Bài nhận từ Ds. Cao Xuân Thanh Ngọc - 12/05/2016

Christina Cao, Pharm.D. (Cao Xuân Thanh Ngọc)

Giám đốc Hệ thống Dược Tập đoàn Quản lý Y tế Prime

Với hơn 10 năm kinh nghiệm hành nghề dược sĩ ở Mỹ, tôi xin được chia sẻ vài thông tin chính yếu về ngành Dược của Mỹ. Tôi sẽ tập trung nói từng bước một từ khi chuẩn bị vào trường dược, các bằng cấp có liên quan đến ngành nghề này cũng như những chọn lựa có thể có của người Dược sĩ khi mới ra trường.

Để trở thành một Dược sĩ, bạn phải trải qua nhiều năm học tập, huấn luyện để có được những kiến thức cần thiết, kỹ năng và các chứng chỉ. Khi bạn quyết định theo đuổi ngành Dược, sự nghiệp học tập của bạn sẽ phải thay đổi theo. Một Dược sĩ phải tốn từ 6 đến 13 năm để học những khóa học dự bị bắt buộc, khóa Doctor Dược (Doctor of Pharmacy), đi lâm sàng và tham dự những kỳ thi quốc gia.

Những khóa học dự bị dành cho các Dược sĩ tương lai chủ yếu tập trung vào 2 môn Sinh học và Hóa học. Ở bậc đại học, những môn này là nền tảng cho việc học dược nâng cao. Sinh viên tham dự chương trình Doctor Dược sẽ có một vài lựa chọn. Có 2 lựa chọn chính để chuẩn bị học chương trình Doctor Dược: Lựa chọn đầu tiên là một khóa học 2 năm dự bị để sinh viên tập trung vào các khóa học nặng về khoa học để tạo điều kiện sẵn sàng tham dự kỳ kiểm tra đầu vào trường dược (PCAT). Lựa chọn thứ hai là lấy bằng cử nhân của những ngành khoa học có liên quan (như sinh học, hóa học) trước khi chuyển sang chương trình Doctor Dược. Lựa chọn này linh động hơn khi cho phép sinh viên tốt nghiệp có thêm những tùy chọn khác bên cạnh ngành dược. Vài sinh viên thích lựa chọn này vì có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho kỳ thi PCAT.

Bằng Doctor Dược là bước chuyên môn đầu tiên để hành nghề như một Dược sĩ. Tính đến tháng 7/2015, tại Mỹ có 132 trường đại học và trường đào tạo dược được công nhận. Để lấy bằng Doctor Dược luôn cần phải học 4 năm. Trong thời gian này, sinh viên sẽ được học sâu về các môn sinh lý bệnh, dược lý, quản lý sức khỏe và chọn lựa những nơi đi xoay tua lâm sàng để thực tập như bệnh viện, nhà thuốc. Việc đi tua lâm sàng này thật sự giúp những Dược sĩ tương lai chọn được con đường sự nghiệp của mình sau khi vượt qua những kỳ thi lấy bằng dược của tiểu bang và quốc gia ! Có 2 kỳ thi mà các Dược sĩ tương lai phải vượt qua nếu muốn hành nghề dược sĩ tại Mỹ. Kỳ thi Dược sĩ Bắc Mỹ NAPLEX – kỳ thi này đánh giá kiến thức của thí sinh về thực hành dược. Hội đồng dược của tiểu bang thường dùng kỳ thi này để đánh giá khả năng hành nghề như một Dược sĩ của thí sinh. Kỳ thi thứ hai là MPJE – Kỳ thi Luật dược đa tiểu bang – bao gồm bộ câu hỏi chuyên biệt của tiểu bang và liên bang để kiểm tra kiến thức về luật Dược của các Dược sĩ tiềm năng. Nó được xem như là một kỳ thi luật Dược trong thực hành pháp lý.

Cá nhân tôi, khi hoàn tất chương trình Doctor Dược, tôi có được giấy phép hành nghề ở Florida. Tôi chọn thực hành thêm 1 năm nội trú trong bệnh viện để tăng cường thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc đi tua lâm sàng ở nhiều bệnh viện khác nhau trong năm cuối của chương trình Doctor Dược, tôi nhận ra rằng khoa dược trong bệnh viện chính là nơi làm việc phù hợp của mình. Chương trình nội trú giúp tôi vừa làm việc như một dược sĩ vừa tiếp tục việc học lên của mình! Sau 1 năm nội trú, tôi quyết định về lại California – nơi gia đình tôi đang sinh sống – nên phải lấy tiếp giấy phép hành nghề tại California (Mỗi tiểu bang đều có kỳ thi MPJE riêng của mình). Là một Dược sĩ, bạn có nhiều lựa chọn cho sự nghiệp của mình như Dược sĩ cho bệnh nhân nội viện khoa dược của hệ thống chăm sóc sức khỏe, Dược sĩ cộng đồng, Dược sĩ chăm sóc lâu dài, Dược sĩ giảng dạy, Dược sĩ chăm sóc lưu động, Dược hạt nhân, Dược quản lý…và danh sách ngày một nhiều thêm (xin xem thêm chi tiết tại  www.pharmacist.com/career-option-profiles)

Dược sĩ cho bệnh nhân nội viện khoa dược của hệ thống chăm sóc sức khỏe làm việc phối hợp chặt chẽ với điều dưỡng và bác sĩ để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân trong bệnh viện. Hầu hết thời gian, các Dược sĩ không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhưng họ hỗ trợ chọn lựa những thuốc tối ưu nhất cho bệnh nhân. Những Dược sĩ này có thể gặp bệnh ung thư, liệu pháp tiêm truyền tĩnh mạch, chăm sóc trẻ sơ sinh, dinh dưỡng, điều trị đau, người già và nhiều nữa. Những Dược sĩ của hệ thống chăm sóc sức khỏe thì có nhiều trách nhiệm như pha chế thuốc, theo dõi liệu pháp điều trị bằng thuốc, chuẩn bị cho liệu pháp tiêm truyền tĩnh mạch, và phụ trách nhập thuốc.

Dược sĩ cộng đồng đảm bảo cho bệnh nhân trong cộng đồng được nhận thuốc và quan tâm đến nhu cầu này của bệnh nhân. Họ tư vấn cho người dân khi có thắc mắc về thuốc như tương tác giữa thuốc và thức ăn, giữa thuốc và thuốc hay đơn giản là làm sao để uống thuốc hiệu quả nhất !

Khi những người Mỹ sống lâu hơn, nhu cầu về Dược sĩ chăm sóc lâu dài sẽ càng tăng lên từng ngày. Họ làm việc ở nhiều tổ chức như những bệnh viện có nhiều phương tiện chăm sóc điều dưỡng, nhà thuốc chăm sóc lâu dài, các cơ sở chăm sóc tại gia, phục hồi chức năng. Những Dược sĩ này chịu trách nhiệm cho dân cư về phác đồ điều trị thuốc, yêu cầu về liều dùng, và quyết định công thức.

Có nhiều Dược sĩ thích hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực hành lâm sàng hay nghiên cứu khoa học. Những Dược sĩ này liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến bệnh nhân bằng những dịch vụ hay chương trình quản lý phác đồ sử dụng thuốc. Nhiệm vụ của họ bao gồm những công việc điều phối, nghiên cứu khoa học, giảng dạy sinh viên dược, tư vấn sinh viên và hướng dẫn sinh viên trong quá trình đi tua thực tập

Sự nghiệp của tôi lại đẩy đưa đến vị trí quản lý dược công ty. Sau khi hoàn thành chương trình nội trú, tôi bắt đầu làm việc như một Dược sĩ lâm sàng trong bệnh viện. Tôi làm được 3 năm thì có cơ hội được trở thành Quản lý dược do Công ty đang khuyết vị trí này. Mặc dù, chưa hề có kinh nghiệm quản lý, nhưng tôi chấp nhận thử thách để hoc hỏi. Kể từ đó, tôi làm Quản lý dược cho nhiều bệnh viện. Sự nghiệp tôi tiếp tục được thăng tiến khi trở thành Quản lý dược của hệ thống. Lúc đó, tôi quản lý khoa dược của 28 bệnh viện rãi khắp nước Mỹ. Và chỉ 1 năm sau, tôi được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc dược của hệ thống, quản lý 40 khoa dược bệnh viện ở tuổi 40 !. Tính đến lúc đó, trong ngành dược chưa có ai đảm nhiệm chức vụ tương tự ở lứa tuổi trẻ như vậy.

Trách nhiệm hàng ngày của tôi là phối hợp và giám sát 40 khoa dược bệnh viện trên toàn quốc; duy trì và xem xét các chính sách/ qui trình để đảm bảo sự điều phối, quản lý, lưu trữ, và sử dụng thuốc an toàn tại tất cả các nơi trong hệ thống; quản lý tối ưu hoạt động của khoa dược bao gồm nhân sự, quyết định tài chính về hàng tồn kho và qui trình sử dụng ngân sách; quản lý ngân sách dược lên đến 200 triệu đô la trong toàn hệ thống; làm việc chặt chẽ với Phó Chủ tịch điều hành lâm sàng trong đánh giá và quyết định mua thuốc mới, xác định mức độ yêu cầu cung ứng của khoa dược, thực hiện các khảo sát đánh giá toàn hệ thống, làm việc với người đứng đầu chuyên môn y tế của hệ thống (CMO) và Phó Chủ tịch điều hành lâm sàng để giám sát ngân sách và ứng dụng những kế hoạch phù hợp nhằm sửa chữa và cải tiến chi phí dược của toàn hệ thống; hoạt động như một chuyên viên SME để thiết kế, chuẩn hóa và ứng dụng phần mềm Epic Willow và các phần mềm quản lý dược khác, chuẩn hóa sản phẩm và công thức dược, đảm bảo sự tuân thủ tập trung vào chăm sóc bệnh nhân và hoạt động ổn định của khoa dược với những chính sách và qui trình của hệ thống chăm sóc sức khỏe và qui định của cơ quan chức năng.


Bài liên quan:

- Christina Cao, Giám đốc Dược của 42 bệnh viện tại 14 tiểu bang, được giải thưởng Doanh Gia Xuất Sắc người Mỹ gốc Á

Tuổi thơ của tôi nơi miền đất đỏ Long Khánh

- Bài phát biểu của Ds. Cao Xuân Thanh Ngọc tại buổi vinh danh người Mỹ gốc Á 

- Kinh nghiệm về học ngành dược sĩ của một sinh viên du học 

Du học ngành dược ở Mỹ- Chuyện ít ai biết: Pharmacy School (Phần 1)