Nguyễn Tiến Hưng, 24/10/2017

Ánh lửa từ những bó đuốc của đoàn người da trắng đi tuần hành tại Charlottesville tháng 8 vừa qua làm sáng rực bầu trời khuôn viên trường Đại Học Virginia (UVA) gợi lại cho chúng tôi bao nhiêu kỷ niệm về vấn đề da mầu trong suốt bảy năm theo học tại nơi đây (1958-1965). Xung đột sắc tộc đã dẫn tới những cuộc biểu tình tràn lan làm chia rẽ nước Mỹ trước khi quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Như vậy không phải chỉ vì cuộc chiến Việt Nam mà có phong trào biểu tình làm cho đất nước này bị xé nát.

Đại học Virginia là trường của người da trắng vì không nhận sinh viên da đen. Và sinh viên da trắng phải là phái nam. Muốn vào UVA, nữ sinh viên phải theo học ở Mary Washington College tại Fredericksburg, cách Charlottesville 66 dậm. Vừa tới thành phố này chúng tôi đã thấy phòng vệ sinh dành cho “White” và “Black.” Thoạt đầu cũng lúng túng, không biết mình nên chọn phòng nào?

Cái gì phải đến thì đã đến. Năm năm sau, ngày 10 tháng 9, 1962, một cuộc nổi loạn ở Oxford, Mississipi: hai người chết và một số bị thương, TT Kennedy phải điều động tới 16,000 vệ binh tới để dẹp loạn, bắt chấp nhận một sinh viên da đen vào học tại Đại học Mississipi. Cả thành phố Oxford bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội. Làm sao mà ở nước Mỹ lại có thể có cái cảnh này, chúng tôi tự hỏi?

Trong tất cả các cuộc biểu tình phản chiến (kể cả biến cố vệ binh bắn vào sinh viên biểu tình tại Đại học Kent State ngày 4 tháng 5, 1970) vừa được nhắc lại trong bộ phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick (B và N), không bao giờ có cả một thành phố bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội như vậy.

Ngày 11 tháng 6, 1963 mọi người ngỡ ngàng khi thấy TV chiếu cảnh Thống đốc Alabama, ông George Wallace đứng chận ngay trước cửa Đại học Alabama (Tuscaloosa) không cho hai sinh viên da đen vào lớp học. TT John F. Kennedy lại phải đưa vệ binh tới, và cảnh sát tháp tùng hai sinh viên nhập học. Khi được bầu lên thống đốc ông Wallace đã tuyên bố: “Tách biệt bây giờ, tách biệt ngày mai, tách biệt mãi mãi”(segregation now, segregation tomorrow, segregation forever).

Tiếp theo là cuộc biểu tình vĩ đại “March on Washington” ngày 28 tháng 8, 1963 do Mục sư Luther King lãnh đạo. Thông điệp của ông về “Tôi có một giấc mơ” (I have a dream) và phản ứng của đoàn người biểu tình ước tính tới 250,000 người. Ngày hôm sau, một nhà lãnh đạo nhân quyền bị ám sát ở Jackson, Mississipi.

Những biến cố liên tục này làm cho nước Mỹ bất an, chia rẽ không kém gì những cuộc biểu tình phản chiến trong bộ phim The Vietnam War.

Năm 1963 thì Lynn mới lên một tuổi và  Ken lên mười, không để ý tới biểu tình. Có thể vì vậy mà trong phim này, đã hàm ý rằng chỉ vì chiến tranh Việt Nam nên mới có biểu tình náo động và lớn lao như vậy. Phim không nói đến sự thật là vì sợ phải đi lính, một số khá đông thanh niên đi biểu là để chống quân dịch (the DRAFT) như chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.

Phần II của phim The Vietnam War đề cập về cùng một thời gian với cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy (KĐMTC), đó là từ Tết Mậu Thân cho tới khi Miền Nam sụp đổ. Trong cuốn sách này, chúng tôi tập trung vào việc Hoa Kỳ đã bỏ rơi Miền Nam như thế nào. Còn phim The Vietnam War, tuy có đề cập tới những sự kiện theo dòng lịch sử, nhưng tập trung vào biểu tình, thương vong, và hoàn cảnh bi đát của những người quân nhân Mỹ trên chiến trường. Họ đã không được hậu phương ủng hộ, cho nên lẫn lộn về sứ mệnh của mình: “Tôi đang chiến đấu cho cái gì đây?”(What do I fight for?).

Trong khuôn khổ giới hạn của bài này, chúng tôi chỉ đề cập vắn gọn tới một số sai lầm và thiếu sót của bộ phim.

Trung thực hay thiên lệch?

Phần II của phim vẫn tiếp tục phán xét, còn nặng hơn Phần I. Phim đã lập lại những luận điệu của phe thiên tả rằng chính phủ Sàigòn tham nhũng, TT Thiệu hành động độc tài như ông vua trong một nước bé nhỏ, quân đội VNCH không hữu hiệu, nạn trốn quân dịch. Nặng nề nhất là đã một cách gián tiếp làm cho khán giả hiểu lầm rằng chính phủ Miền Nam chỉ là bù nhìn của Mỹ.

Về tham nhũng, chúng tôi miễn bình luận vì trong những năm vừa qua, độc giả đã nghe và xem quá nhiều về tham nhũng ở ngay Washington, hay thống đốc Virginia vào tù.

TT Thiệu độc tài: B và N không biết rằng Sàigòn có tới cả vài chục đảng phải, mấy chục tờ báo, luôn chỉ trích, công kích chính phủ? Rồi ca nhạc phản chiến tràn lan, sinh viên xuống đường biểu tình thoải mái.

Quân đội không hữu hiệu, trốn quân dịch? Sau trên 40 năm với bao nhiêu nghiên cứu đặt lại vấn đề hy sinh và thành công của quân đội VNCH mà B & N vẫn lập lại luận điệu xưa cũ. Trước khi phê bình như vậy, thiết tưởng B và N phải cho nghiên cứu (vì ngân sách $30 triệu rất lớn) xem có dân tộc nào trên thế giới này đã chịu chấp nhận cho gần 1/3 số thanh niên nam ở tuổi lao động (1.2 triệu trên 3.9 triệu) đi quân dịch hay không? Và những người quân nhân này đã chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào? Tiền lương thì chỉ đủ mua gạo cho gia đình. Chỉ có thế. Quả thật là đã có nạn lính ma, lính kiểng nhưng chỉ là số rất nhỏ, đại đa số đã vui lòng nhập ngũ.

‘Hành động nói to hơn lời nói:’ chính ĐS Graham Martin là người có mặt tại Sàigòn đến giờ phút cuối cùng đã phải cải chính trước Quốc Hội rằng (sau khi Mỹ rút hết từ mùa Xuân 1973) “Miền Nam chỉ mất một tỉnh đầu tiên là Phước Long vào tháng 1, 1975 khi các ngài đã cắt hết viện trợ.”Lúc ấy quân đội chỉ còn đủ đạn dược để chiến đấu 30 - 45 ngày. Cho nên nếu ngày 30/4 không xảy ra thì muộn lắm cũng sẽ xảy ra hai tháng sau, vào ngày 30/6/1975?

Chính phủ Miền Nam là bù nhìn của Mỹ? Cáo buộc này đã được nhiều người phản biện. Nơi đây, chúng tôi chỉ nhắc lại như thế này: tuy dù vì hoản cảnh thật nghèo sau mười năm chiến tranh của Pháp (1945-1955), VNCH đã phải lệ thuộc vào viện trợ của Mỹ nhưng không phải vì thế mà lãnh đạo của họ trở thành bù nhìn.

Như đã đề cập trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào (KĐMNV) thời Đệ Nhất Cộng Hòa, TT Ngô Đình Diệm đã yêu cầu TT Kennedy rút cố vấn đi, và cũng không muốn cho Mỹ đưa quân đội tác chiến vào Miền Nam. Khi thấy Mỹ bỏ Lào (1962), ông nhìn thấy chân trời tím và biết rằng trước sau thì Mỹ cũng bỏ rơi Miền Nam nên muồn điều đình với Miền Bắc để tìm một giải pháp hòa bình. Ông đã chống lại Mỹ và sau cùng đã hy sinh tính mạng để giữ được chính nghĩa quốc gia.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa, TT Thiệu đã nhất quyết chống lại TT Nixon, không chấp nhận bản dự thảo Hiệp định Paris cho dù bị đe dọa sẽ có đảo chính giống như 1963, rồi TT Nixon còn tàn nhẫn đến mức nói ‘cắt cổ ông Thiệu nếu cần thiết.” Nhưng TT Thiệu vẫn cưỡng lại. Sau cùng TT Nixon phải bí mật cam kết để bảo đảm hòa bình và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho Miền Nam để đổi lấy sự đồng ý của TT Thiệu. Nhưng cam kết thì cũng chỉ là mánh khóe để bỏ rơi Miền Nam (xem KĐMTC).

Không giải thích cho rõ tại sao thương vong lên cao?

Tử thương lên tới 58,200 người là vì hai lý do:

Thứ nhất: Mỹ muốn trực chiến. Mặc dù cả hai tổng thống VNCH – Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiêu – đều đã yêu cầu là Mỹ chỉ cần yểm trợ phương tiện, vật chất và huấn luyện quân đội Miền Nam để họ tự bảo vệ, rồi chỉ yểm trợ khi nào bị tấn công, nhưng Mỹ đã không nghe, cứ mang thật nhiều quân vào rồi đưa họ ra chiến trường.

Ngay từ lúc Mỹ mới nhúng tay vào Miền Nam cũng đã có sự bất đồng ý về chiến thuật giữa cố vấn Mỹ và tuớng lãnh Miền Nam. Trong một buổi họp, viên tư lệnh Mỹ ở Miền Nam đã nói toạc ra là "ai chi tiền thì người đó chỉ huy" (who pays, commands). Rồi tới khi chiến tranh leo thang, sứ mệnh của quân đội Hoa Kỳ được xác định là chiến đấu, sứ mệnh quân đội Miền Nam là gìn giữ an ninh ở hậu phương.

Vì thế Tướng Westmoreland đã theo một chiến thuật gọi là "tìm và diệt địch" (search and destroy). Người lính Mỹ đi tìm địch phải lội vào bùn lầy, trực thăng thả họ xuống những nơi hẻo lánh, núi đồi hiểm trở. Trận Đồi 937 (còn gọi là Hamburger Hill) ờ Thung lũng A Shao có tới 56 tử thương và 480 bị thương.

Vì quân đội Mỹ đã chủ động, nên quân đội Miền Nam không được huấn luyện tối đa cho tới năm 1969 khi Mỹ bắt đầu rút. Lúc ấy mới có chương trình Việt Nam Hóa, giúp tân trang và đẩy mạnh huấn luyện. Ta nên nhớ chỉ sau Tết Mậu Thân quân đội VNCH mới được trang bị súng M-16, còn trước đó chỉ là loại cổ, súng Garrant M-1 và súng Carbin từ thời đệ nhị thế chiến (KĐMTC).

Thứ hai, Mỹ áp dụng mô hình chiến tranh quy ước (conventional warfare) để đánh chiến tranh du kích. Mô hình này dựa vào hai yếu tố chính yếu, đó là “di động tính và hỏa lực” (mobility and fire power). Di động tính là dùng nhiều trực thăng để chuyển quân, nhưng trực thăng bay thấp, dễ bị bắn trúng. Hỏa lực: máy bay thả nhiều bom đạn và đại pháo gây nhiều thương vong cho người dân Việt và có khi còn cho cả người lính Mỹ.

Không nói hết sự thực về lý do ‘biểu tình phản chiến’

Trong suốt thập niên 1960, chúng tôi - trước là sinh viên, sau là giáo sư - đã sinh hoạt gần gũi với các sinh viên: phản chiến có, ủng hộ có. Đôi khi còn đi lẩn vào đám đông để quan sát, nghe ngóng. Cho nên đã thấy ngay sự thiếu sót của bộ phim về ‘biểu tình phản chiến.’ Phim lại dành nhiều thời giờ cho phong trào này.

Như đã đề cập trên đây, những cuộc nổi loạn, xung khắc về da mầu đã châm ngòi phong trào biều tình ngay từ năm 1962, ba năm trước khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (3/1965). Khi cuộc chiến bùng nổ, phong trào phản chiến nhập luôn với phong trào nhân quyền, làm cho những cuộc biểu tình trở nên náo động và xáo trộn hơn, như :

  • Biểu tình tại Washington ngày 21/10/1967 (100,000 người);

  • Xáo trộn tại đại hội Đảng Dân Chủ vào mùa hè 1968;

  • Biểu tình (lớn nhất) tại Washington ngày 15/11/1969, với khẩu hiệu “Moratorium March”, ước tính giữa 250,000 – 500,000 người (phim dùng con số 500,000 người).

Độc giả lưu ý là vào ngày 4 tháng 4, 1970 cũng có cuộc biểu tình lớn nữa, nhưng với khẩu hiệu là “Tuần hành cho chiến thắng” (March for Victory): có tới 50,000 người tham dự.

Qua hình ảnh và dẫn giải, phim cho khán giả cái ý niệm là lý do biểu tình chỉ là chống chiến tranh. Thực ra thì có nhiều lý do của nhiều phong trào xen kẽ với nhau. Nhiều khi những người đi biểu tình còn mang cả biểu ngữ khác nhau:

Ngoài  nhân quyền của Mục sư Luther King, còn có nhiều mục tiêu khác, thí dụ như:

  • Tranh đấu tăng công ăn, việc làm (kết quả là chương trình Equal Opportunity Employment);

  • Yêu cầu phải cung cấp nhà cửa cho người có lợi tức thấp (kết quả là TT Johnson lập ra bộ Phát triển gia cư và thành thị - Housing and Urban Development),

  • Chống bất bình đẳng nam nữ;

  • Tranh đấu cho quyền của người đồng tình luyến ái (Gay Movement);

  • Quan trọng nhất là “Phong trào Chống lại Quyền uy” (Anti-Establishment Movement), với những khẩu hiệu “phá nát nhóm chiếm ưu thế trong xã hội (tearing down the establishment), đứng lên đối mặt với nhóm quyền uy (“standing up to the establishment.”

Liên kết với phong trào này là nhiều nhóm đi biểu tình làm cho chính chúng tôi cũng lẫn lộn, như: Quân giải phóng Symbionese, Đảng Black Panthers, Malcolm X, Malvina Reynolds, Ron Paul, Noam Chomsky, Bernie Sanders, John Lennon, K-Rino, Anti-Flag, Terminator X, Gil-Scott Heron.

Rất ồn ào là phong trào Hippy với khẩu hiểu “Làm tình, đừng đánh nhau”(Make love not war).

Tuy rằng đa số thanh niên Mỹ đã tự nguyện, nhưng còn thành phần - tuy nhỏ nhưng rất ồn ào – sợ bị gọi nhập ngũ, nên tham gia biểu tình để chống chế độ quân dịch (DRAFT), nhưng cứ hô thật to lý do phản chiến, phản chiến là vì cuộc chiến này ‘vô nghĩa’ (meaningless), ‘phí phạm’ (wasteful), chính phủ nói dối, v.v.

Chứng cớ là khi TT Richard Nixon chấm dứt chế độ quân dịch vào ngày 1 tháng 7, 1973, thay thế bằng chế độ tự nguyện, thành lập quân đội tình ngyện (ALL VOLUNTEER ARMY) thì phong trào biểu tình hầu như biến mất.

Cuộc chiến hiện nay tại Iraq-Afghanistan đã kéo dài tới 16 năm và chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, tốn phí tới $2.4 ngàn tỷ (trillion). Theo ước tính của Đại học Harvard thì sẽ có thể tới $4 ngàn tỷ tới $6 ngàn tỷ, tốn hơn chiến tranh Việt Nam rất nhiều (khoảng $250 tỷ - tương đương $1.7 ngàn tỷ tính theo mãi lực 2017) và số quân nhân được điều động thay nhau tới chiến trường này ước tính cũng đã tới 2.5 triệu người (xấp xỉ bằng chiến tranh Việt Nam) mà sao trong 16 năm qua, biểu tình chống chiến tranh chỉ xảy ra lai rai trong mấy năm đầu: thí dụ như ở Los Angeles (2,500); San Francisco: 10,000 người. Lớn nhất là tại Washington (tháng 2/2002) khoảng 75,000 người. (Ta cũng nên để ý rằng: về số người tham gia trong tất cả các cuộc biểu tình thì thường hay có những ước tính khác nhau).

Từ đó, tức là trong 12 năm qua, không thấy có biểu tình. Dĩ nhiên là cuộc chiến này được biện luận với lý do chống phá hoại (terrorists) nhưng lý do Tổng thống George W. Bush nhảy vào Iraq và những cáo buộc rằng ông đã nói dối (về lý do của cuộc chiến) thì vẫn còn là những vấn đề tranh luận (như đánh giá của Bob Woodward trong cuốn State of Denial).

Không đề cập đến kịch bản tháo chạy

 

Phần II của bộ phim nói về giai đoạn từ đầu 1969 tới tháng 4/1975: đó là thời gian mà vai trò chính yếu của Hoa Kỳ về ‘The Vietnam War’ là của Cố vấn (rồi kiêm Ngoại trưởng) Henry Kissinger. Thế mà phim không phỏng vấn ông Kissinger cho kỹ để tìm hiểu về kịch bản phản bội và tháo chạy.

 

Hầu như một mình, chỉ một mình ông Kissinger đã làm việc trong bóng tối, thao túng nền ngoại giao Hoa Kỳ. Có lần ông tâm sự với ký giả Oriana Fallaci: “Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi... Có thể là không có cả súng nữa…” (KĐMTC, trang 66-67).

 

Ông là một nhà ngoại giao thiên tài, nhưng đồng thời cũng là một con người mưu mô, gian dối – chúng tôi gọi là ‘Đao phủ Henry II’ , người có trách nhiệm lớn trong việc bức tử VNCH (‘Đao phủ Henry I’ là ĐS Henry Cabot Lodge, người đã xúi bẩy tướng lãnh đảo chính và sát hại TT Diệm). Như vậy là Miền Nam đã thật xui vì gặp phải hai tay HENRY.

 

Phim không nói gì tới (rất có thể là B & N cũng không biết) sự kiện rất quan trọng là ‘bốn năm mật đàm của Kissinger (từ đầu 1969 tới cuối 1972) là hư vô’ vì cuối cùng ông đã chấp nhận tất cả những đòi hỏi gói ghém trong 10 điểm của Mặt Trận Giải Phóng (MTGP) đưa ra từ năm 1969.

 

Kissinger còn nhượng bộ nhiều hơn đòi hỏi, đó là chấp nhận rút hết quân đội Mỹ nội trong 60 ngày. Lập tường đàm phán 10 điểm của MTGP đâu có đòi hỏi điều này (xem bảng so sánh Hiệp định Paris và 10 điểm của MTGP trong cuốn Tâm Tư Tổng thống Thiệu, Chương 16). Trong bốn năm ấy, có tới gần 21,000 người quân nhân Mỹ thiệt mạng, tương đương bằng 36% tổng số tử thương của Mỹ trong cả cuộc chiến (58,200).

 

Trong bốn năm ấy, bao nhiêu thương vong, tàn phá, cho cả hai miền Nam, Bắc. Vụ ném bom B-52 tại Hà Nội cuối năm 1972 còn đào sâu thêm nữa hận thù Nam Bắc. Khi tôi hỏi TT Thiệu về vụ này, ông trả lời: “Nếu Kissinger có thể ném bom Dinh Độc Lập thì ông ta (TT Thiệu dùng chữ khác) cũng đã không ngần ngại.” Ông Thiệu cho rằng: nếu Mỹ cứ rút quân đi và không có Hiệp định Paris thì có lợi hơn nhiều cho Miền Nam, vì ít nhất Quốc Hội Mỹ còn chút lương tâm, sẽ không cúp viện trợ quá đột ngột và quá nhanh chóng với lý do là Miền Nam đã có cả hòa bình, cả danh dự, như thế là đủ rồi.

 

Kissinger nhất quyết phải có được một hiệp định để chứng tỏ rằng ông đã thành công và giữ được sự tin cậy (credibility) của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Sự thực là ngượi lại (xem KĐMTC, chương 20).

 

Vì phim không soi sáng về những sắp xếp xảo quyệt của ông Kissinger để tháo chạy cho nên đã làm cho khán giả tiếp tục hiểu lầm về những gì đã dẫn tới bi kịch trong phần kết của cuốn phim: Sàigòn sụp đổ và ngày cuối cùng là thê lương ảm đạm.

Trong cuốn The Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) (1986) chúng tôi có đề cập tới những sắp xếp của Kissinger (Chương 5 và 9). Chắc chắn rằng những nhà bình luận của phim The Vietnam War đã đọc cuốn này, vì có nhắc tới một câu nói đến việc TT Thiệu phàn nàn về  “Mỹ đã tìm được nhân tình mới (Trung  Quốc)…” nhưng không dẫn nguồn, mà chỉ nói “Ông Thiệu nói với một phụ tá.” Và chỉ có thế, không nhắc tới những tài liệu và bằng chứng về phản bội. Đây là một thiếu sót quan trọng vì Cuốn The Palace File  đã được William Safire của tờ New York Times đánh giá là "Một cuốn sách làm ta mở mắt,” và The New York Times/ Book Review  còn chọn nó cho các ứng cử viên Tổng Thống phải đọc: "Vừa Đọc Vừa Vận Động: Một Lớp Cấp Tốc Cho Chức Vị Tổng Thống.”Sách cũng được TT Ronald Reagan và cựu ngoại trưởng George Schultz trân trọng.

Mười năm sau cuộc chiến, Đại sứ Martin đã đi tới kết luận: “Rút cuộc chúng ta chỉ phủi tay và tháo chạy” (In the end we simply cut and ran).Trong một buổi làm việc tại Trung Tâm Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ (có Đại tuớng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội VNCH và Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân Khu I tham dự), Tướng William Westmoreland, cựu Tư lệnh quân lực Mỹ tại Việt Nam đã tóm gọn sự sụp đổ bằng ba chữ: "We betrayed you!" (Chúng tôi đã phản bội các ông).

Kết luận

Điểm son của phim The Vietnam War là đã phần nào lấy lại danh dự cho người quân nhân Mỹ vì họ đã phải chiến đấu trên một chiến địa khó khăn, hiểm trở, chấp nhận thương vong, rồi trở về thấy quê hương mình bị chia rẽ. Họ không được chào đón hân hoan như đoàn quân chiến thắng sau Thế Chiến II. Nhiều khi còn bị chế riễu.

Tuy nhiên bộ phim thiếu trung thực và thiên lệch. Burns và Novick chỉ nói đến ‘một nửa ly nước vơi’ (half empty). Chúng tôi thấy đã có bài trên internet với chủ đề “Burns và Novick, những người thày của quân bình sai lầm” (Burns and Novick, masters of false balancing).

Phim lấy tên là THE VIETNAM WAR  mà lại không nói về  lý do tại sao có cuộc chiến, và những gì đã thực sự xảy ra - WHY VIETNAM WAR? WHAT HAPPENED?

Như chúng tôi đã đề cập trong bài trước: lý do nhảy vào Việt Nam của 5 tổng thống Hoa kỳ (Ngoại trưởng Foster Dulles còn dùng ba chữ “Take the plunge” - phải lao vào)  là để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ chứ không phải để bảo vệ tự do của người Miền Nam.

Sau cùng, thật đáng tiếc là bộ phim đã không rút ra được những bài học quan trọng cho Hoa Kỳ và đồng minh - WHAT LESSONS FROM THE WAR? Chúng tôi đã tóm gọn một số bài học trong cuốn KĐMNV (Chương 28) và KĐMTC (Chương 20), thí dụ như ‘đừng can thiệp quá sâu vào nội bộ chính trị và quân sự của nước khác.’

Ta có thể đặt ra một câu hỏi: liệu bài học này có thể giúp cho nước Mỹ tránh được những lầm lỗi trong tương lai như đã lầm lỗi khi can thiệp quá sâu vào việc lật đổ chính phủ Mossadeq ở Iran và việc giải tán quân đội Iraq sau khi lật đổ Sadham Hussein, dẫn đến tình trạng sình lầy của nước Mỹ ngày nay ở Trung Đông hay không?