Tuyển Tập: Xin Em Tấm Hình – Giá: $15.

Nguyễn Tài Ngọc

Tiếng chuông reo vang báo hiệu giờ nghỉ giải lao vang dội khắp sân trường. Một ngày đi học lúc nào cũng nghe bốn hồi chuông: chuông đầu tiên vào lớp học, chuông báo hiệu giờ nghỉ giải lao, chấm dứt giải lao và chuông báo hiệu giờ tan học. Trong bốn hồi chuông, tôi chỉ thích có hai: chuông nghỉ giải lao và chuông tan học.

Học sinh giỏi như tôi ai cũng ghét nhất hai tiếng chuông báo hiệu vào học. Nền giáo dục nước ta chậm tiến vì quá bảo thủ, không thay đổi nề nếp dạy học cho phù hợp với đà tiến của nhân loại. Tôi mà lên chức Hiệu trưởng thì chắc chắn sẽ bãi bỏ bốn hồi chuông, chỉ giữ hai hồi chuông nghỉ giải lao và tan học. Thứ nhất là tiết kiệm tiền điện rung chuông cho ngân sách của nhà trường, và thứ hai là cái phẩm bao giờ cũng quan trọng hơn cái lượng: bốn không có nghĩa lúc nào cũng tốt hơn  hai, trừ trong trường hợp nói về vợ chồng như bốn vợ thì nhất định là phải hay hơn hai vợ.

Cả lớp bây giờ ồn ào tiếng người như vỡ chợ. Lớp tôi hỗn hạp trai gái. Tôi học ở cấp cao nhất nên phần đông học sinh không còn nghịch ngợm chạy nhẩy hay chơi đùa như lúc còn trẻ lớp 6, lớp 7. Giờ nghỉ giải lao thường chỉ là để nói chuyện hoặc viết lách chọc ghẹo nhau. Tôi bước ra khỏi bàn cám ơn Thu tuần này đã tình nguyện mang chổi để quét lớp. Lớp nào cũng chia ra thành năm hay sáu toán, mỗi toán có một toán trưởng. Các toán thay phiên nhau mỗi tuần phụ trách tất cả mọi việc liên quan đến lớp như quét dọn, đem khăn trải bàn Thầy Cô, đủ phấn viết bảng…. Tôi là toán trưởng của toán thứ năm, và tuần này đến phiên toán tôi. Đầu năm cả lớp đã hùn tiền mua hai cái chổi. Toán nào có trách nhiệm thì tuần đó một người phải đem chổi đi và đem chổi về. Toán tôi tuy toàn là con trai nhưng không hiểu tại sao luôn luôn có một cô không ở trong toán tình nguyện giữ chổi hộ. Buổi sáng tất cả những người trong toán phải vào lớp sớm để quét rác. Móc hết rác trong hộc tủ vất xuống đất, bỏ mấy băng ghế lên bàn để quét cho dễ. Ngày nào cũng như ngày nào, rác bừa bãi còn hơn một bãi chiến trường. Những ngày đầu tiên vào Trung học ở nước Mỹ, tôi rất phục lớp của họ rất sạch sẽ. Tôi để ý ngay đến một sự khác biệt rất nhỏ nhưng đóng một vai trò khá lớn trong việc giữ lớp cho sạch: Lớp học nào của họ cũng có một thùng rác nho nhỏ.

Lớp tôi học ở tầng thứ ba nên có một tầm nhìn bao quát. Bước chân ra ngoài đứng ở hành lang nhìn xuống, sân trường bao phủ đầy những tà áo dài trắng thật là đẹp mắt. Cái mốt thịnh hành là quần của các cô ống to chừng nào thì đẹp chừng nấy. Tuy rằng tôi biết mặc quần ống túm với áo dài xem không được:

Cái quần ống túm khó coi,

Khó đi, khó đứng, khó ngồi, khó thương.

Khó đi chợ, khó ra đường,

Về nhà mẹ mắng, ra đường người chê…

thế nhưng nhiều cô mặc ống quần to đến nỗi nhét cả cái TV 27 inch vào cũng còn dư chỗ, không hiểu làm thế nào mà các cô đi đứng được thoải mái.

Trà trộn ở chỗ tôi đứng là một nhóm con trai bốn đứa hay đi chơi chung với nhau. Khác hẳn với tôi, mấy cậu này rất dạn và có nhiều bạn gái:

– Hôm qua em Trinh mới cho tao hình nè tụi bay. Vừa nói thằng Trí vừa móc túi lấy ví. Trong ví nó đã có sẵn hai, ba tấm hình của vài cô khác. Tìm cho ra đúng hình cô Trinh, nó chìa ra cho cả đám xem.

– Trinh này học lớp nào vậy? Long hỏi.

– Dưới mình một lớp. Tao xin mãi em mới cho đó. Để  hình em trong ví lâu lâu nhớ đem ra ngắm…

– Trinh này nhìn được thôi, không có gì xuất sắc. Thằng Nghĩa nói xen vào.

– Có em nào cho mày hình không mà mày chê vậy Nghĩa? Trí phản kháng.

– Không có cô nào đẹp hơn Thảo hết.  Huỳnh xen vào. Tao xin hình em mấy lần mà em không cho.

– Thảo nào vậy Huỳnh? Chắc đẹp lắm hả? Tôi hỏi.

– Học cách mình có hai lớp à. Em đang đứng kế cái cửa sổ với ba, bốn  cô khác kìa; tay áo đang vén lên.

Cả đám quay nhìn về hướng Huỳnh chỉ.

– Tụi bay đừng có nhìn chằm chặp như vậy, cô ta biết. Thấy hết sẩy không? Cao ráo, đẹp rùng rợn. Tướng “mi-nhon” nữa chứ.

Cách tôi hai lớp, tôi nhận ra Thảo. Cô này đep tuyệt. Gương mặt hình trái soan. Xin lỗi, bỏ trái soan đi. Từ bé đến lớn đọc văn thơ tôi cứ thấy người ta diễn tả con gái đẹp có mặt hình trái soan mà tôi không bao giờ biết trái soan nó có hình thù gì. Đến khi tập tễnh viết văn cũng thế, cô nào hơi đẹp là tự khắc tôi cho cô ta có gương mặt hình “trái soan”. Bây giờ sắp đến tuổi về chầu Diêm Chúa, tôi không muốn cái sổ nói láo của tôi dưới địa ngục càng ngày càng dầy thêm mấy trang nữa. Phải diễn tả bằng hình thù gì mà tôi và người đọc có thể hiểu. Gương mặt cô ta thon thon dài dài như quả ..lựu đạn, nhưng chỉ một nửa quả thôi. Hai con mắt to tròn với cái đuôi trông tuyệt đẹp. Mũi cao dọc dừa. Lại phải xin lỗi một lần nữa. Tôi sinh sống suốt đời ở thành thị, tuy rằng biết cây dừa hình dạng như thể nào thế nhưng dọc dừa là cái quái gì tôi cũng chả bao giờ hiểu, chỉ biết là ai mũi cao thì người ta cứ nói là mũi dọc dừa.  Không hiểu mà cứ viết như thế hoá ra là mình nói láo. Xin đổi lại là mũi hình số 4 cho mọi người đều hiểu rõ.  Thảo có một gương mặt rất ngây thơ và hồn nhiên, đặc biệt nhất là khi Thảo nhoẻn miệng cười thì băng đá đến đâu cũng chảy tan ra nước hết. Một người đẹp như vậy, thảo nào Thảo không đưa hình mình cho Huỳnh là phải. Nó vừa thấp người, vừa lại không đẹp trai cho lắm.

– Bây giờ chỉ cần một tấm hình của Thảo thôi là tao chết cũng mãn nguyện rồi đó tụi bay. Thằng Huỳnh nói với giọng đầy mơ ước.

Chúng tôi đang đứng dựa hành lang, xoay mặt nhìn vào lớp. Qua khoảng trống của cánh cửa chính, mắt của chúng tôi dừng ở bàn giấy của Thầy Cô. Trên bàn giấy là một sấp sổ điểm danh màu xanh lá cây. Thường thì sau khi ghi lại điểm danh vắng mặt, cô Liên toán trưởng đem lại phòng Giám Thị giữ. Tôi chợt nghĩ ra một sáng kiến:

– Tụi bay thấy mấy quyển Sổ Điểm Danh không?

– Ừ, rồi sao?

– Mỗi một quyển điểm danh là hồ sơ riêng của từng đứa học trò, phải không?

– Đúng rồi.

– Giống như Thành Tích Biểu màu đỏ, sổ điểm danh phải có hình học sinh…

– Mày nói đúng rồi đó Ngọc.

– Như vậy thì Thảo cũng phải có Sổ Điểm Danh riêng, và trong đó có hình Thảo…

– Trời ơi, mày định ..ăn cắp hình hả Ngọc?

– Tao không ăn cắp,  nhưng đứa nào muốn hình người đẹp thì đứa đó ăn cắp.

Thằng Huỳnh lúc này sáng mắt hẳn ra:

– Kế của mày có lý đó Ngọc. Nhưng nếu cô nào học trong lớp mình thì dễ quá rồi, đằng này lại là lớp khác…

– Có nghĩa là mình phải đến phòng Thầy Giám Thị rồi  khi Thầy không để ý, tìm xem sổ  điểm danh cất ở đâu. Lúc đó muốn gỡ hình ai ra thì cũng được.

Cả bọn tán đồng Mission Impossible này. Từ lúc bố tôi chết đi khi tôi chỉ vừa 12 tuổi, và từ khi tôi phải đi gác Nhân Dân Tự Vệ lúc 15, được họ cấp cho khẩu súng trường Carbine lỗi thời dùng ở chiến tranh Đại Hàn trong Thập niên 1950 và một băng đạn 15 viên giữ ở nhà, tôi trở nên phá phách không sợ hậu quả. Tôi nhớ ngày đi học huấn luyện bắn súng và được phát cho khẩu súng giữ ở nhà, anh Trung sĩ huấn luyện giải thích khi bắn thì phải nhắm mới có hiệu quả, và đường nhắm bắn của cây súng là từ “lỗ chiếu môn cho đến đỉnh đầu ruồi”. Từ ngữ rất lạ nên đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vanh vách. Anh Trung sĩ còn giải thích thêm nhiệm vụ của Nhân Dân Tự Vệ là “chận đứng đà tiến của địch quân trong khi chờ đợi quân đội tiếp ứng” (phương thức tự sát của Nhân Dân Tự Vệ mà chính phủ Việt Nam Cộng Hoà dấu kín không cho biết). Sau đó anh cho thí dụ: “Thí dụ như Việt Cộng đã đến góc đường Cao Thắng với Phan Đình Phùng, tôi cần gửi hai tiểu đội Nhân Dân Tự Vệ ra đối phó với địch quân, có em nào xung phong dơ tay lên cho tui xem?” Không có một mạng nào ngu xuẩn dơ tay lên hết! Nhân Dân Tự Vệ chúng tôi chỉ quen đến gõ cửa lò bánh mì lúc 4, 5 giờ sáng xin bánh mì không để ăn sáng (cứ tưởng tượng ông chủ lò bánh mì sáng sớm đêm vắng nghe tiếng gõ, mở cửa ra thấy một lũ nhóc 15, 16 tuổi bộ mặt non choẹt với súng đạn thật trên vai thì bánh mì chả, bánh mì xí-mại, bánh mì thịt chuột  ông ấy cũng đem cho chứ huống  gì là bánh mì không!), hay leo lên cây của nhà dân lúc hai giờ đêm hái trộm mận (một thằng vừa leo lên cây hái thì đèn nhà đối diện bật sáng. Một bà già trên lầu nhìn xuống làm cả bọn nín thở tắt hơi nằm xuống im lặng trong bóng đêm, trừ thằng đã leo lên cây nên còn dính lại trên cây ngồi im thin thít sợ muốn ướt cả quần, hy vọng là bà ta không phát giác. Bà ta cất tiếng nho nhỏ trong đêm khuya tĩnh mịch: “Nhân Dân Tự Vệ đó hả tụi bay?” Không thằng nào dám lên tiếng. Yên lặng rồi lại nghe tiếng bà ấy tiếp: “Tụi bay hái mận của nhà Thằng Bảy hả?” Vẫn không thằng nào dám lên tiếng. “Tụi bay hái hết cho tao. Cái thằng cà chớn. Tao mới cãi lộn với nó sáng hôm nay!” Nghe xong mà chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tất cả đứng dậy lộ diện, vẫy tay cho bà ta thấy để hãnh diện là nhờ Nhân Dân Tự Vệ đi tuần tiễu ban đêm mà đời sống dân chúng trong thành phố mới có được an ninh, không trộm cướp!)

Mỗi dãy lớp có đều có một phòng Giám thị. Thầy Giám thị lớp chúng tôi là một người rất hiền lành, tôi ít nói chuyện nhưng bốn đứa kia vẫn thường thỉnh thoảng nói chuyện xã giao với Thầy. Một ngày chúng tôi định bụng vào phòng Thầy tìm xem Sổ Điểm Danh để ở đâu. Thành công, chúng tôi được Thầy cho vào trong phòng ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Không đủ ghế nên một đứa phải đứng, nhưng lại càng tốt cho chúng tôi. Tôi ít nói chuyện với Thầy nhất nên để bốn đứa kia ngồi nói chuyện, tôi đi “dạo” trong phòng. Ban đầu tôi ra cửa sổ nhìn xuống đất để Thầy không nghi kỵ, dần dần tôi đặt chân đến tủ đựng hồ sơ, sổ sách:

– Thầy giữ nhiều giấy tờ quá vậy Thầy?

– Bấy nhiêu đó thôi chứ đâu có gì nhiều em.

– Ở đây Thầy giữ sổ sách cho mấy lớp?

– Năm lớp.

– Có bao giờ Thầy cần phải xem không?

– Không đâu em.

– Sổ Điểm Danh Thầy giữ trong đây luôn hả Thầy?

-Ờ…

-Lớp tụi em chắc ở trong ngăn này há Thầy?

-Không phải. Cái bên phải đó em.

-Sổ Điểm Danh của mấy lớp kia Thầy cũng để ở ngăn bên phải?

-Có lớp …. thì để kế bên tụi em, còn lớp … thì để bên trái.

Tìm được ngăn tủ thầy Giám thị giữ Sổ Điểm Danh dễ bao nhiêu thì lợi dụng lúc Thầy sơ hở để lẻn vào phòng thì lại khó bấy nhiêu. Lúc vắng người thì là giờ học, chúng tôi phải ở trong lớp học. Giờ nghỉ giải lao thì quá đông học sinh và Thầy lúc nào cũng ở trong phòng. Có thể đợi đến tối đêm khi học sinh về hết thì cả bọn trở lại trường, nhưng muốn vào phòng thì phải bẻ ổ khoá, một điều mà chúng tôi đồng ý không làm vì như thế không khác gì ăn trộm chuyên môn. Cả mấy tuần trôi qua không làm gì được nên chúng tôi đổi sang một âm mưu mới: chờ hôm nào khi chuông reo tan học, Thầy vừa ra khỏi phòng chuẩn bị khoá cửa thì vài đứa nhào đến giả bộ nói chuyện với hy vọng đánh lạc hướng Thầy trước khi Thầy khoá cửa. Một đứa khác núp sẵn nhân cơ hội đó lẻn vào phòng gỡ ảnh chớp nhoáng rồi lại lẻn khỏi phòng trở ra.

Tính thì thấy dễ dàng, nhưng tìm được cái cơ hội đó cũng trần ai: Khi chuông reo tan học, chúng tôi phải xếp hàng, được lệnh di chuyển thì mới được đi. Ra khỏi hàng xong thì Thầy cũng đã đóng cửa đi về. Một hai hôm may mắn Thầy chưa về thì Thầy lại ở lại lâu trong văn phòng. Nhưng cuối cùng thì cơ hội cũng đến: Một ngày đẹp trời khi mặt trăng, mặt trời, và trái đất cùng nằm trên một đường thẳng, bốn  đứa tụi tôi đứng trước phòng Thầy khi tan trường, Thầy mở cửa phòng đi ra. Không để cho Thầy xoay người khoá cửa phòng, chúng tôi ào lại bắt chuyện và vây quanh Thầy khi hướng mắt Thầy vẫn còn nhìn về phía hành lang. Thằng Huỳnh nhỏ con nhất nên đã được lựa chọn sẵn, đứng khuất bóng ở đâu đó rồi lẻn vào phòng sau lưng Thầy. Nó biến vào trong phòng nhanh còn hơn Tề Thiên Đại Thánh khiến  chúng tôi ai cũng vui mừng âm mưu phần đầu thành công mỹ mãn. Bây giờ thì chỉ cần nói chuyện cầm chân Thầy hai, ba  phút nữa thôi là đủ thì giờ để nó vào ngăn tủ lấy Sổ Điểm Danh ra, tìm cho ra cái của Thảo, gỡ hình rồi chuồn lại ra ngoài.

Mình có câu “Người tính không bằng trời tính”. Đang  hăng say trong men chiến thắng nói chuyện bâng quơ cầm chân thì Thầy Giám thị nói có việc phải về nhà đúng giờ, và quay lưng lại khoá cửa phòng. Chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc vì thằng Huỳnh vẫn còn bên trong nhưng không đứa nào dám hé môi. Khi Thầy vừa khuất bóng dưới thang lầu thì thằng Huỳnh cũng vừa từ trong góc phòng chạy ra với gương mặt mừng rỡ, miệng nói khe khẽ:

– Tao lấy hình được rồi. Thầy Giám thị đâu? Mở cửa ra cho tao lẹ mày!

– Cửa khoá rồi. Mày cúi đầu xuống không thôi bên ngoài người ta thấy.

– Cái gì? Cửa khoá là sao? Thằng Huỳnh hốt hoảng.

– Thầy Giám thị khoá cửa đi về rồi.

– Chết mẹ tao rồi. Làm sao tao ở trong phòng được. Lát nữa lớp chiều đi học, Thầy Giám Thị chiều đến khám phá ra tao ở trong đây thì sao?

– Thì chỉ có một mình mày chết mẹ chứ sao. Tụi tao đâu có bên trong đâu mà sợ.

Tôi nói xong câu đó, cả bốn thằng bên ngoài phá lên cười. Ở những giây phút thập tử nhất sinh như vầy tôi mới thấy mình thật là khôn ngoan. Bốn thằng ở lại, không giải thoát nó ra khỏi ngục thì cả năm thằng đều bị tội hết. Thà để một thằng bị kẹt lại, bốn thằng kia trốn về thì chỉ hy sinh có một người thôi.

– Bây giờ thì không làm gì được. Mày ráng chờ mười phút nữa học sinh về hết, vắng người rồi tụi tao nghĩ cách mở cửa cho mày ra. Trong khi chờ đợi thì chui lại vào trong góc để người ngoài đi ngang không thấy.

Thằng Huỳnh buông một tiếng chửi thề nhưng cũng chui lại vào trong góc:

– Tụi bay phải nghĩ cách nào lẹ lẹ lên.

Tôi nhìn cái ổ khoá. Hai cái khoen tròn bắt xoáy vào hai bên cửa rồi cái ổ khoá móc vào hai cái khoen ấy. Không có kìm hay cái “tourne vis” thì không thể nào cạy cái khoen ra được. Thằng Trí chạy xuống lầu ra chỗ đậu xe tìm xe nó để xem trong đồ phụ tùng xe Honda Dame có kìm búa gì không. Tôi dặn nó nếu không có thì phải chạy về nhà tìm ra cho bằng được. Bức tường trong phòng đối diện cửa ra vào có cửa sổ, thanh sắt theo thời gian đã siêu vẹo, có thể leo ra nhưng chúng tôi đang ở tầng thứ ba, leo ra thì cũng sẽ không có lối nào thoát. Tôi chạy xuống lầu đứng ở dưới đất nhìn lên phía bên đó xem có cách nào Huỳnh có thể leo ra rồi bám tường như thế nào không. Nhất định không được. Trừ khi nó giống như cha con Icarus và Daedalus của chuyện thần thoại Hy Lạp: tôi đưa cho nó hai cái cặp-táp và mấy cái bánh dầy để nó dùng bánh dầy làm …keo, dán hai cái cặp-táp vào hai bên nách thành hai cái cánh rồi bay xuống. Bánh dầy Việt Nam của mình dính tay chặt còn hơn là kẹo cao su, không phải như sáp bay gần mặt trời chảy thành nước  khiến cánh của Daedalus tách rời làm chàng chết không kịp ngáp vì rớt từ trên trời xuống biển. Bánh dầy Việt Nam của mình thật là một phát minh hữu dụng mà thế giới chưa khám phá: có thể dùng để làm keo, hoặc là để thay thế chất silicone gel trong việc giải phẫu ngực phụ nữ, hay nghĩ đến show TV gián điệp Mission Impossible làm tôi nhớ đến công dụng thứ ba: chất nổ. Tôi nhớ anh chàng da đen Grey Norris trong vai chuyên viên điện tử khi mỗi lần cần phá két sắt hay phá cửa, anh ta chỉ dán một loại chất nổ mềm  như chewing gum rồi nó nổ tung ra. Bây giờ chỉ cần hai cặp bánh dầy là tôi có thể cho nổ tung cái ổ khoá này, cứu thằng Huỳnh ra không một chút khó khăn.

Trí nãy giờ ra xe tìm đồ phụ tùng mà không thấy trở lại, chắc không có nên đã đi về nhà. Huỳnh đang trong ..tù bỗng la lên:

– Ê, tụi bay! Có đứa nào muốn hình em nào khác không?

– Mày nói sao?

– Có đứa nào muốn hình em nào thì nói cho tao biết. Ở đây tao có nhiều em lắm: em Nhàn nè, em Hoa nè, Thanh Tùng chụp hình ăn ảnh quá tụi bay….

Tôi đang lo sốt vó mà bây giờ vì đang thưởng thức những ưu đãi đặc biệt chỉ có được trong tù Giám thị, Huỳnh  lại còn không màng là đang ở trong tù. Nếu vậy trong trường hợp không giải thoát nó được mà bốn đứa phải bỏ chạy để khỏi bị liên lụy thì nhất định tôi sẽ không có một cảm tưởng tội lỗi nào hết.

12 giờ 20. Trí đã trở lại với kìm búa trong tay. Trường lớp vẫn vắng lặng vì học sinh buổi sáng đã đi về hết mà học sinh buổi chiều vẫn chưa đến. Tôi đã lo ngại phải làm trầy trụa hay làm vỡ gỗ cửa khi tìm cách giật cái khoen ra, thế nhưng cái khoen vặn vào cửa tương đối lỏng lẻo nên chỉ cần cầm cái kìm lung lay vài lần là chúng tôi đã có thể giật nó ra khỏi cửa. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi giải cứu được tù nhân và thành công trong việc gắn cài khoen lại, tuy hời hợt nhưng không ai có thể biết là có người vừa mới phá cửa vào. Thằng Huỳnh và mấy đứa kia từ đấy được hình của em bỏ vào ví để tối ngày mơ mộng và khoe khắp làng khắp xóm là được bồ tặng hình.

Câu chuyện này xẩy ra 30 năm trước, khi tôi còn là một cậu con trai bồng bột và nghịch ngợm, chưa biết suy nghĩ cho tương lai. Bây giờ gần 50 tuổi đầu với mái tóc đã bạc gần hết, tôi nay trở thành một người đàn ông già giặn, biết suy nghĩ, biết cân nhắc phải trái, và biết nắm lấy cơ hội khi cơ hội đến. Bánh dầy Việt Nam của mình thật là một phát minh hữu dụng mà thế giới chưa ai khám phá, đặc biệt khi dùng như là chất silicone gel trong giải phẫu ngực breast implant. Không muốn cho vợ tôi biết vì tôi muốn nàng thật ngạc nhiên khi vài tháng sau tôi loan báo đã hưởng được kết quả gặt hái một món tiền kếch-sù hậu quả của việc tôi quá thông minh trong ngành đầu tư, tuần tới đây tôi sẽ ra nhà băng vay một triệu đô-la để mở Xưởng Bánh Dầy Tài-Ngọc.

(Tên các nhân vật trong chuyện đã hoàn toàn thay đổi)


Cùng tác giả:

- Quên

- Lại Quên

- Tuyển tập truyện ngắn 2 - Bắc Kỳ

- Các bài viết trên "Viết Về Nước Mỹ"