BÙI  VIỆN

(1839 - 1878)

Bùi Viện hiệu Mạnh Dực, quê huyện Trực Định, tỉnh Nam Định (nay huyện Tiền Hải, Thái Bình), đỗ Cử nhân năm 1868.

    Năm 1871, tại miền Bắc quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh quấy rối, vua Tự Đức phái Tham tri Bộ lễ Lê Tuấn ra Bắc dẹp loạn. Lê Tuấn không hiểu nhiều về đất Bắc, Quốc tế tửu Võ Duy Thanh tiến cử Bùi Viện giúp sức, nhờ có Bùi Viện, Lê Tuấn dẹp loạn được sớm và từ đó mà Triều đình biết tài của Bùi Viện. Sau đấy, Doanh điền sứ Doãn Tuấn, mời ông hợp tác mở bến Ninh Hải mà ngày nay là hải cảng Hải Phòng nhộn nhịp.

Khi vua Tự Đức nghị triều bàn bạc việc phòng thủ và canh tân đất nước. Nhóm tân tiến: Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Phan Thái, Phạm Tư Giản... tranh luận gay gắt với nhóm quan lại thủ cựu, vua Tự Đức tỉnh ngộ, đề cử Bùi Viện làm trưởng phái đoàn đi Mỹ, nhờ Mỹ giúp đánh Pháp. Thời ấy, việc xuất ngoại rất khó khăn vì di chuyển phải dùng thuyền để vượt biển. Trước khi đi, Bùi Viện từ giã nhà vua và các quan, ông đã cảm tác bài thơ ngũ ngôn bát cú:

Nguyên văn                                  Nghĩa là

Quý phụ minh triều sỉ                   Mang tiếng sống trên đời

Phiên tòng hải quốc du                Ngàn trùng vượt biển khơi

Bình sơn hồng nhật cận               Ánh hồng đầu non chiếu

Côi lĩnh bạch vân phù                   Mây trắng non Côi phơi

Thân thế cương thường trọng      Thể diện cương thường giữ

Thê hang bạt thiệp du                  Vượt sóng nỗi đầy vơi

Hoàng linh phong lãng thiếp        Ơn vua đời yên ổn                      

Thu thuỷ nhất hàn chu                 Nước thu mát mẻ bơi

    Rời Huế vào tháng 7 năm Quý Dậu (tháng 8-1873), sứ đoàn lênh đênh trên biển khoảng 2 tháng thì tới Hương Cảng (Hongkong) là thuộc địa nước Anh, rồi rời Hương Cảng đến phố Hoành Tân (Yokohama: tỉnh Kanagawa) của Nhật Bản, nghỉ tạm ở đấy một thời gian. Bùi Viện gặp vị lãnh sự Mỹ ở Nhật, ông bày tỏ hiện tình của nước Việt và mục đích ông xuất dương, vị lãnh sự Mỹ cảm thông và mến Bùi Viện, nên đã hướng dẫn về đời sống và xã giao của nước Mỹ. Sứ đoàn tiếp tục đi Cựu Kim Sơn (San Francisco) và đến Mỹ năm 1873. Có người nói Bùi Viện là người Việt đến Mỹ đầu tiên, nhưng người Việt đến Mỹ đầu tiên vào năm 1849 trước Bùi Viện 24 năm (1873-1849) là Trần Trọng Khiêm (xem link: https://vietbao.com/a251775/trang-su-viet-tran-trong-khiem).

Bùi Viện nơi đất lạ quê người, tìm cách để yết kiến Tổng thống Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Ông đôn đáo tại Mỹ nhiều tháng, mới được Tổng thống Ulysses Simpson Grant (nhiệm kỳ 1868-1876) cho tiếp kiến. Lúc này Pháp và Mỹ đang thù địch bởi chiến tranh ở Mexico, nên Mỹ có ý muốn giúp Việt Nam để chống Pháp, nhưng không có giác thư (quốc thư, thư ngoại giao của chính phủ nước này gởi nước khác), ông phải trở về nước. Năm 1875, ông đến Mỹ lần thứ hai, có giác thư thì Tổng thống Ulysse S. Grant đang lo nội chiến (civil war: 1869-1877) nên không tiếp kiến được.

    Trên đường về nước, khi đến Hoành Tân (Nhật Bản), ông lại nghe tin mẹ mất, nơi đất khách quê người, ông nghẹn ngào làm điếu văn tế mẹ rất thống thiết, nỗi niềm mẫu tử thâm sâu, mắt đẫm lệ! Khi về nước, vua Tự Đức nói:“Trẫm chưa ban thưởng điều ân gì cho nhà ngươi, nhưng ngươi đã lo việc nước như việc nhà, ắt quỉ thần hiểu được”. Vua phong Bùi Viện làm Thương chính Tham biện, ông xin tổ chức lực lượng tuần dương để trừ giặc cướp biển, vua chuẩn tấu.

Ông thành lập lực lượng hải quân đầu tiên ở Việt Nam, đội tuần dương này được huấn luyện và trang bị đầy đủ. Nhà vua thấy vậy rất hoan hỷ, phong ông là Tuần tải Nha chánh Quản đốc (tương đương Đô đốc Hải quân hàng hải). Nhờ lực lượng tuần dương của ông, mà tàu thuyền buôn và tàu của triều đình đi lại mới được an toàn trên biển khơi.

 *- Thiết nghĩ: Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, năm 1861 bị mất Định Tường, Biên Hòa. Hòa ước năm 1862, triều đình Huế nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông. Năm 1867, Việt Nam mất hoàn toàn 6 tỉnh miền Nam. Trước cảnh tổ quốc lâm nguy, các danh sĩ có tinh thần cấp tiến, có đầu óc thực tiễn, có lòng yêu nước nồng nàn, đấy là: Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Lộ Trạch... , muốn đem những tri thức của mình để canh tân xứ sở, để cứu đất nước trước cảnh nguy nan bởi thực dân Pháp.

     Sau nhiều lần tấu trình và tranh luận về việc cần học hỏi những tiến bộ của Âu Mỹ, để canh tân nước ta về Kinh tế, giáo dục, quân sự, xã hội... Lúc đầu bị triều đình Huế lơ là hay bác bỏ, mãi sau mới được chấp thuận việc “canh tân đất nước” là điều thiết yếu không thể lơ là. Trong số những vị cấp tiến, Bùi Viện đáng được xem là một nhà kinh bang tế thế, nhà ngoại giao xuất sắc, nên triều đình Huế cử sang Hoa Kỳ để đặt quan hệ chính thức và mong được viện trợ kỹ thuật, vũ khí để chống thực dân Pháp. Bùi Viện là nhà ngoại giao Việt Nam đến Hoa Kỳ đầu tiên, tuy sứ mệnh không thành nhưng thời đấy phương tiện di chuyển bằng đường biển còn thô sơ mà ông đã thực hiện được chuyến đi vĩ đại, thật là một thành công lớn lao vì đã khiến cho một cường quốc biết đến nước ta, mến mộ nước ta. Và nó đã mở đường cho sự bang giao hữu hảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau này.

     Sau đấy, Bùi Viện đã tấu trình lên vua Tự Đức xin lập đội hải quân: Đội hải quân này sẽ đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời có ba trọng trách: Vận tải lương tiền của quốc gia, bảo vệ cho các thương thuyền và diệt trừ những giặc biển hiện đang hoành hành ở biển Đông. Được vua Tự Đức chấp thuận, ông lập ra “Tuần dương quân” (hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 thủy quân thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển Việt Nam. Bùi Viện là người có công lớn trong việc xây dựng hải cảng Hải Phòng và mở đô thị mới ở đấy. Đồng bào thành phố Hải Phòng vĩnh viễn nhớ công ơn của ông. 

Cảm bội: Bùi  Viện

Bùi Viện, lo toan cảnh núi sông!

Sứ đoàn vượt biển, dãi dầu trông!

Trông chờ tiếp kiến, bồn chồn dạ

Mẹ mất ngậm ngùi, đau đớn lòng!

Mở cảng Hải Phòng, lo lắng nghĩ

Tuần phòng biển cả, giữ gìn mong

Sắt son tâm huyết, tròn trung hiếu

Bùi Viện, đời đời nhung nhớ công!

Nguyễn Lộc Yên

https://vietbao.com/a253694/trang-su-viet-bui-vien