Suốt trong trận chiến An Lộc, mùa hè đỏ lửa năm 1972, Tr/Tá Lý Đức Quân là Trung Đoàn Trưởng TRĐ7, SĐ5BB. TRĐ này đang hành quân phía tây thị xã An Lộc. Ngày 7/4/72 toàn bộ đơn vị ông vào phòng thủ vòng đai phía tây nam thị xã từ cổng Xa Cam đến cổng Phú Lố. Sau trận An Lộc ông được vinh thăng Đại Tá và tiếp tục chỉ huy Tr/Đ7 cho đến khi tử trận.

Khi SĐ5BB rời An Lộc về Lai Khê, Tướng Lê Văn Hưng rời SĐ, bàn giao chức vụ Tư Lệnh lại cho Đại Tá Trần Quốc Lịch (từ ND sang) thì vào ngày 25/5/1973 Đ.Tá Quân bay trực thăng điều động đơn vị, lúc đó đang hành quân phối hợp với BĐQ để tái chiếm Rạch Bắp (sát bờ đông sông Sài Gòn và ở phía tây nam quận lỵ Bến Cát khoảng 8km500). Sau đó trên đường bay về căn cứ của Tr.Đ7 ở Phú giáo, khi bay ngang không phận Chơn Thành thì trực thăng trúng đạn phòng không của VC, từ phía tây quận lỵ Phú Giáo bắn lên lúc 17.30g, làm Đ/Tá Quân tử thương. Ông chết lúc 43 tuổi, được truy thăng Chuẩn Tướng. Ông được an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa lúc 10.00g ngày 31/5/73. Mộ ông nằm bên cạnh mộ cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, một danh tướng QLVNCH sống cùng chiến đấu, chết cùng chôn nghĩa trang với lính.

lyducquan
Ảnh: "Xám Pạc Kún” Lý Đức Quân (bên trái), hình chụp năm 1965 (TĐT/TĐ3/8)

Ông gốc người Nùng, sinh năm 1930 tại Hải Ninh, Bắc Việt (ngày nay là khu vực Tiên Yên, Móng Cáy, tỉnh giáp ranh Quảng Đông, Trung Hoa). Ông tốt nghiệp khóa 8 sĩ quan hiện dịch, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Nếu Đại Tá Woòng A Sáng là người đầu tiên có công thành lập những đơn vị tiên khởi gốc người Nùng từ ngoài Bắc đưa vào Nam (1954), thành lập SĐ5BB sau này, thì cố Ch.T Lý Đức Quân là quân nhân cấp tướng người Nùng hy sinh sau cùng cho Sư Đoàn danh tiếng này.

------------------------------------------

SĐ5BB thời tôi đang phục vụ đã từng được thành lập và chiến đấu từ miền Bắc vào (1954), đóng quân tại Sông Mao (Bình Thuận), chuyển quân về Biên Hoà, sau cùng về Bình Dương (Phú Lợi, Lai Khê). Đơn vị đa số quân nhân gốc Nùng này rất can đảm và thiện chiến, không theo một phe phái nào, đã tham dự nhiều chiến dịch đánh quân Bình Xuyên (Rừng Sát) năm 1956, từng tham gia đảo chánh (Saigon) ngày 1-11-1961.

VC rất sợ lính Nùng, một khắc tinh chống Cộng của họ từ miền Bắc, nên họ tuyên truyền thêu dệt cho lính Nùng là tàn ác, giết người không gớm tay, ăn gan uống máu… Tôi sống với đồng đội người Nùng nhiều năm, chứng kiến bao nhiêu là thay đổi, từng trải qua chiến trận; tôi rất kính phục từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều có những đức tính như ngay thẳng, trung thành, giữ gìn quân phong quân kỹ, can đảm, liều lỉnh, tình nghĩa đồng đội khi chiến đấu, tôn trọng đồng bào ở hậu phương.

Trong suốt thời gian sống ở TĐ3/8 ở BCH/TĐ, bên cạnh TĐT là Đ/u Lý Đức Quân (lính Nùng gọi ông là Xám Pạc Kún). Tôi biết rõ nét văn hoá và đạo đức, niềm tin tôn giáo của người lính Nùng. Lúc nào cũng không rời ông là người lính cận vệ mang theo lá cờ đỏ và bó nhang. Mỗi khi hành quân, người lính cờ này theo sát chủ tướng; khi ông ra lệnh xung phong lá cờ tung phất bay lên phía trước, chỉ huy lên đến đâu, lính theo cờ đến đó, không bỏ chủ tướng. Khi đóng quân chỗ có miếu Tiên Sư hay nơi thờ phượng, lá cờ được cắm nơi trang trọng. Nhưng hành quân đêm thì có lệ đốt nhang theo cờ, làm tôi sợ lộ bí mật nguỵ trang ánh sáng ban đêm(?)

Cứ mỗi tháng vào ngày mồng 2 và 16 âm lịch, BCH có tục lệ cúng ông Án, thần hộ mạng cho đơn vị; đích thân Xám Pạc Kún làm chủ lễ, và xem cặp giò gà để biết điềm hên xui có thể xảy ra mà tránh trước (!). Nhiều khi cũng có sự linh ứng (!) bất ngờ mà tôi cảm thấy niềm tin vào thần linh đó, làm cho lính tráng an tâm vững bụng trong vô vàn nguy hiểm trước mắt họ bước chân vào trận địa.

Trái với tuyên truyền của VC người lính Nùng ở SĐ5BB không hiếu sát. Họ chỉ làm tròn bổn phận người chiến binh đánh giặc ngoài mặt trận, cầm súng chiến đấu vì nghĩa vụ; không sát hại dân lành súc vật, phá hoại môi trường sống. Đ/u Quân rất nghiêm với lính; ông cắt đặt tôi coi luôn Ban 5 TLC, ghi nhận báo cáo định kỳ về kỹ luật tác phong, những vụ việc làm mất lòng dân, thiệt hại tài sản của dân trong vùng hành quân, tăng cường hoạt động dân sự vụ khám bệnh phát thuốc…Gia đình ông và thuộc hạ đa số ở trại gia binh Tam Hiệp, Biên hoà. Đơn vị của chúng tôi luôn học tập Tâm Lý Chiến, ngăn cấm mọi quân nhân tội cờ bạc, rượu chè say sưa; hình phạt nặng cho người nào vi phạm quân luật, làm mất quân phong quân kỹ, gây tiếng xấu cho đơn vị.

Trích bài viết của Thiếu Tá Trần Cẩm Tường.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1173304062693435&set=a.115868755103643.13719.100000415584390&type=3&theater