xin liên lạc:

Trần Yên Hòa

9155 Pacific Ave #246

Anaheim, CA 92804

ĐT: (714) 360-7356

Ấn phí: $20.


 

Truyện dài "Đi Mỹ" của Trần Yên Hòa

Lê Hải (cựu cộng tác viên BBC)

Điểm sách

Chuyện một thời "Ra đi có trật tự"

Có những ký ức từng là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của một giai đoạn lịch sử, nhưng sau này không chỉ nhường chỗ cho những câu chuyện về một mối bận tâm khác của lúc bấy giờ, mà còn thậm chí bị rơi vào quên lãng một cách vô tình hay cố ý. Chuyện "Đi Mỹ" của một thời những năm 1980s và 1990s là như vậy, nếu không được văn (học) hóa vào những tác phẩm như tiểu thuyết của Trần Yên Hòa, mới được Văn Mới xuất bản [1]. Tác phẩm chất chứa những câu chuyện nói ra tưởng "lâu lắc lắm vậy, nhưng thật ra, cũng chỉ mười chín, hai mươi năm thôi.[...] mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, vẫn thấy lòng có một nỗi chua xót, đắng cay, bàng hoàng, xúc động."

Câu chuyện của Trần Yên Hòa xoay quanh cuộc sống của những người tù cải tạo sau ngày ra trại và những toan tính cho một chuyến đi đổi đời theo chương trình "Ra đi có trật tự" - ODP do chính phủ Hoa Kỳ đề xuất. Chỉ riêng muốn hiểu được câu chuyện này những bạn trẻ sinh sau đẻ muộn đã cần phải đọc thêm rất nhiều về lịch sử Việt Nam trong thập niên 1980s, mà nay sách vở hầu như chỉ nói đến chuyện Đổi mới. Nhưng câu chữ của Trần Yên Hòa không phải là chuyện lịch sử, cũng không phải là những dòng hồi ký day dứt về quá khứ, mà một góc nhìn nhân bản của nhà văn, đưa người đọc vào những suy nghĩ rất thường ngày trong cuộc sống của các nhân vật chính. Không cần biết tới chuyện người từ trại cải tạo về bị chính quyền mới hạch sách ra sao người đọc cũng dễ dàng chia sẻ được nỗi lo âu của người đàn ông phải chạy xất bất xang bang để xin công an phường cái giấy xác nhận, qua ủy ban lạy lục xin đóng con dấu, để rồi tới chỗ phỏng vấn chẳng ai cần tới. Không cần hiểu nổi chuyện xã hội lúc thời thế vai vế đổi thay, độc giả vẫn sẽ hiểu được cảm giác của người đàn ông đạp xích lô khi gặp khách hàng là em gái miền quê một thời. Hơn vậy, bạn đọc sẽ còn có cơ hội nhìn thấu vào tâm địa của một số con người đang được giao quyền kiểm soát xã hội ngày hôm nay, nếu đọc kỹ đoạn phân tích tâm lý của Trần Yên Hòa về những suy tính của nhân vật Dậu công an trong truyện.

Bao quanh những người đàn ông làm nhân vật chính là những người phụ nữ, mà thực ra họ mới là những câu chuyện chính trong tác phẩm của Trần Yên Hòa. Có lẽ vì vậy mà tranh vẽ người đàn bà của họa sĩ Hồ Thành Đức đã được chọn để làm bìa sách. Họ là những con người bị lịch sử đặt vào hoàn cảnh phải bươn chải, phải chạm đến giới hạn của bản thân, phải căng trải thân mình ra giữa bổn phận với chồng con và nhu cầu thầm kín nhất của một người đàn bà. Họ vì yêu thương mà cưu mang người đàn ông mơ ước, hay vì nhu cầu đàn bà mà bỏ tiền ra mua một gã đàn ông đang lúc chao đảo, và cũng không ngần ngại ra tay để trả thù tình địch. Họ sẵn sàng mua một tấm chồng để xuất cảnh, nhưng rồi cũng bất ngờ mở lòng cưu mang cả gia đình người chồng giả khi kế hoạch bất thành. Nhà văn thường đặt các nhân vật của mình vào một bối cảnh xã hội khắc nghiệt giả tưởng để chơi đùa với số phận và tạo dựng ra những câu chuyện bi thảm. Nhưng ở đây Trần Yên Hòa chỉ cần đơn giản là ghép nối vài chuyện đời có thật từ một giai đoạn gian khổ để tạo ra một tác phẩm "dĩ nhiên là hư cấu" đầy kịch tính. Anh đã tái dựng thành công một xã hội Việt Nam thời thập niên 1980s và 1990s, điều mà cho đến giờ hầu hết không chỉ các nhà văn mà ngay cả các nhà nghiên cứu vẫn còn đang né tránh. Với truyện dài "Đi Mỹ", kho ký ức của người Việt có thể ghi nhận thêm một dấu vết quan trọng mà hi vọng là sẽ theo sau bằng nhiều tác phẩm tương tự, góp phần hình thành rõ nét bản sắc văn hóa một thời của dân tộc.  

[1] Sách được phát hành ở Hoa Kỳ vào cuối năm 2011, liên lạc mua qua địa chỉ:

Trần Yên Hòa

9155 Pacific Avenue #246, Anaheim CA 92804.

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

ĐT: (714) 360-7356

Độc giả cũng có thể đọc trên mạng ở Quán Văn tại địa chỉ:

http://quanvan.net/index.php?view=story&;subjectid=27356#.TzgvqU4aNGQ.

Các tác phẩm khác của Trần Yên Hòa cùng hoạt động bạn văn cũng được giới thiệu trên trang mạng: http://www.banvannghe.com

Lê Hải

(từ vanchuongviet.org)

http://luanhoan.net/Bai%20Moi%20Trong%20Ngay/html/bm%2016-5-05.htm

#2270 (13-7-2012)