Hồ Trường An

Trước năm 1968, những nữ sĩ miền Nam quá ít. Vào thời tiền chiến có bà Tú Hoa, tác giả truyện dài Bóng Mơ đã đoạt giải của Tự Lực Văn Đoàn. Sau đó bà Mộng tuyết cũng đoạt giải Tự Lực Văn Đoàn nhờ thi tập Phấn Hương Rừng. Nhưng song song đó bà Mộng Tuyết vẫn viết tùy bút, tuy rằng đó là văn xuôi, nhưng những tùy bút đó thấm nhuần chất thơ hơn, cho nên chúng ta cho đó là những bài thơ du dương bằng văn xuôi được thêu hoa dệt gấm đúng hơn.

Sau hiệp định Geneva, trên dải đất miền Nam, bà Mộng Tuyết lại viết một truyện dài dã sử Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp và lấy bút hiệu là Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Truyện được viết bằng một văn phong kiều diễm và bay bướm để thi vị hóa cuộc tình giữa Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tứ và bà ái cơ của ông là Nguyễn Phù Cừ. Bà Tuyết Hoa viết thêm dăm ba truyện dài nữa, nhưng không thể coi đó là một tác phẩm nghệ thuật mà là loại tiểu thuyết diễm tình đứng ngoài nền văn chương nữ giới. Thế rồi bà Vân Trang tung ra tập truyện Một Lá Thư Tình bát ngát phấn nội hương đồng. Bà Thu Vân tung ra quyển tùy bút Đất Mẹ, sau đó thêm tùy bút thứ hai Màu Mưa Đêm, cả hai tác phẩm trải rộng trong cõi thưởng ngoạn độc giả cây đồi cỏ lũng, đem lại cho văn chương nữ giới một sắc thái kỳ đặc. Bà Vân Trang do tập san Bách Khoa khám phá còn bà Thu Vân do tạp chí Văn Hóa Ngày Nay khám phá.

Sự xuất hiện của Nguyễn Thị Thụy Vũ trên văn đàn nữ giới vào năm 1988 là một biến cố gây rất nhiều chú ý cho những kẻ yêu văn chương. Chị gốc Nam Kỳ hợp cùng Trùng Dương gốc Bắc Kỳ, cùng Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng gốc Huế thành một hàng ngũ xung phong viết văn táo bạo mà thời nhân gọi là 5 con quỉ cái của văn giới. Cả năm kéo theo nhiều nhà văn nữ nữa là Linh Trang, Trần Thị NgH (Trần Thị Nguyệt Hồng), Thục Viên, Kiều Mỹ Duyên gốc Nam, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Quỳnh Như Ngọc gốc Trung, Lệ Hằng, Dung Sài Gòn, Lê Thị Bích Vân, Nguyễn Thảo Uyên Ly, Ngô Thị Kim Cúc (về sau lấy bút hiệu Vô Ưu) đều là gốc Bắc.

Vào thời đại nào, vào thập niên nào những nhà văn nhà thơ nam hay nữ gốc Nam Kỳ ít quá so với các cây bút nam hay nữ gốc Bắc Kỳ hay Trung Kỳ. Nhưng khi ra hải ngoại, ngành văn chương Việt Nam có khá đông các nhà văn nữ gốc Nam Kỳ như Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Thị Kim Lan (chị kế của Nguyễn Thị NgH), Phương Hoài Nam, Phượng Khánh, Song Thi, Trần Kim Vy, Tiểu Thu, Việt Dương Nhân, Dư Thị Diễm Buồn…

Trong các quyển tiểu thuyết Chân Trời Hạnh Phúc. Trong Lâu Đài Kỷ Niệm, Xa Bến Thiên Đường, Vén Màn Sương Ảo Mộng, nhà văn nữ Dư Thị Diễm Buồn thường lấy bối cảnh quận Cái Bè (quê ngoại của chị), Tây Đô Cần Thơ (nơi chị sinh ra và đeo đuổi việc học hành tại trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm) và Mỹ Tho (nơi chi làm nữ y tá cho bệnh viện Thủ Khoa Huân). Tôi có viếng Cần Thơ vài lần, được dạo Bến Ninh Kiều, xem chiếu bóng tại rạp Tây Đô, và Huỳnh Lạc. Cần Thơ nổi tiếng hến và ốc gạo không thua gì hến và ốc gạo ở cồn bãi trên sông Cổ Chiên. Mỹ Tho là quê ngoại của ba tôi. Tôi đã sống ở đó nửa khoảng đời thơ ấu luôn cả 2 năm học ở trường trung học Nguyễn Đình Chiểu để thi nốt bằng tú tài toàn phần. Vào thời tiền chiến. Mỹ Tho nổi tiếng nuôi tằm dệt lụa ở làng Đạo Ngạn; và từ bao giờ cho đến bây giờ vẫn nổi tiếng cá bống dừa Đạo Thạnh, Long Nhãn Vĩnh Kim, bì gói và nem chua Cai Lậy, mận hồng đào Trung Lương, và dưới thời Đệ nhất Công Hòa lại nổi tiếng hủ tíu Mỹ Tho. Đó là hủ tíu nấu bằng lòng heo ăn với giá sống và cải tần ô (cải cúc).

Lãnh thổ Định Tường (một tên khác của tỉnh Mỹ Tho)là nơi sản sinh những ngôi sao sáng của ca kịch cải lương như Năm Châu, Ba Du, Tám Mẹo (nam), Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Mười Truyền (nữ) và nhà soạn giả thuộc đợt tiền phong Trần Hữu Trang. Tuy nhiên tôi chưa hề biết tới Cái Bè dù nó là một quận lụy trù phú thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tôi chỉ biết địa danh ấy qua cam hồng mật Cái Bè. Đây là loại cam vỏ mỏng, khi chín ửng vàng, chứ không có màu gạch tôm, gạch cua hay màu gạch ngói mới lộng lẫy như cam tiểu bang California (Hoa Kỳ). Cần Thơ, Mỹ Tho, Cái Bè không có thắng cảnh nổi tiếng, trừ chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho. Chúng có những món trân cam, thổ sản, thủy sản ngon lành và biết bao nhiêu kỷ niệm tươi đẹp của tuổi thanh xuân cho người yêu quê mến đất.

Dư Thị Diễm Buồn không cần mơ tới giang san cẩm tú nào khác ngoài nơi chôn nhau cắt rún của mình. Nó thấm sâu vào trái tim nhạy cảm của cô nữ y tá sáng mát như trăng và duyên dáng như loại chim khách báo tin

vui mỗi khi chim hót những tiếng ngắn ở trước cổng nhà. Đó cũng như tiết xuân sau thời tiết lập đông lạnh lẽo, đem ánh nắng tươi hiền tới dải đất phì nhiêu Nam Kỳ, đem hơi gió chướng mát rượi và khô ráo làm cho chất phù sa lắng xuống đáy nước để cho sông, rạch, khe, ngòi cùng ao, bàu, lung, vũng, đìa, mương trong vắt như lộng gương. Nó đem bướm đẹp về luống cải hoa vàng, đem những nụ hoa hoàng yến trên cành lạp mai, đem những nụ đỏ tươi như những nốt ruồi son trên cành hoa gạo. Và thú vị quá, ba tỉnh lỵ ấy đem biết bao cảm hứng phong phú, trơn ngọt và tươi mát của văn chương Dư Thị Diễm Buồn.

Dư Thị Diễm Buồn và tôi quen nhau do nhà văn Nguyễn Văn Ba giới thiệu. Hình như vào năm 1993 thì phải. Qua các cuộc điện đàm tôi nhận thấy tiếng cười chị hào sảng, giọng nói tuy mịn màng như giát nhung nhưng cách phát âm không trau chuốt nên hơi quê quê. Hình như các nhà văn nam hay nữ gốc Nam Kỳ đều có lối phát âm lười lĩnh, uể oải và thờ ơ, không nhấn vuốt, không biết đánh lưỡi sửa giọng. Coi nào. Chúng ta có thể kể sơ qua như sau: Sơn Nam, Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Ba, Trần long Hồ (nam), Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phan Thị Trọng Tuyến, Tiểu Thu (nữ). Tất cả những cây bút vừa kể đó đều có tài làm nồng mặn ý tình trong câu chuyện mạn đàm một phần là nhờ có lối phát âm vụng về cẩu thả đó.

Tuy nhiên trong chương trình văn nghệ bỏ túi Chiều Tha Hương tại hội trường Saint Jacques (Paris) vào hè năm 2000, Dư Thị Diễm Buồn lên diễn đàn để đọc bài diễn văn do chị soạn trước. Dường như chị bị ám ảnh về tôi chê sự phát âm hơi quê quê của chị nên chị gò gẫm giọng đọc. Giọng bị nhốt sâu trong cuống họng lại bị nhấn vuốt quá trớn trở nên nhọn hoắc, dường như giọng của ai đâu, chớ không phải của chị.

Qua các cuộc điện đàm, Dư Thị Diễm Buồn ưa bàn những món ăn phổ thông miền Nam với tôi luôn. Chị hay suýt soa:

- Chèn ơi, món cá bống trứng kho tiêu ngon… chết giấc. Chu choa ơi, món cá trê vàng cặp que tre tươi rồi nướng lửa than, đem dầm nước mắm gừng… cũng ngon chết giấc luôn.

Cụm từ “ngon chết giấc” có duyên quá đỗi. Cho nên tôi bảo chị:

- Trong bữa ăn, nếu ai biện những món ăn khoái khấu ấy cho bà, bà sẽ chết giấc mấy lần đây? Chết giấc chừng hai lần thì mệt quá, làm sao bà ăn ngon bữa cơm? Làm sao bà ăn cho trọn bữa cơm, hả bà?

Trước khi tôi gặp Dư Thị Diễm Buồn vào tiết lập đông năm 1998, chị có gởi cho tôi mấy tấm ảnh chị chụp ở thành phố Addison (thuộc tiểu bang Illlinois). Người trong ảnh không có gì đặc biệt. Rồi sau nầy, tôi được gặp chị tại quán Cây Me ở quận 13 Paris, tôi nhận thấy chị trắng trẻo, thon gọn và xinh đẹp. Đi bên cạnh là phu quân của chị với nét mặt đều đặn, có vẻ mô phạm và trí thức, mà chúng tôi tạm gọi là ông Vĩnh (nhân vật chính Trong Chân Trời Hạnh Phúc) hoặc ông Dư Khải Minh (nhân vật chính Trong Lâu Đài Kỷ Niệm). Tôi làm bộ lên giọng quở trách:

- Bà cứ giấu đấng trượng phu của bà hoài. Chồng như vầy thì đem khoe chớ sao lại giấu? Mà giấu được với bạn bè không?

Diễm Buồn cười khè khè, giọng cười của bà Phùng Há trong tuồng Mạnh Lệ Quân Thoát Hài.

- Ai mà giấu làm gì? Tại chưa có dịp khoe đó chớ. Nếu tui giấu ảnh thì hôm nay sao ảnh đi bên cạnh tui?

Trong tấm ảnh chị đóng vai Cô Giang trong vở thoại kịch Ngày Tang Yên Bái trong dịp lễ phát phần thưởng của trường, cặp môi chị hơi dầy tạo nét gợi cảm, chân phác cho khuôn mặt. Nhưng trong tấm ảnh chị gởi từ Illinois, cặp môi chị mỏng hơn làm cho nụ cười dưới lớp son hồng đào mặn mà hơn và cũng dí dỏm hơn.

Hai lần gặp gỡ Dư Thị Diễm Buồn tại Paris, tôi nhân thấy chị có khuôn mặt phúc hậu. Chị không thuộc loại cao sang thanh thoát vì ngôn ngữ chị bình dị, giọng nói chị chân phương, tánh tình chị đôn hậu và chị không làm dáng hay gọt dũa cử chỉ cho thật điệu đà. Chị không thuộc danh hoa trong hoa viên ngự uyển. Chị là hoa ngoài khoáng dã, không có tên trong hoa phổ; chẳng hạn như hoa ô môi tím trên bờ sông Tiền Giang chảy qua bắc Mỹ Thuận, hay hoa vông đỏ rực vết son tươi ven các dòng kinh loáng nước trong veo vào cận Tết, hoặc hoa phượng thắm chói màu tấm lụa đào trong sân trường, ven bến nước, trước cổng đình.

Trong quyển truyện Trong Lâu Đài Kỷ Niệm có in tấm ảnh của chị chụp chung tấm ảnh với chồng. Tôi nói đùa:

- Trong ảnh bà đứng cóm róm bên ông Vĩnh, giống như con chồn đứng hai chân coi quê quá.

Diễm Buồn cà khịa liền:

- Hễ mở miệng ra là anh kiếm chuyện chê tui. Đó là tấm ảnh tụi tui chụp vừa mới đính hôn. Hồi xưa khi chưa lấy chồng, tui ốm ròm, hai vai rút ngắn, lưng hơi còng nên tôi đứng khóm róm như vậy. Bây giờ tôi đâu còn như vậy nữa. Hồi xưa ở nhà gọi tôi là cô Tư Ròm. Lại nữa, tôi tiêu xài mực thước mà cũng bị mang tiếng là cô Tư Kẹo. Bởi lẽ, hồi còn đi học, tui đâu có nhiều tiền thì hào phóng sao được?

Đúng vậy, Bây giờ hai cái hổn danh Tư Ròm, Tư Kẹo cho cô nữ sinh ốm yếu, èo uột chỉ có tiền đủ ăn quà thuở nào hiện nay không còn đúng nghĩa nữa. Bây giờ cô trở thành nữ sĩ Diễm Buồn có vóc dáng đầy đặn nuột nà, hào phóng rất mực. Nữ sĩ du lịch khá nhiều ở các tiểu bang trên đất Hoa Kỳ, qua thăm viếng Paris xứ Pháp, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Anh, Qua Úc Châu, qua lục địa Trung Hoa. Nữ sĩ bây giờ còn xuất tiền túi, quyên góp tiền bạn bè để giúp đỡ Lệ Khánh, Thụy Vũ, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long khi họ đang sống chật vật sau bức màn tre. Bạn bè chung của chị và và tôi thường bảo tôi rằng:

- Mụ ấy vui như trẻ con gặp Tết, được mặc áo mới, được tiền lì xì trong phong bao đỏ. Mụ ấy lấy cái bút hiệu Diễm Buồn không đúng điệu đâu. Tụi mình phải gọi mụ ấy là Dư Thị Diễm Vui hoặc Dư Thị Diễm Tết mới là phải chứ.

Dư Thị Diễm Buồn thích mặc áo dài hở cổ (kiểu do bà Ngô Đình Nhu sáng chế ra). Kỳ qua Paris ra mắt thi tập Một Thoáng Hương Xưa (1998) tại quán Cây Me (Paris 13 ème), chị mặc áo bằng mousseline đen in lác đác hoa màu hoàng yến. Hai năm sau, vào năm 1990, chị qua Paris chấm giải thi hoa hậu áo dài cho sinh viên Âu Châu và ra mắt thi tập Những Ngày Xưa Thân Ái, vẫn mặc chiếc áo dài hở cổ, nền lụa đen nổi bật đóa hoa thục quỳ màu hoàng cúc đậm hơn ở ngực bên phải, nhưng lá lại có màu đen viền trắng mọc ở nhánh hoa và điểm rải rác ở ngực bên trái.

Mới đây chị gởi thêm 3 tấm ảnh nữa. Trong một tấm ảnh chị xõa tóc thề đứng bên dòng nước in sắc màu trứng sáo, viền lớp cây hoang dại nhuộm ánh tà dương màu vàng tái ở xa, và mọc tua tủa những lùm cỏ, cây ngô đồng màu thúy lục đậm hơn màu rêu xanh ở gần. Người trong ảnh áo rằn ri nhiều màu, nhưng lại là màu nguội và sắc đạm gồm có: tím đậm như màu nếp than, vàng tái như màu hoa kim liên, tím pha xám như màu hoa soan đào, hồng đơn tức là màu hường pha xám bạc. Các bông hoa trên áo (les motifs) dù có chen lấn nhau nhưng tổng thể áo màu sắc không lòe loẹt chói chang. Mới nhứt là có lẽ 2 tấm ảnh chị chụp vào Tết Nguyên Đán năm Ất Dậu: một tấm trong căn bếp bóng loáng vì được lau chùi kỹ lưỡng, một tấm tại phòng khách có bộ xa-long bọc nệm da màu xám đậm gần đen giống như đá huyền vũ (ardoise) có tủ kính đựng bát dĩa bằng sứ quý giá, có chậu sứ vẽ hoa gấm choáng lộn sắc đen, màu xanh, màu đỏ chen lộn nét hoàng kim lấp lánh. Cây kiểng trồng trong chậu có nhánh lá như đuôi chim linh phụng, nhưng mềm mại thướt tha. Trong ảnh, chị Dư Thị Diễm Buồn mặc áo màu hồ thủy tức màu xanh như nước bồn tắm lót gạch tráng men lam, bên ngực phải có vẽ đóa hoa màu gấm đại hồng như hoa dâm bụp. Khắp thân áo in lác đác chấm đỏ, chấm trắng và còn điểm thêm những viền trăng cong mềm màu trắng, những nét đuôi én chẻ đôi sắc sảo cũng màu trắng.

Những tấm ảnh của một người đàn bà cằm bút ở tuổi mùa thu cuộc đời gợi cho bút giả liên tưởng những tác phẩm truyện dài cũng như tác phẩm thi ca cùng đường lối viết lách của đương sự. Văn chương của chị đa dạng về mặt tình cảm. Nó không như hoa cúc nở trong sương, hớn hở khoe sắc tơ vàng và cười ngạo với mầm hủy diệt len lỏi trong thời tiết. Nó cũng không hắt hiu như ngọn heo may thổi trong bóng tối lác đác mưa dầm. Nó có vui có buồn, phô diễn trọn vẹn tấm lòng bén nhạy với cảm hứng của tác giả. Nó đưa độc giả trở về một thuở thanh bình trên đất nước của chúng ta cùng thuở nhiễu nhương trong cuộc nội chiến. Chúng ta có thể theo chân Dư Thị Diễm Buồn để tìm lại những dấu vết thăng trầm trên mệnh nước nổi trôi.

Phỏng Vấn Dư Thị Diễm Buốn

1/ Hồ Trường An (HTA) hỏi:

* Xin chị cho biết tiểu sử của chị?

Dư Thị Diễm Buồn (DTDB), trả lời:

* Thưa anh, tôi được sanh ra và lớn lên ở thị xả Cần Thơ. Ba tôi là thầy giáo. Má tôi nội trợ. Tôi có năm chị em gái. Chồng tôi là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi có 3 đứa con (gái, trai lớn sanh ở Việt Nam, cháu trai út sanh ở Mỹ).

Theo làn sóng người chạy loạn, gia đình chúng tôi đào thoát khỏi quê hương 11 giờ đêm, ngày 13, tháng 5 năm 1979, trên chiếc tàu đăng ký: MT#2736 (MT là Mỹ Tho). Chúng tôi vào tỵ nạn ở tiểu bang Illinois (Mỹ) đầu năm 1980. Sau chín tháng lang thang qua 3 đảo, ở Nam Dương (Indonesia), đó là: Terempa, Kuku, Galang.

Đến Mỹ lỡ chợ lỡ quê, chồng tôi đi làm 23 ngày sau đó. Và sau khi sanh cháu trai út được 1 tháng 7 ngày (sau 11 tháng khi bước chân vào Mỹ), tôi cũng đi làm. Sống, 25 năm ở vùng đất lạnh tình nồng Chicago thuộc tiểu bang Illinois, bây giờ chúng tôi dọn qua ở ngoại ô của Sacramento (thủ phủ của California) Sau khi các con chúng tôi đã ra trường và đi làm (hai đứa bác sĩ, một đứa kỹ sư).

2/ HTA:

* Xin chị cho biết gia đình bên nội của chị. Hình như ông nội của chị là người Trung Hoa, bỏ chế độ của triều đại nhà Mãn Thanh để qua Việt Nam tìm đất sống?

DTDB:

* Thưa anh, ông nội tôi người Trung Hoa (người Phúc Kiến). Bởi vì ông tôi bị bạo bịnh qua đời khi ba tôi còn đang học ở Pháp. Theo bà nội tôi kể, ông nội tôi và ông cố của tôi theo đảng cách mạng của Hồng Tú Toàn chống triều đình Mãn Thanh. Đảng cách mạng tan rã, dư đảng chạy trốn khắp nơi. Ông nội tôi lúc đó còn trẻ lắm, ông và ông cố tôi chạy sang Singapore. Ông cố của tôi bất ngờ lâm trọng bịnh qua đời. Ông nội tôi chôn cất cha xong, xin đi làm công dưới tàu buôn. Tàu qua Việt Nam, ông ở lại đây lập nghiệp và cưới bà nội tôi là người Cai Lậy (thuộc tỉnh Mỹ Tho). Ông bà nội tôi về mở tiệm bán thuốc á phiện tại chợ Cái Thia (vào thời Pháp thuộc đó, á phiện được bán tự do và được cấp môn bài). Ông bà nội tôi có năm người con trai. Hay có một điều là nhà bán á phiện, anh em ba tôi người nào cũng biết làm thuốc, biết sên thuốc ở bàn đèn cho người ta hút, vậy mà cả năm anh em không ai bị nghiện á phiện cả. Bà nội tôi kể ông nội tôi sanh trưởng ở Phúc Kiến, nhưng ông là người Tàu gốc Mông Cổ, nên năm đứa con trai của bà người nào cũng cao lớn khôi vĩ. Năm người con nầy còn có thêm tánh phóng khoáng, hào hoa, phong nhã nữa. Chỉ có chú Chín và chú Mười tôi một vợ một chồng cho đến ngày qua đời. Ba tôi thì khỏi nói, ông là số một trong năm anh em, mỗi bến mỗi tình, ông lại là dân du học ở Pháp hấp thụ ít nhiều văn minh xứ người, nên rất phong lưu, lịch sự và phóng khoáng. Mặc dù tôi không biết mặt ông nội ra sao, chỉ thấy tấm hình bán thân trắng đen của ông trên bàn thờ, nhưng tôi kính trọng ông nội tôi lắm. Bởi bà nội tôi kể rằng, ông nội và ông cố tôi lánh nạn ở Singapore hết sức vất vả, cơm ăn bữa có bữa không. Cha con hẩm hút ở xứ lạ quê người, bất ngờ cha chết, không có tiền chôn cha, ông nội tôi phải ký giấy ở mướn cho người ta ba năm. Hết nợ, ông mới đi làm ở tàu buôn và qua Việt Nam. Khi làm ăn khá giả ông trở lại Singrapore, mướn người nửa đêm lén đào mả lấy hài cốt của cha mình may thành cái gối kê đầu nằm để qua mắt hải quan, đem qua Việt Nam chôn ở đất nhà.

3/ HTA:

* Xin chị nói về Cái Bè và các làng phụ cận với làng Mỹ Đức Đông, quê ngoại của chị (đồng ruộng, sông ngòi, chợ búa, con cá lá rau và hoa ô môi).

DTDB:

* Theo tôi biết, Cái Bè là chợ quận. Trước thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm quận Cái Bè lớn và dài đến bắc Mỹ Thuận, gồm luôn làng An Hữu. Sau đó làng An Hữu tách rời quận Cái Bè, lập thành quận lấy tên là Giáo Đức. Nhưng tất cả giấy tờ gì quan trọng thì người dân đều xuống văn phòng quận Cái Bè. Từ Cái Bè về bắc Mỹ Thuận thì đi qua làng Mỹ Đức Đông, có cầu Ông Hưng, cầu Ông Vẻ nối liền Quốc Lộ 4. Làng Mỹ Đức Đông nằm giữa, giáp ranh với các làng Mỹ Tây, Mỹ Lương, Mỹ Thiện và Hòa Khánh. Ngăn cách làng Mỹ Đức Đông với làng Mỹ Tây và Mỹ Lương (Hòa Lộc là nơi chôn nhau cắt rún của nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu) là con sông Mỹ Đông. Sông nầy không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng nó dài từ Đồng Tháp Mười, đi qua Ngã Sáu, Kinh Bùi và những sông ngòi chằng chịt ở các làng mạc khác. Sông chảy vào làng Mỹ Đức Đông nên từ ngàn xưa gọi là sông Mỹ Đông. Sông Mỹ Đông qua chợ Cái Thia và nhập vào sông Cửu Long chảy ra biển. Nước sông Mỹ Đông từ dòng Tiền Giang chảy vào nên trong xanh và ngọt, có nhiều phù sa, cho nhiều tôm cá ngon sống ở nước ngọt như cá sủ, cá mè vinh, cá he nghệ, cá leo, cá thác lác, cá trèn…. Các loại cá đồng, cá trê, cá lóc, cá sặc, cá rô… từ các ruộng đồng ở vùng Xẽo Muồng, Kinh Xáng, Ngả Sáu, Đồng Tháp theo nước tuôn ra…

Mỹ Đức Đông là làng trù phú có nhiều loại trái cây nổi tiếng phát xuất từ đây như, gà, cam, ổi xá lị, xoài cát đen, chuối cau… Dân làng Mỹ Đức Đông sống nhờ vào các loại hoa trái mùa nào cũng có bán. Dân cất nhà gần sông, vườn sau nhà. Ngoài côi vườn là ruộng. Ruộng ở đây được nước sông ra vào thông thường nên không bị phèn như ở các làng khác. Nước sông lại cho nhiều phù sa nên lúa thóc hoa quả ở vùng nầy sai và tươi tốt. Nhà nông ở làng nầy trồng lúa, trồng nếp chỉ để ăn chớ không có bán.

Làng Mỹ Đức Đông có chợ Cái Thia. Mặc dù chợ nhỏ nhưng dân làng và những làng lân cận sang bán buôn, xe cộ tới lui rất sầm uất. Nhờ có con lộ tẻ nối liền từ Quốc Lộ 4 vào, rất thuận lợi việc chuyên chở các hàng hóa tiếp tế cho thị thành. Bởi đó mỗi ngày đều có những chuyến xe đò rước đưa hành khách từ Cái Thia đi Sài Gòn và từ Sài Gòn về Cái Thia, Xe Cái Thia đi Mỹ Tho, Cái Thia Cái Bè, Cái Thia Giáo Đức… Đặc biệt ở quê ngoại tôi, dân ngoài trồng nhiều loại cây ăn trái theo dọc hai bên bờ sông, nhứt là các loại xoài như xoài cát, xoài thanh ca, xoài voi, xoài hòn, xoài tượng… Còn có các loại dừa như dừa xiêm, dừa lửa, dừa ta, dừa Tam Quan… Và gần như nhà nào cũng trồng một vài gốc ô môi bên bờ sông để nhà ngâm rượu, dư thì bán. Người ta nói rượu ngâm với ô môi trị được bịnh phong thấp rất công hiệu. Khi đến tuổi mộng mơ thì tôi rất mê thích màu hoa ô môi lắm. Hoa ô môi màu tím tím ngã hồng. Tôi muốn nói nhạt hơn màu tím, sậm hơn màu lá cẩm.

4/ HTA:

* Chị có thích những dòng sông, ao đìa, mương rạch, khe ngòi nơi quê ngoại của chị không? Còn những lễ lộc, đền chùa, am miễu, đình thần ra sao?

DTDB:

* Sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, mà được ngắm cảnh sương mù trắng đục như màn lụa mỏng, như mây bay, như khói tõa trên mặt nước sông thì còn gì thích thú hơn? Nơi quê ngoại tôi, vào những buổi chiều lộng gió, đứng trên Cầu Khum ngắm nhìn ruộng đồng bao la cũng là cái thú rất thi vị. Hay những đêm rằm trăng sáng cùng chị em, bạn bè bơi thuyền trên sông thì tuyệt!

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ, mặc dù dòng đời thay đổi và quê hương theo vận nước nổi trôi, nhưng lòng tôi vẫn cứ tưởng như mới xảy ra tuần trước, tháng trước thôi anh ạ. Vì cứ mỗi năm vào tháng ba rằm Thượng Ngươn làng Mỹ Đức Đông tổ chức cúng đình Thần lớn lắm. Các ông hội đồng làng dĩ nhiên là có ông ngoại tôi rồi, vì ông là ông Hương cả của làng nầy. Các ông cho làm bò, làm heo… cúng Thần để tạ ơn bảo vệ bình an cho dân làng, cho mưa thuận gió hòa, ruộng nương trúng mùa… suốt năm qua. Trong dịp cúng đình, họ mời gánh hát bội về hát chầu mấy ngày liên tiếp. Dân làng Mỹ Đức Đông và dân các làng lân cận tha hồ dự thỏa thích các trò chơi như đua ghe, bắt vịt trên sông, nhảy bao bố, kéo dây… Vùng quê ngoại tôi còn có miểu Ông và am Bà Cố linh thiêng lắm. Dân làng ai đi qua ngang cũng giở nón chào để tò lòng sùng kính. Còn tôi thì những ngày vía, đều được bà ngoại, hoặc mấy dì đưa đến đó để thay bùa, đổi niệc giữ bình an mà ngoại đã xin cho tôi. Niệc và bùa đủ màu sắc, hình vuông, hình dài, hình tam giác… tôi đeo có chùm có tua trên cỗ. Bà ngoại tôi thường nói. “Am, miễu là nơi để cho thần linh, những người có đạo hạnh ẩn thân. Cho nên làm người phàm mắt thịt như chúng ta phải tôn kính thờ phượng và tin tưởng… Cho nên nhờ ông bà phù hộ, cháu mới sớm được khỏe mạnh…”.

5/ HTA:

* Xin chị nói về thời hoa niên của chị ở Cần Thơ. Xin nói những thắng cảnh ở đó.

DTDB:

* Miền Nam nói chung có rất nhiều thắng cảnh. Thuở hoa niên của tôi, Cần Thơ đã ngún ngòi chinh chiến rồi. Ba má chúng tôi không cho chị em tôi đi xa thành phố, những nơi mà trước đó chưa đến, hoặc nơi ấy không có người quen. Cho nên dù sanh ra ở Cần Thơ, đi hoc ở Cần Thơ nhưng tôi chưa có dịp thăm di tích lịch sử ở xã Long Tuyền là quê của ông Bùi Hữu Nghĩa danh sĩ triều nhà Nguyễn. ông là thi sĩ nổi tiếng trong làng thơ Miền Nam vào thế kỷ 19. Tác phẩm để đời đặc sắc của ông là vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên”. Ngoài ra ông còn làm thơ chữ Nôm, chữ Hán…

Cần thơ nổi tiếng cây ngọt, trái lành, có nhiều kiều nữ, có bến Ninh Kiều, bến Nhị Kiều, có vườn ổi, có chùa Nàng Tiên, có chùa Kiến Quốc… Có trường trung học Phan Thanh Giản và trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm đã đào tạo cho quê hương những thanh niên ưu tú. Cần Thơ còn mệnh danh là Tây Đô, là trung tâm lãnh thổ đất Hậu Giang… Tỉnh Cần Thơ không có biển, cũng không có núi. Nhưng cần Thơ có những chuyến phà đưa rước xe cộ, hành khách sang sông. Có đò chèo ở bến Ninh Kiều đưa du khách thưởng ngoạn thành phố Tây Đô về đêm.

6/ HTA:

* Xin chị nói về trường Đoàn Thị Điểm và thời kỳ chị còn học ở đó?

DTDB:

* Tôi còn nhớ trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm nằm phía sau trường Phan Thanh Giản (trường Nam), ngăn cách bởi tấm vách tường cao. Cổng chánh của trường Đoàn Thị Điểm nằm trên đường Ngô Quyền, ngang với Ty Cảnh Sát Quốc Gia (lâu quá rồi không có dịp trở lại, không biết tôi có nhớ lộn không?). Vào cổng trường, bên phải là khu nhà vệ sinh. Bên trái là dãi phòng học có lầu, khang trang sạch sẽ và hình như trường mới cất không bao lâu. Trường có từ lớp đệ thất lên đến lớp đệ nhứt. Khi tôi vào học thì Hiệu trưởng là bà Trần Thị Nhơn (người Huế, bà có giọng nói hơi nặng). Mỗi tuần bà có dạy lớp tôi 1 hay 2 giờ Anh văn gì đó. Trước giờ bà dạy, nhiều chị tìm cớ xin về vì họ nói giọng bà nói tiếng Anh khó nghe quá! Bà Mừng làm giám thị, bà Mừng người thấp và mập mạp, nhưng bà có hai cô con gái rất xinh đẹp. Hình như cô gái lớn của bà tên Anh và sau đó du học ở nước ngoài(?).

Đã là học sinh trung học, chúng tôi gần như đứa nào cũng đến tuổi biết buồn, biết mơ mộng. Chiều thứ sáu thì các anh lính chiến về phép. Có anh mặc đồ lính trận còn bám bụi chiến trường trông phong trần và không kém phần hào hoa… Có anh phi công mặc bộ đồ phi hành màu xám tro, hay màu đen đang ngồi trên xe máy còn nổ. Có anh lính hải quân với bộ quân phục xám xanh màu bọt biển… đang đứng ngoài cổng chờ đón em đi dạo phố. Nữ sinh chúng tôi đồng phục màu trắng, giờ tan học túa ra, rồi nhởn nhơ như đàn bươm bướm trắng.

Nhưng tôi thì không có tốt số ở trong nhóm các bạn học mệnh danh là kiều nữ của Tây Đô đó đâu. Vì sao anh biết không? Tôi vừa cù lần, mặt mũi lại vừa giống con bé lọ lem, tướng tá còn ốm nhom và lóm khóm nữa... Nên tôi luôn một mình thui thủi đi về nhà sau buổi tan trường. Nhờ vậy mà tôi có nhiều thì giờ để học bài, có nhiều thì giờ để tự do ngắm nhìn không gian cao rộng, mà mộng, mà mơ, mà thương mây, mà khóc gió… Tôi có nhóm bạn, lúc đó người là công chức, người là quân nhân, người là sinh viên, người là học sinh trường Phan Thanh Giản như anh Thái Minh Kiệt sau nầy lấy bút hiệu là Nguyễn Văn Ba viết văn nổi tiếng ở hải ngoại. Chúng tôi chỉ là bạn bè thuần túy thôi anh, mỗi lần đi dạo bến Ninh Kiều, đi xem phim, đi nghe nhạc, hay đi ăn uống thì bọn tôi đi chung một nhóm bốn năm người.

7/ HTA:

* Truyện dài nào của chị cũng có hình bóng của bà ngoại chị. Xin chị nói đôi chút về cụ bà.

DTDB:

* Tôi là đứa con xấu háy. Má tôi nói sau khi lọt lòng mẹ chưa đầy tháng là tôi bịnh, chạy thuốc tây, thuốc tàu, thuốc nam, nhưng vô hiệu quả. Nghĩa là bịnh cứ tái đi tái lại hoài, chớ không hết hẳn. Một tháng tôi bị bịnh hơn hai mươi ngày. Bịnh tình như vậy nên cơ thể tôi càng còi cọc ốm yếu hơn. Má tôi lén đi coi thầy, thầy bảo ngày sanh tôi kỵ với tuổi má tôi, nếu không cho tôi ở cách sông với mẹ thì sẽ không hay! Ba tôi không tin, nhưng thấy tôi càng ngày càng yếu đi, nên ông phải bằng lòng để bà ngoại đem tôi về quê hoạn dưỡng.

Từ đó, tôi được bà đưa tôi đi cầu lễ ở chùa, đền thần, đền thánh, miếu, am… Nơi nào mà bà nghe đồn là linh thiêng thì trước sau gì bà cũng đưa cô cháu cưng đến đó. Không biết có phải là nhờ không khí trong lành ở thôn quê, cộng vào các loại thuốc trị đúng bịnh hoặc nhờ thầy pháp, hay là do các cô lên đồng bắt quỉ nhốt ma trong tĩn rồi dán lá bùa đỏ đem bỏ sau miếu Thổ Thần, để Thổ Thần giam ở đó không đi quấy nhiễu người khác? Nhưng mấy tháng sau ngày bà ngoại đem tôi về thì tôi ít hay bịnh, ăn uống nhiều, da dẻ hồng hào và lần lần tôi được như những đứa trẻ bình thường khác.

Tôi sống với gia đình bên ngoại từ chưa đầy thôi nôi cho đến 8 tuổi. Sau khi cúng căn giải hạn thì tôi mới trở về sống luôn với ba má và chị em tôi. Trong suốt khoảng thời gian 8 năm đó, tôi được gia đình bên ngoại, có ông bà ngoại, cậu dì (chưa có gia đình riêng) thương yêu, bao bọc, chở che. Lúc còn nhỏ quá, tôi không biết, nhưng khi tôi được bà ngoại dắt đi học lớp vở lòng trường trong xóm, thì cả tháng đầu ngày nào bà cũng quanh quẩn ngoài lớp học, không đến gần nhưng luôn cho tôi thấy được bóng dáng bà để tôi không khóc đòi về. Lúc nhỏ tôi uống thuốc bắc, thuốc nam cho đến bây giờ nghe mùi thuốc tôi vẫn còn sợ. Mỗi lần uống thuốc bà ngồi kế bên dỗ dành, uống xong bà cho khi thì cục đường tán, khi thì kẹo dừa, khi thì kẹo cam, khi thì kẹo đậu phọng ăn vào cho miệng tôi mau hết đắng. Bà đút cho tôi từng muỗng cháo có miếng cá đã gở xương để bên trên. Tôi với bà ngoại như bóng với hình. Bà ngủ chung với tôi, bà dắt tôi theo khi bà đi chợ, khi bà đi lễ đình, chùa, khi bà đi ăn lễ cưới, hỏi hoặc đám giỗ ở nhà những họ hàng thân quen… Cho nên, khi về sống với gia đình ba má và chị em, đêm nào tôi cũng khóc nhớ bà đến mấy tháng trời. Lúc đó tôi luôn nghĩ rằng đời nầy tôi sẽ không bao giờ thiếu bà ngoại tôi được.

Mỗi khi đến ngày nghỉ lễ Phục Sinh, Tết ta, nghỉ hè là tôi về sống hạnh phúc bên ngoại tôi. Tôi luôn dành với mấy đứa con cậu con dì ngủ với ngoại suốt thời gian tôi về thăm đó. Nhưng ngày bà ngoại tôi chết, tôi không được tiễn bà ra phần mộ, không được rải nắm đất lên mồ! Bà qua đời bởi đạn pháo vô tình của giặc!

8/ HTA:

* Thuở nhỏ chị thích những trò giải trí nào? Xin nói về các vụ bẫy chim, bắt cá, bắt lươn, mò ốc, mò hến miền quê ngoại của chị.

DTDB:

* Hồi nhỏ khi chưa đi học, chưa biết chữ tôi thích theo cậu tôi cõng ra đồng thả diều về mùa khô. Đi học tôi thích đánh bún hột me, hột ô môi, nhảy dây, nhảy nhà. Khi biết đọc tập đọc, biết trả lời những câu hỏi trong bài chánh tả thì tôi thích đọc thơ Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga Cống Hồ, Chàng Nhái Kiểng Tiên, Con Tấm Con Cám, Thoại Khanh Châu Tuấn… cho bà ngoại tôi nghe. Tôi thích đọc truyện cổ tích nữa. Tôi nhớ có lần bà ngoại tôi đến nhà người quen có nhiều sách bà mượn, rồi bảo chú Sáu Cà Lâm làm vườn đội về cả thúng muốn khum xương sống, mệt thở hào hển cũng ráng nói: “sách, sách, cái mà…cái mà nhiều…nhiều quá, cô đọc cái mà, cái mà cầu… cái mà ba năm cũng cũng chưa… chưa… chưa hết” làm cả nhà ai cũng cười. Tôi còn nhớ đó là bộ truyện dịch Thằng Người Gỗ (Pinocchio).

Thú thật với anh, sống ở quê ngoại từ lúc ấu thời, và khi lớn lên cũng vậy, tôi chưa bao giờ bước chân xuống ruộng. Có lẽ bà ngoại cưng tôi quá không cho làm những chuyện nặng nhọc và cũng vì tôi quá sợ đĩa anh ơi. Nhưng tôi có ngồi trên xuồng chài xem người ta chài cá. Xách giỏ, bưng mồi theo cậu tôi ra đồng cho cậu câu rê. Cũng có khi đi hốt trứng chim, đuổi chim với lũ con dì con cậu ở lãng trống. Tôi ngồi trên bờ coi người ta bắt tôm cá giở chà. Mò hến thì tôi thấy không khó. Tôi thích ngồi xuồng theo coi thiếm Sáu mò bắt hến bên kia bờ kinh. Hến coi bộ dễ bắt, vì nó không bò, không chạy và cũng không búng như tôm, không nhảy, không dẫy đành dạch như cá. Chờ nước ròng sát, trơ bãi sình non, thím lấy hai bàn tay cào cào dưới sình non để tìm hến bắt, rồi rửa cho trôi bớt sình, bỏ vào thùng. Chỗ nào nhiều hến thì thiếm cào nhiều sình non vào lưng lửng rỗ rồi đem chao dưới nước, cho sinh theo nước ra ngoài, còn lại là hến. Tôi cũng xách thùng theo các con bà dì đi bắt ốc bươu. Sau cơn mưa nhiều, nước nổi, khi nước cạn xuống thì ốc bưu mập ú đeo trên những cọng đưng, cọng lác… đầy cả ao, cả mương ngoài ruộng.

9/ HTA:

* Hồi nhỏ chị thích đọc sách gì ngoài chuyện cổ tích?

DTDB:

* Hồi nhỏ tôi thích nghe kể chuyện cổ tích và cũng ham đọc sách đến quên ăn, quên ngủ. Thường thì tối, tôi chong đèn nằm trong mùng, chỉ chừa cái đầu ra ngoài cho khỏi bị muổi cắn để đọc sách, đọc truyện, hoặc đọc thơ có ca có kệ cho bà ngoại tôi nghe. Tôi khóc khi Xuân Nương bị mẹ chồng đánh đập trong truyện Lâm Sanh Xuân Nương. Tôi thương mến kính phục nàng Cúc Hoa trong Phạm Công Cúc Hoa. Tôi ghét cai ghét đắng Thị Mầu trong Quan Âm Thi Kinh… Thưa anh, thật ra sách nào tôi cũng thích đọc, trừ những sách giết chóc đẩm máu, ác ôn, trộm cướp, dâm đảng thì tôi không thích xem.

Có lẽ sự đam mê đọc sách của tôi theo tuổi tác và thời gian. Khi học đến lớp bốn, lớp năm tôi lén lục lạo tủ sách của ba tôi để đọc những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, truyện Thủy Hử kể sự tích anh hùng Lương Sơn Bạc, những truyện đường rừng của Thế Lữ… Rồi những truyện tình cảm của những tác giả khác. Vào trung học tôi đọc truyện của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đọc O Chuột, Gánh Hàng Hoa, Tôi Phải Sống, Nửa Chừng Xuân, Trống mái… Tôi mê những nhân vật tiểu thuyết như chàng sinh viên Ngọc và chú Tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên. Chàng Dũng và cô Loan trong Đoạn Tuyệt…. Tôi mơ mộng theo bài thơ có mấy câu: “Tôi đứng nghiêng mình dưới nắng mai. Vịn ngành sương đọng lệ hoa rơi. Cười nâng tà áo đưa lên gió. Tôi bảo hoa kia khóc hộ người”. Hình như của Thế Lữ phải không anh? Tôi khóc một mình khi đọc bài thơ Ngày Tang Yên Bái “Gió căm hờn rền rỉ tiếng gào than. Trên lưng trời sương trắng phủ màu tang. Ánh mờ lợt của bình minh rất nhẹ. Trên Yên Bái âu sầu và lặng lẽ. Giữa mấy hàng gươm sáng tựa hào quang. Mười ba người chiến sĩ Việt hiên ngang. Thông thả tiến đến trước đài danh dự...”. Tôi thương cảm bài Hổ Nhớ Rừng “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ. Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa. Nhớ sơn lâm bóng cả cây già…”. Tôi xem những tờ báo xuân có từ mười mấy năm trước của ba tôi còn giữ lại … Tôi xem hết, xem cả những mẫu chuyện vui cười, rao vặt. Thường thì tôi ít khi xem sách dịch của Âu Mỹ vì nó khô khan vì nó không đi sát với tâm hồn người Á Đông. Không biết tại tác giả, hay tại dịch giả không nói lên hết đươc ý tình của tác giả. Đến khi đi làm, tôi thích đọc những tác giả Việt Nam đương thời và tiểu thuyết của bà xẩm Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch.

10/ HTA:

* Chị viết văn và sáng tác thơ vào lúc mấy tuổi? Ai dạy chị làm thơ?

DTDB:

* Lúc học lớp nhì, lớp nhứt thì tôi viết thường là tùy bút, thơ bốn chữ, năm chữ chừng 4 câu hoặc 8 câu, trong báo tường của lớp, của trường. Lúc bấy giờ tôi ham viết lắm.

Anh còn hỏi mắc tôi chi vậy? Có trường nào mà dạy làm thơ? Tôi viết ra, đọc nghe êm tai, chữ nầy không đối chọi chữ kia thì tôi cho là được. Khi viết xong đọc đi đọc lại nhiều lần, sữa đổi, trao chuốt riếc rồi nó quen đi.

Bộ anh không nhớ nhà văn Xuân Vũ đã nói sao? “Có ai mới sanh ra mà biết làm thơ viết văn bao giờ đâu? Viết riếc rồi nó quen đi. Và trên đời nầy cũng chưa có trường nào dạy ai làm thơ viết văn mà người đó trở nên nhà văn, nhà thơ hay nổi tiêng cả. Trời sanh con người có khiếu thì văn thơ đó có từ trong máu huyết rồi, chỉ chờ có môi trường thích hợp là nó bộc phát ra, chớ không có ông thánh ông thần nào dạy mà nên được. Cho nên viết văn làm thơ không dính dáng gì với bằng cắp cả… Điển hình nhứt là nữ văn sĩ nổi tiếng Nguyễn Thị Vinh. Sách của bà còn được làm sách giáo khoa dạy trong các trường học nữa kìa…”

11/ HTA:

* Tính ra cho tới bây giờ chị có bao nhiêu thi tập? Có bao nhiêu quyển tiểu thuyết?

DTDB:

* Thưa anh tôi đã phát hành được 6 thi tập, và 4 truyện dài. Chưa kể tôi đã xuất bản một tập nhạc do nhạc sĩ Thông Đạt (Văn Giảng), nhạc sĩ Hiếu Anh, cùng nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc cho những bài của tôi. Ngoài ra tôi còn ra băng cassette ngâm thơ, và hai CD ngâm thơ.

12/ HTA:

* Sao chị thích làm thơ ca tụng lính? Chị thích nhà thơ Việt Nam nào? Lý do?

DTDB:

* Tôi xin trả lời anh câu sau trước là tôi thích nhà thơ Hữu Loan. Vì ông là người thơ, người chồng và người lính rất thơ, mặc dù ông ở khác chiến tuyến với chúng ta. Tôi còn thích bài thơ Vườn Cau Quê Ngoại của Hồ Trường An nữa. “Cho dù không biết tác giả là ai, chỉ cần đọc xong bài thơ đó, người ta biết ngay tác giả đã trở thành thi sĩ” (Mượn lời nhà văn khả kính Xuân Vũ đã nói).

Tôi sinh ra và lớn lên trong quê hương chinh chiến. Gần như tất cả những người trai Miền Nam nước Việt đều đi lính. Họ theo gương cha ông vào binh chủng nầy hoặc binh chủng khác, đem xương máu mình để bảo vệ gia đình, giữ gìn lãnh thổ. Sự hy sinh cao cả của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa đó, làm sao tôi không ngưỡng mộ, không sùng bái, không tôn thờ được? Trong tâm lòng tôi họ là tất cả, tất cả của những gì cao đẹp nhứt của nam nhi thời quê hương chinh chiến. Và trong những quân nhân hào hùng đó có cha tôi, có họ hàng tôi, có bạn bè tôi… Có cả chồng tôi nữa, mà chàng đã bỏ lại chiến trường An Lộc 70% thân thể của mình năm 1972.

13/ HTA:

* Cô Cao Minh Thu trong Chân Trời Hạnh Phúc, cô Tuyết Nhạn trong Trong Lâu Đài Kỷ Niệm, Cô Thu Bình trong Xa Bến Thiên Đường, cô Thể Hà trong Vén Màn Sương Ảo Mộng có phải là tác giả không? Hay là hình ảnh của tác giả pha trộn với hình ảnh ai khác? Hay chỉ thuần là nhân vật tưởng tượng?

DTDB:

* Tôi viết theo sự đòi hỏi của tâm tư. Khi viết, tôi không do dự, không so đo, không trau chuốt, không gượng ép, không tranh giành, không đắn đo, không cân nhắc và cũng không kỳ vọng… Cho nên tôi viết rất dễ, muốn viết, thích viết thì cứ viết. Nhưng thú thật với anh, tôi chưa có khả năng để hư cấu từ cốt truyện hoặc các nhân vật trong truyện dài của tôi. Cho nên tất cả các truyện dài tôi đã viết có cốt truyện thật, nhân vật thật, hoàn cảnh thật, không gian thật… Đó là những nhân vật tôi biết, tôi quen. Những hoàn cảnh tôi nghe, tôi hiểu. Những cảnh vật tôi đã đi qua hoặc tôi đã thấy, hay tôi tìm tòi trong sách vở. Viết để thỏa thích tâm hồn nên tôi không bị chi phối hay bị một áp lực của hoàn cảnh nào bên ngoài hết. Tôi chỉ thay tên đổi họ, o bế, gò gẫm thêm bớt mặn, ngọt, đắng, cay, hay chua, chát… cho các nhân vật, cũng như người đầu bếp nấu thức ăn làm sao trước hết là cho ngon miệng mình và sau được vừa miệng nhiều người khác. Chỉ đơn giản vậy thôi anh.

14/ HTA:

* Cũng vậy, chàng Vĩnh trong Chân Trời Hạnh Phúc, Chàng Dư Khải Minh trong Trong Lâu Đài Kỷ Niệm, chàng Tùng trong Xa Bến Thiên Đường, chàng Đông Nhựt trong Vén Màn sương Ảo Mộng có phảng phất hình ảnh phu quân chị không?

DTDB

* Hình ảnh phu quân tôi có 80% trong tập truyện Chân Trời Hạnh Phúc và ba cuốn truyện dài kia, phu quân tôi bàng bạc trong đó nhứt là dáng vóc và tánh tình.

15/ HTA:

* Chị có những sâu đậm nào khi còn học trường đào tạo y tá. Xin nói luôn về thời chị làm việc tại bịnh viện Mỹ Tho.

DTDB:

* Khi biết tôi đậu vào trường y tá, má và bà ngoại tôi còn mừng hơn tôi. Hai bà nói tôi làm việc cứu người. Hai con em tôi thì chúng thích mặc đồ đồng phục của y tá vì trông nó cao quí, sạch sẽ và đẹp quá là đẹp. Nhưng chúng không thích làm nghề y tá, vì mùi cồn, thuốc đỏ, thuốc tím… khó chịu lắm. Những người đến nằm bịnh viện, hoặc khám bịnh rồi về cũng vậy, không bị bịnh thông thường thì cũng bịnh truyền nhiễm, hay què quặt… Trông buồn thảm lắm! Hai con nha đầu ấy thường bảo như vậy.

Tôi thì đang rầu thúi ruột, vì những nghề mình thích thi đều bị trợt vỏ chuối, còn nghề không ưa thì lại được. Gần đến ngày nhập học tôi uể oải khăn gói lên đường. Mặc dù đi học cái nghề không thích, nhưng tôi hết sức cố gắng học hành. Trong khoảng thời gian dài học và thực tập có biết bao nhiêu kỷ niêm, vui có, buồn có, kể sao cho hết. Nhưng phải nói rằng thời gian đi học y tá với những bạn đồng lớp là thời gian mộng ước, hồn nhiên, hạnh phúc của lứa tuổi chập chững vào đời. Tôi có hai cô bạn hiền dễ thương, chúng tôi sống chung trong nhà trọ. Chúng tôi thảnh thơi, yêu đời, xí xọn, dung dăng, dung dẻ, ăn diện theo sở thích của mỗi đứa, làm những chuyện khùng điên dễ ghét. Nhưng chúng tôi vẫn ngoan hiền, vẫn luôn giữ khuôn khổ nề nếp gia phong lễ giáo của gia đình.

Hai cô bạn cùng khóa của tôi, một đứa người Sài Gòn, một đứa sanh ở Đà Lạt nhưng cha mẹ gốc Huế, bà mẹ lại là một Công Tằng Tôn Nữ…

Khi ra trường, tôi về làm ở bịnh viện Mỹ Tho vào đầu năm 1968. Thành phố Mỹ Tho là một trong những thành phố bị thiệt hại nhứt trong cuộc Tổng tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân. Từ Trung Lương vào Giếng Nước (thành phố), nhà cửa san sát phồn thịnh gần như bị tàn rụi. Và chừng 4, 5 giờ chiều thì dân mang chiếu gối đến ngủ trong khuôn viên bịnh viện. Dù nhân viên an ninh trật tự của bịnh viện ngăn cấm, vẫn không cản được họ. Bởi dân chúng nghĩ rằng giặc sẽ không pháo kích vào bịnh viện. Nhưng họ đã lầm, giặc Cộng bất chấp thủ đoạn tàn ác thì có nơi nào chúng từ nan? Kể cả trường học, nhà thờ, giáo đường, chùa… Tôi nhớ lúc mới về nhận việc ở Mỹ Tho, bác sĩ Võ Văn Cẩn quyền trưởng Ty y tế, bác sĩ Chu Hóa Bằng làm Giám đốc bịnh viện.

Mỹ Tho nước ngọt, cây lành. Thành phố Mỹ Tho hiền hòa nằm uốn mình trên bờ sông Cửu Long. Dân chúng Mỹ Tho đa số sống nhờ ruộng rẫy và vườn cây ăn trái. Cuộc đời tôi nhiều đổi thay trong suốt thời gian gần 14 năm làm ở bịnh viện Mỹ Tho. Tôi lập gia đình cuối năm 1969. Tôi sanh hai đứa con ở thành phố nầy. Tôi được chứng kiến dòng xoay chuyển lịch sử của quê hương Ngày 30, tháng 4 năm 1975 (nước Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản).

16/ HTA:

* Cô bạn Hồng và Huệ của Cao Minh Thu trong Chân Trời Hạnh Phúc, có phải là hình ảnh đồng nghiệp của chị không? Nếu phải xin chi cho đọc giả chúng ta biết hai nhân vật đó.

DTDB:

* Khi nhận sự vụ lệnh để đi làm, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là từ rày đời mình bước ra khỏi ngưỡng cửa của gia đình để tự lập nghiệp. Nhưng tôi không khỏi lo sợ tình đời, tình người… Bởi mình sắp đến

một nơi xa lạ không người thân quen, bè bạn. Tôi thật sự bỡ ngỡ khi xách va-li đi nhận việc. May mà gặp được hai người làm chung. Tuổi tác chúng tôi không xê xích nhau bao nhiêu, tụi tôi cũng còn độc thân nên dễ cảm thông và kết thành bạn thân. Lúc nào hai cô bạn nầy cũng sống vui, sống khỏe, sống yêu đời, sống hạnh phúc dù trời có sập đi nữa hai cô cũng nhoẻn miệng cười vui, pha trò, nói tếu gây không khí cởi mở, nhiều cảm tình với người chung quanh mình. Hai đứa đó lúc nào cũng chí chóe, ơi ới bên tai tôi, đôi lúc làm tôi bực lắm. Nhưng hai cô bạn nầy là những người không bao giờ có ý xấu hoặc phàn bội lại bạn bè.

Cũng thế, hai cô Thu Trinh và Thúy Hiền là bạn đồng khóa với Tuyết Nhạn trong Trong Lâu Đài Kỷ Niệm, vậy ở ngoài đời, họ có phải là bạn đồng nghiệp với chị không? Cả ba nhân vật, Diệu Tâm, Ánh Ngọc, Vân Anh là bạn đồng nghiệp của Tuyết Nhạn có phải là bản sao của các bạn đồng nghiệp của chị ở bịnh viện Mỹ Tho không?

Thưa anh, đi học chuyên nghiệp, tôi phải sống xa nhà, nên buồn lắm anh ơi. Hai cô bạn Thúy Hiền và Thu Trinh lúc nào cũng rủ rê tôi đi phá thầy, phá bạn, đi ăn quà vặt, đi xem phim, đi dạo phố… Đôi lúc nổi nóng, tôi nạt tụi nó tưới hột sen, nhưng tụi nói không bao giờ hờn giận, còn chọc quê lại tôi nữa. Nhưng khi nghỉ lễ, nghỉ Tết có thời gian dài thì ai về nhà nấy để sống với gia đình. Chỉ chừng đôi bữa thôi, tôi thấy nhớ chúng nó lắm.

Thúy Hiền và Thu Trinh là bạn đồng khóa chớ không phải bạn đồng chỗ làm, thưa anh. Trong truyền dài Trong Lâu Đài Kỷ Niệm ba nhân vật nữ là Diệu Tâm, Ánh Ngọc, Vân Anh đúng là ba người bạn đồng nghiệp rất thân với tôi. Chị Diệu Tâm còn là chị em cô cậu với phu quân tôi. Ba nhân vật nầy hiện giờ sinh sống như sau:

*Ánh Ngọc nghỉ việc sau cuộc đổi đời, nó về quê chăm lo mấy công vườn cây ăn trái là vườn đất của bên nội con nó chia cho hôn phu nó ở cù lao Ngũ Hiệp, mà con trai độc nhứt của nó được quyền thừa hưởng tài sản của cha mình.

* Vân Anh nghỉ việc về lập nghiệp ở Sài Gòn. Con nhỏ gặp vận may, dựa hơi ông anh chồng có quyền thế nên vợ chồng nó chuyên môn thầu vé số. Bây giờ có xe hơi riêng và mấy căn nhà lầu ở rải rác trong thành Hồ.

* Chị Diệu Tâm, trước sau gì cũng thủy chung với nghề, năm nay đã hưu trí. Bé Chìm Bồ Câu, con gái của chị ngày xưa ăn cơm bịnh viện nhiều hơn cơm nhà nay đã ra đại học sư phạm, đi dạy ở Vĩnh Long và đã có chồng có con. Bây giờ chị sống với vợ chồng đứa con gái, vui tuổi già hưởng hạnh phúc bên đàn con cháu.

18/ HTA:

* Còn hai cô chị (Tuyết Hồng, Tuyết Loan), và hai cô em (Tuyết Oanh, Tuyết Nga) của Tuyết Nhạn trong nhóm Ngũ Long Công chúa Trong Lâu Đài Kỷ Niệm thì Sao? Họ có phải là chị em của chị hay là các nữ nhân vật chị tưởng tượng?

DTDB:

* Chị Tuyết Hồng, chị Tuyết Loan và hai cô em Tuyết Oanh, Tuyết Nga là hai chị và hai em ruột cùng cha cùng mẹ với tôi đó anh. Thời gian sau nầy, chị Tuyết Hồng tôi cùng chồng dọn ra làm ăn ở Đà Lạt, vì có lần đi viếng những thắng cảnh ở đây về chị bị cám dỗ. Chị luôn mơ ước về sống ở vùng thời tiết dịu mát và cảnh vật thơ mộng dù có chết ở Đà Lạt chị cũng cam lòng. Và ước muốn chị tôi thành đạt. Chị qua đời chưa tròn 50 tuổi, bị hậu sản sau khi sanh cháu bé thứ 11. Anh rể tôi và hai đứa con trai chị đang sống ở Nam California.

* Vợ chồng chị Tuyết Loan vẫn ở Cần Thơ. Khi chồng chị đi học tập, với lương dạy học của cô giáo ngoài biên chế, phải nuôi chồng bị tù đày và 5 đứa con nhỏ, nên cảnh sống của mẹ con chị cũng vất vả lắm. Nay thì các con chị đã có gia đình hết rồi, vẫn còn kẹt lại bên đó. Và anh chị tôi cũng đã qua đời từ mấy năm trước.

* Tuyết Oanh theo gia đình bên chồng rời Việt Nam, ngày giặc chiếm miền Nam. Hai con, trai đã lấy vợ, và gái của nó đã đi làm ở xa. Vợ chồng Tuyết Oanh ở tiểu bang Illinois.

* Vợ chồng Tuyết Nga ở Chicago từ qua Mỹ cho đến nay. Chúng vượt biên theo tàu đăng ký. Chồng nó lái tàu và khi đi đứa con đầu lòng của nó sanh mới có hai ngày. Thằng nhỏ bây giờ đã ra đai học với bằng PH,D. Tuyết Nga có 3 con, 2 trai, một gái. Con gái nó đã có gia đình riêng rồi.

19/ HTA:

* Nhân vật Hoàng Hoanh trong Chân Thời Hạnh Phúc là nhân vật thật hay nhân vật giả tưởng? Nếu là người có thật thì xin chị nói qua về đương sự.

DTDB:

* Hoàng Hoanh và tôi là hai chị em chú bác ruột. Tôi con người thứ năm, Hoanh con của chú út. Nó gọi ba tôi bằng bác. Hoanh là con cả trong gia đình có 6 anh em. Nó là một người con hết sức xứng đáng với gia đình chú tôi. Nó giống cha nên cao ráo, khôi vĩ, học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ, rất mực thương em. Nó là sĩ quan hải quân được du học ở Mỹ về ngành chuyên môn nhiều lần. Vì gia đình không chịu rời Việt Nam trước ngày giặc chiếm, nên nó kẹt ở lại bị nhốt trong tù cải tạo… Đến khi trốn ra được, lái tàu chở người đi vượt biên bị cướp biển giết chết!

20/ HTA:

* Khi viết văn chị chọn cốt truyện trước hay nhân vật trước? Lý do.

DTDB:

* Thưa anh, thường thì tôi chọn cốt truyện trước, rồi sau đó mới chọn nhân vật. Vì có cốt truyện rồi tôi mới viết được. Anh biết không? Những nhân vật trong truyện, dù tôi không ưa, hoặc tôi thích thì tôi lựa người nào đó ở trong xóm, hoặc người cùng sở, hoặc dòng họ xa gần với tôi, mà tôi biết về họ có những điểm na ná giống những nhân vật tôi sẽ viết… Khi chọn được nhân vật vừa ý, thì tôi say sưa viết, vừa viết vừa tán hươu tán nai, vừa thêm thắt cho người đó, câu chuyện đó, ngoại cảnh đó thêm ngọt ý, đẹp tình.

21/ HTA:

* Vì sao chị có vẻ ái mộ đến tôn sùng các tác phẩm của nữ sĩ Quỳnh Dao? Chị thích những quyển nào của bà ta? lý do.

DTDB:

* Tôi nhớ lâu lắm rồi, năm đầu tôi mới về nhận việc làm ở bịnh viện Mỹ Tho. Ngày cuối tuần đó tôi trực, lại đúng vào ngày cuối năm. Nghĩa là thứ bảy ngày 29, chủ nhật là ngày mùng một Tết ta. Bịnh viện đã buồn rồi mà những ngày đó còn buồn hơn, vì người nhà của bịnh nhân rước họ về ăn Tết. Trừ những bịnh nhân bịnh nặng. Tôi nhận trực 7 giờ sáng thứ bảy và sẽ ra trực 7 giờ sáng chủ nhật ở trại bài lao. Tôi tức tối lầm bầm rủa sả ông y tá trưởng sao sắp tôi trực vào những ngày như vậy. Đêm đó không bịnh nhân nào gọi cả. Tôi đi qua kiểm soát mấy lần, họ say ngủ tiếng thở pho pho. Nhưng tội nghiệp tôi thức trắng cả đêm để đọc cuốn Cánh Hoa Chùm Gửi của Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch, mà cô bạn ra trực lúc sáng cho mượn. Từ đó tôi thích đọc sách của tác giả nầy. Tôi thường mất nhiều giờ trong những buổi chiều tan sở đi lục lạo tìm mua tiểu thuyết của Quỳnh Dao ở các tiệm sách. Tôi thích đọc sách của bà xẩm nầy lắm anh à, vì bà viết vừa tầm hiểu biết của tôi. Bà tả cảnh sắc, người, vật, sự vật gọn gàng tươi sáng, sống động. Đọc sách bà tôi tưởng như mình đang ngồi xem một đoạn phim với tất cả những gì bà viết trong sách hiển hiện ra hết. Cốt truyện bà lành mạnh, ai ở hiền gặp lành, tích ác phùng ác.

Theo tôi, đọc sách là để cho tâm hồn được thảnh thơi, để mở mang kiếng thức. Mỗi lần đọc xong một tác phẩm nào đó của bà tôi cảm thấy tâm hồn rất thoải mái và dễ chịu. Những nhân vật, hoàn cảnh, sắc màu dưới ngòi bút của bà tôi rất dễ cảm nhận. Tôi thích những cuốn của bà như: Tình Buồn, Bên Dòng Nước (Bên Bờ Quạnh Hiu), Hãy Ngủ Yên Tình Yêu, Cánh Hoa Chùm Gửi, Xóm Vắng, Dòng Sông Ly Biệt (Yên Vũ Mông Mông)…

22/ HTA

* Chị thích phim phóng tác của Quỳnh Dao không? Vậy những tài tử nào mà chị thích nhất trong các phim ấy?

DTDB:

* Hồi lúc ở quê nhà tôi thích nhứt phim Mùa Thu Lá Bay phỏng tác theo tiểu thuyết của tác giả Quỳnh Dao. Phim nầy hình như là tài tử Chân Trân cô đóng hai vai nữ chánh. Một cô thì kiều nhược, một cô thì nhí nhánh yêu đời, dễ thương. Cả hai vai do cô đóng rất xuất sắc. Vai chánh nam là tài tử Đặng Quang Vinh, anh có dáng vóc thư sinh vừa có một chút ngỗ ngỗ, vừa có một chút ngáo ngáo trông rất dễ thương. Sang Mỹ tôi được xem nhiều phim phỏng theo tiểu thuyến Quỳnh Dao. Thường thì Tài tử nữ Lưu Tuyết Hoa đóng vai chánh và nam vai chánh là Tần Hán đảm nhiệm. Lưu Tuyến Hoa không đẹp bằng những tài tử đương thời khác nhưng cô diễn xuất tài tình, linh động vô cùng. Trong phim Tình Buồn cô đóng hai vai, một trẻ, một trung niên. Vai trẻ, là một người con gái nhí nhảnh, ngây thơ, hồn nhiên. Cùng trong phim đó cô đóng vai người mẹ thật tuyệt vời!

Tần Hán chỉ có duyên, diễn xuất hay nhưng ông có cái lưng hơi cong, và so với cô Lưu Tuyết Hoa thì chắc ông trọng tuổi hơn nhiều nên trông không xứng với tài tữ Lưu Tuyết Hoa trong những phim mà cặp tài tử nầy đóng đôi tình nhân trẻ chẳng hạng.

23/- HTA:

* Chị thích nhạc ca tụng lính Việt Nam Cộng Hòa, vậy những nhạc sĩ nào mà chị thích nhất? Ca sĩ nào chị thích nhất?

DTDB:

* Tôi chỉ thích nhạc yêu lính, nhạc hùng, nhạc tình của nhạc sĩ nầy một bản, của nhạc sĩ kia đôi bản. Nhưng có nhạc sĩ viết những bản nhạc về lính dù là nhạc vui hay nhạc buồn từ điệu nhạc, lời ca rất trong sáng, rất thâm trầm dễ gây bồi hồi và lòng xúc cảm cho thính giả, trong đó có tôi. Thưa anh, tôi muốn nói, đó là nhạc sĩ Thông Đạt – Văn Giảng, Lê Dinh, Nguyễn Văn Đông, Trúc Phương.

Tôi thích giọng ca cổ nhạc của: Út Trà Ôn, Minh Chí, Minh Cảnh, Út Bạch Lan, Ngoc Giàu, Ngọc Hương. Về tân nhạc, tôi thích giọng ca của: Ngọc Cẩm – Nguyển Hữu Thiết, Sơn Ca, Thanh Thúy, Lê Uyên, Duy Khánh, Thanh Vũ, Duy Trác. Các ca sĩ ở hải ngoại thì có: Kim Anh, Tuấn Vũ, Ngọc Hạ, Trần Thái Hòa, Quốc Tuấn, Quang Lê.

24/ HTA:

* Hãy kể chuyện vượt biên tìm tự do của chị.

DTDB:

* Gia đình tôi rời quê hương ngày 13 tháng 5, năm 1979. Vào Mỹ tháng giêng năm 1980. Tính đến ngày định cư chúng tôi ở trại tỵ nạn hơn 9 tháng. Chúng tôi chuyển qua mấy mấy đảo của nước Indonesia. Có cuộc vượt tuyến nào không gian lao nguy hiểm đâu anh! Ở trại tỵ nạn, chúng tôi đã nghe, đã thấy, đã biết được bao nhiêu điều, bao nhiêu cảnh tình oan trái, đau thương nát lòng mà thuyền nhân gánh chịu!

Xin anh cho tôi được miễn trả lời nhiều chi tiết về câu hỏi nầy. Để cho những cảnh thương đau đó lùi xa dần vào quên lãng đi. Có nói ra thì Cộng sản Việt Nam cũng không sao đền bù được nỗi những tàn độc của chúng đã gây ra để cho dân phải liều chết trốn chạy khỏi nước.

25/ HTA:

* Xin chị kể về đời sống ở hải ngoại của gia đình chị.

DTDB:

* Chân ướt chân ráo đến xứ người, vợ chồng tôi thật vất vả lắm. Ở Việt Nam con cái lúc hoạn nạn còn nhờ vào cha mẹ, anh, chị, em, họ hàng giúp đỡ. Còn xứ nầy thì không, bước đầu được sự dìu dắt của thân nhân là có phước lắm rồi. Bên nầy ai cũng làm việc trối chết. Có làm mới có ăn. Thời giờ là tiền bạc mà.

Làm lao động như chúng tôi dĩ nhiên là phải cực về tay chân rồi, ăn mặc lại xuề xòa, đơn giản. Làm việc chung trong hảng xưởng đông người, chật chội, hổn độn, lẩn lộn đủ hạng người tứ xứ. Không như những người có bằng cấp cao thì mặc quần áo đẹp, làm việc trong văn phòng, đầy đủ tiện nghi như mùa nóng có máy lạnh, mùa lạnh có lò sưởi giữ ấm áp…

Nhưng nói riêng anh nghe, vợ chồng tôi tuy làm việc nặng nhọc hơn những người khác. Nhưng gia đình chúng tôi sống rất thoải mái và hạnh phúc. Vì chúng tôi thật sự luôn bằng lòng cho những gì mình hiện có.

26/ HTA:

* Giao tình của chị giữa các văn nghệ sĩ ra sao? Xin kể văn sĩ nào mà chị tiếp xúc nhiều nhứt?

DTDB:

* Ngày xưa tôi thường tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Văn Ba, vì anh vừa là người bạn đồng môn vừa là người đồng điệu với tôi. Tôi hay điện đàm với nhà văn Xuân Vũ, vì ông xem tôi như người em gái ruột của mình (Cả hai nhà văn nổi tiếng nầy đều đã qua đời). Tôi cũng thường tiếp xúc với nhà thơ, nhà báo Phương Triều. Vợ chồng tôi thân với anh mà kể cả với vợ anh và các con của anh chị. Mấy năm nay anh Phương Triều lâm trọng bịnh, và gần đây anh trở bịnh không nói được, chỉ dùng điện thư.

27/ HTA:

* Xin kể một ngày hiện tại của nữ sĩ Dư Thị Diễm Buồn.

DTDB:

* Anh gọi tôi bằng nữ sĩ , tôi cảm thấy mắc cỡ quá đi! Hãy gọi bằng Diễm được rồi. Thưa anh, sau gần 25 năm sống ở vùng Chicago lạnh lẽo khắc nghiệt để làm có tiền nuôi con ăn học. Nay thì ba đứa con chúng tôi đã ra trường và đi làm xa. Chúng tôi bây giờ không lo phải phụ trả tổn phí học hành cho các con như lúc chúng còn đi học nữa. Chúng tôi vẫn chưa đến tuổi hưu trí anh ơi. Phu quân tôi xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe, và được trả lại tiền mà hăm mấy năm nay đi làm, mỗi lần lãnh lương phải đóng bao nhiêu phần trăm vào đó. Họ gọi tiền trả nầy là tiền pension. Còn tôi thì nghỉ việc theo chồng. Chúng tôi dọn về ngoại ô Sacramento (ở gần con gái).

Bây giờ không đi làm nên tôi có thời gian rỗi rảnh nhiều hơn. Theo thói quen, tôi không ngủ trể được. Sáng sớm chúng tôi đi bộ trên những con đường và qua công viên gần nhà. Khoảng thời gian nầy chúng tôi có nhiều chuyện để nói, để bàn như là thời cuộc, bạn bè, gia đình, và cũng để càm ràm nhau về những ý kiến bất đồng. Đi bộ xong, về uống ca-phê, ra săm soi các cây cảnh trồng trước sau nhà. Cháu ngoại qua, tôi giữ cháu, cho cháu ăn. Cháu ngủ thì bà ngồi đọc email, tin tức… viết sách khi nào cảm thấy có hứng thú. Nấu cơm ăn. Đôi lúc, tôi đi ra ngoài làm một vài thứ việc cần thiết như đi bưu điện, đi chợ… Ăn cơm chiều xong thì hay ngồi sau nhà uống trà. Tối thì hay nghe tin tức, thời sự ở truyền hình, và đọc tin trức trên các tạp chí, đọc sách. Có khi xem phim bộ, phim tân nhạc. Sớm nhứt là 10 giờ, tôi mới đi ngủ. Những ngày cuối tuần thì chúng tôi hay đi dự tiệc cưới, dự những buổi tổ chức về, chánh trị, văn học nghệ thuật như triễn lãm tranh, ảnh, ra mắt sách… Cho đến hôm nay, chúng tôi cũng chưa vô hội đoàn hay đoàn thể nào hết. Nhưng khi được mời, thì chúng tôi thường đến tham dự.

28/ HTA:

* Tại sao chị lấy bút hiệu Dư Thị Diễm Buồn? Lý do nào, động lực nào, kỷ niệm nào đã thúc đẩy chị?

DTDB:

* Sao anh hỏi tôi nhiều quá vậy? Anh là người thứ 1001 hỏi tôi câu nầy đó nghen. Nãy giờ anh có thấy tôi buồn chút nào chưa? Anh chỉ thấy tôi vui vẻ, cười nói phải không? Nếu câu “Cười là tiếng khóc khô không lệ” đúng, thì đó là nỗi lòng của Dư Thị Diễm Buồn! Bỏ nước ra đi thì làm sao mà vui được, hả anh?

29/ HTA:

* Xin chị cho biết dự định văn chương của chị trong tương lai?

DTDB:

* Tôi không dự tính gì, và cũng không đòi hỏi, không tranh gìành, không kỳ vọng gì ở viết lách của mình cả anh ạ. Bởi viết là niềm vui, là sở thích phải có trong đời sống cá nhân. Tôi chỉ cầu xin sao trời cho còn nguồn cảm hứng để viết. Tôi sẽ viết hoài, viết mãi… viết để mình đọc, và để độc giả thương mến cùng đọc. Và tôi mong có một điều: “Xin đến với văn thơ tôi bằng sự chia xẻ chân tình, bằng lòng tha thứ và cảm thông”.

30/ HTA:

* Xin cảm ơn chị Diễm Buồn.

DTDB:

* Chân thành cảm ơn anh Hồ Trường An, về buổi tâm sự hôm nay qua bài phỏng vấn nầy. Xin được chân thành cảm ơn tất cả những độc giả, những văn nghệ sĩ đàn anh, đàn chị. Những mạnh thường quân, phu quân và các con tôi. Đã hết lòng thương mến giúp đỡ Dư Thị Diễm Buồn từ vật chất đến tinh thần để được hoàn thành những tác phẩm của mình.